Trang

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Chúa nhật VII thường niên - Năm B : Những suy niệm




Chúa nhật VII thường niên - Năm B


1.  ĐỨC TIN TRONG SÁNG
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Người bại liệt chịu nhiều thiệt thòi. Không làm được những việc cần làm. Không đến được những nơi muốn đến. Chúa Giêsu làm phép lạ chữa nhiều bệnh. Tin ấy lan tới mọi hang cùng ngõ hẻm thành Ca-phác-na-um. Người bại liệt nghe biết, nhưng ông không làm cách nào đến gặp Chúa Giêsu để xin Người chữa lành. Đó là hình ảnh của những tâm hồn bại liệt. Chúa vẫn rộng rãi ban phát ân huệ của Người, nhưng những tâm hồn bại liệt, dù muốn cũng không thể đến lãnh nhận được.
Có tâm hồn bị bại liệt vì yếu đuối. Tâm hồn yếu đuối bị những đam mê, dục vọng đè bẹp, không sao chỗi dậy được. Đam mê, dục vọng giống như những sợi dây, rất mềm mại nhưng cũng rất chặt chẽ. Tâm hồn bị đam mê, dục vọng trói buộc sẽ trở nên tê liệt, thấy những điều tốt đẹp nhưng ngại ngùng phấn đấu, mất hết ý chí chỗi dậy, vươn lên.
Có tâm hồn bị bại liệt vì do dự. Tâm hồn do dự có nhiều ước muốn tốt đẹp, nhưng cứ mãi băn khoăn suy tính, rồi cơ hội qua đi mà vẫn không làm được điều mong muốn. Truyện ngụ ngôn kể lại: có con ngựa vừa đói vừa khát. Người ta đem đến một máng cỏ và một máng nước. Con ngựa cứ quay sang máng nước rồi lại quay sang máng cỏ, không biết nên ăn hay nên uống trước. Sau cùng nó chết vì đói và vì khát. Ngạn ngữ Pháp có câu: Hoả ngục được lát bằng những ước muốn tốt. Ước muốn suông mà không làm sẽ chẳng giúp thăng tiến thân phận con người.
Có tâm hồn bị bại liệt vì chai đá. Tâm hồn chai đá hoàn toàn mất hết khả năng ước muốn điều lành, thờ ơ với việc thăng tiến bản thân, dị ứng với những việc đạo đức. Đây là thứ bại liệt đáng sợ nhất.
Người bại liệt trong Tin mừng đã tìm ra phương thế để đến với Chúa. Ông nhờ những người thân khiêng tới. Cảnh 4 anh em khiêng người bại liệt, trèo lên mái nhà, rỡ ngói, thả chiếc cáng xuống trước mặt Chúa Giêsu, cho ta thấy một đức tin đơn sơ trong sáng.

Đức tin đơn sơ trong sáng không suy tính, do dự, nhưng cương quyết bắt tay vào việc làm.
Nhìn thấy việc phải làm, họ bắt tay vào làm ngay không để chậm trễ, không mất thời giờ bàn bạc, so đo, tính toán, trốn tránh trách nhiệm. Biết người bệnh cần gặp Đức Giê su, họ lập tức đi tìm cáng và bảo nhau khiêng người bệnh đến ngay.
Đức tin đơn sơ trong sáng lập tức lên đường, không chịu ngồi lì một chỗ. Đã quyết là lên đường ngay, không ngần ngại vì đường xa, không e dè vì gánh nặng. Họ khiêng người bệnh, nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt, ánh mắt vẫn tin tưởng, nụ cười vẫn vui tươi vì tâm hồn họ luôn luôn sẵn sàng lên đường.
Đức tin đơn sơ trong sáng giúp họ đồng tâm nhất trí với nhau. Niềm tin chân thực loại trừ mọi xung khắc bất đồng, dẫn đến đoàn kết, hợp tác, cùng nhau làm những việc tốt có ích lợi cho người khác.
Đức tin đơn sơ trong sáng không lùi bước trước khó khăn. Gặp đám đông vây quanh, chắn lối đến với Đức Giê su, họ không sờn lòng nản chí, không bàn chuyện tháo lui, nhưng cương quyết tìm biện pháp khắc phục những khó khăn. Đã nỗ lực đổ mồ hôi để khiêng người bệnh đến, giờ đây họ lại phải nỗ lực vận dụng trí não để tìm cách đưa người bệnh tiếp cận Đức Giê su. Đức tin trong sáng đã làm cho trí khôn họ trở nên sáng suốt. Họ mau chóng tìm được một lối khác để đến với Người.
Đức tin đơn sơ trong sáng có những sáng kiến tuyệt vời, táo bạo. Không vào được cửa chính, họ trèo lên mái nhà. Không có cửa thì họ làm ra cửa. Tháo rỡ mái nhà quả là một biện pháp táo bạo. Biện pháp táo bạo càng chứng tỏ đức tin mãnh liệt của họ.
Đức tin trong sáng có sự tế nhị, nhẹ nhàng. Chắc chắn họ phải xin phép chủ nhà và sau đó, phải lợp lại mái nhà hẳn hoi tử tế. Trước sự tế nhị của họ, chắc chắn chủ nhà phải hài lòng và cảm phục.
Đức tin trong sáng không nhiều lời. Tự những việc làm đã nói nhiều hơn những bài diễn văn lê thê. Họ chưa nói lời nào để cầu xin Chúa, nhưng nhìn thấy người bệnh được thòng xuống trước mặt mình, Đức Giê su và tất cả mọi người đều thấy được đức tin của họ, và Đức Giê su đã chữa bệnh trước khi họ cầu xin.
Nhìn vào đức tin trong sáng của 4 người khiêng, ta thấy đức tin của mình còn đang bị tê liệt, không hoạt động. Ta bị tê liệt vì những đam mê dục vọng trói buộc. Ta bị tê liệt vì những lười biếng thiếu cố gắng. Ta bị tê liệt vì những ước muốn nửa vời. Ta bị tê liệt vì lòng nguội lạnh thiếu nhạy cảm trước những nhu cầu thiêng liêng.
Hôm nay, ta hãy noi gương 4 người khiêng bệnh nhân. Hãy ra khỏi tình trạng tê liệt tâm hồn. Hãy lên đường, ra đi đừng ngại ngùng, do dự. Hãy biến đức tin thành những việc làm chuyên chở đức bác ái. Hãy phấn đấu vượt qua mọi khó khăn. Hãy sống đức tin một cách sáng tạo, vui tươi và đoàn kết. Một đức tin như thế sẽ trở thành ngọn đèn phá tan đi bóng tối đang phủ vây giăng mắc, soi đường cho ta đi đến với Chúa, cùng đích của đời ta.
Lạy Chúa, xin hãy thêm đức tin cho chúng con. Amen.

2. CHỮA NGƯỜI BẤT TOẠI
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 


Đọc lại Tin Mừng, nhân loại không khỏi ngạc nhiên, cảm động và thán phục Đức Giêsu Kitô vì Ngài luôn chạnh thương, nhân từ đối với con người, đối với loài người. Cử chỉ của Đức Giêsu Kitô thật lạ lùng và thu hút, Ngài hấp dẫn đám đông, kéo lôi đám đông, rao giảng không biết mệt mỏi. Ngài cho nhân loại, cho con người thấy sứ vụ của Ngài như thế nào.
MỘT CON NGƯỜI VỚI TẤM LÒNG BAO DUNG, YÊU THƯƠNG, THA THỨ
Chúa Giêsu Kitô trong sứ vụ công khai của Ngài đã công bố nước trời, đã minh chứng nước Thiên Chúa đang ở giữa mọi người. Nên, Chúa không nói xuông, không rao giảng một thứ tôn giáo, một mớ lý thuyết mông lung, xa xôi, trên mây trên gió. Chúa luôn luôn thực tế đối với mọi người. Lời nói của Chúa đi đôi với hành động của Ngài. Chúa Giêsu có một con tim hết sức nhạy cảm, có một cái nhìn bao dung, yêu thương, tha thứ. Ngài đi rao giảng, lời nói của Ngài có sức rất hấp dẫn và thu hút con người, lôi cuốn đám đông. Chúa đã chữa lành mọi thứ bệnh hoạn, tật nguyền và xua trừ mọi thứ ma quỉ, tà thần( Mc 1, 40-45 ). Chúa rất nhạy cảm với những biến cố xẩy đến cho con người. Ngài đi vào nội tâm của con người, hiểu thấu mọi ước nguyện, khao khát của con người. Ngài đã chữa lành nhiều loại bệnh. Khi chữa lành bệnh hoạn, Chúa Giêsu đã cảm thông với những đau khổ của con người. Ngài cho con người thấy Ngài có quyền trên tất cả và quyền năng của Ngài là do tình thương của Ngài, là do con tim yêu thương của Ngài. Tin Mừng Mc 2, 1-12 lại cho nhân loại thấy một cử chỉ thật lạ lùng của Ngài, một cử chỉ mà con người chưa từng thấy, chưa từng được hạnh phúc đón nhận. Chúa quá hấp dẫn đám đông đến nỗi Chúa ở đâu dân chúng bao quanh không còn chỗ chen chân, người tụ đông ngay ngoài cửa. Điều này chứng tỏ Ngài là con người hết sức lạ lùng, nhưng đầy sức hấp dẫn và đầy lực thu hút nhờ lòng nhân ái của Chúa Giêsu.
Đoạn Tin Mừng Marcô hôm nay cho ta một nét hết sức lạ, Chúa không nói với người bất toại: " Ta chữa lành cho ngươi". Chúa nói:" Tội ngươi đã được tha rồi". Nói lên điều này, Chúa Giêsu xác nhận Ngài bởi Thiên Chúa vì chỉ mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Các kinh sư và những kẻ chống đối Chúa Giêsu cũng nghĩ như vậy nhưng họ không tin nên lý luận:" Chúa nói phạm thượng". Chúa dùng cơ hội này để xác nhận Ngài là Thiên Chúa vì Ngài hiểu rõ những tư tưởng, những sự sâu kín trong tâm hồn của họ:" Sao trong lòng các ông lại nghĩ như vậy ?" và rồi Chúa nói với những kẻ không tin: " Trong hai điều hoặc nói: Tội của ngươi được tha hay nói: Hãy đứng dậy vác chõng mà đi. Điều nào dễ hơn". Ngài kết luận: cả hai điều đều khó và Ngài nói với người bất toại: " Tội ngươi đã được tha, hãy đứng dậy vác chõng mà về ". Người bất toại bèn chỗi dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến mọi người sửng sốt và hân hoan chúc tụng Thiên Chúa( Mc 2, 11-12 ).
CHÚA CÓ QUYỀN THA TỘI
Chúa Giêsu làm phép lạ này để minh chứng Ngài có quyền tha tội vì Ngài là Thiên Chúa thật. Ngài có toàn quyền trên mọi sự, trên muôn loài, muôn vật, trên con người. Chúa tha tội. Chúa trao quyền tha tội cho các tông đồ và cho Giáo Hội. Lòng thương của Chúa thật bao la, Chúa nhân từ à chạnh thương đối với mọi người.
Con người phải biết mở lòng và tin tưởng thật sự vào Chúa như người bất toại đã tin, đã làm theo lệnh truyền của Chúa, đứng dậy vác chõng mà đi hiên ngang trước sự ngạc nhiên, kinh ngạc của mọi người. Thánh vịnh 12 có câu: " Lạy Chúa, con tin cậy vào tình thương Chúa. Được Ngài cứu độ, lòng con sẽ vui mừng. Con sẽ hát bài ca dâng Chúa vì phúc lộc Ngài ban "( Tv 12, 6). Và " Lạy Chúa, con tin Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống, đã đến trong thế gian"( Ga 11, 27 ). Bài Tin Mừng Mc 2, 1-12 cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa làm nơi chúng ta những gì Chúa đã thương thực hiện nơi người bất toại. Chúa yêu ta, ta hãy đến với Chúa trong bí tích giải tội. Hãy thật lòng xin Chúa yêu thương tha thứ, Ngài sẽ giải thoát ta, ta sẽ cảm nghiệm được sự nhẹ nhàng của ơn Chúa thứ tha và những ràng buộc ta phải chịu do bệnh hoạn, tội lỗi.
Ta sẽ hiểu được thế nào là sự cảm thông, lòng nhân từ của Chúa và như thế ta sẽ: "Lạy Chúa, con xin kể muôn việc lạ Chúa làm. Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa. Đàn hát, kính dâng Ngài, lạy Đấng tối cao"( Tv 9, 2-3 ).
Bệnh hoạn, tật nguyền, đau khổ là những thử thách con người luôn phải đối diện, nhưng ta có biết tin vào Đấng mà thánh Phaolô đã xác tín:" Tôi biết tôi đã tin vào ai "( 2Tm 1 ).
Lạy Chúa Giêsu, con tin vào Chúa vì chính Ngài là Thiên Chúa, chỉ có Ngài mới có quyền tha tội, chỉ có Ngài mới có sự sống.
GỢI Ý CHIA SẺ
1. Bạn cảm nghiệm gì về lời: "Tội con đã được tha" ?
2. Bạn có mến yêu bí tích hòa giải không ?

HÃY CHỖI DẬY VÁC CHÕNG MÀ ĐI
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu


Đám đông dân chúng “đông đảo đến nỗi ngoài cửa không còn chỗ đứng“ (Mc 2, 2). Họ tuốn đến vì đã nghe danh tiếng Chúa Giêsu. Họ tuốn đến để nghe Chúa Giêsu giảng dạy về Tin Mừng Cứu Độ, về Nước Trời. Trong đám đông chen lấn ấy, có cả những người luật sĩ.
Suốt thời gian rao giảng, các bệnh nhân đã tuốn đến với Chúa Giêsu, và được Ngài thương xót chữa lành. Bệnh nhân bị bất toại trong bài Tin Mừng hôm nay, không tự mình đến được với Chúa, vì Ông ta bị tê liệt. Ông đã phải nhờ bốn người bà con hoặc bạn bè khiêng ông đến trước Chúa Giêsu. Vì đám đông đứng kín mít vây quanh đang chăm chú nghe Lời Chúa, họ đã có sáng kiến độc đáo “rỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống“.
Nhìn thấu suốt lòng tin của người bị bệnh bất toại, niềm mong đợi của bạn bè bệnh nhân và đám đông, Chúa Giêsu đã chữa lành ông ta, không những phần xác mà mà cả phần hồn: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy vác chõng mà về nhà “,“Hỡi con tội lỗi con được tha“. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ “.
Trước phép lạ nhãn tiền này, chắc chắn người vui sướng nhất phải là người bất toại. Từ bao năm tháng qua, ông ta bị tê liệt tay chân, không còn đi lại được, phải nằm liệt giường liệt chiếu. Chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, nhưng đành bó tay. Đời của ông kể như tàn! Ông không thể đi làm để nuôi sống gia đình, lo được gì cho vợ con Ông. Trái lại, Ông còn phiền lụy đến hết mọi người. Chắc cũng nhiều lúc, ông cảm thấy tuyệt vọng, chán chường. Tê liệt phần xác đã làm ông dần dần tê liệt nội tâm. Đau khổ nhất đối với Ông có lẽ là những cảm nghiệm bị Thiên Chúa bỏ rơi và thử thách. Bất toại thể xác tượng trưng cho bệnh tê liệt về phần hồn. Bệnh tật là biểu tượng cho trạng thái tê liệt bên trong: cách thiêng liêng, bệnh nhân bị tê liệt, bị mù, bị điếc...
Bây giờ đây Ông vui sướng hân hoan, ông nhảy mừng “lập tức ông đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người“. Ông đã được Chúa Giêsu chữa lành phần xác. Ông được phục hồi lại sức khỏe. Từ nay, ông có thể “tung tăng“ đi lại, hoạt động như bao người khác. Ông có thể đi làm để nuôi sống vợ con. Cử chỉ “đứng lên vác chõng“ mà về, nói lên sự lành mạnh thể lý và sức khỏe đủ để chu toàn bổn phận của con người.
Chắc chắn, Ông phải là người biết ơn Chúa Giêsu nhiều nhất và “ngợi khen“ Thiên Chúa trước nhất. Chắc chắn, tâm hồn Ông được đổi mới. Đức tin vào Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, đã bắt đầu nhen nhúm nơi ông. Ông cũng như nhiều người trong đám đông hôm nay đã tin vào Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân Do Thái hằng mong đợi.
Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu chữa con người toàn diện cả xác lẫn hồn. Vì con người luôn luôn là một. Tin mừng cứu độ Chúa Giêsu rao giảng là Tin mừng cứu độ toàn diện. Qua phép lạ này, qua cử chỉ và lời nói đối với bệnh nhân, nhất là cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với nhóm luật sĩ, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa . Thánh sử Marcô đã kể tiếp như sau: “Chúa Giêsu thấy rõ được những điều đang suy tưởng trong tâm trí các nhà luật sĩ: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa“, nên đã nói với họ: “Tại sao lòng các ông nghĩ thế? Nói với người bất toại này: “Tội lỗi con được tha“ hay nói: “Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi, đàng nào dễ hơn? Nhưng để các Ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất, Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy vác chõng mà về nhà“.
Trước dấu chỉ nhãn tiền này, thánh sử Marcô không ghi lại phản ứng của những luật sĩ. Ngài chỉ ghi nhận “ai nấy đều sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ“. Chúng ta cũng hy vọng có một số các luật sĩ, không còn cứng lòng trước dấu chỉ này, mà thay dạ đổi lòng, để tin nhận Nước Thiên Chúa. Vì trong nhiều nơi khác của Tin Mừng, có ghi nhận sự “cứng lòng“ của nhóm thông luật và biệt phái. Vì muốn bảo vệ “nồi cơm“, bảo vệ quyền lợi, nên họ đã cố tình “bưng tai bịt mắt“ không nhận ra những “dấu chỉ“, không thèm nghe lời rao giảng của Chúa Giêsu, không thèm hoán cải nội tâm để đón nhận Nước Trời. Không những thế, họ còn tìm cách “thủ tiêu“ Ngài. Sự mù quáng tâm hồn đã làm họ tê liệt phần hồn.
Lậy Chúa, xin cho con nhận ra Ngài là Cứu Chúa của con.

LỜI CHÚA CÓ SỨC CHỮA LÀNH VÀ THA THỨ
Lm. Jude Sicilianô, OP.


Thưa quí vị,
Thử hỏi ngôn sứ Isaia ám chỉ điều gì trong đầu óc khi viết: “Đây lời Đức Chúa phán: Các ngươi đừng nhớ lại các truyện ngày xưa, chớ quan tâm về những truyện thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi.” Chắc hẳn vị tiên tri không nghĩ tới truyện giống biến cố Xuất hành: Thiên Chúa giơ tay quyền uy giải thoát Tuyển dân khỏi kiếp nô lệ Ai-cập. Dân Israel được tự do trở về đất hứa. Biến cố đó đã qua lâu rồi, không cần nhắc lại nữa. Vậy thì ở đây vị tiên tri liên tưởng đến một sự giải phóng khác trong tương lai mà ông mơ hồ được xem thấy. Vào lúc này dân tộc Do thái lại đang sống lưu đày một lần nữa. Lưu đày và nô lệ cho đất nước Ba-tư. Đế quốc đã tàn phá Giêrusalem, toàn thể lãnh thổ người Do thái (năm 568 trước Công nguyên).
Ngôn sứ Isaia kể ra lý do gây nên thảm hoạ: Tuyển dân sống sa đoạ, thờ thần ngoại bang, ăn ở hiếp đáp lẫn nhau, quay lưng lại với Thiên Chúa, không tin tưởng vào Ngài nữa: “Vậy mà, hỡi Gia-cóp, ngươi đã chẳng kêu cầu ta, phải, hỡi Israel, ngươi đã chán ta rồi. Ngươi lại còn làm cho Ta khổ cực vì lầm lỗi của ngươi.” Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn trung thành với chính mình. Ngài không thể bỏ rơi Tuyển dân, vì đã hứa với các tổ phụ họ như vậy. Cho nên Ngài lại giơ tay cứu vớt lần nữa: “Nhưng chính Ta đây, vì danh dự của Ta, Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến lỗi lầm của ngươi nữa.” Như vậy, sau hình phạt ghê gớm là làm nô lệ cho Babylone, dân Israel lại được Chúa thương xót và quên đi mọi lỗi lầm. Tiếp theo, họ được giải phóng mà đưa về quê cha đất tổ. Khôi phục lại địa vị dân riêng Thiên Chúa: “Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi. Các ngươi không nhận thấy hay sao?” Dĩ nhiên dân Do thái chẳng làm gì để xứng đáng ơn này. Họ chẳng thực hiện công nghiệp gì để được Chúa cứu chữa trong những ngày cùng khốn. Chỉ có nỗi thống khổ của họ là lý do duy nhất để Thiên Chúa chạnh lòng thương. Ngoài ra chẳng có lý do hợp lý nào cả. Xin lưu ý đến điểm này, chúng ta thường kiêu căng, tự cho mình là ông thánh, bà thần, nhiều nhân đức, đầy thánh thiện, đáng Chúa thương xót và nhận lời. Không phải vậy. Khi tiếp cận với Thượng đế không nên dùng lý luận này. Đúng hơn khi Thiên Chúa ghé mắt đoái thương chúng ta, Ngài không đòi huân công. Ngài cứu giúp chỉ vì Ngài là tình thương. Chúng ta cư xử tốt lành là để đáp trả tình thương ấy. Bằng không, là phản bội. Sau khi đã cảm nghiệm ơn lành của Chúa, nếu còn kiêu căng sa đoạ, ngừoi đó hoặc vô tâm vô tính, hoặc ngu dốt, hoặc là kẻ vô ơn bạc nghĩa. Chẳng ai muốn nhận mình như vậy. Nhưng trên thực tế, đa phần tín hữu sống trong tình trạng đó, mặc dầu khi dậy dỗ họ huênh hoang nhiều lời rỗng tuếch. Vậy căn bản để sống làm con Chúa đích thực là cảm nghiệm lòng Chúa thương xót và đáp trả Ngài bằng nếp sống công chính. Cứ như bài đọc 1 hôm nay, lòng thương xót Thiên Chúa là động lực duy nhất khiến Ngài với tới Tuyển dân và tha thứ cho họ, cứu họ khỏi nỗi thống khổ Babylone. Tương tự trong bài Phúc âm, Chúa Giê-su chữa lành và tha thứ cho người bại liệt cũng trong lòng thương xót bao la này. Chúng ta sẽ suy gẫm kỹ hơn ở phần sau. Trước mắt, xin coi lại những khó khăn trong cuộc đời mỗi người. Nếu Thiên Chúa không ở với chúng ta, làm thế nào chúng ta thoát khỏi những gian nan ấy, mà bình an cho tới hôm nay? Chắc chắn nhiều lần chúng ta đã rơi vào tuyệt vọng như nhiều thanh niên thiếu nữ trên thế giới ngày nay (theo dõi báo chí, liệt kê thiết tưởng thừa thãi). Xin luôn nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn và cảm tạ. Nhất là trong giờ Phụng vụ hôm nay, trước Thánh Thể chúng ta cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa luôn đứng bên và che chở chúng ta, gia đình và họ hàng. Đấy là trong quá khứ, còn hiện tại, cuộc đời mỗi người luôn thay đổi, đôi khi rất bất ngờ, ngoạn mục. Thí dụ, còn niên thiếu không có nhiều rắc rỗi về tâm lý, thể xác, lớn lên thân xác, tinh thần khủng hoảng, rối loạn quan hệ. Mất mát người thân, cha mẹ, anh em, người phối ngẫu vv. Cuộc đời trở nên bấp bênh, yếm thế, phát sinh bệnh tật, thác loạn tinh thần vv. Dĩ nhiên, tiến trình này là thường thức với tất cả mọi người, nhưng nó lại chẳng thường thức khi chúng ta đối mặt với nó. Liệu Thiên Chúa của quá khứ, tuổi thơ vẫn đồng hành với chúng ta? Liệu Ngài còn hướng dẫn chúng ta vào hành trình sa mạc của cuộc đời? Ngôn sứ Isaia trả lời là Thiên Chúa vẫn luôn trung tín trong ý định của Ngài: “Chớ quan tâm về những truyện thuở xưa. Này ta sắp làm một việc mới”. Việc mới cho mỗi cuộc đời, việc mới cho toàn thể Hội thánh. Chúng ta không nhận thấy hay sao? Cho nên hy vọng của người tín hữu không bao giờ chấm dứt. Mặc dù hiện tại rất nhiều gian truân, buồn chán. Nhiệm vụ của mỗi người là ăn ở thánh thiện đón chờ lòng thương xót Chúa.
Một thông điệp khác nẩy lên từ Isaia là: “Ta sẽ xoá bỏ các tội phản nghịch của ngươi, và không còn nhớ đến các lầm lỗi của ngươi nữa.” Trước bối cảnh này, tác giả thánh vịnh phải kêu lên: “Hạnh phúc thay những người được Thiên Chúa tha thứ lỗi lầm.” Như vậy bài đọc 1 và 3 đều chỉ ra quyền năng tha thứ của Thiên Chúa. Người thụ hưởng dĩ nhiên là nhân loại và từng linh hồn sống trên gian trần. Chúng ta nên có tâm tình nhớ ơn và cảm tạ Thiên Chúa về khía cạnh này. Hiện thời Phụng vụ của Hội thánh đang ở phần đầu của Phúc âm thánh Marcô. Phần này chủ yếu minh chứng đức tin vào Chúa Giê-su như Đấng Thiên sai, thậm chí như Đức Chúa Trời toàn năng đến thế gian, ngõ hầu thi thố lòng thương xót. Tuần 5 mô tả Chúa chữa mẹ vợ ông Phê-rô khỏi bệnh sốt rét và nhiều căn bệnh khác nữa. Tuần 6 vừa qua Chúa cho người phong cùi được sạch. Tuần này, người bại liệt do bốn bạn hữu khênh đến. Bệnh phong thể xác nhắc nhở tín hữu về bệnh phong cùi thiêng liêng và những hậu quả ghê tởm của nó. Hôm nay Phúc âm tiến xa hơn nữa. Bại liệt tâm linh cũng được Chúa chữa lành bằng thẩm quyền tha tội: “Này con, tội con đã được tha rồi, vác chõng mà đi về nhà”. Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người.”
Tuy đang ở phần đầu Phúc âm Marcô, nhưng từ nay, công việc chủ yếu của Chúa Giê-su là chữa lành và tha thứ tội lỗi. Xin lưu ý, Tin mừng Marcô bỏ qua thời niên thiếu của Chúa Giê-su, khởi sự ngay từ phép rửa tại sông Gio-đan. Tức phép rửa của mỗi tín hữu. Hậu quả là được chữa lành và tha thứ tội lỗi. Phải chăng thánh nhân liệt kê các phép lạ của thời kỳ này cũng nhằm mục tiêu ấy? Theo thánh Marcô, khi Chúa công khai rao giảng triều đại Thiên Chúa Ngài nói: “Thời giờ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng.” (1, 15) Những bài đọc của mấy tuần lễ này cống hiến cho chúng ta cảm giác đó. Cảm giác thời giờ đã mãn và triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Nghĩa là những đổ vỡ, đau khổ, tội lỗi được Chúa Giê-su chữa lành. Tác giả Reginald Fuller bình luận về thời kỳ Phúc âm này đề nghị chúng ta suy nghĩ như sau: Biến cố Giáng Sinh nhập thể ban khả năng cho nhân loại đền bù tội lỗi (nơi Chúa Giê-su). Nó là trung tâm của thông điệp Kitô giáo. Rồi tới việc tha thứ tội lỗi. Nhiệm vụ chính yếu của các nhà giảng thuyết là rao giảng chân lý này. Đi trệch ra hai điểm này là ăn nói lung tung. Cũng xin thêm là trong khi làm phép lạ Chúa Giê-su tự xưng mình là Con Người: “Vậy để các ông biết ở dưới đất này Con Người có quyền tha tội.” Chúng ta liên tưởng đến đoạn văn của tiên tri Daniel (7, 13-14). Con người được trao quyền thống trị và xét xử nhân loại cho đến tận cùng thời gian. Nhiều lần Chúa Giê-su đã tự nhận tước vị ấy. Cho nên chúng ta không còn nghi ngờ ý nghĩa cánh chung của việc Chúa chữa lành người bại liệt. “Thời giờ đã mãn. Anh em hãy sám hối và tin vào Phúc âm.” Nếu quí vị chưa bằng lòng với chứng cớ trên thì xin căn cứ vào Marcô. Trong trường hợp kẻ cùi hủi, rõ ràng xã hội thời ấy coi là tội lỗi, phải sống cách ly. Người bại liệt và nhiều căn bệnh khác nữa, độc giả Phúc âm thánh Gio-an cũng liệt vào hàng tội nhân: “Thưa thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?” (9, 2). Thậm chí người què cũng được coi là nhơ bẩn không được tham dự các nghi lễ tôn giáo, cho nên hy vọng dự phần trước vào sự phục hồi xứ sở của đấng Thiên sai bao gồm luôn “Kẻ què sẽ nhẩy nhót như nai.” (Is 35, 6). Isaia hôm nay cũng có lời hứa tương tự; “Này ta sắp thi hành một việc mới.” Tất cả đều ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su. Rõ ràng Ngài có quyền năng cánh chung tha tội và chữa lành, làm cho kẻ què nhẩy nhót như nai.
Thực tế, các bạn hữu của anh bại liệt đã đặt một niềm tin mãnh liệt vào Chúa Giê-su, không nói ra nhưng họ tin vào thẩm quyền thiên sai của Chúa. Họ đã hành động cách liều lĩnh và thô bạo: Rỡ mái nhà nơi chỗ Ngài ngồi. Chúa đang rao giảng Lời cho đám đông đếm không xuể và Ngài đã trông thấy lòng tin của người bại liệt. Xin lưu ý đến từ ngữ của Thánh Marcô: Ngài “trông” thấy niềm tin và đã đáp ứng. Đức tin là điều kiện để Chúa làm phép lạ. Chúng ta thiếu đức tin mạnh mẽ và dứt khoát vào Ngài thì làm sao được tha tội? Xin nhớ nhiều trường hợp khác, thánh Marcô kể lại: Con gái ông Giai- rô (6, 11), Người đàn bà xứ Canaan (7, 24). Anh mù Bartimê (10, 46). Tất cả đều đã do đức tin thúc đẩy, vượt mọi trở ngại tôn giáo, sắc tộc, xã hội đến xin Chúa ban ơn phúc chữa lành. Ap dụng bài Phúc âm vào thực tế chúng ta hôm nay. Nhìn quanh trong xã hội, xóm làng, khu phố, nơi làm việc chúng ta cũng thấy nhiều trở ngại. Đức tin của chúng ta phải vượt qua. Trở ngại về tôn giáo, quan điểm chính trị, giai cấp kinh tế, màu da, giới tính, não trạng, ý kiến vv, chúng ta nên đặt niềm tin mãnh liệt vào Chúa, Đấng đang ngự giữa buổi Phụng vụ này, Ngài sẽ ban mình máu Ngài cho chúng ta làm lương thực.
Như thánh Marcô thuật: Ngài giảng Lời Thiên Chúa cho họ. Vậy người bại liệt được chữa lành và tha thứ tội lỗi trong hoàn cảnh Lời được rao giảng. Thiên hạ cũng được ơn tương tự khi Lời được công bố. Đó là bối cảnh chung Phúc âm Marcô, vì Nước Thiên Chúa đã đến trong thế gian. Nhiệm vụ của các nhà giảng thuyết thời nay rất nặng nề và cũng rất vẻ vang. Chúng ta mang Lời Thiên Chúa đến cho nhân loại để họ được chữa lành và được tha thứ. Lơ là bổn phận này, quả có lỗi với lương tâm và Chúa Giê-su. Thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Rôma: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng.” Chúng ta nên hy sinh, hãm mình, học hỏi, suy niệm để có khả năng rao giảng Lời của Thiên Chúa cho xứng đáng. Lo toan chơi bời chỉ là phần phụ, làm thiệt hại nhiều cho Lời của Thiên Chúa.
Mặt khác, chính mỗi người phải đứng ra khỏi những hoàn cảnh hằng ngày, nếp sống, thói xấu, dục vọng, đam mê với đức tin chân thật xin Chúa chữa lành khi nghe và tiếp nhận Lời Ngài. Bởi chỉ trong văn mạch của Lời mà chúng ta mới có khả năng “vác chõng mà về” như kẻ bại liệt hôm nay. Xin đừng coi thường, vì đây là sự thật Tin mừng chứ không phải hồ đồ, tưởng tượng. Chúng ta chẳng biết sau khi được chữa khỏi, người bại liệt đi đâu. Nhưng chúng ta biết những địa chỉ chúng ta phải tới, phải sống và phải cao rao Danh Thánh Chúa. Đừng phạm tội nữa kẻo phải khốn hơn trước. Có thể chúng ta sẽ mang kẻ khác, ban bè thân cận đến với Chúa Giê-su. Họ sẽ được chấp nhận, chữa lành và tha thứ. Ai mà biết được, nếu chúng ta hăng say phục vụ Chúa sau kinh nghiệm tốt đẹp của mình?
Từ “bại liệt” nghe không xuôi tai lắm. Bởi nó mang tính hoàn toàn thụ động. Tôi thích dùng cụm từ “không thể đi được”, nghe tích cực hơn. Nó cũng có nghĩa người đàn ông đó không chỉ bại liệt mà thôi, ông ta còn những rắc rối trong tâm hồn. Và chúng ta có thể đứng chung với ông. Chúng ta có những người bạn tốt, sẵn sàng chịu đựng khó khăn vì chúng ta. Như vậy thì trong cộng đoàn này thiếu gì hoàn cảnh như người bại liệt? Thành ra, Phúc âm có tính phổ thông cao. Chúng ta giúp đỡ lẫn nhau, tất cả đều là dụng cụ của Thiên Chúa, để mọi người đều kinh nghiệm lòng Chúa quan tâm. Người khoẻ mạnh giúp đỡ người yếu đau. Người bệnh hoạn giúp đỡ người khô khan bằng đức tin mạnh mẽ của mình. Không bệnh tật nào tách chúng ta ra khỏi tình thương và sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Cho nên bốn bạn hữu của ông bại liệt, hôm nay trở nên thách đố cho Giáo hội. Khi nhân loại bị tê liệt bởi chiến tranh, nghèo khổ, thất nghiệp, thiên tai, dịch hoạ, thì Giáo hội phải ra tay cứu giúp, trở nên “bạn hữu” của loài người. Câu truyện “rỡ mái nhà”nghe ngộ nghĩnh và nực cười. Nhưng chính lòng nhiệt thành của bốn người bạn lại là tấm gương cho Hội thánh. Chúng ta cũng phải rỡ mái ngói thế giới để cứu các nạn nhân kiểu này, cách khác: là tín hữu, chúng ta đã được Chúa ban khả năng này, khi chịu phép rửa tội. Chúng ta là bạn hữu của bất cứ ai có nhu cầu. Chúa Giê-su đòi hỏi chúng ta góp phần với Hội thánh “rỡ mái nhà” trong các sứ vụ của mình. Amen.

MỌI TỘI CON ĐÃ ĐƯỢC THA
LM Nguyễn Hữu Thy


Cách đây không lâu ở Nhật Bản có một cô gái tự tử. Cô ta leo lên và nhảy vào miệng một ngọn núi lửa. Những người quen biết cô ta đều vô cùng sửng sốt và bỡ ngỡ tự hỏi : Tại sao một cô gái trẻ đẹp, vui vẽ và yêu đời như thế, lại có thể tự hủy diệt đời mình một cách đau thương như vậy ! Câu trả lời cho hành động của cô gái người ta đã tìm thấy về sau trong một lá thư giã biệt của cô ta để lại : « Tôi đã phạm tội và các vị thần của Nước Nhật không còn có thể tha thứ cho tôi được nữa ! »
Khi nghe xong câu chuyện, có lẽ chúng ta phải thốt lên : Thật là tiếc ! Thật là uổng đời cho cô gái người Nhật bất hạnh kia! Giá như cô đã được hạnh phúc nghe biết về Ðức Giêsu ! Giá như cô đã được biết đến những gì Ðức Giêsu đã nói và đã làm cho người bất toại, được tường thuật lại trong bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay. Vâng, chúng ta có thể quả quyết rằng bài Phúc Âm của Chúa Nhật hôm nay là một trong các đoạn hay nhất và quan trọng nhất của toàn bộ Tân Ước.
Người bất toại :
Một lần nữa Ðức Giêsu lại trở « về nhà Người » ở Ca-pha-na-um. Dĩ nhiên ở đây được hiểu là nhà của Simon Phêrô, một nơi luôn luôn mở cửa tiếp rước Người một cách niềm nở và cũng là nơi Người cảm thấy thoải mái như ở chính nhà Người vậy. Ðồng thời cũng là điều đương nhiên khi người ta từ khắp nơi tuôn về chen chúc nhau trước cửa nhà, đông đúc đến nỗi không một ai có thể chen chân vào trong nhà được nữa. Trong khi đó có mấy người đàn ông nóng ruột quá, không thể chờ đợi mãi được nữa, vì họ đã khiêng một người bất toại tới và muốn được Ðức Giêsu chữa lành cho. Nhưng đứng trước một rừng người đông chật như nêm thế vậy, làm sao họ có thể khiêng người bệnh vào trong nhà được ? Không sao, họ đã nghĩ ra được một kế là khiêng người bệnh lên sân thượng qua lối cầu thang phía ngoài nhà, khoét một lỗ trên sân thượng nhà được làm bằng tre đan và đất thó, vừa đủ chỗ để thòng giường người bệnh xuống trong nhà, đúng chổ Ðức Giêsu đang ngồi. Qua hành động đó, họ đã chẳng những đem được người bất toại tới với Ðức Giêsu, nhưng họ còn lôi kéo được sự chú ý của mọi người và nhất là của Ðức Giêsu. Và ước nguyện của họ thì đã quá rõ ràng : Họ mong được Ðức Giêsu thương chữa cho người bất toại được khỏi bệnh !
Trước hết phải nói đến tội lỗi :
Nhưng Ðức Giêsu, khi đang nói chuyện với dân chúng và bị họ ngắt lời như vậy, đã phản ứng hoàn toàn khác với dự định của những thân nhân của người bất toại. Người đã không chữa lành chứng bất toại cho người bệnh nhân. Thay vào đó, Người chỉ nói : « Tội lỗi con đã được tha thứ ! » (2,5). Thành thật mà nói, nếu chỉ vì mong được tha tội lỗi mà thôi, có lẽ họ đã không lặn lội đến với Người và phải vất vã khổ sở như vậy ! Những lời nói của Ðức Giêsu vừa là một sự ngạc nhiên đồng thời cũng là sự thất vọng đối thân nhân người bất toại!
Ngoài ra, trong đám đông kia còn trà trộn biết bao nhiêu loại người khác nữa. Họ là những người đã đến đó không vì tìm hiểu giáo lý mới hay vì mang nặng những đau buồn khổ sở hoặc về thể xác hoặc về tinh thần và mong được an ủi. Tiếp đến là các thầy Kinh sư tò mò, họ cảm thấy mình có bổn phận phải đến đây để kiểm tra xem giáo lý của Ðức Giêsu có sai lỗi gì thêm nữa không, vì họ đã từng kết án : mọi lời cũng như việc làm của Ðức Giêsu chỉ là công việc của ma quỉ (x. Mt 12,24; Ga 9,16). Và họ đã có được bằng chứng rõ ràng trong tay, vì Ðức Giêsu đã dám quả quyết Người có quyền tha tội, trong đó chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội (x.2,7). Vậy đối với họ, ông này quả thật là một người phạm thượng, nghĩa là theo luật thì phải án tử hình.
Nhưng người mà họ cho là phạm thượng, không những có thể tha tội mà thôi. Trong câu trả lời của Ðức Giêsu đã hơi mang màu sắc châm biếm : « Vậy theo các ông, trong hai điều : một là bảo người bất toại : ‘Tội con đã được tha’, hai là bảo :’Con hãy đứng dây, vác chõng mà về’, đàng nào dễ nói hơn ? Vậy, để các ông biết rằng ở dưới đất này Con Người có quyền tha tội, tôi nói với người bất toại : ‘Con hãy đứng dậy và vác chõng mà đi về nhà’ »(2,9) ! Bấy giờ người bất toại hoàn toàn được khõe mạnh và không còn là người bất toại nữa ! Cũng bấy giờ người tội lỗi đã được tha thứ hết mọi tội lỗi và không còn là người có tội nữa !
Ðức Giêsu tha thứ tội lỗi :
Các thầy Kinh sư hoàn toàn có lý : Tội lỗi là một điều có liên quan trực tiếp đến Thiên Chúa, nên chỉ một mình Thiên Chúa mới tha thứ được. Thế nhưng Ðức Giêsu đến từ Thiên Chúa. Người đã chứng minh cho biết là người có toàn quyền để tha tội, có toàn quyền để giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, cả trong thời đại chúng ta nữa ! Ðức Giêsu có toàn quyền để giải thoát cả cô gái người Nhật kia đã từng bị tội lỗi dằn vặt, những tội lỗi mà các thần linh của người Nhật đã không thể tha thứ được. Thử hỏi còn sứ điệp nào có thể mang lại ơn cứu độ và niềm hoan lạc cho cuộc sống con người hơn được nữa !
Nhưng ai ở dưới đất có toàn quyền tha tội, thì đương nhiên chỉ một mình người đó mới có toàn quyền để ấn định phải làm thế nào để được hưởng ơn tha thứ mọi tội lỗi. Người đã không bảo là : Không có tội lỗi ! Người đã không bảo là : Các ngươi có thể giàn xếp với Ta ! Người cũng không bảo là : Chính các ngươi lo giàn xếp với nhau. Nhưng Người đã bảo các môn đệ là : « Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha » (Ga 20,23).
Vậy, nếu qua Bí tích Hòa giải chúng ta được gặp gỡ Ðức Giêsu đầy khoan dung, chẳng những chúng ta cần phải nhìn nhận tội lỗi mình và dốc lòng ăn năn hối cải, nhưng trước hết chúng ta phải được lãnh nhận lời tha tội và mang lại hoan lạc : « Hỡi con, mọi tội lỗi của con đã được tha thứ ! »
Ðức Giêsu chữa lành con người toàn diện :
Chắc hẳn Ðức Giêsu đã làm cho các khán-thính giả của Người phải ngạc nhiên, khi Người lấy việc tha thứ tội lỗi quan trọng hơn việc chữa lành bệnh tật thể xác. Qua đó Người muốn nói lên rằng tội lỗi là chướng ngại vật chính yêu, ngăn cản sự mở rộng Vương quyền của Thiên Chúa và ơn cứu rỗi của nhân loại.
Chẳng những xưa kia, mà cả hôm nay nữa cũng vẫn có nhiều người chỉ mong đợi nơi Ðức Giêsu đến để giúp cho họ loại bỏ được những tình trạng bất công xã hội, những đau khổ thể xác và cải tiến các điều kiện sống của con người. Họ thâm tín rằng sự dấn thân cho xã hội như thế là đi đúng với tinh thần của Phúc Âm, là đi đúng với ý muốn của Ðức Giêsu !
Thế nhưng, trong bài Tin Mừng hôm nay Ðức Giêsu đã nêu rõ ý muốn của Người. Người muốn loại bỏ chính cái mẩm mống của sự dữ đã ngăn cản và phá vỡ sự thân giao giữa con người với Thiên Chúa, nguồn mạch mọi thiện hảo. Người muốn chữa lành con người toàn diện, cả hồn lẫn xác. Chính khoa học hiện đại cũng đã chứng minh điều đó. Các bác sĩ đã cho biết rằng 60% những bệnh tật ngày nay đều có thể gọi được là ‘bệnh đau khổ’ hay là « bệnh tâm thần », được bất nguồn từ những giao động bất an trong lãnh vực tâm linh, trong một cuộc sống thiếu trật tự, trong tội lỗi. Cũng vì thế, điều trước tiên mà cả con người ngày nay đang cần tới là lời nói mang lại sự cứu độ, lời tha tội : « Hỡi con, mọi tội lỗi con đã được tha thứ ! »
Cũng như sự chữa lành cho con người nhất thiết phải bắt đầu từ nội tâm, chúng ta không được phép chờ đợi sự canh tân đổi mới xã hội cũng như Giáo Hội hoàn toàn vào những thay đổi các cơ cấu và các hình thức bên ngoài mà thôi. Nhưng những canh tân đó nhất thiết cần phải bắt đầu với sự đổi mới nội tâm con người, với sự vượt thắng sự ác trong chính đáy lòng con người. Bởi vỉ sự xa lìa Thiên Chúa và không sống theo các trật tự của Người đã thiết định, là nguyên nhân chính cho mọi bất hạnh của con người. Trong Ðức Giêsu Kitô chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra cho mình được con đường dẫn tới sự cứu rỗi trọn vẹn!

 

ĐỨC GIÊSU Ở TRONG ANH CHỊ EM

John Nguyễn
Câu hỏi gợi ý:


1. Đức Giê-su có chứng tỏ Ngài có quyền tha tội không? Chứng tỏ bằng cách nào? Nếu chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội thì ta phải kết luận thế nào về Đức Giê-su?
2. Các kinh sư đã cố tình không nhận ra Đức Giê-su chính là Thiên Chúa khi Ngài tỏ ra có quyền năng tha tội. Có bao giờ chúng ta cũng cố tình không nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giê-su trong tha nhân sống chung quanh ta không? hay trong những người Ngài đang dùng để hoạt động cho thế giới hay trong Giáo Hội không?
3. Nếu có ai xúc phạm đến bạn, nhưng lại có ai đó - cha mẹ, thầy dạy, v.v... - tha tội cho người ấy thay cho bạn, thì bạn nghĩ thế nào? Người ấy làm như thế có đúng không? Bạn nghĩ thế nào về việc Đức Giê-su tha tội cho người này người kia khi họ xúc phạm đến một người khác nữa không phải là Ngài?
Suy tư gợi ý:
1. Đức Giê-su có quyền tha tội
Khi nghe Đức Giê-su nói với người bị bại liệt: «Này con, con đã được tha tội rồi», lập tức các kinh sư Do Thái cảm thấy câu nói ấy có vấn đề. Họ chỉ thắc mắc thầm trong bụng: «Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?» Phải nói rằng thắc mắc như vậy là rất hợp lý, vì tội là điều phạm đến Thiên Chúa, là vi phạm luật lệ do Thiên Chúa ban hành, nên chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội mà thôi. Tôi nghĩ rằng thắc mắc như thế hoàn toàn không có gì đáng trách, mà trái lại còn đáng khen nữa. Trước thắc mắc ấy, nhiệm vụ của Đức Giê-su là phải chứng tỏ cho họ thấy câu nói của mình vừa rồi là đúng hay sai. Và Ngài đã chứng tỏ bằng một sự kiện hết sức ngoạn mục là làm cho «người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người», sau khi ra lệnh cho anh ta: «Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác chõng mà về!»
Như vậy, Ngài đã chứng tỏ cho các kinh sư có mặt ở đấy rằng Ngài có quyền tha tội bằng một phép lạ mà chỉ có thần linh mới có thể làm được. Nếu chỉ một mình Thiên Chúa có quyền tha tội, mà Ngài đã chứng tỏ bằng một sự kiện trước mắt là mình đã tha tội một cách hữu hiệu, thì kết luận hợp lý chỉ có thể là Ngài chính là Thiên Chúa, hay Thiên Chúa với Ngài là một (lập luận số 1).
2. Thiên Chúa có thể mặc lấy những hình dạng ta không ngờ
a) Thiên Chúa hiện thân trong tha nhân của ta
Trước sự kiện ấy, đáng lẽ các kinh sư phải nhận ra Ngài là ai, nhưng họ lại cố tình không nhận ra điều ấy. Có lẽ tâm lý của họ là không thể nào tưởng tượng được một Thiên Chúa toàn năng cao cả lại có thể mặc lấy hình dạng một con người rất bình dị, thậm chí có vẻ thuộc một giai cấp kém hơn họ, học hành hay bằng cấp không bằng họ. Đặt mình vào địa vị của họ, chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta - cả tôi nữa - cũng sẽ suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải rút ra bài học cho mình: Thiên Chúa có thể mặc lấy hình dạng mà trí tưởng tượng ta không ngờ tới được. Đặc biệt nhưng cũng thông thường nhất, Ngài mặc lấy hình dạng của những tha nhân sống chung quanh ta, bên cạnh ta, nhất là những người đang chịu đau khổ, bị khinh rẻ và áp bức bất công vì nghèo hèn mà không nói lên được...
b) Thiên Chúa hiện thân nơi những người Ngài sai đến
Một trong những lỗi thông thường nhất của chúng ta - tương tự như lỗi của các kinh sư nói trên - là chúng ta khó có thể chấp nhận những người đại diện cho Thiên Chúa ở trần gian lại là những người kém hơn mình mặt này mặt nọ, thậm chí rất nhiều mặt. Còn các nhà lãnh đạo xã hội hay tôn giáo cũng khó có thể nhận ra các ngôn sứ của Thiên Chúa trong thời đại mình khi thấy họ thuộc giai cấp kém hơn mình, hoặc nói những điều mà theo sự hiểu biết của mình thì khó mà chấp nhận được.
Thật ra, nếu các ngôn sứ mà nói đúng như mọi người vẫn nghĩ, vẫn quan niệm, thì có bao giờ họ lại bị bách hại, bạc đãi? Nhưng theo Đức Giê-su, ngôn sứ đích thực thì hầu như bao giờ cũng bị thế gian bạc đãi (x. Lc 6,23), vì họ luôn luôn đến để nâng cao trình độ tâm linh của con người lên. Điều đó buộc mọi người phải thay đổi quan niệm cũ. Điều này là nguyên nhân chính khiến các ngôn sứ bị người đồng thời bách hại vì họ hiểu lầm các ngôn sứ là phá hoại. Những người chấp vào quan niệm cũ chắc chắn sẽ bị vấp phạm và gây vấp phạm (x. Lc 20,18; Mt 11,6; 15,12; Mc 6,3). Nếu đọc kỹ Lời Chúa, chúng ta sẽ rút ra được những tiêu chuẩn đúng đắn để phân biệt và nhận ra ngôn sứ thật. Người ta nhận lầm ngôn sứ giả là ngôn sứ thật và ném đá hay kết án những ngôn sứ thật chính vì người ta đã dựa vào những tiêu chuẩn của con người. Đương nhiên không phải ai nói khác với quan niệm chung của mọi người cũng đều là ngôn sứ.
3. Đức Giê-su có thể tha cả những tội ta phạm tới tha nhân
Trở lại việc Đức Giê-su có quyền tha tội. Trên nguyên tắc, tội phạm tới ai, thì chỉ có người ấy mới có quyền tha. Thật là phi lý khi A xúc phạm hay gây thiệt hại cho B, mà C - một người khác - lại thay cho B để tha lỗi cho A. Cho dù C là cha mẹ hay chủ nhân của B, thì việc tha lỗi dùm như thế khó có thể chấp nhận được đối với những ai đòi hỏi sự hợp lý. Ta thấy tòa án ngoài đời không hề có quyền tha tội cho ai khi người ấy thật sự có tội. Nếu tòa án tuyên bố bị can trắng án là do tòa án chứng minh được người ấy vô tội. Nếu bị can có tội mà tòa án vẫn tha là tòa án đã vi phạm luật pháp. Vậy ta phải giải thích thế nào về việc Đức Giê-su tha cho ta những tội hay sự xúc phạm ta làm cho người khác chứ không phải làm cho Ngài?
Có hai điều có thể giả định: một là Ngài làm như thế là phi lý, hai là Ngài làm như thế là hữu lý. Là Ki-tô hữu, chắc chắn chúng ta không thể chấp nhận Ngài phi lý được. Ngài không thể phi lý! Vì thế, nếu ta thấy việc Ngài-tha-tội-dùm-cho-người-khác là phi lý thì chính vì ta chưa thấy được sự hợp lý của nó mà thôi. Sự hợp lý đó nằm ở chỗ nào?
Lập luận sau đây (số 2) cũng tương tự như lập luận trên (số 1). Nếu chỉ có người bị xúc phạm mới có quyền tha cho người xúc phạm mình, mà chính Đức Giê-su lại cho rằng mình có quyền tha như vậy, thì kết luận hợp lý phải là: Ngài chính là người bị xúc phạm, hay nói rõ hơn người bị xúc phạm và Ngài chỉ là một. Nói cách khác, khi ta xúc phạm đến tha nhân của ta, là ta xúc phạm đến chính Đức Giê-su: chính Ngài bị xúc phạm, thậm chí còn nhiều hơn cả người đang được coi là bị xúc phạm nữa. Thật vậy, nhiều lần trong Tin Mừng Ngài đã tự đồng hóa Ngài với tha nhân của ta, chẳng hạn: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (hay không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (hay không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,40.45).
Rất có thể chúng ta cũng hành động tương tự như những kinh sư Do Thái trong bài Tin Mừng hôm nay: cố tình không nhận ra Thiên Chúa hay Đức Giê-su ở trong hình dạng của những người anh chị em đang sống chung quanh ta.
Cầu nguyện
Lạy Cha, lời của Đức Giê-su thật là rõ ràng cho con thấy tha nhân chung quanh con chính là hình ảnh, là hiện thân của Cha, của Đức Giê-su. Nhưng than ôi, con cũng cứng lòng không kém gì các kinh sư xưa, cố tình không nhìn nhận như vậy, chỉ vì họ nhiều khi khó thương quá, hèn kém quá. Xin cho con nhận ra sai sót của con và tu sửa lại.

TỘI CON ĐÃ ĐƯỢC THA
Sr Mai An Linh, OP

Người xưa vẫn quan niệm bệnh tật là do tội, cho nên người ta luôn bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ và tìm cách xa lánh người khác. Nhưng Thiên Chúa lại có cái nhìn khác nên Ngài đã xác quyết: “ Chính vì Ta mà Ta xóa bỏ mọi gian ác của ngươi và sẽ không còn nhớ đến tội ngươi nữa - Ta sẽ làm những cái mới” (Is. 43,18-25). Vì thế mà trong bài Đáp Ca chúng ta vừa nghe là tâm tình của một bệnh nhân “ xin Chúa cứu chữa hồn con vì con đã phạm tội phản nghịch cùng Chúa”, lòng tin tưởng Chúa sẽ cứu chữa dù mình có tội lỗi tầy trời. Đây cũng là tâm tình của người bất toại trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 7 thường niên hôm nay: Chúa Giêsu đã tha tội và chữa cho anh (Mc. 2,1-12).
Người bất tọai đã tin tưởng vào Chúa, lòng trông cậy của anh không bị rơi vào quên lãng mà còn được Chúa tuyên dương “ người thu thuế và đĩ điếm sẽ vào Nước Trời trước các ngươi”. Để minh chứng điều này Chúa Giêsu đã nói với người bất toại, bạn bè và những người kết án anh rằng: sự bất hạnh không phải là hình phạt của tội, vì đối với Nước Thiên Chúa điều căn bản là cống hiến phần rỗi. Người bất toại tưởng chừng cuộc đời mình như khép lại, nhưng lúc này đây “ tội con đã được tha”, làm anh cảm thấy như có một sức sống mới đang dâng tràn trong lòng vì anh trút được gánh nặng tội lỗi, nó là nguyên nhân đưa đến bệnh bất toại, và hơn thế nữa “ hãy đứng dậy…”. Việc được chữa lành chính là bằng chứng cho việc được tha tội.
Như thế Chúa Giêsu làm cho người bất toại đứng lên được, thì cộng đồng lại trở nên bất động, người bất toại nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Messia, là Thiên Chúa nên anh “ sửng sốt mà ngợi khen Thiên Chúa” nhưng những người Biệt phái, những kẻ bảo vệ trật tự tôn giáo lại không nhận ra và cho Chúa Giêsu là “ Nó nói phạm thượng!”. Một sự đổi ngôi thật khốc liệt, người tưởng mình là lành mạnh ( công chính) thì giờ đây lại tê liệt, mù tối. Còn người bệnh hoạn lại trở nên tinh tường nhờ lòng tin và trông cậy. Từ chỗ ngạc nhiên, thán phục anh đã dễ dàng bước tới việc tin nhận và tín thác vào Chúa.
Anh xin Chúa chữa bệnh nhưng Người lại tha tội vì Chúa muốn cho anh nhận ra rằng : cái làm cho con người bất lực, khốn khổ hơn bệnh tê liệt đó là tội lỗi. Tội trọng làm cho con người không thể làm được việc gì có ích cho phần rỗi. Chúa Giêsu thông biết nên Người cũng thấy bệnh nhân đang đau khổ cả trong tinh thần lẫn thể xác, anh cũng mong được ơn tha thứ, nên Chúa Giêsu tha tội trước vì tha tội là trọng tâm, còn việc chữa bệnh mới chỉ là một dấu chỉ thôi, nên thường khi Chúa chữa bệnh Người đều nói đến việc tha tội.
Chúa minh xác rõ ràng Người có quyền tha tội, Người dùng từ ngữ CON NGƯỜI, một nhân vật kỳ lạ trong Daniel, nhân vật được Thiên Chúa trao quyền trên mọi vương quốc cách vĩnh cửu, Con Người này sẽ trở lại ngày thế mạt để xét xử thế gian, nhưng ở đây Chúa Giêsu dùng quyền ấy để tha thứ chứ không để luận phạt. Minh xác như thế Chúa Giêsu gián tiếp mạc khải thân vị đích thực của Người “ nhận là Thiên Chúa”.
Trong chúng ta không ai mà không có tội, nên cần được chữa lành bệnh thiêng liêng vì tội làm cho người ta bại liệt, mất khả năng yêu thương, mất khả năng sống tự do, mất hi vọng và niềm vui mừng nên cần được Chúa chữa, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu thực hiện nơi chúng ta Bí Tích Hòa Giải. Tuy nhiên như trong bài Tin Mừng, anh bất toại phải cần nhờ đến bạn bè khiêng anh đến với Chúa, thì đây chúng ta cũng phải cần sư giúp đỡ của người khác hoặc chính chúng ta giúp đỡ anh chị em chúng ta đến với Chúa, hãy mở rộng lòng để đón nhận ơn tha thứ.
Lạy Chúa, xin cho chúng con xác tín rằng Chúa yêu thương chúng con, để chúng con hoàn toàn phó thác vào Chúa, sẵn sàng tin yêu chạy đến Chúa trong Bí Tích Giao Hòa hầu được lãnh nhận ơn tha thứ. Nhờ đó, chúng con sẽ sống trong ân sủng của Ơn Cứu Độ.
Nguồn: tinmung.net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét