Trang

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2014

Giáo Huấn của Kinh Thánh về Gia Đình

Giáo Huấn của Kinh Thánh về Gia Đình


FamilySách Sáng Thế cho chúng ta thấy rằng người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa; khi tiếp nhận và đón nhận lẫn nhau, họ nhận ra rằng mình được tạo dựng cho nhau (cf. St 1:24-31; 2:4b-25). Qua sinh sản, người nam và người nữ cộng tác với Thiên Chúa trong việc đón nhận và lưu truyền sự sống: “Người nam và người nữ, với tư cách là đôi vợ chồng và cha mẹ, khi lưu truyền sự sống con người cho dòng dõi mình, một cách độc đáo, cộng tác vào công trình của Đấng Tạo Hóa” (CCC, 372). Trách nhiệm của họ cũng bao gồm việc quản lý công trình tạo dựng và thăng tiến gia đình nhân loại. Theo truyền thống Kinh Thánh, nét đẹp của tình yêu con người xét như là tấm gương phản chiếu tình yêu Thiên Chúa được khai triển chính yếu nơi sách Diễm Ca và sách các Ngôn Sứ.
Giáo Hội tìm thấy nền tảng cho lời loan báo của mình về đời sống gia đình nơi đời sống và việc rao giảng của chính Đức Giêsu, Đấng đã sống và lớn lên tại gia đình Nazaret. Ngài đã dự tiệc cưới ở Cana, nơi đây, Ngài đã làm “dấu lạ” đầu tiên (cf. Ga 2:1-11) và tự giới thiệu mình như là Tân Lang, kết hiệp mình với Tân Nương (cf Ga 3:29). Trên thập giá, Ngài đã trao ban chính mình bằng một tình yêu cho đến cùng. Trong thân xác đã được phục sinh, Ngài đã thiết lập những tương quan mới giữa con người. Qua việc mặc khải trọn vẹn lòng xót thương của Thiên Chúa, Đức Giêsu cho phép người nam và người nữ phục hồi lại “nguyên lý” mà theo đó Thiên Chúa đã nối kết họ thành một xương một thịt (cf. Mt 19:4-6) và nhờ đó – với ân sủng của Đức Kitô – họ có thể trung tín với nhau và yêu thương nhau mãi mãi. Vì thế, tầm mức thiêng liêng của tình yêu đôi lứa – mà đôi vợ chồng được mời gọi vươn tới nhờ ân sủng Chúa – bắt nguồn từ “nét đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được diễn tả nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại từ cõi chết” (EG, 36); nguồn suối này chính là tâm điểm của Tin Mừng.
Đức Giêsu, khi nhận lấy tình yêu nhân loại, cũng đã hoàn thiện nó (cf. GS, 49), trao ban cho người nam và người nữ một cách thức yêu thương mới, vốn có nền tảng từ sự trung tín muôn đời của Thiên Chúa. Thế nên, thư gửi tín hữu Êphêsô đã xác định nơi tình yêu hôn nhân giữa người nam và người nữ một “mầu nhiệm cao cả”, làm xuất hiện trên thế giới này tình yêu giữa Đức Kitô và Giáo Hội (cf. Eph 5:31-32). Đôi vợ chồng sở hữu đặc sủng (cf. 1 Cr 7:7) xây dựng Giáo Hội bằng tình yêu đôi lứa và bằng nhiệm vụ sinh sản và nuôi dạy con cái. Được kết hợp bằng mối dây bí tích bất khả phân ly, đôi vợ chồng sống nét đẹp của tình yêu, của tình phụ tử và tình mẫu tử, và qua đó họ sống phẩm giá của việc tham dự vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
(Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới, The Pastoral Challenges of the Family in the Context of Evangelization (Instrumentum Laboris), Bản dịch Việt ngữ của Lê Hoàng Nam, SJ, số 1-3)
Cầu nguyện
Lạy Chúa, xin thánh hóa tình yêu giữa những đôi bạn trong đời sống vợ chồng, cũng như giữa cha mẹ với con cái nơi các gia đình trên thế giới này. Xin cho các gia đình cảm nhận được tình yêu sâu xa nhiệm mầu của Chúa, khi tạo dựng nên mỗi người và trao ban họ cho nhau như quà tặng tình yêu của Ngài. Để nhờ học biết tình yêu Chúa, họ cũng biết yêu thương nhau và giúp nhau hoàn thiện ơn gọi yêu thương Chúa dành cho mọi người và từng người. Amen.
Câu hỏi phản tỉnh
-          Đối với tôi, điều gì (trong lý thuyết và thực hành) làm nên cốt lõi của ơn gọi hôn nhân gia đình, cũng như đời sống gia đình?
-          Có quan điểm cho rằng: “Để yêu thương đích thực cần có hi sinh. Không có hi sinh thì cũng chẳng có tình yêu”. Tôi nghĩ sao về điều này?
-          Những khó khăn tôi đang gặp phải trong đời sống gia đình là gì? Lời Chúa có là điểm tựa cho tôi trong đời sống gia đình, đặc biệt trong những lúc khó khăn ập đến?
(Truyền thông Dòng Tên)
 http://dongten.net/noidung/39172

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét