Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 4

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 4

MƯỜI ĐỀ TÀI LUÂN LÝ KI-TÔ GIÁO : ĐỀ TÀI 4
 

Làm sao phân biệt và giúp người kitô hữu phân biệt những biểu hiện đúng đắn của sự thờ phượng với những biểu hiện ‘mê tín’? Có những hình thức ‘mê tín’ nào đang dần dần phổ biến hiện nay? (đạo đức học tôn giáo hay giới răn 1,2 và 3)
 

Nhập đề :

Không phải chỉ từ khi bị các chủ nghĩa vô thần công kích, mà ngay từ khi xuất hiện, tôn giáo chân chính nào cũng thấy phải thường xuyên minh định bản chất thật và những hình thức biểu hiện thật của tôn giáo mình với những hiện tượng ngụy trang và những biểu hiện không đúng của mình. Nói thế có nghĩa là một đàng nguy cơ biến chất thành mê tín luôn chờ chực mọi tín đồ tôn giáo và vì thế, mọi tín đồ – nhất là giới lãnh đạo tôn giáo – phải luôn luôn cảnh giác và can thiệp kịp thời, nhưng đàng khác tôn giáo cũng đúng là một nhu cầu của con người. Như vậy, điều quan trọng là phải tỉnh táo và khôn ngoan để biết bỏ cái này nhưng vẫn giữ cái kia, “hắt nước bẩn đi nhưng không quăng cả cháu bé đang tắm trong chậu”.

Khai triển :

1. Thờ phượng, một việc làm thừa thãi, thậm chí có hại ?

Hai chữ thờ phượng thường ám chỉ những biểu hiện bên ngoài của tôn giáo, từ các việc đạo đức cá nhân (cầu nguyện, sùng kính, đọc sách thiêng liêng, hi sinh hãm mình…) đến các việc thờ phượng tập thể, thậm chí do chính Giáo Hội tổ chức và qui định (phụng vụ), và đến các bí tích (việc thờ phượng không những do Giáo Hội tổ chức và qui định mà đúng hơn, do Đức Kitô thiết lập – ít là ở mức sơ khởi – và đánh dấu các sự việc quan trọng trong đời sống người kitô hữu [đánh dấu việc sinh ra, được dạy dỗ và lớn lên, được nuôi sống, được tha thứ và giải hoà, khi ngã bệnh, khi phải gánh vác trách nhiệm trong xã hội – hôn nhân – hay trong Giáo Hội – truyền chức thánh]). Mặc dù được biểu hiện rất cụ thể bên ngoài, nhưng việc thờ phượng bao giờ cũng xuất phát từ một tâm tình trong lòng như tin vào Chúa, cậy trông vào Chúa, yêu mến Chúa (ba nhân đức đối thần là linh hồn của sự thờ phượng). Công đồng Vatican II còn mở rộng các hình thức thờ phượng ra tới các hoạt động tông đồ và cả các sinh hoạt thế tục lớn nhỏ của đời sống kitô hữu. Đã là tư tế của Thiên Chúa do bí tích Rửa Tội và là tư tế trong mọi nơi mọi chỗ, nên bất cứ việc nào được người kitô hữu làm với ý thức trách nhiệm và phục vụ con người thật sự đều được kể là việc thờ phượng gián tiếp của người kitô hữu (hiến chế mục vụ của công đồng Vatican II, số 43).

Dù sao, việc thờ phượng đúng nghĩa vẫn là những việc mang tính tôn giáo rõ ràng. Và ở đây, người ta mới gặp thấy vấn đề : những việc thờ phượng trực tiếp ấy có thật sự cầnthiết và ích lợi cho cá nhân và xã hội hôm nay không ? Chúng ta không phủ nhận giá trị của các hoạt động bên ngoài của con người – nhất là những hoạt động phục vụ con người và phục vụ các giá trị của đời sống con người. Nhưng chúng ta cũng không được xem nhẹ các việc thờ phượng. Không phải chỉ vì đó là yêu cầu của luật lệ Giáo Hội, cũng không phải chỉ vì đó là một hoạt động đem lại nhiều ơn ích như tái lập sự thăng bằng cho con người và cuộc sống, giúp con người được bình an và sáng suốt, thậm chí có thể chữa bệnh và mang đến một số kết quả bất ngờ khác gần như phép lạ. Người kitô hữu làm việc thờ phượng, trên hết là vì đó là bổn phận tất yếu của người tin mình có liên hệ mật thiết với Thiên Chúa hay vì đó là hệ luận đương nhiên của người có đức tin hướng thần. Đã tin có Thiên Chúa và tin Thiên Chúa có quan hệ hết sức mật thiết với mình, người ta không thể không liên lạc với Ngài bằng đủ mọi tâm tình, lời nói, cử chỉ, hành động, thậm chí bằng cả con người và cuộc sống của mình. Người ta sẽ thấy rõ hơn sự cần thiết của tôn giáo và việc thờ phượng, khi nhận thức sâu sắc tự bản tính con người vốn là một hữu thể không khép kín với chính mình và với thế giới con người, mà mở ra với siêu việt và với đấng tối cao. Mở ra với đấng ấy cũng đồng thời là khám phá ra sự liên lụy cố hữu giữa hai bên, hai bên như đang ở trong một giao ước không biết có từ bao giờ, ràng buộc nhau và lôi kéo nhau.
Hiện tượng vô thần hay hiện tượng dửng dưng với tôn giáo hoặc hiện tượng nguội lạnh với việc thờ phượng có thể xuất phát từ những tai họa quá lớn trong đời người khiến người ta không nhìn ra được quyền năng và tình thương Chúa, cũng có thể sinh ra từ những gương xấu trầm trọng của những tín đồ “chuyên trách” và “chuyên môn” về tôn giáo. Nhưng cũng có thể là do người ta quá vụ lợi và thực dụng (chỉ tin và yêu quí những gì đem lại lợi ích trước mắt cho mình hay cho người khác), và nhất là do không nhận thức được tự bản tính con người đã có “tính tôn giáo” hay nhu cầu và khả năng hướng tới siêu việt. Càng ý thức chiều kích tâm linh hay tôn giáo là chiều kích căn bản của con người, càng thấy sự hợp lí của các hành vi tôn giáo và các việc thờ phượng. Như thế, thờ phượng chẳng những không thừa thãi và không có hại, mà còn hết sức cần thiết và hữu ích, đến nỗi gạt bỏ hẳn việc thờ phượng sẽ làm hại tới sự phát triển toàn diện của cá nhân và xã hội. Vì vậy, có người nói: xét cho cùng, chẳng ai là vô thần đúng nghĩa cả ; người ta chỉ vô thần với loại tôn giáo này hay hình ảnh thiên chúa này, nhưng lại hữu thần với loại tôn giáo khác hay hình ảnh một thiên chúa khác.

Đến đây, ta mới thấy sự đúng đắn của người Do Thái ngày xưa và của các kitô hữu sau này khi kiên trì trong đức tin tôn giáo. Lịch sử có thể chứng minh đã có rất nhiều thay đổi trong các biểu hiện tôn giáo của người Do-Thái và của các kitô hữu, nhưng trước sau như một người ta không bao giờ chủ trương không có Thiên Chúa và không có tôn giáo. Chẳng hạn người kitô hữu có thể bỏ qua phép cắt bì, không cử hành ngày sa-bát, có thể thay đổi một số lễ và một số nghi thức, bãi bỏ và thay thế các chức vụ của phẩm trật cũ trong Giáo Hội… Nhưng trước sau họ vẫn tin Thiên Chúa, vẫn thờ lạy Ngài. Nhiều khi những sự bãi bỏ và thay đổi ấy cần thiết tới mức không những giúp tránh được những hình thức thờ phượng dị đoan mê tín, mà còn giúp thanh lọc để Do-Thái Giáo và Kitô Giáo ngày càng tinh ròng hơn, đúng với bản chất của các tôn giáo ấy. Đặc biệt, người Do-Thái và người kitô hữu luôn tìm lời giải thích cuối cùng về mọi việc nơi ý định của Thiên Chúa : liên hệ với Thiên Chúa để tìm ra ý nghĩa cuối cùng của mọi sự vật.

2. Thờ phượng, một lãnh vực cần được thanh lọc và kiện toàn luôn

Có một nguyên nhân khá quan trọngï có thể giải thích tình trạng vô thần, dửng dưng tôn giáo hay nguội lạnh thờ phượng, đó là do những biểu hiện tôn giáo của nhiều người và nhiều nơi mang tính mê tín dị đoan quá rõ, khiến người ta có cảm giác chấp nhận tôn giáo và làm việc thờ phượng là đồng thời phải chấp nhận những hành xử hết sức điên rồ và phi nhân bản. Thế nên, không những để tránh những cái nhìn tiêu cực của những người ấy về tôn giáo và thờ phượng, mà nhất là để khuynh hướng dễ dãi và chuộng mới của các tín đồ không làm tôn giáo biến chất và thoái hoá qua những hình thức thờ phượng mê tín, tôn giáo nào – tôn giáo ngày xưa như Do-Thái Giáo thời Cựu Ước hay tôn giáo ngày nay như Kitô Giáo chúng ta hiện nay – cũng quan tâm bài trừ các hình thức thờ phượng mê tín, đồng thời làm mới lại các hình thức thờ phượng chân chính.

2.1. Một vài hình thức thờ phượng sai lạc

- Thờ đúng đấng phải thờ nhưng sai cách, như bằng những cách hoàn toàn phi lí hay vô nghĩa : thay vì tin rằng Chúa là đấng quyền năng và nhân từ đã cứu chữa mình khi thấy mình tha thiết với ơn ấy (sự tha thiết được bày tỏ qua việc chúng ta đọc kinh, uống nước “thánh”, hôn kính ảnh thánh…), người ta lại cho rằng sự cứu chữa ấy xuất phát từ chỗ mình đã đọc đúng kinh, đúng số lần yêu cầu, uống đúng thứ nước lấy tại nơi thánh, hôn đúng ảnh thánh, đúng số lần yêu cầu… Hay như bám chặt vào luật chữ đỏ cách cứng nhắc, giữ các lề thói tế tự cách cương quyết, tới mức cho rằng chính vì làm đúng như chữ đỏ hay lề thói qui định mà việc cử hành mới thành sự và mới đem lại ơn ích, quên rằng tất cả việc tuân giữ ấy chỉ nhằm bày tỏ lòng kính trọng và yêu mến, chỉ nhằm tăng phần trang trọng và trật tự, chứ không phải là nguyên nhân tác thành mang lại ơn thánh. Hoặc bằng những cách thế hết sức bất xứng : đọc kinh hay cử hành bí tích với những đồ dùng, y phục, tại những nơi chốn hết sức bẩn thỉu hay tội lỗi…

- Thờ sai đấng phải thờ, như thờ các thánh, các vĩ nhân và anh hùng như thể các ngài là thần linh đã sinh ra và đã cứu độ mình (thay vì chỉ tôn kính các thánh – ngưỡng mộ và noi gương bắt chước hay nhờ các ngài chuyển cầu với Thiên Chúa cho chúng ta do sự gần gũi của các ngài với Thiên Chúa), hoặc quí yêu và sùng bái các “thần tượng” (trong các lãnh vực nghệ thuật chẳng hạn) chỉ vì các thần tượng ấy đáp ứng một nhu cầu hay sở thích hoặc đam mê nào đó của mình, tới mức không kính trọng và yêu quí đủ các thần thánh và Thiên Chúa. Tệ hơn nữa là sùng bái và yêu quí các thụ tạo vô tri vô giác tới mức biến mình thành nô lệ thay vì làm chủ chúng (tôn thờ tiền bạc, sắc đẹp, quyền hành…).

- Hai hình thức thờ phượng trên đây, nếu được đẩy thật xa, sẽ trở thành mê tín hay dị đoan. Vì thế, mê tín hay dị đoan chẳng qua là những hành vi tin tưởng và thờ phượng hoặc không đúng cách (một cách phi lí và vô nghĩa hay một cách hoàn toàn bất xứng) hoặc đúng cách nhưng không đúng đối tượng (tin tưởng và thờ phượng những đối tượng không đáng được như vậy), ở mức thái quá. Thường thường, người ngày nay biểu lộ rõ sự mê tín của mình qua những việc kiêng giữ vô lí (kiêng ngày, kiêng tháng, kiêng số 13, kiêng một số đối tượng…) hay qua những việc bói toán (bằng lá bài, quả cầu thủy tinh, vị trí các ngôi sao, vật dụng liên quan đến người chết…). Khi dùng sức mạnh ma quỉ để tạo một hậu quả nào đó là đã thực hành ma thuật : nếu hậu quả đó là tốt thì gọi là ma thuật trắng, là xấu thì gọi là ma thuật đen.

- Phần lớn các thực hành mê tín và ma thuật như trên đây xuất phát từ hai nguyên nhân: một đàng do người ta không có đủ hiểu biết mang tính khoa học nên mới gán ghép sức mạnh to lớn cho các vật, các người, các sức lực tự nhiên trong khi chúng không có; đàng khác do người ta không dám sống đức tin nên mới vội vàng đi tìm các giải đáp tức thời. Ở mức độ nhẹ có thể là thực hành mê tín và ma thuật cho vui hay để thoả mãn sự tò mò ; ở mức độ nặng hơn là thực hành vì tin rằng chúng có giá trị; ở mức nghiêm trọng là thực hành say sưa tới mức cư xử và hành động hoàn toàn dựa vào đó.

2.2. Cần tỉnh táo phân biệt

- Tuy nhiên, cần tỉnh táo phân biệt mê tín dị đoan với những biểu tượng và nghi thức tôn giáo hay văn hoá : có nhiều biểu tượng và nghi thức dùng trong tôn giáo hay văn hoá đã dựa trên cơ sở lí luận xa xưa mà ngày nay không dễ dàng hiểu rõ hoặc chỉ người trong cuộc (trong tôn giáo hay trong văn hoá ấy) mới hiểu rõ. Chẳng hạn bắt tay hay ôm hôn là những cử chỉ văn hoá tượng trưng cho tình thân ái giữa hai người, ngày xưa người ta chọn làm như thế vì một lí do nào đó mà ngày nay dù không còn được mấy ai hiểu rõ nhưng bãi bỏ hay thay thế có thể còn tai hại hơn là cứ làm như xưa nay vẫn làm. Hoặc nước thánh, phép lành, dấu thánh giá… là những cử chỉ được dùng thường xuyên trong Kitô Giáo vì rất có ý nghĩa (dựa trên những cái nhìn của Kitô Giáo về Thiên Chúa, con người, thế giới…) hay dù không còn được nhiều người hiểu nữa nhưng vẫn có ý nghĩa hoặc cũng chẳng làm hại ai.

- Ngoài ra, còn cần phân biệt hành vi mê tín dị đoan với những khoa học, tuy còn mới nhưng rất phổ biến và căn bản, quen gọi là ‘siêu khoa học’ (‘parascience’) hay ‘siêu tâm lí’ (‘parapsychologie’). Chẳng hạn việc dùng hòn chỉ để dò tìm mạch nước, việc thần giao cách cảm, việc thôi miên để chi phối người và vật… Dù chưa được chứng minh hoàn toàn, nhưng nếu có cơ sở khoa học khách quan thì hành vi ấy không còn bị gán cho là mê tín dị đoan nữa. Đáng sợ nhất là người ta đã đi từ một giả thiết tiên thiên (rằng không có hiểu biết nào có giá trị hơn hiểu biết của khoa học ; rằng điều gì không chứng minh được bằng khoa học thì đó là điều mê tín dị đoan…) để kết luận rằng bất cứ thực hành nào khó hiểu hay hơi phi lí đều là mê tín dị đoan.

- Cũng nên phân biệt việc thờ phượng chân chính với các biểu hiện lòng đạo đức của quần chúng bình dân (đạo đức bình dân). Dù trong các biểu hiện ấy có nhiều chi tiết nên thanh lọc hay thậm chí bãi bỏ, nhưng bao lâu chúng chưa đi ngược hẳn đức tin Kitô Giáo và bao lâu các biểu hiện ấy không gây “sốc”, chúng ta cũng cần nâng niu giữ gìn, thanh lọc và thăng hoa các việc thờ phượng bình dân ấy. Chẳng những vì qua đó dân chúng có thể bày tỏ dễ dàng lòng sùng kính của mình, mà còn cho thấy tôn giáo bao trùm lên mọi lãnh vực và khía cạnh của đời sống con người. Cắt bỏ những gì là tình cảm, là chủ quan… không chắc sẽ làm tôn giáo tinh ròng hơn, mà có thể biến tôn giáo thành cằn cỗi khô khan, đến nỗi không còn làm ai hứng thú tham gia, như đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận xét và coi đó là một trong những nguyên nhân khiến đạo Công Giáo suy đồi ở nhiều nơi.

3. Một lời khuyên mục vụ

- Trong chiều hướng tôn trọng tự do của cá nhân và phát triển việc dân chủ hoá xã hội, các chính phủ ngày càng cho phép rộng rãi không những trong việc biểu hiện tín ngưỡng và tôn giáo, mà cả trong việc thành lập các giáo phái và các tôn giáo. Ngay cả nơi các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội vô thần, các chính phủ cũng từ từ nhận thấy tầm quan trọng của tín ngưỡng và tôn giáo – như một hiện tượng văn hoá có vai trò giúp làm thăng bằng đời sống cá nhân và giúp tạo dựng sự ổn định xã hội. Nhưng cũng chính vì được tự do như thế, lại chưa được chuẩn bị kĩ lưỡng, nên không tránh khỏi tình trạng sinh sôi nảy nở nhiều hình thức tôn giáo và tín ngưỡng sai lạc bên cạnh những tôn giáo và tín ngưỡng đúng đắn. Không loại trừ những trường hợp tôn giáo và tín ngưỡng bị lạm dụng để phục vụ tư lợi của một cá nhân hay một phe nhóm nào đó.

- Thái độ căn bản của người mục tử Giáo Hội Công Giáo trước tình hình ấy là tỉnh táo – không hấp tấp khai trừ mà cũng không vội vàng tiếp nhận – như đã rút ra được từ cuộc “Tranh cãi về lễ nghi” giữa các nhà truyền giáo tại các giáo hội Á Châu vào thế kỉ 19. Không hấp tấp khai trừ vì trong tất cả các biểu hiện tôn giáo và tín ngưỡng ấy không hẳn là thiếu nền tảng khoa học, văn hoá và tôn giáo, càng không hẳn là thiếu thành tâm thiện chí của những người sáng tạo và những người hưởng ứng. Đó là chưa kể lí do : biết đâu Chúa Thánh Thần đang thổi qua những biểu hiện đó, cách nào chỉ có Ngài biết. Nhưng cũng không vội vàng tiếp nhận vì trong tất cả các biểu hiện ấy không loại trừ những khiếm khuyết và sai lạc, đôi khi rất nghiêm trọng, càng không loại trừ sự can thiệp kín đáo của những tính toán vị kỉ và thấp hèn. Cũng chưa kể lí do : biết đâu ma quỉ đang nhúng tay vào những biểu hiện đó để làm lung lạc các tâm hồn.

- Cũng trong tư thế tỉnh táo ấy, người mục tử Giáo Hội Công Giáo sẽ phân định bằng cách dựa vào các nền tảng giáo lí, các hiểu biết về khoa học và văn hoá, các phân tích về tâm lí và hoàn cảnh xã hội của những người liên hệ, để đánh giá đúng đắn giá trị của các biểu hiện tôn giáo và tín ngưỡng.

- Dù đã có sự đánh giá tương đối khách quan và có cơ sở, người mục tử Giáo Hội Công Giáo cũng nên xử sự khôn ngoan và nhân ái đối với các biểu hiện và phong trào ấy bằng cách bao lâu chưa tìm ra một hình thức biểu hiện tín ngưỡng và tôn giáo tốt hơn, hãy tập tương nhượng, đồng thời thanh lọc dần ; ngay cả khi đã tìm ra hình thức biểu hiện tốt hơn, vẫn cần áp dụng nguyên tắc tiệm tiến (cho mỗi địa phương, mỗi thành phần…) ; nuôi khát khao và giúp các tín đồ nuôi khát khao những biểu hiện tín ngưỡng và tôn giáo (thờ phượng) ngày càng tinh ròng hơn : không nặng tính cá nhân, không quá vật chất, không cầu lợi, không thực dụng…

Kết luận :

Cần mẫn và nghiêm túc phân tích để đánh giá và tìm ra những hình thức thờ phượng Chúa ngày càng tốt hơn, đó không chỉ là đòi hỏi tự nhiên trước nguy cơ thường xuyên của bất cứ hiện tượng văn hoá và tôn giáo nào (nguy cơ biến chất và xuống cấp) do tâm tính con người, mà còn là yêu cầu của việc đi tìm một sự thờ phượng ngày càng xứng đáng hơn với Thiên Chúa. Chúng ta không chỉ vì cảnh giác với mình và con người, mà còn vì yêu mến Thiên Chúa, nên mới siêng năng và cẩn thận quan sát, phân tích, đánh giá các biểu hiện của sự thờ phượng. Trong hành trình cam go và dai dẳng này, khôn ngoan và nhân ái hay tỉnh táo thôi chưa đủ, mà còn cần phải có lòng yêu mến sâu xa – yêu mến Chúa và muốn dành cho Chúa điều tốt nhất trong đời sống thờ phượng của mình.

Lm. Pr. Đặng Xuân Thành

(Đại Chủng Viện Hà Nội)

NGUỒN : UBMVGIADINH
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét