Trang

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

KINH THÁNH, LỜI CỦA THIÊN CHÚA TRONG NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI



 

 
SACH1KINH THÁNH LỜI THIÊN CHÚA TRONG NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI

Giới thiệu:

Chúng ta gọi Kinh Thánh là “Lời Thiên Chúa”, nhưng nhìn từ bên ngoài thì các sách Kinh Thánh cũng đã thành hình như mọi cuốn sách khác. Khoa nghiên cứu lịch sử vạch lại từng giai đoạn của tiến trình hình thành đó, cho thấy các tác giả viết Kinh Thánh đã làm việc thế nào về phương diện văn chương và thần học, và nêu rõ rằng nhiều điểm trong các sách Kinh Thánh cũng có tính cách giới hạn và lệ thuộc thời gian. Trước mắt sử gia “tính chất con người” của Kinh Thánh nổi bật. Vậy thì sao lại có thể coi đó là Lời Thiên Chúa ?

Tập nhỏ này đặt vấn đề cách thẳng thắn, không tránh né. Tác giả lấy các Phúc âm làm ví dụ đã cho thấy Lời Thiên Chúa và ngôn ngữ loài người liên kết mật thiết với nhau trong Kinh Thánh.

Nguyên tác: GERHARD LOHFINK
Die bibel: Gotteswort in Menschenw ort
Katholisches Bibelwerk xuất bản,
Stutgart, 1967.


MỞ

Trong tranh ảnh thời Trung Cổ, ta thường thấy một bức ảnh trình bày một tác giả Phúc âm đang soạn thảo tác phẩm của mình. Vị đó ngồi trước một giá gỗ nhỏ trên có một trang giấy bằng da, tay cầm bút, mắt tuy chăm chú nhìn vào công việc của mình, nhưng đầu hơi nghiêng để lắng nghe một chim câu đang kề bên tai. Chim câu này tượng trưng cho Thánh Thần của Chúa đang đọc những điều tác giả phải viết.

Đó là hình ảnh người ta dùng để miêu tả một giáo điều của Hội thánh Công giáo: Kinh Thánh là một bộ sách có tính cách linh ứng, nghĩa là Thiên Chúa là tác giả, Kinh Thánh hoàn toàn là Lời Chúa.

Như vậy, tự nhiên người ta phải đặt một câu hỏi: người vẽ bức tranh mà ta vừa tả ở trên muốn nói gì ? Có phải Thánh Thần chỉ nhằm một điều là thật sự làm nổi bật lời Thiên Chúa đúng như ý Thiên Chúa muốn, đồng thời con người vẫn dùng ngôn ngữ của mình và viết theo đường lối mình ? Như một người thư ký lành nghề biết tự mình soạn một lá thơ hoàn toàn phản ảnh lối viết của mình, nhưng vẫn trung thành trong từng câu với ý của chủ. Hay là bức ảnh trên thật sự muốn nói rằng Chúa Thánh Thần thật sự đã đọc cho tác giả Phúc âm viết từng chữ ? Nếu như thế thì tác giả Phúc âm chỉ là một thư ký máy móc đã loại bỏ hoàn toàn những gì là của mình để như một cái máy ghi nhận Lời Chúa.

Vào thế kỷ 16-17, một vài nhà thần học đã hiểu vai trò của tác giả Phúc âm như một loại máy móc. Thuyết thần học đó là thuyết: “linh ứng từng câu từng chữ” (inspiration verbale). Theo thuyết này thì mỗi chữ trong Kinh Thánh, ngay cả những chữ ít quan trọng nhất, cũng đều trực tiếp do Thiên Chúa linh ứng. Trong hội thánh Tin lành xưa kia còn có khuynh hướng chính thống chủ trương coi tất cả mọi yếu tố trong bản văn Hipri đều do Thiên Chúa mạc khải, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Theo khuynh hướng nầy thì quan niệm cho rằng trong bản văn Kinh Thánh có những lỗi lầm về văn phạm hay những đoạn nghịch ý, phản ánh một thái độ bỏ Thiên Chúa.

Trong thần học công giáo ta không thấy có lập trường quá khích đó, lý do chẳng qua là vì Giáo hội công giáo dựa vào bản Vulgata nhiều hơn, nghĩa là một bản dịch Latinh. Thần học công giáo theo giả thuyết thứ nhất, coi tác giả Phúc âm như mội người thư ký lành nghề và tự lập.

Nhưng ta phải hiểu rõ ngay rằng, đây chỉ là một lối diễn tả phụ thuộc, một cố gắng sơ sài tìm hiểu mầu nhiệm linh ứng; làm sao một cuốn sách do con người viết, và trong cuốn sách đó, câu nào cũng do con người viết, làm sao cuốn sách đó lại là lời của Thiên Chúa , từ đầu chí cuối ?

Hình ảnh người thư ký lành nghề và tự lập cũng không được ưa chuộng mấy trong giới thần học ngày nay. Tại vì nếu ta hiểu vai trò của tác giả Phúc âm như vậy, có thể ta đánh giá quá thấp đóng góp của con người trong sự hình thành Kinh Thánh . Tại vì người thư ký lành nghề nhất cũng thường chỉ được dùng đến để viết những gì ông chủ đọc mà thôi, và chỉ đóng góp tối thiểu trong bản văn. Nhưng trường hợp Kinh Thánh thì hoàn toàn khác. Ngày nay chúng ta thấy rõ ràng hơn trước tầm quan trọng của con người trong sự hình thành sách Thánh.

Ngoài ra, bằng hình ảnh người thư ký, người ta hiểu một cách vô căn cứ rằng, Thiên Chúa đã dùng một người duy nhất để làm một cuốn Phúc âm. Thật ra thì khoa nghiên cứu Kinh Thánh là những sáng tác của các tác giả Phúc âm , mà mỗi cuốn bao gồm công lao của nhiều người. Mỗi tác giả Phúc âm đã sử dụng những tài liệu khẩu truyền hay văn truyền có sẵn từ lâu trong Hội Thánh. Mỗi cuốn Phúc âm chỉ là giai đoạn cuối cùng của một tiến trình phức tạp và lâu dài.
Trước khi ta đi vào phần 1: “ Thánh Kinh như ngôn ngữ của con người”, ta phải trình bày vắn tắt tiến trình phức tạp và lâu dài.

Thánh kinh không phải chỉ có các sách Phúc âm . Thánh Kinh là ngôn ngữ của con người, câu này cũng đúng cho những sách trong Cựu Ước, cho các thơ của thánh Phaolô và cho những bản văn khác trong Tân Ước. Nhưng tạm thời chúng ta giới hạn trong các sách Phúc âm.

Trước hết, ta trình bày cách vắn tắt tiến trình lịch sử đưa đến các sách Phúc âm:

1, Căn bản và khởi điểm của các sách Phúc âm chính là Đức Giêsu với tất cả những gì Người làm và giảng trong thời gian hoạt động.

2, Sau khi Đức Giêsu sống lại, các tông đồ bắt đầu rao giảng về Đức Giêsu, và quả quyết: Người là Đức Kitô. Trong khi rao giảng như vậy, các tông đồ trình bày niềm tin của mình trong những công thức ngắn gọn. Hội thánh nguyên thủy dùng những công thức đó để diễn tả lòng tin của mình vào Chúa Kitô, ví dụ: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, Người đã được mai táng, ngày thứ ba Người đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh đã chép, Người đã hiện ra cho Kêpha, rồi cho 12 tông đồ, sau đó Người đã hiện ra cho hơn 500 anh em trong một lần …” (1 Cr 15,3-6)

Những tín đề ngắn gọn đó đánh dấu bước đầu của “Kinh Tin Kính của các tông đồ” mà ngày nay ta vẫn còn đọc.

Bên cạnh những công thức tóm tắt đó, truyền thống cũng để lại nhiều lời của Đức Giêsu, đồng thời còn có những mẫu chuyện kể việc Người làm. Thoạt tiên tất cả những yếu tố này đều có tính cách khẩu truyền. trong buổi đầu của Hội Thánh chưa có gì được viết ra, lại càng chưa có những sách Phúc âm. Điều này thật dễ hiểu: Những Kitô hữu đầu tiên hằng ngày mong chờ Đức Giêsu trở lại và đợi ngày tận thế. Khi người ta nóng lòng mong đợi như vậy thì chẳng cần có những văn bản.

Giai đoạn quyết định đưa đến sự thành hình những sách Phúc âm là lúc người ta sắp xếp những lời nói của Đức Giêsu thành những tập nhỏ. Việc này có những lý do thực tiễn. làm như vậy là để dễ kiếm những lời của Đức Giêsu cần thiết cho việc giảng dạy, và những lời này được xếp theo đề tài. Do đó mà người ta thường gặp trong Phúc âm hàng loạt những lời nói của Đức Giêsu, trong khi Người đã nói ra những lời đó trong nhiều hoàn cảnh rất khác biệt. Những biến cố trong đời Đức Giêsu cũng vậy, nhất là những việc lạ Người làm để chữa bệnh hay đuổi ma quỷ. tập kể lại những biến cố trong đời Đức Giêsu cũ nhất có lẽ là tập thuật lại cuộc khổ nạn của Chúa, một giai đoạn không kém quan trọng trong sự hình thành các sách Phúc âm là lúc những lời của Đức Giêsu được dịch từ tiếng Aram sang tiếng Hylạp.

Thật ra chúng ta không biết rõ chi tiết của giai đoạn này. Chúng ta chỉ có thể dựa vào các bản Phúc âm và các sách trong Tân ước để suy đoán tiến trình mà chúng ta vừa nói đến.

3. Vào một lúc nào đó giữa năm 30 và 70, người ta đã chép lại lần đầu tiên một khẩu truyền. Trong thời gian này, các tín hữu thuộc vào thế hệ thứ 2 , và không thể nào đơn thuần dựa vào khẩu truyền. Trong thời gian soạn thảo này, ta phải để ý đến những vai trò quan trọng của truyền thống đã thành hình trong thế hệ trước.

Khi thánh Luca viết Phúc âm của người vào thế kỷ thứ 1, người có thể dựa vào và sử dụng những bản văn có sãn nói về Đức Giêsu . Một trong những tài liệu đó vẫn còn cho đến ngày nay: Đó là Phúc âm theo thánh Marcô, còn những tài liệu khác đều thất lạc. Nếu ngày nay người ta tìm lại được một trong những tài liệu đó thì thật là một biến cố quan trọng trong giới nghiên cứu. Nhưng việc này khó mà xảy ra được.
Điểm đáng chú ý là truyền thống khẩu truyền vẫn tiếp tục sau khi những bản văn đầu tiên xuất hiện và ảnh hưởng đến những sách Phúc âm viết sau.

Sau Phúc âm theo thánh Matthêu và Luca, còn xuất hiện những sách khác. Những bản đó, hoặc đã thất lạc, hoặc không được Hội thánh công nhận, vì trong đó có một vài điểm lệch lạc về tín lý hay không trung thành với truyền thống của Hội thánh. Chỉ có một bản được công nhận đó là Phúc âm theo thánh Gioan. Bản này trình bày rất khác so với Matthêu và Luca.

4, Từ lúc người ta có các bản văn Phúc âm, lịch sử các sách Phúc âm bắt đầu. Lịch sử đó kéo dài tới lúc phát minh kỹ thuật ấn loát trong thế kỷ 15. Như vậy là trong gần 15 thế kỷ, người ta đã phải tốn công sức chép lại Kinh Thánh bằng tay. Công việc này đòi hỏi nhiều thời giờ tiền của, nên bộ Kinh Thánh lúc đó rất có giá.

Cho đến thế kỷ thứ 4, người ta dùng giấy papyrus, bởi đó đa số các cuốn Kinh Thánh cổ còn giữ lại được, đã được chép sau năm 300.

5, Đồng thời và song song với bộ lịch sử Kinh Thánh, ta có lịch sử những bản dịch Kinh Thánh. Toàn bộ Tân ước được viết bằng tiếng Hylạp, nhưng ngay thế kỷ thứ 2 và 3, đã có những bản dịch ra tiếng Latinh, Xyri và Aicập. Lịch sử này tiếp tục cho đến ngày nay.

Sau khi trình bày tóm tắt những vấn đề liên quan đến sự thành hình những bản văn Phúc âm ta phải đi vào chi tiết và đây cũng là dịp để nhấn mạnh trên tính cách con người của Lời Chúa.

PHẦN I:

KINH THÁNH, NGÔN NGỮ CỦA CON NGƯỜI


1, Những bản dịch Kinh Thánh tỏ rõ vai trò của con người:

Ta thấy rõ tính chất con người của Lời Chúa trong các bộ Kinh Thánh của chúng ta, chỉ cần lấy một ví dụ, chẳng hạn câu đầu của Phúc âm theo thánh Luca: Thánh Luca nói rằng trước ông, đã có những bản văn nói về Tin mừng. Trong các bản Phúc âm tiếng Việt, ta thấy nhiều lối dịch khác nhau:

– Tân ước Đức Giêsu của Thánh Kinh Thiện Bản (1969): “Nhiều người có ý định ghi chép mọi biến cố đã xảy ra giữa chúng ta …”

– Kinh Thánh Tân ước Hội Ghiđêôn: “Vì chưng đã có nhiều người cầm bút chép truyện về những việc đã hoàn toàn thành tựu giữa chúng ta …”

– Thánh Kinh bản dịch của Nguyễn Thế Thuấn (1976): “Bởi chưng đã có nhiều người tra tay diễn lại trình tự các biến cố đã thực hiện giữa chúng tôi …”

Như vậy, chỉ trong một Phúc âm thôi, ta đã thấy khác biệt lớn lao trong lối phiên dịch. Phải cho là cả 3 bản dịch đều đúng cả, nhưng cũng phải công nhận là không có bản nào đã hoàn nguyên bản Hylạp. Mỗi bản dịch là một lối dung hòa giữa hai đòi hỏi: Trung thành với ý nghĩa nguyên bản, trung thành với tinh thần của ngôn ngữ dùng trong bản dịch. Như vậy ta phải chấp nhận rằng, khi ta nghe Lời Chúa trong tiếng mẹ đẻ thì không bao giờ ta đạt đến sự trong sáng và ý nghĩa rõ ràng của nguyên bản Hylạp. Điều này nói lên tính chất con người của Lời Chúa.

2, Cách truyền lại văn bản cũng nói lên tính chất con người:

Muốn dịch Tân ước cho đúng, ta phải trở lại nguyên ngữ Hylạp. Nhưng vấn đề là: bản văn Hylạp mà hiện nay ta sử dụng có thật đúng với các bản văn các tác giả Tân ước đã viết hay không ?

Chúng ta biết rằng, người ta đã tốn rất nhiều công lao trong bao thế kỷ để chép lại Kinh Thánh . Chúng ta cứ thử chép lại một đoạn văn dài mà xem. Không có một ai, dù chăm chú và cần mẫn đến đâu đi nữa, mà không thỉnh thoảng phạm một lỗi, không những một lỗi chính tả mà có khi có thể sót một chữ hay viết một chữ hai lần …

Khi người ta chép lại Kinh Thánh thì sự thể cũng như vậy. Những người chép sau lặp lại những lỗi lầm của người đi trước. Tuy nhiên cũng có lúc người ta nhận ra lỗi lầm và sửa lại bản văn. Nhưng chính đây là một điểm nguy hiểm. Vì nhiều lúc họ tưởng klhám phá lỗi lầm ở những đoạn mà thật ra không có lỗi, và như vậy chính thiện chí của họ lại là nguyên nhân làm hư bản văn.

Vậy phải chăng bản văn ta hiện đang dùng là một bản văn bị làm hư, không thể nào chữa được ? Phải chăng đó là một bản văn hầu như không có liên quan gì với nguyên bản được soạn trong thế kỷ thứ 1 ? Thưa: không phải thế, vì những lỗi phạm chỉ xảy ra trong những điểm nhỏ, ít quan trọng như chính tả, bỏ sót một vài chữ, đổi thứ tự chữ, thêm thắt một vài chữ … Những lỗi đó, một nhà chuyên môn có thể nhận ra dễ dàng và sửa lại.

Quan trọng hơn cả là vào những thế kỷ vừa qua, người ta đã tìm lại được những thủ bản Kinh Thánh rất cổ. Bản cổ nhất mà ta có hiện nay được chép vào khoảng năm 130. Bản này chỉ có một vài dòng trong Phúc âm theo thánh Gioan. Phúc âm này được soạn vào cuối thế kỷ thứ nhất, cho nên giữa nguyên bản và thủ bản này chỉ có một khoảng cách độ vài chục năm. Khoảng cách càng nhỏ bao nhiêu thì ta lại càng chữa được các lỗi phạm bấy nhiêu.

Hiện nay, nhiều nhà chuyên môn đang cố gắng hoàn lại nguyên bản một cách hoàn toàn trong tình trạng nguyên thủy. Nhiều lỗi phạm trong văn bản đố ai có thể sửa lại được. Đó âu cũng là một điểm cho ta thấy tính chất con người của Lời Chúa.

Trước khi sang vấn đề khác, ta phải cho thấy tầm quan trọng của khoa nghiên cứu lịch sử bản văn và khoa hiệu đính bản văn. Ta lấy một ví dụ: Ta biết là Giáo hội Tin lành dùng một Kinh Lạy Cha dài hơn Kinh Lạy Cha của Giáo hội Công giáo. Người Tin lành thêm vào ở cuối: Vì Chúa là Vua uy quyền và vinh hiển muôn đời. Amen.

Kinh Lạy Cha dùng trong phụng vụ được trích từ Phúc âm theo thánh Matthêu, chương 6. Thật ra thì một vài thủ bản sau này có thêm vào ở chỗ đó câu: “Vì Chúa là Vua uy quyền…”, nhưng trong những bản cổ hơn thì không có câu đó. Như thế ta phải kết luận rằng công thức kết thúc long trọng Kinh Lạy Cha không có trong nguyên bản Phúc âm theo thánh Matthêu. Kinh Lạy Cha trong nguyên bản kết thúc ở câu: “nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Như vậy là chỉ sau này người ta mới thêm câu kết long trọng vào. Ai đã thêm? Có lẽ những người chép đã quen dùng trong phụng vụ thể thức long trọng của Kinh Lạy Cha. Có lẽ ngay từ đầu người ta luôn kết thúc Kinh Lạy Cha bằng công thức đó để tán dương Thiên Chúa, và đây là một thói quen đã có ngay trong truyền thống Dothái. Đây là một ví dụ cho ta thấy ảnh hưởng của phụng vụ trên sự hình thành của các bản văn Tân ước. Trong ví dụ này, người chuyên môn rất dễ nhận ra rằng công thức kết thúc: “Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời” không có tính cánh nguyên thủy vì không có trong những bản cổ nhất.

3, Lối làm việc của tác giả cũng tỏ rõ tính chất con người :

Sau các vấn đề liên quan đến việc dịch và truyền lại Phúc âm, bây giờ ta phải đề cấp đến lối làm việc của chính các tác giả. Ta có thế thấy rõ rằng mỗi tác giả đều có một lối hành văn riêng. Ví dụ: thánh Marcô dùng ngôn ngữ Hylạp một cách rất đơn sơ, nhiều khi phạm lỗi về văn phạm. Đó là một ngôn ngữ do người thường và kém văn hóa dùng. Trái lại, thánh Luca dùng một ngôn ngữ cao và văn vẻ hơn. Mỗi tác giả hành văn theo trình độ văn hóa của mình và theo tình trạng của môi trường sống. Nói tóm lại, lối hành văn của các tác giả Phúc âm biểu lộ tính chất con người của Lời Chúa.

Giờ đây ta hãy chú tâm đến một điểm quan trọng và thú vị hơn: đó là vấn đề liên quan giữa 4 Phúc âm . Ai đã lần lượt đọc 4 Phúc âm đều phải công nhận rằng: Ba bản đầu rất giống nhau và lệ thuộc chặt chẽ vào nhau, còn Phúc âm theo thánh Gioan thì rất khác biệt. Khác biệt ở chỗ theo Mt, Mc và Luca thì Đức Giêsu bắt đầu hoạt động bằng cách xin thánh Gioan làm Phép rửa cho mình, rồi Người ăn chay cầu nguyện 40 ngày trong sa mạc. Sau đó Phúc âm kể lại công việc của Người ở Galilê và các vùng lân cận, rồi kể lại hành trình của Người lên Giêrusalem, nơi người Dothái hành hương để cử hành đại lễ, sau hết kể lại những ngày cuối cùng của Người ở trong thành. Kết thúc là bài tường thuật sự thương khó của Người, và những lần Người hiện ra sau khi sống lại. Mt. Mc và Luca chỉ biết có một hành trình duy nhất lên Giêrusalem, và cho ta có cảm tưởng Đức Giêsu chỉ hoạt động trong vòng một năm mà thôi.

Phúc âm theo thánh Gioan thì khác hẳn, thánh Gioan không theo công thức đơn giản: Xứ Galilê trước rồi lên Giêrusalem sau. Trong Gioan Đức Giêsu đi đi lại lại giữa hai nơi này, và đã mừng ba lễ Vượt Qua trong suốt thời gian rao giảng Tin mừng: Như vậy thời gian hoạt động của Người ít nhất cũng dài 2 năm. Phúc âm theo Mt. Mc và Luca giống nhau không những theo lượt đề chính mà còn trình bày nhiều đoạn song song, đền nỗi người ta có thể chép song song để so sánh. Sách được trình bày như vậy thường được gọi là cuốn nhất lãm (synopse), và ba Phúc âm này cũng có tên là Phúc âm nhất lãm, khác với Phúc âm theo thánh Gioan.

Làm sao giải thích sự kiện các Phúc âm nhất lãm giống nhau và đồng nhất như vậy ?

Có rất nhiều giải pháp cho vấn đề này, có lẽ cả ba Phúc âm đều lệ thuộc vào một bản cổ hơn mà ta gọi là P. này đã mất đi nhưng Mt. Mc và Lc biết đến và đã sử dụng.

Người ta có thể nghĩ ra nhiều giải pháp khác nhau. Tất cả những gì liên quan đến vấn đề này được gọi tóm là “vấn đề nhất lãm”. Người ta đã tốn rất nhiều công để giải quyết vấn đề này. Nhiều sách đã được xuất bản và nhiều lúc công trình khảo cứu đã đi vào con đường bế tắc. Giả thuyết giản dị nhất có thể giải quyết vấn đề một cách xứng hợp nhất và được hầu hết các nhà chuyên môn chấp nhận, là giả thuyết sau đây: Bản Phúc âm cổ nhất là Mc, Mt và Lc không lệ thuộc vào nhau trực tiếp, nhưng cả hai đều sử dụng Mc. Ngoài ra Mt và Lc còn dùng một tài liệu khác. Tài liệu này đã mất, nhưng ta có thể từ những đoạn chung cho Mt và Lc mà hoàn lại ít là phần nào. ta gọi tài liệu này là Q.

Gioan có biết các Phúc âm nhất lãm không ? Đó là một vấn đề vẫn còn được bàn cãi nhiều. Có thể là Phúc âm Gioan lệ thuộc vào những truyền thống khác. Một người không chuyên về Kinh Thánh chỉ cần biết rằng: Phúc âm Gioan là bản mới nhất trong 4 Phúc âm và trình bày theo một thể thức và một thứ tự rất khác so với các Phúc âm nhất lãm. Mc là bản cổ nhất, Mt và Lc đều lệ thuộc vào Mc. Ta có thể nói Mt và Lc đã chép lại của Mc. Đó âu cũng là một khía cạnh tính chất loài người của Lời Chúa .

Nhưng không phải vì thế mà ta có thể cho rằng các tác giả Phúc âm chỉ là những người chép lại và sưu tầm cách máy móc những truyền thống cổ xưa về Đức Giêsu.

Một sai lệch là cho rằng các tác giả Phúc âm đã tìm tài liệu cho thật nhiều để viết tiểu sử của Đức Giêsu. Ai muốn coi Phúc âm như là một cuốn phim về đời Đức Giêsu hay một cuốn băng ghi lại những lời nói và lý thuyết của Người, đều không biết đánh giá Phúc âm một cách thích đáng.

Các tác giả Phúc âm không phải là những sử gia theo nghĩa hiện đại. Họ không làm công việc của một sử gia, họ cũng không chủ ý viết một tiểu sử Đức Giêsu . Trái lại họ chỉ muốn rao giảng Đức Giêsu đã chết để cứu chúng ta và Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết. Họ muốn tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người sẽ đến trong vinh quang. họ muốn kêu gọi loài người có một quyết định dứt khoát về Đấng mà họ nhìn nhận là Đức Kitô. Họ muốn loan truyền cho thời đại của họ Tin mừng cứu độ mà xưa kia Người đã loan báo khi còn ở Galilê. Đó là lý do thúc đẩy họ viết các Phúc âm.

Như vậy họ không nuốn dẫn người đọc đi thăm một viện bảo tàng lịch sử trong đó có chân dung của Đức Giêsu và của các tông đồ. Họ chỉ muốn loan truyền Tin mừng sống động của Đức Kitô.

Bây giờ chúng ta phải nghĩ đến điểm này là từ lúc Đức Giêsu rao giảng và hoàn tất sứ mệnh của mình, thì thời gian vẫn tiếp tục trôi qua. 30 đến 60 năm đã qua đi từ lúc Người chịu chết. Và trong thời gian đó đã xảy ra biết bao nhiêu biến cố. Sứ điệp của Đức Kitô đã từ Palestin xâm nhập vào các thành thị lớn của Địa Trung Hải: Antiokia, Athênê, Côrintô, Êphêxô, Rôma, Alexandria. Không phải chỉ có những người thợ ở Galilê và những người nghèo ở Giêrusalem mới tin vào Phúc âm. Bây giờ có cả những người xuất thân từ giai cấp cao và có văn hóa cao nữa. Giáo hội đã phát triển và gặp nhiều vấn đề mới và cấp bách. Ít khi ta ý thức rằng môi trường xuất hiện của các Phúc âm là một môi trường mới. Lẽ dĩ nhiên là người viết Phúc âm phải đương đầu với một nhiệm vụ rất nặng nề. Muốn cho Phúc âm thực sự sống động thì phải tìm cách khai thác các truyền thống nói về Đức Giêsu , hầu đáp ứng những vấn đề cấp bách và những lo âu của thời đại đang sống.

Vì thế, chúng ta cần hiểu rằng các tác giả Phúc âm trong một tình cảnh mới đã trình bày lại lời nói và hành động của Đức Giêsu. Họ đã phải nhấn mạnh trên điểm này, đề cao điểm nọ, bỏ điều này, giảm tầm quan trọng của điều kia, nhất là khi những điều đó khó hiểu đối với thời đại của họ. Nơi họ loan truyền Phúc âm không phải là một môi trường trống rỗng, họ không soạn bài trong một tháp ngà, trái lại họ quan tâm đến những khó khăn cụ thể của cộng đoàn mà họ có nhiệm vụ giáo hóa.

Chúng ta biết một trong các tài liệu đã được Mt và Lc sử dụng là văn bản của Mc, cho nên ta có thể theo sát lối hành văn của hai vị này. Chúng ta chỉ cần có một cuốn Phúc âm nhất lãm là chúng ta có thể biết hai vị đã sửa đổi, cắt xén bản văn của Mc như thế nào. Công việc so sánh này rất hấp dẫn, vì nhân đó ta có thể ý thức những vấn đề thần học và truyền giáo của Giáo hội thời đó.

Ta thử lấy một vài ví dụ trong Phúc âm theo thánh Lc: Khi so sánh Mc và Lc, ta thấy ngay rằng trong Phúc âm theo thánh Lc, Đức Giêsu xuất hiện một cách rõ ràng hơn như một vị cứu tinh tốt lành của những người tội lỗi. Không phải là Lc đã bịa đặt nét này. Đúng Đức Giêsu là vị cứu tinh tốt lành, tế nhị và giàu lòng thương xót. Và cũng không phải là trong Mc ta không thấy nét này. Có điều là Lc đặc biệt nhấn mạnh trên nét đó và đã làm cho ta chú ý đến nó. Lc đã lấy trong truyền thống những chi tiết cụ thể để trình bày lòng nhân từ của Đức Kitô.

Chỉ một mình Lc đã truyền lại Lời của Đức Giêsu: “Con Người đến để tìm kiếm và cứu chữa những ai đã hư mất” (Lc 19,10).

Theo Mc thì Đức Giêsu đã bị hai tên trộm cướp chửi rủa trên thập giá (Mc 15,32), trong khi Lc thì chỉ có một tên chửi Người mà thôi, còn tên kia thì lại cầu xin Người: “Lạy Đức Giêsu xin nhớ đến con khi Ngài vào trong Vương quốc của Ngài” . Và Người trả lời: “Tôi bảo với anh, hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 39-43).

Chỉ một mình Lc thuật lại việc Đức Giêsu tha tội cho kẻ thù khi Người chịu khổ hình: “Lạy Cha xin tha tội cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,43).

Chỉ một mình Lc đã nói đến cái nhìn của Đức Giêsu, cái nhìn đã làm cho thánh Phêrô ăn năn hối cải vì đã chối Thầy (Lc 22,61).

Như vậy ta thấy chủ ý của Lc là cho người đọc ý thức lòng nhân từ của Đức Kitô đối với người tội lỗi.

Một nét khác là Phúc âm Lc dành cho người Kitô hữu gốc ngoại. Đối với người Hylạp và người Rôma thì văn hóa Dothái chứa đựng trong truyền thống Phúc âm, rất xa lạ và khó hiểu. Vì thế Lc đã loại bỏ những yếu tố văn hóa đó khi không cần thiết. Một ví dụ: trong đoạn thuật lại Đức Giêsu chữa người tê bại, Mc viết: “Người ta đem đến cùng Người một người tê bại có bốn người khiêng. Vì quá đông dân chúng nên không thể đem đến cho Ngài, thì họ dỡ mái nhà, chỗ có Ngài, khoét lỗ rồi đem mền chõng người bất toại mà thòng xuống” (Mc 2,3-4). Lc đã lấy lại gần như nguyên văn đoạn này, nhưng đã sửa đổi chi tiết như sau: “Họ trèo lên sân thượng và ngang qua ngói, họ chuyển cả ngường cả chõng xuống ngay giữa đám, trước mắt Đức Giêsu” (Lc 5,19).

Trong bản văn Mc không nói đến ngói vì ở Palestine không có mái ngói. Mái nhà ở đó bằng phẳng làm bằng gỗ và sậy, có một lớp đất phủ lên. Như vậy Mc dùng chữ “dỡ mái” rất đúng. Nhưng Lc thì phải thích nghi với não trạng của người đọc có văn hóa Hylạp: chỉ cần dỡ ít viên ngói là được.

Ta thấy Lc cẩn thận chú ý đến lối hiểu của người đọc, chỗ nào có thể hiểu lầm thì Lc làm mờ đi một vài nét hoặc bỏ hẳn.

Trong Mc, Đức Giêsu cô đơn đi con dường của mình. Dân chúng không hiểu sứ mệnh đặc biệt của Người, những người có chức vị trong dân thì cứng tin, ngay cả họ hàng thân tộc và môn đệ cũng tỏ ra không hiểu. Lc đã làm mờ đi chính cái nét cô đơn của Chúa Giêsu. Trong Mc, Đức Giêsu có nói: “Tiên tri mà có bị khinh bỉ thì chỉ có nơi quê quán, nơi bà con và nơi nhà mình mà thôi” (Mc 6,4). Người nói câu đó vì ngay trong quê hương của mình, người ta đã không chấp nhận Người. Trong Lc thì chỉ còn: “Không có tiên tri nào được sùng mộ nơi quê quán mình” (Lc 4,24). Lc đã không muốn nói chạm tới bà con và gia đình của Đức Giêsu.

Cũng vì vậy mà Lc đã bỏ qua một đoạn mà Mc đã thuật lại: “Đức Giêsu đang bị dân chúng quây quần, đến nỗi Người không ăn uống được gì. Khi bà con của Người biết chuyện, họ kéo nhau đến để bắt Người về. Họ đã nặng lời thốt lên: Hắn đã điên rồi” (Mc 3, 20-21). Vì não trạng nhỏ hẹp, họ không thể nào hiểu được lòng nhiệt tình của Đức Giêsu trong việc thực thi sứ mạng, Lc thì bỏ hẳn đoạn này.

Lc cũng bỏ những chỗ có thể làm hại cho phẩm giá của Đức Giêsu, chẳng hạn như câu Người thốt trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ Con” (Mc 15,34), hoặc câu Người nói về tận thế: “Về ngày ấy hay giờ ấy, thì chẳng ai biết được, cả thiên thần trên trời, cả Người Con nữa, trừ phi là Cha” (Mc 13,32).

Theo Mc 3,5, đối với những người Pharisiêu đã không muốn Đức Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabat, thì Người nhìn họ vừa thịnh nộ vừa buồn cho lòng chai đá của họ. Lc thì chỉ viết : “Người nhìn tất cả bọn họ” (Lc 6,10). Lc cũng bỏ đoạn nói về nỗi kinh hoàng của Đức Giêsu trong Vườn Dầu: “Người bắt đầu kinh hoàng và âu sầu, Người bảo họ (Phêrô, Giacôbê và Gioan), lòng ta buồn quá đỗi, muốn chết được” (Mc 14,33-34).

Khi Đức Giêsu lần đầu tiên nói cho các môn đệ biết rằng Người sẽ chết ở Giêrusalem, thì họ rất công phẫn. Họ không thể nào hiểu được mầu nhiệm thương khó, Phêrô thay mặt cho anh em mình tìm cách khuyên Đức Giêsu đừng có những ý tưởng kỳ quặc như vậy. Đức Giêsu liền quở trách ông: “Xéo đi sau Ta, hỡi satan, vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Mc đã thuật lại như thế (8,32-33), còn Lc thì bỏ hẳn vì không muốn nói chạm đến các tông đồ, Lc cũng bỏ chi tiết mà Mc đã ghi lại, nói về các môn đệ bỏ chạy khi Đức Giêsu bị bắt (Mc 14,15).

Với não trạng của con người thời nay, có lẽ chúng ta không thể bỏ qua hay làm mờ nhạt đi những chi tiết đó. Các tông đồ có yếu đuối bỏ chạy, thì đó lại làm cho chúng ta tin vào chứng tá của các ngài hơn, vì các ngài gần với thân phận của con người chúng ta hơn. Đức Giêsu mà có thể nổi cơn thịnh nộ, hoặc run sợ vì kinh hoàng, hoặc lòng tràn đầy nỗi buồn, nhưng nét đó rất quý cho chúng ta, khi chúng ta buồn phiền hoặc phải gánh chịu những thử thách đau khổ. Ngày nay chúng ta không ngại vì những nét đó, trái lại chúng ta thích được biết những chi tiết cụ thể về Đức Giêsu. Lc thì lại nghĩ cách khác. Âu đó cũng là tính chất loài người của lời Thiên Chúa.

Chúng ta đã bỏ khá nhiều thì giờ để xét đến một tác giả của Phúc âm, thánh Lc. Đó là một việc cần thiết để chúng ta biết rõ nguồn gốc và bản chất của loại sách Phúc âm. Đó không phải là những bộ phim tài liệu về Đức Giêsu , mà là chứng tá của những tín hữu về sứ điệp và sứ mạnh của Người. Điều này ta đã thấy khi bàn về Phúc âm của thánh Lc, và cũng có thể thấy rõ nếu ta lấy Mt hay Gioan làm ví dụ.

4, Lối truyền khẩu cũng chứng tỏ tính chất loài người của Lời Chúa.

Chúng ta biết rằng, trước khi các Phúc âm được viết ra thì toàn thể chất liệu Tin mừng đã được truyền miệng, trong quá trình truyền miệng này có xảy ra 2 điều mà ta phải chú ý:

a, Những lời Đức Giêsu nói bằng tiếng Aram đã được dịch sang tiếng Hylạp. Như thế có nghĩa là: Tât cả vấn đề liên quan đến việc phiên dịch từ Hylạp sang sinh ngữ – vấn đề mà ta đã đề cập trên đây – đều có giá trị cho giai đoạn sơ khai này. Trước khi đến với chúng ta, lời của Đức Giêsu đã trải qua hai lần chuyển dịch. Mỗi lần chuyển dịch làm cho nội dung mất đi một phần sống động. Đó là tính chất loài người của Lời Chúa.

Chỉ còn vài câu nói của Đức Giêsu được giữ lại bằng tiếng Aram, đó là những tiếng kêu mà Giáo hội nguyên thủy đã nhận được, ví dụ: “Êli, Êli, lêma xabắcthani (lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa, sao Ngài bỏ Con), Abba (lạy Cha), Amen (thật), Epphatha (hãy mở ra), Talitha cum (này cô bé, hãy chỗi dậy).

b, Sau đây là điểm thứ hai mà ta phải chú ý trong vấn đề truyền khẩu: nhiều điều đã bị loại bỏ và đã mất đi.

Các sách Phúc âm hầu như chỉ thuật lại thời gian Đức Giêsu công khai hoạt động. Ngay cả thời gian đó cũng không được kể hết: biết bao nhiêu dụ ngôn, biết bao nhiêu bài giảng sâu sắc, biết bao nhiêu phép lạ, gặp gỡ đã không được truyền lại cho chúng ta, đó là không muốn nói đến những chi tiết bề ngoài, là những điểm mà ngày nay ta rất chuộng. truyền thống đã chỉ thâu nhận một khúc nhỏ trong đời sống phong phú của Đức Giêsu.

Bây giờ ta phải chú ý đến những điểm sau đây: Mặc dầu truyền thống khẩu truyền đã loại bỏ nhiều, nhưng truyền thống vẫn còn phong phú hơn là những gì đã được viết trong các sách Phúc âm hay là những gì ta được biết qua các đường lối khác.

Ta hãy tưởng tượng truyền thống nói về Đức Giêsu như một giòng nước chảy mạnh mẽ. Từ giòng nước này, một phần đã được đưa vào lòng sông rõ rệt, đó là các sách Phúc âm. Phần còn lại vẫn chảy tiếp và chia ra thành nhiều nhánh tan biến trong những bãi cát của lịch sử. Chúng ta có thể ý thức cái phong phú của nguyên thuỷ của truyền thống khi gặp những câu nói của Đức Giêsu còn ghi lại trong tác phẩm của các Giáo phụ hay là trong những tài liệu mà ta tìm lại được. Sau đây là một vài lời không được ghi lại trong Phúc âm:

-“Ai gần ta, thì gần lửa,
Ai xa ta thì xa Vương quốc”
-“Không ai có thể vào Nước Trời
nếu không trải qua thử thách”
-“Các ngươi chỉ được vui sướng
Khi các ngươi nhìn anh em mình với con mắt thương yêu”
-“Hãy tự cứu và cứu đời mình”

Bốn câu này hợp với nội dung và văn thể của những bài mà ta đọc trong Phúc âm, do đó ta có thể coi đó là những câu nói đích thực của Đức Giêsu .

Tóm tắt lại, truyền thống khẩu truyền đã đánh mất đi nhiều lời nói của Đức Giêsu. Truyền thống này đã có nhiều kẽ hở, nhiều điều đã không được truyền lại. Điều này được truyền lại, điều kia lại không, nhiều khi hoàn toàn là do tình cờ: Sự kiện đó cũng nói lên tính chất loài người của Lời Chúa.

5, Lối Đức Giêsu công bố Tin mừng cũng hàm tính chất con người.

Lời nói và hành động của Đức Giêsu là điểm khởi nguyên của lịch sử các sách Phúc âm. Đây là điểm bắt đầu mọi sự. Ta tự hỏi, phải chăng ít ra ở đây không còn những nét biểu lộ tính chất loài người, không còn những ngẫu nhiên, những tình cờ nữa ? Đức Giêsu là Con Thiên Chúa , và lời Người phán ra chẳng phải là lời của Thiên Chúa sao, một lời của Thiên Chúa hoàn toàn thuần túy, không còn dính dáng gì đến tính chất loài người nữa ?

Ta phải khẳng định rằng không. Ngay cả việc Đức Giêsu công bố Tin mừng cũng nằm gọn trong những giới hạn cố hữu của lịch sử con người . Điều này ai phải rao giảng Phúc âm cũng nghiệm thấy, khi họ cố gắng mỗi chủ nhật diễn tả sứ điệp của Đức Giêsu đế tín hữu hiểu được. Ngay cả những người nghe cũng nghiệm thấy điều này, khi người giảng không thành công giúp họ hiểu ý nghĩa lời Đức Giêsu . Phải chăng Đức Giêsu đã nói một cách khó hiểu ? Không phải thế, nhưng Người sống một thời đại khác, trong một dân tộc khác. Người sống giữa những người Trung Đông, chính Người cũng là một người Trung Đông, nghĩa là lối cảm nghĩ của Người rất khác với lối cảm nghĩ của chúng ta, và những hình ảnh Người dùng phát xuất từ thế giới Trung Đông thời đó.

Ta đoán được thế giới xa lạ đó, khi Đức Giêsu dùng hình ảnh “cái dằm nơi mắt” (Mt 7,3), khi Người khuyên ta nên móc mắt chặt tay để khỏi bị sa hỏa ngục (Mt 5,27), hoặc khi Người khiển trách người Pharisiêu “Quân dẫn đàng mù quáng, các ngươi gạn lọc con muỗi, nhưng lại nuốt chửng con lạc đà” (Mt 23,24). Có lẽ ta thích những hình ảnh này vì nó xa lạ. Nhưng có nhiều hình ảnh ít hấp dẫn đối với chúng ta, như khi Người tự ví mình với gà mẹ (Mt 23,37), hay gọi chúng ta là “con chiên” (Ga 10). Những hình ảnh đó hơi chướng tai đối với chúng ta, nhưng ta phải thấy rõ: những hình ảnh mà Đức Giêsu hay dùng gắn liền với môi trường sống của Người. Những hình ảnh đó tự nó vĩ đại và nói lên một sự khẩn cấp. Chắc chắn là người đương thời của Người thích những hình ảnh đó lắm. Nhưng đối với chúng ta thì khác: ví dụ hình ảnh “con chiên” chỉ gợi cho ta sự ngu đần và thiếu sáng suốt mà thôi, nó diễn tả bản năng thô sơ của con người thường thích sống chúm chụm như những con vật, bản năng mà chúng ta phải tránh trong mọi trường hợp.

Nhiều lời nói của Đức Giêsu phải được giải thích thì ta mới hiểu được. Ta không biết canh hai hoặc canh ba của người Dothái là giờ nào (Lc 12,38), không biết Bêelzêbul là ai (Mc 3,22), ta không thể nào tưởng tượng ra “mồ mả tô vôi” là cái gì (Mt 23-27), và cũng không hiểu được tại sao “không ai lấy mụn vải sống mà điền vào áo cũ (Mt 9,16).

Còn có điều khó hơn nữa: Khái niệm trọng yếu nhất trong Tin mừng, khái niệm Nước Thiên Chúa, (trong Mt gọi là Nước Trời), cũng rất khó hiểu và cần được giải thích. Ngay đến bây giờ nhiều người vẫn tưởng Nước Thiên Chúa đồng nghĩa với Giáo hội hay thiên đàng, trong khi những người nghe Đức Giêsu giảng hiểu một cách hoàn toàn khác. Và Đức Giêsu cũng đã không nghĩ đến phương pháp làm cho con người thời đại nguyên tử hiểu ngay được ý của Người. Người giảng cho con người thời đó hiểu. Tôi cho là ở đây ta cũng phải nói: Đó là tính chất loài người của Lời Chúa.

Nhưng đó không phải là nguyên nhân độc nhất, khiến Tân ước khó hiểu và khó đọc, Đức Giêsu không những chỉ dùng ngôn ngữ thời đó, Người còn chỉ biết những vấn đề của thời đó, những vấn đề của những người đang nghe Người giảng, và những vấn đề đó khác với những vấn đề của chúng ta.

Vợ chồng phải làm gì khi đã có 3 con và biết rằng không thể nào có thêm được nữa ? Người lính phải làm gì khi họ có gia đình và bị bắt buộc tham gia vào một cuộc chiến bất công ? Nhà buôn phải làm gì khi dùng những phương pháp lương thiện , và do đó phải đầu hàng trước thủ đoạn của những người cạnh tranh?

Ta có thể đặt thêm nhiều câu hỏi tương tự, Đức Giêsu có thể giải đáp những câu hỏi đó, nếu những người thời đó đặt ra. Nhưng họ đã không đặt những câu hỏi đó. Ta chỉ cần nói qua về câu hỏi thứ nhất.

Nhiều con là một hãnh diện đối với các gia đình ở Đông Phương. Đó là một xã hội cần thiết cho xã hội thời đó. Vợ chồng mà không có con thì phải hổ thẹn trước bà con láng giềng. Vấn đề của chúng ta là cái khó khăn của vợ chồng thời nay hoàn toàn xa lạ với Đức Giêsu và dân Dothái thời đó.

Một vấn đề khác, ngày xưa Đức Giêsu đã chỉ trích thậm tệ những người có thái độ phô trương trong khi cầu nguyện. trong thế giới ngày nay, tệ nạn này chẳng còn nữa. Có lẽ vấn đề hiện nay là người ta không biết cầu nguyện nữa.

Nếu Đức Giêsu trong thế kỷ 20 thì Người sẽ dạy cho ta biết sống như một người của thế kỷ 20 mà vẫn giữ lòng tin và thờ phượng Thiên Chúa. Người sẽ quan tâm đến quần chúng đã mất mọi tín ngưỡng và sẽ dạy cho họ hiểu thể nào là cầu nguyện Chúa Cha, Đấng ngự trên trời, Người sẽ sống với chúng ta như xưa Người đã chia sẻ phận người với dân Palestin, với con mắt sáng suốt và lòng cảm thông. Người sẽ nhìn vào tận đáy lòng chúng ta và sẽ thấy hết mọi sự: lòng thiện chí, tính lương thiện, những ưu điểm của chúng ta, nhưng Người cũng sẽ thấy tính ích kỷ hèn nhát và thái độ dửng dưng của chúng ta. Như một bác sĩ giỏi, Người sẽ khám phá căn bệnh của chúng ta, một căn bệnh thâm độc đến nỗi chính chúng ta cũng không biết được.

Nhưng Đức Giêsu đã làm người hơn 2000 năm trước đây, nói những điều trên đây chỉ là mơ ước. Chính vì vậy mà không tìm thấy những vấn đề của chúng ta trong Tân ước. Việc này chứng tỏ tính chất loài người của Lời Chúa, một lời gắn liền với thời gian, và đây cũng là điểm khó nhất cho chúng ta chấp nhận.

Nhờ một vài nét đại cương, ta đã có được một cái nhìn tổng quát về lịch sử của các sách Phúc âm, từ lời giảng của Đức Giêsu đến những vấn đề dịch thuật. chúng ta thấy con người đã tham dự rất nhiều trong việc hình thành các sách này: Kinh Thánh là lời của con người , nhưng đó chỉ là một mặt. bây giờ chúng ta phải xét đến Kinh Thánh như là lời của Thiên Chúa.

PHẦN II:
KINH THÁNH, LỜI CỦA THIÊN CHÚA.


1, Kinh Thánh có sức ảnh hưởng trên lịch sử:

Nếu trong Kinh Thánh chỉ có lời của con người , thì Kinh Thánh có thể trở thành cuốn sách được thiên hạ đọc nhiều nhất không ?

Có lẽ chúng ta nên dừng lại đây suy nghĩ một chút. ta hãy xét đến những tác phẩm khác đã được viết vào thời thượng cổ. Các sách đó bây giờ ra sao ? Phần lớn đã thất lạc, phần còn lại rất ít người đọc. Nhiều cuốn chỉ còn được các nhà chuyên sử học hay ngôn ngữ học biết tới, vì đó là nghề của họ.

Một vài tác phẩm thì tuy có nhiều học sinh đọc tới, nhưng một cách miễn cưỡng và chỉ cho đến khi họ học xong trung học. Rồi họ lại chóng quên đi. Ngoài ra cũng có một số người thật sự thích đọc sách cổ, nhưng con số đó rất giới hạn. Socrat tự bào chữa, do Platon soạn cũng rất ít người biết tới.

Không những ta chú ý đến số người đọc, at còn phải tự hỏi, những sách cổ đó ảnh hưởng trên lịch sử như thế nào, đã biến đổi xã hội ra sao. Và ta phải công nhận rằng, những tác phẩm của các thời đại quá khứ đó chẳng còn ảnh hưởng gì đối với chúng ta nữa. Các tác phẩm đó có thể rất hay, rất đáng chú ý, trong lịch sử nhân loại những cuốn đó có thể đã đóng một vai trò, nhưng không có một trường hợp nào mà một người đọc những sách đó đã đổi mới đời mình. Những cuốn sách đó không còn sức làm cho ta lo lắng tâm sâu. Trong khi đó Kinh Thánh có thể làm cho ta muốn thay đổi tận gốc rễ, lối sống. Không những Kinh Thánh đã ảnh hưởng sâu đậm đến lịch sử Âu Châu, ngày nay Kinh Thánh cũng chưa trở thành một bộ sách lỗi thời. trái lại, nếu tôi không lầm, hiện nay trong Giáo hội công giáo đang có một phong trào tìm hiểu Kinh Thánh rộng lớn, một phong trào chưa từng thấy trong lịch sử Giáo hội. Kinh Thánh có tầm ảnh hưởng lớn như vậy, mặc dù có tính chất loài người và bị giới hạn lịch sử: đó là bộ Coran, cuốn sách thánh của Hồi giáo, nhưng cuốn Coran chỉ ảnh hưởng như thế là vì nó là một cuốn sách có tính cách hoàn toàn tôn giáo, và thuộc vào truyền thống bắt nguồn từ Abraham và xuyên qua Đức Giêsu. Tiên tri Mohammed, nhà sáng lập Hồi giáo, nuôi dưỡng một quan niệm chính trị nhằm thống nhất người Dothái, người Kitô hữu và người Ả rập trong một tôn giáo duy nhất.

Nhưng ta không nên mất nhiều thì giờ cho vấn đề này, ta hãy xét đến Tân ước để xem Tân ước nói gì về đề tài của chúng ta : Kinh Thánh như lời của Thiên Chúa.

2, Lời chứng của các Tông đồ:

Trước hết ta xét đến các thánh thư, suýt soát phân nửa Tân ước. Mặc dầu những thư này do nhiều người viết, xuất phát từ nhiều thời khác nhau, nhưng tất cả đều đồng ý về điểm này: Trong mọi điều chúng tôi giảng và viết, chỉ có một đề tài duy nhất: Tin mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Trong Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa đã nói dứt khoát với chúng ta. Phải, chính Đức Kitô là Thiên Chúa.

Giờ đây, ta thử xem một vài thánh thư để chứng minh điều chúng ta vừa nói:

Trước hết, đoạn đầu thư thứ nhất của thánh Gioan đã tóm tắt tư tưởng chính của toàn bức thư.

“Điều từ thuở ban đầu đã có
điều chúng tôi đã từng nghe
điều chúng tôi đã được thấy tận mắt
điều chúng tôi đã được cung chiêm
và tay chúng tôi đã sờ đến, về lời sự sống
và sự sống đã tỏ hiện, chúng tôi đã từng thấy và chúng tôi làm chứng cùng loan báo cho anh em sự sống đời đời.

Điều chúng tôi đã từng thấy và từng nghe thì chúng tôi loan báo cho anh em nữa, ngõ hầu anh em được thông hiệp với chúng tôi.

Nhưng sự thông hiệp của ta là thông hiệp với Cha, và với Con của Người, Đức Giêsu Kitô.

Các điều này chúng tôi viết ra ngõ hầu sự vui mừng của chúng tôi được nên trọn” (1 Gioan 1,1-4).

Tất cả đoạn này nói về Đức Giêsu Kitô. Người được nói đến như Đấng đã có từ thuở ban đầu, nghĩa là đời đời, ở gần bên Chúa Cha. Người được nói đến như đời sống vĩnh cửu hay như lời ban sự sống, đã xuất hiện trên mặt đất. Đức Giêsu là Lời của Chúa Cha, người đã đến với chúng ta và đem lại cho chúng ta Tin mừng cứu độ. Thánh Gioan nhấn mạnh vào mầu nhiệm nhập thể. Các Tông đồ đã được nhìn thấy Đức Giêsu tận mắt, đã được nghe Người giảng, đã được sờ mó tới Người. Như vậy các ngài có thể làm chứng để chúng ta biết một cách chắc chắn những gì các ngài đã nghe và nhìn thấy. Theo thánh Gioan đó là mục đích chính yếu của các Tông đồ khi rao giảng Phúc âm: làm chứng rằng nơi Đức Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu của Chúa Cha đã xuất hiện cách rõ ràng.

Ta lấy một bản văn thứ hai: Đó là đoạn mở đầu thư gửi tín hữu Dothái. Ta thường đọc bài này trong Thánh lễ ngày Giáng sinh. chúng ta đoán chắc rằng tác giả đã muốn long trọng nói lên một điều căn bản:

“Đã lắm phen cùng nhiều kiểu, xưa kia Thiên Chúa đã nói với các cha ông nơi các tiên tri. Vào thời sau hết, tức là những ngày này, Người đã nói với ta nơi một Người Con, mà Người đã đặt làm Đấng thừa tự tất cả mọi sự, và cũng nhờ Ngài mà Người đã làm ra các thế giới: Ngài là phản ảnh của vinh quang, là ấn tượng của bản lĩnh Người, và cầm giữ cả vạn vật bằng lời quyền năng của Ngài” (Dothái 1,1-3).

Chúng ta lại thấy đề tài đã gặp trong đoạn đầu thư thứ nhất của thánh Giaon. Đức Kitô là đề tài chính của việc rao giảng Tin mừng trong Tân ước. Trong thời Cựu ước, Thiên Chúa đã nói với loài người, nhưng vào giai đoạn cuối này, Thiên Chúa không dùng các tiên tri nữa, mà dùng Con của Người để nói với chúng ta, một lần là đủ. Thiên Chúa không bao giờ thêm một điều gì vào lời Người đã nói trong Đức Giêsu Kitô, và không có gì có thể vượt qua được lời đó. Đó là ý nghĩa của kiểu nói “vào thời sau hết”. Trong Đức Giêsu Kitô Thiên Chúa đã nói, và lời nói này có hiệu lực vĩnh viễn, vì Đức Giêsu Kitô là phản ảnh vinh quang Thiên Chúa, nghĩa là: chính Người là Thiên Chúa, ai nhìn thấy Đức Giêsu Kitô là nhìn thấy Chúa Cha.

Thánh Phaolô đào sâu thêm, người viết trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, ở đoạn đầu, chương hai: “Còn tôi, khi đến với anh em, tôi đã không đến với uy thế của ngôn ngữ, hay khoa khôn ngoan để rao truyền cho anh em chứng chỉ của Thiên Chúa. Quả vậy, tôi đã quyết định là nơi anh em, tôi không muốn biết gì ngoài Đức Giêsu Kitô, Đấng bị đóng đinh trên thập giá. Phần tôi, mình những yếu đuối, sợ sệt và run rẩy, mà tôi đã đến nơi anh em. Và lời tôi nói, việc tôi rao giảng đã không cốt nơi lời lẽ có sức thuyết phục của khoa khôn ngoan, nhưng nơi việc chứng minh bằng vào Thần Khí và quyền phép, ngõ hầu việc anh em tin không bằng vào sự khôn ngoan của người phàm, song bằng vào quyền phép của Thiên Chúa” (1 Cor 2,1-5)

Trong đoạn này, thánh Phaolô xét đến công việc giảng dạy của người cho cộng đoàn Côrintô, nhưng qua đó, người cũng nói đến nhiệm vụ chung của các Tông đồ là rao giảng và loan báo Tin mừng cứu độ . Không nơi nào nói rõ hơn đoạn văn này rằng đề tài chính của việc loan báo Tin mừng trong Tân ước chính là Đức Giêsu Kitô: “Tôi đã quyết định là nơi anh em, tôi không biết gì ngoài Đức Giêsu”

Lời giảng của thánh Phaolô không dựa vào tài ăn nói của người đời. Người không có ý thuyết phục tín hữu thành Côrintô tin vào khôn ngoan của loài người. Nếu nội dung lời giảng là khôn ngoan của loài người thì thánh Phaolô phải dùng đến tài hùng biện, nhưng nội dung ở đây chính là Lời Chúa. “Rao truyền chứng chỉ của Thiên Chúa” là một lối nói gọn gàng mà thánh Phaolô hay dùng, Người muốn nói: trong lời giảng của các Tông đồ, chính Thiên Chúa lên tiếng và làm chứng. Nếu Thiên Chúa làm chứng thì người nghe được mạc khải chính sức mạnh và Thánh Linh của Thiên Chúa, và lúc đó không cần gì đến tài ăn nói nữa.

“… Ngõ hầu việc anh em tin không bằng vào sự khôn ngoan của người phàm, song bằng vào quyền phép của Thiên Chúa”. Câu này nói rõ cho ta biết rằng: trong lời giảng của các Tông đồ, chính Thiên Chúa lên tiếng và bày tỏ uy quyền của Người.

Như vậy là bổ túc cho những gì đã nói trên đây. Thiên Chúa không những đã nói một cách quyết liệt trong Đức Giêsu Kitô. Người còn lên tiếng khi các Tông đồ rao giảng Đức Kitô. Nói cách khác: khi các Tông đồ rao giảng Phúc âm, thì Thiên Chúa tiếp tục phán lời mà Người đã phán trong Đức Kitô. Và như vậy, thánh Phaolô có thể diễn tả như sau trong thư thứ nhất gửi tin hữu thành Thêxalônica: “Chúng tôi không ngớt lời tạ ơn Thiên Chúa, bởi chưng anh em đã chịu lấy lời Thiên Chúa nghe từ chúng tôi, anh em đã đón nhận lấy không phải như lời của người phàm, mà là – và đích thực như thế – như lời của Thiên Chúa” (Thexalonica 2,13)

Như vậy, khi thánh Phaolô và các cộng sự viên công bố Phúc âm, thì Thiên Chúa lên tiếng nói cho các tín hữu.

Trong các thư của Tân ước ta đã xét đến 4 đoạn quan trọng cho vấn đề mà ta đang bàn. Bốn đoạn này khác nhau rất nhiều, nhưng có thể tóm tắt như sau: tất cả công cuộc loan báo Tin mừng trong Tân ước đều quy về một đề tài duy nhất: Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã nói trong Đức Giêsu Kitô, và khi các Tông đồ rao giảng về Tin mừng của Đức Giêsu Kitô, thì Thiên Chúa cũng nói với chúng ta.

Khi ta biết rằng toàn bộ Tân ước là kết quả còn lại của việc rao giảng Tin mừng, ta phải kết luận: Tân ước là lời Thiên Chúa, lời mà Người muốn nói với chúng ta.

Như vậy, các Tông đồ đã xác tín rằng những gì các ngài nói và rao giảng thật ra không phải là lời nói của con người bịa đặt ra, nhưng là lời của Thiên Chúa. Như thế đáng lẽ đủ cho chúng ta rồi, vì niềm tin chúng ta dựa vào chứng tá các Tông đồ, chứng tá mà ta được lãnh nhận nhờ có Giáo hội . Khi ta lãnh nhận và tin vào lời chứng của các Tông đồ, thì nhờ ơn Thánh Thần, ta nghiệm thấy rằng niềm tin của ta dựa vào quyền phép của Thiên Chúa chứ không phải sức mạnh của loài người.

Dầu vậy, ta vẫn phải đặt câu hỏi: nhờ dâu mà các Tông đồ biết chắc được rằng Thiên Chúa lên tiếng khi các ngài rao giảng Đức Giêsu? Nhờ đâu mà các ngài xác tín rằng những lời mà các ngài được nghe không phải là lời của người phàm mà là của Thiên Chúa hằng sống ?

Ta có thể trả lời: chính Đức Giêsu đã quả quyết rằng Người là Con Thiên Chúa. Rất đúng ! Nhưng đã có nhiều người tữ xưng mình là con Thiên Chúa , mà chẳng phải đích thực là Con Thiên Chúa. Hầu hết mọi vua chúa Đông Phương và một vài hoàng đế Rôma tự coi mình là con Thiên Chúa, là Thiên Tử. Thường thường người ta giải quyết vấn nạn này như sau: Đức Giêsu đã dùng các phép lạ để chứng thực rằng Người là Con Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã nói lời cuối cùng nơi Người.

Trả lời như vậy chắc chắn là đúng. Nhưng ta phải hiểu cho rõ rằng, những phép lạ của Đức Giêsu không phải là bằng chứng theo nghĩa ngày nay, nghĩa là như trong một cuộc chứng minh có tính cách khoa học. Các phép lạ của Đức Giêsu chỉ là những dấu hiệu do Thiên Chúa ban, dành cho những ai đã cởi mở tâm trí đón nhận Đức Giêsu. Đó là quan niệm của các tác giả Phúc âm. Nếu ta hiểu đúng ý nghĩa của các phép lạ, thì ta có thể nói được rằng: Đức Giêsu đã dùng phép lạ để chứng thực rằng Thiên Chúa đã nói nơi Người.

Dầu vậy, ta vẫn không muốn xét đến các phép lạ như những bằng chứng về về Đức Giêsu. Ta bây giờ nên quan tâm đến một thứ chứng tá khác mà nhiều khi ta bỏ qua, đó là những lời nói của Đức Giêsu. Chứng tá này không trực tiếp theo kiểu nói: “Ta là …” nhưng là một lối gián tiếp mà ta phải khám phá ra trong cách diễn tả tế nhị của Đức Giêsu.

3, Lời chứng của Đức Giêsu.

Ta hãy xét đến những lời chứng của Đức Giêsu, chứa đựng một cách kín đáo trong các lời nói của Người.

Ai đã tỉ mỉ phân tích những lời do Phúc âm truyền lại, đều nhận thấy điểm quan trọng này:

Đức Giêsu nói với một lòng xác tín chưa từng thấy: ta sẽ hiểu tầm quan trọng của sự việc này nếu ta biết thế nào là quan niệm của người Dothái về Thiên Chúa. Theo quan niệm đó thì cái trọng yếu không phải là mong đợi một cái gì hoàn toàn mới, mà là luật của Thiên Chúa đã được ban bố trên núi Sinai. Vấn đề là minh giải luật đó càng ngày càng kỹ, càng phúc tạp. Công việc minh giải này giống như công việc minh giải của các luật gia ngày nay. Cân nhắc từng câu từng chữ, phân tích từng luận điểm, trích dẫn câu này câu nọ của các tiền nhân. Người thắng cuộc là người đưa ra nhiều dẫn chứng nhất để minh chứng cho lập trường của mình.

Người ta đã đưa ra biết bao điều lệ, điều khoản để cắt nghĩa luật truyền về ngày Sabat, luật lệ trở nên một tường lũy mà phái Pharisiêu đã xây lên, điều này chứng tỏ họ chưa chắc dạ. Họ sợ đánh mất ý định của Thiên Chúa, cho nên họ đã xây lên một bức tường, một bức tường mà các điều khoản tỉ mỉ là các viên gạch.

Còn Đức Giêsu thì khác hẳn. Người sống gần gũi với ý muốn của Chúa Cha. Cho nên Người có thể gạt ra ngoài cái đống luật lệ do con người tạo ra. Người đã có một lập trường triệt để đối với luật ngày Sabat: “Con Người là chủ ngày Sabat” (Mt 12,8). Câu nói này đối với người Dothái thật là chướng tai. Đức Giêsu đã nói câu nói đó nhưng không chứng minh. Người không đưa ra những lý luận cặn kẽ, không trích dẫn một tiên tri nào để bênh vực lập trường của mình như những người thông luật thường làm. Người chỉ trình bày một các rõ ràng và sáng sủa những điều Người muốn nói, nhiều khi Người còn thêm câu này: “Ai hiểu được thì hiểu” (Mt 19,12).

Đức Giêsu xuất thân từ một dân tộc mà cột trụ xã hội là luật Môsê, Người sống cùng một thời với những người thông luật, những người có thói quen chứng minh tất cả bằng Cựu ước, thế mà Người rất ít khi dựa vào Kinh Thánh. Đó là một điều rất lạ. Phải chăng, việc này có nghĩa là: Đây, con người của tôi còn trọng hơn cả luật Môsê ? Đúng như vậy, vì Người đã nói: “Đây còn có gì lớn hơn đền thờ nữa (Mt 12,6), lớn hơn cả Giôna, lớn hơn cả Salomon nữa” (Mt 12,41-42). Đức Giêsu tự cho mình cao trọng hơn Cựu ước.

Về điểm này ta đã hiểu Người một cách trung thực, và ta có thể dựa vào lời của Người trong Bài giảng trên núi: “Anh em đã nghe có lời nói với người xưa: Ngươi chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Chúa. Còn tôi, tôi bảo anh em: đừng thề thốt chi cả” (Mt 5,33-34) “anh em đã nghe có lời nói: Chớ ngoại tình. Còn tôi, tôi bảo anh em: phàm ai nhìn người nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng” (Mt 5,27-28),

Những lời nói khác bàn về sát nhân, ly dị và trả thù. Chúng ta đã quá quen thuộc với Bài giảng trên núi, nên không còn cảm thấy mà người Dothái cho là lạ, là chướng tai.

Ta phải chú ý: Đức Giêsu đặt luật mới của Người trong một tương quan đối ngịch với luật Môsê, là nền tảng của xã hội Dothái, của toàn thể Cựu ước: “Các ngươi đã nghe có lời nói với người xưa … còn Ta, Ta bảo các ngươi …”. Nhưng việc này không có nghĩa là Đức Giêsu sẽ hủy bỏ Cựu ước, mà chính là toàn thể Cựu ước được nâng lên một bình diện cao hơn, ý nghĩa của Cựu ước được tỏ bày và được hoàn tất nơi Đức Giêsu.

Dù sao thì Đức Giêsu cũng tự cho mình có một uy quyền cao hơn Môsê. Hơn nữa, lối nói: “Có lời nói” là một lối mà người Dothái quen dùng để tránh nói đến tên Thiên Chúa. Thời đó, người Dothái không dám nói đến danh thánh của Thiên Chúa vì họ rất ý thức tính siêu việt của Người. Vì thế họ không nói: “Thiên Chúa đã phán”, mà : “Có lời phán”. Như vậy ta phải dịch lại câu của Đức Giêsu như sau: “Thiên Chúa trước kia đã phán cùng cha ông các ngươi …, nhưng nay Ta bảo các ngươi …”.

Không một ai trong số người thông luật dám nói như vậy, vì họ chỉ giải thích những lời mà Thiên Chúa đã phán bảo trong quá khứ. Cũng không có một tiên tri nào dám nói như thế, vì họ chỉ truyền lại lời Chúa. Chỉ một mình Đức Giêsu mới dám nói như thế, vì Người là Đấng loan truyền ý định cuối cùng của Thiên Chúa. Và Người đã làm như vậy mà không bao giờ ngờ vực về chính mình. Bao giờ Người cũng giữ nguyên một lòng tự tín khi Người lên tiếng giảng dạy.

Điểm này giúp ta hiểu một cách nghiêm chỉnh lời tường thuật của các tác giả Phúc âm: “Người ta kinh ngạc về giáo huấn của Người, vì Người dạy dỗ họ như Đấng có uy quyền, chứ không như các ký lục” (Mc 1,22). Và từ đó ta cũng hiểu rằng mối thù không đội trời chung của các giới có quyền hành đối với Đức Giêsu bắt nguồn từ một căn nguyên tôn giáo . Họ phải lựa chọn, một là Thiên Chúa thực sự dùng Đức Giêsu , người xứ Nazareth mà lên tiếng, và như vậy ai cũng phải tin và theo Người vô điều kiện. Hai là Giêsu đã phạm thượng và đã xúc phạm đến Thiên Chúa, và như vậy phải hủy diệt Người đi. Chúng ta biết họ đã chọn con đường nào.

Một điều quan trọng chúng ta cần phải biết: không những Đức Giêsu đã phá tan khuôn khổ tôn giáo Dothái của Người, mà Người cũng không giống những nhà hiền triết như Socrate, Platon hay những nhà sáng lập tôn giáo như Phật Thích Ca, Zarathustra, Mohammed …

Chúng ta không thể đem Đức Giêsu ra so sánh với vĩ nhân tôn giáo vừa kể trên. Ta có thể lần lượt xét đến từng người và những thuyết của họ truyền lại, ta sẽ thấy điều này: những gì họ biết về Thiên Chúa, thì hoặc xuát phát từ suy nghĩ của chính họ, từ cố giắng đem hết trí tuệ con người mà tiến sâu vào mầu nhiệm , hoặc chỉ là một lối diễn tả lại truyền thống tác giả thuở xưa, hoặc là một cố gắng dùng suy niệm hoặc xuất thần (technique de l’extase) mà tiến sâu vào bản chất của Thiên Chúa, để làm chủ bản chất đó, hoặc cũng có thể là một kinh nghiệm về Thiên Chúa.

Nhưng mối quan hệ của Đức Giêsu với Thiên Chúa không thể dựa vào những kinh nghiệm tôn giáo vừa kể trên. Kinh nghiệm của Người làm nổ tung mọi phạm trù sẵn có. Trong Tân ước cho thấy không có một dấu hiệu nào cho thấy Đức Giêsu đã phải dùng triết lý hoặc một kỹ thuật suy niệm để có một quan niệm về Thiên Chúa, như thường thấy trong các tác giả Á châu. Trong một số trường hợp, Người đã tự ý loại bỏ truyền thống Dothái, và Người đã vượt qua truyền thống đó một cách ý thức. Người sống dựa vào một kinh nghiệm khôn tả về Thiên Chúa, một kinh nghiệm độc nhất vô song, không thể so sánh với các kinh nghiệm thường gặp trong lịch sử các tôn giáo.

Nói một cách đại khái như vậy cũng chẳng có ích lợi gì. Ta phải dùng một điểm cụ thể để giải thích những điều vừa quả quyết. Điểm đó chính là luân lý Đức Giêsu.

Các vị sáng lập tôn giáo đều đưa ra những điều dạy con người cách sống: đó là những giới răn giúp ta hành động, những giới răn này hợp thành một hệ thống luân lý.

Đức Giêsu cũng vậy. Chúng ta biết Người đã nói gì về vấn đề ly hôn. Nhưng ý nghĩa Tin mừng Người loan báo cũng không lộ ra hết, nếu ta lần lượt kể hết giới răn Người truyền. Điều quan trọng đối với Người không phải là làm trọn hết mọi giới răn. Người đòi hỏi nhiều hơn nữa. Người đòi chúng ta có một quyết định căn bản. Đức Giêsu đưa thính giả của Người đến chỗ phải lựa chọn, phải lựa chọn ngay trong lúc lời Người vang dội, vì Nước Trời đã gần kề.

Như thế, ngay đầu Phúc âm, thánh Mc đã truyền lại cho ta lời này: “Thời buổi đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần bên, hãy hối cải và tin vào Tin mừng.”(Mc 1,15). Câu này đúng là một chương trình cho đời hoạt động của Đức Giêsu.

Nước Thiên Chúa đã đến gần, vương quốc của Thiên Chúa đã khai trương chính vì Đức Giêsu đã đến. Quả vậy, Nước Thiên Chúa không phải là một việc siêu thời gian, nhưng có ý nghĩa và tình thương Chúa đang đến làm thỏa lòng mong ước của nhân loại. Thiên Chúa dùng nhân vật Đức Giêsu Kitô để phán xét thế gian. Lẽ tất nhiên điều này không có nghĩa là trong hành động của Đức Giêsu dưới thế này, Thiên Chúa đã hoàn thành một cách đầy đủ Vương quốc của Người: cuộc chiến thắng toàn diện của Thiên Chúa vẫn còn là một tương lai, ngay cả cho Đức Giêsu. Sự chiến thắng này đã bắt đầu bằng lời giảng và những phép lạ của Người, và như vậy, ơn Chúa hoạt động ngay trong lịch sử và bắt buộc con người phải lựa chọn. và bây giờ, con người đứng trước lời mời gọi cuối cùng của Thiên Chúa, con người phải quyết định: theo hay chống lại Đức Kitô. Đó là ý nghĩa chính của Tin mừng Đức Giêsu rao giảng. Đó không phải là một hệ thống luân lý, không phải là những châm ngôn giúp con người tìm kiếm đức khôn ngoan và dạy ta phải sống thế nào. Đó cũng không phải là một bộ luật nhưng là lời cuối cùng của Thiên Chúa mời gọi con người có một quyết định.

Quyết định này con người không thể tránh né, vì nó khẩn cấp. Đó là điều Đức Giêsu muốn nói khi Người phán: “Ta đến để ném lửa xuống đất, và nào Ta ước mong gì, nếu nó đã được nhen lên” (Lc 12,49). “Đừng tưởng Ta đến để đem lại bình an cho mặt đất; Ta đến để không phải đem lại bình an mà là gươm giáo. Ta đến để chia rẽ người ta với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình” (Mt 10,34-35). Với lời mời gọi đó, Đức Giêsu đã làm nổ tung mọi hệ thống luân lý sẵn có trong lịch sữ tôn giáo. Ở đây, độc đáo là Đức Giêsu đã hướng cái quyết định đó về chính bản thân mình, điều mà Phật Thích Ca, Mohammed không bao giờ dám làm: chính Đức Giêsu đã nói: “Ta bảo các người, phàm ai xưng Ta trước mặt người đời, thì Con Người cũng xưng kẻ ấy trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; còn kẻ chối Ta trước mặt người đời, thì cũng bị chối trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa” (Lc 12,8-9). Ở một chỗ khác Người thêm: “Ai không đi với Ta là chống lại Ta, và kẻ không cùng Ta thu họp là làm tan tác” (Lc 11,23). Như vậy, con người không thể giữ một thái độ trung lập (dù là trung lập thân thiện) hoặc dè dặt đối với Đức Giêsu. Ai đã có lần được nghe Tin mừng của Người, thì chỉ có thể tuân theo hay phủ nhận Người. Ai dửng dưng hay muốn tránh né quyết định thì đã quyết định rồi. Con người không thể nào đình hoãn giây phút lựa chọn, vì sự quyết định này ngày đêm ám ảnh.

Một lần có người đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng cho phép tôi quay về trước đã, để từ biệt người nhà tôi. Đức Giêsu trả lời: Kẻ vừa tra cầm cày vừa ngó lại đằng sau là người bất kham đối với Nước Thiên Chúa “ (Lc 9,61-62). Đức Giêsu mời gọi một người khác: “Hãy theo Ta. Nhưng anh này đáp: Xin cho phép tôi về nhà trước đã để chôn cất cha tôi”. Anh ta muốn nấn ná đợi cho cha già tạ thế rồi mới theo Đức Giêsu, Đức Giêsu liền phán: “Hãy để kẻ chết chôn cất kẻ chết của chúng, còn ngươi hãy cứ đi rao giảng nước Thiên Chúa” (Lc 9,59-60). Những lời này rất quyết liệt cứng rắn. Đức Giêsu không những đòi hỏi nhiều. Người còn đòi hỏi tất cả. Không ai khác đã dám ăn nói như vậy.

Không một vị sáng lập tôn giáo nào đã dám quả quyết với người khác: “Tội của ngươi được tha thứ” như Đức Giêsu đã làm khi người ta đem một người tê liệt đến cho Ngài cứu chữa. Người đã không nói : “Lạy Cha, con khẩn cầu Cha, xin Cha tha tội cho người này. Nhưng Người đã bình tĩnh nói với người tê liệt: “Tội của ngươi đã được (Thiên Chúa) tha thứ (vì Ta nói cho ngươi đó)”!. Những người ký lục tại đó hiểu ngay tầm quan trọng của câu này: “Y nói phạm thượng, ai nào có thể tha tội được, trừ phi là một mình Thiên Chúa” (Mc 2,5-7). Chúng ta bắt buộc phải đồng ý với họ. Ai là người mà có thể nói: “Tội của ngươi đã được thứ tha”. Ta có thể tha lỗi cho kẻ khác, ta có thể làm hòa với họ, nhưng ta không thể nào giải thoát họ khỏi tội lỗi của họ. Ơn giải thoát này chỉ có Thiên Chúa mới ban được mà thôi. Ai thực sự biết tội là gì thì dễ hiểu điều này. Như vậy là những người ký lục hoàn toàn có lý ở điểm này, nhưng câu kết luận của họ thì sai. Họ nói: “Như vậy là ông Giêsu đã nói phạm đến Thiên Chúa”. Đáng lý ra họ phải hiểu rằng, Thiên Chúa đã hành động trong Đức Giêsu. trong Đức Giêsu Thiên Chúa đã hiện diện một cách cụ thể. Những gì Đức Giêsu nói cho chúng ta chính là lời của Thiên Chúa, Đấng thương xót chúng ta và tha thứ cho chúng ta muôn vàn tội lỗi.

Chúng ta hãy nhớ lại điểm khởi đầu của chúng ta. Chúng ta muốn tìm hiểu ý nghĩa nằm trong lời nói của Đức Giêsu. Chúng ta quan tâm đến ý thức đi liền với lời nói của Người.
Chúng ta đã gặp gỡ một Đấng đã quả quyết rằng sự hiện diện của Người là dấu hiệu Nước Thiên Chúa đang đến gần, rằng thời gian đã tới hồi viên mãn vì Người đã đến. Không những Người đã khẩn khoản mời gọi chúng ta chọn một quyết định, mà còn hướng dẫn sự lựa chọn đó về chính bản thân của Người, điều mà không ai khác dám làm. Người nói với tất cả một uy quyền như ta chưa hề thấy ai dám nói.

Các Tông đồ và các môn đệ của Đức Giêsu chỉ có thể rút ra một kết luận duy nhất: người nói ở đây cao hơn một người phàm. Trong nhân vật Giêsu người thành Nazareth, Thiên Chúa đã lên tiếng. Tin mừng của Đức Giêsu chính là lời nói cuối cùng của Thiên Chúa cho cả thế gian.

Trong phần đầu của tập này, ta đã thấy rằng, ngay cả Tin mừng của Đức Giêsu cũng mang tính chất con người, và như vậy chịu ảnh hưởng của thời đại Người sống. Trong khi rao giảng, Người chỉ đề cập đến những vấn đề của thời đại Người đang sống. Người không biết đến những vấn đề của thế kỷ sau này. Điều này rất đúng, nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Ta cần phải bổ túc.

Ta vừa thấy rằng cái quan trọng đối với Đức Giêsu không phải là tìm giải quyết một vài vấn đề luân lý. Chắc chắn là Người đã giúp giải quyết những vấn đề như vậy. Nhưng nếu chỉ có thế thì chẳng có gì làm cho Đức Giêsu khác hẳn những triết gia hoặc những nhà luân lý. Thật ra điều quan trọng đối với Người là kêu gọi con người tin và tuân theo Người, lựa chọn một thái độ quyết định đối với Thiên Chúa. Thái độ đối với Thiên Chúa cũng là thái độ đối với bản thân của Đức Giêsu, vì sự hiện diện của Người đánh dấu sự gần gũi của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa đang đến gần, thời gian Thiên Chúa thương xót và thi ân cho loài người đã bắt đầu. Tin mừng này phải chi phối toàn diện đời sống con người.

Đó là ý nghĩa trọng yếu trong lời giảng của Đức Giêsu, và đó cũng là điểm làm cho lời giảng của Người – lời mời gọi trở về với Thiên Chúa – không bị điều kiện thời gian giới hạn. Lời mời gọi đó có giá trị cho tất cả chúng ta. Lời đó làm nổ tung mọi giới hạn thời gian và không gian. Theo nghĩa đó thì lời giảng của Đức Giêsu và của các Tông đồ, vẫn giữ được sức mạnh và tính thời sự cho cả thời nay, và như thế ta không còn phải mặc cảm là ta chỉ biết có quá khứ khi ta đọc Kinh Thánh. Nhờ ý nghĩa trọng yếu mà tôi vừa nêu ra, lời của Đức Giêsu không phải là quá khứ mà là tương lai. Như vậy mới có lời sau đây trong Phúc âm, một lời điên rồ nếu chỉ do một người thường thốt ra: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Ta nói sẽ không bao giờ qua đi” (Mt 24,35). Trời và đất đều do Thiên Chúa sáng tạo, mà vẫn phải qua đi. Nhưng nếu lời của Đức Giêsu tồn tại mãi muôn đời, thì đó có nghĩa lời Người là lời của Thiên Chúa.

Ở đây ta phải ngừng một lát để nhìn lại con đường vừa bước qua. Trong phần đầu, ta chọn coi Kinh Thánh như lời nói của con người. Xét như vậy, Kinh Thánh hoàn toàn chịu ảnh hưởng và giới hạn của lịch sử con người.

Trong phần thứ hai, cho ta thấy rằng Kinh Thánh là một cái gì cao hơn lời nói của con người. Ta đã so sánh Kinh Thánh với các pho sách khác , và đã nhận thấy rằng không có một tác phẩm nào có thể so sánh với Kinh Thánh xét về phương diện ảnh hưởng trên lịch sử loài người. Quan trọng hơn là phải tra hỏi những lời chứng của các Tông đồ: Tác giả thư gửi tín hữu Dothái và thư thứ nhất của thánh Gioan và cả thánh Phaolô nữa đã nói một cách sáng tỏ: Điều chúng tôi rao giảng và dạy bảo, chính là Đức Kitô, và Đức Kitô là Lời của Thiên Chúa. Rồi chúng ta đã tự hỏi: Niềm tin đó của các Tông đồ có chính đáng không? Chúng ta đã lấy lời của Đức Giêsu mà xem xét, và đã nhận thấy rằng Đức Giêsu đã tỏ cho thấy Người là Con Thiên Chúa một các hùng hồn và độc đáo.

Giờ đây ta phải trả lời một câu hỏi quan trọng cuối cùng: Nếu Kinh Thánh chứa đựng lời Chúa, nếu Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa, Lời có giá trị cho mọi thời đại và không bao giờ qua đi, thì tại sao phần đóng góp của con người lại “nặng ký” như ta thấy trong phần đầu ?

Nếu Kinh Thánh đích thực là Lời của Thiên Chúa, thì tại sao lại bị chi phối bởi thời gian, tại sao các tác giả vẫn giữ nguyên đặc tính con người của họ ? Tại sao ngôn ngữ cũng chịu ảnh hưởng của lịch sử, tại sao có nhiều sơ suất trong việc truyền lại, làm cho bản văn nhiều khi tối nghĩa ?

Nếu Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa thì tại sao cuốn sách đó cũng thành hình y như những cuốn khác ? Nói tóm lại, tại sao lời Thiên Chúa lại mang nặng tính chất loài người như vậy ?

PHẦN III
KINH THÁNH, LỜI THIÊN CHÚA
TRONG NGÔN NGỮ LOÀI NGƯỜI.


Tại sao lời Thiên Chúa lại mang nặng tính chất con người như vậy? Chỉ có một lối trả lời câu hỏi này là dựa vào điểm trọng yếu trong đức tin Kitô giáo. Lời Thiên Chúa mang nặng tính chất loài người, gắn liền chặt chẽ với lịch sử loài người, vì Thiên Chúa đã làm người.

Ta hãy suy nghĩ để xem điều này có ý nghĩa là gì, Thiên Chúa không

ở lại trên Thiên Quốc để nhìn ngắm lịch sử con người, không đứng xa bùn lầy của thế giới con người, Thiên Chúa đã không từ trời cao mà gửi xuống cho ta một lời nói an ủi. Người cũng không từ trời cao mà giật dây điều khiển lịch sử của con người, như một nhà đạo diễn đứng ngoài sân khấu dùng dây mà điều khiển những hình nộm đang múa máy quay cuồng. Trái lại, Người đã đi sâu vào thế giới lịch sử con người, một thế giới đầy tối tăm và giới hạn.

Và Người đã ban bố lời của Người, và lời này không phải là một lời như những lời trong ngôn ngữ loài người, mà chính là Con Một của Người. Và người con này không phải là một nhân vật xa lạ được tạm gọi là Thiên Chúa. “Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa”. Đó là câu đầu trong Phúc âm theo thánh Gioan. Và vài dòng sau: “Và Lời đã thành xác phàm và đã lưu trú nơi chúng tôi”.

Tác giả những dòng đó cũng ý thức rằng mầu nhiệm cao trọng nhất trong các mầu nhiệm có thể bị hiểu sai. Có lẽ Thiên Chúa đã chỉ giả vờ làm như vậy ? Có lẽ Người đã muốn sáng tác một vở kịch ? Nhưng không. Tác giả Phúc âm đã dùng một diễn ngữ rất mạnh để người ta hiểu rõ ý nghĩa của mầu nhiệm nhập thể. Ông không nói “Lời đã trở thành một người”, nhưng một cách rõ ràng: “Lời đã trở thành xác phàm” (Gioan 1,14).

Thánh Phaolô cũng nói về mầu nhiệm này: Đức Kitô đã làm người, Người không bám víu lấy chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa, và Người đã hủy mình ra không (Philipphê 2,6-7).

Tôi sợ rằng, tất cả chúng ta quá quen tưởng tượng Đức Giêsu Kitô như Con Thiên Chúa đã chỉ phận kiếp người như người ta khoác trên vai tấm áo choàng, và như vậy chúng ta không hiểu thấu rằng Thiên Chúa đã thật sự làm người. ta phải thực sự hiểu tính con người của Đức Giêsu. Hãy bớt những hào quang tả tính Thiên Chúa của Người đi. Người đã sống thầm lặng, không ai để ý đến, ròng rã 30 năm trời. Khi Người bắt đầu rao giảng, người thành Nazareth đã phản ứng như sau: “Bởi đâu ông ấy được như thế? Và là gì vậy, sự khôn ngoan ban xuống cho ông? Cùng việc quyền năng do tay ông ấy làm ra? Ông ấy không phải là bác thợ mộc, con bà Maria và anh em với Giacôbê, Giuđa và Simôn đó ư? Và họ đã bị vấp phạm vì Người. (Mc 6,2-3). Bản tính loài người của Đức Kitô có thể kết hợp với chiều kích siêu phàm của Người được không ?

Nhiều khi ta hiểu lệch lạc đời sống trí thức của Đức Giêsu. Đức Giêsu cũng như chúng ta , phải học mới biết. Khi còn nhỏ, Người cũng phải bập bẹ học nói như chúng ta. Người không tự nhiên nói được những thứ tiếng ngoại quốc. Nếu Người biết được tiếng Latinh và Hylạp, thì đó là vì Người đã học hỏi. Người không biết rằng có một châu lục gọi là Mỹ châu, người không biết là sẽ có một thời đại nguyên tử. Nếu nhìn từ quan điểm khoa học của ta, thì có thể nói Đức Giêsu có một quan điểm rất cổ sơ về thế giới, y như những người sống cùng thời với Người.

Nếu không như vậy, nếu Đức Giêsu, xét như một người như ta, mà lại biết hết được mọi sự, nếu chỉ vì lý do giáo dục mà Người đã chọn ngôn ngữ và lối diễn tả của thời đó, thì Người đã đóng kịch rồi, và như vậy, Người không thật sự là một con người. Nhưng Thiên Chúa không đóng kịch.

Khi ta ý thức rằng Đức Giêsu thực sự là một người, điều này không thay đổi gì trong đức tin của chúng ta vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Người đã trút hết tất cả thiên tính của Người vào nhân tính.

Ta hãy bước thêm một bước nữa. Lời nói của Đức Giêsu cũng theo quy luật mầu nhiệm nhập thể mà ta vừa nói trên. Tất cả những lời rao giảng của Đức Kitô trực tiếp là lời của Thiên Chúa. Nhưng vì Đức Giêsu là nơi Thiên Chúa đã làm người trong mọi chi tiết, nên những lời của Thiên Chúa cũng là lời của con người. Ngay trong lời nói của Đức Giêsu cũng diễn ra mầu nhiệm nhập thể. Thiên Chúa đã đi vào giới hạn và điều kiện của lịch sử. Lời của Đức Giêsu là “Thần Khí và Sự Sống, đó là Lời đem lại sự sống đời đời” (Gioan 6,63-68), nhưng đồng thời là lời của con người với tất cả những điều kiện thời gian và những giới hạn gắn liền với ngôn ngữ của loài người.

Vì thế Đức Giêsu mới phải nói: “Phúc cho ai không vấp ngã vì Ta” (Mt 11,6). Nhưng biết bao người đã vấp ngã! Các người nắm giữ quyền hành luôn đòi hỏi những dấu hiệu mới, bảo đảm cho việc Người rao giảng và tự nhận mình là Con Thiên Chúa, Đấng Thiên Chúa sai đến; Dân chúng thì chóng thay lòng đổi dạ; Còn các môn đệ thì không hiểu rõ nhiều điều. Điểm này cho thấy rõ là lời của Đức Giêsu không cưỡng bức ai phải tin. Con người có thể dửng dưng trước những lời đó, có thể hiểu lầm, có thể vì đó mà vấp ngã. Con người có thể coi những lời đó như diễn tả tham vọng của một người, và loại bỏ những lời đó, coi đó như hoàn toàn phát xuất từ một con người. Chỉ người nào biết tin thật sự vào lời của Đức Giêsu, biết suy niệm những lời của Người trong tận đáy lòng, biết sẵn sàng tuân theo mọi biến đổi đời sống, chỉ người đó mới có thể vượt quan tính chất con người của những lời đó và tìm được lời của Thiên Chúa.

Ta thử đi thêm một bước nữa. Cả lịch sử của những lời Đức Giêsu cũng tuân theo quy luật nhập thể. Các sách Phúc âm đánh dấu một giai đoạn mới của mầu nhiệm nhập thể. Các sách đó chứa đựng lời của Đức Kitô Con Thiên Chúa, nhưng đồng thời tính chất con người của Đức Giêsu vẫn tiếp tục, nhờ cá tính của mỗi tác giả Phúc âm, Thiên Chúa đã lo liệu để sứ điệp của Đức Kitô được ghi lại một cách trung thực trong các sách Phúc âm, do đó, chính Thiên Chúa là tác giả của sách thánh, nhưng sách đó cũng là do con người soạn.

Một khi đã biết đặc điểm của Kinh Thánh – một sự tổng hợp giữa tính Thiên Chúa và tính chất loài người – người ta không còn lấy làm lạ nữa nếu có những chỗ tối nghĩa hay những đoạn mà ý nghĩa chưa tỏ hiện rõ rệt. Lúc đó người ta hiểu rằng: trong Kinh Thánh Ngôi Lời vĩnh cửu của Thiên Chúa đã lên tiếng trong ngôn ngữ của con người. Người ta hiểu rằng trong tiến trình truyền lại bản văn có nhiều chỗ bị hư hại, và có nhiều lời của Đức Giêsu đã mất đi trong thời gian khẩu truyền . Đó là một mạo hiểm mà Thiên Chúa đã chấp nhận khi Người đã cho Ngôi Lời của Người nhập thể. Các sách Phúc âm cũng thông phần vào mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm Thiên Chúa làm người. “Phúc cho ai không vì Ta mà vấp ngã”, lời nói của Đức Giêsu về chính mình cũng có giá trị cho các sách thánh.

Khi chúng ta đón nghe lời Thiên Chúa trích từ Kinh Thánh và mường tượng Đức Giêsu ở giữa chúng ta, thì chúng ta cũng ở cùng một thể như các Tông đồ xưa kia đã nhìn thấy con người của Đức Giêsu. Họ phải quyết định: quay lưng bỏ đi hay nói với Người: “Lạy Thầy, chúng con biết theo ai? Chỉ có mình Thầy có lời hằng sống. Chúng con đã tin và đã nhận biết rằng Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Gioan 6,68).
Chúng ta cũng vậy, chúng ta phải quyết định trước những lời của Phúc âm. Với mắt phàm, chúng ta chỉ nhìn thấy một bộ sách như những sách khác. Chỉ trong thái độ tin, ta mới hiểu được rằng trong sách đó là Lời hằng sống của Thiên Chúa, Lời đem lại sự sống vĩnh cửu đã đến với chúng ta.

Chúng ta muốn đi thêm một bước nữa. Bởi vì cuộc hành trình đưa Ngôi Lời của Thiên Chúa vào Kinh Thánh không chấm dứt trong những trang giấy viết.

Nơi mà Tin mừng của Thiên Chúa bắt gặp chúng ta một cách chính thức, nơi mà Lời Chúa được long trọng rao giảng, chính là Phụng vụ. Điều này đã được Công đồng Vatican II nhấn mạnh trong Hiến chế về phụng vụ: “Trong phụng vụ, Thiên Chúa nói với dân Người; Tại đây Đức Kitô vẫn còn loan báo Tin mừng” (số 33). Ở một chỗ khác Hiến chế viết: “Đức Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói trong khi Giáo hội dân Chúa đọc Kinh Thánh” (số 7).

Ta phải tránh hiểu lầm điều này. Sự kiện Lời Chúa mật thiết liên quan đến phụng vụ không có nghĩa là không cần đọc và suy niệm Lời Chúa nơi riêng tư. Nhấn mạnh vào tương quan giữa Phúc âm và Phụng vụ cũng không phải là để quên lãng vai trò truyền giáo của Phúc âm ngoài phạm vi Phụng vụ.

Dầu sao ta cũng phải công nhận: Trọng tâm của việc rao giảng Lời Chúa chính là lúc Giáo hội loan báo Phúc âm trong khi cử hành phụng vụ. Lúc đó Thiên Chúa phán cùng dân Người, lúc đó Đức Kitô loan truyền Tin mừng.

Hiến chế về phụng vụ của Công đồng phù hợp với nét chính của thần học theo thánh Phaolô: Đối với thánh Phaolô, rao giảng Tin mừng không phải là nói về công trình hòa giải của Đức Kitô, nhưng chính là “lời hòa giải” (2 Côrintô 5,18). Lời rao giảng đó không bàn về đời sống mới mà Đức Giêsu ban cho chúng ta, mà chính là Lời đem lại sự sống. (Philipphê 2,16). Đó không phải là lời nói về Thiên Chúa, nhưng là Lời của Thiên Chúa. Vì thế thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu thành Thêxalônica đã có thể viết như sau về công trình của mình: “Chúng tôi không ngớt lời tạ ơn Thiên Chúa, bởi chưng anh em đã chịu lấy Lời Thiên Chúa nghe tự chúng tôi, thì anh em đã đón nhận lấy, không phải như lời của những người phàm, mà là – đích thực là như thế – như Lời của Thiên Chúa” (1 Tx 2,13).

Chúng ta hãy suy nghĩ về tầm quan trọng của lời vừa trích dẫn và của tài liệu Công đồng. Trong nhà thờ, hệ thống âm thanh lúc chạy lúc hư, người đọc có khi đọc không rõ, thế mà chúng ta vẫn được nghe Lời Chúa. Bài giảng của linh mục có khi thiếu sót, nghèo nàn vì không được chuẩn bị kỹ lưỡng, thế mà Đức Giêsu vẫn đến với những người nghe. Lẽ tất nhiên là các linh mục sẽ phải trả lời với Chúa về tội lỗi của mình, nếu họ không chuẩn bị bài giảng chu đáo, nếu họ lấy ý kiến riêng tư mà lấn át Lời Chúa, nếu họ tìm cách rao giảng sự khôn ngoan của con người thay vì loan báo Phúc âm. Mặc dù vậy, Đức Kitô vẫn đấn với chúng ta trong bài giảng nghèo nàn nhất. Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể, đó là hậu quả của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, Đấng đã từ bỏ chức vị Thiên Chúa của mình, không những để ăn nhập vào Kinh Thánh mà còn ăn nhập vào lời nói của những người rao giảng.

Những điều chúng ta vừa suy niệm về Lời Chúa trong Đức Giêsu Kitô, trong Phúc âm và trong lời giảng, cũng có giá trị cho tất cả những gì Thiên Chúa phán xưa kia trong Cựu ước. Không bao giờ trên trần thế này chúng ta được nghe Lời Chúa trong tình trạng nguyên tuyền. trước khi chúng ta được nghe Lời Chúa, thì Lời đó đã quyện lấy thực tại con người, đã ăn nhập vào thực tại trần thế rồi. Mỗi câu, mỗi Lời của Thiên Chúa đã trở thành xác phàm, trước khi đến với chúng ta.

Tôi xin nhấn mạnh: Chính vì thế mà mầu nhiệm Lời Chúa đến với chúng ta lại đáng cho chúng ta tin cậy. Có một dân thời thượng cổ, đã hình dung rằng Thiên Chúa đã viết ý định của mình trên một trang giấy và thả trên trời xuống. Người ta gọi đó là “thiên quốc thư”. Chúng ta không thấy chuyện này hài hước, ta chỉ thể nhún vai bỏ qua mà thôi. Nhưng nếu chúng ta hình dung là Thiên Chúa đã đọc Kinh Thánh cho các tác giả viết, thì chúng ta cũng ở trong thế giới thần thoại, chẳng khác nào những người tin vào “thiên quốc thư”.

Nhưng khi chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã dùng ngôn ngữ loài người để nói với chúng ta, thì đó là một việc đáng tin, vì chúng ta biết rằng, Lời của Thiên Chúa đã làm người.

KẾT

Để kết luận, tôi khẩn khoản xin những ai đã đọc mấy trang này hãy chuyên cần đọc Kinh Thánh. Việc này không dễ dàng lắm đâu, cũng không hấp dẫn lắm đâu. Chúng ta đã nói nhiều về sự kiện Lời Chúa đã chịu lệ thuộc về thời gian, vào bản tính loài người để đến với chúng ta. Nhưng ai đã thật sự cố gắng đọc Lời Chúa và để tâm suy niệm, sẽ thấy hé mở một thế giới mới, và được gặp Đức Kitô. Sự gặp gỡ đó là một phiêu lưu đẹp đẽ nhất, đầy hứa hẹn nhất, nó sẽ mở rộng giới hạn nhỏ nhen của đời sống và đưa ta đến hồng ân của vĩnh cửu.

Chúng ta không có quyền tự do đọc hay không đọc Kinh Thánh, thánh Hêrônimô có nói: “Ai không biết Kinh Thánh thì cũng không biết Đức Kitô”. Ngày nay, vì ai cũng có cơ hội đọc Kinh Thánh, ta phải nói thêm: “Ai không yêu Kinh Thánh thì cũng không yêu Đức Kitô”.

Chúng ta phải yêu mến và quý trọng Kinh Thánh, vì chính Đức Kitô đã phán: “Kẻ nào hổ thẹn chối Ta và các Lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi Người đến trong vinh quang” (Lc 9,26).

http://www.kinhthanhvn.net/kinh-thanh-loi-cua-thien-chua-trong-ngon-ngu-loai-nguoi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét