Trang

Thứ Hai, 18 tháng 7, 2011

KITÔ HỮU TRƯỚC MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỜI SỰ LUÂN LÝ (2)

KITÔ HỮU TRƯỚC MỘT SỐ VẤN ĐỀ THỜI SỰ LUÂN LÝ (2)




PHẦN I : ÍT VẤN ĐỀ THỜI SỰ VỀ SINH HỌC (tiếp theo)
 



C. VỀ PHÁ THAI

1. Vài chú thích

Ngày nay, việc phá thai trở thành nạn tội ác lớn ở khắp nơi trên thế giới. Hàng triệu vụ mỗi năm. Ngay tại Việt Nam con số phá thai hàng năm được chính thức ghi nhận cũng thật khủng khiếp đến độ dư luận không còn dị ứng, thậm chí quen quá hóa nhàm.

Người Kitô hữu đừng quên rằng: phá thai “là tội ác ghê tởm: abortus necnon infanticidium nefanda sunt crimina” (Gaudium et Spes số 51).

Vậy phá thai là gì?

Theo quan niệm y học thông thường, phá thai là trục một thai nhi ra khỏi tử cung trước ngày mãn nguyệt khai hoa. Có thể tự nhiên xảy ra như khi sẩy thai, có khi hữu ý trục ra. Ngày nay tại Việt Nam, phá thai còn được gọi ngụy trang là “hút điều hòa kinh nguyệt”, “nạo thai”.

Ngày nay, phá thai được coi như một biện pháp hạn chế sinh đẻ. Cứ lý luận bình thường thì vừa khi tinh trùng gặp được trứng noãn trong vòi fallope của phụ nữ mà kết hợp thành tế bào đầu tiên thì tế bào đó đã chứa đựng mọi tiềm năng để phát triển thành người rồi. Do đấy, cố ý phá thai là giết người còn trong lòng mẹ.

2. Người Kitô hữu nghĩ gì về phá thai?

Ngay từ lúc tinh trùng giao duyên được với trứng noãn, mọi tiềm năng thành người đã thành hình. Vì thế, phải tôn trọng và bảo vệ con người ngay từ giây phút hình thành đầu tiên đó. Dùng thuốc ngừa thai hoặc vòng xoắn, vì lý do “cai đẻ’, để làm cho khối tế bào đầu tiên ấy không phát triển được hoặc bị hư vì non quá phải kể như là một hình thức phá thai. Vì lẽ nếu đủ điều kiện bình thường sau 14 ngày, khối tế bào đầu tiên ấy đã có thể cho khoa học chuyên môn nghe và ghi âm được tiếng tim đập. Nghĩa là đã là người rồi. Thảo nào, tiên tri Yêrêmia thuật lại lời Đức Yavê nói với ông: “Trước khi Ta nắn ra người trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi. Và trước khi lọt dạ mẹ, Ta đã tác thành ngươi”. Chữ “biết” theo Thánh Kinh, không chỉ là nhận thức theo tri thức, song còn gồm cả lòng muốn và cảm tình, nghĩa là Chúa đã chọn lựa và tiền định, quan phòng nữa. Thánh vịnh 139 ca ngợi sự thông biết mọi sự của Chúa:

“Xương cốt tôi không ẩn khuất với Người.
Khi tôi được thành hình trong kín ẩn” (câu 15).


Chính vì thế, khi sẩy thai, Kitô hữu phải rửa tội cho phôi thai, ít ra với điều kiện giả thiết thai còn sống.

Vì thế từ thế kỷ thứ nhất, sách Didaché đã răn: “Ngươi đừng giết chết mầm sống bằng việc phá thai và đừng hủy hoại trẻ sơ sinh” (2,2).

Bởi đấy, tự mình hoặc ai cộng tác vào việc phá thai thì phạm trọng tội. “Và tội ác này bị Giáo hội phạt vạ tuyệt thông tiên kết (=latae sententiae) do chính hành vi phạm tội và theo các điều kiện được dự trù trong Giáo luật” (GLCG số 2272).

Sách GLCG cũng xác định thêm là được phép giải phẩu bào thai “miễn là tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của bào thai, và không gây nên những nguy cơ không thích hợp, nhưng chỉ nhắm chữa lành, cải thiện các điều kiện sức khỏe, hoặc để cứu sống nó” (số 2275).

Cũng số ấy xác định: “Thật là vô luân nếu người ta sản xuất ra những bào thai người, dành để khai thác như những vật liệu sinh học”. Ám chỉ đến mọi toan tính sản xuất bào thai trong ống nghiệm, lựa lọc, tồn trử bào thai tốt để dùng vào các cuộc thí nghiệm, hoặc để kinh doanh. Toan tính này quen gọi là ngân hàng bào thai.

Phá thai, nạo thai còn được gọi ngụy danh là “hút điều hòa kinh nguyệt”, là phạm tội giết người, lỗi giới răn thứ năm.

Hủy hoại mầm sống con người vừa mới thành hình cũng là giết người. Lý luận và khoa học cho thấy rõ, vừa khi tinh trùng gặp được noãn rồi, làm nên tế bào đầu tiên thì mọi khả năng thành hình một con người đã hàm chứa trong đó rồi. Vì thế, phải tôn trọng quyền làm người ngay từ giây phút vừa thành hình. “Trước khi cho người hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” Gr. 1,5).

Chủ ý phá thai, cộng tác vào việc phá thai bất cứ bằng cách nào như góp ý, phụ giúp người phá thai… đều phạm tội nặng.

Ngoài là tội, phá thai “có hiệu quả” còn bị vạ tuyệt thông tiền kết (Giáo luật điều 1398).
Với phép rộng 23 của Năng quyền Thập niên (1971-1980 nay còn được tiếp tục) thì linh mục giải tội được phép giải cả tội lẫn vạ “làm trụy thai mà có công hiệu, dù chính là người mẹ”. Dĩ nhiên, phải ra việc đền tội xứng hợp với tội (thường lâu và nặng hơn). Khi tha vạ, lúc giải thì dùng chính công thức giải tội vì công thức ấy gồm cả lời tha vạ.

Để ứng phó với việc phá thai, Giáo hội khuyến cáo mọi người Kitô hữu hãy hết sức bảo vệ thai nhi bằng cách hết lòng nâng đỡ, khuyên răn các bà mẹ có bầu đừng nạo thai, và cố gắng bảo vệ cho đứa con sinh ra.

D.LÀM CHO CHẾT ÊM ÁI

1. Vài thông tin để hiểu biết

Theo quan niệm y học, đó là cách làm cho chết êm ái và không đau đớn. Người ta còn nại đến lý do bác ái, yêu thương để người bệnh đau đớn không có hy vọng được lành bệnh, lại sắp chết, thì dùng cách nào đó (thường là thuốc) cho họ chết sớm, để chấm dứt đau đớn.

Nhiều nước đã cổ động ra luật cho phép giúp chết êm ái khi bệnh nhân nan trị, quá đau đớn xin. Luật cho phép bác sĩ điều trị bệnh nhân nặng, khó sống, quá đau đớn, được cho chết êm dịu khi bệnh nhân xin và phải được kiểm soát gắt gao về mặt y học. Luật cho phép dựa trên hai quan điểm chủ yếu: một là, nhìn nhận bệnh nhân có quyền tự quyết, định đoạt về mạng sống mình một cách tuyệt đối; hai là, xác tín rằng sự đau đớn thật sự vô ích và không kham nổi, đau đến chết đi được.
2. Kitô hữu nghĩ gì về vấn đề này?

Sách GLCG số 2276 khuyến cáo: “những người có sự sống bị suy giảm hoặc bị yếu đi, đòi hỏi một sự tôn trọng đặc biệt. Những bệnh nhân hoặc bị khuyết tật, cần phải được nâng đỡ để có thể sống một cuộc đời bình thường theo mức có thể”.

Rồi số 2277 phán định: “dù với lý do nào và với phương tiện nào mặc lòng, sự trực tiếp làm cho chết êm ái cũng chỉ là chấm dứt cuộc đời của những người bị khuyết tật, đau yếu hoặc đang chết dần chết mòn. Vế luân lý, cách làm này không thể chấp nhận được”.

Đừng lẫn làm cho chết êm dịu với sự từ chối cách thế điều trị đặc biệt, khác thường mà chính bệnh nhân yêu cầu hoặc do không có khả năng theo đuổi. Đó không phải là “muốn làm cho chết, nhưng chỉ là chấp nhận rằng không thể cản ngăn sự chết sẽ đến” (GLC số 2278).

Văn kiện của Hàn Lâm viện Tòa Thánh nói trên muốn nhấn mạnh đến thái độ và cách chăm sóc tận tình đối với các bệnh nhân này là quan trọng hơn và thực sự nâng đỡ, khuyến khích bệnh nhân lấy sức và lòng can đảm mà trị bệnh. Tài liệu nhắc lại gợi ý của Bản hiến chương của các nhân viên chăm sóc sức khỏe (1995) của UB Mục vụ về Sức khỏe như sau: “Bệnh nhân cảm thấy được bao bọc bởi một sự hiện diện thương yêu, có tình người và tình Chúa Kitô, sẽ không rơi vào tình trạng suy sụp…, cảm thấy mình bị bỏ rơi cho định mệnh đau đớn và tận số, nên yêu cầu được chấm dứt sự sống. Bởi vậy, làm cho chết êm ái là một thất bại cho người chủ trương, quyết định và thực hiện chủ trương ấy”. Thay vì giảm thọ cuộc sống bằng sử dụng một cách thế cho chết êm ái, tài liệu của Hàn Lâm viện Tòa Thánh hướng dẫn: hãy tận tình yêu thương và săn sóc bệnh nhân, để giúp họ hiểu rằng: Tình yêu chính mình và thân nhân là ý nghĩa cao đẹp nhất, giúp người bệnh nặng sắp chết có được sự bình an để hoàn thành phận làm người. Lúc đó, bệnh nhân có sức chịu đựng vượt qua được đau đớn xác hồn vì yêu mến đời mình và đời của những người thân như vợ con hay chồng con… Chính vì vậy, đại hội Hiệp Hội Y học thế giới lần thứ 39 tại Madrid 1987 về làm cho chết êm ái, đã tuyên bố: “Làm cho chết êm ái, đó là hành động cố ý chấm dứt sự sống của một người đang bị thống khổ, dù do chiều theo yêu cầu của chính họ hoặc theo yêu cầu của gia đình họ, là một việc vô luân”. Thông điệp Evangelium Vitae của Đức Gioan Phaolô II gọi đó là “một vi phạm nặng đến Luật Chúa” (số 65).

Vì vậy, chính bệnh nhân thống khổ ấy không được dựa vào quyền tự quyết mà muốn chấm dứt sự sống của mình. Quyền đó hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Bác sĩ trị bệnh cũng không có quyền theo yêu cầu của bệnh nhân, vì theo lời thề Hippocrate mà họ đã cam kết, chỉ được nâng đỡ cho sống và giảm giải đau đớn, chứ không được giết chết “dù có sự nài nỉ cố ý của bất cứ ai” (x. Lời thề Hippocrate). Cùng lắm, họ chỉ “được phép, theo lương tâm, quyết định từ chối những điều trị nào sẽ kéo dài sự sống tạm bợ đau đớn này”. Vì lẽ, “làm cho chết” khác với “để cho chết” cách tự nhiên.

E.THỤ TINH IN VITRO

1. Một số thông tin

Theo tự điển Quid 1996 (tr.1481a) Louisa Brown ở nước Anh là người đầu tiên đã được thụ tinh trong ống nghiệm sinh ra ngày 25/7/1978. Cha mẹ là R.Edwards và P.Steptoe. Lấy một trứng noãn của mẹ cho thụ tinh (ngày 10/11/1977) với tinh trùng của chồng, hoặc của một người thứ ba vô danh (?) ở phòng thí nghiệm. Để trứng đã thụ tinh phát triển trong ống nghiệm = in vitro 3 ngày. Sau đó, cấy vào tử cung bà mẹ lúc tế bào đầu tiên đã phát triển thành 8 tế bào.

Theo thông kê của tự điển Quid, ở Pháp từ năm 1982 đến 1992 đã có 20.000 cháu bé sinh ra theo phương pháp này, quen gọi là Fivette (Fiv). Thống kê còn cho biết vài chi tiết: chết 2,4%, dị tướng 2,8%, sinh đôi 20%, sinh ba 4%. Mỗi ca thụ tinh in vitro tốn 50.000FF.

Thụ tinh trong ống nghiệm có thể kéo theo việc mang thai và đẻ mướn với bao ràng buộc phức tạp về pháp lý, về xã hội. Năm 1977 ở Anh, bà Mary Beth Whitehead (29 tuổi) hợp đồng chửa và đẻ con mướn cho vợ chồng Wiliam (41 tuổi) và Elizabeth (41 tuổi) Stern. Sinh ra cháu Melissa, bà đòi quyền làm mẹ nó. Sau đó, tòa án đã phải can thiệp, bắt trả bé Melissa cho vợ chồng Stern theo hợp đồng với số tiền 18.000USD.
Cũng đã có một số trường hợp chửa đẻ mướn ở Pháp và Hoa Kỳ. Lại nữa, nhiều nơi đã thành lập ngân hàng phôi người, ngân hàng tinh trùng, để xử lý khi cần thụ tinh in vitro. Theo thống kê của Quid, từ 1985 đến 1991 đã có 22.000 phôi người dự trữ cho 5.500 đôi vợ chồng. Năm 1992, 6.500 phôi cho 1.400 cặp và 3.800 phôi “décongelés”.

2. Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?

Lm. Hoàng Quốc Trương, một nhà sinh học, đã viết cho báo Công giáo và Dân tộc số ra mắt: “Thụ tinh trong ống nghiệm là dịch từ test tube insemination, artificial insemination, nghĩa là thực hiện phối hợp tinh trùng với noãn cầu ngoài hệ sinh dục nữ, tức là trong ống nghiệm.

Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thoạt đầu đã được thực hiện để chữa trị chứng hiếm muộn, như trường hợp những cặp vợ chồng lấy nhau đã lâu mà không có con.

Lúc đó, hai vợ chồng tới bệnh viện phụ sản, các chuyên viên sẽ lấy tinh trùng của người chồng chứa trong tinh dịch (semen) và lấy noãn cầu đã đến thời kỳ rụng trứng (ovulation) cho phối hợp trong ống nghiệm chờ cho trứng thụ tinh bắt đầu phân chia, rồi cho trở lại vô tử cung của người vợ. Trứng sẽ bám vào vách tử cung và phát triển bình thường.

Trong trường hợp người vợ không có khả năng mang thai, hay không muốn mang thai (vì sợ bị sẩy thai) thì trứng thụ tinh được cấy vào tử cung của một phụ nữ khác thụ thai giùm, với điều kiện sau khi đẻ, phải trả lại đứa con cha mẹ thực thụ.
Thụ tinh nhân tạo cũng áp dụng trong trường hợp tinh dịch không bình thường, như trường hợp loãng tinh dịch (sperm insufficiency). Một phân khối tinh dịch bình thường phải chứa ít nhất là hai triệu tinh trùng khỏe mạnh. Trường hợp loãng tinh dịch, một phân khối tinh dịch chỉ chứa 100-200 ngàn tinh dịch, để mẫu đạt hai triệu tinh trùng/phân khối. Sau đó tiến hành thụ tinh nhân tạo.

Nhưng nếu số tinh trùng trong tinh dịch quá ít, hay toàn là tinh trùng yếu ớt, bệnh hoạn, không có khả năng thụ tinh thì sao? Lúc đó, phải nhờ đến ngân hàng tinh trùng (sperm bank) chuyên bảo quản các mẫu tinh trùng trong phòng lạnh, do các người cho (sperm donor) đã được xác định rất kỹ là không có bệnh di truyền, có hệ gien tốt… Căn cước của người cho được giữ kín, đề phòng rắc rối có thể xảy ra sau này. Với mẫu tinh trùng này, thực hiện thụ tinh nhân tạo, rồi cấy trứng thụ tinh vào tử cung của người vợ”.

3. Kitô hữu phải nghĩ thế nào về thụ tinh in vitro?

Thông thường, Giáo hội Công giáo không chấp nhận cách sinh con in vitro, vì cớ tình yêu vợ chồng bị tổn thương, tình mẹ con, cha con bì hề hấn, nhiều lạm dụng cho thương mại đứ con hoặc “cho thuê tử cung” với giá hậu hĩ, gây lộn xộn xã hội do quyền lợi và nghĩa vụ đối với đứa con được sinh ra…

Giáo hội chỉ chấp nhận việc sinh con bằng giao hợp tính dục bình thường. Không chấp nhận có con bằng mua bán hay hiến tặng tinh trùng ở một “ngân hàng tinh trùng”, với những “người cho” được chọn lọc và không lấy tiền (ví dụ tình nhân, người thông minh để chọn giống người ưu việt), hay với những “người bán”, với giá hậu hĩ (có khi từ 50 đến 100 USD/lần). Không chấp nhận được còn vì những vấn đề pháp lý phức tạp, vô luân, có khi còn gây ra thảm kịch. Ví dụ “mẹ gà con vịt”, mẹ “nuôi mướn” lại đòi làm mẹ thật, trong khi mẹ thật lại mất đi cái khổ đồng thời cũng là cái hạnh phúc “mang nặng đẻ đau”. Càng không thể chấp nhận được khi dùng các phôi ngườivào việc thí nghiệm khoa học, vào việc chọn giống người “ưu việt”, kèm theo hủy diệt các phôi yếu kém…

Không thể chấp nhận, vì tất cả những gì liên hệ đến người mẹ cung cấp noãn, đến người cung cấp tinh trùng, đến đứa con, đến phụ nữ cho thuê tử cung đều vô luân, vi phạm đến phẩm giá làm người. Càng vi phạm đến phẩm giá làm vợ chồng, cha mẹ, con cái. Bào thai, con người tí hon khi đó giống như một chất liệu của phòng thí nghiệm, có thể mua bán, có thể sử dụng tùy tiện. “Cha”, “Mẹ” bé cũng chẳng tha thiết, vì lẽ tinh trùng hay noãn có thể không thuộc về hai vợ chồng; đứa con lúc đó không thể được coi là con của họ theo đầy đủ ý nghĩa. Thậm chí, đứa bé sinh ra có thể là đứa con ngoại tình gián tiếp do noãn hay tinh trùng được cung cấp bởi tình nhân. Cũng phải thêm rằng, việc sử dụng tinh trùng hay noãn của những người vô danh, nếu những những đưa bé chào đời đều được thụ tinh bởi cùng một người “cha” hay cùng một “mẹ” thì khi lớn lên, chúng tình cờ gặp gỡ, kết duyên vợ chồng sẽ phạm tội loạn luân mà không biết. Và điều này, theo khoa học, có thể gây dị tật cho con cháu về sau. Đối với các bà mang thai “giùm”, có thể là người dưng nước lã (cho “thuê” tử cung), có thể là người thân như mẹ, chị, em ruột, cô, dì… thì có thể đoán ra mối liên hệ xã hội, và tâm lý bấy giờ sẽ phức tạp biết bao. Đặc biệt là khi người mang thai giùm lại là mẹ ruột của bà “mẹ” cho noãn!

Tuy nhiên, mong muốn có con là sự ước muốn chính đáng của vợ chồng. Vì đứa con là biểu hiện, là thành quả của tình yêu thắm thiết giữa hai người. Song, đôi khi họ không thể có con vì trục trặc cơ thể, như ống dẫn trứng faloppe bị tắc nghẽn mà không thể xử lý bằng giải phẩu thì sự can thiệp bằng y học để giúp vợ chồng có con, không bằng giao hợp âu yếm, song bằng một cách thế nào đó cho đôi bạn vẫn bảo toàn được tình yêu cho vợ chồng lẫn đứa con sẽ sinh ra, thì hành vi đó còn được coi là hợp luân lý. Cha Th.Rey Mermey thuật lại: “Ngày 25/7/1978, bé Louisa Brown đã sinh ra đời tại Oldham, Anh quốc. Em là đứa trẻ đầu tiên trong lịch sử được cưu mang ngoài dạ mẹ. Đức Hồng Y Albino Luciani, vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô I tương lai, đã gửi điện chúc mừng hai cha mẹ may mắn, mà sự hiếm hoi đã làm đau khổ bấy lâu nay” (sđd tr.94).


F.NHÂN BẢN CON NGƯỜI

1. Nhân bản con người là gì?

Ngày 24/2/1997, các nhà khoa học làm việc ở Viện Nghiên cứu Roslin, Edinburgh, Bắc Ái Nhĩ Lan, đã chính thức thông báo một phát minh khoa học gây chấn động thế giới: lần đầu tiên họ đã tạo ra và nuôi dưỡng thành công một chú cừu có cơ cấu sinh học giống hệt con cừu khác, bằng phương pháp sinh sản vô tính (clone). Và họ đặt tên nó là Dolly. Cùng lúc, các nhà khoa học Mỹ (3/3/1997) thuộc phòng thí nghiệm Oregon nói họ đã thành công tạo ra khỉ bằng sinh sản vô tính. Mừng chưa hết đã sinh lo, vì khỉ thuộc nhóm động vật giống người nhiều. Như thế, có thể tạo bản sao con người theo cách sinh sản vô tính không? Và nếu được, thì “không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra” (Gs.Trương Đình Kiệt, ibi).

Nhưng, sinh sản vô tính là gì?


Đó là lấy một tế bào của một con vật mẫu như cừu, khỉ, heo, gà… đem cấy vào tứng rỗng (lầy hết nhân AND, nhiễm sắc thể ra) của một con vật thứ hai cùng loài. Sau đó, đem cấy vào tử cung của con vật mẫu thứ ba để nó mang thai. Con thứ tư ra đời là “bản sao” của con đầu tiên.

Đây quả là một thành công vĩa đại của ngành sinh học, sau gần nửa thế kỷ nghiên cứu và thí nghiệm. Vì vậy, từ đầu thập niên 70, các nhà khoa học thế giới đã tìm cách tạo ra những con chuột, con thỏ, con bò… giống nhau bằng phương pháp tách một phôi đã được thụ tinh thành hai phần và nuôi dưỡng để chúng phát triển.

2. Kitô hữu nghĩ gì về “bản sao” con người?

J.Rostand, một nhà khoa học vô thần người Pháp, đã có lần nói: “Khoa học đã biến chúng ta thành những vị thần ngay trước khi được làm những con người mà thôi cũng vẫn chưa xứng đáng”.

Thật vậy, với việc tạo ra con người bằng thụ tinh nhân tạo, với kỹ thuật tân tiến can thiệp vào phôi người để thay đổi tính người, đặt biệt với khả năng ngày mai nhân bản được con người, con người nhận ra mình “được như Thiên Chúa” (Kn 3,5), “nhưng không có (cần) Thiên Chúa, trước Thiên Chúa chứ không theo Thiên Chúa” (GLCG số 298). Đó là điều ma quỷ đã cám dỗ ông bà Adam Eva. Trong tâm lý đó, người ta như thấy có quyền quyết định mọi chuyện, kể cả sự sống sự chết của con người!
Như vậy, có phải cái gì kỹ thuật, khoa học làm ra đều tốt và được phép làm cả không? Nói khác đi, kỹ thuật, khoa học có chịu sự chi phối của đạo đức không?

Qua những gì đã trình bày trên, ta không ngạc nhiên khi thấy Giáo hội Công giáo mạnh mẽ phản đối việc nghiên cứu nhân bản con người, cũng như nhiều vấn đ6e2 khác về sinh học. ngay cả xã hội dân sự, chính quyền nhiều nước cũng rất quan tâm.
Ngày 27 và 29/3/2001, kênh VTV2 của đài THVN cho phát phóng sự (lúc 14g15-14g35) về hội đàm bàn tròn gồm một số nhà khoa học Mỹ-Pháp trao đổi về nghiên cứu nhân bản con người theo phương pháp sinh sản vô tính. Hai lập trường rất rõ rệt. Một số nhà khoa học ủng hộ việc nghiên cứu: bây giờ chưa được chấp nhận sẽ có ngày được chấp nhận; ở đây chưa được, được ở nơi khác; bây giờ chưa kết quả, sau này chắc sẽ kết quả, sẽ kết quả trong 50 năm nữa, và sẽ được pháp luật công nhận, bảo vệ. Trái lại, số đông hơn không đồng ý cho nghiên cứu vì nhiều hiểm họa đe dọa phẩm giá làm người, kể cả hiểm họa không thành người đầy đủ ý nghĩa. Để thành người và để sống cho ra người, không chỉ cần có khoa học, kỹ thuật (tạo ra thân xác), song chủ yếu cần sự khôn ngoan trong triết lý, tôn giáo và luân lý cùng kinh nghiệm sống của mọi người (yếu tố linh thiêng). Nếu không, khoa học sẽ biến ta thành “ngợm” hơn là thành “người”, nếu nó thiếu “linh hồn” (viết theo J.L.Bruguès).

Lúc Tổng thống Lý Quang Diệu của Singapore sắp nghỉ hưu đã bày tỏ ước nguyện: cho thụ tinh noãn của một số phụ nữ ưu việt Singapore với tinh trùng của một số nam nhân Singapore cũng ưu tú, để đất nước Singapore ngày mai có lớp lãnh đạo ưu việt, thì loài người lại lo nhân bản thành công sẽ sản sinh một lớp người đầu trộm đuôi cướp, khát uống máu người!...

ĐGM. PHAOLÔ TỊNH NGUYỄN BÌNH TĨNH

NGUỒN : UBMVGIADINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét