Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

Vấn đề “làm từ thiện” nhìn từ quan điểm về cuộc đời con người như một tiến trình thành toàn

Vấn đề “làm từ thiện” nhìn từ quan điểm về cuộc đời con người như một tiến trình thành toàn

20160124140956-12540828-542696269232513-5014869438621146935-n
“Làm từ thiện để làm gì?” là câu hỏi từ một chương trình truyền hình vốn đang trở thành điểm nóng của truyền thông trong nước Việt những ngày gần đây. Có rất nhiều tranh luận và bài viết xoay quanh câu hỏi này. Người ta tranh luận về chính câu hỏi, về cách đặt câu hỏi, về động cơ của câu hỏi, về câu trả lời, vân vân. Các lập luận để biện minh cho các quan điểm trong những tranh cãi trên thường dựa vào một nền tảng hay góc nhìn nào đó. Có người nhìn từ khía cạnh lợi ích nội tâm; người nhìn từ phía hiệu năng kinh tế; có người nhìn từ góc độ xã hội; người nhìn từ góc độ văn hoá.
Tôi sẽ không đi vào những tranh luận trên, nhưng xin đóng góp một vài suy tư về chủ đề “làm từ thiện làm để làm gì” dựa trên nền tảng là một quan niệm về hiện hữu con người với hai tiền giả định liên kết nhau: thứ nhất, cuộc đời con người là một tiến trình thành toàn; và thứ hai, tình yêu là yếu tố giúp con người đạt được tối đa chiều sâu và chiều rộng của cuộc hiện hữu mình.
Cuộc đời con người là gì? Chúng ta thường nhìn về cuộc đời mình như một tập hợp của những ‘hiện hữu cắt lát’: tôi của lúc nhỏ, tôi của tuổi đến trường, tôi của ngày hôm qua, tôi của hôm nay và tôi của ngày mai. Với quan niệm này, những gì của quá khứ không nhất thiết phải có ảnh hưởng đến hiện tại. Vì thế, sẽ có những tuyên bố kiểu như “tôi sẽ vứt bỏ lại quá khứ của mình để sống một cuộc đời mới”, hay “tôi sẽ không để cho kinh nghiệm đổ vỡ đó ảnh hưởng đến đời tôi”.
Tôi không quan niệm cuộc đời như thế. Tôi theo quan điểm cho rằng chúng ta chỉ có một cuộc đời duy nhất và thống nhất (theo nghĩa đen) khi tồn tại ở thế gian này. Hữu thể con người là một tồn tại mang tính thống nhất và toàn thể, trải rộng trong thời gian từ khi chào đời đến lúc trút hơi thở cuối.[1] Cái ‘đời sống hiện tại của tôi’ là cái tiếp tục của quá khứ, và sẽ là nền tảng và là đường chân trời của tương lai. Chúng ta luôn ở trong tiến trình trở thành (becoming).
Như thế, cuộc đời không phải là điều gì đó nội tại, bất biến, mà, nói như Gabriel Marcel, là một ‘tiến trình tự siêu vượt’ (self-transcending process) trong đó ta không giữ nguyên trạng thái ban đầu mà hướng đến những gì vượt trên tình trạng hiện tại của chính mình. Nói cách khác, đời sống con người là một tiến trình tiếp diễn hiện thể hóa những tiềm năng của mình. Lịch sử đời người là một phép đo lường về nhân tính với tất cả sự phong phú của các quan hệ và đời sống hiện thực, thay vì chỉ là sự trừu tượng hoá các quan hệ nhân quả tuyến tính. Đời ta được xây nên từ những ‘viên gạch’ là những kinh nghiệm trong toàn bộ cuộc sống của mình. Mọi cuộc gặp gỡ, mọi trao đổi, mọi trải nghiệm đều góp phần tạo thành cuộc sống ta, và vĩnh viễn trở thành một phần của con người ta. Vì thế, nếu tôi có suy nghĩ tốt, lời nói tốt, việc làm tốt, v.v., là tôi đang xây thêm những ‘viên gạch’ tốt; còn nếu tôi nghĩ xấu, nói xấu, làm xấu, v.v., thì tôi đang chèn thêm nhưng viên gạch xấu cho đời mình!
Nhưng điều gì khiến chúng ta nỗ lực làm điều này điều kia để xây đắp đời mình? Đó là vì cái bản chất ‘giải nghĩa chính mình’ của ta. Con người hẳn là hữu thể duy nhất trên thế gian này chất vấn chính cuộc hiện hữu của mình: ‘tôi là ai?’; ‘đời tôi là cái gì?’; ‘đời tôi có ý nghĩa gì?’. Nói như Heidegger thì ta bị ‘quăng ném vào thế giới’ và phải lần mò để diễn giải ý nghĩa của chính mình bằng những dự phóng về bản thân trong từng gặp gỡ hằng ngày. Ngoài những mục đích thực tiễn thì các hoạt động hàng ngày của ta cũng thường ngấm ngầm một mục đích sâu xa là để hiểu mình hơn. Tôi học là để mở rộng hay hiện thực hoá tiềm năng nhận thức của tôi. Tôi làm việc là để tôi phát huy thêm khả năng sáng tạo của chính mình và dấn thân hơn vào khía cạnh trách nhiệm của đời tôi. Tôi vui chơi giải trí là để bộc lộ và trải rộng những cảm xúc tiềm ẩn của mình.
Dưới góc nhìn về cuộc đời con người như thế, việc làm từ thiện sẽ có vai trò gì? Ở đây tôi xin không đề cập những kiểu ‘từ thiện’ giả hình và lợi dụng. Tôi chỉ bàn đến những gì là việc ‘từ thiện’ thuần tuý theo nghĩa mọi người vẫn hiểu, tức đơn giản là những hoạt động có chứa đựng ý hướng ngay lành là mang lại lợi ích cho những người cần được giúp. Trước hết, nếu phải đặt câu hỏi về ‘động lực làm từ thiện’, thì điều đầu tiên ta trực giác trả lời: là vì tình thương. Ta nhìn thấy một đứa trẻ đói rét, thì ta cảm thấy thương xót; và lương tâm mách bảo ta phải giúp đỡ.
Tình yêu quả thật là một mầu nhiệm bí ẩn của con người. Ta không cần học để biết yêu, không cần ai khác thúc đẩy để yêu. Tình yêu như khởi phát một cách vô điều kiện từ chính nội tại của ta. Tình yêu như là ‘phát ngôn viên’ của lương tâm. Nếu nói như phái Tâm học bên Trung Hoa, lương tâm là bản thể, là Đạo của tâm ta, và cũng là Đạo của Trời Đất. Vì thế, thực hành lương tâm, tức để tình yêu triển nở, là đang đi trên con đường đạt được tận cùng của bản tâm – là tình trạng thiên uyên nhất thể với vạn vật và với cả Trời. Có lẽ phát biểu như thế cũng rất tương đồng với quan niệm về tình yêu của Ki-tô giáo. Có thể nói, tình yêu và khả năng yêu thương là điều con người được chia sẻ bản tính của Thiên Chúa cách rõ nhất (vì Thiên Chúa là Tình Yêu). Chính trong tình yêu mà con người thấy mình thuộc về Thiên Chúa, thấy mình là hình ảnh của Người. Vậy, trong viễn cảnh đức tin, tình yêu là yếu tố giúp con người có khả năng trải rộng và chạm đến chiều sâu nhất của hiện hữu mình. Tình yêu trở thành lời gọi, thành ‘lực hút’ lôi kéo con người khám phá những khả năng lớn nhất, những chiều kích sâu nhất của đời sống mình. Nói cách khác, tình yêu là yếu tố, hay ‘nhiên liệu’ tốt nhất cho cái động lực dự phóng và tìm hiểu về chính mình mà tôi đề cập phía trên.
Vậy, khi nói ‘làm từ thiện trước hết vì tình yêu thương’ thì tự nó ẩn chứa khía cạnh khám phá chính mình. Câu hỏi đặt ra ở đây: một cách thực tế, làm từ thiện có thể giúp tôi biết, hay kinh nghiệm, về mình ở những khía cạnh nào, bằng cách nào và đến mức nào? Trước hết, nó giúp ta hiểu về những khả năng và những hiện thực của con người trong những hoàn cảnh, những trạng huống khác. Nếu một ‘công tử bột’ chỉ khép mình trong cuộc sống vật chất xa hoa mà thôi, thì cuộc đời anh đã bỏ qua những kinh nghiệm sống lầm than, vất vả và cả những khổ đau, những vui buồn. Đó quả là điều đáng tiếc, vì nếu anh có những kinh nghiệm đó, thì cuộc đời anh đã được chèn thêm những viên gạch quý giá để trở nên phong phú hơn. Có thể bạn phản bác rằng những người giàu có họ chỉ đến, ‘gặp’ và giúp những người lầm than, chứ bản thân họ làm gì có kinh nghiệm sống đó. Tôi có thể phần nào đồng ý với bạn. Tuy nhiên, người làm từ thiện ít ra cũng sẽ có được những cảm nghiệm nào đó khi họ tiếp xúc với những cảnh đời lầm than, và như thế thì vốn sống của họ đã được bổ sung rồi, cuộc đời của họ đã được trải rộng thêm rồi!
Mà đi làm từ thiện thì đâu chỉ sẽ gặp những lầm than đau khổ! Điều người ta ít đề cập là khi làm từ thiện ta sẽ rất thường xuyên gặp những nụ cười, những ánh mắt vui mừng hay những giọt nước mắt được an ủi. Những nụ cười, niềm vui đó có thể xuất hiện từ chính những người làm từ thiện, và cũng có thể đến từ những người họ đang gặp, đang giúp đỡ. Những niềm vui đó rất khác với những niềm vui do của cải vật chất mang lại. Vì thế, làm từ thiện là ta đang được trải nghiệm những niềm vui, những an ủi ‘khác lạ’ mà có thể ta chưa bao giờ gặp trước đó.
Nhưng điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ ‘tìm gặp chính mình’ nhờ sự gặp gỡ với tha nhân khi đi làm từ thiện. Tôi không đồng tình với cách người ta hay hỏi theo định dạng hai cực: làm từ thiện là vì mình hay vì người. Mặc dầu những phân tích phía trên có vẻ tạo câu trả lời rằng tôi làm từ thiện là vì tôi (để hiểu biết, trải rộng chính tôi), tuy nhiên, điều cần nhớ là tôi chỉ hiểu biết chính tôi trong tương quan với người khác, và chỉ có thể trải rộng cuộc hiện hữu của mình cùng lúc với trải rộng đời sống của tha nhân. Nói như Levinas, chỉ khi chú ý vào tha nhân, đối thoại với tha nhân, và từ nơi tha nhân mà tôi mới có thể biết được mình là ai. Có lẽ chúng ta đều tâm đắc với câu nói “không ai là một hòn đảo”! Quả thật, nếu không có tha nhân thì tôi làm gì biết mình là ai! Chính các tương quan với tha nhân, hay đúng hơn là chính tha nhân, xây dựng nên đời tôi và cho tôi biết tôi là ai.
Vì thế, xét cho sâu xa thì từ thiện không còn là một việc ‘tình nguyện’ theo nghĩa thích thì làm, mà là một trách nhiệm của ta đối với tha nhân. Ai đó có thể phản bác quan điểm này với lập luận rằng: có thể tôi phải có trách nhiệm với những người giúp dựng xây nên đời tôi, nhưng đâu nhất thiết phải trách nhiệm với những người khác tôi không quen biết. Lập luận thế là chưa xét đến tận cùng sự mở rộng của mạng lưới tha nhân. Đồng ý rằng những người không quen biết không phải là ‘tha nhân trực tiếp’ của tôi, nhưng họ lại là ‘tha nhân’ của ‘tha nhân trực tiếp’ của tôi. Tôi được sinh ra trong gia đình bố mẹ tôi. Nhưng phía sau gia đình đó lại là một mạng lưới nhân rộng mà hai dòng họ nội ngoại của tôi chỉ là thế hệ thân cận gần nhất. Hay chỉ cần xét đến thực tế là tất cả chúng ta đều thở chung một bầu không khí của trái đất này cũng đủ cho thấy rằng tất cả chúng ta đều liên hệ với nhau. Vì thế, mọi người, ở một mức nào đó, đều là tha nhân của nhau, và do đó, đều phải có trách nhiệm với nhau.
Quan trọng hơn hết, điều cao quý nhất của việc làm từ thiện là ta được mở rộng ‘bản tâm’ của mình, cùng tha nhân chung chia khía cạnh cao cả nhất của đời người là Tình yêu. Như thế, làm từ thiện giúp ta có khả năng đạt đến chiều sâu nhất của hiện hữu mình. Nó là phương thế giúp ta chạm đến vương quốc thánh thiêng của Thiên Chúa, hay đúng hơn là chạm vào chính Thiên Chúa, đấng là Tình Yêu.
Vậy phải làm từ thiện với ý thức và tâm thế nào? Những phân tích phía trên cho thấy người được ta giúp thật ra lại là ân nhân đang giúp chính ta. Họ đang trao cho ta cơ hội để ta mở rộng, đào sâu cuộc hiện hữu của chính ta; để ta thực thi bổn phận trải rộng đời mình trong trách nhiệm với trải rộng đời tha nhân. Vì thế, thái độ căn bản nhất của người làm từ thiện phải là thái độ biết ơn đối với những người ta đang ‘giúp’, thay vì là thái độ ban ơn.
Cuối cùng, quan niệm về con người như một tiến trình thành toàn nói trên không ngăn cản ta bàn về vấn đề ‘hiệu năng’ trong việc làm từ thiện. Phần lớn những tranh cãi tôi đề cập đầu bài viết đều xoay quanh vấn đề hiệu năng, hay hiệu quả, của việc từ thiện. Tôi thiết nghĩ câu hỏi này cũng chính đáng. Tuy nhiên, khi đặt câu hỏi đó thì thường người ta chỉ chú trọng tới phần ‘kết quả’ vật chất của làm từ thiện. Họ quên đi rằng từ thiện trước hết là một cuộc gặp gỡ, chứ không chỉ đơn thuần là mang đến những vật chất. Như người ta thường nói, hạnh phúc hệ tại ở hành trình chứ không phải ở đích đến, cũng vậy, điều lớn lao nhất ở việc làm từ thiện là chính cuộc gặp gỡ, thăm viếng. Ta đến với họ là ta đã mang cả con người mình đến trước mặt họ. Những cuộc gặp gỡ sẽ mang đến niềm tin, niềm hy vọng và ủi an, thay vì chỉ là những món quà vật chất. Một người đang tuyệt vọng vì lầm than có thể có niềm tin hơn vào cuộc sống khi họ nhìn đến tấm chân tình của ta; một em bé nheo nhóc có thể nhìn một anh chị thành đạt như một tấm gương mà em sẽ xây dựng viễn tượng của mình trong tương lai; hay một người bên lề xã hội có thể tin vào tình yêu khi ta đến bên họ. Vì thế, nếu có xét về hiệu năng, thì nó phải xét trong tương quan với tình yêu phục vụ.
Hiệu năng đích thực phải là hiệu năng do tình yêu mang lại, chứ không đơn thuần là những suy luận tính toán. Hiểu biết do kinh nghiệm của tình yêu thì lớn hơn hiểu biết do suy luận. Khôn ngoan của tình yêu bao gồm cả khôn ngoan lý trí, nhưng sâu rộng hơn khôn ngoan lý trí. Những gì là sáng kiến, sáng tạo thì đều khởi xuất từ tình yêu. Chính Thiên Chúa cũng tạo dựng mọi sự từ tình yêu của Ngài. Một bà mẹ tất nhiên biết dùng khôn ngoan lý trí của mình để chăm sóc con cái. Nhưng tình yêu khiến bà vận dụng tất cả mọi hiểu biết, và đồng thời, tìm kiếm, khám phá thêm những gì thích hợp nhất cho con mình trong hoàn cảnh nhất định. Vì thế, không ai chăm sóc em bé tốt hơn bà mẹ của đứa trẻ, vì tình yêu khiến bà biết rõ con mình thật sự cần những gì. Trong việc làm từ thiện cũng vậy. Có thể có những điều được xem là thất bại dưới con mắt tính toán theo hiệu quả vật chất. Nhưng nếu nó được làm với tình yêu thì không hẳn là thất bại. Ví dụ, có một nhóm bạn trẻ đội mưa gió đến đưa quà – là những chiếc áo ấm – cho một nhóm trẻ vùng cao, nhưng do một hiểu lầm nên mang đến những chiếc áo không vừa vặn với các em, khiến các em không mặc được. Tình huống như thế có thể bị nhiều người xem là thất bại, nhưng nếu có tình yêu thì lại sẽ thành công. Vì dụ, vì chưa giúp các em giữ ấm bằng áo quần như dự tính, nhóm bạn đó có thể tìm ra những sáng kiến giữ ấm khác, như che lại tường vách nhà cửa, tìm thêm củi để đốt khi lạnh; sau đó họ có thể vận động thêm nguồn gửi lại áo quần đúng kích cỡ, và rút thêm những kinh nghiệm cho lần sau. Thậm chí các bạn đó có thể là những tấm gương để những em bé kia cũng biết làm từ thiện bằng cách mang những áo quần không vừa vặn đó đến cho những ai phù hợp hơn. Vì thế, tôi thiết nghĩ, câu nói trứ danh của thánh Augustino nên là kim chỉ nam cho việc làm từ thiện: “hãy yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm!”
 Khắc Bá S.J.
[1] Thời gian đời ta được hiểu là chiều kích gắn liền với không gian hiện hữu của ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét