Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Suy Niệm: Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm B




Suy Niệm: Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm B


Phúc Âm: Mc 1, 12-15
"Chúa chịu Satan cám dỗ và các Thiên Thần hầu hạ Người".
Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".

 


Khởi nguyên 9, 8-15; 1Phêrô 3, 18-22; Marcô 1, 12-15
Suy Niệm: Chọn Theo Chúa Là Ðón Nhận Giao Ước
Sống ở đời là phấn đấu và chọn lựa. Trong cuộc đời trần thế, Ðức Kitô đã không thoát khỏi vòng thông lệ đó.
Thật vậy, lúc khởi đầu cuộc sống công khai, Người đã được Thánh Linh đưa vào sa mạc để chịu thử thách giống như Ađam trong vườn địa đàng và dân Dothái suốt 40 năm trường trong sa mạc.
Nhưng Ađam đã sa ngã.
Dothái đã thất trung.
Còn Ðức Kitô đã trung thành đứng hẳn về phía Thiên Chúa. Nhờ vậy, Người đã thắng Satan.
Sau hành động quyết liệt đương đầu với chước cám dỗ, Ðức Kitô đã xuất hiện trước công chúng, rao giảng Tin Mừng và kêu gọi thống hối (Mt 4,12-17; Mc 1,14-15; Lc 4,14-15). Chẳng những cơn thử thách đã không cầm chân và quật ngã được Người, mà trái lại càng làm cho Người quyết tâm chu toàn sứ mạng.
Quả vậy, thay vì chiều theo những lời dụ dỗ mê hoặc của Satan (Mt 4,3-11; Lc 4,3-14), Ðức Kitô đã dùng lời Kinh Thánh mà khước từ mạnh mẽ. Cuối cùng Satan đã rút lui và Người đã chiến thắng. Sức mạnh làm cho Người chiến thắng là chính lời Kinh Thánh và thái độ cương quyết đứng về phía Thiên Chúa.
Là tín hữu, chúng ta cũng có thể chiến thắng như Ðức Kitô, nếu biết chọn đứng về phía Thiên Chúa và lắng nghe lời Người mà thay đổi nếp sống và để Người hướng dẫn đời ta.
Vì thế, có thể nói chiến thắng của Ðức Kitô cũng là chiến thắng của chúng ta. Cuộc chiến đấu của Người đã chứng tỏ: con người có thể thắng những chước mê hoặc của Satan, nếu dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa.
Cũng như Ðức Kitô, ta không chấp nhận dùng Thiên Chúa như một phương tiện để thỏa mãn những nhu cầu thế tục; hoặc như một sức mạnh ma thuật để làm những việc phi thường; hay qụy lụy Satan để được làm chúa thiên hạ (Mt 4,3-10). Chính Thiên Chúa mới là chủ tể vũ trụ và Người điều khiển lịch sử loài người.
Trong lịch sử Dothái, Thiên Chúa đã trực tiếp hướng dẫn dân Người và đã chuẩn bị họ đón nhận Giao ước như một ân huệ. Người đã đem họ ra khỏi Aicập và dẫn đưa qua sa mạc để thanh luyện tâm hồn họ và để họ chọn lựa tin vào Thiên Chúa, nghĩa là đứng hẳn về phía Người. Còn Người đã nuôi sống họ bằng Manna, một ân huệ từ trời xuống, Ðức Kitô, sau khi quyết định đứng về phía Thiên Chúa và nhờ đó chiến thắng Satan, cũng đã được Thiên Thần mang của ăn từ trời đến nuôi dưỡng và hầu hạ. Cuộc thử thách của Ðức Kitô đã chuẩn bị Người thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nghĩa là thiết lập Giao ước mới trong cái chết và cuộc phục sinh của Người.
Trước khi lập Giao ước với loài người, Thiên Chúa luôn dùng một khoảng thời gian để chuẩn bị và thanh luyện. Lục Ðại Hồng Thủy 40 đêm ngày thời Noe là một bằng chứng khác. Sau cơn tàn phá, mà chỉ một mình ông và một số ít người theo ông được cứu thoát, Thiên Chúa đã ký kết với ông một Giao ước ân tình: từ nay Người sẽ không bao giờ còn tàn phá mặt đất nữa. Từ đây bắt đầu một giai đoạn mới với một lớp người biết đặt hết lòng tin tưởng vào Chúa. Biểu hiệu cho Giao ước này là một cầu vòng hình cánh cung đặt ngang trời. Mỗi khi nhìn thấy nó là Thiên Chúa nhớ lại tình thương vô điều kiện của Người đối với nhân loại: từ nay Người giao hòa cùng vạn vật, gác cung lên, không còn dùng đến nữa và bảo toàn sinh mạng cho muôn loài.
Chọn theo Chúa là đón nhận Giao ước. Nhưng ân huệ Giao ước luôn đi kèm với thử thách. Mà thử thách chỉ là để chuẩn bị cho loài người một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, vì tuy có hủy diệt nhưng là để tái tạo, tuy có đau khổ nhưng là để thanh luyện, nhằm đưa vào Ðất Hứa. Ðức Kitô cũng đã chịu chết, nhưng Người đã sống lại và đem đến cho ta sự sống vĩnh cửu, nhờ cái chết và cuộc Phục sinh của Người để tiêu diệt tội lỗi và thanh luyện tâm hồn.
Giảng Lễ
Chúng ta đã bước vào mùa Chay Thánh từ hôm thứ Tư lễ Tro vừa rồi. Và có lẽ theo truyền thống, chúng ta đã bắt đầu có những quan niệm nghiêm ngặt và khắc khổ về nếp sống phải có trong mùa này; đến nỗi sau khi nghe 3 bài đọc Sách Thánh hôm nay, có lẽ chúng ta chỉ còn nhớ tư tưởng Chúa Yêsu ngày trước đã bị cám dỗ trong sa mạc. Quả thật, ngày Chúa Nhật thứ I mùa Chay thường được mệnh danh là ngày Chúa nhật Chúa bị cám dỗ. Nhưng ước gì chúng ta hãy nghĩ đúng về biến cố này, như các bài đọc Kinh Thánh hôm nay cho thấy, đã biết đúng ý của Giáo hội muốn chúng ta sống ngày hôm nay và suốt tuần lễ này như thế nào.
Chúng ta hãy bắt đầu nhớ lại đúng ý tưởng của bài đọc thứ I hôm nay. Yavê Thiên Chúa ký kết Giao ước thân hữu với Noe và con cháu ông sau khi họ ra khỏi tàu. Như vậy rõ ràng bài Cựu Ước muốn nhắc nhở lại quãng thời gian nhân loại được hạnh phúc sống trong tình nghĩa của Chúa, sau khi Ngài đã cứu họ ra khỏi nạn lụt 40 đêm ngày. Phải chăng Giáo hội không muốn dùng bài Sách Thánh ấy để nói lên thời đại Ân sủng đang chờ ta 40 ngày chay thánh này? Thời đại ấy, nói cho đúng, hiện ta đang sống đây, như bài đọc II cho thấy. Chúng ta là những người đã chịu phép Rửa của Ðức Kitô, đã được đưa ra khỏi cảnh ngập lụt tội lỗi, để sống trong tình thân ái của Thiên Chúa mà mầu nhiệm Phục sinh đem lại cho chúng ta.
Như vậy thời gian chúng ta đang sống, thời gian mùa Chay Thánh, trước tiên là thời gian Ân sủng, thời gian Chúa yêu thương chúng ta và muốn giao ước thân hữu mãi mãi với mọi người. Thế nên không ai được sợ đi vào mùa Chay Thánh. Ðừng ai nghĩ ngay tới việc ăn chay, hãm xác, kẻo đâm ra ngại ngùng. Ngược lại, chúng ta cần nhớ mình là những người đã được chịu phép Rửa, đã được đưa ra khỏi trận lụt Hồng Thủy của tội lỗi, để bây giờ được Thiên Chúa coi như con cái, như và hơn xưa Ngài đã xử sự với Noe và con cái ông. Chỉ với những tâm tình như vậy, chúng ta mới hiểu được hết ý nghĩa của bài Phúc Âm hôm nay và mới kết hợp được với Ðức Kitô trong mầu nhiệm mà Phụng vụ hôm nay đang cử hành.
Thật vậy, muốn hiểu đúng ý mấy câu Phúc Âm vắn tắt mà Marcô đã viết, chúng ta phải nhớ lại mấy câu trước, kể việc Chúa chịu phép rửa. Chính khi vừa ở bờ sống thanh tẩy lên, Ðức Kitô đã được Chúa Cha tuyên phong là Con rất yêu dấu và được Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu đậu xuống trên mình. Chính khi ấy, Người cũng đã được Thánh Thần hướng dẫn vào sa mạc. Và nếu dùng chính những chữ của Marcô, Người đã được Thánh Thần đẩy vào sa mạc, ở đó 40 đêm ngày. Ở bờ sống thanh tẩy lên, Ðức Kitô như nhân loại trong ngày ra khỏi tàu Noe. Ðúng hơn nữa, Ngài như toàn thể Dân Chúa ra khỏi dòng Biển Ðỏ. Ngài cô đọng, tập trung ở nơi mình, tất cả Dân Chúa được cứu vớt và giải thoát. Ngài thật xứng đáng được tuyên phong là Con yêu dấu duy nhất của Thiên Chúa Cha. Ngài đi đâu bây giờ, nếu không đi vào sa mạc, vì đừng tưởng sa mạc là nơi ghê gớm, đầy dẫy quỷ ma. Không, theo truyền thống tiên khởi của Kinh Thánh, sa mạc là nơi thoát tục để con người gặp gỡ và sống thân mật với Thiên Chúa tình yêu. Hôsê đã diễn tả đúng ý nghĩa của sa mạc nhất khi ông viết thay cho Chúa: " Ta sẽ kéo người yêu của ta vào sa mạc, để ở đó ta thủ thỉ với nàng" (2,16). Sa mạc, như vậy, là nơi sống gần gũi với Thiên Chúa, sống trong tình thân mật của Ngài. Ðược tuyên dương là Con yêu dấu của Thiên Chúa Cha xong và được đầy tràn Thánh Thần yêu mến, Ðức Kitô được đẩy vào sa mạc là phải. Chính tình yêu đã đẩy bước chân Ngài vào sa mạc để sống trong tình mật thiết với Thiên Chúa, để sống lại trọn vẹn 40 năm trời Dân Chúa xưa đã sống trong sa mạc, nhưng không được tốt lành hoàn toàn. Một chi tiết cuối cùng khiến ta phải nghĩ: được đưa vào sa mạc, Ðức Kitô đã sống trong tình con thảo đối với Thiên Chúa Cha.
Ðó là mấy câu Phúc Âm Marcô viết: "Ở trong sa mạc Người sống với thú rừng, và các thiên thần hầu hạ Người". Mấy lời mộc mạc ấy gợi lên hình ảnh của vườn địa đàng xưa. Adong khi ấy cũng sống giữa muông thú, nhưng chúng hiền lành và giao hảo với ông. Viết mấy câu mộc mạc trên, Marcô cũng có ý nói lên ý tưởng: Ðức Kitô là Adong mới; Ngài đến trong thế gian để xây dựng lại vườn địa đàng xưa, khiến mọi hiềm khích giữa loài người và vạn vật không còn nữa. Ngoài ra người ta còn giao tiếp với những bậc thần linh như các thiên sứ.
Như vậy, bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy Ðức Kitô đi vào sa mạc như là Ðấng Cứu Thế đến trong trần gian để thể hiện lời sách Isaia viết: trong thời đại thiên sai, sư tử sẽ gặm cỏ chung với bê non. Ngài đem Nước Trời đến, hoàn tất giao ước thân hữu mà Thiên Chúa đã ký kết với Noe. Nước Trời đó, chúng ta đã được lãnh nhận, vì đã chịu phép Rửa tội, như bài đọc thứ II đã viết. Chúng ta đang sống trong Nước Trời, trong Giao ước của Chúa; chúng ta đang sống trong mùa Chay 40 ngày của Chúa trong sa mạc, nơi Ngài mật thiết liên kết với Thiên Chúa Cha, trong Thánh Thần yêu mến. Thế thì chúng ta cũng phải có thái độ như Ngài. Và đó là ý nghĩa của việc Chúa bị cám dỗ, mà chúng ta cần phải tìm hiểu bây giờ.
Ở trong vườn địa đàng, Adong đã bị cám dỗ. Con cái Noe sống trong Giao ước cũng đã gặp thử thách. Dân Chúa trong sa mạc còn gặp nhiều hơn nữa. Tất cả đều nói lên rằng hạnh phúc con người ở trần gian này có thể bị tan vỡ. Tình yêu Thiên Chúa ở nơi ta có thể bị thử thách. Và rõ rệt tất cả loài người đã sa ngã, đã phạm tội. Adong đã phạm tội; con cháu Noe cũng vậy; dân Chúa ngày xưa cũng thế. Trong Cựu Ước, xem ra chỉ có một người không sa ngã. Nói đúng hơn chỉ có câu truyện một người bị cám dỗ mà vẫn không sa ngã, để làm gương cho ta: đó là truyện ông Yob, một truyện được xây dựng có mục đích răn bảo, nên không cần đặt vấn đề có hay không. Nhưng điều mà sách Yob gợi lên, đề cao sự trung thành với Thiên Chúa qua bất cứ gian nan thử thách nào, điều đó đã được thực hiện nơi Ðức Kitô. Ở trong sa mạc, Ngài bị Satan cám dỗ, nhưng Ngài đã lướt thắng một cách bình an chân thật, báo trước việc Ngài sẽ đi qua con đường thập giá đau thương mà cuối cùng vẫn trung tín thưa cùng Chúa Cha: Con xin phó mạng sống con trong tay Cha.
Chúng ta không cần đi sâu vào chi tiết để thấy Chúa bị cám dỗ và lướt thắng như thế nào. Bài học của chúng ta hôm nay chỉ cần ghi nhận: đang sống trong Nước Trời, chúng ta phải cẩn thận kẻo mất tình nghĩa thân mật với Chúa. Và nếu mất là rơi vào số phận của Adong, của con cái Noe, của dân Israel ngày trước. Mọi hạng người ấy đã không giữ giao ước, đã không giữ Lời Chúa, đã nghe theo một tiếng nói xúi giục ngược với Lời Chúa dạy. Ngày nay và hằng ngày, không có những tiếng xúi giục, cám dỗ như thế sao? Ðừng tưởng chỉ có tiếng nói bên ngoài. Tiếng của Satan sẽ có thể nói lên ở ngay trong tâm hồn ta: sống theo Phúc Âm làm sao được? Như vậy sẽ thiệt thòi quá! Sống như người ta, làm như thế gian, dễ biết bao, lợi biết mấy! Nhưng nghe theo những tiếng xúi giục như vậy là phản bội giao ước, là từ bỏ Lời Chúa, là lựa chọn không đi với Chúa nữa.
Chúa đã yêu thương đi tìm ta đưa vào sa mạc. Ngài chịu gian khổ để dẫn ta qua dòng nước Rửa tội. Ta đang sống trong Nước Trời và trong tình nghĩa của Ngài. Hôm nay ta còn đến đây để dự lễ, để thấy Chúa thương ta như ta vừa hiểu qua các bài đọc Sách Thánh, để còn uống thêm chén giao ước của Ngài trong Thánh Thể mà ta cử hành bây giờ. Chúng ta còn có thể có thái độ nào khác hơn là dứt khoát đứng về bên Chúa, chọn Lời Chúa làm lẽ sống, lấy tình Ngài làm hạnh phúc. Có như vậy chúng ta mới thật sự sống với Ðức Kitô trong mầu nhiệm sa mạc, trong mùa Chay 40 ngày mà ta đang cử hành.
Chúng ta hãy cương quyết đứng lên tuyên xưng đức tin của mình để suốt đời trung tín với Phúc Âm, với Giáo Hội, với tình yêu thương của Chúa.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Thiên Chúa thực hiện mọi sự tốt đẹp qua Đức Kitô.


             Nhìn lại lịch sử là điều cần thiết để hiểu biết và phê bình. Để so sánh cách chính xác, con người thường so sánh những gì xảy ra trước và sau khi một người nhận công việc hay chức vụ. Ví dụ, để phê bình tổng thống Obama, người ta sẽ dựa vào tình hình chính trị và kinh tế trước và sau khi ông nhậm chức tổng thống.
            Lịch sử Cứu Độ cần thiết để chúng ta nhận diện tội lỗi con người và tình thương của Thiên Chúa. Cả ba Bài Đọc hôm nay đều cho chúng ta thấy một sự tương phản trước và sau những biến cố lịch sử chính.
            Trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế cho chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra sau trận Lụt Hồng Thủy; điều này giả sử phải có lý do và những gì xảy ra trước đó. Thiên Chúa đã nhìn thấy tội lỗi con người xúc phạm đến Ngài quá nhiều, nên Ngài muốn tái tạo một trời mới đất mới, trong đó có gia đình Noah. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Phêrô so sánh Lụt Hồng Thủy với cái chết của Đức Kitô. Nếu Lụt Hồng Thủy tàn sát tất cả vì tội lỗi con người, cái chết của Đức Kitô xóa đi tất cả tội lỗi và cứu sống con người. Điều này bảo đảm Lời hứa của Thiên Chúa: Lụt Hồng Thủy sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Trong Phúc Âm, sau khi Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ 40 đêm này, Ngài đã thắng vượt được tất cả và bắt đầu hành trình rao giảng Tin Mừng để đem ơn Cứu Độ đến cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Gia đình Noah được cứu thóat khỏi Lụt Hồng Thủy.
            1.1/ Tội lỗi của con người: là một thực trạng không thể chối cãi. Sách Sáng Thế từ chương 1-11 tường trình từ chi tiết đến tổng quát các tội của con người:
            - Tội Nguyên Tổ: Tổ tiên con người, Adam và Eve, đã bất tuân lệnh Thiên Chúa ăn trái cấm. Con người phải lãnh nhận các hình phạt của việc bất tuân.
            - Tội giết người: Cain giết Abel, em mình, vì tức giận Thiên Chúa không đóai nhìn đến lễ vật ông dâng. Cain phải chấp nhận hình phạt của Thiên Chúa.
            - Tội kiêu ngạo: Con người xây tháp Babel vì muốn để lại danh tiếng và không phải tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hậu quả là ngôn ngữ bất đồng, Thiên Chúa phân tán họ khắp mặt đất.
            - Tất cả các tội khác: là nguyên nhân của Lụt Hồng Thủy. Chúa cứu gia đình ông Noah.
            1.2/ Tình thương Thiên Chúa cứu vớt con người: Ngay cả trong khi ra hình phạt cho con người, tình thương của Thiên Chúa vẫn thể hiện trong tất cả mọi trường hợp. Trong trận Lụt Hồng Thủy, sau khi nhìn thấy kết quả của sự tàn phá, Chúa hứa với Noah và gia đình ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa." Dã thú ở với Noah trên tàu mà không làm hại ông cũng như các súc vật khác trên tàu, nhưng vâng lời con người. Khi con người sống công chính trước Thiên Chúa, tất cả các quyền lực và dã thú phải tùng phục con người. Dã thú cũng được bao gồm trong giao ước Thiên Chúa làm với con người.
            Cầu Vồng là dấu hiệu của tình thương Thiên Chúa: Thiên Chúa phán: "Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa.”
2/ Bài đọc II: Lời hứa của Thiên Chúa được hiện thực nơi Đức Kitô.
            2.1/ Con người vẫn tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa: Từ thời Noah cho đến thời Đức Kitô, con người vẫn tiếp tục phạm tội, nhưng Thiên Chúa giữ lời hứa không giết con người bằng Lụt Hồng Thủy nữa. Nhưng làm sao để giải thóat con người khỏi tội? Đó chính là Kế họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Đức Kitô. Ngài ban cho con người Đức Kitô để gánh tội cho con người.
            2.2/ Chúa Giêsu đã chịu phép rửa trong nước và máu để chuộc tội cho con người: Các Thánh Giáo Phụ nhìn thấy sự giống nhau giữa Lụt Hồng Thủy và biến cố Đức Kitô:
            * Trong Lụt Hồng Thủy, ai không tin vào Noah và ở trong tàu sẽ bị nước cuốn đi; cũng vậy, ai không tin vào Đức Kitô cũng phải chịu số phận tương tự. Tác giả Thư Phêrô quả quyết: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương - hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.”
            * Lụt Hồng Thủy là hình bóng của Phép Rửa Tội: Cả hai đều rửa sạch tội lỗi con người. “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em.”
            * Có phải chỉ cần chịu phép rửa là được cứu độ? Nhiều giáo phái tin như thế. Nhưng tác giả Thư Phêrô cắt nghĩa: “Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền.” Con người vẫn phải trải qua thử thách và cám dỗ, và họ phải chứng minh sự trung thành với Thiên Chúa.
            * Đức Kitô không những có quyền năng giải thóat những người đương thời và tương lai, mà còn cả những người đã hư mất trong và trước thời Noah: “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Noah đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước.”
3/ Phúc Âm: Đức Kitô bắt đầu triều đại của Thiên Chúa.
            3.1/ Đức Kitô chịu cám dỗ trong hoang địa: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.” Sự kiện này xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu chịu phép Rửa tại sông Jordan bởi Gioan.
            “Hoang địa” không có nghĩa là sa mạc, chỉ có nghĩa là vùng không hay rất ít người ở. Chỗ mà Marcô nói đến hôm nay là một vùng núi đá vây quanh bởi nhiều vực thẳm. Hiện nay vẫn còn một tu viện của các đan sĩ nằm chênh vênh lưng chừng núi. Đây là một sáng kiến rất đạc biệt. Nếu du khách đứng trên một ngọn đồi đối diện nhìn qua Núi Cám Dỗ, họ sẽ há miệng kinh ngạc khi nhìn thấy tu viện; vì họ không thể nào ngờ trong nơi hoang dã và hiểm trở như thế, con người có thể xây một căn nhà như những chiếc hộp chồng lên nhau giữa lưng chừng núi. Chỉ cần sơ sót chợt chân một tí là sẽ rơi xuống vực thẳm. Điều này tự nó nói lên nguy hiểm của “chước cám dỗ:” chỉ cần sơ sót một tí, con người sẽ mất mạng ngay. Chúng tôi có cơ hội leo lên chốn này để thăm tu viện, rồi từ đó leo lên tới đỉnh núi khỏang 30 phút. Núi cám dỗ không xa kinh thành Jerusalem bao nhiêu, khỏang 30 dặm lái xe. Trên đỉnh núi một người có thể nhìn thấy Jerusalem.
            Trình thuật cám dỗ của Chúa Giêsu gợi lại “biến cố cám dỗ” trong Vườn Địa Đàng: có Satan, các dã thú, và các thiên thần. Khi con người chưa rơi vào chước cám dỗ, họ có thể ở chung với dã thú mà không sợ hãi. Khi con người sa chước cám dỗ, các dã thú sợ hãi và có thể gây nguy hiểm cho con người. Điều này cũng đã được tiên tri Isaiah nói tới khi triều đại Thiên Chúa đến, chó sói sẽ ở chung với chiên… trẻ thơ có thể thò tay vào hang rắn lục mà không sợ nguy hiểm (Isa 11:6-9). Ngay cả trong khi bị cám dỗ, các thiên thần của Chúa vẫn hiện diện để nâng đỡ và gìn giữ con người khỏi sa chước cám dỗ và “vấp chân vào đá.”
            Marcô chỉ tường thuật tổng quát Chúa Giêsu chịu cám dỗ, nhưng không tường thuật chi tiết các cám dỗ như Matthew và Luke (Mt 4:1-11, Lk 4:1-13). Điều Marcô muốn nhấn mạnh là sự khác biệt giữa hai biến cố: Đức Kitô, Adam mới đã thắng vượt mọi cám dỗ, chứ không sa chước cám dỗ như Adam cũ.
            3.2/ Đức Kitô rao giảng Tin Mừng: “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilee rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng."”
            Thời kỳ đã mãn tức là thời gian con người phải chờ đợi đã hòan tất. Triều đại Thiên Chúa bắt đầu với sự xuất hiện của Đức Kitô. Qua Ngài, tất cả những gì Thiên Chúa hứa được thực hiện và hòan tất tốt đẹp. Chúa Giêsu rao truyền hai điều quan trọng:
            (1) Ăn năn xám hối: Giống như Gioan, Chúa Giêsu cũng đòi con người phải nhận ra tội lỗi và ăn năn xám hối; vì không thể nhận được sự tha thứ nếu không thú nhận tội lỗi của mình. Ơn thánh của Thiên Chúa đòi sự cộng tác của con người.
            (2) Tin vào Tin Mừng: Điều này làm Chúa Giêsu khác Gioan. Marcô muốn nói gì trong câu “tin vào Tin Mừng?”
            - Tin Mừng là chính Đức Kitô: con người của Ngài, những lời Ngài dạy dỗ và các việc Ngài làm.
            - Tất cả những gì Thiên Chúa hứa được thực hiện nơi Đức Kitô trong Kế Họach Cứu Độ.
            - Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người: Như một người Cha, không có tội nào của con cái có thể lấy đi tình thương; ngọai trừ tội cố tình không chịu ăn năn trở về.
            - Đức Kitô gánh tội cho con người: để bảo đảm sự công bằng của Thiên Chúa.
            - Đức Kitô giải thóat con người khỏi chết và mang lại ơn Cứu Độ cho con người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
            - Tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Ngài sẵn sàng tha thứ mọi tội cho con người.
            - Kế họach Cứu Độ được thực hiện qua Đức Kitô. Để được ơn Cứu Độ, con người phải tin vào Đức Kitô và lãnh nhận BT Rửa Tội.
            - Như Đức Kitô đã chịu cám dỗ và đã tòan thắng, Ngài có thể giúp chúng ta cũng tòan thắng các chước cám dỗ của ma quỉ. Trường hợp sa chước cám dỗ, chúng ta đã có Bí-tích Hòa Giải để tha thứ. Ma quỉ không thể làm gì chúng ta bao lâu chúng ta luôn sẵn sàng xám hối và tin vào Tin Mừng.
            - Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta đọc lại lịch sử và tin vào tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP



Vào hoang địa – ĐTGM. Ngô Quang Kiệt




Ai yêu bóng đá đều say mê theo dõi những trận đấu đỉnh cao giữa các đội ngoại hạng Anh, hoặc giữa các đội tranh Cúp C1. Ta say mê vì các cầu thủ siêu hạng phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu luyện, các đội bóng di chuyển chiến thuật kỳ ảo, các bài bản tinh vi của các huấn luyện viên bậc thầy, các pha phối hợp đẹp mắt giữa các cầu thủ. Không phải tự nhiên mà các cầu thủ chơi bóng giỏi đến mức độ nghệ thuật như thế. Họ phải mất nhiều thời gian tập luyện. Tập luyện để đạt được kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Tập luyện để có thể lực dẻo dai. Tập luyện để có những xử lý thông minh theo tình huống. Tập luyện để hiểu nhau tiến đến những pha phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Những buổi tập rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cầu thủ phải có quyết tâm cao, có tinh thần kỷ luật nghiêm túc. Ai không chịu nổi các bài tập khó, sẽ bỏ cuộc. Ai vượt qua được những buổi tập nghiêm túc sẽ trở thành những cầu thủ giỏi.
Đời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách. Đức Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.
Hoang địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỷ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Cuộc chiến đấu thứ nhất mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên. Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không có thực phẩm. Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày. Xưa, dân Do Thái được Chúa đưa vào nơi hoang địa để huấn luyện trước khi đưa họ vào Đất Hứa. Trong hoang địa, người Do Thái không chịu nổi những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Môsê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ. Trái lại, tổ phụ Abraham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên Chúa. Và hôm nay, Đức Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét