Trang

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Đức Phanxicô nói với tôi: “Tôi muốn phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld”

 


 
41

Đức Phanxicô nói với tôi: “Tôi muốn phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-05-02

Vào đầu thế kỷ 20, Cha Charles de Foucauld chụp trước ẩn thất của ngài ở Tamanraset, miền nam Algeria, cùng với một em bé và một đồng đội sĩ quan quân đội Pháp. Ảnh Dupondt/ akg-images

Linh mục Bernard Ardura, “cáo thỉnh viên” án phong thánh cho Charles de Foucauld, giải thích về lời tuyên bố của Đức Phanxicô dự trù sẽ thông báo vào ngày thứ hai 3 tháng 5.

Giáo hội Công giáo sẽ có một vị thánh mới… người Pháp. Tên của ngài là Charles de Foucauld. Đức Phanxicô dự kiến sẽ công bố ngày “phong thánh” cho chân phước Charles de Foucauld vào ngày thứ hai 3 tháng 5. Linh mục Bernard Ardura, quê ở Bordeaux, Pháp, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, là “cáo thỉnh viên” án phong thánh Charles de Foucauld, có nghĩa là người quản lý và đưa hồ sơ đến Bộ Phong thánh để được phong thánh.

Linh mục giải thích cho báo Figaro biết tiến trình chậm chạp của việc phong thánh này và tầm mức của nó trong Giáo hội công giáo.

Báo Le Figaro: Việc phong thánh cho Charles de Foucauld là thành quả của một quá trình rất dài. Vì sao Giáo hội mất nhiều thời gian như vậy? Một cái gì đó đã bị chặn?

Linh mục Bernard Ardura: Các vụ phong thánh thường kết thúc sau tiến trình rất dài, với đảm bảo, người đó đã sống một cuộc đời dưới cái nhìn của Chúa, thực hành phi thường các nhân đức kitô giáo. Ngoài Thế chiến Thứ hai và Chiến tranh Algeria đã làm chậm quá trình phong thánh, và cũng cần chứng minh bản chất vô căn cứ của vai trò mà chân phước bị gán cho là đặc vụ thuộc địa, một cáo buộc sai lầm. Ngoài ra, còn phải thiết lập hoàn cảnh lịch sử về cái chết hung bạo của ngài: trong một vụ âm mưu trộm, ngài đã bị một thanh niên trẻ đang ôm má ngài giết khi hung thủ hoảng sợ thấy quân đội tới.

Cần phải có một “phép lạ” được công nhận để đi từ việc phong chân phước đến việc phong thánh. Một phép lạ của Pháp đã được chọn, điều này có nghĩa là các phép lạ khác liên quan đến việc cầu bàu của chân phước Charles de Foucauld cũng đã được biết?

Vì sao phải có phép lạ?Vì để có một “dấu hiệu từ Chúa”. Các phép lạ tương ứng với các tiêu chí rất chính xác, trong lĩnh vực khoa học, tôn giáo hoặc thần học. Ở Canada, tôi đã có mặt khi có vụ mổ một khối u trên xương bả vai, phải kéo theo việc cắt cụt cánh tay, nhưng kỳ lạ thay điều này lại không xảy ra. Ở đó, sự thay đổi này được cho là nhờ cầu bàu với chân phước Charles de Foucauld nhưng tôi không thể trình bày trường hợp này với Rôma như một phép lạ, vì các bác sĩ tham khảo cho rằng chuyện này khoa học có thể giải thích được. Vì vậy, trên thực tế, tôi không phải chọn phép lạ xảy ra ở Saumur, đó là phép lạ duy nhất hội đủ các điều kiện đòi hỏi.

Cha là cáo thỉnh viên của án phong thánh: đâu là thông điệp chủ yếu mà Giáo hội công giáo muốn nói lên trong việc phong thánh cho Charles de Foucauld?

Với câu hỏi về tính thời sự trong thông điệp của Charles de Foucauld, tôi luôn trả lời, đó là tính nhất quán trong đời sống kitô giáo. Khi Charles trở lại, ngài hiểu cả cuộc đời của ngài thuộc về Đấng Kitô và buộc phải noi gương Chúa Kitô. Vì thế, ngài đã ở một thời gian tại Đất Thánh, để sống giống như Chúa Giêsu, trên mảnh đất mà Chúa Giêsu đã đi trên đôi chân của Ngài. Sau đó, ngài hiểu, việc noi gương Chúa Giêsu không nhất thiết phải qua hình thức thể lý, nhưng phải đi theo đời sống của Ngài. Ngoài ra, chân phước dấn thân sống theo Phúc âm và toàn bộ Phúc âm. Đến nỗi vào cuối đời, tại sa mạc Sahara, ngài đã tự cho mình là “nhà truyền giáo”, không phải truyền giáo bằng cách rao giảng nhưng là chứng nhân của lòng bác ái đối với tất cả mọi người. Vì vậy, ngài trở thành “người anh em của mọi người”. Ngày nay, Charles de Foucauld mời gọi chúng ta sống trong tinh thần nhất quán giữa đức tin tuyên xưng và đời sống hàng ngày, để trở thành “chứng nhân đáng tin cậy” của Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài.

Người ta nói Đức Phanxicô rất gắn bó với việc phong thánh này, tại sao?

Khi Đức Phanxicô chúc lễ Giáng Sinh cho giáo huấn tháng 12 năm ngoái, ngài tặng những người tham dự quyển tiểu sử chân phước Charles de Foucauld do tác giả Pierre Sourisseau viết. Và khi tôi nói với ngài: “Bây giờ chúng ta chờ phong thánh”, ngài trả lời: “Tôi muốn phong thánh, chúng ta chờ khi hoàn cảnh cho phép”. Tôi nghĩ, đối với Đức Phanxicô, về cơ bản, chân phước Charles de Foucauld là “người anh em của mọi người”, như ngài đã viết trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti. Tình huynh đệ này phải đủ mạnh để cho phép chúng ta thấy người anh em trong mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo hay văn hóa. Charles de Foucauld đã biết cách biến mình thành người anh em của người hồi giáo, đến mức ngài chuộc nô lệ, ngài cống hiến tài năng của mình để nghiên cứu ngôn ngữ của người Tuaregs. Và những người hồi giáo này đã biết ơn ngài, họ đã đáp lại tình yêu này, đã bao bọc ngài cho đến cuối cùng. Đức Phanxicô kêu gọi tất cả tín hữu kitô và tất cả những người có thiện chí sống tình huynh đệ đại chúng này, vốn tìm thấy cội nguồn của nó trong trái tim Chúa Kitô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Với phép lạ nào chân phước Charles de Foucauld sẽ trở thành một vị thánh?

Charles de Foucauld, từ cuộc sống bê tha đến cuộc sống ẩn tu cô tịch

Lý do vì sao chưa công bố ngày phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld

http://phanxico.vn/2021/05/04/duc-phanxico-noi-voi-toi-toi-muon-phong-thanh-cho-chan-phuoc-charles-de-foucauld/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét