Trang

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Với phép lạ nào chân phước Charles de Foucauld sẽ trở thành một vị thánh?

 



Với phép lạ nào chân phước Charles de Foucauld sẽ trở thành một vị thánh?

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2021-05-02

Tai nạn ngã bất ngờ ở Saumur năm 2016 của người thợ mộc trẻ đáng lẽ anh phải mất mạng sống. Anh đã sống sót mà không gặp trở ngại. Sau cuộc điều tra lâu dài, một “phép lạ” đã được chứng thực là do cầu bàu với chân phước người Pháp Charles de Foucauld, qua đời năm 1916, cho phép ngài được phong thánh từ đây đến cuối năm, dự liệu ngày thứ hai 3 tháng 5, Đức Phanxicô sẽ công bố ngày phong thánh.

Tai nạn của Charle, và phép lạ của Charles… Charle – không có chữ “s” – là người thợ mộc 23 tuổi, ở Saumur, nước Pháp, năm 2016 đã té từ độ cao 15,5 mét và đứng dậy, gần như an toàn. Charles – có chữ “s” là chân phước Charles de Foucauld sinh năm 1858 tại Strasbourg, là sĩ quan kỵ binh, được đào tạo ở Saumur, trở lại đạo và đi tu. Nếu không có tai nạn té khủng khiếp của Charle thì Charles de Foucauld sẽ không trở thành thánh của Giáo hội công giáo.

Sau cuộc điều tra y tế lâu dài, kế tiếp là điều tra thần học, Giáo hội đã thực sự công nhận thanh niên Charle được chân phước Chrles “che chở” trong tai nạn nghề nghiệp, mà nếu không được che chở, anh sẽ không qua khỏi, hoặc bị liệt vĩnh viễn.

Tai nạn xảy ra vào đúng ngày kỷ niệm một trăm năm ẩn sĩ Charles de Foucauld qua đời, ngài bị ám sát ngày 1 tháng 12 năm 1916 tại Tamanrasset, Algeria. Ngày 27 tháng 5 năm 2020 là ngày kết thúc cuộc điều tra, Đức Phanxicô khẳng định đó là “phép lạ” do “cầu bàu” thiêng liêng với chân phước Charles de Foucauld. Theo quy tắc của Giáo hội công giáo, phép lạ này giúp cho chân phước nổi tiếng người Pháp, được Đức Bênêđictô XVI phong chân phước năm 2005, bước đầu tiên công nhân sự thánh thiện, có thể được tôn là “thánh” từ đây cho đến cuối năm 2021. Do đó, chân phước Charles de Foucauld sẽ đi vào lịch phụng vụ la mã. Đặc biệt được cử hành và cầu nguyện vào một ngày trong năm, ở tất cả các nhà thờ trên thế giới, thường ngày này được ấn định vào ngày qua đời của vị thánh. Theo một cách nào đó, ngài đi vào hậu thế, trở thành vị thánh trong vũ trụ công giáo như một tấm gương. Đức Phanxicô đánh giá rất cao nhân cách của Charles de Foucauld, người mang đậm “tình anh em với mọi người” mà ngài đã viết trong Thông điệp Tất cả anh em Fratelli tutti mới nhất của ngài.

Bụng bị thanh gỗ xuyên qua

Còn về thanh niên Carpenter Charle thì anh “tránh” được giới truyền thông. Anh sẽ có cuộc họp báo vào thời gian thích hợp để giới thiệu mình và kể cuộc phiêu lưu của anh trong việc Rôma phong thánh cho chân phước Foucauld. Bây giờ anh 28 tuổi, sức khỏe hoàn hảo. Anh độc thân và vẫn là thợ mộc trong cùng công ty. Anh không rửa tội, không là người tin và không có một tôn giáo nào. Vào lúc xảy ra tai nạn, anh cũng không biết chân phước Charles de Foucauld là ai.

Ông François Asselin, người chủ công ty mang tên ông giải thích: “Charle các bạn đồng nghiệp và những người chung quanh đánh giá cao, anh là người thoải mái, thẳng thắn, rất nhân từ, người thợ mộc xuất sắc, vui vẻ, lạc quan, tự nguyện, đơn giản và rất tự nhiên.”

Rất nổi tiếng trong giới trùng tu các tòa nhà cổ và lịch sử, công ty Asselin đặc biệt chế biến gỗ và chuyên về sườn gỗ. Năm 2016, công ty được chọn để sửa lại sườn gỗ cho nhà nguyện của trường Thánh Lu-i, một trường trung học công giáo ở Saumur. Tai nạn xảy ra ngày 30 tháng 11 năm 2016 ở nhà thờ được xây từ thế kỷ 19 này. Thay vì phải đi trên sàn dựng tạm thời trên vòm để  làm an toàn công việc đóng khung, Charle muốn đi tắt bằng cách đi bộ trực tiếp trên vòm bên trong tòa nhà. Thiết bị đá bị sập dưới sức nặng của bước chân. Anh té từ độ cao 15,5 mét trên băng ghế, băng ghế này lại vừa bị vỡ chưa đầy một giây trước đó do các khối đá của vòm và anh bị ngã bằng bụng. Nhưng anh đứng dậy, không bị bất tỉnh! Anh đi khoảng 50 mét để xin cứu, dù một mảnh gỗ bắt chéo hai bên giúp chận chảy máu ra ngoài. Thanh gỗ được rút ra ở bệnh viện Angers sau một chuyến đi gay go trên xe cứu thương, vì thanh gỗ dài hơn một mét này nên anh không di chuyển bằng trực thăng được, dù trực thăng đã đến cấp cứu.

Khi mổ, các bác sĩ không thấy anh bị gãy xương, cũng không có vết thương nào đụng đến các cơ quan quan trọng. Không một cơ quan nào bị tổn hại! Vậy mà thanh gỗ lại xuyên xương sườn, không xa tim và cột sống… Những sự kiện này đều được ghi nhận về mặt y học, tất cả đều có thể kiểm chứng được. Hai tuần sau, không có một hậu quả nào, Charle đi làm việc lại, anh nóng lòng muốn tiếp tục công việc của mình.

Bác sĩ mổ ở bệnh viện Angers nhận xét: “Anh ấy thật may mắn.” Nhưng làm thế nào mà cái “may mắn” chưa từng nghe này đối với y học lại trở thành một “phép lạ” của Giáo hội?

Ba giai đoạn là cần thiết. Đầu tiên là thiết lập mối liên hệ có thể có giữa kết quả tốt đẹp của tai nạn nặng này với chân phước Charles de Foucauld. Ông chủ François Asselin được cả nước biết trong chức vụ chủ tịch Liên đoàn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (CPME), là người giữ đạo, thành viên của giáo xứ Saumur Charles-de-Foucauld, trên vùng đất xảy ra tai nạn. Ông không muốn nói ra đức tin của mình, nhưng nếu được yêu cầu, ông làm chứng cho đức tin. Ông giải thích, “khi xảy ra tai nạn, giáo xứ của vợ chồng chúng tôi đã cầu nguyện trong một năm cho việc tiến hành phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld”, cách cầu nguyện này khá phổ biến trong giáo dân để tháp tùng thiêng liêng trong các vụ phong chân phước hay phong thánh, đặc biệt vì có đòi hỏi một “phép lạ” của vị thánh tương lai. Linh mục Vincent Artarit giải thích: “Việc cầu bàu này ở giai đoạn làm tuần cửu nhật, chín ngày cầu nguyện sốt sắng cho việc phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld kết thúc vào ngày 1 tháng 12 năm 2016, ngày kỷ niệm một trăm năm chân phước qua đời, tai nạn xảy ra vào cuối buổi chiều ngày 30 tháng 11, khi chúng tôi cầu nguyện kinh chiều, mà theo giáo luật là kinh cho ngày 1 tháng 12, ngày kỷ niệm 100 năm qua đời của chân phước.” Lúc nghe tin có tai nạn, mọi người đã rất ngạc nhiên, ông François Asselin nhớ lại: “Ngay khi nghe tin tai nạn, chúng tôi chưa biết sẽ như thế nào. Chúng tôi chỉ biết cầu nguyện và chúng tôi đã nhân rộng lời cầu nguyện qua tất cả các mạng của chúng tôi, chúng tôi gọi đó là “chuỗi cầu nguyện”, cầu xin liên tục cầu nguyện vào buổi tối và ban đêm với chân phước Charles de Foucauld để xin cứu  Charle. Chúng tôi chỉ biết tin anh được an toàn vào ngày hôm sau.” Khi đó không ai nghĩ đến chân phước Charles de Foucauld. Cuộc sống lại tiếp tục. Vài tháng sau, khi xem lại chuỗi sự kiện, ông François Asselin mới có ý tưởng đề xuất, bước ngoặt diễn tiến này đi đến việc phân định mà Giáo hội xem là “kết quả do sự cầu bàu của chân phước Charles de Foucauld”. Trước khi liên hệ với Đức Giám mục Emmanuel Delmas, giám mục giáo phận Angers , ông xin anh Charle đồng ý và anh đã chấp nhận, giám mục  cũng là một bác sĩ. Ngay lập tức giám mục Delmas mở hồ sơ phong thánh ở cấp giáo phận, và có ba bác sĩ kiểm tra tất cả các yếu tố của hồ sơ đáng kinh ngạc này.

Sức mạnh của việc cầu bàu với Chúa

Cuộc điều tra sau đó được chuyển đến Bộ Phong Thánh ở Rôma, dưới trách nhiệm của linh mục cáo thỉnh viên Bernard Ardura.

Giai đoạn thứ hai của tiến trình, làm việc hoàn toàn độc lập, hai bác sĩ chuyên gia về các trường hợp đặc biệt này, xác nhận y học không thể giải thích một kết quả tốt đẹp như vậy đối với tai nạn này, đây là một “may mắn” ngoại lệ. Phân tích sau đó được một ủy ban gồm bảy bác sĩ khác xác nhận, các bác sĩ này đã bỏ phiếu cho tính chất khoa học không thể giải thích của sự thật: Charle, sau cú ngã từ độ cao 15,5 mét kéo dài trong 1,78 giây, rồi ngừng lại ngay, bị đâm, trong khi anh đang rơi ở tốc độ 60 cây số/giờ trên mặt đất, không thể thoát được mà không gặp khó khăn sau khi giảm tốc độ nhanh tức thời như vậy. Sau “ủy ban khoa học” đến ủy ban thần học gia, giai đoạn thứ ba và cũng là giai đoạn cuối – ấn định có mối liên hệ giữa giữa thực tế y khoa và sự cầu bàu có thể có của chân phước Charles de Foucauld. Đức tin công giáo tin rằng, các thánh, sau khi chết và “lên thiên đàng” có “quyền năng cầu bàu” với Chúa. Loại phép lạ này là “bằng chứng” họ được Chúa nhận lời. Bảy nhà thần học đã bỏ phiếu đồng ý về trường hợp này. Sau đó, đến can thiệp của một người mà ngày xưa từng được gọi là “người biện hộ cho ma quỷ”, bây giờ được gọi là “người cổ động đức tin” để thiết lập một bản tổng hợp cuối cùng hồ sơ y khoa và thần học, sau đó trình bày cho một ủy ban gồm 15 hồng y. Ủy ban đã bỏ phiếu thuận cho “phép lạ”, đã được Đức Phanxicô công nhận, mở đường cho việc phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld.

Vẫn còn xúc động, ông chủ của Charle những gì anh Charle đã nói với ông: “Khi cái vòm sập, tôi nói ‘thôi rồi’, mình phải không được té trên chân hoặc trên đầu”. Sau đó anh nằm dài, lấy tay che đầu và tự nhủ: “Tôi phó thác”. Ông François Asselin nhớ lại: “Khi đó tôi nhớ đến lời cầu nguyện của chân phước ‘Con xin phó thác vào Chúa’, đó là lời cầu nguyện nổi tiếng và mãnh liệt nhất của Charles de Foucauld. Dĩ nhiên tôi mong tất cả những chuyện này không xảy ra, nhưng trước những thực tế như vậy, chúng ta cảm thấy mình rất nhỏ bé, vừa có một cái gì như vượt quá và được yêu thương, như thử chúng ta đang sống một cái gì đó trên Trời ở trần thế này.” Ông kết luận: “Kể từ đó, anh Charle chỉ đơn sơ mong được gặp giáo hoàng.” Chắc chắn ước mong này của anh sẽ được nhận lời.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô nói với tôi: “Tôi muốn phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld”

Charles de Foucauld, từ cuộc sống bê tha đến cuộc sống ẩn tu cô tịch

Lý do vì sao chưa công bố ngày phong thánh cho chân phước Charles de Foucauld

http://phanxico.vn/2021/05/04/voi-phep-la-nao-chan-phuoc-charles-de-foucauld-se-tro-thanh-mot-vi-thanh/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét