Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

4 * Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần I, chương 3

Thượng Hội Đồng về Gia Đình năm 2015, Tường Trình Sau Cùng, Phần I, chương 3

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương III

Gia đình, việc bao hàm và xã hội

17. Một trong các nhiệm vụ nghiêm trọng và cấp thiết nhất đối với gia đình Kitô hữu là gìn giữ dây nối kết giữa các thế hệ với nhau để lưu truyền đức tin và các giá trị nền tảng của cuộc sống. Phần lớn các gia đình biểu lộ được lòng tôn kính đối với các vị cao niên, bảo bọc các ngài bằng tình âu yếm và coi các ngài như một ơn phúc. Ta phải đánh giá cao các hiệp hội và các phong trào gia đình nào biết làm việc vì lợi ích của người cao niên, trong cả hai chiều kích thiêng liêng và xã hội, nhất là cộng tác với các linh mục trong việc săn sóc các linh hồn. Trong một số bối cảnh, người cao niên được coi như một kho báu, bảo đảm cho sự ổn định, liên tục và ký ức của gia đình cũng như của xã hội. Trong các xã hội đã kỹ nghệ hóa cao, nơi các ngài đang gia tăng về con số trong khi sinh suất giảm, có nguy cơ các ngài bị coi như một gánh nặng. Đàng khác, sự săn sóc mà các ngài đòi hỏi thường gây ra nhiều thử thách cam go thực sự cho những kẻ thân yêu của các ngài. “Người cao niên cũng là những người đàn ông và đàn bà, những người cha và những người mẹ cùng đi một con đường trước chúng ta, trong cùng một căn nhà, trong cùng cuộc đấu tranh hàng ngày giành cuộc sống xứng đáng. Các ngài là những người đàn ông và đàn bà mà từ họ chúng ta đã lãnh nhận nhiều điều. Người cao niên không phải ai xa lạ. Chúng ta hết thẩy đều sẽ là người cao niên: chẳng chóng thì chầy, nhưng không thể nào tránh được, cho dù ta không hề nghĩ tới nó. Và nếu ta không đối xử tốt với người cao niên, người ta cũng sẽ đối xử với ta như thế” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 4 tháng Ba, 2015).

18. Sự hiện diện của ông bà trong gia đình đáng được xem xét một cách đặc biệt. Các ngài tạo nên dây nối kết giữa các thế hệ, và bảo đảm sự quân bình tâm cảm (affective-psychic balance) nhờ việc lưu truyền các truyền thống và phong tục, các giá trị và nhân đức, trong đó, giới trẻ nhận ra gốc rễ đích thực của mình. Hơn nữa, ông bà thường trợ giúp con cái trong các vấn đề kinh tế, dưỡng dục và chuyển giao đức tin cho các cháu. Nhiều người chứng thực rằng họ thực sự nhờ ông bà mà được khai tâm vào đức tin Kitô Giáo. Như sách Huấn Ca nói “Đừng bỏ qua truyện các vị cao niên kể lại, vì chính các ngài đã học hỏi nơi tổ tiên mình; nhờ học với các ngài mà con có được sự hiểu biết, và khi cần, con biết đưa ra câu trả lời thích hợp” (8:9). Chúng ta hy vọng rằng trong gia đình, và trong sự nối tiếp các thế hệ, đức tin sẽ được thông truyền và gìn giữ như gia bảo quí giá dành cho các gia đình hạch nhân mới.

Góa bụa

19. Góa bụa là một kinh nghiệm đặc biệt khó khăn cho những người chọn và sống bậc sống hôn nhân như một hồng phúc. Ấy thế nhưng quan điểm đức tin giúp ta nhìn ra nhiều khả thể tích cực của bậc sống này. Từ lúc phải sống cảm nghiệm này, một số người biểu lộ được khả năng nhất quyết dồn hết mọi năng lực của mình cho các con và các cháu; và qua việc biểu lộ yêu thương này, họ khám phá ra một sứ mệnh mới trong việc dưỡng dục chúng. Sự trống vắng do cái chết của người phối ngẫu mang lại, theo một nghĩa nào đó, quả đã được trám đầy bằng tình âu yếm của gia đình họ, những người biết trân qúi cảnh góa bụa của họ, nhờ thế, giúp họ duy trì được ký ức quí hóa về chính cuộc hôn nhân của họ. Những người không thể trông nhờ sự hiện diện của gia đình để có thể hiến thân cho và để nhận được tình âu yếm và gần gũi từ họ, thì nên được hỗ trợ bằng một chăm sóc và lui tới đặc biệt, nhất là nếu họ rơi vào trạng thái thiếu thốn. Các người góa bụa có thể cử hành cuộc kết hợp mới theo bí tích, là cuộc kết hợp hoàn toàn không lấy mất điều gì khỏi cuộc hôn nhân trước đó (xem 1Cor 7:39). Ngay từ lúc ban đầu, và cùng với lịch sử tiếp diễn, Giáo Hội luôn biểu lộ một quan tâm đặc biệt đối với những người góa bụa (xem 1Tm. 5: 3-16), đến độ đã lập ra cả một “Dòng Góa Bụa”, một dòng mà ngày nay thiết nghĩ rất nên được tái lập.

Giai đoạn cuối đời và sự thương tiếc trong gia đình

20. Bệnh hoạn, tai nạn và tuổi già dẫn tới cái chết luôn có những vang dội đối với toàn bộ cuộc sống gia đình. Kinh nghiệm thương tiếc đặc biệt khiến ta tan nát cõi lòng khi liên quan tới cái chết của con cái hay người trẻ trong gia đình. Kinh nghiệm đau lòng này đòi phải có một chăm sóc mục vụ riêng, thậm chí có sự can dự của cả cộng đồng Kitô hữu. Ngày nay, việc đánh giá cao giai đoạn cuối đời càng cần thiết hơn bao giờ hết, khi người ta bị cám dỗ muốn dùng mọi cách loại bỏ giây phút lâm chung. Sự yếu đuối và lệ thuộc của người cao niên đang bị cái lợi hoàn toàn về kinh tế khai thác một cách bất chính.

Không biết bao gia đình đang dạy chúng ta rằng chúng ta có thể đối diện với giai đoạn cuối cùng của sự sống bằng một cảm thức mình đã chu toàn và nay có thể hòa nhập trọn cuộc hiện sinh của mình vào mầu nhiệm vượt qua. Đa số người cao niên đang được đón tiếp vào các cơ sở của Giáo Hội nơi họ có thể sống trong một bầu không khí thanh thản và giống như ở gia đình về cả mặt vật chất lẫn tinh thần. An tử và tự sát có trợ giúp đặt ra nhiều đe dọa trầm trọng cho các gia đình khắp thế giới. Tại nhiều quốc gia, việc thực hành này nay đã thành hợp pháp. Trong khi cực lực phản đối việc này, Giáo Hội cảm thấy có bổn phận phải giúp đỡ các gia đình đang chăm sóc người cao niên và các thành viên yếu ớt của họ.

Những người có nhu cầu đặc biệt

21. Điều cần là phải chăm sóc đặc biệt các gia đình có các thành viên khuyết tật; việc khuyết tật vốn phá vỡ cuộc sống này đem lại một thách đố, sâu xa và bất ngờ, phá vỡ sự cân bằng, các ước nguyện và hoài mong. Điều này gây ra nhiều cảm xúc và quyết định tương phản nhau đến độ khó mà giải quyết và lo liệu, đồng thời tạo ra nhiều bổn phận to lớn, những khẩn trương và trách nhiệm mới mẻ. Hình ảnh gia đình với trọn chu kỳ sống của nó bị nhiễu loạn mạnh mẽ. Những gia đình nào biết yêu thương chấp nhận một đứa con khuyết tật đáng được ta hết lời ca ngợi. Họ đem lại cho Giáo Hội và xã hội một chứng tá quí giá về lòng trung thành đối với ơn phúc sự sống. Cùng với cộng đồng Kitô hữu, gia đình sẽ khám phá ra nhiều cử chỉ và ngôn từ mới, những cách hiểu và nhận diện mới, trong hành trình chào đón và chăm sóc mầu nhiệm yếu đuối mỏng manh. Người khuyết tật đem lại cho gia đình một ơn phúc và một dịp may để phát triển yêu thương, giúp đỡ nhau và hợp nhất với nhau. Giáo Hội, vốn là gia đình của Thiên Chúa, mong được trở thành căn nhà chào đón các gia đình có con em khuyết tật (xem Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng lễ dịp kỷ niệm các cộng đồng có người khuyết tật, 3 tháng 12, năm 2000). Giáo Hội giúp nâng đỡ mối liên hệ của họ và việc dưỡng dục trong gia đình, và đề ra cho họ nhiều cách tham dự vào đời sống phụng vụ của cộng đồng. Đối với những người khuyết tật thuộc đủ loại cảm thấy mình bị bỏ rơi và cô đơn, các định chế chào đón của Giáo Hội thường đã trở thành gia đình riêng cho họ. Với những định chế này, Thượng Hội Đồng xin bầy tỏ lòng biết ơn nồng hậu và đánh giá sâu xa của mình. Một diễn trình tháp nhập như thế sẽ khó khăn hơn trong các xã hội vẫn còn nhiều định kiến và thiên kiến, dù đã được lý thuyết hóa bằng những hạn từ ưu sinh. Một cách tương phản, nhiều gia đình, cộng đồng và phong trào trong Giáo Hội đã phát hiện và cử hành nhiều hồng phúc của Thiên Chúa nơi những người có nhu cầu đặc biệt này, nhất là khả năng truyền đạt độc đáo và thuộc về của họ. Giáo Hội đặc biệt lưu ý tới những người khuyết tật sống lâu hơn cha mẹ và gia đình mở rộng vốn nâng đỡ họ xưa nay. Cái chết của những người yêu thương họ và của những người họ yêu thương khiến họ dễ bị thương tổn cách đặc biệt. Gia đình nào biết dùng viễn kiến đức tin để tiếp nhận sự hiện diện của những người khuyết tật sẽ biết nhìn nhận và bảo đảm phẩm chất và giá trị của mọi sự sống, với các nhu cầu, quyền lợi và cơ hội của nó. Họ sẽ kích thích sự phục vụ và chăm sóc, và phát triển tình đồng hành và tình âu yếm ở mọi giai đoạn của cuộc sống.

Những người không kết hôn

22. Nhiều người không kết hôn không những dấn thân cho gia đình gốc của họ, mà thường còn sẵn sàng hết lòng phục vụ giữa vòng bạn bè, trong cộng đồng Giáo Hội và trong sinh hoạt chuyên nghiệp nữa. Tuy thế, sự hiện diện và đóng góp của họ thường không được ai lưu ý, và điều này khiến họ cảm thấy bị cô lập. Nơi họ, trong rất nhiều trường hợp, ta thường thấy những hoài bão cao thượng khiến họ dấn thân vào nghệ thuật, khoa học và thiện ích của nhân loại. Do đó, nhiều người đã hiến tài năng của họ để phục vụ cộng đồng Kitô hữu như dấu chỉ đức ái và việc làm thiện nguyện. Lại còn có những người không kết hôn vì đã hiến đời mình cho tình yêu Đức Kitô và anh chị em mình. Nhờ sự tận tụy của họ, gia đình được phong phú hóa rất nhiều, cả trong Giáo Hội lẫn trong xã hội.

Di dân, tỵ nạn, những người bị bách hại

23. Hiện tượng di dân và hậu quả của nó đối với gia đình đáng để ta lưu ý đặc biệt. Bằng nhiều cách, nó tác động lên toàn bộ dân số tại nhiều vùng trên thế giới. Trong phạm vi này, Giáo Hội vốn đóng một vai trò hàng đầu. Nghĩa vụ trung thành và khai triển chứng tá Tin Mừng này hiện nay khẩn thiết hơn bao giờ hết. Lịch sử nhân loại là một lịch sử di dân: sự thật này đã được ghi vào chính đời sống các dân tộc và các gia đình. Đức tin của ta càng củng cố sự thật này hơn nữa: Tất cả chúng ta đều phát sinh từ những người hành hương. Niềm xác tín này nên khơi dậy trong ta một sự cởi mở và tinh thần trách nhiệm đầy hiểu biết đối với thách đố di dân, cả di dân phát sinh từ đau khổ hay di dân như một cơ hội thăng tiến đời sống. Tính di động của con người, một tính rất phù hợp với việc con người chuyển dịch tự nhiên trong lịch sử, có thể biểu lộ ngay trong nó một sự phong phú hóa chân chính đối với cả gia đình di dân lẫn xứ sở tiếp nhận họ. Một điều khác cần xem xét là việc cưỡng bức một số gia đình phải di dân, vì tình thế chiến tranh, vì bách hại, vì nghèo đói, vì bất công, qua những cuộc hành trình đầy bất trắc có khi đe doạ tới tính mạng khiến nhiều cá nhân bị trấn thương và nhiều gia đình bị bất ổn. Việc đồng hành với di dân đòi ta phải có một thừa tác mục vụ đặc biệt dành cho các gia đình di dân, và dành cho cả các thành viên của các gia đình hạch nhân còn ở lại nguyên quán. Việc này phải tiến hành song song với việc tôn trọng các nền văn hóa, tôn trọng việc đào luyện tôn giáo và nhân bản theo nguyên quán của họ, tôn trọng nét phong phú tâm linh trong các nghi lễ và truyền thống của họ, dù phải nhờ tới một nền chăm sóc mục vụ đặc biệt. “Điều quan trọng là phải xét người di dân không phải chỉ dựa vào tình trạng hợp lệ hay bất hợp lệ của họ, nhưng trước hết phải coi họ như những con người mà nếu duy trì được phẩm giá, họ có thể góp phần vào phúc lợi và sự tiến bộ của mọi người, nhất là khi họ chấp nhận một cách có trách nhiệm các nghĩa vụ như những người tiếp nhận họ, tôn trọng một cách có hiểu biết di sản vật chất và tinh thần của xứ sở tiếp đón họ, tuân thủ các luật lệ và đóng góp làm nhẹ gánh nặng của xứ sở này” (Đức Phanxicô, Sứ Điệp Ngày Di Dân và Tỵ Nạn Thế Giới 2016, 12 tháng Chín 2015). Các vụ di dân dường như càng trở nên cực kỳ bi thảm và tan nát cõi lòng đối với các gia đình và các cá nhân khi diễn ra trong khung cảnh bất hợp pháp và được sự góp tay của các nhóm quốc tế chuyên lo việc buôn bán người. Ta cũng có thể nói như thế về các phụ nữ và trẻ em không có người đi theo, buộc phải ở lâu dài tại các nơi tạm cư, các trại tỵ nạn, nơi không thể có việc khởi đầu diễn trình hội nhập. Cảnh nghèo cùng cực và các tình huống khác của việc tản cư đôi lúc còn dẫn các gia đình tới chỗ bán con cho đĩ điếm hoặc cho việc buôn bán bộ phận người.

24. Việc gặp gỡ một đất nước mới và một nền văn hóa mới càng trở nên khó khăn hơn khi không có các điều kiện đón tiếp và chấp nhận chân chính, liên quan tới quyền lợi mọi cá nhân và việc chung sống hòa bình và bền vững. Điều này dóng lên một lời kêu gọi trực tiếp tới cộng đồng Kitô Giáo: “Trách nhiệm phải tỏ bầy sự nghinh đón, tình liên đới và sự trợ giúp cho người tỵ nạn trước nhất và trên hết là phận sự của Giáo Hội địa phương. Giáo Hội này được kêu gọi phải nhập thân các đòi hỏi của Tin Mừng bằng cách đi ra gặp gỡ, cách bất phân biệt, những người đang gặp lúc khốn khó và cô đơn” (Hội Đồng Giáo Hoàng Cor Unum và Hội Đồng Giáo Hoàng về Chăm Sóc Mục Vụ cho di dân và du khách, Người Tỵ Nạn, Một Thách Đố đối với Tình Liên Đới, 26). Cảm thức mất hướng, hoài nhớ nguyên quán đã mất và các khó khăn của việc hội nhập cho ta thấy ngày nay, ở nhiều nơi, các khó khăn này vẫn chưa được vượt qua và vẫn cho thấy những đau khổ mới ngay nơi các thế hệ thứ hai và thứ ba của các gia đình di dân, vẫn còn cảnh nuôi dưỡng các hiện tượng cực đoan và việc bác bỏ đầy bạo động về phía nền văn hóa nước chủ. Người ta đã chứng minh được rằng một tài nguyên quí hóa để vượt qua các khó khăn này là việc gặp gỡ thực sự giữa các gia đình, và vai trò chủ chốt của các phụ nữ trong diễn trình hội nhập, qua việc chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng con cái. Thực vậy, ngay trong các tình huống bấp bênh, người phụ nữ vẫn làm chứng cho nền văn hóa yêu thương của gia đình, một nền văn hóa luôn khuyến khích các gia đình khác biết chào đón và bảo vệ sự sống, nhờ thực hành tình liên đới. Phụ nữ có thể chuyển giao cho các thế hệ mới một đức tin sống động vào Chúa Kitô; đức tin này sẽ nâng đỡ chúng trong tình huống di dân khó khăn và tăng cường chúng. Giống việc bách hại các nhóm thiểu số sắc tộc và tôn giáo khác, việc bách hại các Kitô hữu tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Trung Đông, hiện là những thử thách lớn lao: không những đối với Giáo Hội, mà còn đối với toàn thể cộng đồng quốc tế nữa. Phải hỗ trợ mọi cố gắng nhằm khuyến khích các gia đình và cộng đồng Kitô Giáo ở lại các nước nguyên quán của họ. Đức Bênêđíctô XVI từng quả quyết rằng: “Một Trung Đông mà không có hoặc có rất ít Kitô hữu thì không còn là Trung Đông nữa vì các Kitô hữu chia sẻ với các tín hữu khác căn tính đặc biệt của cả vùng” (Tông Huấn, Giáo Hội tại Trung Đông, số 31).

Một số thách đố đặc thù

25. Ở một số xã hội, việc thực hành đa hôn vẫn tiếp tục thịnh hành; ở một số xã hội khác, vẫn còn thói tục hôn nhân hỗn hợp. Ở những nước mà sự hiện diện của Giáo Hội Công Giáo chiếm thiểu số, nhiều cuộc hôn nhân hỗn hợp và khác đạo vẫn còn tồn tại, với mọi khó khăn bao hàm trong đó về việc cấu hình luật pháp, rửa tội, dưỡng dục con cái và tôn trọng quan điểm của nhau do khác biệt về tôn giáo. Trong các cuộc hôn nhân loại này, luôn có nguy cơ sa vào chủ nghĩa duy tương đối hay chủ nghĩa dửng dưng, nhưng cũng có khả thể thăng tiến được tinh thần đại kết và cuộc đối thoại liên tôn nhờ cuộc sống hòa hợp của một cộng đồng cùng chung sống tại một địa điểm. Trong một số tình huống, và không chỉ ở Tây Phương, còn có thói quen khá phổ biến muốn sống chung trước khi lấy nhau, hay một hình thức sống với nhau nhưng không tiến tới chỗ tiếp nhận sợi dây định chế. Thêm vào đó, còn có hình thức luật lệ dân sự nhằm phá hoại cả hôn nhân lẫn gia đình. Ở nhiều nơi trên thế giới, do hiện tượng tục hóa, việc nhắc tới Thiên Chúa bị giản lược rất nhiều và đức tin không còn được chia sẻ trong xã hội nữa.

Con cái

26. Con cái là hồng phúc Chúa ban (xem St 4:1). Chúng phải được xếp hàng đầu trong cuộc sống gia đình và xã hội, và chúng phải tạo ưu tiên trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội. “Thực vậy, tùy theo cách đối xử với các trẻ em của mình mà một xã hội nào đó sẽ bị phán kết, không chỉ về phương diện luân lý, mà cả về phương diện xã hội nữa, liệu họ có phải là một xã hội tự do hay chỉ là một xã hội lệ thuộc quyền lợi quốc tế... Trẻ em nhắc ta nhớ rằng chúng ta luôn là những người con trai hay những người con gái... và điều này nhắc ta nhớ sự kiện này: đời sống không phải là điều ta tự ban cho mình mà là điều ta tiếp nhận được” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 18 tháng Ba năm 2015). Tuy nhiên, con cái thường trở thành đối tượng tranh chấp giữa cha mẹ và là nạn nhân thực sự của các gia đình tan vỡ. Trong nhiều trường hợp, quyền lợi con cái đã bị coi thường. Tại một số nơi trên thế giới, chúng bị coi là lính đánh thuê thực sự, làm công nhân lương thấp, bị sử dụng trong chiến tranh, trở thành đối tượng của đủ thứ bạo hành về thể lý hay tâm lý. Các trẻ em di dân bị đặt vào nhiều tình huống đau khổ khác nhau. Việc khai thác tình dục trẻ thơ hiện là một trong các thực tại tai tiếng và đồi trụy nhất của xã hội ngày nay. Trong các xã hội có tiếng bạo động gây ra bởi chiến tranh, khủng bố hay tội ác có tổ chức, con số các gia đình trong trạng huống tha hóa mỗi ngày một gia tăng. Tại các thành phố lớn và vùng ngoại vi, hiện tượng gọi là trẻ em đường phố đang tồi tệ thêm một cách bi thảm.

Người đàn bà

27. Người đàn bà giữ vai trò chủ chốt trong cuộc sống người ta, trong gia đình và ngoài xã hội. “Ai cũng mang ơn mẹ đã ban cho mình sự sống, và hầu như lúc nào, trong suốt các giai đoạn kế tiếp sau đó của cuộc sống, của việc đào luyện nhân bản và thiêng liêng, cũng nợ ơn bà” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, ngày 7 tháng Giêng, 2015). Người mẹ gìn giữ ký ức và ý nghĩa của việc sinh hạ xuyên suốt đời người: “Về phần Bà Maria, bà giữ mọi điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2:19, 51). Tuy nhiên, trên thực tế, thân phận người đàn bà vẫn lệ thuộc nhiều dị biệt đáng kể, phát sinh từ các nhân tố xã hội và văn hóa đương thịnh. Phẩm giá người đàn bà cần được bảo vệ và phát huy. Đây không phải là một vấn đề đơn thuần thuộc tài nguyên kinh tế, mà là một vấn đề thuộc viễn ảnh văn hóa khác hẳn, như thân phận khó khăn của các phụ nữ tại các nước mới được phát triển gần đây đã chứng tỏ. Ngay bây giờ, trong rất nhiều tình huống, là đàn bà cũng đủ gây ra kỳ thị: chính hồng phúc làm mẹ cũng đang bị chế giễu hơn là khen ngợi. Nhưng theo một viễn ảnh khác, trong một số nền văn hóa, là một người đàn bà hiếm muộn cũng bị coi như một thân phận bị kỳ thị về xã hội. Cũng không nên quên những hiện tượng bạo hành đang gia tăng hiện nay đối với người đàn bà ngay trong gia đình. Việc khai thác phụ nữ và việc bạo hành đối với thân xác họ thường có liên hệ với việc phá thai và cưỡng bức triệt sản. Thêm vào đó, còn có các hậu quả tiêu cực phát sinh từ các tập tục liên quan tới việc sinh sản như cho thuê tử cung hay rao bán các giao tử và bào thai. Việc giải phóng người đàn bà đòi phải suy nghĩ lại vai trò của các người phối ngẫu trong tính hỗ tương của họ và trong trách nhiệm chung đối với cuộc sống gia đình. Ý muốn có con bằng bất cứ giá nào không làm cho các mối liên hệ của gia đình trở nên hạnh phúc hơn hay vững mạnh hơn, nhưng trong nhiều trường hợp chỉ tổ làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng giữa đàn ông và đàn bà. Việc đánh giá cao hơn đối với trách nhiệm của người đàn bà trong Giáo Hội có thể góp phần vào việc xã hội thừa nhận vai trò có tính quyết định của họ: dự phần vào việc ra quyết định, tham gia việc quản trị một số định chế, can dự vào việc đào tạo các thừa tác viên thụ phong.

Người đàn ông

28. Người đàn ông đóng một vai trò cũng có tính quyết định không kém trong cuộc sống của gia đình, nhất là trong việc bảo vệ và nâng đỡ vợ con. Thánh Giuse là mẫu mực của họ, một người đàn ông công chính, một người, trong giờ phút nguy nan, “đang đêm, đã đem con trẻ và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2:14) và đưa họ tới nơi an toàn. Nhiều người đàn ông ý thức được tầm quan trọng của vai trò mình trong gia đình và đã sống thực vai trò này bằng một khả năng độc đáo của bản chất nam nhi. Sự vắng mặt của người cha để lại một dấu vết nặng nề trong cuộc sống gia đình, trong việc dưỡng nuôi con cái, và việc hội nhập chúng vào xã hội. Sự vắng mặt của ông có thể có tính thể lý, cảm giới, tri thức và thiêng liêng. Sự thiếu vắng này khiến con cái mất đi mẫu mực thích đáng của tác phong làm cha. Việc càng ngày càng sử dụng nhân công phụ nữ ở bên ngoài gia đình chưa tìm được sự đền bù thoả đáng qua việc người đàn ông cam kết nhiều hơn đối với khung cảnh gia đình. Trong bối cảnh hiện nay, sự nhậy cảm của người đàn ông trong vai trò bảo vệ vợ con chống mọi hình thức bạo hành và hạ giá đã yếu đi nhiều. “Người chồng, Thánh Phaolô dạy, phải thương yêu vợ mình ‘như chính thân thể mình’ (Eph 5:28); phải thương yêu nàng như Chúa Kitô ‘yêu thương Giáo Hội và hiến mình cho Giáo Hội’(câu 25). Nhưng các ông chồng các ông...có hiểu điều đó không? Yêu vợ các ông như Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội?...Hiệu quả của sự tận tình triệt để đòi hỏi nơi người đàn ông này, vì yêu và kính trọng người đàn bà, theo gương Chúa Kitô, phải thật lớn lao trong cộng đồng Kitô hữu. Hạt giống mới mẻ của Tin Mừng này, một hạt giống vốn tái lập tính hỗ tương nguyên thủy của lòng tận tình và kính trọng, đã lớn dần trong lịch sử, nhưng cuối cùng đã thắng thế” (Đức Phanxicô, Yết Kiến Chung, 6 tháng Năm, 2015).

Giới trẻ

29. Nhiều người trẻ vẫn coi hôn nhân là ước nguyện cao cả của đời họ, và ý tưởng có gia đình riêng là hoàn thành mọi khát vọng của họ. Tuy nhiên, trong cụ thể, họ lại có những thái độ khác hẳn khi nói tới hôn nhân. Họ thường bị dẫn dụ tới việc triển hạn hôn nhân vì các vấn đề kinh tế, hoặc vì công việc hoặc vì học hành. Đôi khi, cũng vì các lý do khác nữa, như ảnh hưởng ý thức hệ chuyên hạ giá hôn nhân và gia đình, kinh nghiệm thất bại của các cặp khác, kinh nghiệm mà họ không muốn liều mạng, sợ sệt trước một điều họ coi là quá cao thượng và thánh thiêng, các cơ hội xã hội và lợi điểm kinh tế phát xuất từ việc sống chung, quan niệm yêu thương hoàn toàn có tính xúc cảm và thơ mộng, sợ mất tự do và độc lập, bác bỏ bất cứ điều gì có tính định chế và bàn giấy. Giáo Hội hết sức quan tâm trước việc nhiều người trẻ không tin tưởng vào hôn nhân, và đau khổ trước việc nhiều tín hữu vội vàng quyết định bác bỏ cam kết hôn nhân và thay thế nó bằng một điều gì khác. Các người trẻ đã chịu phép rửa được khuyến khích đừng do dự đối với việc phong phú hóa mà bí tích hôn nhân sẽ mang tới cho các kế hoạch của họ dựa trên tình yêu, được tăng cường bởi sự hỗ trợ họ có thể rút ra được từ ơn thánh của Chúa Kitô và bởi khả thể tham dự trọn vẹn vào đời sống Giáo Hội. Thành thử, điều chủ yếu là biện phân một cách cẩn thận hơn các động lực nằm bên dưới việc bác bỏ và thất vọng. Nhờ các gia đình trong cộng đồng Kitô hữu biết nêu gương đáng tin tưởng như một chứng tá mãn đời, giới trẻ sẽ tự tin hơn khi đối diện với việc chọn lựa hôn nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét