Trang

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI. CHƯƠNG 3





MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI. CHƯƠNG 3

LỜI VÀ SẤM NGÔN

Như ta đã thấy, nếu linh hứng được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, thì nó rất thường được thể hiện nơi các ngôn sứ, những người giữ vai trò đặc biệt trong Mạc Khải. Những người này thường có một kinh nghiệm nhạy bén về sự Hiện Diện của Thiên Chúa trong đời tư của họ. Một tiếng gọi nội tâm khai mào nơi họ một cuộc đàm đạo thân mật   với Thiên Chúa. Thần Khí cho họ một cái nhìn đức tin, để thấu suốt cách hết sức tinh tế rằng Thiên Chúa thực sự can thiệp vào lịch sử dân Người. Vì vậy, Ngôn sứ là một nhân chứng say sưa và chính yếu cho kế họach yêu thương của Thiên Chúa:
 “Nói với họ xong, ông lấy khăn che mặt đi. Khi vào trước nhan Đức Chúa để đàm đạo với Người, thì ông bỏ khăn cho đến lúc trở ra; ông trở ra và nói lại với con cái Ít-ra-en những mệnh lệnh ông đã nhận được. Con cái Ít-ra-en nhìn mặt ông Mô-sê thấy da mặt ông sáng chói; ông Mô-sê lại lấy khăn che mặt, cho đến khi vào đàm đạo với Thiên Chúa” (Xh 34, 33-35).
Được linh hứng, các ngôn sứ có khả năng giải thích mọi biến cố vui buồn của dân tộc mình, để từ đó rút ra một “Lời của Chúa”. Nếu Chúa “nói” tận đáy lòng ngôn sứ, thì cũng không phải cho riêng ông, mà cho toàn dân. Vì mạc khải không phải là lời tâm sự riêng tư, mà là một cuộc đối thọai giữa Thiên Chúa với dân Người.
Sứ điệp của ngôn sứ luôn ứng dụng cho một tình huống nhất định, chứ không là vô hạn định, ngay cả khi sứ điệp ấy chuẩn bị cho một mạc khải sau này, như những sấm ngôn về Người Tôi Tớ đau khổ, tiên báo một cách lạ lùng cho cuộc thương khó của Đức Ki-tô.
Ngôn sứ không hành động nhân danh mình. Nhưng ông ý thức rằng ông phải nói nhân danh Thiên Chúa, vì đã bị “nắm giữ” và thúc đẩy bởi một sức mạnh vượt quá sức riêng mình: Sức mạnh của Thần Khí Chúa. Ngôn sứ thường không phải là người của chính quyền, không phải là nhà cách mạng hay một chính trị gia. Có khi là một thầy cả, một tư tế (như I-sai-a hay Ê-dê-ki-en), nhưng không phải luôn luôn là như vậy. Mối bận tâm duy nhất của ngôn sứ là trung thành với Giao Ước và sự cứu độ của dân tộc mình.
Giê-rê-mi-a là một thí dụ điển hình nhất về người ngôn sứ “trung gian”, giữa Thiên Chúa và dân Người:
“Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: "Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân." Nhưng tôi thưa: "Ôi! Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói! "Đức Chúa phán với tôi: "Đừng nói ngươi còn trẻ! Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi; Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói" (Gr 1, 4-12).
“Có lời Đức Chúa phán với tôi: Hãy đi mà thét vào tai Giê-ru-sa-lem như sau: Đức Chúa phán thế này: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc (...). Hỡi nhà Gia-cóp(...). sấm ngôn của Đức Chúa” (Gr 2, 1-13).
Cuối cùng thì chính trọn cuộc đời của người ngôn     sứ, thái độ sống của ông luôn là một dấu chỉ, một “Lời      của Chúa”.
“Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: "Ngươi đừng cưới vợ; đừng có con trai, con gái ở nơi này! Vì Đức Chúa phán như sau về con trai, con gái được sinh ra ở nơi đây, về các bà mẹ sinh ra chúng, về các người cha sinh ra chúng trong xứ này: Chúng sẽ chết vì các chứng bệnh nan y, không được ai khóc thương, không được ai chôn cất. Người ta sẽ dùng chúng làm phân trên mặt đất; chúng sẽ bị tiêu diệt vì gươm, vì đói. Xác của chúng sẽ làm mồi cho chim trên trời và thú vật dưới đất” (Gr 16, 1-4).
Một lần nữa, ta nhận thấy không thể tách biệt Lời Chúa, linh hứng của Thần Khí và lịch sử. Bên ngoài thực tại sinh tồn hàng ngày của dân tộc được chọn, thì lời ngôn sứ hay của các bậc khôn ngoan, hiền triết đều không có một giá trị gì. Ngược lại, nếu không có lời giải thích của ngôn sứ được Thần Khí Chúa linh hứng, thì dân chúng không thể nắm bắt hết được ý nghĩa những gì họ đang sống, đang xảy ra trong cuộc sống của họ.
Ta cũng nên nhớ rằng không phải hết mọi biến cố đều tất yếu là một “lời Chúa”, vì nó có thể được giải thích bằng trăm ngàn cách khác nhau. Sự kiện vài trăm nô lệ Do-thái trốn ra khỏi Ai-cập, dưới sự chỉ đạo của một lãnh tụ tài ba xuất chúng, mang tên Mô-sê, đối với lịch sử Ai-cập, nó chỉ là một sự kiện nhỏ, không đáng kể trong sách sử thời đó của họ. Và còn nhiều dân tộc khác cũng trải qua những cuộc “giải phóng” tương tự, mà họ đã không sống các biến cố ấy như một “Lời của Chúa”!
Đúng là linh hứng đã đem đến cho lịch sử dân tộc này một ý nghĩa đặc biệt. Và nếu Ít-ra-en trở thành một dân tôn thờ độc thần, chẳng phải chỉ vì sự khôn ngoan của loài người, nhưng, như chính dân tộc này đã công nhận, là vì Đức Chúa “đã nói với cha ông chúng tôi nhiều lần và bằng nhiều cách(Hr 1, 1).
Nếu không có các ngôn sứ, niềm tin của Ít-ra-en đã mau chóng xuống cấp, để trở thành một việc sùng bái hình thức không hơn không kém. Xuyên suốt lịch sử, nếu không có những chứng từ của các vị ngôn sứ vĩ đại kia, niềm tin vào một Thiên Chúa của Giao Ước nơi dân Ít-ra-en đã không thể dần dần đi xuống chiều sâu, đi vào nội tâm được. Sự thiếu vắng ngôn sứ luôn được xem như một dấu chỉ bất trung và điềm không may cho dân:
“Khi không còn thị kiến, dân sẽ sống buông thả" (Cn 29, 18).
“Dấu lạ xưa, chúng con đâu thấy nữa, ngôn sứ cũng chẳng còn. Mãi đến khi nao, ai nào có biết” (Tv 74, 9).
Các ngôn sứ có một ảnh hưởng đáng kể. Người ta nhận thấy cao trào của những họat động văn hoá trong dân Ít-ra-en, chính là ở thời kỳ của các ngôn sứ, mặc dù không phải tất cả ngôn sứ đều là văn nhân. Đàng khác, khi muốn nhắc đến Sách Thánh, người ta thường nói: “Lề Luật và các Ngôn sứ”.
Ngay cả khái niệm về “Lời Chúa” thường liên quan mật thiết với sấm ngôn. Nó nói lên một sứ điệp, công bố một sấm ngôn. Người ta thấy hai từ “Lời Chúa” được dùng 6 lần trong Torah; 19 lần trong những sách khác; nhưng có đến 64 lần trong các sách Ngôn sứ “Tiền” (Gio-suê, Thủ lãnh, Các vua) và 152 lần trong các sách Ngôn sứ “Hậu” (A-mốt, Hô-sê, I-sai-a, Ê-dê-ki-en, Giê-rê-mi-a…).
Đặc điểm của các ngôn sứ trong Kinh Thánh
A-mốt, vị ngôn sứ vĩ đại này của Kinh Thánh đã     xuất hiện từ thế kỷ thứ 8 trước công nguyên. Ông là ngôn sứ tiêu biểu cho những người được “linh hứng”, mà qua đó cho phép ta thẩm định được những đặc điểm chính yếu nơi các Ngôn sứ.
Vận mệnh của anh nông dân miền Nam Giê-ru-sa-lem này thật lạ lùng. Thiên Chúa đã “chộp” lấy anh đang lúc thư thả chăn giắt bầy súc vật và vun tưới mấy cây sung trong vườn nhà. Chẳng có gì tiên đoán được sứ mạng ngôn sứ với một người như thế! Thiên Chúa bất ngờ đột nhập vào đời anh, đảo lộn mọi thói quen, lôi anh ra khỏi khung cảnh gia đình, nghề nghiệp, rồi “sai anh” đến miền đất Bắc mà anh chưa từng biết tới. Ở đó A-mốt được Thần Khí tác động, cho anh can đảm và anh đã tố giác cách táo bạo những bất công xã hội, những sa đoạ thuần phong mỹ tục, những giả hình nhân đức của một thứ tôn giáo hình thức.
Không sợ nguy đến tính mạng, anh nhắc nhở rằng: “cảnh người giầu khai thác, cưỡng đoạt dân nghèo, luôn là dấu chỉ sự phản bội, cắt đứt Giao Ước giữa Thiên Chúa với con người; vì thế việc tế lễ chỉ còn là một trò hề xảo trá”. Rốt cuộc là A-mốt đã bị các thầy Thượng Phẩm đuổi ra khỏi đền thờ Bê-then, như một kẻ xách động xã hội nguy hiểm. Ơn gọi của A-mốt cho chúng ta thấy: Ngôn sứ đồng thời là chứng nhân của dĩ vãng, hiện tại và tương lai.
Ngôn sứ là chứng nhân của dĩ vãng
Là chứng nhân cho quá khứ, không có nghĩa là một người tiếc nuối một “thời xưa huy hoàng”. Mà là người của niềm tin, biết cắm rễ sâu mọi xác tín và sứ vụ của mình trong việc chuyên chăm suy niệm lời nói và hành động của Thiên Chúa dành cho dân riêng Người. Biết đối chiếu với dĩ vãng, không phải để tự khép mình vào đấy, nhưng là để kín múc từ đó niềm xác quyết vào sự trung tín của Đấng đã gọi và sai mình. Được nắn đúc và chiếm ngự bởi Truyền Thống sống động, được chín mùi bởi lịch sử của nhiều thế kỷ Giao Ước, ngôn sứ thường được xem là ký ức thức tỉnh của dân tộc mình, một dân tộc đang tiến bước về miền đất của Chúa.
Ngôn sứ là chứng nhân của hiện tại
Là chứng nhân cho hiện tại, không thuộc thành phần những kẻ mơ mộng, hay tự nhận là “thiên khải” sống trong thế giới mộng tưởng, xa thực tế thường ngày của thời đại. Lại càng không phải là “người của phòng thánh”, nơi mà một số người thường mong cho vị ngôn sứ cứ tự giam mình mãi mãi trong đó, để “tôn giáo” khỏi làm xáo trộn mọi dự án “trần thế” của họ.
Nhưng trái lại, ngôn sứ là người có một giác quan rất nhạy bén về những vấn đề thời sự. Là người luôn tự ràng buộc rất mật thiết với dân mình, trong mọi thử thách, khó khăn, cũng như những cám dỗ thường xuyên của họ. Được Thần Khí Chúa nắm giữ và thức tỉnh, ngôn sứ luôn nhìn cách sắc bén và mới mẻ, tất cả những gì gây trở ngại cho việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trong cuộc sống của dân tộc mình.
Vị chiến sĩ này của Thiên Chúa luôn phải khước từ thuyết “định mệnh” dưới mọi hình thức, với những hoàn cảnh kinh tế xã hội, những lối “giữ đạo” hình thức, cốt ý làm cho sự vinh thắng của Tình Yêu và Sự Sống phải thua cuộc. Nhưng, mãi mãi là “hôm nay của con người”, như tiếng vọng thường hằng của Thánh Ý Chúa mà vị ngôn sứ luôn phải biết diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ thích hợp. Nhờ đó, Ngôn sứ không ngừng hiện-thực-hoá lời mời gọi của Thiên Chúa Giao Ước, Đấng nhìn xa thấy rộng cho con người.
Hơn nữa, ngôn sứ còn phải đi ngược gió, lội ngược dòng, bất chấp mọi hậu quả cho đời tư của mình, để làm chứng cho Giao Ước không biết mỏi mệt, trước dân chúng, trước những kẻ quyền thế, và ngay cả trước mọi thành phần giáo sĩ đã “mọc rễ” trong những thói quen tiêu cực. Vị ngôn sứ có khi còn phải dám thách thức cả chính quyền đương thời, dù biết chắc sẽ phải gặp chống đối, bắt bớ. Đây chính là một trong những mâu thuẫn lớn lao nhất của đời người ngôn sứ: Vừa phải liên đới chặt chẽ với dân, nhưng cũng thường bị đoạn giao một cách đau thương với dân mình, chính vì những đòi hỏi trong kế họach yêu thương của Thiên Chúa.
Ngôn sứ nhìn con người, nhìn mọi biến cố, và lịch sử trong ánh sáng của Giao Ước. Đó chính là sức mạnh và cũng là sự trăn trở của ông. Vì luôn phải tự đặt mình vào bên trong, cho việc phụng sự một lịch sử: Lịch Sử Ơn Cứu Độ. Tuy không dám nói có tham vọng “bảo vệ” Chân Lý, nhưng một cách khiêm tốn hơn, vị ngôn sứ vẫn biết rằng mình đã nhận sứ vụ làm chứng cho Sự Thật.
Ngôn sứ là chứng nhân cho tương lai
Chẳng có gì để so sánh với Nostradamus (Michel de Nostre-Dame, chiêm tinh gia người Pháp, 1503-1566), hay những thầy bói toán, tự cho mình khả năng đọc tương lai trong một khối thuỷ tinh hay trong bã cà phê! Nhưng ngôn sứ là người căn cứ vào quá khứ để sống cách sáng suốt trong hiện tại, và nhìn tương lai không chút sợ sệt.
Ngôn sứ trông đợi ngược với mọi hy vọng một cách vững mạnh những lời hứa của Thiên Chúa Tín Trung. Ông không theo thuyết tiền định, nhiều khi vì sáng suốt, nên cảm nhận trước được mầm mống của những tai họa trong thái độ sống điên cuồng hay sai lạc của dân mình. Cũng vì vậy mà A-mốt, trong khi xứ Sa-ma-ri-a đang hưởng một thời kỳ xem ra rất thịnh vượng, đã nhìn thấy đằng sau cái mặt tiền bóng loáng ấy, núp ẩn một xã hội đang tan rữa bởi căn bệnh bất trung của nó.
Dân chúng đã quên lãng những đòi hỏi của Thiên Chúa Giao Ước, đã tự hủy diệt bằng chính tội lỗi của mình. Tuy nhiên lời cuối cùng của ngôn sứ vẫn luôn là một lời mời gọi Hy Vọng. Đam mê duy nhất của ông là thức tỉnh, khơi gợi, là đỡ nâng dân mình, để họ mãi mãi là một dân tộc đang tiến bước, đang hướng mở đến lời kêu gọi của Thần Khí và của Ơn Thánh Chúa. “Hãy kiếm tìm Thiên Chúa rồi các bạn sẽ được sống” (Am 5, 4), đó là tiếng kêu không ngừng của A-mốt.
 HDGMVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét