Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Ba yếu tố “thần trí, tâm hồn và thân xác” trong 1 Thêxalônica 5,23

Ba yếu tố “thần trí, tâm hồn và thân xác” trong 1 Thêxalônica 5,23

Ba yếu tố “thần trí, tâm hồn và thân xác” trong 1 Tx 5,23 có nghĩa là gì?

Kính chào Cha

Xin Cha vui lòng bớt chút thì giờ vui lòng giải thích cho con được rõ về ba thành phần trong Tesalonica nhất chương năm câu hai mươi ba (I Te 5,23) đó là : tâm thần, tâm hồn, thân xác.

Trọng kính

Lê văn Bình (hanh…@gmail.com)


Xin trả lời bạn.

Câu 1 Thêxalônica 5,23 là: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, để thần trí (cha Nguyễn Thế Thuấn: “thần khí”), tâm hồn (NTT: “linh hồn”) và thân xác (NTT: thân xác) anh em, được gìn giữ vẹn toàn…”. Ba yếu tố “thần trí, tâm hồn và thân xác” có nghĩa là gì?

1.- Giải thích tổng quát

“Thần trí” hay “thần khí” trong tiếng Hy lạp là pneuma (cũng có thể dịch là “tinh thần”); “tâm hồn” hay “linh hồn”, trong hy ngữ là psychê; “thân xác” trong hy ngữ là sôma.
Có những nhà chú giải cho rằng thánh Phaolô nói đến ba phần tạo nên con người theo khoa nhân học. Nhưng ý kiến được chấp nhận nhiều nhất, là ba từ ngữ đó chỉ toàn thể con ngườidưới phương diện này hay phương diện khác. Và điều này đúng với khoa nhân học tiêu biểu của người Do Thái, trong đó “tinh thần” hay “thần khí” là con người hiểu như một thụ tạo; “tâm hồn hay “linh hồn” hiểu như là hữu thể có sự sống, và “thân xác” hiểu như là hữu thể có thân xác và có đời sống xã hội với những tương quan.

2.- Giải thích chi tiết
a) Từ ngữ Hy Lạp psychê (= “linh hồn”, “tâm hồn”; tương ứng với từ ngữ Do Thái nephesh): thánh Phaolô chỉ dùng 13 lần (4 lần trong thư Rôma). Hy ngữ cổ  điển định nghĩa psychê  là “cốt lõi chính yếu của con người, sẽ tách lìa khỏi thân xác chứ không tan rã với thân xác”. Từ đây có quan niệm linh hồn bất tử. Tuy nhiên, trong tư tưởng Do Thái, từ ngữ nephesh là chính là con người bên trong, như Sáng thế 2,7 nói. Thánh Phaolô dùng từ ngữ Hy Lạppsychê theo nghĩa của từ ngữ Do Thái nepheshpsychê là con người, hoặc là trung tâm sinh lực của con người.
b) Từ ngữ Hy Lạp pneuma (“thần trí”, “thần khí”, “tinh thần”, tương ứng với từ ngữ Do Tháiruah). Có nhiều đoạn thư trong đó khó mà phân biệt rõ là thánh Phaolô muốn nói về “tinh thần con người” hay “tinh thần của Thiên Chúa”, tức là Chúa Thánh Thần. Nhưng dù sao, số lần nói về tinh thần Thiên Chúa tức Chúa Thánh Thần vẫn nhiều hơn: trong số 146 lần dùng từ pneuma này, chắc chắn 100 lần nói về Chúa Thánh Thần và 19 lần nói về con người. Vậy trong các Thư của thánh Phaolô, “tinh thần con người” chính là chiều kích con người cho phép con người liên lạc trực tiếp hơn với Thiên Chúa.
c) Từ ngữ Hy Lạp sôma (“thân xác” được dùng hơn 50 lần trong các thư chắc chắn của thánh Phaolô): Thánh Tông Đồ không bao giờ dùng từ ngữ này theo nghĩa là “một thi hài” (xác chết). Từ ngữ này đúng là một thân xác con người, hiểu theo nghĩa thể lý, nhưng có sắc thái tương quan: Sôma chính là con người, có thân xác, đang ở trong một môi trường nhất định; là phương tiện con người dùng để tương quan với môi trường này; là phương tiện để sống trong môi trường này. Nói tóm, sôma là “cái tôi” với thân xác, phương tiện nhờ đó cái “tôi” và thế giới có thể tác động lên nhau.
d) Có một từ ngữ nữa không có trong bản văn ở đây, nhưng xin nói đến để rộng đường suy nghĩ: Từ ngữ Hy Lạp sarx (“xác thịt”). Từ ngữ này được dùng 91 lần trong các Thư của thánh Phaolô, mà riêng thư Rôma đã có 26 lần. Trong tư tưởng Hípri, chỉ có một từ ngữ duy nhất là basar, thường có nghĩa là “xác thịt”, chứ không có một từ ngữ trực tiếp tương ứng với từ ngữ Hy Lạp sôma. Trong tư tưởng Hy Lạp, sôma và sarx, “thân xác” và “xác thịt” hầu như đồng nghĩa. Thánh Phaolô trung thành với tư tưởng Hípri dù viết bằng hy ngữ và lấy tư tưởng Hy Lạp mà làm giàu cho tư tưởng Hípri, đã phân biệt giữa hai từ này rõ hơn. Ngài thường dùng sôma theo nghĩa trung lập về luân lý, và dùng sarx với sắc thái tiêu cực về luân lý. Nếu ngài muốn dùng sôma với sắc thái tiêu cực, ngài sẽ dùng từ này với một túc từ kèm theo với nghĩa tiêu cực (chẳng hạn: “thân xác tội lỗi” trong Rm 6,6; “thân xác của cái chết” trong Rm 7,24…); còn sarx tự nó đã có nghĩa tiêu cực không cần một túc từ nào kèm theo. Nhưng có hai bản văn độc đáo trong toàn Khối Thư Phaolô, trong đó nối kết hai từsôma và sarx với nhau, đó là Cl 1,22 (dịch sát: “thân thể xác thịt”) và Cl 2,11 (NTT: “thân mình xác thịt”): trong hai câu này, từ ngữ sarx được dùng như bổ ngữ cho sôma, để mạnh mẽ nêu bật tính thể lý trần trụi, sống sượng, của cái chết thân xác của Đức Giêsu.
Trở lại với ba thuật ngữ của 1 Tx 5,23, “thần trí, tâm hồn và thân xác” chính là toàn thể con người nhìn theo các phương diện khác nhau, hoặc “toàn thể con người” theo nghĩa tuyệt đối.
Xin Chúa Kitô chúc lành cho bạn.
Thân mến,

Lm FX Phan Long, ofm

http://www.kinhthanhvn.org/viewItem.jhtml?itemId=7898

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét