Trang

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2016

Cuộc hiện ra đầu tiên của Chúa Kitô có phải dành cho Mẹ của Ngài không?

Cuộc hiện ra đầu tiên của Chúa Kitô có phải dành cho Mẹ của Ngài không?


 
Như Abraham hiến tế con của mình là Isaac (x. Kn 22), Đức Maria đã sống trong sự vâng phục đức tin, "mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin… dựa vào lời hứa của Thiên Chúa, …trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện." (x. Rm 4, 18.20-21).
Abraham, cha của những kẻ tin, đã kiên vững trong đức tin vào lúc hiến tế con của mình, mà thế nhưng, trên đó, theo cái nhìn nhân loại, tất cả niềm hy vọng thực hiện lời hứa của Thiên Chúa được xây dựng. Đức Maria, Mẹ của các tín hữu, cũng đối diện với một hoàn cảnh tương tự. Mọi lời hứa được thiên thần truyền lại dường như bị tiêu hủy bởi cái chết của Chúa Kitô.

Tuy nhiên, còn hơn cả Abraham, Đức Trinh Nữ đã tin rằng Thiên Chúa thậm chí có thể làm cho kẻ chết sống lại (x. Dt 11, 19). Các Tin Mừng không tường thuật cuộc hiện ra của Chúa Kitô phục sinh với Mẹ của Ngài [1]. Người ta tự vấn về sự vắng mặt này.

Đối với một số người, Chúa Giêsu đã không hiện ra cho Mẹ của Ngài bởi vì chính mối phúc này mới đặc biệt thích hợp cho Mẹ : "Phúc cho những ai không thấy mà tin" (Ga 20, 29). Đức Trinh Nữ đã không bao giờ nghi ngờ về sự Phục sinh của Con của mình vì Ngài đã nhiều lần loan báo điều đó.

Sự xác tín của Đức Maria về điểm này không cần phải được xác nhận bằng một dấu lạ hay một cuộc hiện ra. Mẹ biết rằng những gì Chúa nói đều luôn được thực hiện : những gì Ngài nói, Ngài đều thực hiện điều đó. Vả lại, Chúa Giêsu, Ngài có kế hoạch đưa Mẹ Ngài không chậm trễ cùng với Ngài vào trong vinh quang của Thiên đàng, nên một cuộc hiện ra cho Đức Maria là không cần thiết.

Tuy nhiên, một số người khác chủ trương rằng lòng thảo hiếu của Chúa Giêsu đối với Mẹ Ngài đòi hỏi rằng Ngài hiện ra cho Mẹ vào sáng Phục Sinh. Theo truyền thống Êthiôpi cổ xưa, Mẹ thậm chí là người đầu tiên hưởng nhận cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh và Mẹ đã thường xuyên ở bên ngôi mộ cho đến ngày "chuyển tiếp" của Ngài.

Trong cuốn Linh Thao của mình, thánh Inhaxiô Loyola xem sự hiện ra của Chúa Phục Sinh cho Mẹ của Ngài như là đương nhiên [2].

Những gì mà Huấn Quyền mạnh mẽ thúc giục chúng ta suy nghĩ

Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II rõ ràng nghiêng về giả thuyết này : « Không thể nghĩ được rằng Đức Trinh Nữ, hiện diện nơi cộng đoàn các môn đệ tiên khởi, lại bị loại khỏi số những người đã gặp được người Con phục sinh từ trong kẻ chết của mình. Trái lại, thực sự có thể rằng người đầu tiên mà Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra đã là Mẹ của Ngài. Sự vắng mặt của Mẹ khỏi nhóm các phụ nữ đến mồ từ sáng sớm có thể là một dấu hiệu rằng Mẹ đã gặp Chúa Giêsu rồi » [3].

Do đó, cả hai giả thuyết vẫn là có thể , nhưng Huấn Quyền mạnh mẽ thúc giục chúng ta suy nghĩ rằng Đức Trinh Nữ Maria đã là người hưởng nhận cuộc hiện ra của người Con phục sinh của mình, không phải vì Mẹ đã cần đến điều đó để tin, nhưng bởi vì Con của Mẹ muốn tôn kính Mẹ trong tất cả mọi sự.

Thật là vui dường nào trong cuộc gặp gỡ phục sinh này ! Ôi sự thiết thân khôn tả ! Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội mà Ma Quỷ không có chi phối nào trên Người và Chúa Kitô chiến thắng sự chết !

————————–

[1] Vì cần phải sửa sai sự đồng hóa sai lầm mà một số Giáo Phụ đã mắc phải khi các ngài đồng hóa bà Maria của chương 20 của thánh Gioan với Mẹ của Chúa Giêsu. Xem thánh Grêgôriô de Nysse hay thánh Ephrem.

[2] Truyền thống cổ xưa này, bên cạnh thánh Inhaxiô, đã được họa sĩ Albrecht Dürer (1471-1528), người Đức, minh họa trong bộ tranh « Petite Passion » (cuộc tiểu thương khó) của mình, được phổ biến vào năm 1511, do đó, ngay trước việc thành lập Dòng Tên (15/08/1534) ở Montmartre. Vì thế, đây là hai chứng thực rất rõ ràng về việc đón nhận bởi dân kitô giáo về niềm tin này. Bức chạm trổ của Albrecht Dürer đã gợi hứng trực tiếp cho bức thứ mười bốn của Tòa giảng bằng gỗ của ngôi nhà thờ Villemaur (Aube, Pháp), một trong những tòa giảng hiếm có bằng gỗ được bảo toàn ở Pháp, được ký kết vào năm 1521 bởi các thợ mộc Thomas và Jacques Guyon.

[3] Gioan-Phaolô II, Buổi tiếp kiến chung ngày 21 /05/1997.

Lm. Võ Xuân Tiến lược dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét