Trang

Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Ơn tha tội


Ơn tha tội



Ơn tha tội
(Chúa Nhật VII Thường Niên Feb. 19th, 2012)
Các sách Tin Mừng thuật lại rất nhiều lần Chúa Giêsu làm phép lạ chữa lành những người đau yếu bệnh tật. Điểm chung trong mọi việc chữa lành của Chúa Giêsu là Người không dùng thuốc men hay các phương tiện y khoa để chữa các bệnh nhân, nhưng dùng chính quyền năng của Người để chữa lành họ. Chúa chữa lành họ vừa để bày tỏ tình thương của Người đối với họ vừa để khơi dậy và kiện toàn lòng tin của họ đối với Người.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã làm cho người bất toại được lành mạnh và vác chõng về nhà. Có hai điểm đáng chú ý trong việc chữa lành này.
Điểm thứ nhất là người bất toại không tự mình đến với Chúa Giêsu. Anh ta được bốn người khiêng đến cho Chúa. Việc đưa anh ta đến với Chúa Giêsu càng trở nên đặc biệt và khó khăn hơn khi “vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống” (Mc 2:4 ). Sự kiện này cho thấy lòng tin mạnh mẽ của những người khiêng người bất toại đến với Chúa Giêsu, cũng như tình thương của họ dành cho người bất toại. Họ đã thực sự góp phần vào việc đem lại sự chữa lành cho người bất toại, cả về thể lý lẫn tâm linh.
Điều này là một khích lệ lớn cho tất cả những ai quan tâm đến việc cứu giúp những người đau khổ bệnh tật cả hai phần hồn xác. Chúng ta có thể đưa họ đến với Chúa Giêsu qua việc tha thiết cầu nguyện cho họ, kèm với những việc hy sinh hãm mình và những việc bác ái với ý chỉ xin ơn chữa lành hay ơn sám hối cho họ.
Một cách đưa họ đến với Chúa Giêsu cách hiệu quả nhất là xin lễ, dự lễ, chầu Thánh Thể và viếng Thánh Thể để cầu nguyện cho họ; cũng như khích lệ họ đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Vì Chúa Giêsu đang ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể cũng là cùng một  Chúa Giêsu đầy quyền năng để chữa lành và tha tội như được thuật trong Tin Mừng hôm nay. Điều cần phải có nơi chúng ta là đức tin và lòng mến dành cho Chúa Giêsu đang ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể, cũng như lòng nhiệt thành tông đồ lo lắng quan tâm đến phần rỗi tha nhân.
Điểm thứ hai là trước khi chữa bệnh phần xác cho người bất toại, Chúa đã tha tội cho anh: “Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: ‘Hỡi con, tội lỗi con đã được tha’” (Mc 2:5). Khi làm thế, Chúa Giêsu cố ý cho mọi người biết “Con Người có quyền tha tội dưới đất” (Mc 2:10).
Các luật sĩ không sai khi nhận xét “Ai  có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa” (Mc 2:7). Thật vậy, mọi tội lỗi và mọi sự gian ác đều là những sự xúc phạm đến Chúa và đáng bị Chúa trừng phạt. Vì thế, chỉ có một mình Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi và xóa bỏ sự gian ác của con người. Đây chính là điều Chúa đã phán dạy qua lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc một trong Phụng Vụ hôm nay: “Hỡi nhà Giacóp, ngươi đã chẳng kêu cầu Ta; hỡi nhà Israel, người cũng không chịu khó nhọc vì Ta. Nhưng ngươi đã làm khổ Ta vì tội lỗi của ngươi, và ngươi đã làm cực Ta vì sự gian ác của ngươi. Chính Ta đây, chính vì Ta mà Ta xóa bỏ sự gian ác của ngươi, và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của ngươi nữa” (Is 43: 24b-25).
Như thế, khi công khai bày tỏ quyền tha tội, Chúa Giêsu đã cho mọi người nhận biết Người chính là Thiên Chúa làm người, là Đấng Cứu Độ trần gian. Và khi hỏi: “Nói với Người bất toại này: ‘Tội lỗi con được tha’ hay nói: ‘Hãy chỗi dậy, vác chõng mà đi’, đàng nào dễ hơn” (Mc 2:9), Chúa Giêsu muốn mọi người hiểu rằng việc chữa lành bệnh thể lý cho con người thì dễ hơn việc tha tội họ. Vì con người nhiều khi có thể chữa lành bệnh tật cho nhau, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội cho con người. Hơn nữa, để ban ơn tha tội và trở nên Đấng Chuộc Tội cho nhân loại, Chúa Giêsu phải trải qua mọi khổ lụy của kiếp phàm nhân, mà cao điểm là Cuộc Khổ Nạn và chết đau thương ngút ngàn trên Thánh Giá.
Ở đây, Chúa Giêsu còn cho thấy phần thưởng lớn nhất và chính yếu của lòng tin đối với Người, không phải là được chữa lành bệnh tật phần xác, nhưng là được ơn tha tội, hay được công chính hóa cũng là ơn cứu độ. Sự sống đời đời cao trọng hơn sự sống đời tạm bao nhiêu, thần linh cao trọng hơn phàm nhân bao nhiêu, linh hồn cao trọng hơn xác phàm bao nhiêu, thì ơn tha tội cũng cao trọng hơn ơn chữa lành thể lý bấy nhiêu.
Vì vậy, trong đáp ca của Phụng Vụ hôm nay, Hội Thánh dạy chúng ta cùng Thánh Vịnh Gia nài xin Chúa : “Lạy Chúa, xin thương xót và chữa lành con, quả thật con đắc tội với Ngài” (Tv. 40:5b).
Trong thực tế, vì thiếu lòng tin người ta thường khao khát mong mỏi được chữa lành bệnh tật thể xác hơn là ơn tha tội. Đức Cha Fulton J. Sheen nhận xét rằng việc người ta quá chú tâm đến việc được chữa lành bệnh tật thể xác hơn là ơn được tha tội cho thấy sự thiếu lòng tin đích thực nơi họ.
Ơn chữa lành bệnh tật thể lý thường được Thiên Chúa ban cho như là bước đầu dẫn người ta đến ơn đức tin. Nhưng với những người đã có đức tin đích thực, thì những đau khổ bệnh tật lại trở thành phương thế Chúa dùng để kiện toàn đức tin nơi họ. Đối với người có lòng tin trưởng thành, mọi sự là hồng ân. Chỉ có một sự dữ duy nhất là tội lỗi. Các nhà tu đức thường nói đến “sự dửng dưng thánh thiêng”; nghĩa là, coi mọi sự như nhau: mạnh khỏe cũng như đau bệnh, giàu sang cũng như nghèo túng, được khen ngợi cũng như bị chê bai. Chỉ còn một tiêu chuẩn duy nhất để định đoạt trong mọi việc: chỉ muốn điều Chúa muốn!
Chỉ khi có đức tin đích thực người ta mới nhận biết tội lỗi và ghê tởm nó cũng như khao khát ơn tha tội. Do đó, khi đánh mất đức tin đích thực người ta cũng đánh mất  cảm thức tội lỗi. Việc ngày nay nhiều linh mục không yêu quý việc giải tội và rất nhiều tín hữu không xưng tội thường xuyên cho thấy họ đã đánh mất đức tin chân thực hay chỉ còn một đức tin thật yếu kém! Cũng vậy, việc đa số người Công giáo tại Âu Mỹ không còn tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và Lễ Buộc, hay chỉ tham dự Thánh Lễ cách miễn cưỡng cho thấy họ đã thực sự đánh mất đức tin đích thực hay chỉ còn một đức tin thật yếu ớt!
         
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ cầu cùng Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con nhận biết sự ghê tởm của tội lỗi và khao khát ơn tha tội, ơn cứu độ mà Chúa Giêsu Con Mẹ đã ban tặng chúng con bằng chính Cuộc Khổ Nạn và cái chết đau thương của Người.  Xin Mẹ giúp chúng con biết quan tâm đến phần rỗi tha nhân qua việc đưa họ đến với Chúa qua việc cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và bác ái để xin Chúa ban ơn chữa lành và sám hối cho họ. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng
Nguồn: thanhlinh.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét