Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

YOUCAT: 20-24

Chương 3. Con Người Đáp Lời Thiên Chúa

Số 20. Chúng ta đáp lại Thiên Chúa thế nào khi Ngài nói với chúng ta?

 Đáp lời Thiên Chúa nghĩa là tin vào Ngài. [142-149]

Bất cứ ai muốn tin cũng cần có một con tim sẵn sàng lắng nghe (x. 1V 3,9). Bằng nhiều cách Thiên Chúa luôn tìm dịp gặp gỡ chúng ta. Trong mỗi cuộc gặp gỡ người với người, trong mỗi kinh nghiệm tự nhiên cảm động, trong mỗi sự trùng hợp hiển nhiên, trong mỗi thử thách, mỗi đau khổ đều có một sứ điệp ẩn chứa của Thiên Chúa cho chúng ta. Ngài còn nói rõ ràng hơn với chúng ta khi Ngài chạm đến chúng ta trong Lời của Ngài hay trong tiếng nói lương tâm của chúng ta. Ngài nhận chúng ta là những người bạn. Do đó, chúng ta cũng cần đáp lại như những người bạn, tin vào Ngài, tín thác vào Ngài hoàn toàn, học để hiểu Ngài hơn nữa và hơn nữa, và chấp nhận ý Ngài không chút dè dặt.

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 38)
“Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: ‘rời khỏi đây, qua bên kia!’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được" (Mt 17, 20)


Số 21. Đức tin là gì?

Đức tin là tri thức và sự thật. Nó bao gồm bảy đặc tính:

- Đức tin hoàn toàn là ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta lãnh nhận đức tin khi chúng ta tha thiết cầu xin cho được.
 
- Đức tin là một sức mạnh siêu nhiên. Nó tuyệt đối cần thiết để chúng ta được ơn cứu độ.
 
- Đức tin đòi hỏi lý trí tự do và sự hiểu biết thấu đáo của một người khi họ chấp nhận lời mời của Thiên Chúa.
 
- Đức tin chắc chắn tuyệt đối, vì Đức Giê-su là người ban nó.
 
- Đức tin khiếm khuyết nếu nó không dẫn đến một tình yêu có hành động.
 
- Đức tin triển nở khi chúng ta ngày càng lắng nghe chăm chú Lời của Thiên Chúa, và bước vào đối thoại với Ngài trong cầu nguyện.
 
- Đức tin cho chúng ta thưởng nếm trước hạnh phúc Nước Trời ngay từ bây giờ.
[153-165, 179-180, 183-184]

Nhiều người nói rằng tin thì không đủ cho họ, họ muốn biết nữa. Tuy nhiên, từ “tin” có hai nghĩa khác nhau hoàn toàn. Nếu một người nhảy dù hỏi nhân viên sân bay: “Nhảy dù có an toàn không?” và một người khác trả lời tình cờ rằng: “Uhm, tôi tin là nó an toàn”; điều đó không đủ để anh ta tin; anh muốn biết một cách chắc chắn. Nhưng nếu anh ta hỏi người bạn của anh về nhảy dù, và được người bạn trả lời bằng một câu tương tự: “Có, chính tớ đã nhảy, cậu có thể tin tớ!” Với câu trả lời này, anh ta có thể đáp lại “Tốt, tớ tin cậu.” Cái tin này còn lớn hơn cả sự cái biết; nó đồng nghĩa với sự bảo đảm. Và đó chính là loại niềm tin đã thúc giục Abraham lên đường đến Đất Hứa; đó là đức tin giúp các vị tử đạo kiên vững mãi đến chết; đó là đức tin nâng đỡ các Ki-tô hữu trong cơn bách hại vẫn còn ở ngày nay. Đức tin bao trọn cả con người.


Tin là chấp nhận sự bất khả tri nhận (incomprehensibility) về Thiên Chúa trong cuộc đời.
(KARL RAHNER, 1904-1984, thần học gia người Đức)


Đức tin là cốt tủy của những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.
(Dt 11,1 – bản dịch mới của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong thông điệp Spe salvi 7)


Credo, ut intelligam – Đức tin tìm kiếm sự hiểu biết.
(Thánh  ANSELM OF CANTERBURY, 1033/34-1109, tiến sĩ Hội Thánh, thần học gia dẫn đầu thời Trung Cổ)


Tôi không thể tin nếu tôi đã không nhận thấy có lý để tin.
(Thánh THOMAS AQUINAS, 1225-1274)


Đức tin bởi tính rất tự nhiên của nó là chấp nhận sự thật rằng lý trí chúng ta không thể đạt tới; một cách đơn giản và vô điều kiện là dựa trên lời chứng.
(Chân phước JOHN HENRY NEWMAN, 1801-1890, tân tòng, sau trở thành Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo, triết gia và thần học gia người Anh).


Số 22. Một người cất bước trong đức tin thế nào?

Người tin tìm cách gắn bó bản thân với Thiên Chúa và sẵn sàng tin Thiên Chúa trong mọi điều chính Ngài tự mặc khải. [150-152]

Ở bước khởi đầu của đức tin, thường người ta có cảm giác âu lo hay băn khoăn. Họ cảm nhận rằng thế giới hữu hình và tiến trình tự nhiên của vạn vật không thể là tất cả. Họ cảm thấy mình được đụng chạm bởi một mầu nhiệm, rồi họ lần theo những dấu chỉ về sự hiện hữu của Thiên Chúa và dần dần tự tin để trò chuyện cùng Thiên Chúa, và cuối cùng là gắn bó chính mình với Ngài trong tự do. Trong Tin Mừng theo Thánh Gioan có nói: “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Đó là lý do tại sao chúng ta tin Đức Giê-su - Con Thiên Chúa, nếu chúng ta muốn biết điều gì Thiên Chúa muốn thông truyền cho chúng ta. Do đó, tin nghĩa là chấp nhận Đức Giê-su và đặt trọn cuộc sống nơi Ngài.


Tin vào Thiên Chúa nghĩa là nhận ra rằng thực tế của thế giới không phải là toàn bộ câu chuyện. Tin vào Thiên Chúa nghĩa là nhận ra rằng cuộc sống có một ý nghĩa.
(LUDWIG WITTGENSTEIN, 1889-1951, triết gia người Áo)


Chúng ta tin gì là quan trọng, nhưng quan trọng hơn đó là Đấng mà chúng ta tin.(ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI, 28/05/ 2006)

Số 23. Đức tin và khoa học có mâu thuẫn nhau không?

Không có sự mâu thuẫn không thể giải quyết giữa đức tin và khoa học, bởi vì không thể có hai loại chân lý. [159]

Không có một chân lý của đức tin cạnh tranh với một chân lý khác của khoa học. Chỉ có một chân lý mà cả đức tin lẫn lý trí khoa học quy chiếu về. Thiên Chúa đã định liệu sự hợp lý nhờ đó chúng ta có thể nhận ra các cấu trúc hợp lý của thế giới, y như Ngài đã định liệu đức tin. Đó là lý do tại sao đức tin Ki-tô giáo đòi hỏi và đẩy mạnh các ngành khoa học (tự nhiên). Đức tin tồn tại để chúng ta có thể biết được những điều không hiển nhiên với lý trí nhưng lại có thực vượt trên và vượt xa lý trí. Đức tin nhắc nhớ khoa học rằng nó được đầu tư để phục vụ con người, chứ không phải để đặt chính nó thay thế Thiên Chúa. Khoa học phải tôn trọng phẩm giá con người thay vì xâm phạm nó.


“Không ai có thể đạt đến sự hiểu biết những điều về Thiên Chúa và con người, nếu trước đó đã không học toán một cách kỹ lưỡng.”
(Thánh AUGUSTINO, 354-430)


“Toán học là bảng chữ cái Thiên Chúa dùng để viết nên thế giới”
(GALILEO GALILEI, 1564-1642, nhà toán học, nhà vật lý và triết gia người Ý).


Số 24. Đức tin của tôi phải làm gì với Giáo Hội

Không ai có thể tin một mình hay tự ban cho mình đức tin, cũng như không ai có thể sống một mình hay tự ban cho mình sự sống. Chúng ta đón nhận đức tin từ Giáo Hội và sống nó trong tình bạn với những người cùng chia sẻ niềm tin với chúng ta. [166-169,181]

Niềm tin là cái cá nhân nhất mà con người có, nhưng nó không phải là vấn đề riêng tư. Bất cứ ai muốn tin cũng phải có khả năng nói “tôi” và “chúng tôi”, bởi vì một niềm tin mà bạn không thể chia sẻ và trao đổi thì thật vô lý. Tín hữu, trong tư cách cá nhân, đồng thuận một cách tự do với cái “chúng tôi tin” của Giáo Hội. Từ Giáo Hội, họ nhận lấy đức tin. Giáo Hội là người chuyển trao đức tin qua hàng thế kỷ, và rồi chuyển đức tin cho họ. Giáo hội đã gìn giữ đức tin khỏi những sai lầm và làm cho nó tỏa sáng không ngừng. Do đó, tin là tham dự vào một xác tín chung. Đức tin của người khác nâng đỡ tôi, cũng như lòng nhiệt thành nơi đức tin của tôi thúc đẩy và nâng đỡ người khác. Giáo Hội nhấn mạnh đến cái “tôi” và cái “chúng tôi” của đức tin bằng cách sử dụng hai lời tuyên xưng đức tin trong phụng vụ: Kinh Tin Kính của các Tông Đồ - bắt đầu với “tôi tin” (Credo), và Kinh Tin Kính của công đồng Nicea – Constantinople, trong bản gốc bắt đầu với “chúng tôi tin” (Credimus).

KINH TIN KÍNH

(từ tiếng Latin Credo = tôi tin): là từ đầu tiên trong Kinh Tin Kính của các Tông Đồ và trở thành tên của những công thức tuyên xưng đức tin khác nhau của Giáo Hội, nơi đó những nội dung thiết yếu của đức tin được tóm tắt một cách chính thức.
“Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ”
(Mt 18, 20)

Nguồn: youcat.org





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét