Trang

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI XIII : KÍNH GỬI ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU



HỘP THƯ GỬI MẸ CHÚA TRỜI XIII : KÍNH GỬI ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU

I. Ý CẦU NGUYỆN

1. Cầu cho các nhóm thiểu số và sắc tộc. Xin cho họ được nhiều ân nhân trợ giúp thăng tiến sức khoẻ và giáo dục.

2. Cầu cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân trên thế giới và ở Việt Nam bị sát hại, tù đày, hành hung, đe doạ, lăng nhục vì đức tin vào Chúa Kitô và lòng trung thành với Đức Thánh Cha.

3. Cầu cho các Giáo hội địa phương và các giám mục trên toàn thế giới trung thành - hiệp thông - bênh vực - vâng phục Đức Thánh Cha. 

II. ÐỨC MẸ TRÀ KIỆU

Trà Kiệu, thuộc Giáo phận Ðà Nẵng, được vinh hạnh có đền thờ lịch sử thời danh, xây cất năm 1898, trên Ðồi Bửu Châu, một ngọn đồi xinh đẹp nằm về phía đông Trà Kiệu. Ðền thờ được dâng kính Ðức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, để ghi nhớ chiến thắng mà Ðức Mẹ đã dành cho giáo hữu nơi đây trong cuộc chiến tự vệ chống lại Phong trào Cần Vương năm 1885. Với chủ tâm giết đạo, phong trào này đã quyết chí tiêu diệt Trà Kiệu, như họ đã tiêu diệt hàng trăm họ đạo khác tại Miền Trung.

Trà Kiệu, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, nằm về phía tây Quốc Lộ 1 khoảng 7 cây số, dọc theo Hương Lộ số 7 dẫn đến nhiều di tích của Người Chàm ở Mỹ Sơn, đến Khu Kỹ nghệ An Hoà, Mỏ than Nông Sơn và cách Ðà Nẵng khoảng 25 cây số về hướng Tây Nam.

Ðịa thế Trà Kiệu gần như vuông vức. Mỗi chiều trên dưới 1.000 thước. Chung quanh là đồng lúa phì nhiêu, hai mùa tươi tốt. Về phía Tây có rặng Kim Sơn, phía Ðông có ngọn Bửu Châu, phía Nam có thành luỹ người Chiêm Thành, dài non 1.000 thước và phía Bắc là một dải cát bằng phẳng có tre xanh bao phủ. Dân trong làng khoảng hơn 2.500 người, đơn thuần là Công giáo, hiền hoà và mộc mạc, nhưng có tiếng gan dạ và nhiệt thành sùng kính Ðức Mẹ.

Hai chữ Trà Kiệu, nặng màu sắc Chàm, đủ gói ghém tất cả lịch sử của nó. Thuở xưa tổ tiên ta gọi người Chiêm Thành là Chùm Chà, chữ Chà được đọc trại ra là Trà, bằng cớ là tại miền Trung còn rất nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Trà, dường như cố ý nhắc đó là phần đất xưa của người Chàm, như Trà Câu, Trà Khê, Trà Bàn. Còn chữ Kiệu, người ta nghĩ là chữ Kiều đọc trại ra, vì kiều nghĩa là người ở xa đến, tức Ðàng Ngoài di cư lập nghiệp tại đây.

Theo tài liệu chắc chắn và di tích rõ ràng, Trà Kiệu là thành trì của người Chàm bỏ lại khi bị bại trận trước sức Nam tiến của người Việt. Di tích thành này nay còn nguyên vẹn. Từ ngọn Bửu Châu chạy đến rặng Kim Sơn là thành luỹ phía Bắc, từ phía Bắc theo con suối Hố Diêu vào phía Nam độ 300 thước là thành luỹ phía Tây. Bức thành Chàm dài non 1.000 thước được xây đắp kiên cố là thành trì phía Nam. Mặt Ðông không có thành luỹ, nhưng ngọn Bửu Châu là kỳ đài vững chắc án ngữ phía Ðông. Gần đó là Thành Nội và Hoàng Cung của Chiêm Vương, toạ lạc tại xóm Hoàng Châu, nằm sát cạnh sườn ngọn Bửu Châu. Năm 1932, Trường Viễn Ðông Bác Cổ đã khai thác Thành Nội này và đã lượm được nhiều vật dụng và tượng đá có giá trị đem về trưng bày tại Viện Bác Cổ Hà Nội, Paris và Ða Nẵng.

Người Việt từ Bắc di cư vào Quảng Nam đời Vua Lê Thánh Tông (1470-1497), nhưng mãi đến năm 1684 mới thấy người Kẻ Chợ, Bắc Việt (Hà Ðông), Thanh Hoá, Nghệ An đến lập nghiệp tại Trà Kiệu. Họ là những phần tử Công giáo muốn sống tụ tập lại cùng một khu vực để dễ bề giữ đạo. Hơn nữa, đồng bào không Công giáo thường e dè không dám định cư trong phạm vi thành trì của Người Chàm, nhưng người Công giáo không kiêng tin gì, nên khi thấy đất tốt, cảnh đẹp, thì ngang nhiên dừng chân lại và lập nghiệp tại đây.

Từ năm 1883, sau khi vua Tự Ðức băng hà, Nguyễn Văn Tường lạm dụng quyền hành, gây rối trong triều đình và ngấm ngầm đề xướng Phong trào Cần Vương, lợi dụng vũ khí và ngân khố nhà nước, thi hành triệt để kế hoạch bình Tây, sát Tả, đánh đuổi quân Pháp và giết người Công giáo. Dĩ nhiên Trà Kiệu đã trở nên mục tiêu quan trọng của Phong trào Cần Vương. Ngày 1-9-1985, quân lính Văn Thân kéo đến vây làng Trà Kiệu, giữa lúc Cố Nhơn (Linh mục Bruyère, thuộc Hội Thừa sai Paris) và giáo dân không chuẩn bị. Gom góp toàn lực để đối phó, trong làng chỉ có 5 khẩu súng thật cũ kỹ, 5 khẩu súng nạp hậu và 40 viên đạn. Chỉ thế thôi, không lương thực, không cứu viện, vậy mà Trà Kiệu đã cầm cự được 21 ngày liền, chiến thắng một đạo quân mạnh hơn gấp 100 lần, cả về quân số cũng như vũ trang.

Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh. Cố Nhơn cùng các hào mục trong làng như các Cụ Trương Phổ, Võ Sao, Võ Cảnh đứng lên vận động lòng dân chiến đấu. Phụ nữ trong làng tập hợp được khoảng 500 chị, họ sẽ là những chiến binh thủ thành, những nữ cứu thương, những quân nhân trừ bị. Thanh niên trai tráng có khoảng 370 người, được chia ra làm 7 đội. Nhiều lò rèn hoạt động đêm ngày để chế tạo gươm giáo cho đủ mỗi người một cái. Trước những chuẩn bị phải có đó, cố sở cũng như giáo hữu không mấy tin ở sức mạnh cánh tay mình, mà luôn trông cậy vào quyền năng của Ðức Mẹ. Vì thế, họ đã bày tượng Ðức Mẹ trên án thư giữa nhà Cố Nhơn, đèn nến hai bên. Trong khi thanh niên trai trán đang lâm chiến, thì các người già và trẻ con tề tựu đọc kinh trước ảnh thánh Mẹ. Mỗi khi giao chiến xong, binh sĩ, có khi tay còn dính máu, cũng đều tề tựu trước ảnh Mẹ để tạ ơn. Cũng có khi đang cầu nguyện lại phải xuất quân ra trận. Khi xong trận, họ lại quay về tạ ơn Mẹ.

Ngay ngày thứ nhất, binh lính Văn Thân đã bắn chết 4 giáo dân khi họ phải rút lui bỏ đồi Kim Sơn về đồn trú trong hàng rào phòng thủ của Trà Kiệu. Vì thế, trong những ngày đầu, giáo hữu lo sợ đến ngã trông cậy. Có nhiều người đã nghĩ đến chuyện ra hàng, hoặc đến van xin Cố Nhơn ban phép giải tội cuối cùng để họ chết. May thay, trong cơn thất vọng đó, binh lính Văn Thân không tấn công vào làng, họ chỉ siết vòng vây chung quanh Trà Kiệu. Ðêm đêm canh chừng cẩn mật, tiếng loa dục giả liên hồi làm tinh thần Trà Kiệu càng thêm xao xuyến.

Sự lo sợ kia có lý do. Về quân số, binh lính Văn Thân đông vô số kể, và luôn luôn có quân của Huyện, của Tỉnh tiếp viện. Về vũ khí, họ thần công đại bác và nhiều súng nhỏ. Về địa hình địa vật, ngày thứ 2 họ đã làm chủ tình thế trên 2 cao điểm Kim Sơn và Bửu Châu. Về tinh thần, họ hăng say đến cuồng nhiệt, mục đích là triệt hạ được nhà thờ, bắt sống được cố Nhơn và giết hết giáo hữu Trà Kiệu. Tuy nhiên, nhờ ơn Mẹ cầu bầu, địch quân luôn luôn thiếu đoàn kết, khi toán này đánh thì toán kia đứng xem chẳng ai giúp ai. Nhờ vậy, Trà Kiệu thoát qua cơn thử thách trong những ngày đầu của cuộc chiến.

Sau những ngày đầu lo sợ, chiến sĩ ta có dịp làm quen với giáo mác, súng gươm và học được phương thức tác chiến của Văn Thân. Ngày mồng 5 trở đi, họ thêm gan dạ và quyết tâm chiến đấu tới cùng để khỏi bị tiêu diệt. Khẩu hiệu tiến quân của giáo dân là 3 tên cực thánh: Giêsu, Maria, Giuse. Mỗi khi địch quân tiến đến giáp luỹ tre phóng thủ, thì đồng loạt tất cả giáo dân hô to khẩu hiệu 3 tên cực thánh và ào ra giao chiến. Mỗi trận như thế kéo dài độ 10 phút. Tuy chẳng dễ gì hạ được nhiều địch quân, nhưng mỗi lần như thế bên ta tịch thu được vài ba khẩu súng.

Trong khi địch quân bắt đầu làm thêm nhiều hàng rào, đặt thêm nhiều chướng ngại vật về phía Bắc của Trà Kiệu, dường như muốn chặn đường rút lui của Trà Kiệu. Ðồng thời, họ chất nhiều rơm rạ toan đốt luỹ tre phòng thủ làng. Ðể phá vỡ sức công hãm của địch quân, sáng ngày mồng 7, giáo dân đã tổ chức một trận phản công dữ dội, đuổi được tướng chỉ huy là Cậu Học, con trai lãnh binh Ích Khiêm, phá vỡ các công sự, đốt sạch các số rạ họ gom góp lại trước đây.

Thấy tình hình không mấy khả quang như đã tiên đoán, Vân Thân tăng viện thêm đại bác. Họ đặt đại bác trên đồi Kim Sơn và Bửu Châu để bắn vào nhà thờ, nơi được xem như là trung tâm phát xuất các trận phản công, đồng thời là biểu tượng của tinh thần kháng chiến của giáo hữu. Tuy nhà thờ có bị trúng đạn một lần nhưng nhẹ. Ngược lại, đạn đại bác bay lạc từ đồi này sang đồi nọ là nhiều địch quân thiệt mạng oan uổng vì hoả lực của chính ta. Ðồng thời, một khẩu đại bác cực lớn đặt cách nhà thờ khoảng 100 thước, do một võ quan thiện nghệ điều khiển và bắn trực xạ, cũng không sao bắn trúng được nhà thờ. Về sau võ quan ấy thú nhận rằng ông ta cố tình nhắm bắn một người đàn bà xinh đẹp, bận áo trắng, đứng trên nóc nhà thờ, nhưng không thể nào nhắm trúng được. Suốt ngày hôm ấy và ngày hôm sau, địch quân trên đồi Kim Sơn bàn tán lớn tiếng với nhau về người Ðàn Bà ấy. “Lạ thật, người Ðàn Bà kia là ai, sao đứng mãi trên nóc nhà thờ. Dù ta nhắm thế nào cũng không bắn trúng”.

Cố Nhơn và giáo dân nghe vậy đều nghĩ rằng phép lạ Ðức Mẹ làm, cũng mong nhìn thấy, nhưng không thấy được. Duy có một người đàn bà, tên là Chỉnh, đã được nhìn thấy. Ðồng thời địch quân còn thấy nhiều anh nhi mặc áo đỏ áo trắng từ trên không trung bay xuống qua luỹ tre xanh, tay cầm gươm bạc sáng ngời và đánh giúp giáo dân. Ðịch quân bắt đầu nản lòng không muốn tấn công nữa.

Và cứ như thế, quân ta phải cầm cự mỗi ngày năm ba trận. Về sau, địch quân rước được Chưởng Thuỷ Tý đem voi về chỉ huy, nhưng cũng bị quân ta đem đuốc hơ voi, voi sợ bỏ chạy. Ðịch quân rối loạn và Chưởng Thuỷ Tý bị quân ta hạ thủ cấp đem về.

Ðã 20 ngày bị vây hãm, cả làng đã thiếu lương thực. Vì thế, quân ta quyết tâm đổi thế thủ sang thế công để may ra giải vây tình thế. Ngày 21-9-1885, quân ta quyết định chiếm lại bộ chỉ huy của Văn Thân cố thủ trên đồi Bửu Châu. Việc ấy thật khó khăn nguy hiểm. Từ sáng sớm, quân ta đã vây kín 3 mặt chung quanh chân đồi, chừa hướng Ðông làm sinh lộ chi địch rút lui. Trong đêm, 10 thanh niên ưu tú tình nguyện du kích đột nhập vào sào huyệt trên đỉnh đồi. Ngay phút đầu, một thanh niên đã bắn chết tướng chỉ huy địch, số thanh niên còn lại hô khẩu hiệu Giêsu Maria Giuse và bất thần ùa vào. Quân ta đã chuẩn bị sẵn sàng, từ chân đồi tràn lên, địch quân hoảng sợ bỏ chạy rút lui. Khi ấy, dưới chân đồi, địch quân quyết dùng voi xông vào giải vây, nhưng các thớt voi nặng nề không chịu tiến. Các quản tượng phải la hoảng rằng: “Voi chẳng chịu tiến, địch quân đông quá. Kìa hãy xem những lũ quân xuống qua luỹ tre. Chạy thôi, chạy. Lũ quân giáo đông quá”. Giáo dân giao chiến nghe rõ những lời hốt hoảng đó, nhưng chẳng ai trông thấy gì. Sau đó, địch quân đồng loạt bỏ hàng ngũ rút lui về hướng Ðông.

Trà Kiệu được giải vây từ đó. Ðêm đến, mọi người họp nhau trong nhà thờ sốt sắng tạ ơn Thiên Chúa, nhất là Thánh Mẫu, người Mẹ nhân từ hay phù hộ Trà Kiệu. Lòng họ tràn trề niềm hân hoan và cảm tạ.

13 năm sau, tức năm 1898, giáo dân Trà Kiệu đã nỗ lực xây cất được một Ðền Thờ xinh đẹp trên ngọn đồi Bửu Châu để ghi nhớ công ơn Mẹ cầu bầu. Từ ấy đến nay, Ðền Mẹ Trà Kiệu vốn nổi tiếng là linh thiêng, kẻ lương người giáo đều đến cầu khẩn Mẹ lành và thường đều được ban ơn. Ơn khỏi bệnh bằng lá Non Trược (tên gọi bình dân của đồi Bửu Châu) là một trong những ơn thiêng vô cùng quý báu mà Mẹ đã dành cho những ai có lòng cậy trông chạy đến cùng Mẹ.

Hiện nay, Trà Kiệu đã được chọn làm Trung tâm Thánh Mẫu Giáo phận Ðà Nẵng. Hằng năm, cứ ngày 31-5, ngày bế mạc Tháng Hoa, Trà Kiệu đã tổ chức các cuộc cung nghinh Mẹ vĩ đại với sự tham dự của tất cả con cái Mẹ khắp nước Việt Nam. Chúng ta hướng về Đại hội Đức Mẹ Trà Kiệu trong 2 ngày 30 và 31-5-2010, kỷ niệm 125 năm Ðức Mẹ hiện ra (1885-2010). Đoàn con Mẹ từ mọi miền đất nước và các nơi khác trên thế giới hãy về bên Mẹ cùng nhau nguyện cầu và tôn vinh Mẹ.

TÔN VINH CẢM TẠ MẸ MARIA

ĐỨC MARIA VÀ BẢY ƠN CẢ CHÚA THÁNH THẦN: ƠN HIỂU BIẾT

Đối tượng ơn hiểu biết là những sự được tạo nên có thể dẫn ta tới Thiên Chúa. Chúng như những bậc thang để trèo lên tới Thiên Chúa. Đối với Mẹ Con Chí Thánh của Người, Thiên Chúa không chỉ khấng ban một sự hiểu biết rộng lớn về những điều tự nhiên và siêu nhiên, mà Người còn truyền cho Mẹ bản năng thuộc về Thiên Chúa, khiến Mẹ có khả năng phán đoán một cách đúng đắn giá trị những điều thuộc về Thiên Chúa và làm sao mọi trí tri nhân loại đều dẫn tới nguồn mạch mọi chân lý, tức là Thiên Chúa. Chứng cứ của chân lý này là những lời sâu sắc của Đức Maria, khi Bà Isave chào mừng Mẹ là Mẹ của (Ngôi) Lời.

(Trích từ Gabriele M. Roschini, OSM, Từ điển Thánh Mẫu học, NXB. Studium - Rôma 1961)

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI

Lạy Mẹ Maria, Mẹ Ðồng Trinh và Vô Nhiễm Nguyên Tội,

Mẹ là Ðấng đầy ơn phước, khi Mẹ đón nhận kế hoạch của Ðấng Tạo Hoá bằng lời thưa Vâng, Mẹ đã mở ra cho chúng con con đường cứu rỗi. Nơi trường học của Mẹ, xin Mẹ hãy dạy chúng con biết nói lên lời thưa vâng của chúng con tuân phục thánh ý Chúa. Lời thưa vâng này kết hiệp chúng con với lời thưa Vâng của Mẹ, một lời thưa Vâng không chút dè dặt và không vương bóng tối, lời thưa Vâng mà Thiên Chúa Cha trên trời đã muốn là Ngài cần đến, để sinh ra Con Người Mới, Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất của thế giới và của lịch sử.

Xin Mẹ hãy ban cho chúng con lòng can đảm nói “không” trước những cám dỗ gạt gẫm của quyền hành, tiền bạc và thú vui; xin hãy ban cho chúng con lòng can đảm nói “không” trước những lợi lộc bất chính, trước tham nhũng và giả hình, trước ích kỷ và bạo lực. Nói “không” với Thần Dữ, tên lường gạt của thế gian này. Thưa “vâng” với Chúa Kitô, Ðấng huỷ diệt quyền lực của sự dữ bằng sức mạnh của tình yêu. Chúng con biết rõ rằng chỉ những tâm hồn đã thống hối trở về với Tình Yêu, là Thiên Chúa, thì mới có thể xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. […]

Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ hãy tỏ ra là Mẹ của tất cả mọi người; xin Mẹ hãy trao ban cho chúng con Chúa Kitô, niềm hy vọng của thế giới! Lạy Ðức Nữ Ðồng Trinh Vô Nhiễm Nguyên Tội, Ðấng tràn đầy ơn phúc, xin hãy tỏ ra Mẹ là Mẹ chúng con. Amen.

(Đặt vòng hoa và cầu nguyện dưới chân tượng Mẹ Vô Nhiễm tại Quảng trường Tây Ban Nha, Rôma, ngày 8-12-2006) [Đặng Thế Dũng chuyển ngữ]



BTGH

Nguồn: truyenthongconggiao


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét