Trang

Thứ Tư, 1 tháng 9, 2021

Quê ngoại Yêu Dấu – NVMN 1.9.2021

 

Quê ngoại Yêu Dấu – NVMN 1.9.2021

  
Niềm Vui Mỗi Ngày
 
“Hãy lấy Chúa làm niềm vui của bạn,
Người sẽ cho được phỉ chí toại lòng”.
Thánh Vịnh 37,4
 
 
                                                  

 
NVMN1.9.2021
 
Quê ngoại Yêu Dấu
 
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui

Vào năm 1967, Tòa Thánh đã thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột với Sắc Chỉ “Qui Dei Benignitate”, và linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai được chọn làm Giám mục tiên khởi của giáo phận. Giáo phận Ban Mê Thuột được thành lập gồm tỉnh Đaklak, tỉnh Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông) và một phần của tỉnh Phước Long (nay tình Bình Phước). Ban Mê Thuột là tên được dùng trong giáo quyền, còn ngoài xã hội, chính quyền gọi là thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc.

Ban Mê Thuột không xa lạ với tôi cả, vì năm mươi năm trước, từ năm 1972,  tôi đã theo học dưới mái trường Chủng viện Lê Bảo Tịnh, tọa lạc trên ngọn đồi tại ngã ba km 5, đường đi Nha Trang và Đà Lạt.

Sau ngày thống nhất đất nước, với những đổi thay, mái trường chủng viện Lê Bảo Tịnh được trao cho nhà nước quản lý, và với số ít chủng sinh được chọn, trường được chuyển về địa chỉ 104 Phan Chu Trinh, tạm trong cơ sở Tòa Giám Mục giáo phận Ban Mê Thuột cho đến giữa năm 1983 thì bị giải tán trường. Mọi chủng sinh đều phải trở về với gia đình.

Sau bảy năm “lang thang” Sài Gòn, Nha Trang, Bà Rịa, Vũng Tàu, Campuchia, Thái Lan ... tôi lại quay trở về và chọn Ban Mê Thuột làm quê ngoại.

Khi nói đến quê ngoại tôi lại nhớ đến tác phẩm Quê Ngoại của Hồ Dzếnh / Hà Triệu Anh, cha người Quảng Ðông Trung Hoa, mẹ người Việt Nam, sinh năm 1916 tại làng Ðông Bích huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa.

Trong tác phẩm Quê Ngoại, tôi thích nhất là bài Màu Cây Trong Khói, mỗi khi đọc thì lòng lâng lâng nhớ đến quê cha, Phước Long yêu dấu:

Trên đường về nhớ đầy
Chiều chậm đưa chân ngày
Tiếng buồn vang trong mây...
Chim rừng quên cất cánh
Gió say tình ngây ngây
Có phải sầu vạn cổ
Chất trong hồn chiều nay?

Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng,
Ngỡ hồn mình là mây,
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây...

                                                 Hồ Dzếnh

Khi nhắc đến quê ngoại, tôi lại nhớ đến thánh Giuse, thân phụ của Chúa Giêsu. Cuộc đời của ngài cũng lưu lạc nhiều nơi trên đất nước Paléttina và ngay cả nước ngoài.

Với dòng dõi hoàng tộc Đavít, quê ngài là Bêlêm, nơi ngài trở về với người bạn đời để kê khai nhân khẩu (Lc 2,1-5). Và tại Bêlêm, Chúa Giêsu đã hạ sinh (Lc 2,6-7). Song Đức Maria lại sinh sống ở Nadarét, một làng quê nhỏ ở miền Galilê, phía bắc nước Paléttina (Lc 1,26). Khi được truyền tin, Đức Maria đã đính hôn với ông Giuse, nhưng chưa về chung sống (Mt 1,18). Có lẽ Giuse đã đi xa Bêlem nhiều năm và chỉ trở về quê quán khi có lệnh bắt buộc (x. Lc 2,1-5). Gia đình thánh gia cũng phải bôn ba xứ người nhiều năm (Mt 2,19). Đó là “quê ngoại” của Chúa Giêsu, của Mẹ Maria và của thánh Giuse. Tại đây, ít ra, trong những năm đầu đời của Chúa Giêsu, ngài được những người dân tại đây ưu ái, cưu mang cho đến khi gia đình thánh gia quay trở lại Paléttina.

Khi vua Hêrôđê Cả băng hà (Mt 2,20), thánh Giuse có ý định trở về miền nam, Giuđê, nơi quê quán của hoàng tộc Đavít sinh sống song khi biết Áckhêlao, một ông vua tàn ác, kế vị vua cha trị vì miền Giuđê (Mt 2,22a), nên ngài được mộng báo lên miền Galilê và ẩn cư tại thành Nadarét (Mt 2,22b), và từ nơi đây, Chúa Giêsu được gọi là Giêsu người Nadarét (Mt 2,23).

Bố mẹ tôi cũng là người di dân triền miên. Từ Cửa Tùng, qua An Du Bắc – Vĩnh Linh, Quảng Trị, đến Đức Bổn, Phước Vĩnh, Nhân Hòa I, tỉnh lỵ Phước Long và sau ngày tỉnh Phước Long được giải phóng, lại quay trở lại Phước Vĩnh, nay thuộc tỉnh Bình Phước. Tôi sinh ra tại Đức Bổn, tỉnh Phước Long nhưng lại chọn Ban Mê Thuột làm quê ngoại, quê hương thứ hai bao yêu dấu.
                                                


Ngày 1 tháng 9 là ngày giỗ lần thứ 16 của ngoại. Ngoại bỏ lại con cháu để ra đi mãi mãi. Một chuyến đi xa chữa bệnh và không trở về. Tôi nhớ mãi những năm tháng đầu đời của một gia đình mới, ngoại đã yêu thương cưu mang tất cả gia đình. Ngoại yêu các cháu rất nhiều. Nhưng phận người cuối đời thì phải ra đi, trở về với Chúa.

Năm nay, giữa đại dịch Covid-19, thành phố Buôn Ma Thuột đang thực hiện Chỉ thị 16 để “truy tìm” F0, không biết con cháu có ra thăm ngoại được không? Nhưng dẫu sao, trong tâm tình con thảo, việc hy sinh, lời kinh nguyện và thánh lễ online vẫn dâng lên Thiên Chúa nguyện cầu cho ngoại sớm được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa trên thiên đàng.

Ngoại ơi, nhớ ngoại nhiều lắm và xin ngoại cầu bầu cho chúng con.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con...

                                                                    Nguyễn Thái Hùng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét