Mẹ của niềm hy vọng
MẸ CỦA NIỀM HY VỌNG
Tác giả: Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI
Chuyển ngữ: Phêrô Bùi Đức Trịnh
Từ sách: I Believe in One God – The Creed Explained
WGPNT (08.9.2021) - Từ một bài thánh ca được sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ tám hoặc thứ chín, do đó hơn một nghìn năm qua, Giáo hội đã chào Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là “Sao biển”: Ave maris stella. Đời người là một cuộc hành trình. Nhưng đâu là điểm đến? Làm thế nào để chúng ta tìm thấy con đường đi đến đích? Đời người như một hải trình trên đại dương của lịch sử, thường tối tăm và giông tố, một hành trình trong đó chúng ta tìm kiếm những ngôi sao dẫn đường. Những ngôi sao thật trong cuộc sống chúng ta là những người đã sống tốt lành. Họ là những ánh sáng của hy vọng. Chắc chắn, Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật, là mặt trời đã lên cao vượt trên tất cả các bóng tối của lịch sử. Nhưng muốn đến được với Người, chúng ta cũng cần đến những ánh sáng gần bên – của những người đang phản chiếu ánh quang của Ngài và dẫn đường cho chúng ta. Còn ai hơn được Mẹ Maria, là ngôi sao hy vọng cho chúng ta? Với lời “xin vâng” của mình, Mẹ đã mở ra cánh cửa thế giới chúng ta để đến với chính Thiên Chúa; Mẹ đã trở thành Hòm bia Giao ước sống động, nơi đó Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, trở thành một người trong chúng ta, và cắm lều ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14).
Vì vậy, chúng ta kêu lên cùng Mẹ: Lạy Mẹ Maria, Mẹ thuộc về những tâm hồn khiêm nhường và vĩ đại của Israel, giống như ông Simêon, “mong chờ niềm an ủi của Israel” (Lc 2,25) và tâm hồn hy vọng, giống như bà Anna, “mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem” (Lc 2,38). Cuộc đời của Mẹ đã hoàn toàn thấm nhuần các bản văn Kinh thánh của Israel về niềm hy vọng, về lời hứa với Abraham và dòng dõi của ông (x. Lc 1,55). Như thế, chúng con có thể cảm kích nỗi sợ hãi thánh thiêng đã chế ngự Mẹ khi sứ thần Thiên Chúa hiện ra và nói rằng Mẹ sẽ sinh ra Đấng là niềm hy vọng của Israel, Đấng được cả thế giới trông đợi. Thông qua Mẹ, cũng như qua tiếng “xin vâng” của Mẹ, niềm hy vọng của mọi thời đại đã trở thành hiện thực, bước vào thế giới này và lịch sử của nó. Mẹ đã cúi đầu trước sự vĩ đại của sứ vụ này và đã đồng ý: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa; xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Khi Mẹ vội vã, với niềm vui thánh thiện, băng qua các ngọn núi của miền Giuđa để đến gặp người chị họ Elizabeth, Mẹ đã trở thành hình ảnh của Giáo hội sẽ xuất hiện, mang trong lòng niềm hy vọng của thế giới băng qua các núi đồi lịch sử.
Nhưng bên cạnh niềm vui, cùng với bài ca Magnificat, mà Mẹ đã công bố thành lời và bài ca cho muôn thế hệ được nghe, Mẹ cũng biết đến những lời u ám của các ngôn sứ về đau khổ của người tôi tớ Thiên Chúa trong thế giới này. Chiếu sáng nơi Chúa giáng sinh tại hang lừa Bêlem có những thiên thần rực rỡ mang tin mừng đến cho các mục đồng, nhưng đồng thời cũng thấy rất rõ ràng sự thấp hèn của Thiên Chúa nơi thế giới này. Cụ già Simêon đã nói với Mẹ về thanh gươm sẽ đâm vào tâm hồn Mẹ (x. Lc 2,35), về dấu chỉ chống đối mà Con của Mẹ sẽ phải chịu trên thế gian này. Rồi khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của mình, Mẹ phải nhường bước, để một gia đình mới có thể phát triển, gia đình mà Đức Giêsu có sứ mệnh thiết lập và sẽ được tạo nên bởi những ai nghe và giữ lời Ngài (x. Lc 11,27). Bất chấp niềm vui lớn lao đánh dấu sự khởi đầu sứ vụ của Đức Giêsu, trong hội đường Nazareth, hẳn Mẹ đã cảm nghiệm được sự thật của câu nói về “dấu chỉ của sự chống đối” (x. Lc 4,28). Bằng cách này, Mẹ đã thấy sự gia tăng sức mạnh của sự thù địch và khước từ, tạo nên quanh Đức Giêsu cho đến giờ Thập giá, khi Mẹ phải nhìn xem Đấng Cứu Độ trần gian, người kế thừa nhà Đavít, Con Thiên Chúa đang chết như một kẻ thất bại, bị phơi bày để người ta chế nhạo, giữa những kẻ tội phạm.
Sau đó, Mẹ đón nhận lời của Đức Giêsu: “thưa Bà, đây là con Bà!” (Ga 19,26). Từ Thập giá, Mẹ đã nhận một sứ vụ mới. Từ Thập giá, Mẹ đã trở thành một người mẹ theo một cách thế mới: Mẹ của tất cả những ai tin vào Con của Mẹ là Đức Giêsu và muốn đi theo Ngài. Thanh gươm sầu khổ đã đâm thâu trái tim Mẹ. Nhưng liệu niềm hy vọng có chết không? Có phải thế giới vẫn dứt khoát tồn tại dù không có ánh sáng, và cuộc sống vẫn còn dù không có mục đích hay sao? Lúc đó, trong sâu thẳm, có lẽ Mẹ đã lắng nghe lại lời thiên thần trước nỗi sợ hãi của Mẹ lúc truyền tin: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ!” (Lc 1,30). Đã bao lần Đức Giêsu, Con của Mẹ, đã nói điều tương tự với các môn đệ: Đừng sợ! Trong tâm hồn, Mẹ đã nghe thấy lời ấy một lần nữa trong đêm tối ở đồi Golgotha. Trước giờ bị phản bội, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Tại Nazareth, khi nói với Mẹ “Đừng sợ, Maria!” thiên thần cũng đã nói với Mẹ: “Triều đại của Ngài sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,33). Triều đại ấy có thể kết thúc trước khi nó bắt đầu được sao? Không, dưới chân Thập giá, nhờ sức mạnh của chính lời Đức Giêsu, Mẹ đã trở thành Mẹ của những kẻ tin. Với niềm tin ấy, ngay cả trong bóng tối của ngày Thứ bảy Tuần thánh, chứa đựng niềm hy vọng chắc chắn, Mẹ đã tiến tới buổi sáng của ngày Phục sinh.
Niềm vui Phục sinh đã chạm đến tâm hồn Mẹ và kết hợp Mẹ với các môn đệ theo một cách thế mới, được hoạch định để trở thành gia đình của Đức Giêsu nhờ đức tin. Bằng cách này, Mẹ ở giữa cộng đoàn các tín hữu, những người trong những ngày sau cuộc Thăng thiên đã một lòng một ý cầu xin ân sủng Thánh Thần (x. Cv 1,14) và sau đó đã nhận được ân sủng vào ngày lễ Ngũ tuần. “Vương quốc” của Đức Giêsu không như người ta có thể tưởng nghĩ. “Vương quốc” này đã bắt đầu vào giờ đó và sẽ không bao giờ cùng. Vì vậy, Mẹ vẫn ở giữa các môn đệ với tư cách là Mẹ của họ, Mẹ của niềm hy vọng.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ chúng con, xin dạy chúng con tin, cậy, mến cùng với Mẹ. Xin chỉ cho chúng con đường đến Vương quốc của Con Mẹ! Ôi Ngôi Sao Biển, xin hãy chiếu sáng và hướng dẫn chúng con trên hành trình trần gian!
Nguồn: giaophannhatrang.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét