Trang

Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2012

Hành hương Đất Thánh (IV)




Hành hương Đất Thánh (IV)
Nguyễn Hữu An
Đền thờ Hồi giáo.

Ngược dòng lịch sử hồi năm 638, người Hồi giáo đánh chiếm Giêrusalem, và xây đền thờ ngay trên nền cũ của đền thờ Do Thái ngày xưa, vì đền thờ Do Thái đã bị quân La Mã thiêu hủy năm 70 sau CN. Giữa bầu trời trong xanh rực rỡ một vòm khổng lồ bằng vàng ròng. Đó là vòm tảng đá (the dome of the rock), một trong những đền thờ đẹp nhất trong thế giới Hồi giáo được xây dựng từ năm 691 do Umayyad Caliph. Người Hồi giáo tin rằng Đại Tiên tri Maohomét đã thăng thiên từ địa điểm đó…Chúng tôi chỉ đứng nhìn vào bên trong Đền thờ qua vài ô nhỏ vì cửa đóng kín mít.
Người Hồi giáo còn xây thêm một đền thờ khác trên nền hoàng cung của Salômon. Từ đó người Dothái chỉ có thể đến cầu nguyện tại bức tường phía tây do vua Hêrôđê xây, khi ông mở mang và tái thiết đền thờ. Họ đến than khóc cho ngôi đền vua Đavit và người con là vua Salômon đã bị phá hủy sau cuộc vây hãm khủng khiếp của đoàn quân La Mã do đại tướng Titô dẫn đầu. Theo sử gia Joseph Flavius, khi tiến vào thành, quân La Mã đã tàn sát không thương tiếc bất luận đàn ông, đàn bà hay trẻ em. Quân lính đã nổi lửa lên đốt phá thành kể cả đền thờ, đến nỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào như lời Đấng Cứu Thế đã tiên báo. Vì thế bức tường phía tây, phần còn sót lại được gọi là bức tường than khóc (Wailing Wall). Nó trở thành nơi hành hương, cầu nguyện cũng như tổ chức các lễ hội công cộng thiêng liêng của người Do Thái ngày nay. Họ đến than khóc, kêu gào nuối tiếc hình ảnh quá khứ của đền thờ và cầu mong đấng Mêssia mau đến.
Thỏa hiệp tại trại Đavít, Hoa Kỳ, năm 2000, xác định khu vực bên trên với sân, và hai đền thờ Hồi giáo thuộc quyền kiểm soát của người Palestine. Người Do Thái sở hữu Bức Tường Than Khóc và vùng đất phía dưới, tức móng của đền thờ Do Thái cổ xưa.
Bức tường than khóc (The Western Wall).

Sau khi thăm 2 đền thờ Hồi giáo, phái đoàn chúng tôi đến thăm bức tường lịch sử. Đông nghẹt khách hành hương. Sân chia làm hai phần rõ rệt: một bên dành cho các ông, một bên dành cho các bà. Các quân nhân phụ trách an ninh được trang bị súng ống như thời chiến.
Đây là nơi cực thánh đối với người Do Thái, bức tường này là một phần của bức tường do Hêrôđê xây xung quanh Đền Thờ thứ hai vào năm 20 trước CN. Bức tường này cũng là bức tường cầu nguyện. Trên bức tường giữa các kẻ đá đầy kín những giấy xin ơn.
Theo luật do thị trưởng Giêrusalem đặt ra, bất cứ du khách nào đến đây, đều phải ăn mặc chỉnh tề, không được mặc quần soọc và áo không cổ, phải đội mũ. Nếu ai không có mũ thì ít ra phải đội mũ chõm (Kippa) có để sẵn ở lối vào. Người Do Thái thì phải khoác thêm áo choàng ngoài màu trắng có sọc đen. Tôi lần vào hành lang bên trong, áo choàng la liệt trong các tủ đứng để tùy nghi sử dụng. Ngoài sân, người đến càng đông, chỗ thì tụ họp cầu nguyện bên các cuốn Thánh Kinh có các Rabbi hướng dẫn; chỗ thì đám đông đọc Thánh Vịnh cầu nguyện hai tay ngữa ra, tha thiết trầm buồn! Chỗ vui nhộn do các bé gái Do thái nhảy múa. Ai cũng thích ngắm nhìn các em bé, chúng dễ thương làm sao.Tôi cùng cha Quang, Cha Hội cố len vào gần bức tường, đặt tay lên tảng đá, chụp vài tấm hình lưu niệm.
Bức tường lịch sử này đã trở nên biểu tượng cho cuộc sống trở về Đất Hứa của dân tộc Israel. Một biểu tượng đầy bi thảm! Một vết thương không bao giờ lành!
14 chặng đàng thánh giá.
Rời khỏi bức tường phía Tây chúng tôi tiến vào Cổ Thành Giêrusalem.Tên cổ là Moriah. Tương truyền ông Abraham đã sát tế Isaac ở đây.
Đây là “Thành của các Tiên Tri”, “Thành Hòa Bình”. Đối với người Hồi giáo, Giêrusalem là miền Đất Thánh thứ ba, sau Mecca và Medina. Người Do thái giáo thì coi Giêrusalem là nơi khai nguồn tôn giáo của họ. Còn với người Kitô hữu, Giêrusalem gắn liền với những ngày cuối cùng của Đấng Cứu Thế, nơi Chúa đã từng được tôn vinh khi tiến vào thành, chịu khổ hình thập giá và đã sống lại.
Với thập giá trên vai, Chúa Giêsu ra khỏi dinh Philatô; vì Chúa kiệt sức nên họ đã phải bắt ông Simon Cyrênê giúp Chúa. Một đội trưởng và 4 người lính Rôma dẫn Chúa với hai tội nhân đến nơi xử, Golgôtha, một đồi nhỏ ở ngoài thành mạn tây bắc và không cách xa thành lắm. Lúc đó vào khoảng trưa. Chúa phải đóng đinh giữa hai người trộm cướp, một tên hùa với những người Do thái xỉ nhục Chúa, còn tên kia hối hận và tin tưởng vào Chúa, đã được Chúa hứa cho vào nước Thiên đàng (Lc 23,43). Khi quân lính chia nhau áo Chúa và các Thượng tế cùng với những người qua lại chế nhạo Chúa, một số những bạn trung thành tới bên thánh giá : Đức Maria Mẹ Chúa, Gioan môn đệ yêu quí, và những người nữ đạo đức. Họ được nghe những lời sau cùng của Chúa và lời Chúa kêu lên (lúc 3 giờ chiều) khi Chúa thở hơi cuối cùng dưới một bầu trời tối tăm và đất động, như thiên nhiên cũng muốn dự phần vào cái chết của Đấng Thiên Chúa tạo thành.
Hôm đó là ngày thứ sáu 14 Nisan, tức là ngày 7 tháng tư dương lịch năm 30.
Về ngày Chúa chịu Tử nạn, chúng ta biết chắc chắn đó là ngày thứ sáu vì các Phúc Âm đều ghi hôm đó là ngày vọng ngày Sabbat (parasceve) (Mt 27,62 ; Mc 15,42 ; Lc 23,54 ; Ga 19,31). Theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu đã chịu chết ngày người Do-thái ăn tiệc chiên, tức là ngày 14 tháng Nisan (Ga 13,1 ; 19,14 ; cf. I Cor 5,7). Vì thế ngày thứ sáu năm đó cũng là ngày vọng lễ Vượt qua. Chúa Giêsu chịu chết ngày 14 tháng Nisan và là ngày thứ sáu trong tuần. Năm Chúa Giêsu chịu chết phải hội đủ những điều kiện sau đây : dưới thời Philatô làm Tổng trấn xứ Giuđêa (từ năm 26 đến năm 36), ngày thứ sáu và ngày 14 Nisan. Chỉ có những năm 27, 30, 33 hội đủ 3 điều kiện đó. Theo những điều đã nói ở trên về năm thứ 15 triều Hoàng đế Tibêriô, về khởi điểm và thời gian đời công khai của Chúa Giêsu, những năm 27 và 33 không thể chấp nhận được vì vào dịp lễ Vượt qua năm 27 Chúa Giêsu chưa bắt đầu hoạt động ; năm 33 lại muộn quá. Trái lại, năm 30 chính là năm mà những tính toán tóm tắt ở trên đều quy lại. Trong năm 30, ngày 7 tháng tư dương lịch là ngày thứ sáu và là ngày 14 Nisan. Những chứng lý xác định niên hiệu này rất có giá trị và ta có thể coi đó là niên hiệu cuộc Tử nạn của Chúa. Khi chịu chết, Chúa được từ 34 đến 36 tuổi. Số tuổi tùy theo niên hiệu Giáng sinh được chấp nhận.
Vì là ngày vọng Sabbat, năm đó trùng ngày với đại lễ “Vượt qua” do đó phải cất xác trước khi mặt trời lặn. Giuse Arimathia, thuộc Hội đồng Tối cao, một phú hộ bí mật theo Chúa, đã xin Philatô cho phép cất xác Chúa đã bị đâm thủng cạnh sườn. Với sự giúp đỡ của Nicôđêmô và các gia nhân, ông đỡ xác Chúa xuống khỏi thập giá, và sau khi đã rửa xác theo tục lệ, quấn xác Chúa bằng băng vải có tẩm mộc dược và thuốc thơm và lấy khăn bọc xác Chúa, Giuse Arimathia đã an táng Chúa vào huyệt mà ông làm sẵn cho mình trong một thửa vườn gần núi Sọ.
Đi Đàng thánh giá là đỉnh điểm cuộc hành hương. Đoàn Philippin mượn một cây thánh giá lớn hai người vác. Họ sốt sắng suốt hành trình thương khó. Chúng tôi chuẩn bị các bài hát, bài suy niệm để đi trên con đường khổ nạn, từng bước sống lại con đường Chúa đã đi qua. Con đường khổ ải có 14 chặng theo truyền thống, dài khoảng 500m từ dinh Philatô đến đồi Golgotha. Phần đầu qua khu Hồi giáo, phần còn lại đi qua khu Kitô giáo. Bài ca "Lạy Chúa, con đường nào Chúa đã đi qua, con đường nào Ngài ra pháp trường, mão gai nào hằn sâu trên trán? Lạy Chúa thánh giá nào Ngài vác trên vai, đau thương nào phủ kín tâm tư? Đường tình đó Ngài dành cho con.." được hát lên với tất cả xúc động trào dâng.
Chặng thứ I khởi đầu từ pháo đài Antonia. Nơi Chúa bị lên án tử hình, bây giờ là trường Hồi giáo Omarya. Có một nhà nguyện nhỏ ghi lại sự kiện này... Chúa rời dinh quan Philatô phỏng 12 giờ trưa Ngài phải vác lấy giá gỗ của mình. Cổ đeo lủng lẳng tấm bảng sơn trắng nêu rõ tội danh. Đi trước mở đường là đoàn kỵ binh. Hai bên là đội binh đầy đủ vũ khí gươm đao. Cùng bị điệu đi xử tử với Chúa là hai tên trộm cướp đúng như Phúc âm mô tả. Dân chúng ùa theo sau, người nguyền rủa, kẻ chửi bới, thù hằn hoặc chỉ đơn giản vì tò mò. Con đường qua các phố xá chật hẹp, nếu tính thẳng như chim bay thì phỏng chừng 200 mét, nhưng thực tế ngoằn ngoèo lên đồi xuống dốc khoảng 500 mét. Đoàn diễu hành tiến ra ngoại thành bằng cổng Ephraim, bình dân gọi là cổng vuông, vì cổng xây vuông góc với tường thành phố Giêrusalem, sau này cổng được gọi là chợ Roma (Forum Roman). Cổng Ephraim hình cái răng cày nhọn hoắt, nhô ra phía ngoài, người ta chỉ có thể vào cổng từ phía bắc xuống phía nam và ra cổng từ hướng đông sang hướng tây.
Đi qua Vòm “Đây là Người!”, chúng tôi đến từng chặng thứ thứ II, III.
Chặng thứ IV Chúa gặp Đức Mẹ, nơi hiện nay là nhà nguyện của Hội Thánh Công giáo Armenia… rồi đến các chặng khác chỉ có con số La Mã ghi trên tường VI, VII, VIII, IX. Đi qua những khu phố chật chội, lát đá, gập ghềnh lên xuống, người qua kẻ lại ồn ào mua bán đủ thứ những vật kỷ niệm, những sản phẩm địa phương v.v. những người đi đàng thánh giá, vẫn âm thầm nhìn lại từng chặng của cuộc khổ nạn. Cảnh đi đường thánh giá quá quen thuộc đến mức như một thứ sinh hoạt thường ngày ở đây, chẳng gây ngạc nhiên hay chú ý của bất cứ ai! Kẻ buôn người bán trả giá náo nhiệt, tiếng chuông lắt rao hàng inh ỏi, những người khuân vác chen vào cả khách hành hương đang suy niệm, những tay chụp ảnh ra dấu mời gọi v.v... coi như hồn ai nấy giữ, việc ai nấy làm… Tôi liên tưởng đến cảnh hỗn loạn mà Chúa phải dùng roi để xua đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ ngày xưa…
Chúng tôi dừng lại mỗi chặng ít phút, gợi một ý tưởng để suy niệm, để thông phần thống khổ với Đấng đã yêu thương cho đến cùng. Cuối cùng chúng tôi đến khu vực Vương Cung Thánh Đường Mộ Thánh. Năm chặng cuối cùng đều ở trong khu vực này. Nơi Chúa chịu lột áo, nơi Chúa chịu đóng đinh, tắt thở trên thập giá, hạ xác xuống và chịu mai táng trong mồ. Địa điểm Chúa chịu treo trên thập giá, dưới gầm bàn thờ, có một cái lỗ mà ai đến cũng muốn đặt tay vào và quỳ gối hôn kính vì tương truyền vì đó là nơi cắm thánh giá Chúa.
Khu vực này thật đông người. Bầu khí cầu nguyện trang nghiêm. Nhiều người quỳ gồi trên nền đá cầu nguyện sốt mến.Mọi người xếp hàng dài chờ đến lượt hôn kính chặng thứ 11 và 12. Thời gian dài chờ đợi là lúc để tâm suy gẫm về cây thập giá.
Cây thập tự là khổ giá của người Roma ưa dùng để hành quyết các tội phạm nguy hiểm, ngõ hầu nêu gương cho kẻ khác. Chúa Giêsu đã ám chỉ tới nó khi tuyên bố: “Khi nào bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi sự lên cùng Ta” (Ga 12, 32). Điều mà loài người chủ ý dùng để hạ nhục Ngài, thì Ngài sử dụng như khí cụ vinh quang. Nó là một cây gỗ dài chừng hơn ba mét, được bào vuông. Chiều dài và sức nặng được tính toán để phạm nhân có thể vác bổng lên vai đi ra pháp trường. Không có chuyện kéo lê thân cây dọc theo đường phố. Đòn ngang bên trên cũng phải được tính toán hợp lý. Như vậy cây khổ giá có hình chữ thập, di chuyển dễ dàng, nhưng phải đủ cứng cáp để có thể chịu đựng một thân xác vài chục kilô và đứng vững lâu dài.
Còn gỗ thì thuộc loại cây nào? Có rất nhiều truyền thuyết hoang đường. Có người lý luận phải là loại quí báu, để mang lại hoa quả tốt lành cho nhân loại. Khả năng đúng nhất là loại gỗ thông, thường mọc đầy trong vùng ấy. Thông vùng Palestine có nhiều chủng loại, người ta vô phương xác định giá gỗ Chúa Giêsu thuộc chủng loại nào? Có chuyện còn nói rằng cây đó được đốn ở thung lũng phía nam thành phố Giêrusalem, bây giờ thuộc phạm vi tài sản của tu viện Hy lạp gần đấy gọi là tu viện Thánh Giá. Có hàng lô sưu tập thập giá ở Giêrusalem, nhưng không có chỉ dẫn chúng ở đâu tới. Phụng vụ Hội Thánh đặt bài ca đầy ý nghĩa thiêng liêng cho thập giá Chúa Giêsu:
Ta tin thật muôn rừng cây chẳng thấy,
Một cây nào cành, hoa, lá, như ngươi.
Mấy mũ đinh nhẹ quá thập tự ơi,
Sao mang nổi tấm hình hài vô giá.
Rủ cành xuống hỡi cây cao bóng cả.
Giãn thớ ra cho thân cứng hóa mềm.
Như chiếc giường vừa trải mệm ấm êm,
Cho Vua Cả đến đặt mình nằm xuống.
(Kinh sáng, thứ sáu tuần thánh).
Phía cao, trên tấm bảng viết mấy chữ nội dung bản án. Trường hợp Chúa Giêsu là: Giêsu người Nazareth, vua dân Do thái, bằng ba ngôn ngữ: Do thái, Latinh, Hy lạp. Ngày nay chúng ta thấy chữ Latinh viết tắt: INRI: Jesus Nazareth rex Judeorum. Trước khi đóng đinh, lý hình thường lột hết quần áo của phạm nhân, trói chặt vào khổ giá, rồi mới đóng đinh. Đầu Chúa Giêsu vẫn đội mão gai để thêm phần sỉ nhục. Nhưng sự thực, là biểu tượng được tôn vinh làm vua vũ trụ, vua yêu thương mọi linh hồn.
Đóng đinh Chúa Giêsu xong, quân lính kéo thập giá lên. Giá gỗ rớt xuống hố, đụng mạnh vào mặt đất làm rung chuyển thân xác đã bị nhừ đòn đêm qua không thương xót. Của lễ hiến tế đã được treo lên giá, đợi lửa toàn thiêu, tức cái chết. Vì cú sốc của giá gỗ, thân xác rung động chùng xuống, máu ở các vết thương xối ra, nhất là từ các lỗ đinh chân tay. Máu cũng xối trào từ chân các gai nhọn thấu vào da đầu. Các vết cắt trên thân thể lộ rõ vì dòng máu mới. Vầng trán và mặt mũi vấy đầy máu khô. Sách Isaia mô tả rất đúng: “Người chẳng còn hình dạng như trước nữa”. Tuy nhiên nạn nhân không thể cử động hay giẫy dụa vì chân tay đã bị ghim chặt vào giá gỗ. Thật quá đau đớn. Tại sao loài người lại có thể tàn nhẫn với nhau như vậy được? Sau cái lắc mạnh, thập giá lọt vào vị trí, thân thể nạn nhân quặn đau mà không thể cựa quậy, là giây phút hấp hối. Trời đất ảm đạm như sắp tới cơn mưa bão, nhưng nắng vẫn chói chang trên triền núi. Chẳng bao lâu nữa cái chết sẽ ập tới.
Cuối cùng chúng tôi đi xuống tấm phiến đá màu huyết dụ là nơi đặt xác Chúa sau khi hạ xuống khỏi thập giá. Mọi người quỳ xuống hôn kính. Các bà hôn rất lâu, hôn nhiều lần, khóc nghẹn ngào, thương Chúa quá đỗi.

Đã 12 giờ trưa, chúng tôi xếp hàng hơn một tiếng đồng hồ để vào nhà mồ nơi Chúa đã được chôn cất và sống lại. Đoàn Phi châu đông hơn trăm người. Họ hát những bài thánh ca trầm buồn. Mồ Thánh lấy ánh sáng tự nhiên từ trên cao toả xuống. Từng người một đi vào mộ do một tu sĩ Chính thống giáo hướng dẫn. Mộ huyệt tối tăm, tôi chỉ được vào một phút, chỉ kịp sờ và hôn phiến đá của mộ huyệt, bên trái có một bức tranh bằng đồng diễn tả cảnh Chúa sống lại… Quá đông người chờ đợi đến lượt nên không thể cầu nguyện lâu hơn, thật đáng tiếc !
Chặng thứ 12.               
Ngôi mộ của Chúa Giêsu chỉ cách Thánh giá chừng vài chục mét. Đau khổ và sự chết là hai mặt của thực tại con người. Đau khổ hạ thấp con người. Sự chết tàn phá họ. Nhưng nơi Đức Kitô, hai mặt đó liên kết để nâng phẩm giá người ta lên. Để lên trời con người phải qua ba giai đoạn: Thập giá, nấm mồ và thiên đàng.   
So sánh các chi tiết trong Phúc âm với khảo cổ, họa đồ, người ta có khả năng hình thành ý niệm chính xác về ngôi mộ Chúa Giêsu mà Giuse Arimathia đã đào, và tình trạng nguyên thuỷ của nó ra sao.  
Đường đi xuống mộ là một rãnh hào, khá dài vì thế đất thấp dần. Chiều dài dần dần ngắn hơn khi chiều sâu gia tăng. Từ ngưỡng cửa mộ cho tới tiền đường thế đất thấp hơn, người ta lập những bước bậc thang. Phía trước mặt là cánh cửa thấp dẫn đến phòng tẩm niệm. Nghi thức này gồm: tắm rửa xác, xức thuốc thơm và cầu nguyện. Lui xa hơn là một cánh cửa khác cũng thấp mở vào lỗ an táng. Lỗ là một cái hang vòm khung đục vào tường bên phải để đặt xác. Mọi chuẩn bị nói trong Phúc âm về việc chôn táng Đức Giêsu là được làm đồng thời chiều thứ sáu vì ngày mai là Sabbat, mọi việc phần xác đều bị cấm. Thánh Gioan cho biết là họ buộc phải mau chóng vì ngày thứ bảy cận kề và ngôi mộ lại gần (Ga 19,42).  
Như vậy ông Giuse Arimathia được diễm phúc biết bao! Ông hân hạnh giống như Simon người Cyrênê. Simon vác thập giá giúp Chúa còn Giuse mai táng. Mấy năm trước Nicôđêmô đã đến phỏng vấn Chúa vào ban đêm (Ga 3,11) nay mua 100 cân dầu thơm và hương liệu xức hang đá. Như thế ông lại được gặp Chúa nhưng là lần cuối cùng.  
Tuy nhiên, việc xức xác chiều thứ sáu là vội vàng. Cần một cuộc xức trọng thể hơn theo tục lệ do những bàn tay đạo đức. Đến sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần các phụ nữ ra mộ thì gặp thiên thần xuất hiện báo cho họ biết về phép lạ phục sinh.
Phiến đá trong Mồ Thánh.
                   
Trong tâm trí Đức Giêsu trên thập hình những điều này rõ ràng và trái tim Ngài xúc động biết bao. Lúc này Ngài không thấy ngôi mộ. Nhưng cảm nhận nó rất gần và Ngài biết rõ điều đó. Ngài suy nghĩ về tầm quan trọng của nó đối với công trình cứu chuộc. Ngài cần nó để nghỉ ngơi như một công nhân mệt nhọc và dự kiến cho các biến cố vào sáng thứ nhất của tuần lễ mới. Ở ngôi mộ này Ngài ban tặng sự sống để rồi lấy lại. Ngài đặt gánh nặng tình yêu xuống đó trong giây lát.  
Khi phán “mọi sự đã hoàn tất”, Đức Giêsu nghĩ ngay đến ngôi mộ. Lời ấy là bình luận về hiệu quả của thập giá, về chính thập giá và về con đường của nó trong tương lai. Con đường cho chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Vì chiếc hang bằng đá này là chứng tá cho biến cố thuyết phục nhất, dấu chỉ rõ ràng nhất của biến cố phục sinh. Nó vừa là bằng cớ vừa là tặng phẩm cuối cùng của Ngài. Việc mai táng là kết thúc cuộc khổ nạn. Đối với kẻ thù, nó là việc săn đuổi cuối cùng. Đối với Đức Giêsu nó là hy sinh sau hết, là hoàn thành nhân đức hạ mình ra không. Khi chết chúng ta chẳng còn sự sống. Đó là cú ngã cuối cùng của một đời người. Nhưng nơi Đức Giêsu, Ngài vẫn giữ sự sống và quyền năng vì Ngài là Thiên Chúa.  
Ngài niêm dấu ấn trên công nghiệp của mình bằng ngôi mộ. Và bất chấp thù ghét, hội đường Sanhedrin Do thái đã vô tình giúp đỡ Ngài làm điều ấy. Ngôi mộ này là biểu trưng cuối cùng của Phúc âm đầy màu sắc, là hình ảnh cuối cùng liên quan đến thực tế cao siêu của ơn cứu vớt. Với hình ảnh này lời rao giảng của Con Loài Người trở thành bất tử. Y nghĩa vĩnh hằng của sứ điệp Ngài không tranh cãi được nữa. Lúc này và mãi mãi về sau các môn đồ của Nước Trời chẳng thể ngủ yên, kể cả lịch sử loài người. Mầm sống phục sinh đã được cấy vào nhân loại. Cây sự sống lại trổ hoa lần nữa. Từ đó, chỉ còn một biến cố vĩ đại duy nhất trong dòng chảy của các thời đại, là biến cố khởi sự và kết thúc ở ngôi mộ đá thiêng liêng.  
Biến cố này không chỉ liên quan đến loài người, tuy khổ nạn nhằm mục tiêu cứu rỗi, nhưng còn là một nền thờ phượng đúng nghĩa, Đức Giêsu đạt đến cực điểm của việc thờ phụng Thiên Chúa khi người ta tháo xác Ngài khỏi giá gỗ, đặt vào lòng Đức Maria và đem đi mai táng.
Ngài phải hạ mình xuống sâu đến mức độ ấy để tôn vinh Thiên Chúa Cha, nêu gương cho nhân loại. Ngài đi đến tận cùng của khiêm tốn để ban tặng vinh hiển cao siêu nhất mà tình yêu có khả năng thực hiện. Đây là chân lý không ai chối cãi được. Việc hạ mình xuống tận đáy của hư vô để ngợi khen Thiên Chúa Cha, Ngài hiến dâng lên Cha công việc cao quí nhất của tạo dựng là công trình cứu độ.  
Ban sáng phục sinh giãi bày quyền năng của Đấng “ làm mau lẹ kẻ chết và kêu gọi những chi chưa hiện hữu”. Sự khôn ngoan của kế hoạch Đức Kitô được tỏ rõ rực rỡ. Tình yêu thúc bách khôn ngoan sẽ được đáp trả bằng yêu mến tương xứng. Nó sẽ biểu lộ mình thực chất là chi? Là một tình yêu ở đỉnh cao nhất của thực tại: Tình yêu thần linh là mẫu mực cho mọi thứ tình yêu – tình yêu cứu vớt. Ý niệm “lễ tế hy sinh” không được làm chúng ta bỏ qua mong đợi vinh quang. Trái lại, trong tâm khảm Đức Kitô chính niềm mong chờ này ban ý nghĩa đích thực cho ngôi mộ của Ngài và hết thảy ngôi mộ khác.  
Vì Đức Kitô là Thiên Chúa của mọi thời đại, trên thập tự Ngài đã trông thấy từng diễn biến của thời gian. Ngài kinh nghiệm vui thích của tương lai, mà các tiên tri reo mừng, Ngài thấy rõ các việc xẩy ra trong “ngày mai”. Tất cả qua nội dung của cuốn “sách hằng sống”.
Ngài chết và được mai táng trong mồ, dầu thơm và hương liệu khuếch tán vị ngọt ngào ra khắp vũ trụ, các phụ nữ im lặng canh thức, các thiên thần đứng gác mộ. Cận vệ đền thờ nghĩ rằng dấu niêm phong của lãnh đạo Do Thái có khả năng thách thức được quyền phép Đức Giêsu. Nhưng sáng sớm ngày thứ nhất đầu tuần mới, tảng đá cửa mồ vỡ nát ra. Mặt trời công chính đã phục sinh. Những lời thì thầm kín đáo truyền đi từ cửa miệng này đến lỗ tai người khác, trước hết từ thiên thần nhanh băng qua con đường còn hoang vắng buổi sáng sớm, vừa sợ vừa run. Tin vui làm ấm áp cõi lòng đang buồn phiền vì mất mát quá to lớn, đã lau khô đôi mắt họ. Mầu nhiệm sự sống qua cái chết mà Thầy từng rao giảng thực sự được khai trương. Hai môn đồ đi làng Emmaus vào lúc chiều tà hôm ấy, chiếc thuyền câu sau cùng còn chòng chành ở bến cảng. Các thiên thần cúi xuống nhìn lỗ huyệt trống, dây các phép thắt chéo ngang trứơc ngực, buồn thảm đang cuốn gói nhường chỗ cho niềm vui đến. Bảy lời trăn trối không thể dập tắt hoan hỷ, Giáo Hội được hình thành. Chẳng bao lâu nữa tin mừng được công bố long trọng trong Giáo Hội ấy. Hai cánh tay giang rộng trên đà ngang giá gỗ sẽ biểu trưng cho cử chỉ Ngài sai các môn đệ đi rao giảng khắp tứ phương thiên hạ. Còn niềm vui nào bằng? Còn an ủi nào lớn hơn?
                                                            
Surrexit Christus, Spes mea : niềm hy vọng của tôi là Đức Kitô phục sinh. Nấm mồ là hy vọng của thế giới và đặc biệt của Đức Giêsu trên ngọn đồi Calvario. Vậy thì hãy suy tưởng đến Ngài, Đấng chẳng hề quên nhân tính nơi mình, mặc dầu loài người có lẽ quên. Ngài bằng lòng chịu đựng đau khổ và chẳng bao giờ không ước ao khổ đau. Ngài tình nguyện ẵm lấy cái chết, nhưng không xao lãng tương lai. Khi khổ đau chấm dứt là lúc kết thúc công trình cứu độ. Thánh vịnh 29 ca hát: “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vang tiếng hò reo” (29,6). Chiều tà băng qua màn đêm để gặp gỡ ngày mới.  
Đối với nhân loại, mộ chí là ngục tù tăm tối, ở đó con người bị bỏ quên cho đến thiên thu. Tuy linh hồn bay đi chốn khác, nhưng thân xác thối rữa tại chỗ, và chẳng ai nhớ đến chúng ta nữa, coi như chưa hề tồn tại trên trái đất. Về phần Đức Kitô thì không phải vậy. Ngôi mộ chỉ là giai đoạn chuyển tiếp. Nó giống như lối đi ngầm dưới mặt đất, sẽ mở lên một vòm trời vinh quang. Ngài dùng nó như cánh cửa mở vào miền đất tử thần và từ đó biến nó thành ngõ mở vào cõi thiên thu, nhờ Đức Giêsu từ đây về sau nấm mồ giam giữ chúng ta một thời gian và Ngài sẽ thỏa mãn khát vọng sống muôn đời của mỗi người vì Ngài đã an nghỉ trong mồ chỉ là khoảng khắc.
Hai ngày nữa nấm mồ bằng đá nặng nề của Ngài sẽ vỡ tan như vỏ trứng. Hai ngày nữa chiếc hang lạnh lẽo, chật hẹp, tối tăm sẽ mở tung ra như cánh hoa hồng hay đôi môi thắm tươi của nụ cười thiếu nữ, đầy sức sống và bình an: Sự sống thần linh xuất hiện.
Pascal nhận xét rằng: “Đức Giêsu không thực hiện phép lạ nào trong mồ”. Điều đó đúng, nhưng phép lạ xẩy ra ngay sau mồ. Nó là phục sinh và đời sống diệu kỳ sau cái chết. Thần khí Ngài trối lại cho nhân loại là căn nguyên của phép lạ ấy. Nó sẽ hoạt động khắp vũ trụ: Cờ vua cả tung bay phất phới.
Thánh giá Ngài chói lọi oai phong. 
Phải chăng đây là sự kiện: ”Người gánh vác quyền bính trên vai?” (Is 9,5). Phải chăng: “Vương quyền” trên đôi vai nặng trĩu thánh giá? Thập tự đã cất cánh bay cao như chim phượng hoàng tung hoành từ đông sang tây, từ nam chí bắc? Nơi đâu nó chiếu sáng, nơi ấy linh hồn được nghỉ ngơi và Đức Kitô nhận lấy vương quốc của mình.  
Nếu lịch sử là khoa học các biến cố có tương lai, thì Đức Kitô phải được quyền thống trị toàn bộ lịch sử. Ngay khi Ngài trỗi dậy từ cõi chết thì các điều kỳ diệu nối tiếp nhau xuất hiện trong lịch sử. Sau trình thuật thương khó thì đến Công vụ các tông đồ. Sau phục sinh thì đến nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng của các phụ nữ nhân chứng và các tông đồ, cùng với đức tin của những kẻ làm được điềm thiêng dấu lạ và của những kẻ thụ ơn. Bóng của Phêrô trải trên các bệnh nhân có năng lực chữa lành. Các tầng trời mở ra trên đầu Stephanô khi ông chịu ném đá. Tiếng sét kinh hồn khiến Saolô trở lại trên đường đi Đamát. Cuộc chinh phục tín hữu khởi sự chậm chạp nhưng vĩ đại, dần dần lan rộng ra và được Thần Khí củng cố. Các cộng đồng tôn thờ Đức Kitô được thiết lập và hiệp thông khăng khít với nhau. Sự hiệp nhất lòng tin được làm giầu có bởi giáo lý tông truyền và củng cố nhờ ơn thánh. Quyền bính dân sự nổi giận phản ứng lại, bách hại và nhường bước. Thế giới qui phục đức tin Kitô giáo cho đến thế kỷ thứ tư thì chậm lại. Nhưng các nền văn minh đã được gọi là Kitô giáo.  
Theo sau là nhiều cuộc thăng trầm do chia rẽ nội bộ. Bởi tự do của con người là bất khả kiềm chế. Ngươì ta từng chứng kiến tự do ấy có thể đảo ngược hiệu quả của công trình cứu độ, bất chấp ước nguyện hiệp nhất của Đức Kitô. Tuy nhiên nếu xét về mặt tích cực thì phải nói sự phát triển bao giờ cũng mạnh mẽ hơn thay vì than van về khía cạnh tiêu cực, điều do tội lỗi gây ra.  
Và cũng không nên quên rằng dưới con mắt quan sát không thành kiến thì Kitô giáo và văn minh nhân loại là đồng nghĩa. Ở đâu có ánh sáng Đức Kitô soi rọi ở đấy man rợ đẩy lùi. Ở đâu Đức Kitô bị khinh chê ở đấy văn minh tàn lụi đi. Văn minh và ánh sáng tiến bước cùng với Đức Giêsu. Lịch sử chứng minh rõ ràng như thế. Nhưng lịch sử vẫn có hai mặt: Ân sủng và tội lỗi. Trong vườn cây Dầu, Đức Giêsu đã trông thấy hai mặt đó. Lúc ấy Ngài chỉ kinh nghiệm mặt đen tối, còn trên thập tự, nhìn qua nắm mồ, Ngài thấy bộ mặt vui tươi của ân sủng. Lòng độc ác dai dẳng của những kẻ bách hại Ngài, việc can thiệp bỉ ổi với Philatô để cắt đặt vệ binh canh gác nghiêm ngặt nấm mồ Ngài, sự hối lộ trắng trợn khi vệ binh báo tin biến cố sống lại và lừa đảo khôn khéo nhà cầm quyền cùng quần chúng là những điều sau cùng Đức Giêsu xem thấy trên thập tự. Chúng là những hình dạng khác của nấm mồ. Đức Giêsu trông thấy trước tất cả. Tuy chúng đều qua đi sau ngày Sabbat. Nhưng chúng ta ưa thích giới hạn ý nghĩ của Ngài vào những kẻ Ngài mến yêu. Ngài chẳng hề quên những khốn cùng, đau buồn, thất vọng, nghi nan, lưỡng lự của họ. Đặc biệt Ngài nhìn thấy trước niềm vui mừng lớn lao mà họ sắp được hưởng.
Các người thân yêu của Đức Giêsu nghĩ rằng họ mất Ngài mãi mãi, như Đức Maria và thánh Giuse mất trong đền thờ, rồi lại tìm thấy ngồi giữa các tiến sĩ luật trò chuyện. Ngài cũng đặt ra một kết thúc cho cuộc chuyện trò với tử thần. Và Ngài sẽ hội ngộ mầu nhiệm với các người thân yêu.  
Trên đồi Golgotha Ngài có rất ít bạn hữu và đa số là phụ nữ. Nơi ngôi mộ cũng chẳng được bao nhiêu nhân chứng và cũng lại là đàn bà. Trước khi rời nghĩa trang các phụ nữ đã có ý nhìn xem nơi người ta đặt xác Đức Kitô, Thầy dấu yêu của họ, hầu hết ngày hưu lễ trở lại xức dầu thơm theo đúng nghi lễ. Họ im lặng canh thức và mua hương liệu chuẩn bị. Khi ngày Sabbat chấm dứt vào rạng sáng đầu tuần họ vội vã chạy ra mộ để thi hành cử chỉ thương yêu cuối cùng đối với Thầy, thay cho loài người.  
Họ hết sức sững sờ khi thấy cửa mộ mở toang, hai thiên sứ mặc áo trắng canh gác mồ, một phía đầu, một phía chân, nhưng không thấy xác Thầy nằm đấy. Họ nghĩ lại mất Thầy lần nữa. Họ hối hả chạy về báo tin cho nhóm Mười hai. Tuy tư tưởng phép lạ không mới mẻ gì đối với họ, nó luôn phảng phất trong tâm trí và hy vọng của nhóm Mười hai, nhưng lúc này vì bối rối nên không nhớ đến nữa. Mãi đến lúc Thầy hiện ra nhiều lần họ mới dám tin là thật. Ánh sáng huy hoàng của sự phục sinh chiếu rãi rực rỡ trong tâm trí mỗi người.  
Đến đây ta phải nghĩ đến Maria Magđala nhiều nhất. Vì câu truyện này liên quan đến người em của cô: Ông Lazarô và bữa tiệc ở nhà ông biệt phái Simon. Mới đây là trên ngọn đồi Calvario.
Cùng với các phụ nữ khác, Maria Magđala hiện diện ở đó. Những Maria khác trùng tên với cô đều được dấu kín trong trái tim cực thánh của Thầy. Mặc dù ánh sáng thiên sứ, mặc dù lời loan báo của họ, thì sự việc khá rõ ràng đôí với trái tim đang lo âu. Nếu như sự việc xẩy ra với những người khác thì họ ít bồn chồn hơn, nhưng đối với cô thiếu nữ thôn dã đa cảm này thì chỉ rõ có một điều: “ Người ta đã lấy mất xác của Đức Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Thày ở đâu?” (Ga 20,13).  
Các nhà phân tâm giải thích như sau: hiện thời cô ta như một cái xác vô hồn, đang phải đối mặt với một tội ác thứ hai. Tội ác thứ nhất là giết Thầy. Tội ác thứ hai là tước đoạt thân xác Thầy mà cô coi như kho tàng tình yêu, trái tim cô hằng ấp ủ. Cô nhìn sự cố nhưng không thấy chi cả, có nghe nhưng không hiểu, hiện diện nhưng lòng trí không ở đấy. Trái tim cô đang bám sát vào Thầy Chí Thánh, Thiên Chúa của cô. Đó là tâm trạng khi cất tiếng hỏi người làm vườn: “Xin ông cho biết ông đã để Người ở đâu?”  
Giọng cô xem ra có chút bẳn gắt pha chua xót. Cô bật lên những lời nóng nẩy lòng không chút sợ hãi. Người ta chỉ sợ sệt khi yêu mến. Nhưng lúc này tình yêu của cô bị thu hút vào đối tượng mà người ta mang đi rồi, nên cô không cần chi nữa. Đối với Magđala trên mặt đất này chẳng còn chi ngoài người yêu mến mà cô đã mất.  
Vì thế Đức Giêsu mạc khải sự hiện diện của mình bằng cách gọi tên cô: Maria. Giọng nói quen thuộc làm cô nhận ra liền. Cô đã từng nghe giọng nói ấy nhiều lần. Nó ngọt ngào và êm dịu như bạn hữu thường gọi tên nhau. Cô không thể nhầm lẫn với ai được nữa. Đây là tâm lý thông thường, giữa đám đông người, chúng ta vẫn không thể nhầm giọng nói của bạn bè với giọng nói người lạ. Vậy khi nghe người làm vườn cất tiếng gọi tên Maria cô nhận ra đích thị là Thầy dù hình dạng có khác. Nhiều lần Thầy gọi cô bằng giọng ấy làm sao cô có thể nhầm lẫn. Ngài gọi không những bằng môi miệng, nhưng cả bằng trái tim. Đức Giêsu mạc khải chính mình theo cách ấy, trường hợp của Gioan bên bờ hồ Tiberia cũng vậy. Cho nên, Magđala chẳng thể làm gì khác ngoài tiếng đáp lại: Rabboni – Lạy Thầy.  
Lòng đầy háo hức và mừng rỡ cô muốn chạy ngay lại ôm chân người làm vườn. Nhưng Ngài giơ tay ngăn cản. Ngài dè dặt trong giây phút linh thiêng, bởi vì nó ở giữa sự sống và sự chết, trái đất và thiên đàng. Tình yêu đã hiện hình nguyên dạng, lời vĩnh hằng đã được trao đổi, nhưng thực tại còn vướng mắc. Đấng kêu gọi mọi sinh linh vào cõi đời đời, đã gọi tên cô là kẻ Ngài yêu thương. Nhưng cô chỉ dám đáp lại: Rabboni. Tại sao?  
Đây là bài suy gẫm cho các tín hữu. Maria Magđala dạy chúng ta rằng: Nước mắt và tình yêu có sức mạnh vô song. Nước mắt của cô mang lại ơn tha thứ. Tình yêu lòng khiêm tốn. Nước mắt đem lại sự sống cho người em, tham dự thẳm sâu vào cuộc khổ nạn của Chúa, niềm vui khôn tả của vinh hiển nấm mồ. Tình yêu khiến cô thấu triệt ý nghĩa công việc của Thầy. Cô trở nên người đầu tiên đón nhận sứ vụ loan báo tin vui, là tông đồ của các tông đồ. Đặc ân của tình yêu là như vậy. Chân lý này sẽ mãi mãi trong dòng chảy của lịch sử giáo hội. Tình yêu giữ vai trò độc tôn trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, quan trọng hơn quyền bính, năng lực và học vấn.  
Tuỳ theo mức độ, những chỉ Maria Magđala kinh nghiệm, thì tất cả những ai đồng chí hướng với cô đều được chia sẻ, kể cả sứ vụ của cô. Như vậy, các phụ nữ trong nhóm cũng mật thiết liên hệ với vô. Nhưng qua các Tin Mừng người ta khó mà xác định những nội dung nào riêng cho Magđala, những điều chỉ chung cho cả nhóm đạo đức. Dĩ nhiên, các tông đồ có vai trò đặc biệt: “Phêrô con có yêu mến Thầy không?” Như người ta dự đoán, các ông nổi bật trong các biến cố quyết định và quan trọng. Tuy nhiên tất cả đều có phần nhiệm vụ phải chu toàn. Bởi lẽ, các con tim đều trỗi dậy cùng với Thầy. Tuy nhiên chúng ta vẫn chứng kiến các môn đệ đều cảm thấy ngỡ ngàng, là lạ, do dự vì sự bất toàn của đức tin còn dao động.  
Liệu trong nhóm có ai hoàn thiện tuyệt đối ? Có đấy và chỉ một. Đó là trinh nữ Maria, mẹ Đức Giêsu. Mẹ đã nếm trải niềm vui được lại người con yêu dấu, đến mức độ tràn đầy mầu nhiệm, sau khi đã can đảm nêu gương nhẫn nhục vâng theo thánh ý Thiên Chúa Cha suốt thời kỳ thử thách. Mẹ đã trỗi dậy trong sự nghiệp đồng công, như Con Mẹ trong khổ nạn, như Maria Magđala trong đau buồn, như các tông đồ trong sợ hãi và hy vọng.  
Nếu Tin Mừng im lặng về Đức Maria, thì không phải là lãng quên Mẹ nhưng là chẳng biết nói làm sao cho cân xứng. Một cảm xúc tinh tế sẽ khiến chúng ta choáng váng trước mầu nhiệm qúa dịu dàng. Lời nói chẳng thể mô tả hết vẻ diệu kỳ của nó. Sự im lặng của các sách Tin Mừng về Đức Maria không có nghĩa lãng quên Mẹ Chúa Giêsu, nhưng chỉ có dụng ý nhấn mạnh về sự vĩ đại của Ngài.

Từ ngôi mộ trống, ánh sáng Phục sinh bừng toả. Từ đây các môn đệ bắt đầu một hành trình mới, loan báo Tin mừng Phục sinh.  
Sau khi viếng mộ Chúa, chúng tôi đến nhà nguyện dâng thánh lễ. Đây là một trong năm ngôi nhà nguyện vây quanh mồ thánh.
Thật hạnh phúc khi được dâng Thánh Lễ và suy niệm bên Mồ Chúa. Chính nơi đây, sáng tinh sương hôm Chúa nhật, những người nữ đạo đức trong số đó có Maria Mađalêna đã đem thuốc thơm tới viếng mộ. Khi tới nơi, các bà thấy tảng đá to đóng cửa mồ đã được lăn ra một bên. Những quân canh của Hội đồng Tối cao không còn ở đó nữa. Trong khi Maria Mađalêna chạy về báo tin cho Tông đồ Phêrô và Gioan, các bà khác vào trong mộ đã được thiên thần báo tin cho biết Chúa Giêsu đã sống lại. Các bà đã trở về Giêrusalem trong khâm phục và sợ hãi (Mc 16,8). Đến lượt Phêrô và Gioan chạy tới mộ và thấy mộ trống ; những băng vải ở trên đất, khăn phủ mặt để riêng một nơi (Ga 20,7). Maria Mađalêna còn nấn ná ở lại. Bà cúi xuống nhìn vào nơi để xác Chúa, thấy hai thiên thần ở hai đầu tấm đá trên đó đã để xác Chúa. Rồi quay lại đằng sau, bà thấy một người mà bà tưởng là người coi vườn. Khi người đó gọi: “Mariam !”, Maria nhận ra Chúa Giêsu và sấp mình dưới chân Ngài (Ga 20,16). Bà Maria Mađalêna kể lại việc Chúa hiện ra cho các môn đệ, nhưng các ông không tin. Sau lần hiện ra đó, Chúa còn hiện ra nhiều lần ở Giuđêa và Galilêa. Chính ngày sống lại, Chúa đã hiện ra với Phêrô (Lc 24,34 ; I Cor 15,5), với hai môn đệ trên đường đi Emmaus (Lc 24,13-35), với các Tông đồ và các môn đệ hợp nhau ban chiều trong một ngôi nhà ở Giêrusalem (Lc 24,36-39 ; Ga 20,19-23). Tám ngày sau Chúa lại hiện ra với các môn đệ ở Giêrusalem để thuyết phục Tôma vắng mặt trong khi Chúa hiện ra lần trước (Ga 20,24-29). Sau tuần lễ Vượt qua, các Tông đồ trở (Ga 20,24-29). Sau tuần lễ Vượt qua, các Tông đồ trở về xứ Galilêa, Chúa Giêsu lại hiện ra với 7 môn đệ, trong đó có Simon, Phêrô và Gioan trên bờ hồ Tibêriađê. Chúa xác nhận quyền chủ chăn tối cao của Phêrô (Ga 21,15-18). Trong lần hiện ra trên một ngọn núi xứ Galilêa, Chúa Giêsu trao cho các Tông đồ sứ mệnh giảng dạy các dân tộc và hứa sẽ ở với các Tông đồ cho đến ngày tận thế (Mt 28,18-20).  
Bốn mươi ngày sau khi sống lại, lần sau hết Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ đang họp nhau ở Giêrusalem để đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa dẫn các môn đệ lên núi Cây dầu, về hướng Bêthania. Ở đó Chúa đã lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha (Mc 16,19).   
Rời Giêruselam lòng bồi hồi xúc động, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Bêlem, Giêricô, Núi cám dỗ, Qumran, Biển chết, xuôi về Ain Karim thăm nơi Gioan Tẩy giả sinh ra rồi viếng lăng mộ Vua Đavit…nhiều địa danh hấp dẫn khác đang chờ đợi.
Nguyễn Hữu An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét