Trang

Chủ Nhật, 15 tháng 11, 2015

gddpv : Phải tuân theo luật phụng vụ hơn tục lệ địa phương.

Giải đáp phụng vụ: Phải tuân theo luật phụng vụ hơn tục lệ địa phương.

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con đang tập cho các em giúp lễ tại một giáo xứ. Trước đây con được huấn luyện theo nghi thức Thánh lễ “cũ”. Vì vậy, con luôn quy chiếu đến Sách Lễ, Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM), và cuốn Ceremonies of the Modern Roman Rite, Revised (Nghi thức nghi lễ Rôma hiện đại, bản duyệt lại) của Giám mục Elliott trước khi tập hoặc sửa lỗi cho các em giúp lễ. Có sự hướng dẫn gia tăng về tuân theo “các tục lệ địa phương” hơn là sửa lỗi. Thưa cha, có sự linh động đến mức nào trong Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma? Linh mục có thể sửa đổi hoặc “diễn giải tùy ý” Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma không? – K. R., Virginia Beach, Virginia, Mỹ. 


Đáp: Trong trường hợp này, nó tùy thuộc vào loại tục lệ địa phương nào mà chúng ta đang nói tới.

Một hình thức của tục lệ địa phương có thể thực sự là luật phụng vụ quốc gia, vốn đã được Tòa Thánh phê chuẩn. Trong trường hợp ấy, không có sự vi phạm luật, nhưng là sự áp dụng luật cách đặc biệt vào hoàn cảnh địa phương. Thí dụ, bản văn Latinh của Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma nói rằng các linh mục không được rời cung thánh khi chúc bình an. Hội Đồng Giám Mục Mỹ xin phép miễn chuẩn đặc biệt cho luật này, và sự miễn chuẩn ấy được ghi vào bản dịch tiếng Anh được xuất bản tại Mỹ. 

Các truyền thống địa phương khác cần phải có hiệu lực của luật qua tục lệ hợp pháp. Theo Bách Khoa Từ Điển Công Giáo (Catholic Encyclopedia), “một tục lệ là một luật bất thành văn được giới thiệu bởi các hành vi liên tục của tín hữu, với sự đồng ý của nhà làm luật hợp pháp. Tục lệ có thể được xem như một sự việc và như một luật. Là một sự việc, nó là sự lặp đi lặp lại tự do các cử chỉ liên quan đến cùng một việc; là một luật, nó là kết quả và hệ luận của sự việc ấy. Danh từ custom (tục lệ) phái sinh từ chữ consuesco hoặc consuefacio, có nghĩa một hành vi được lặp đi lặp lại nhiều lần. (Cap. Consuetudo v, Dist. i.)”.

Toàn bộ luật liên quan đến tục lệ được tìm thấy trong Bộ Giáo Luật 1983. Xin mời đọc:

Ðiều 23: Một tục lệ do cộng đồng tín hữu du nhập chỉ có hiệu lực pháp lý một khi được nhà lập pháp chuẩn y, dựa theo những quy tắc của các điều kiện sau đây.

Ðiều 24 §1: Không tục lệ nào trái ngược với thiên luật có thể có hiệu lực pháp lý.

§2: Tục lệ trái ngược hoặc ở ngoài Giáo Luật cũng không có hiệu lực pháp lý, nếu nó không hợp lý. Tuy nhiên, tục lệ nào đã bị minh thị bài bác thì không còn phải là hợp lý nữa.

Ðiều 25: Không tục lệ nào có thể có hiệu lực pháp lý nếu không được tuân hành do một cộng đồng ít nhất là có khả năng thụ nhận một luật, với ý định du nhập luật lệ.

Ðiều 26: Trừ khi được đặc biệt chuẩn y bởi nhà lập pháp có thẩm quyền, một tục lệ trái luật hay ngoại luật chỉ đạt được hiệu lực pháp lý nếu đã được tuần hành hợp lệ trong khoảng thời gian ba mươi năm tròn và không gián đoạn. Tục lệ trái ngược với một điều luật có kèm khoản ngăn cấm các tục lệ tương lai thì chỉ có giá trị nếu đã được một trăm năm hay là đã từ lâu đời.

Ðiều 27: Tục lệ là nguồn giải thích tốt nhất của luật pháp.

Ðiều 28: Ðừng kể quy định của điều 5, một tục lệ trái luật hay ngoại luật bị thu hồi do một tục lệ hay luật tương phản. Tuy nhiên, nếu không nói minh thị, thì luật không thu hồi các tục lệ đã có trăm năm hay lâu đời; cũng như luật phổ quát không thu hồi các tục lệ địa phương. (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Điều 5 được nhắc đến ở trên đây nói như sau:

“Ðiều 5 §1: Các tục lệ, dù phổ quát dù địa phương, còn hiện hành mà trái ngược với các điều luật và bị bài bác do các điều của Bộ Luật này, thì sẽ bị hủy bỏ hoàn toàn, và không được phép phục hồi nữa. Các tục lệ khác (trái luật) cũng bị coi là hủy bỏ, trừ khi Bộ Luật đã dự liệu minh thị cách khác, hay vì là những tục lệ đã được trăm năm hoặc đã lâu đời mà Bản Quyền nhận thấy không thể bãi bỏ được, xét theo hoàn cảnh địa phương và nhân tâm; như vậy chúng có thể được dung túng.

§2: Các tục lệ dù phổ quát hay địa phương ở ngoài luật và còn hiện hành, thì được duy trì“ (Bản dịch Bộ Giáo Luật, như trên).

Như đã thấy, các điều luật phân biệt nhiều loại khác nhau của tục lệ. Trước hết, có các tục lệ "trái ngược luật"; nghĩa là chúng đi ngược lại lời của luật hoặc là bất hợp pháp. 

Thứ đến, có các tục lệ "ở ngoài luật”; đó là các tục lệ điều hành sự thực hành ở những khu vực mà chính luật giữ thinh lặng. Trong từ ngữ Latinh pháp lý, cụm từ praeter legem (“ở ngoài luật”) nói đến một việc, vốn không được điều hành bởi luật và do đó là hợp pháp. 

Một số chuyên viên phụng vụ lập luận rằng hình như không thể thiết lập một tục lệ trái với luật liên quan đến phụng vụ, bởi vì nhà lập pháp, trong trường hợp này là Tòa Thánh, đã dành mọi yếu tố thiết yếu liên quan đến phụng vụ cho sự phê chuẩn dứt khoát của mình. Vì thế, họ lập luận rằng không thể chu toàn các điều kiện của Điều luật 23 về sự phê chuẩn của nhà lập pháp, trừ khi trong trường hợp của các tục lệ đã có một trăm năm hay là đã từ lâu đời.

Đàng khác, huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ, năm 2004) mô tả một loạt sự lạm dụng trong việc cử hành Thánh lễ. Trong tám lần khác nhau, huấn thị bác bỏ một số lạm dụng nghiêm trong, và thường dùng công thức: “Một việc cho phép như thế phải bị dứt khoát bác bỏ, và không tục lệ nào có thể chứng minh việc cho phép như vậy” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).

Điều này ít nhất bao hàm rằng Thánh Bộ Phượng Tự nhận định khả năng rằng một số lạm dụng phụng vụ sẽ có sức mạnh như luật vậy. Hình như đây là một vấn đề mở giữa các chuyên viên giáo luật, và vì đây không phải là lĩnh vực của tôi, nên tôi chỉ biết là có một cuộc tranh luận về vấn đề ấy. 

Nếu quả đúng là các tục lệ đã có một trăm năm hay là đã từ lâu đời có thể thắng thế, thì bởi vì sắc lệnh phê chuẩn lần xuất bản thứ nhất của Sách Lễ mới là từ năm 1970, lần xuất bản thứ ba là từ năm 2000, và sự phê chuẩn bản dịch Anh ngữ là từ năm 2011, người ta thường không thể nói về các tục lệ lâu đời như thế nữa. Cũng thế, các sắc lệnh này thường chứa các câu như “mọi sự trái ngược bất kể”, mà một số chuyên viên giáo luật xem như là sự hủy bỏ mặc nhiên luật trước đó và sự thay thế nó bằng luật mới, mặc dầu như là luật phổ quát, nó không thể hủy bỏ các tục lệ hợp pháp nếu có. 

Ngay cả nếu một giáo phận hoặc một giáo xứ có thể triển khai một tục lệ phụng vụ hợp pháp trái với luật phụng vụ, thật khó xác định liệu một cộng đoàn có ý định du nhập một luật như được đòi hỏi bởi Điều luật 25. Và cũng khó chứng tỏ sự sử dụng liên tục sự thực hành này như Điều 26 đòi hỏi. 

Thí dụ, Điều 528.2 nói như sau về bổn phận của cha sở (quản xứ, chánh xứ): “Cha Sở cố gắng để Bí Tích Thánh Thể trở nên trung tâm của cộng đoàn giáo xứ; làm sao cho mọi tín hữu được nuôi sống nhờ việc cử hành sốt sắng các bí tích, cách riêng là thường xuyên lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Thống Hối; ngoài ra, hãy cố gắng hướng dẫn các tín hữu biết cầu nguyện, kể cả việc cầu nguyện trong các gia đình, và biết tham dự cách có ý thức và tích cực vào việc phụng vụ, mà chính Cha Sở phải là người lo điều hành trong giáo xứ mình, dưới quyền của Giám Mục giáo phận, và phải canh chừng đừng để xẩy ra những lạm dụng” (Bản dịch Bộ Giáo luật, như trên).

Như thế, thật là đủ cho một cha sở khi chu toàn bổn phận của ngài là loại trừ sự lạm dụng của tục lệ. Ngay cả nếu tục lệ được du nhập trễ hơn, khoảng thời gian 30 năm tròn phải được khởi đầu lại. 

Một lần nữa, không tục lệ nào có thể thắng thế, nếu đã bị bác bỏ một cách đặc biệt. Chẳng hạn, huấn thị Redemptionis Sacramentum chính thức bác bỏ các tập tục sau đây: linh mục bẻ bánh lúc truyền phép (số 55); linh mục hoặc phó tế tự mình thay đổi các bản văn của Phụng Vụ thánh (số 59); các tín hữu không có chức thánh giảng trong cử hành Thánh Thể (số 65); phân phát bánh lễ chưa truyền phép hay những đồ vật khác có thể ăn được hay không, giống như khi rước lễ (số 96); đình chỉ cử hành Thánh Lễ để khuyến khích “chay tịnh Thánh Thể” (số 115); các bình thánh, dùng để đựng Mình và Máu Thánh Chúa, phải được làm hoàn toàn đúng với các quy tắc của truyền thống và của các sách phụng vụ (số 117); thừa tác viên có chức thánh không được phép cử hành Thánh Lễ mà không mặc lễ phục phụng vụ, hay chỉ mang dây stola trên áo thụng (số 126); khi số các thừa tác viên có chức thánh hiện diện trong cử hành là đủ, kể cả cho việc rước lễ, thì không được phép cử các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ (số 157). 

Huấn thị này liệt kê nhiều lạm dụng ngoài các điều bị bác bỏ cách đặc biệt, và đôi khi dùng các cụm từ ngữ như “Sự lạm dụng này cần bị dứt khoát bác bỏ”. Rõ ràng rằng nhà lập pháp xem mọi thực hành lạm dụng được nhắc đến trong văn kiện là không hợp lý (xin xem Điều luật 24.2 ở trên), và vì thế chúng phải bị chấm dứt. Thật khó lập luận cho sự thực hành liên tục của chúng như là tục lệ hợp pháp, sau khi văn kiện này được công bố. 

Khi giải quyết các tục lệ ở ngoài luật, có thể có chỗ nhiều hơn cho các tục lệ hợp pháp phát triển. Linh mục Mark Gantley, một chuyên viên giáo luật, nêu ra thí dụ khả hữu sau đây trên mạng EWTN: “Một người lập luận rằng việc sử dụng một “cây nến hiệp nhất” trong một lễ cưới là một sự thực hành hợp pháp, dựa vào một tục lệ vốn ở ngoài luật. Luật không qui định và cũng không cấm sử dụng cây nến hiệp nhất. Do đó, tục lệ hợp pháp sử dụng một cây nến hiệp nhất có thể đáp ứng các đặc tính của một tục lệ hợp pháp, miễn là nó đáp ứng các đòi hỏi khác của luật nữa”. 

Vì vậy, sau khi xem xét những điều trên đây, tôi có thể nói rằng bạn đọc của chúng ta (tức người nêu câu hỏi cho bài này) nói chung nên tuân theo Qui Chế Tổng Quát Lễ Rôma trong mọi lĩnh vực, khi các tài liệu phụng vụ là rõ ràng, và bạn nên tập cho các người giúp lễ một cách thích hợp theo đó. Đây cũng là cách thức tốt nhất để bảo đảm một sự cử hành phụng vụ Công Giáo cách trung thực. 

Nếu có các truyền thống hay tục lệ địa phương trong các lĩnh vực mà Qui Chế Tổng Quát Lễ Rôma giữ thinh lặng hoặc không nói gì đặc biệt, thì bạn nên theo truyền thống địa phương. 

Cha sở không phải là một thẩm quyền pháp lý, và do đó không thể thực hiện việc giải thích trung thực hoặc chính thức cho Qui Chế Tổng Quát Lễ Rôma. Chỉ có Tòa Thánh mới có thẩm quyền này. Cha sở có thể và thường phải giải thích cách thức áp dụng Qui Chế Tổng Quát Lễ Rôma cho sự tổ chức đặc biệt của việc xây dựng giáo xứ, nhưng không thể thay đổi những gì được xét là thiết yếu. 

Như Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí tích Cứu độ) kết luận: 

“186. Tất cả mọi tín hữu của Đức Kitô phải cố hết sức tham dự, cách đầy đủ, ý thức và tích cực vào Phép Thánh Thể Chí Thánh, họ phải hết lòng tôn sùng Phép Thánh Thể bằng những hành động sùng kính và bằng đời sống. Các Giám Mục, linh mục và phó tế, trong khi thi hành sứ vụ thánh, phải tự lương tâm hỏi mình về tính xác thực và tính trung thành của các hành động mà các ngài thực hiện nhân danh Đức Kitô và Giáo Hội trong cử hành Phụng Vụ thánh. Mỗi thừa tác viên có chức thánh phải tự vấn mình, và còn một cách nghiêm túc, về điểm có tôn trọng các quyền của giáo dân, họ tin tưởng phó thác mình và con cái của họ cho các ngài chăm sóc theo sứ vụ của các ngài, với xác tín các ngài chiếu cố đến họ thi hành với cả lương tâm những chức vụ này mà Giáo Hội, do sự ủy nhiệm của Đức Kitô, có ý định chu toàn bằng việc cử hành Phụng Vụ thánh. Quả nhiên, mỗi người phải luôn luôn nhớ rằng mình là người phục vụ Phụng Vụ thánh” (Bản dịch Huấn thị, như trên). (Zenit.org 10-11-2015)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét