Một danh nhân văn hoá bị lãng quên - Cha Laurent Emmanuel Huỳnh Văn Lâu (1660-1732)
MỘT DANH NHÂN VĂN HOÁ BỊ LÃNG QUÊN -
CHA LAURENT EMMANUEL HUỲNH VĂN LÂU (1660-1732)
Linh mục Gioan Võ Đình Đệ
1. Một linh mục được đào tạo có năng lực 2. Một linh mục giàu kiến thức khoa học về thiên văn 3. Một linh mục làm thông dịch Anh ngữ cho chúa Nguyễn 4. Một linh mục thông thạo ngôn ngữ Latinh |
I. GIA ĐÌNH
Theo “Inê Tử đạo Vãn”, gia đình cha Laurent là cư dân thuộc xứ Lâm Tuyền, phủ Diên Ninh. Ông Carôlô Lam và bà Isave, cha mẹ cha Laurent, sinh được 12 người con, bảy trai, năm gái, cha Laurent là con trai đầu lòng. Thư cha Courtaulin gởi cho Đức cha Lambert năm 1676 cho biết ông Carôlô là người đã đóng góp của cải để làm nhà cho các trinh nữ (Nhà phước Chợ Mới).[1]
Bản tường trình của cha Gouge về cuộc bách hại năm 1700 từ Phan Rí đến Nha-rou (Ninh Hòa), cho biết gia cảnh cha Laurent: Nha Trang là nơi sinh quán của dòng tộc, tổ tiên họ; nhưng kể từ khi nhà vua Đàng Trong đánh chiếm vương quốc Champa, thì phần lớn thần dân của ông ta di chuyển đến các trấn của vương quốc nhỏ bé ấy. Ba của Cha Laurent, cùng với một phần gia đình, đã đi sâu vào tận Đồng Nai, giáp giới với Cao Miên;[2] ở đấy, cụ già tốt lành và hòa hiếu ấy, từ khoảng 20 năm nay,[3] chăm lo việc canh tác một vùng đất do cụ vỡ hoang. Thế nhưng, khi mới nổ ra cuộc bách hại lần này, Cha Laurent đã về ở đó và ẩn náu một thời gian; nhưng thời gian đó, hoặc ít tháng sau, ba của ngài ngã bệnh và qua đời. Cha Laurent đưa thi hài cụ xuống thuyền để chuyển về chôn cất trong khu mộ các tổ tiên ngài ở Nha Trang... Khi thuyền đưa thi hài tới Nha Trang thì xảy ra cãi cọ với viên chức thuế quan. Viên chức này đã gác chân lên quan tài, điều cực kỳ bất kính và xúc phạm đến nỗi chuyện phải đưa ra tòa án Nha-rou. Gia đình cha Laurent thắng kiện, nhưng viên chức cáo ngược lại cha Laurent và gia đình theo đạo Công giáo mà lúc đó đang là một trọng tội tại Đàng Trong. Do vậy, một số thân nhân của cha bị bắt.[4]
Trong số thân nhân có người em gái là Inê Huỳnh Thị Thanh[5] cương quyết giữ đức tin, bị bỏ đói cho đến chết trong tù vào khoảng 04 giờ sáng ngày 25.12.1700 tại Nha-rou. Xác bà được cha Laurent nhận và quàn tại nhà Bà Miên ở Nha-rou, sau đó thân nhân đưa về Nha Trang chôn cất. Trong khi bị giam, bà Inê đã xin cha Laurent đem một nghìn đồng đến cho mấy người lính đã canh gác bà, đang lúc bà bị đeo gông. Khi trao tiền cho mấy người lính, cha Laurent nói là do bà xin cho họ, nên tất cả họ gần như muốn khóc. Suốt đời, bà đã sống rất đạo đức; Cha Laurent và bà rất thương yêu nhau. Người ta không so ví được niềm vui của cha Laurent về cái chết hết sức vinh quang của người em rất thánh thiện của ngài.[6]
Câu chuyện tử đạo của Bà Inê được cộng đồng tín hữu rất cảm kích. Sau hai năm, câu chuyện được cha Sennemand kể cho các các Giám mục Pháp làm Đại diện Tông tòa bằng một thư đề ngày 01.08.1702:
“Con sẽ kể lại với quý Đức cha một vài tình tiết đặc biệt trong câu chuyện về bà Inê, em của cha Laurent. Người phụ nữ trẻ trạc 30 tuổi ấy có hai đứa con : một đứa 7 tuổi và một đứa 10 tuổi, chị ấy đang ở nhà một mình với hai con. Khi chị bị bắt, chồng chị đang có việc phải đi xa. Hai người con thấy mẹ bị bắt thì cứ đi theo mẹ khắp nơi, việc này khiến chị bối rối hơn cả lo cho bản thân và không biết phải làm sao. Cuối cùng, sau khi đến nhà tù, chị quyết định cho chúng tiền để ra chợ mua trái cây, và trong lúc đó, chị đi vào nhà tù. Hai đứa trẻ, sau khi ra chợ và sử dụng hết số tiền mẹ cho, liền quay về tìm mẹ ở chỗ chúng đã rời đi, và không tìm thấy nên chúng bắt đầu khóc la khiến mọi người thương cảm, và đánh động đến lòng dạ của chính những người lính, cho đến khi những người họ hàng với hai đứa trẻ, được thông báo, đã tìm và dắt chúng ra Dinh.[7]
Mấy hôm sau, người chồng trên đường trở về, lòng đau như cắt và không thể chịu đựng được hơn nữa, nên cùng hai con đi gặp vợ; anh vừa nói chuyện vừa khóc nấc lên, đồng thời chỉ cho vợ thấy hai đứa con. Vợ anh, nhẫn nại chờ cho chồng nói hết, mới trả lời một cách quả cảm: “Chồng em ơi, em xin anh thôi đừng phiền não nữa. Anh hỏi em tại sao em lại ở đây. Đó chỉ là nhờ ơn Chúa mà thôi, và là hạnh phúc lớn nhất, vinh dự cao cả nhất có thể xảy đến cho em, cho anh và cho các con nữa. Vậy sao anh lại run sợ ? Em xin anh một lần nữa hãy ngừng khóc lóc và chỉ chăm lo cho hai con của chúng ta mà thôi, nuôi dạy chúng biết kính sợ Chúa, tin rằng em sẽ nhớ đến anh và các con trên thiên đàng, nơi mà em hy vọng sớm nhận được triều thiên tử vì đạo.” Câu trả lời hết sức lạ lùng ấy đã an ủi và khích lệ người chồng rất nhiều, đến nỗi anh không còn buồn sầu và làm cho vợ đổi ý nữa, anh còn động viên chị hơn nữa, bằng cách nói với chị là vì chị đã đến đấy rồi, và anh đã thấy chị rất quyết tâm và hoàn toàn phó thác vào Chúa, nên ngày nào anh cũng sẽ cầu nguyện để chị bền vững đến cùng, còn anh thì lo chăm sóc các con và không nói năng gì thêm nữa, vì sợ làm chị đau lòng hoặc sao nhãng việc cầu nguyện và nói chuyện với Chúa”... [8]
Ngoài Bà Inê, còn có một người em trai của cha Laurent cũng bị bắt nhưng người em nầy đã bỏ trốn và bị bắt trở lại. Cha Gouge, thừa sai đang bị giam tại Nha-rou kể: “Người duy nhất còn lại trong căn nhà tranh vẫn còn đủ sức khỏe để đào một cái lỗ, và bỏ trốn vào ngày 29 tháng 12, việc này đã trở thành lý do để người ta bắt chúng con[9] trở lại nhà tù, ở đấy ông Phủ ra lệnh người ta đóng vào cổ chúng con những chiếc gông lớn. Do quân lính chỉ đóng cho chúng con những chiếc gông thông thường, ông ta nổi nóng bắt họ phải tuân lệnh. Người ta cũng đưa cha Laurent đến vì là người thân của người đào tẩu, và người ta đã siết nghiến mấy ngón tay của ngài bằng những thanh gỗ xẻ. Người tù bỏ trốn bị bắt lại ngay trong tối hôm đó; người ta đưa ông đến nhà tù, ở đấy ông dùng một ít thức ăn và hôm sau được gánh võng đưa đến nhà quan lớn, họ đã làm cho ông ta giẫm đạp các ảnh tượng và trả tự do cho ông ta”.[10]
II. SỨ VỤ LINH MỤC
Cha Laurent là người con trong một gia đình Công giáo truyền thống, có của ăn của để, được học hành đầy đủ. Cha được tu học tại Chủng viện Thánh Giuse ở Ayuthia (Thái Lan). Khi tu học tại Chủng viện, tên gọi của cha là Manuel. Năm 1690, có bốn cha từ Thái Lan trở về Đàng Trong: Manuel, Maur thường gọi là Mauro, Thaddée và Nicolas. Manuel vẫn là tên gọi của cha.[11] Sau khi về nước một thời gian ngắn, tên gọi Manuel đã được cha đổi sang tên Laurent.[12] Do đó, cha còn được gọi là cha Laurent Emmanuel.[13] Về họ và tên Việt của cha, theo danh sách linh mục chủng sinh của Đàng Trong và Đàng Ngoài đang ở tại Collège de Siam năm 1687, có bốn người Đàng trong, trong đó có Emmanuel Huyeng Dâng Lào, chức giúp lễ, 27 tuổi.[14] Căn cứ theo tài liệu này thì cha Laurent sinh năm 1660. Họ tên của cha được viết theo cách ký âm tiếng Việt của các thừa sai, nên không rõ ràng. Ở đây, chúng tôi tạm dùng họ tên của ngài là Huỳnh Văn Lâu như lược sử giáo xứ Bố Liêu và giáo xứ Đại Lộc thuộc Tổng Giáo phận Huế, hai nơi mà cha Laurent đã dành hầu hết đời linh mục của mình ở đó.
1. Một linh mục được đào tạo có năng lực
Trong nhật ký của cha Labbé về công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong (1689-1990), cha Labbé viết về việc bổ nhiệm cha Laurent làm việc tại Dinh Cát[15]: “Ngày lễ thánh Gioan Tẩy Giả, tôi cho tập họp tất cả các trùm họ trong số các Kitô hữu tại địa phương, để công bố cho họ biết Đức cha đã rất hài lòng khi thấy họ nôn nao xin cho có được một linh mục ở lại luôn với họ; vì việc này mà Đức cha, muốn họ hài lòng vì được ưu tiên hơn các nơi khác, đã chỉ định cho họ cha Manuel được coi là một trong các giáo sĩ có khả năng nhất đã được đào tạo tại Chủng viện Thái Lan”.[16]
2. Một linh mục giàu kiến thức khoa học về thiên văn
Quả vậy, liền sau đó tại Dinh Cát, cha Laurent đã chứng tỏ kiến thức về thiên văn, triết học khi đối thoại với một người uyên thâm nho học trong vùng, người tự cho mình biết hết mọi thứ. Cha Labbé thuật lại: “Về thiên văn, cha Manuel đưa ra nhiều thí dụ hợp lý, đến nỗi ông thầy nho thông thái ấy cứ ngẩn người ra, không biết mình đang ở đâu, nhưng khi phải nói đến kích thước mặt trời và mặt trăng, so với những gì chúng ta đang nhìn thấy về chúng, thì ông đồ nho thông thái càng ngạc nhiên hơn và chẳng còn biết đưa ra lý lẽ gì nữa; bởi vì ông ta cứ tưởng hai vì tinh tú ấy không lớn hơn như chúng ta nhìn thấy; nhưng cha Manuel đưa ra cho ông nhiều so sánh khiến ông ta buộc phải thú nhận mình đã nhầm, rồi quỳ sụp xuống đất, theo tập quán địa phương, để tỏ lòng tôn kính hai chúng tôi. Đối với cha Manuel, thì như thể là sư phụ của ông ta, còn với tôi để tỏ lòng biết ơn vì đã đưa đến một linh mục quá thông thái như vậy. Kể từ lúc đó, các Kitô hữu xem cha Manuel như một thủ lĩnh, và còn phân biệt ông thầy nho với ngài như đem một con bồ câu non so với một chú chim đại bàng. Ngay sau đó, ông ta là người đầu tiên mời ngài về nhà mình, để có thể nói với những người khác là họ đã được xưng tội với vị linh mục triết gia, và họ đã được nghe nói một cách thông thái về mặt trời và quả đất… Ở Dinh Cát, người ta đặt ngài đứng đầu những nhà toán học tại Đàng Trong”. [17]
3. Một linh mục làm thông dịch Anh ngữ cho chúa Nguyễn
Trong khi làm mục vụ tại Dinh Cát, cha Laurent làm phiên dịch cho chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) với phái bộ người Anh yết kiến chúa Nguyễn tại thủ phủ Phú Xuân.[18] Nhờ công việc phiên dịch mà cha Laurent được chúa Nguyễn ưu ái, truyền tháo gông cho cha khi cha bị các quan bắt trong thời cấm cách.[19]
4. Một linh mục thông thạo ngôn ngữ Latinh
Cha Charles-Marin Labbé, Bề trên Đàng Trong lúc bấy giờ, cho biết khi cha đưa cha Manuel (Laurent) đến Dinh Cát vào năm 1690, hai cha nói chuyện với nhau bằng tiếng Latinh.[20]
Năm 1717, khi cha Laurent đang ở Kinh thành, một vài Kitô hữu đến thăm ngài và xin ngài giải thích cho họ về Sắc chỉ Ex Illa Die, được Đức Giáo hoàng Clêmentê XI ban hành ngày 19 tháng 3 năm 1715,[21] và đưa ngài đến một ngôi nhà mà ở đấy họ thường tụ họp để sinh hoạt tôn giáo. Ở đấy đang có khoảng 300 người. Cha Laurent rất có khiếu ăn nói, là người Đàng Trong, và bằng kinh nghiêm mà biết rõ sự gắn bó của người dân với các lễ nghi và tập quán truyền đời từ tổ tiên họ. Ngài đã trao đổi với họ suốt đêm về chủ đề mà họ muốn nghe; Ngài đã đọc hết từ đầu đến cuối; Ngài biết ngôn ngữ Latinh và không thể nhầm lẫn trong những việc như thế. Hiệu quả từ lời ngài nói đã bảo đảm với họ Sắc lệnh là hoàn toàn rất thật; họ không nên nghi ngờ, đến mức họ đồng thanh cùng nói là phải tuân phục, và không lý do gì mà phản ứng chống lại. [22]
Cha Laurent còn để lại cho chúng ta các bản báo cáo được viết bằng chữ Latinh về tình hình sinh hoạt tôn giáo trong địa hạt của cha:
- Thư báo cáo gởi cho Đức cha Laneau, đề ngày 17.02.1691 (06 trang rưỡi, khổ 15x24)[23]
- Thư báo cáo gởi cho Tòa thánh, đề ngày 16.02.1692 (02 trang rưởi, khổ 15x24)[24]
- Thư báo cáo gởi cho Đức cha Laneau, đề ngày 07.02.1693 (05 trang, khổ 15x24)[25]
- 02 Thư báo cáo gởi cho Tòa thánh, đề ngày 07.02.1694 và 20.3.1697[26]
5. Một linh mục thường trú trong lòng dân
Qua các tường thuật của các thừa sai cho thấy cha có mặt “trên từng cây số” trên địa bàn truyền giáo Đàng Trong, bất chấp hiểm nguy. Từ Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, Phú Yên, Khánh Hòa cho đến Đồng Nai, cha có mặt để an ủi dân Chúa. Thử đọc một vài tường thuật của các thừa sai cũng như của chính cha Laurent:
- Thư của cha Labbé gởi cho Đức cha Laneau, đề ngày 05.02.1691: “Cha Manuel, hiện đã đổi sang tên cha Laurent, luôn có mặt ở hạt của mình tại Dinh Cát; và bất chấp lệnh cấm đạo, ngài vẫn làm việc rất tốt, nhờ ơn Chúa đến mức, khi thời gian và tình hình cho phép, ngài đã khắc phục được khó khăn do cuộc bách hại gây ra. Các Kitô hữu tại dinh này, thoạt đầu có vẻ yếu đuối, nhưng sau đó đã sớm tỉnh ngộ, và nâng đỡ nhau khá tốt; thậm chí họ còn tự bào chữa trước mặt các quan viên nữa.[27]
- Trong thư gửi Đức cha Laneau, đề ngày 07.02.1693, cha Laurent cho biết cha tháp tùng Đức cha Pérez đi thăm các giáo xứ ở Quảng Ngãi khoảng đầu năm 1693. Cha cho biết khi đến An Chỉ, quê hương của cha Maurô Lộc, Đức cha lưu lại ba ngày để ban các bí tích. Và “Tại đây, nhiều nữ tu đến gặp con, các chị kiên vững cho tới bây giờ trong ý hướng của các chị. Tại An Chỉ, có chị Lút, chị Bôna Dai ; tại Chu Mê, có chị Êlisabét và chị Paula Phương, chị Mátta Chuôi, một chị Paula khác và chị Agata Chà, chị Marina Là và chị Bôna Tron, giữa các chị có chị Mátta đã phải chịu nhiều khổ sở vì đạo trong cuộc bách hại mới đây”.[28]
- Trong lúc nhiều người bị bắt giam tại Nha-rou vào năm 1700, trong đó có người em gái của cha, cha Laurent luôn có mặt tại chỗ để động viên họ bằng những bài nói chuyện, hoặc đọc sách đạo đức cho họ nghe, đã tìm ra cách cho họ rước lễ mà không bị lộ; do đó họ cảm thấy được gia tăng sức mạnh phần hồn và phần xác. [29]
Cha Ausiès giải thích lý do cha Laurent được làm những việc như thế: “ban đầu cha Laurent cũng bị đeo gông và bị hỏi cung. Nhưng cha nói cha là nhân viên của quan trấn Dinh Cát. Ông quan này quý mến cha Laurent và đạo công giáo, đã cấp cho cha một chứng thư với con dấu của ông, để mỗi khi đi đâu cha được nhìn nhận như người của ông. Bề ngoài, các quan lớn tại Nha-rou coi cha như một viên chức của quan trấn Dinh Cát, và cha cũng được lòng các quan, nên cha được tự do đi lại và khuyến khích các tín hữu trong tù và các tín hữu bị kết án chết đói, cách riêng là em gái Inê của cha”.[30]
- Cha Ausiès kể lại trong nhật ký gởi cho cha Giám đốc Chủng viện MEP: “Con gặp một người đưa tin từ làng Diêm Điền[31] đến để xin con đi giúp một bà góa Kitô hữu kỳ cựu, mà cha Vachet từng nhắc đến trong các tường trình của ngài với cái tên là Bà Luxia. Nghe tin ấy, con liền mau mắn lên đường để đến ngay ngôi làng ấy; sau khi gặp được bà ấy đang bị bệnh nặng, con liền cho bà nhận Của Ăn Đàng và Bí tích Xức Dầu, và không cần phải cậy đến các bí tích sau cùng cho bà ấy nữa, bởi vì sau khi nhận được các bí tích ấy đến hai hoặc ba lần khác nhau, bà đã qua đời vào ngày 14 tháng 01 năm ngoái, năm 1701. Khi được báo tin về lần bị bệnh sau cùng của bà ấy, và do không được tự do đến cứu giúp bà vì đang xảy ra bách hại, nên con đã xin cha Laurent, lúc bấy giờ đang ở với con, vượt núi để đến làm những bổn phận bác ái sau cùng cho bà ấy, nhưng ngài chỉ lên đường được vào ngày 16 trong tháng 01, và chỉ đến Diêm Điền ba ngày sau khi bà ấy qua đời.[32]
6. Tác giả Inê Tử đạo vãn
Cuộc tử đạo của Bà Inê Huỳnh Thị Thanh, em gái cha Laurent đã được các thừa sai đương thời thuật lại như vừa kể trên. Phần phụ lục (trang 110-135) trong pho tự điển Dictionarium Latino – Anamiticum của Đức cha Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838 có in bài vãn về cuộc tử đạo của Bà Inê, gồm các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Latinh, và Việt. Bài vãn không đề tác giả và thời điểm ra đời, ở đây thử nêu lên vài ý:
- Trong pho tự điển Dictionarium Anamitico – Latinum của Đức cha Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838,[33] phần mở đầu trang XLIII có giải thích cách thức làm vãn khi người ta qua đời, kẻ ngoại gọi là văn tế, kẻ có đạo gọi là đức tính. Trong cách thức làm vãn, mà kể công nghiệp cùng nhơn đức người nào đã qua đời, thì phải đặt thế nầy; trước hết thì phải biết mỗi bài vãn có ba lúc, lúc thứ nhứt gọi là lúc mở, lúc thứ hai gọi là lúc đức tính, lúc thứ ba gọi là lúc ôi. Căn cứ vào hướng dẫn như thế, bài Inê Tử đạo vãn tạm có thể được phân chia cấu trúc như sau:
* Lúc mở: từ câu 01 đến câu 105
* Lúc đức tính: từ câu 106 đến câu 531
* Lúc ôi: từ câu 532 đến hết bài.
- Bài vãn được viết ra để vừa nên gương cho thiên hạ
“Chép làm một bổn để đời,
Truyền cho thiên hạ người người học theo” (câu 544 và 545)
Vừa để nên gương cho con cháu trong dòng tộc:
“Để truyền sách ấy nối dòng đời sau,
Inê là hiệu làm đầu”. (câu 557 và 558)
- Những chi tiết về gia thế và tình tiết cuộc tử đạo của Bà Inê trong bài vãn phải là người trong gia đình, người trong cuộc, người chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối. Do đó, theo chúng tôi, cha Laurent Huỳnh Lâu, người sống trong hoàn cảnh lịch sử, người anh cả trong gia đình, người kề cận với em mình, Bà Inê, từ khi Bà bị bắt cho đến khi nhận xác của Bà, với tư cách là linh mục, cha viết bài vãn nầy trước hết để “Truyền cho thiên hạ người người học theo”, với tư cách người con cả, là để truyền lại cho con cháu trong dòng tộc. Mục đích chung để trước, mục đích riêng để sau và cuối cùng không đề tên tác giả mà chỉ để A.M.D.G. [Ad Majorem Dei Gloriam – Để Vinh Danh Chúa Hơn]. Hẳn đó là tính cách của một linh mục thông thái và khiêm nhường. Ở đây thử nêu lên vài chi tiết:
Về bản dịch của bài vãn sang ngôn ngữ Latinh, Anh, Pháp, cũng chính cha Laurent là người dịch thuật. Cha là người thông thạo những ngôn ngữ ấy như các nguồn tài liệu đã trưng dẫn ở trên. Đặc biệt trong phần ngôn ngữ Anh, Pháp, Latinh:
Câu 544:
* I have written her life to preserve it to posterity,
* J’ai écrit sa vie pour la conserver à la postérité,
* Descriptam ejus vitam posteris nuncupo
Cả ba ngôn ngữ bản dịch đều xác định tôi viết, trong bản Việt ngữ chỉ nói trổng, không có chủ từ “Chép làm một bổn để đời,”.
Câu 546:
* I foresee that troublous times will come.
* Je prévois que les jours à venir seront mauvais,
* Durissima tempora nobis iminere prævideo
Cả ba ngôn ngữ bản dịch đều xác định “tôi thấy trước những ngày giông tố sẽ đến”. Trong bản Việt ngữ “Thấy thì hầu đả cheo leo,”.
- Bài vãn ắt hẳn có một giá trị nào đó mà tác giả pho tự điển đã chọn in trong phụ lục. Ít nhất giá trị về văn học và giá trị đạo lý đức tin Kitô giáo cũng như đạo lý làm người. Linh mục Louvet cho biết bài vãn được ngâm nga trong trường học, trong kinh tối, trong những buổi canh thức người qua đời của gia đình.[34]
III. HOÀN THÀNH CUỘC ĐỜI
Phần lớn cuộc đời linh mục, cha Laurent làm việc ở vùng Dinh Cát. Lúc đầu cha đặt trụ sở chính tại làng Dương Lệ Văn, nay thuộc xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1725, cha đặt trụ sở tại Bố Liêu, nay thuộc xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Cuối năm 1732, cha lâm bệnh, được cha Jean de La Court ban bí tích xức dầu. Ngài được chuyển đến Phủ Cam, Huế để cứu chữa nhưng không qua khỏi. Một đoàn giáo dân đông đúc không kể xiết đưa xác ngài về an táng tại nhà thờ Bố Liêu.[35]
Hiện nay tại nhà thờ Bố Liêu, có tấm bia được ghi:
(Bia bằng đá, kích cỡ 0m39 x 0m54, ghi dòng chữ Latinh: IN HOC SACELLO JACET UT FERTUR PATER LAURENTIUS QUI SAECULO XVIII IN DISTRICTU DINH CÁT AD LABORAVIT. (tạm dịch: Cha Laurent, vị mục tử đã làm việc tại xứ Dinh Cát vào thế kỷ 18 được thừa nhận an nghỉ trong Nhà nguyện nầy). Và dòng chữ Nôm (phiên âm: Trong Nhà thờ nầy có mả Cha Lô Ren).
(Viết xong ngày 01.9.2021, kỷ niệm 350 năm Đức cha Lambert de La Motte đặt chân lên đất Đàng Trong tại Lâm Tuyền, Nha Trang, mở đầu chuyến kinh lý mục vụ Đàng Trong lần thứ nhất.)
Linh mục Gioan Võ Đình Đệ
[2] Đồng Nai là tên gọi lúc bấy giờ chỉ vùng đất mới, rộng lớn ở phía Nam được các chúa Nguyễn mở cõi dần dần trên đà Nam tiến. Vùng đất được bồi tụ chủ yếu bởi hai con sông lớn: sông Đồng Nai và sông Mêkông. Vùng đất nầy được các sử gia cho là vùng 19 tỉnh thành thuộc Nam Bộ ngày nay.
[3] Bài tường trình được viết năm 1701, chi tiết một phần gia đình cha Laurent vào Đồng Nai khẩn hoang “khoảng 20 năm nay” cho thấy thời điểm gia đinh vào Đồng Nai ở khoảng 1680-1681.
[5] Được biết chi tiết Inê Huỳnh Thị trong “Inê Tử đạo vãn”, tên gọi là Thanh được cha Estréchy liệt kê trong danh sách những người tuyên xưng đức tin trong cuộc bách hại năm 1700 (tại Nha-ru có Agnès Thanh, em gái cha Laurent). Xem A.LAUNAY, sđd, trang 480.
[7] Theo Đại Nam Nhất Thống chí tỉnh Khánh Hòa, Năm 1653, dinh Thái Khang được thành lập gồm 2 phủ: Thái Khang (quản 2 huyện: Quảng Phước, Tân Định) và Diên Ninh (quản 3 huyện: Phước Điền, Hoa Châu, Vĩnh Xương), Năm 1690, phủ Thái Khang đổi thành phủ Bình Khang. Năm 1742, phủ Diên Ninh đổi thành phủ Diên Khánh, lập dinh Bình Khang thống lãnh hai phủ Bình Khang, Diên Khánh. Như vậy lúc bấy giờ (1700) Dinh Thái Khang đặt tại Nha-rou (Ninh Hòa).
[14] AMEP, vol. 854, trang 193. Lúc bấy giờ, trước khi thụ phong Linh mục, các ứng viên phải qua các chức nhỏ theo thứ tự: 1. Chức giữ và mở cửa nhà thờ, 2. Chức đọc Sách Thánh, 3. Chức trừ quỷ, 4. Chức Giúp Lễ . Sau đó gia nhập hàng giáo sĩ qua việc chịu chức Phụ Phó tế (Thầy Năm), chức Phó tế (Thầy Sáu), và chức Linh mục. Theo sự bình thường, cha Emmanuel (Laurent) chịu chức Phụ Phó tế năm 1688, Phó tế năm 1689 và thụ phong Linh mục năm 1690.
[15] Dinh Cát, nơi cha Laurent được bổ nhiệm là địa bàn mục vụ truyền giáo rộng lớn, bao gồm thủ phủ chúa Nguyễn (1600 – 1626) trên đất Triệu Phong, Quảng Trị.
[18] Theo Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần Lịch sử, nxb. Khoa học Xã hội, 2005. Thủ phủ chúa Nguyễn lúc bây giờ đặt tại Phú Xuân, Huế.
[19] Xem thư cha Sennemand gởi Đức Giáo hoàng Clêmentê XI, đề ngày 20.01.1712. ADRIEN LAUNAY, sđd, trang 536.
[31] Nay là một giáo họ thuộc giáo xứ Tân Quán, giáo phận Qui Nhơn. Địa bàn giáo họ Diêm Điền thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
[33] Bộ tự điển của Đức cha Taberd xuất bản năm 1838 có hai pho, Pho I: Dictionarium Latino – Anamiticum; Pho II: Dictionarium Anamitico – Latinum.
[35] Xem ADRIEN LAUNAY, sđd, Paris 2000, T.II, trang 42-43.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét