Trang

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Những Kitô hữu cứng đầu là cuộc đời nửa vời, vá víu

Những Kitô hữu cứng đầu là cuộc đời nửa vời, vá víu

Những KItô hữu chỉ dừng lại ở mức ‘lâu nay vẫn luôn vậy mà’ là những người khóa kín lòng mình trước những kinh ngạc của Thần Khí. Họ là những người thờ ngẫu tượng và nổi loạn, sẽ không bao giờ đến được sự viên mãn của chân lý. Đây là những lời của Giáo hoàng Phanxicô trong thánh lễ sáng thứ hai, 18-01, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
OSSROM92256_Articolo
Trong bài đọc một, ông Saul bị Thiên Chúa loại bỏ khỏi cương vị Vua Israel, bởi ông đã bất tuân, muốn nghe theo người ta hơn là theo ý Chúa. Sau chiến thắng, dân muốn hiến tế những súc vật đẹp nhất dâng lên Chúa, bởi vì Saul đã bảo là ‘lâu nay luôn luôn như vậy.’ Nhưng lần này, Thiên Chúa không muốn. Ngôn sứ Samuel đã khiển trách Saul: ‘Đức Chúa có vui vì lễ toàn thiêu và lễ hiến tế cho bằng sự vâng phục theo huấn lệnh Ngài hay không?’ Chúa Giêsu cũng dạy như thế trong Tin mừng: Khi các luật sỹ chỉ trích Chúa vì các môn đệ của Ngài không ăn chay ‘như lâu nay luôn như vậy,’ thì Chúa Giêsu trả lời với các ví dụ cuộc sống thường nhật: ‘Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới.’
Ý Chúa Giêsu là gì? Ngài muốn thay đổi lề luật? Không! Nhưng Ngài nói rằng, luật là để phục vụ con người, mà con người phụng sự Thiên Chúa, và do đó con người phải có một trái tim rộng mở. Cái câu ‘lâu nay luôn vậy’ là một trái tim khép chặt, và Chúa Giêsu bảo chúng ta, ‘Ta sẽ gởi cho các con Thánh Thần, và Ngài sẽ dẫn các con đến chân lý toàn vẹn.’ Nếu anh chị em có một trái tim khép chặt trước sự mới mẻ của Thánh Thần, anh chị em sẽ không bao giờ đạt đến chân lý toàn vẹn. Và đời sống Kitô của anh chị em, sẽ là một cuộc đời nửa vời, vá víu, có mạng vào những sự mới mẻ, nhưng về căn bản là một kết cấu không mở ra với tiếng Chúa, một trái tim khóa chặt, thế nên làm sao anh chị em có thể thay đổi người khác được.
Đây chính là tội của ông Saul, vì tội này mà ông bị Chúa ruồng bỏ. Đây là tội của quá nhiều Kitô hữu bám víu vào những gì lâu nay vẫn vậy, và không để cho người khác thay đổi. Và cuối cùng, họ rơi vào cuộc sống nửa vời, vá víu, vô nghĩa. Tội này là tội của tâm hồn khép chặt, không nghe tiếng Thiên Chúa, không mở ra với sự mới mẻ của Thiên Chúa, với Thần Khí luôn luôn cho chúng ta được kinh ngạc. Theo lời ngôn sứ Samuel, thì sự nổi loạn này là tội thần thánh hóa bản thân, và sự cứng đầu này là tội thờ ngẫu tượng.
Kitô hữu mà cứ cứng đầu theo cái ‘lâu nay luôn vậy’ lề lối là thế, thì họ phạm tội, rơi vào tội thần thánh hóa. Như thể họ nói: ‘Những gì đã có và không đổi, là chuyện quan trọng, những gì tôi nghe thế còn quan trọng hơn Lời Chúa.’ Cứng đầu cũng là tội thờ ngẫu tượng. Kitô hữu cứng đầu là phạm tội. ‘Vậy thì đâu là đường?’ Hãy mở lòng ra với Thần Khí, nhận định đâu là ý Chúa.
Vào thời Chúa Giêsu, những người Israel tốt lành có thói quen chay tịnh. Nhưng còn có một thực thể khác. Có Thần Khí dẫn dắt chúng ta đến với sự thật trọn vẹn. Và vì thế, Thánh Thần cần chúng ta có một tâm hồn mở ra, một tâm hồn không chai đá ở trong tội ngẫu tượng hóa bản thân, tưởng tượng rằng ý của mình còn quan trọng hơn sự kinh ngạc của Thần Khí.
Đây là thông điệp mà Giáo hội cho chúng ta ngày hôm nay. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã nói rất mạnh: ‘Rượu mới phải đựng trong bầu mới.’ Các lề lối phải được đổi mới trong sự mới mẻ của Thần Khí, trong những kinh ngạc của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta ơn có một trái tim mở rộng, một trái tim mở ra với tiếng nói của Thần Khí, một trái tim biết nhận định điều gì là căn bản không được thay đổi, và điều gì cần phải thay đổi để đón nhận sự mới mẻ của Thần Khí.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét