Trang

Thứ Năm, 6 tháng 5, 2021

Charles de Foucauld, “vị thánh của thời đại chúng ta”

 Charles de Foucauld, “vị thánh của thời đại chúng ta”

Ngày thứ hai 3 tháng 5, Đức Phanxicô chủ sự buổi Kinh Chiều và buổi họp Công nghị Hồng y công cộng để phong thánh cho bảy chân phước, trong đó có chân phước Charles de Foucauld, người đã được phong chân phước năm 2005. Trang Vatican News phỏng vấn linh mục Vincent Feroldi, giám đốc Dịch vụ Quốc gia về Quan hệ với người Hồi giáo trong Hội đồng Giám mục Pháp về hình ảnh đặc biệt của chân phước Charles de Foucauld.

vaticannews.va, Olivier Bonnel, Vatican, 2021-05-03

Theo linh mục Vincent Feroldi, hình ảnh chân phước Charles de Foucauld nhắc đến tầm quan trọng của chân phước với Giáo hội Pháp và với cộng đồng hồi giáo.

Cha cảm nhận như thế nào về việc phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld?

Cha Vincent Feroldi: Việc phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld sắp tới là một niềm vui lớn cho Giáo hội Pháp, từ khi ngài được phong chân phước năm 2005, chúng tôi đã chờ đợi và chúng tôi biết việc phong thánh sẽ kế tiếp. Thật là một niềm vui lớn vì chân phước Charles de Foucauld là người Pháp, sinh ra ở vùng Grand Est, chịu chức ở Viviers, Ardèche, trước khi thi hành sứ vụ cao cả và vĩ đại của ngài tại Algeria. Vì thế ngài là nhân vật của chúng ta ngày nay, việc phong thánh này là dịp để tất cả chúng ta khám phá hoặc tái khám phá, tìm hiểu sâu đậm con người của ngài, và với tôi, ngài đúng là vị thánh của thời đại chúng ta. Nhìn vào suốt cuộc đời của ngài và những gì ngài làm cho người khác đã cho chúng ta thấy một con đường thực sự cho sứ mệnh ngày hôm nay.

Tại sao Charles de Foucauld là vị thánh của thời đại chúng ta?

Ngài là chứng nhân đích thực cho tình huynh đệ, nhưng ngài đã mất một thời gian dài để khám phá sâu đậm những gì Chúa mong chờ ở ngài, và đó là điều đáng quan tâm. Việc phong thánh này sẽ giúp chúng ta nhìn lại toàn bộ đời sống của ngài.

Ngài là con người trọn vẹn nhưng trong sự đa dạng, ngài cũng là người đầy nhiệt huyết. Đầu tiên ngài là một quân nhân, sau đó là nhà thám hiểm, đặc biệt là ở Maroc, ngài không ngừng đi tìm ý nghĩa cuộc đời và đi tìm Chúa. Chính trong tính tổng thể này mà ngài dần dần khám phá ra những gì Chúa mong chờ ở ngài. Ngài mong muốn sống trong tình huynh đệ, ngài là người mang văn minh đến, mang những gì theo ngài là chân lý – là được gặp Chúa Kitô – và rồi trong những thất bại của mình… Tôi đặc biệt nghĩ đến năm 1908: ngài bị đau nặng và cuối cùng là khi ngài nghĩ mình mang Chúa đến cho người Tuareg, nhưng chính họ lại mang sự sống đến cho ngài, cứu ngài khỏi bị bệnh còi, và bỗng nhiên ngài hiểu thời gian của Chúa không phải là thời gian của con người, và điều cuối cùng Chúa xin ngài, là, “mỗi người một nghề”, để Chúa qua Thần Khí nói với tâm hồn của con người, để Charles sống tình huynh đệ này hàng ngày với những người xung quanh mình, vì thế trên hết là với người Tuareg.

Charles de Foucauld, hình ảnh thư khố.

Ngoài chiều kích liên tôn giáo, chiều kích truyền giáo của ngài cũng rất mạnh, điều gì của chân phước còn lại đến ngày nay?

Chiều kích truyền giáo này đích thực để chúng ta hiểu đàng sau chữ “truyền giáo” là gì. Lúc đầu chân phước nghĩ mình là người mang Chúa Kitô đến. Chúng ta phải biết, khi nào cũng mang mặt nhật đi theo mình, vì chiều kích Thánh Thể là rất quan trọng với ngài. Tôi muốn nói ngài là người mang Chúa Kitô theo nghĩa đen. Dần dần ngài hiểu, sứ mệnh của ngài trước hết là sống tình huynh đệ với những người xung quanh, làm chứng niềm vui của mình trong đời sống hàng ngày. Chúng ta thấy, trong suốt đời sống của ngài, trên tất cả là hình ảnh của nhà ngôn ngữ học, ngài thu thập văn hóa của người khác, sưu tầm bài viết, bài thơ, bài hát của người Tuareg. Và trọng tâm của những chuyện này, trọng tâm của sự chú ý đến những người xung quanh, cuối cùng sẽ là sự hiện diện của Tin Mừng. Sứ mệnh mà ngài làm chứng này, đó là mang Chúa Kitô, mang tin mừng trong đời sống hàng ngày được chia sẻ, và trên hết, là dành chỗ cho Thần Khí của Chúa Kitô thực hiện công việc của Ngài trong lòng mỗi người. Chân phước không ở đó để chỉ đường, mà để cho mọi người gặp Chúa Giêsu, không nhất thiết phải theo cách mình tưởng tượng ban đầu, mà theo cách, chỉ có một mình Chúa biết, con đường nào là tốt cho mỗi người.

Cha là giám đốc Cơ quan Quốc gia về Quan hệ với người Hồi giáo trong Hội đồng Giám mục Pháp, việc phong thánh này có ý nghĩa gì đối với người hồi giáo ngày nay?

Đối với người hồi giáo, chân phước Charles de Foucauld là người của Chúa, vì thế họ vui mừng khi thấy ngài được vinh danh. Và cuối cùng, họ cũng như chúng ta, họ phải tìm hiểu chân phước Charles de Foucauld là ai, vì nhiều người trong chúng ta chỉ biết ngài là người đã sống ở Assekrem. Nhưng Charles de Foucauld là hành trình của một người với tất cả sự phức tạp của mình, và người từng bước một, trong ước muốn được gặp Chúa, sẽ gặp Ngài, sẽ chiêm ngưỡng Ngài, sẽ tôn thờ Ngài, và sau đó, mời mọi người sống trong tình huynh đệ và tình yêu. Đối với người hồi giáo ở Pháp, đây là dịp đã khám phá một tín hữu kitô sống ở một quốc gia hồi giáo có thể trải nghiệm không chỉ trong cuộc gặp gỡ với người khác, mà còn là cuộc gặp gỡ với Chúa trên con đường Chúa muốn cho mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2021/05/05/charles-de-foucauld-vi-thanh-cua-thoi-dai-chung-ta/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét