Trang

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2013

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ ĐẾN GẶP GỠ CHÚNG TA (Ga 4,1-42; Lc 24,13-35)



ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ ĐẾN GẶP GỠ CHÚNG TA (Ga 4,1-42; Lc 24,13-35)
Chúa của chúng ta không vui thích dạy cho chúng ta một bài thần học hay Ki-tô học thuần túy. Người muốn tác động một cách sâu xa vào tâm lòng chúng ta
Nói về một người thân yêu của chúng ta qua đời, chúng ta đồng ý rằng đó không đơn thuần là một điều duy lý, duy trí, trừu tượng, mà đúng hơn, đó là một vấn đề cụ thể, một vấn đề đụng chạm đến chính bản thân của chúng ta, và chúng ta chuyển đến mức độ của các cảm giác, rồi nhiều lần bộc lộ nó ra ngoài qua nước mắt. Những giọt nước mắt đó là sự diễn tả những tình cảm sâu kín bên trong con người của chúng ta, nó bao gồm cả tâm vàtrí. Trước một tình huống như thế, chúng ta được mời gọi trao ban một sự đáp trả và có một thái độ căn bản xác định rõ ràng.
Một người có đức tin sẽ sự đáp trả phù hợp với những giáo huấn của giáo lý công giáo. Tuy nhiên, nhiều lần, sự đáp trả đó vẫn chỉ được thể hiện ở một mức độ dường như không liên quan gì đến tính cụ thể của cuộc sống hằng ngày. Hay nói cách khác, chúng ta cố gắng đưa ra một sự đáp trả đúng đắn dựa trên nền tảng đức tin Ki-tô giáo, vì chúng ta tin chắc rằng Đức Giê-su Ki-tô đã phục sinh “mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20).
Do đó, một ví dụ tuyệt vời bao gồm hai chiều kích mà có thể có đức tin là: một mặt, ở mức độ trí tuệ, trừu tượng; mặt khác, ở mức độ thực hành, cụ thể trong cuộc sống của chúng ta. Liên quan đến mức độ trí tuệ, mức độ lý thuyết, thuộc về lý trí, thường chúng ta hay nói rằng có một giả thuyết hiển nhiên, trên đó không đáng giá để chúng ta phải đau khổ, bởi vì cuộc sống là thế đó. Lý luận theo kiểu này có nghĩa là bỏ qua một bên những khía cạnh ẩn tàng nhưng rất cụ thể mà đức tin hướng dẫn hành động. Khi nghĩ tới cái chết của một người thân yêu của chúng ta, về sự kiện này, chúng ta không chỉ khẳng định thực tại về sự chết, mà chúng ta còn chú ý đến điều xảy ra trong tận thâm sâu của tâm lòng chúng ta, những giác quan của chúng ta, những cảm xúc của chúng ta, nhiều khi chúng ta không thể kiềm chế hay điều khiển được những cảm giác hay cảm xúc đó. Liên quan đến chiều kích đức tin, ở mức độ cụ thể và thực hành, đòi hỏi chúng ta phải có một sự đáp trả cá nhân. Sự đáp trả đó, để có thể tin tưởng được, phải bao gồm cả yếu tố lý trí, và chuyển đổi từ nội dung đức tin thành vấn đề cụ thể, theo một cách thức mà đức tin có thể dẫn đến thực hành. Kết hợp hai chiều kích trên của đức tin, đức tin như nội dung và đức tin như một thực tại thực hành, chúng ta có một sự đáp trả đáng tin tưởng, một sự đáp trả đáng tin cậy.
Diễn từ của Phao-lô nói chung, như về sự phục sinh của Đức Ki-tô, rất là thực tế, gần gũi chúng ta, không có gì là trừu tượng hay không thể hiểu được. Một sự cụ thể như thế tránh được sự đánh mất chính mình vì những bài diễn từ cao xa khỏi thực tế cuộc sống.
Như tất cả chúng ta biết, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đíc-tô XVI đã khai mạc Năm Đức Tin vào ngày 11 tháng 10 năm 2012, và sẽ được kết thúc vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, Lễ Chúa Ki-tô Vua Vũ Trụ. Trong tự sắc Cánh Cửa Đức Tin (11-10-2012), Đức Bê-nê-đét-tô XVI đã khẳng định rằng “cánh cửa đức tin” luôn luôn mở rộng cho chúng ta. Người viết: “Bước qua cánh cửa đó là dẫn bước vào một hành trình kéo dài suốt đời” (số 1). Chúng ta biết rằng hành trình đó bắt đầu với bí tích Thánh Tẩy và kết thúc với một cuộc vượt qua, vượt qua cái chết thể xác, để tới sự sống vĩnh hằng, theo hành trình đã được phác họa bởi Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chiến thắng sự chết.
Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã khẳng định rằng: “Ngay từ khi bắt đầu sứ vụ của tôi như người kế vị thánh Phê-rô, tôi đã nhắc nhở mọi người về sự cần thiết phải tái khám phá ra hành trình đức tin để càng ngày càng làm sáng tỏ niềm vui và lòng nhiệt thành được đổi mới nhờ gặp gỡ Đức Ki-tô” (Cánh Cửa Đức Tin, số 2). Điều tôi muốn nhấn mạnh là sự kiện “gặp gỡ Đức Ki-tô”, cuộc sống đức tin của chúng ta không có một nền tảng nào khác nếu không là điều này: sự gặp gỡ riêng tư với Đức Ki-tô, sự gặp gỡ của từng người chúng ta với chính Đức Giê-su Ki-tô. Nếu chúng ta ý thức rằng không phải là chúng ta đã quyết định có cuộc gặp gỡ đó, nhưng chính Đức Ki-tô, Đấng đã có sáng kiến đến gặp gỡ chúng ta, chúng ta sẽ bất ngờ và ngạc nhiên vì ân sủng đó, ân sủng sẽ được sống với niềm vui và nhiệt tình đổi mới.
Chúng tôi xin đưa ra đây hai ví dụ về sự gặp gỡ với Đức Giê-su. Ví dụ thứ nhất là cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su bên bờ giếng Gia-cóp với người phụ nữ Sa-ma-ri. Ví dụ thứ hai là cuộc gặp gỡ của Đức Giê-su phục sinh với hai môn đệ trên đường về làng Em-mau.
I. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri (x. Ga 4,1-42)
Trong tự sắc Cánh Cửa Đức Tin (số 3), Đức Bê-nê-đíc-tô có nhắc đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri. Cũng như thường lệ, vào giữa trưa (giờ thứ sáu, x. Ga 4,5), chị đến giếng để lấy nước. Nhưng lần này thì lại khác hẳn, vì Đức Giê-su đang ngồi bên giếng chờ đợi chị (x. Ga 4,6).
Trình thuật của thánh Gio-an thật sâu sắc. Nó lôi kéo chúng ta thực hiện một hành trình khởi đi từ thực tại trần thế, nước giãn cơn khát, đến một thực tại khác, một thực tại thiêng liêng, vì hành trình đó đưa chúng ta đến gặp Đức Giê-su là nước sự sống. Người phụ nữ Sa-ma-ri đã khởi đi từ sự cụ thể, cũng như chúng ta thường làm, và chắc chắn là gặp khó khăn khi đàm thoại với Đức Giê-su. Người phụ nữ đã tự cho mình là có lý khi nói: “Ông là người Do-thái, tôi là phụ nữ Sa-ma-ri, mà ông lại xin tôi cho ông uống sao?” (Ga 4,9). Tuy nhiên, với óc thực tế, người phụ nữ rất ngạc nhiên trước những lời nói của Đức Giê-su: “Thưa Ngài, Ngài không có gầu, mà giếng lại sâu!” (Ga 4,11).
T từ, Đức Giê-su mang lại cho người phụ nữ Sa-ma-ri điều vượt quá những tình tiết cụ thể, vượt lên trên mức độ trần thế: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi uống với’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10). Đức Giê-su chú ý đến khó khăn để người phụ nữ có thể hiểu xa hơn, cho nên Người đã nói với người phụ nữ, người chưa được biết đến “nước” nào khác, ngoại trừ nước từ cái giếng tổ tiên để lại đó: “Phàm ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi sẽ cho, thì muôn đời sẽ không khát. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14). Ngay lập tức, người phụ nữ đã vượt ra khỏi não trạng của mình và xin nước ấy: “Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước” (Ga 4,15).
Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri đi xa hơn những điều rất đặc biệt và cụ thể trong tương quan với người phụ nữ, vì Đức Giê-su đã hé mở những gì liên quan đến chính bản thân chị, và đã lôi cuốn được chị đến mức độ tuyên xưng niềm tin: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự” (Ga 4,25). Đến lúc này, Đức Giê-su đã có thể khẳng định chính mình: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây” (4,26).
Ở Ga 6, thánh Gio-an tường thuật dấu lạ hóa bánh ra nhiều (x. Ga 6,1-15). Tiếp theo đó, ta thấy Đức Giê-su nói với đám đông rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (Ga 6,26). Và Người tiếp tục truyền dạy: “Các ông hãy làm việc không phải để có lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời. Đó là thứ lương thực Con  Người sẽ ban cho các ông” (Ga 6,27). Câu hỏi của đám đông diễn tả những gì chất chứa trong lòng và trong tâm trí của tất cả chúng ta: “Chúng tôi phải làm gì để thi hành những việc Thiên Chúa muốn” (Ga 6,28). Và đây là câu trả lời của Đức Giê-su, một câu trả lời rõ ràng và cụ thể: “Việc Thiên Chúa muốn là các ông tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29).
Dấu lạ hóa bánh ra nhiều nói với chúng ta về việc “ăn”, còn câu chuyện người phụ nữ bên giếng nước với Đức Giê-su thì nói với chúng ta về việc “uống”. Đức Giê-su làm giãn cơn khát và cho đám đông ăn điều mà họ xin: “Thưa Ngài, xin luôn luôn ban bánh ấy cho chúng tôi” (Ga 6,34). Lời thỉnh cầu của đám đông cũng tương tự như lời thỉnh cầu của người phụ nữ Sa-ma-ri: “Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi nước ấy” (Ga 4,15). “Ăn” và “uống” là hai hành động cụ thể, hai hành động rất cần thiết cho cuộc sống thường ngày, và Đức Giê-su đã soi sáng tâm trí chúng ta bằng với những ví dụ rất dễ hiểu.
Cuộc đối thoại giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri không kết thúc bên giếng nước. Nó còn đi xa hơn nữa, như thánh Gio-an khẳng định : “Có nhiều người Sa-ma-ri đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ‘ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm’” (Ga 4,39). Chứng tá của người phụ nữ đã giúp “nhiều người” trong thành đó tin vào Đức Giê-su qua lời của bà. Nhưng đó không phải là tất cả, vì người Sa-ma-ri đã van xin Đức Giê-su ở lại với họ, và Người đã ở lại với họ hai ngày, cuối cùng, thánh Gio-an viết: “Số người tin lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Và họ nói với người phụ nữ: ‘Chúng tôi tin, không còn phải vì lời chị kể nữa! Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (Ga 4,41-42).
Lời yêu cầu của những người Sa-ma-ri xin Đức Giê-su ở lại với họ thêm vài ngày cho phép chúng ta giải thích đó như một dấu hiệu của một ý muốn tốt lành nơi họ. Điều đó cũng chứng tỏ rằng những người Sa-ma-ri đã có một tiềm năng để vui mừng trước sự hiện diện của Đức Giê-su ở giữa họ. Chúng ta có thể nhớ lại một sự kiện khác trong hành trình sứ vụ của Đức Giê-su, đó là, sau khi chữa lành cho người bị quỷ ám (ở miền Thập Tỉnh), dân địa phương đến yêu cầu người đi khỏi đất của họ (x. Mc 5,17; Mt 8,34). Từ đó, chúng ta có thể kết luận rằng, nơi những đối tác của Đức Giê-su, không phải lúc nào cũng có một sự đáp trả tích cực, giống nhau, và thiện cảm. Điều đó thật dễ hiểu, khi chúng ta đối chiếu với cuộc sống của chúng ta hiện nay: có những lúc chúng ta thấy rất dễ dàng, trong khi có nhiều lúc khác, chúng ta lại muốn làm điều mình muốn mà chẳng chú ý đến sự hiện diện của Đức Giê-su trong cuộc đời chúng ta. Kết luận ở đây thật rõ ràng: chúng ta phải biện phân liên tục trong cuộc sống của mình để tìm kiếm ý nghĩa của chính lời đáp trả của chúng ta trong tương quan với Đức Giê-su, Đấng đến gặp chúng ta để cứu chữa những đau khổ và sợ sệt của chúng ta. Trong tương quan với Đức Giê-su, cần phải có một sự đáp trả cá nhân của chúng ta, một sự đáp trả cho thấy một sự thống nhất trong đời sống Ki-tô giáo của chúng ta.
II. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và hai môn đệ làng Em-mau (x. Lc 24,13-35)
Bây giờ chúng ta quan tâm đến cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và hai môn đệ làng Em-mau. Clê-ô-pa và môn đệ khác thất vọng khi mong chờ Đức Giê-su thành Na-da-rét; bước đi, rời thành Giê-ru-sa-lem, mặc dù các phụ nữ đã nói cho các môn đệ biết rằng Đức Giê-su đã sống lại (x. Lc 24,23). Họ không tin vào chứng từ của các phụ nữ, cho dù những người này đã thông tin cho họ về những điều các thiên sứ đã nói liên quan đến  Đức Giê-su. Các phụ nữ đã tin như thế nào? Và bây giờ, làm sao có thể tin được rằng Đức Giê-su đã sống lại?
Trả lời cho những câu hỏi trên sẽ là những câu hỏi khác: Tại sao không tin lời các phụ nữ? Tại sao không tin rằng Đức Giê-su đã phục sinh? Trong văn hóa của chúng ta, chỉ cần đưa ra bằng chứng là đủ, cũng như khoa học đã dạy chúng ta tất cả. Chứng tích là điều làm cho một luận chứng không thể bị bác bỏ, và như thế điều đó thật là chắc chắn. Liên quan đến vấn đề bằng chứng hay chứng tích, thật là đáng chú ý, điều mà thánh Lu-ca đã viết liên quan về hai môn đệ làng Em-mau, đó là khi họ vừa bước đi vừa bàn luận với nhau, và xảy ra là “Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người” (Lc 24,15-16). Có thể đặt câu hỏi như sau: nếu mắt các môn đệ không nhận ra Đức Giê-su, thì làm sao họ có thể hy vọng vào chứng tích hay bằng chứng? Họ thấy Người nhưng không nhận ra Người; họ cảm nhận giọng nói của Đức Giê-su, nhưng họ lại không nghĩ rằng đó là chính Người. Vậy thì: bằng chứng / chứng tích để làm gì? Loại bằng chứng / chứng tích nào là cần thiết ?
Loại bằng chứng có thể nâng đỡ niềm tin cho các tín hữu không thể chỉ là một loại bằng chứng hoàn toàn thuộc cảm tính, tách biệt khỏi kinh nghiệm cá nhân, một loại kinh nghiệm đạt được nhờ một thông tin nội tại nào đó vượt quá những cảm giác thể lý. Chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào thứ bằng chứng đó. Nếu như ta đã thấy, nếu như đã có ai đó nói cho ta, tất cả dường như có một sự đảm bảo toàn vẹn, nhưng không phải lúc nào cũng thế, bởi vì một nhân vị không chỉ có một nhận thức dựa vào những gì họ đã thấy đã nghe hay một nhận thức đến từ những cảm giác, nhưng còn dựa trên điều xảy đến trong thâm tâm của người đó. Chúng ta không chối cãi một thực tại là chúng ta có thể nhận thức được nhờ các cảm giác, và những kiến thức chúng ta có được là khởi đi từ những cảm giác. Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng không phải tất cả những kiến thức của ta là rút ra từ các giác quan và chúng ta nhận thức được nhờ các giác quan. Diễn tiến của sự nhận thức khởi đi từ các giác quan, nhưng nó được hoàn thiện hóa nhờ những giác quan nội tại, ví dụ như sự tưởng tượng, trí tưởng tượng, sự sáng tạo, tính sáng tạo, sự cảm giác, sự xúc động.
Tôi không muốn bị hiểu lầm khi khẳng định rằng một kinh nghiệm thực sự không giới hạn ở những thông tin đến từ những giác quan thể lý, mà nó cũng đến từ một số những thông tin nội tại, từ thâm sâu của lòng người. Nói như thế không có nghĩa là tránh khỏi sự chủ quan để đi đến những chân lý tôn giáo, nhưng đúng hơn có ý làm cho rõ ràng rằng có thể có những chân lý bao hàm một vài điều kiện từ phía chủ thể vượt quá những gì mà chúng ta có thể chứng minh được nhờ những giác quan thể lý. Cần phải có một sự cởi mở cá nhân, một sự sẵn sàng. Để trở nên cởi mở không phải là một vấn đề hoàn toàn trí tuệ, ở mức độ lý trí, nhưng bao gồm cả con người, nghĩa là bao gồm cả những giác quan thể lý và những gì vượt quá những giác quan thể lý nữa, ví dụ như những cảm xúc, sự trực giác và những ước muốn nữa. Tất cả những thứ này đều thuộc về con người, không chỉ những thứ nổi lên trên những giác quan thể lý, như chúng là quan trọng.
Ví dụ: trình thuật trong Tin Mừng Mát-thêu về sự phục sinh của Đức Giê-su, vượt quá những gì mà chúng ta mong đợi, không trình bày một bằng chứng thuyết phục nào về sự phục sinh. Thật thế, Mát-thêu khẳng định rằng : “có vài người ngờ vực” (Mt 28,17). Nếu như Mát-thêu muốn dựa trên thực tại của sự phục sinh của Đức Giê-su và thuyết phục người đọc về sự kiện này thì chắc chắn thánh ký đã không viết thêm điều này (“có vài người ngờ vực”) trong trình thuật của ông. Nhưng vì thánh ký đã viết ra điều này, có nghĩa là ông không chủ tâm chứng minh về sự phục sinh của Đức Giê-su, nhưng đúng hơn là tường thuật sự kiện và để cho người đọc biện phân điều đó, với chủ đích là cung cấp một bằng chứng có thể trợ giúp người đọc tự mình khẳng định niềm tin vào sự phục sinh của Đức Giê-su. Đối với thánh ký, đó là một sự kiện về sự phục sinh của Đức Giê-su, nhưng thánh ký đã để cho bất cứ ai đón nhận sứ điệp đó có một sự lượng giá cá nhân, tức là một sự đáp trả cá nhân đối với sứ điệp đó.
Tin Mừng Gio-an có trình thuật về sự hiện ra của Chúa phục sinh vào ngày Chúa Nhật sau lễ Vượt Qua: thánh ký cho rằng đã xảy ra một điều gì đó vượt quá sự kiểm soát của các giác quan thể lý để nhận ra thân xác của Chúa phục sinh. Ta có thể nói đến ở đây yêu cầu của tông đồ Tô-ma, người đã phản ứng một cách quyết liệt về những gì đã nghe được từ các môn đệ khi họ khẳng định rằng: “Chúng tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,25). Chính Tô-ma đã nói lên khát vọng của mình với một sự chân thành: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25). Tô-ma muốn nhìn và muốn động chạm vào Thầy, đó là những giác quan thể lý. Tô-ma sẵn sàng tin khi có sự thẩm định cá nhân, sau khi đã có bằng chứng cung cấp cho các giác quan thể lý của ông... tất cả những điều này là hợp lý xét từ quan điểm lý trí.
Chúng ta biết điều gì đã xảy ra sau điều kiện của tông đồ Tô-ma, vì Chúa phục sinh đã hiện ra với ông, đã mời ông đặt ngón tay vào những dấu đinh, và đặt bàn tay vào cạnh sườn Người. Thánh Gio-an không kể lại điều Tô-ma đã làm sau lời mời đó của Chúa phục sinh, mà đơn giản chỉ tường thuật lại lời tuyên xưng của Tô-ma: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20,28), và thêm lời của Đức Giê-su: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin, phúc cho những ai không thấy mà tin!” (Ga 20,29). Trong cảnh này chúng ta thấy có những hành động liên quan đến giác quan thể lý như chạm đến, thấy, và có những lời mời gọi của Chúa phục sinh vượt quá những gì liên quan đến các giác quan thể lý: “Phúc cho những ai không thấy mà tin !”
Câu kết luận này có giá trị cho cả cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và hai môn đệ làng Em-mau (x. Lc 24,13-35), vì chúng ta thấy rõ ràng là những giác quan thể lý chưa đủ cho hai môn đệ nhận ra Người. Tuy đang gặp gỡ Đức Giê-su và lắng nghe giọng nói của Người, hai môn đệ đã không nhận ra Người. Thánh Lu-ca còn thông tin rằng hai môn đệ đó đã có “vẻ mặt buồn rầu” (Lc 24,17), tư tưởng và hoạch định bị khép kín. Khi Chúa phục sinh làm cho họ nhận ra Người, Lu-ca thuật lại rằng: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và cắt nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32).
Dĩ nhiên, Chúa phục sinh, đã “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ” (Lc 24,27). Chúng ta chú ý là ngay cả những lời giải thích Kinh Thánh, về phía Đức Giê-su, cũng không đủ cho các ông nhận ra Người, và có lẽ cũng không đủ cho chúng ta. Nhưng chúng ta có thể chú ý xa hơn nữa, chú ý tới sự đồng ý lời mời của hai môn đệ xin ở lại với họ, cũng như Người đã đồng ý lời mời của mấy người làng Sa-ma-ri. Nhờ đó, Người có thể “đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Lc 24,30). Những gì Đức Giê-su đã thực hiện trong cuộc gặp gỡ hai môn đệ này cũng là những gì Người đã quen làm với họ khi đồng bàn với họ trước đây. Không có gì là ngoại lệ cả, không có gì là bất thường. Nhưng chính giây phút bẻ bánh đó, như thánh Lu-ca thuật lại, đã là dịp cho hai môn đệ nhận ra Người “mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31).
Chúng ta chú ý đến tất cả những tham chiếu về “mắt” của các môn đệ. Đây không phải là đôi mắt trên khuôn mặt họ, theo nghĩa nhìn, mà đúng hơn “đôi mắt tâm hồn”, một kiểu nói rất hay của Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô (x. 1,18). Bằng cách này, chúng ta phải chú ý rằng những giác quan thể lý về cái nhìn, cái nghe, chưa đủ để nhận ra Chúa Giê-su phục sinh, nhưng cần phải nhìn, và nghe bằng những con mắt và tai của tâm hồn.
Cũng những môn đệ này đã phản ánh tất cả những gì đã xảy ra cho họ trên đường về làng Em-mau. Họ đã không ở lại trong trạng thái hoàn toàn duy trí, nhưng họ đã nhận biết sự đụng chạm đến tâm lòng của họ, trong sâu thẳm của lòng họ, vì chính họ đã nói: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và cắt nghĩa Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” (Lc 24,32). Ở đây nói đến một kinh nghiệm đụng chạm đến toàn bộ con người, không chỉ một phần nào đó, nhưng tất cả đều quan trọng. Để có thể có một kinh nghiệm sâu xa này, cần phải có cả ý muốn, tâm hồn, các cảm xúc, tất cả đều tham phần trong kinh nghiệm cá nhân thiêng liêng sâu xa đó.
Cần phải chú trọng đến vấn đề này, vì chúng ta nhận ra rằng chỉ nhờ các giác quan mà thôi, chúng ta không thể đạt được sự nhận thức đầy đủ. Đức Giê-su đã nói với hai môn đệ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!” (Lc 24,25). Chúng ta cần phải lặp lại rằng: sự kiện mà hai môn đệ không nhận ra Đức Giê-su ngay từ giây phút đầu, khi Người tiến đến đồng hành với họ trên đường về làng Em-mau, không phải vì thiếu kiến thức về sự nhạy cảm mà thôi, nhưng đúng hơn là do “lòng trí các anh thật là chậm tin”.
Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo định nghĩa đức tin như sau: “Tin trước hết là gắn bó bản thân con người với Thiên Chúa, đồng thời cũng là tự nguyện chấp nhận tất cả chân lý Thiên Chúa đã mặc khải: Nhờ bao gồm cả hai điều trên, đức tin Ki-tô giáo khác với việc tin tưởng một người phàm. Thật là chính đáng và phải đạo khi phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa và tin tuyệt đối điều Người dạy. Thật vô ích và lầm lạc khi trao gởi một niềm tin như thế cho một thụ tạo (Gr 17,5-6; Tv 40,5; 146,3-4)” (GLHTCG 150). Cuộc đàm thoại giữa Đức Giê-su với phụ nữ Sa-ma-ri và giữa Chúa phục sinh với hai môn đệ làng Em-mau không diễn tiến dựa vào sự huyền ảo của một đạo lý định hướng hay một nội dung tư tưởng trừu tượng, nhưng đúng hơn đã dựa trên cái cụ thể, trên thực tại của cuộc sống, điều này đúng cho cả hai trường hợp: người phụ nữ Sa-ma-ri và hai môn đệ làng Em-mau.
Kết luận
1. Xét từ quan điểm thần học, cần thiết phải có khía cạnh cảm xúc về phía người tin, nhưng không loại trừ khả năng can thiệp của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhớ rằng Thiên Chúa đã hạ mình xuống, chấp nhận kiếp phàm nhân của chúng ta, Người đã trở nên như một người trong chúng ta.
2. Xét theo quan điểm triết học, cần phải nhớ rằng nhiều sự kiện rõ ràng mục tiêu vẫn có thể cảm được cảm nhận nhờ những tác động cá nhân từ bên trong. Chắc chắn tất cả chúng ta có kinh nghiệm như vậy. Chúng ta có thể chiêm ngắm một tác phẩm nghệ thuật, một bức tranh, hay một công trình điêu khắc, chúng ta có thể nghe âm nhạc, v.v., và nhiều lần chúng ta đã thưởng thức vượt qua cả những giác quan thể lý, cho đến một sự cảm nhận “từ bên trong”, từ trong thâm sâu của đáy lòng chúng ta một cái gì đó vượt xa điều mà chúng ta có thể cảm nhận được nhờ các giác quan thể lý.
3. Chúng ta hãy tự nghĩ đến một vài sự kiện có ý nghĩa về sự gặp gỡ giữa Đức Giê-su và mỗi người chúng ta. Chúa của chúng ta không vui thích dạy cho chúng ta một bài thần học hay Ki-tô học thuần túy. Người muốn tác động một cách sâu xa vào tâm lòng chúng ta, theo một cách thức mà có thể xảy ra nơi chúng ta một sự đáp trả cá nhân để đón nhận Người với sự tin tưởng và trong an vui.

Nt Ma-ri-a Đỗ Thị Yến, OP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét