Trang

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

GIÁO LÝ YOUCAT: 3- 6


Chương 1. Con Người Có Khả Năng Đón Nhận Thiên Chúa


Số 3. Tại sao chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa?

Thiên Chúa đã đặt nơi tâm hồn chúng ta khát vọng tìm kiếm Ngài. Thánh Augustinô nói: “Chúa dựng nên con cho Chúa, và lòng con luôn thao thức khắc khoải cho đến khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Chúng ta gọi sự khao khát Thiên Chúa là Tôn Giáo. [27-30]
Thật là điều tự nhiên khi con người đi tìm kiếm Thiên Chúa. Mọi sự cố gắng của chúng ta để đạt đến chân lý và hạnh phúc rốt cuộc là một sự tìm kiếm một ai đó trợ giúp chúng ta cách tuyệt đối, làm thỏa mãn chúng ta cách tuyệt đối, và sử dụng chúng ta cách tuyệt đối cho công trình của Ngài. Một người không là chính mình cách tròn đầy cho đến khi tìm thấy Thiên Chúa. “Bất cứ ai tìm kiếm sự thật thì tìm kiếm Thiên Chúa, mặc cho họ có nhận ra điều đó hay không” (Thánh Edith Stein).
TÔN GIÁO:
Chúng ta có hiểu cách chung rằng tôn giáo nghĩa là tương quan với điều gì đó thuộc về Thiên Chúa. Một người có tôn giáo nhận biết một điều gì đó thuộc về Thiên Chúa như là quyền năng tạo dựng nên họ và thế giới, mà trong đó họ phụ thuộc và vì nó họ được xếp đặt. Họ muốn làm vui lòng và tôn vinh Thiên Chúa bằng chính cách sống của mình.
Năng lực cao quý nhất của con người là lý trí. Mục đích cao nhất của lý trí là nhận biết Thiên Chúa.
(THÁNH ALBERTÔ CẢ, khoảng 1200-1280, linh mục Dòng Đa Minh, nhà khoa học và học giả, tiến sĩ Hội Thánh, và là một trong những thần học gia lỗi lạc nhất của Giáo Hội).
Họ [con người] tìm kiếm Thiên Chúa, may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng Ngài không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu.” (Cv 17, 27-28a)

Số 4. Bằng lý trí chúng ta có thể biết được sự hiện hữu của Thiên Chúa không?

Có, lý trí con người có thể nhận biết Thiên Chúa cách chắc chắn. [31-36, 44-47]
Thế giới không thể tự nó là khởi đầu và đích đến. Trong tất cả mọi thứ tồn tại, còn có nhiều điều hơn là chỉ những gì chúng ta thấy. Trật tự, vẻ đẹp và sự phát triển của thế giới, tự chúng hướng về Thiên Chúa. Mọi người đều nhận biết được thế nào là chân thiện mỹ (cái thật, cái tốt, cái đẹp). Mọi người đều nghe thấy tiếng nói lương tâm của mình, vốn khuyến khích họ về điều tốt và cảnh báo họ trước điều dữ. Bất cứ ai theo lối nẻo này cách đúng đắn đều tìm thấy Thiên Chúa.
Điều xảy ra là, trong những điều như thế, con người sẽ dễ dàng tự thuyết phục mình rằng những gì họ không thích nó đúng thì cho là nó sai hoặc ít nhất là nghi ngờ nó.
(ĐỨC THÁNH CHA PIO XII, Thông điệp Humani generis)
Nói cho cùng, sự cao cả độc đáo của con người dựa trên khả năng nhận biết chân lý. Và con người ao ước nhận biết chân lý. Tuy nhiên chân lý chỉ có thể đạt được trong tự do. Điều này đúng với mọi chân lý, như thấy rất rõ trong lịch sử khoa học; nhưng rõ ràng là trong trường hợp những sự thật liên quan đến con người lại đang bị đe dọa, những sự thật về tinh thần, sự thật về sự thiện và sự ác, về những mục đích cao quý và về tầm nhìn của cuộc sống, về tương quan với Thiên Chúa. Những sự thật này không thể đạt được nếu không có những hoa trái tốt lành của đời sống chúng ta.
(ĐTC BIỂN ĐỨC XVI,  09/01/2006)

Số 5. Tại sao con người lại từ chối việc Thiên Chúa hiện hữu, trong khi bằng lý trí họ có thể nhận biết Ngài?

Nhận biết Thiên Chúa là một thách đố lớn đối với lý trí con người. Vì lý do này mà nhiều người đã gạt bỏ nó luôn. Một lý do khác khiến nhiều người không muốn nhận biết Thiên Chúa là vì họ sẽ phải thay đổi cuộc sống. Bất cứ ai nói rằng “đặt câu hỏi về Thiên Chúa là vô nghĩa vì sẽ không có câu trả lời” thì họ đang tìm mọi cách dễ giải cho chính họ. [37-38]

Số 6. Chúng ta có thể hiểu Thiên Chúa bằng các khái niệm không? Có thể nói về Ngài cách đầy ý nghĩa không?

Mặc dù con người thì giới hạn, và sự vô hạn của Thiên Chúa không bao giờ chỉ giới hạn trong những khái niệm hữu hạn của con người, nhưng chúng ta có thể nói một cách đúng đắn về Thiên Chúa. [39-43,48]
Chúng ta sử dụng những hình ảnh bất toàn và những ý niệm hữu hạn để diễn tả điều gì đó về Thiên Chúa. Và vì thế, mọi điều chúng ta nói về Thiên Chúa thì hết sức dè dặt rằng ngôn ngữ của chúng ta không tương ứng với sự cao cả của Thiên Chúa. Do đó chúng ta phải không ngừng thanh luyện và trao dồi lối diễn tả của chúng ta về Thiên Chúa.

NGUỒN: YOUCAT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét