Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ 2 GIA ÐÌNH - DÂN TỘC - TÔN GIÁO

LỊCH SỬ CỨU ĐỘ
DẪN VÀO THẦN HỌC THÁNH KINH
(NGUYÊN TÁC “SALVATION HISTORY”
TÁC GIẢ : NEAL M. FLANAGAN, osm)

PHẦN I
CHƯƠNG II

GIA ÐÌNH - DÂN TỘC - TÔN GIÁO


GIA ÐÌNH CỦA ABRAHAM (Ðọc Khởi Nguyên 12, 1 - 25, 8).

Ðến đây lịch sử cứu độ tiến lên một cách đáng kể và tiến gần hơn với ý nghĩa hiện đại của hai chữ "lịch sử". Chúng ta bắt đầu tiếp xúc với những nhân vật và những biến cố mà người ta có thể xác định được thời gian, không gian trong văn bản của lịch sử tổng quát.

Chín chương trước đây của " Khởi Nguyên" (3 - 11) đã cho thấy một cách rất linh động sức mạnh mà vương quốc của Satan tràn ngập con người và thế giới con người đang sống. Sự vận chuyển mỗi ngày một dần dần xa Thiên Chúa. Hết câu chuyện này đến câu chuyện khác, những câu chuyện về sự tội cứ nối tiếp nhau, con người ngày một rời xa cái tính "bản thiện" thuở nó được tạo dựng ; càng ngày nó càng rời xa Thiên Chúa, nó cần sự cứu độ một cách tuyệt vọng nhưng không thể tự mình làm được. Không có một người nào vẫn còn trung thành với Thiên Chúa sao ?

Và giờ đây, chính Thiên Chúa bước vào một cách rất đột nhiên và cảm động. Người tuyển chọn, từ một thế giới trầm luân trong tà giáo, một nhóm ít người, thuộc thị tộc Thare sống tại Ur gần vịnh Ba Tư, Ur cũng thường được gọi là Chalđê. Thị tộc này di chuyển về phía tây bắc, đất Haran, gần nguồn sông Euphrates. Từ thị tộc này Thiên Chúa chọn một người duy nhất : Abraham. Sự chỉ có một Thiên Chúa duy nhất đã được mạc khải cho ông và với ông, công trình cứu độ của Thiên Chúa cũng như dân riêng Chúa chọn được bắt đầu. Những chi tiết của sự mạc khải đầu tiên này không rõ như thế nào, nhưng hình như nó đã xảy ra trước khi có lời hứa quan trọng và lừng danh được mô tả ở " Khởi Nguyên" chương 12 câu 1- 3. Những lời hứa này coi Abraham như là một người đã thân tình với Thiên Chúa. Ðoạn văn thật cảm động :

Thiên Chúa phán với Abram : "Hãy đi khỏi xứ sở của ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi, ai mà nói động đến, Ta sẽ chúc dữ. Mọi thị tộc trên trần thế sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau".

Ðoạn văn ngắn ngủi này hé mở ra dưới hình thức hơi tổng quát, những lời mà Thiên Chúa tự ý HỨA với Abram, con người đã được Chúa chọn để làm con tàu cứu rỗi. Trong thực chất, những lời hứa này nói về :

1.   Một dân tộc sẽ phát xuất từ Abraham.
2.   Một đất nước thuộc quyền sở hữu của dân tộc này, và
3.   Một phúc lành được ban xuống cho các dân trên thế giới nhờ Abraham.

Những lời hứa này được lập lại trong những chương kế tiếp, và lời hứa thứ nhất cũng như thứ nhì sẽ trở nên rõ rệt hơn. Ðất nước đã hứa cho miêu duệ của Abraham sẽ là miền đất Canaan về phía tây nam Haran, miền này về sau được lịch sử gọi là Pha-Lệ-Tinh. Lời tiên tri về một dân tộc phát xuất từ Abraham cũng trở thành rõ rệt hơn. Dân tộc này được mô tả như là lớn lao, đông đảo chẳng khác gì bụi đất (13 - 16) và sao trên trời (15, 5). Quan trọng hơn nữa, nó được ghi như là một dân tộc sẽ phát triển từ một người con của Abraham - một người con mà ông sẽ có sau với bà vợ già son sẻ của ông. Ðây là một lời hứa có vẻ khó tin đối với ông, nhưng đó là điều Thiên Chúa báo trước và Abraham phải tin. Ðiều đã được nói ở chương 12, câu 3, liên quan đến các dân tộc được chúc lành qua Abraham, được lập lại một lần nữa ở chương 18, câu 18, nhưng chưa bao giờ được giải thích rõ ràng hơn. Nó vẫn là một điều mầu nhiệm đối với Abraham và miêu duệ của ông.

Ðể bảo đảm và xác nhận những lời hứa này, một lễ kết ước đã diễn ra giữa Thiên Chúa và Abraham, con người được tuyển chọn. Lễ kết ước là một thỏa hiệp, một sự giao kết, một tôn giáo, ràng buộc con người với Thiên Chúa. Chương 15 câu 17 - 18 mô tả một quang cảnh huyền bí. Abraham đem đến một con bê, một con dê cái, một con dê đực, một con chim cu gáy và một bồ câu, đoạn ông xẻ ra chính giữa và đặt phần này đối chiếu với phần kia.

"Và khi mặt trời đã lặn và tối tăm bao trùm thì này một lò lửa nghi ngút khói và một đuốc cháy ngang qua giữa những mảng thịt hy sinh. Ngày hôm ấy, Thiên Chúa đã kết ước với Abraham rằng : Cho dòng giống ngươi, Ta sẽ ban thửa đất này"

Nghi lễ kết ước này theo đúng tục lệ thời đó, những bên bước vào thỏa hiệp đều đi ngang qua những con vật xẻ đôi để cam kết rằng mình cũng sẽ bị xẻ đôi như thế nếu phá vỡ thỏa hiệp. Cái biểu hiệu bề ngoài của mối quan hệ mới, sự đoan kết mới giữa Thiên Chúa và Abraham, sẽ là nghi lễ cắt bì (17, 1 - 14).

Các câu chuyện này có gì quan trọng đối với lịch sử cứu độ không ? Những giai đoạn trong đời sống của Abraham làm nổi bật ba khía cạnh hoạt động của Thiên Chúa, sự hoạt động này xuất hiện từng thời kỳ qua nhiều thế kỷ, khi Thiên Chúa đem lại ơn cứu độ cho thế giới. Khía cạnh thứ nhất là sự tuyển chọn, Thiên Chúa chọn một người để làm khí cụ của Ngài. Trong trường hợp này, đó là Abraham, một con người vô danh trong một thị tộc vô danh, ở một thành phố vô danh. Tại sao lại chọn Abraham ? Bởi vì Thiên Chúa muốn chọn ông. Ðó là câu trả lời duy nhất có thể được. Và vấn đề xảy ra như thế xuyên qua bao thế kỷ. Thiên Chúa chọn ai, mặc ý Ngài : người này chứ không phải người khác, người này chứ không phải là anh của hắn. Isaac được chọn trên Ismael ; Yacob trên Esau, Yuse trên các người anh của ông, Maria trên các trinh nữ của Israel. Bao giờ quyền tuyển chọn cũng chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.

Yếu tố thứ hai là lời hứa : Cựu Ước từ đầu đến cuối vẫn là một lời hứa. Lúc này những lời hứa được phán ra với Abraham. Những lời hứa ấy sẽ được nối tiếp bằng những lời hứa khác sau này với những cá nhân mà Thiên Chúa muốn chọn làm những người lãnh nhận thiên chức. Mặc dầu không cần, Thiên Chúa vẫn hứa hẹn những ân huệ rõ rệt trong tương lai và lòng trung tín của Ngài đã đảm bảo cho chúng được nên trọn vẹn.

Yếu tố thứ ba là lễ kết ước, biểu lộ sự hiệp nhất thiêng liêng giữa Thiên Chúa và loài người. Lễ kết ước với Abraham thật đơn giản, nhưng ít nhất cũng thiết lập bước đầu của một tôn giáo, một sự ràng buộc của Thiên Chúa đối với loài người và của loài người đối với Thiên Chúa. Cái tôn giáo phát triển đầy đủ của Israel trong tương lai hãy còn xa cách đó khoảng sáu thế kỷ nữa. Cũng nên ghi nhớ rằng, liên quan tới lễ kết ước cùng Abraham, lễ hy tế được đưa vào như là một thành phần của lễ kết ước.

Ba yếu tố : tuyển chọn, lời hứa, kết ước là những điều phía Thiên Chúa dùng để kết buộc với Abraham. Ðó là những điều Thiên Chúa đem đến, phía Abraham thì có những gì ? Ông đáp ứng lại Thiên Chúa ra sao ? NIỀM TIN ! Abraham tin và với niềm tin đó, công trình cứu độ bắt đầu về phía loài người, ông tin rằng Thiên Chúa sẽ cho dòng giống ông đất Canaan (Phalệtinh). Ông tin rằng ông sẽ có một dòng giống đông vô số, như những hạt bụi đất và sao trên trời. Hơn nữa ông tin rằng Thiên Chúa sẽ làm cho lòng dạ cằn cỗi của bà vợ già son sẻ của ông sinh ra một đứa con, nó sẽ là khởi đầu cho một gia đình và cho một dân tộc, đó không phải là một lời hứa dễ tin. Sara đã cười khi bà được loan báo tin đó (18, 12) và chính Abraham, mặc dù là con người có niềm tin mãnh liệt, cũng phải bật cười khi nghe tin mừng đó lần đầu tiên (17, 17). Ðó là một lời hứa khó khăn, nhưng Abraham đã tin. Bởi vì ông tin nên một người con đã sinh ra bởi Sara, tên của cậu bé là Isaac, có liên quan đến từ ngữ Dothái nghĩa là cười, một nụ cười xảy ra khi đón nhận lần đầu tiên lời hứa cậu bé đó sẽ được sinh ra.

Isaac lớn lên bình thường và mạnh khỏe. Cha của cậu yêu cậu hết lòng và quý cậu như con ngươi của mình. Niềm hy vọng cứu độ của thế giới được đặt ở nơi cậu. Tuy nhiên khi Thiên Chúa bảo Abraham mang cậu con trai đi dâng làm của lễ toàn thiêu, thì ông cứ vâng lệnh ra đi đến nơi tế lễ, mặc dù đau nát ruột. Thiên Chúa ngăn chận tay ông lại và giao hoàn cậu con trai cho ông, nhưng chỉ sau khi Abraham minh chứng niềm tin sâu xa hơn nữa của ông, một niềm tin có một không hai trong lịch sử loài người ở thời đại trước Ðức Kitô. Vì thế người ta không ngạc nhiên bao nhiêu khi thánh Phaolô giới thiệu ông như là người gương mẫu cho những kẻ tin vào Ðức Kitô, và cho rằng đức tin có một vai trò quan trọng nhất trong công việc cứu độ. Sự cứu độ của cả thế giới đã bắt đầu với niềm tin của Abraham như thế nào, thì sự cứu độ của mỗi người Kitô hữu cũng bắt đầu với niềm tin của mình như vậy, với ý muốn chấp nhận mọi điều Chúa dạy và mọi lời Chúa hứa.

Chúng ta có thể xác định Abraham và câu chuyện về đời sống của ông trong bối cảnh của lịch sử thế tục không ? Các học giả ngày nay công nhận rằng câu chuyện về Abraham hoàn tòan ăn khớp với các chuyện chúng ta biết về thế giới Canaan và Mêsôpôtamia khoảng 2000 năm trước Thiên Chúa giáng sinh. Lối sống cũng như những phong tục của Abraham và gia đình ông rất giống lối mà các nhà khảo cổ học đã xác định nơi những dân bán du mục thời đó, họ di cư rất đông từ Mêsôpôtamia đến Canaan. Vậy nếu cho rằng Abraham sống vào khoảng 1850 hay 1800 trước Thiên Chúa giáng sinh thì chắc cũng sẽ không sai lắm.

Tiếp theo câu chuyện về gia đình Abraham là câu chuyện về Isaac và Yacob (Ðọc Kn. 21 - 36). Isaac được mô tả bằng những nét nhợt nhạt, nhất là đối với cha của ông là Abraham và con của ông là Yacob. Cả hai nhân vật này với nhân cách rất vững vàng đã làm cho hình ảnh của Isaac bị lu mờ đi. Tuy nhiên việc Thiên Chúa lập lại với Isaac những lời đã hứa với Abraham là một điều quan trọng cho lịch sử cứu độ. Ở chương 26 câu 3 và 5, Thiên Chúa phán với Isaac :

Ta sẽ giữ lời Ta đã thề với Abraham cha ngươi, Ta sẽ cho dòng giống ngươi nên đông đảo như sao trên trời. Ta sẽ ban cho dòng giống ngươi tất cả xứ này. Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau .

Vợ của Isaac là Rêbecca, không phải đã được chọn trong số những cư dân tại Canaan, nhưng đã được chọn trong họ hàng của ông hãy còn đang sống về phía bắc Haran, bà sinh đầu lòng hai người con trai song sinh. Vì một lý do cao siêu nào đó, chúng ta khó hiểu được, Thiên Chúa đã chọn người con thứ là Yacob chứ không chọn người con cả là Esau. Tính tình của Yacob được mô tả bằng những màu sắc rất trung thực. Việc ông dùng bát cháo để đổi lấy quyền trưởng nam của Esau đang đói bụng, là một hành động mánh khoé chứ không phải là gian dối (25, 29 - 34). Trong trường hợp này, tác giả gần như ít bất mãn về hành động của Yacob hơn là về Esau : "Esau đã khinh rẽ quyền trưởng nam đến thế" (25, 34).

Việc Yacob đã dùng mưu kế để giả dạng Esau ngõ hầu được chúc lành của cha ông (Kn 27) là một việc trông có vẻ gian xảo hoàn toàn, nếu việc được quyền trưởng nam như thế không có chứa lý do để giải thích và biện hộ cho phần nào. Ðó là một ví dụ cho thấy Thiên Chúa thường vạch những đường thẳng xen lẫn với những đường cong, bởi vì xuyên qua Yacob chứ không phải Esau mà chương trình cứu độ sẽ tiếp tục.

Từ trước tới đây, Yacob đã được cho thấy như là một con người có tính tình tồi tàn. Tuy nhiên, một khi ông đã trốn về phía bắc Haran để tránh cơn giận dữ của người anh, thì những vẻ tốt đẹp nơi ông mỗi ngày một gia tăng và hiện ra đậm nét rõ rệt. Kn 28, 10 - 22 nói về sự chiêm bao của ông và lời ông khấn với Thiên Chúa tại Bêthel, và sự Thiên Chúa nhắc lại với ông về những lời Thiên Chúa đã hứa với Abraham và Isaac. Kn 32, 25 - 31 nói về một cuộc gặp gỡ khác với Thiên Chúa và việc được chúc lành tại Phanuel, sau đó Yacob được đổi tên là Israel. Cả hai lần mô tả này nhằm mục đích cho thấy Yacob ngày càng thêm tiến đức. Câu chuyện rất hay về mối tình của ông đối với Rakhel và về bảy năm ông giúp việc để lấy được nàng, bảy năm "đối với chàng chỉ như vài ngày thôi, vì chàng quá yêu nàng" ( Kn 29, 20) cho ta thấy một câu chuyện ái tình đầu tiên trong Kinh Thánh và những đặc điểm nhân loại rất đáng cảm phục. Yacob đã đối xử khôn khéo với Laban, một người cha vợ cũng khôn khéo chẳng kém, nhưng những ngày lừa gạt đã qua hẳn rồi.

Như chúng ta đã biết, chính Laban đã tỏ ra mánh khóe hơn Yacob trong việc hôn nhân của Rakhel. Chúng ta đọc thấy rằng : "Laban có hai cô con gái, tên cô lớn là Lêa và tên cô bé là Rakhel. Mắt Lêa lờ đờ, còn Rakhel lại dáng dấp xinh đẹp, dung nhan mỹ miều" ( Kn. 29, 16 - 17). Yacob một người mánh khóe, đã gặp một tay mánh khóe bậc thầy !

Hai người vợ của Yacob là Lêa và Rakhel, và hai tớ gái của các bà ấy, đã sinh cho Yacob 12 người con trai, và chương trình cứu độ của Thiên Chúa sẽ tiếp tục xuyên qua họ. Trong những người con trai ấy, quan trọng nhất là Yuse, con của Rakhel và là anh của Benjamin.

Câu chuyện về Yuse (đọc Khởi Nguyên các chương 37 - 50) là một trong những câu chuyện được phổ biến nhất trong Cựu Ước. Bị các anh ghen ghét và bán cho người Aicập để làm nô lệ, Yuse đã tỏ ra đức độ và khôn ngoan đáng làm mẫu mực cho thiên hạ. Ông đã được cất nhắc lên địa vị cao trọng thứ nhì, chỉ sau vua Pharaô một cấp mà thôi. Khi các người anh của ông đến Aicập tìm lương thực trong thời kỳ đói kém, Yuse đã tiếp đón họ một cách nhân từ và bác ái, một gương tốt đẹp. Khoảng 1700 năm trước thời của nó về luật yêu thương trong Bài Giảng Trên Núi của Ðức Kitô. Sau hết, toàn thể gia đình của Yacob dời sang Aicập ở với Yuse và ở đó Yacob "thu chân lại lên giường và ông đã thở hơi cuối cùng. Và ông đã được xum vầy với tổ tiên" ( Kn. 49, 33).

Ðó là những chi tiết của câu chuyện. Tuy nhiên đàng sau những sự kiện này, có chứa đựng nhiều điều về lịch sử Aicập và về chương trình của Thiên Chúa. Việc Yuse được cất nhắc lên nắm quyền hành của Aicập dường như đã làm cho câu chuyện tỏa ra một vẻ đẹp huyền bí thần tiên trong nhiều thế kỷ. Làm sao tưởng tượng được rằng một con người từ thân phận nô lệ đã được cất nhắc lên một địa vị cao trọng như thế trong chính quyền ? Hiện nay chúng ta biết rằng vào khoảng 1700 - 1570 trước Thiên Chúa giáng sinh, nước Aicập đã bị tràn ngập bởi những người Sêmít xâm lược từ phía bắc lấn xuống, và họ đã nắm hết quyền cai trị. Những người ngoại xâm này được gọi là "Hyksos", có nghĩa là "chủ nhân ngoại quốc". Sự chiến thắng của họ là nhờ ở việc sử dụng ngựa và xe mà thời bấy giờ người Aicập chưa có. Tất cả những điều này đã làm cho việc Yuse được cất nhắc trở nên dễ hiểu hơn. Ông được cất nhắc lên như là một người ngoại lai trong một chính quyền do những người ngoại lai như ông nắm giữ.

Dĩ nhiên là tác giả của chúng ta không quan tâm gì cả đến vai trò mưu lược của người Hyksos trong lịch sử Aicập. Ông chỉ quan tâm đến một việc khác đó là những việc kỳ lạ của Thiên Chúa quan phòng. Chúng ta hãy nhớ rằng sự cứu độ nằm trong gia đình Yacob. Trong thời kỳ đói kém ở Canaan, gia đình này đã phải nguy khốn và có thể chết sạch. Nhưng họ không chết, chỉ vì Thiên Chúa đã thấy rằng, chỉ cần một người trong gia đình, đó là Yuse, nắm một địa vị quan trọng cũng đủ cứu sống cả gia đình. Ðó là lý do tại sao Yuse bị bán sang Aicập. Ðường lối của Chúa quan phòng tuyệt diệu biết bao ! Chính những lời của Yuse đã tường thuật lại ý nghĩa cao siêu của giai đoạn này :

"Tôi là Yuse, em của các anh, người các anh đã bán qua Aicập. Nhưng bây giờ đừng quá buồn sầu, đừng tức tối với mình vì đã bán tôi. Này, chính để là phương cứu sống mà Thiên Chúa đã sai tôi đi trước các anh. Nay mới là hai năm đói nội trong xứ nhưng còn năm năm nữa không cày không gặt. Thiên Chúa đã sai tôi đi trước các anh là để lưu số sót lại trên đất cho anh em, cứu sống anh em và mưu việc giải thoát lớn. Vậy không phải các anh đã sai tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa ; chính Người đã đặt tôi làm như cha của Pharaô, làm chúa tất cả cung điện của ngài, thống trị toàn cõi Aicập" ( Kn. 45, 4 - 8).

Những chương cuối của Khởi Nguyên nói về cái chết của Yacob-Israel và Yuse. Trước khi Yacob-Israel chết, ông đã nhận hai người con của Yuse, là Ephraim và Manassê làm con nuôi. Trong hai người đó, Ephraim, mặc dù nhỏ hơn, đã nhận được phúc lành lớn hơn, bởi vì thị tộc của ông đã trở nên một thị tộc quan trọng ở Canaan. Mười hai thị tộc Israel sẽ được thành lập từ mười hai người con trai của Yacob-Israel, trừ Yuse và Lêvi, nhưng lại thêm vào Ephraim và Manassê. Yuse đã được trừ ra, bởi vì con cháu của ông, nhưng người Lêvi sẽ trở nên các vị tế lễ và sẽ sinh sống chính bằng chức nghiệp đó.

Chúng ta đang ở vào phần cuối của sách Khởi Nguyên, thiết tưởng cũng nên tóm tắc một cách ngắn gọn những gì đã xảy ra trong lịch sử cứu độ từ trước tới nay. Thế giới và con người được sáng tạo nên trong sự THIỆN HẢO. Sau đó Satan đến với vương quốc của nó là sự tội, sự chết, bệnh tật. Các chương 4 - 11 gây cho chúng ta một ấn tượng về sức mạnh của sự tội. Ở chương 12, Abraham đã được Thiên Chúa tuyển chọn, đã đón nhận những lời phán hứa và lễ kết ước. Sự cứu độ của nhân loại bắt đầu từ điểm này. Những lời phán hứa đã được nhắc lại với Isaac và Yacob-Israel, và họ đã noi gương Abraham mà hiến dâng chính bản thân và gia đình mình cho Thiên Chúa qua hy tế. Sau hết Yuse đã được chọn để bảo toàn gia đình lúc di chuyển về đất Aicập.

GIA TỘC BIẾN THÀNH DÂN TỘC (Ðọc Xuất Hành 1 - 18).

"Yuse đã chết, rồi các anh em ông hết thảy, rồi tất cả thế hệ ấy. Con cái Israel sinh sôi nảy nở, họ nên đông đảo và hùng hậu lắm lắm, đến đổi xứ đầy những người của họ.

Bấy giờ có vua mới, không hề biết Yuse, lên ngôi ở Aicập. Ông nói với dân của ông : "Này dân con cái Israel đông đảo và hùng hậu hơn ta. Nào ! Ta phải khôn mưu với nó ! Kẻo nó sinh sôi và khi xảy có giặc, nó lại hùa với địch mà đánh lại ta rồi lên khỏi xứ này". Và người ta đã đặt trên Israel những khổ dịch để bức bách dân è vai vác nặng, và dân đã phải xây cho Pharaô các thành thương khố Phithom và Ramsès. Nhưng người ta càng áp bức, thì dân càng thêm đông đảo bành trướng, khiến người ta phải khiếp sợ con cái Israel. Người Aicập bắt con cái Israel lao công một cách ác nghiệt, bắt chúng sống cay sống cực bằng lao dịch nặng nề : khuấy hồ làm gạch, và các công việc đồng áng, tức là hết thảy các công việc người ta bắt họ phục dịch một cách ác nghiệt" (Xh 1, 6 - 14).

Qua những dòng trên đây, sách Xuất Hành, quyển thứ nhì của Thánh Kinh, đã dồn ép lịch sử, một khoảng độ 400 năm bằng cách nhảy từ Yuse sang Môsê. Sự suy thoái của dân Israel, dòng giống của Yacob-Israel, chắc là đã trùng hợp với sự người Hyksos bị mất quyền hành ở Aicập. Những người ngoại xâm này đã bị dân bản xứ Aicập đánh bại vào thượng bán thế kỷ thứ XVI trước Thiên Chúa giáng sinh (khoảng 1570), và chúng ta có thể hình dung được dễ dàng sự thất sủng nhanh chóng của dân Israel sau khi bà con của họ là những người Sêmít bị trục xuất, tuy nhiên họ vẫn tiếp tục phát triển và tạo thành một gia đình nói được là rất đông đúc và bà con họ hàng với nhau. Khi vận mệnh của họ dường như đã sa xuống tận đáy vực sâu, thì một vị giải thoát, một vị cứu tinh liền được gởi đến cho họ. Ðấy là Môsê, một khuôn mặt chắc chắn nổi bật nhất trong Cựu Ước.

Buổi thơ ấu và thời kỳ niên thiếu của Môsê càng thêm đậm nét qua việc ông được thoát chết khi hãy còn bé bỏng, việc ông được giáo dục trong triều đình vua Pharaô, việc ông khám phá được sự thật về gia đình của ông, việc ông trốn khỏi Aicập sau khi đã giết chết một người Aicập đang hành hạ một người Israel và việc ông đến Mađian (xứ này ở phía nam Eđom và phía đông vịnh Agaba). Ðến đây giai đoạn quan trọng nhất của đời ông bắt đầu.

Ở chương 3 sách Xuất Hành, chúng ta đọc thấy câu chuyện Môsê với bụi gai có lửa bốc cháy mà vẫn không bị thiêu hủy. Ông cởi dép ra vì nơi ông đang đứng đã được thánh hóa bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. Môsê được Thiên Chúa chọn làm vị cứu tinh của dân Hi-Bá-lai (Hippri) đang bị nô lệ. Ông được Thiên Chúa ban cho quyền đánh động vua Pharaô, và được Thiên Chúa mạc khải Thánh Danh của Ngài : Yavê. Ý nghĩa của Thánh Danh này hãy còn được các nhà học giả tranh luận, nhưng theo một ý kiến đáng tin cậy thì nó có nghĩa là : "Ta là Ðấng ban sự sống cho muôn vật". Bởi thế Môsê đã trở lại Aicập và bắt đầu thương lượng với vua Pharaô để dân Israel được giải thoát. Những tai ương cũng như những sự rối loạn trong thiên nhiên đã thúc bách Pharaô sớm thực hiện cuộc phóng thích đó. Nhưng ông vẫn chống lại cho đến khi tai họa cuối cùng giáng xuống ông mới đầu hàng : Sự giết chết tất cả những con đầu lòng của người Aicập. Ðêm trước khi xảy ra việc này, dân Israel đã được lệnh giết một con chiên cho mỗi gia tộc, lấy máu nó bôi lên cửa, ăn một cách hối hả sẵn sàng để ra đi bất cứ lúc nào. Cái chết đã giáng xuống cho tất cả các con đầu lòng đất Aicập những vẫn vượt qua một cách vô hại trước những cánh cửa người Israel có bôi máu. Ðây là sự VƯỢT QUA đầu tiên, giây phút quyết định của cuộc giải phóng, giây phút không bao giờ được quên trải qua các thế kỷ kế tiếp, Pharaô buộc lòng phải phóng thích các người nô lệ và để cho họ ra đi.

Dân Israel trốn vào samạc đi thẳng về phía đông, có một con đường thẳng và gần dẫn vào đất Canaan, mục tiêu cuối cùng của những người trốn thoát. Nhưng Môsê không chịu dùng con đường ấy. Có lẽ ông thấy rõ ràng rằng con đường đó sẽ giúp cho ông và những người tùy tùng đi nhanh hơn, nhưng nó cũng sẽ giúp cho các xe trận của Pharaô càng đi nhanh hơn nữa trong trường hợp ông này thay lòng đổi dạ. Và quả thật như thế, Pharaô đã đổi ý. Ai cũng biết rằng tất cả các nước đều rất ngần ngại khi phải để mất đi sự phồn vinh được xây đắp bằng công phu của những người nô lệ. Lực lượng của Pharaô đuổi theo dân Israel, bắt kịp họ nhưng rồi bị tiêu diệt bởi việc nước Biển Ðỏ khép lại rất nhanh chóng, biển này do một hiện tượng thiên nhiên lạ lùng gây nên bởi quyền phép Thiên Chúa, đã để cho dân Israel đi qua an toàn. Ðây là hành động thứ nhì của Thiên Chúa mà những người nô lệ trốn thoát này cũng như tất cả con cháu của họ không bao giờ được quên (hành động thứ nhất là sự vượt qua). Bằng cách bày tỏ quyền năng một cách lạ lùng như thế, Thiên Chúa đã cứu họ thoát khỏi một đế quốc mạnh mẽ nhất thời ấy. Qua những phép lạ như thế, Thiên Chúa đã bày tỏ quyền năng của Ngài cũng như lòng từ bi và sự luôn luôn có mặt của Ngài.

Sách "Xuất Hành" vì quá bận tâm đến khía cạnh linh thiêng của các sự việc, đến những gì Thiên Chúa đã làm cho dân Israel, cho nên nó hoàn toàn bỏ qua những điểm mà độc giả thời nay rất quan tâm. Chẳng hạn, ai là Pharaô trong thời Xuất Hành thoát khỏi đất Aicập ? Sự giải phóng đã xảy ra khi nào ? Sự vượt qua biển đã xảy ra nơi nào ? Thánh Kinh không trả lời những câu hỏi như thế, nhưng những học giả ngày nay, được trang bị bằng những dụng cụ nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học, tin rằng họ có thể trả lời được.

Cuộc xuất hành thường được cho là đã xảy ra vào hạ bán thế kỷ thứ XIII trước Thiên Chúa giáng sinh, dưới thời vua Pharaô Ramesès II. Ông này có 79 người con trai và 59 người con gái, điều này dường như ăn khớp hoàn toàn với nội dung văn bản thuật lại những cuộc mạo hiểm của dân Israel. Việc Môsê được vị công chúa Aicập cứu thoát cho thấy : Cung điện của vua nằm ở phía bắc gần đồng bằng dân Israel ở, và nói đó là cung điện của Ramesès, tên của thành phố đã được dân Israel xây cất mang tên là Ramesès, có ngụ ý ông vua này là một người rất say mê việc xây cất. Những đặc điểm khác nữa cũng chứng tỏ đó là thế kỷ thứ XIII : Môsê được nói đến như là một người đồng thời với vua Moab, và các nhà khảo cổ ngày nay đã tuyên bố rằng vương quốc Moab được khai sinh vào thế kỷ XIII. Vậy đặt Môsê và cuộc xuất hành vào khoảng 1250 trước TCGS có lẽ là đúng nhất.

Sự vượt biển thường được cho là đã xảy ra ở phía trên phần chính của Biển Ðỏ, nơi sình lầy giữa vùng nước Biển Ðỏ và hồ Timsah về phía bắc. Trong văn bản (Hippri) biển đã vượt qua được gọi là Yam Suph, có nghĩa là Biển Sậy, điều ấy cho thấy : chỗ đó là một vùng sình lầy

Chính do những biến cố trong cuộc xuất hành mà Môsê được gọi là vị cứu tinh của Israel. Ðây là tước hiệu thứ nhất trong hai tước hiệu cao quý của ông. Khi nói đến việc Môsê dẫn đưa dân Israel ra khỏi Aicập, chúng ta phải hiểu rằng từ ngữ Israel có nghĩa là một đám dân chúng hỗn tạp. Ða số là thuộc dòng giống Yacop-Israel, nhưng chắc là cũng có những dòng họ khác nữa, từng cá nhân hoặc từng nhóm, đã lợi dụng cơ hội để trốn thoát khỏi ách nô lệ, chỉ khi ở trong sa mạc, nhóm này mới chấp nhận một nếp sống chung, một mục đích chung, một luật pháp chúng và một sự lãnh đạo chung. Và như thế, đám dân chúng ấy sẽ trở thành dân tộc.

DÂN TỘC TRỞ THÀNH TÔN GIÁO (Ðọc Xuất Hành các chương 19 - 20 về lễ kết ước và Thập giới ; chương 24 về sự thừa nhận lễ kết ước ; chương 25, 1 - 27, 2 về Khám Giáo Ước và Nhà Tạm để làm nơi Thiên Chúa hiện diện).

"Mồng một tháng thứ ba, kể từ khi con cái Israel ra khỏi Aicập, chính trong ngày ấy họ tới sa mạc Sinai. Họ đã trẩy đi khỏi Raphiđim và đã đến sa mạc Sinai và đóng trại trong sa mạc. Israel đã đóng trại ở đó, đối diện với núi. Môsê đã lên với Thiên Chúa" (Xh, 19. 1 - 3).

Những dòng trên đây mở đầu biến cố thứ nhì có tầm quan trọng vĩnh viễn và sâu xa trong cuộc đời Môsê. Ông đã chứng tỏ ông là vị cứu tinh của Israel mà nếp sống và mục đích chung đã luyện, cho họ trở thành một dân tộc ; giờ đây ông đã trở thành vị trung gian giữa dân Israel và Thiên Chúa.

"Vậy bây giờ, nếu các ngươi quyết nghe tiếng Ta mà giữ giao ước của Ta, thì các ngươi sẽ là sở hữu của Ta giữa các dân hết thảy", vì toàn cõi đất đều là của Ta. còn các ngươi, các ngươi sẽ làm một vương quốc tư tế cho Ta, một Dân Thánh" (Xh 19, 5 - 6).

Ðó là những lời Thiên Chúa phán với Môsê. Từ ngữ "kết ước", như chúng ta đã thấy đối với Abraham có nghĩa là thỏa hiệp, giao kết. Thiên Chúa bày ra lễ kết ước và quy động những yếu tố thành phần của nó. Ðiều căn bản trong đó là Thiên Chúa đã đoái thương trở nên Người Cha của dân tộc này, và nó trở thành con của Ngài. Israel là con của Ta, con đầu lòng của Ta, đó là Lời Thiên Chúa trong Xuất Hành chương 4 câu 23. Ðể bảo chứng thỏa hiệp này, Môsê lấy máu những con bò đực tơ, rảy phân nửa lên bàn thờ đại diện cho Thiên Chúa, và rảy phân nửa kia lên đầu dân chúng. Qua hành động tượng trưng này Thiên Chúa và dân chúng rở thành một gia đình, những người cùng máu huyết. Những lời của Môsê rất quen thuộc đối với những người Công Giáo, bởi vì rất giống những lời truyền phép trong thánh lễ : "Này là máu giao ước đã kết với các ngươi, thể theo mọi lời ấy" (Xh 24, 8).

Như một người cha, Thiên Chúa hứa bảo vệ dân Ngài ; như một đứa con, dân thì hứa vâng phục Cha Chí Thánh của mình. Ý muốn của Ngài đã được bộc lộ rõ trong Thập Giới, đó là gioớil uật căn bản đã ban cho dân Israel. Giới luật này, hoặc toàn bộ các giới luật, chỉ là sơ đẳng, là một thứ luân lý có thể vừa tầm một dân tộc thô sơ vừa mới thoát ách nô lệ lâu năm ở một nước ngoại giáo. Mỗ giới răn đều đặt nền tảng trên nhân đức rõ rệt nhất và tự nhiên nhất, đó là sự công bằng, hay sự tôn kính những quyền lợi của tha nhân. Ba giới răn đều liên quan đến những điều phải có đối với Thiên Chúa : Sự độc tôn, sự kính trọng và sự hiến dâng một ngày trong tuần. Bảy giới răn còn lại liên quan đến quyền lợi của tha nhân : quyền lợi của cha mẹ là những người phải được con cái tôn kính vì đã sinh ra chúng, quyền lợi của mỗi người đối với tài sản, với vợ chồng mình và danh giá của mình. Tuy những giới răn này thật là chất phác và tự nhiên, nhưng chúng cũng biểu lộ rõ ràng mối quan tâm của Thiên Chúa đối với luân lý của loài người. Những điều công bình đơn giản như thế đã từng làm nền tảng qua bao nhiêu thế kỷ cho quy ước luân lý cao thượng nhấ trên thế giới, trước ngày Ðức Kitô ra đời.

Những yếu tố khác của lễ kết ước này cũng đáng chú ý. Rõ rệt nhất là Khám Giáo Ước và Nhà Tạm. Khám Giao Ước là vật sở hữu giá trị nhất và dễ sắm của dân Israel. Rất đơn giản, nó là một cái khám bằng gỗ keo, hai xích rưỡi chiều dài và một xích rưỡi chiều rộng, một xích rưỡi chiều cao. Nó được dát bằng vàng ròng cả trong lẫn ngoài, và bên trong nó chứa đựng những phiến Bia Thập Giới và có lẽ cũng có một ít man-na trong sa mạc cũng như chiếc gậy của Aarôn. Nhưng còn quan trọng hơn những vật nó chứa bên trong nhiều, đó là cái bản bằng vàng ròng bên trên Khám, chiều dài và chiều rộng đều y như Khám. Ở hai mút` có trang trí hai Kêrubim. Cái bàn này gọi là "Bàn xá tội", máu các vật hy tế sẽ được vị thượng tế rảy trên bàn ấy trong ngày xá tội. Nhà Tạm là chiếc lều bao bọc Khám, được làm bằng một khung gỗ với những tấm màn che. Chúng ta được thuật lại rằng khi Môsê đã làm xong Khám và lều Nhà Tạm, và đặt cái này bên trong cái kia, thì "Ðám mây đã phủ Trướng Tao Phùng và vinh quang Yavê đầy Nhà Tạm" (Xh 40, 34). Chiếc Khám quả thật đã có một mục đích lưỡng diện : nó chứa đựng phiến bia ghi Lời Thiên Chúa, và quan trọng hơn nữa, nó là nơi cư ngụ của Yavê, là ngai của Ngài hiện diện đặc biệt nơi trần thế giữa dân của Ngài.

Khi chúng ta xem kỹ những yếu tố của Giao Ước - mối tình liên hệ cha và con, sự Thiên Chúa và dân của Ngài ràng buộc thành một gia đình, máu cộng đồng, ý muốn của Thiên Chúa được tỏ bày trong Giới Răn và sự Thiên Chúa hiện diện cách thân mật giữa dân Ngài - tất cả những yếu tố đó mà người Israel gọi là giao ước, thì chúng ta sẽ gọi được là tôn giáo giao ước xưa nay là giao ước với Môsê, có nghĩa là tôn giáo xưa hay tôn giáo thời Môsê, chúng ta có được nói như thế. Tư tưởng sơ đẳng đằng su từ ngữ tôn giáo là một sự ràng buộc chung giữa Thiên Chúa và loài người. Giao ước mà Thiên Chúa đã lập với dân Ngài quả thật có mục đích đó. Thiên Chúa và loài người ràng buộc với nhau như cha con. Ý của Cha đã thể hiện, người con hứa tuân theo. Và người cha ở lại với con đầu lòng của mình. Vậy cái tôn giáo mà Môsê df9ã truyền lại cho dân Israel đúng là một tôn giáo đầy đủ mọi khía cạnh.

Còn một nét nổi bật nữa trong tôn giáo này : Sự thờ phụng bằng lễ tế. Lễ tế có nhiều kiểu cách khác nhau, nhưng một vài loại tổng quá chứng tỏ rằng chúng ta đã có từ thuở ban đầu của tôn giáo này. Có lễ hy tế trong đó toàn thể vật hy tế được lửa thiêu hủy trên bàn thờ : hy lễ thông hiệp trong đó một phần vật hy tế được thiêu hủy, phần còn lại dành cho các vị tư tế và người dâng lễ để họ chia sẻ với gia đình và bạn bè trong một bữa ăn cộng đồng : HY lễ xá tội trong đó sự rảy máu là một yếu tố nổi bật hơn cả : sự dâng rau quả (bột mỳ, trái cây đầu mùa), sự dâng hương và bánh lễ, bánh lễ này gồm 12 miếng bánh mỳ xếp đặt thành hai hàng trên bàn trong Nhà Tạm. Vào cuối tuần, các tư tế sẽ ân những bánh ấy, rồi làm lại những cái khác, chúng tượng trưng cho lời thề hứa giữa 12 chi tộc Yavê.

Những lễ tế này có một ý nghĩa rất sâu xa đối với dân Israel, chúng được coi như là những vật cống hiến cho Vị có quyền trên muôn vật. Những của lễ thông hiệp càng làm tăng ý niệm hợp nhất. Như những lời giao ước ngày xưa đã được bảo chứng bằng một bữa ăn cộng đồng, cũng vậy, lời giao uớc này tức là tôn giáo giữa Thiên Chúa và gia đình của Ngài, đã được tăng cường bằng một bữa ăn mà Thiên Chúa, các vị tư tế và gia đình cũng như bằng hữu của người dâng lễ đều tham dự. Lễ xá tội cho thấy rằng mọi người đều có sự ước muốn căn bản được đền tội. Tội lỗi là do sự lạm dụng những tạo vật của Thiên Chúa, do đó nó phải được đền bù lại bằng cách tự ý khước từ ngay cả một vài sự sử dụng chính đáng các tạo vật.

Sau khi đã thêm lời phụ chú như thế về lễ tế, thì những yếu tố của tôn giáo thời Môsê nói được là đầy đủ. Lịch sử cứu độ của thế giới đã bắt đầu một giai đoạn mới trong tiến trình của con người trở về Thiên Chúa và sự THIỆN HẢO của Thiên Chúa mà con người đã bỏ rơi, khi mở cửa cho tội lỗi bước vào thế giới. Vai trò của Môsê trong việc truyền tôn giáo này lại cho loài người là vinh dự lớn lao nhất của ông. Ông vừa là vị cứu tinh vừ là người trung gian, và chắcc hắn là nhiệm vụ thứ hai này quan trọng hơn nhiệm vụ thứ nhất nhiều.

Một điểm nữa về Môsê cũng cần được nhấn mạnh, không những ông chỉ là vị cứu tinh và người trung gian, ông còn là vị tiên tri nữa. Tiên tri chỉ là một người nói thay cho người khác, một phát ngôn viên. Môsê là tiên tri của Thiên Chúa bởi vì ông nói thay cho Thiên Chúa, ông turyền đạt lại cho loài người những lời Thiên Chúa phán, sách "Thứ Luật" chương 18 câu 15 chứa đựng một lời hứa quan trọng của Môsê liên quan đến vai trò tiên tri của ông :

"Thiên Chúa sẽ cho chỗi dậy một tiên tri như tôi, giữa anh em các ngươi, cc1 ngươi hãy nghe lời vị đó".

Lời hứa của Yavê nói về vị tiên tri như ông là một lời hứa mà dân vẫn ghi nhớ xuyên ua các thế kỷ kế tiếp. Trong lịch sử của Israel về sau, sẽ có nhiều tiên tri, mỗi vị như Mosê đều giữ vai trò phát ngôn viên cho Thiên Chúa, mỗi vị hoàn thành một phần nào lời hứa trong "Thứ Luật" chương 18 câu 15. Tuy nhiên dân Israel vẫn tiếp tục chờ mong một vị tiên tri xuất chúng, một Môsê mới, vị đó sẽ là thiên sứ tối hậu của Thiên Chúa.

Sự xuất hành khỏi nước Aicập và những biến cố tôn giáo trên đỉnh núi Sinai là hai biến cố trung tâm trong lịch sử Israel mà muôn đời phải ghi nhớ, chúng làm thành nền tảng cho sự tôn thờ cộng đồng của dân chúng (nghi lễ) và đời sống cầu nguyện, cả hai đều là những việc để tưởng niệm quá khứ, đồng thời để bảo đảm sự trợ lực cho hiện tại và tương lai. Xuyên qua sự tổ chức nghi lễ của hai biến cố này, những người Israel ở mọi thế kỷ đều có thể đích thân bước vào lời giao ước giữa Thiên Chúa và lễ tiến của họ. Nhất là sự xuất hành được nhắc lại hàng năm trong đời sống của mỗi người Israel. Hàng năm nghi lễ vượt qua đã từng chứng kiến quang cảnh những gia đình đứng vây quanh bàn ăn, và những người đàn ông trong tư thế sẵn sàng ra đi, chân mang dép, tay cầm gậy, áo xăn lên, ăn chiên phục sinh với rau đắng và bánh không men. Sự nhắc lại nghi lễ này là một việc biểu dương hàng năm niềm tin ở Thiên Chúa nhân từ và phép tắc, Ngài đã dân dắt dân Ngài ra khỏi tù đày, đưa vào đất Ngài đã hứa với Abraham và miêu duệ của ông. Trọng tâm của nghi lễ này rất rõ ràng trong Xuất Hành, chương 12, câu 24 - 27 :

"Các ngươi sẽ giữ điều ấy làm luật điều cho các ngươi và con cái các ngươi đến vạn đại. Vậy khi các ngươi đã vào đất Yavê sẽ ban cho các ngươi, như Ngài đã phán, và các ngươi giữ việc đạo này, mà xảy ra là con cái các ngươi sẽ hỏi các ngươi : là gì vậy, việc đạo đức các ngươi giữ đó ? Thì các ngươi sẽ nói : "Ðó là lễ tế chiên vượt qua dâng kính Yavê, Ðấng đã nhảy ngang qua nhà con cái Israel ở Aicập khi Ngài đánh phạt Aicập và cứu thoát các nhà chúng ta".

Một sự biểu dương đức tin tương tự như thế cũng được thấy trong nghi lễ hiến dâng lễ đầu mùa :

"Tư tế sẽ lấy giỏ tự tay ngươi và ngài sẽ đệ lên trước tế đàn của Yavê Thiên Chúa của ngươi. Bấy giờ ngươi sẽ xuớng lên và nói trước nhan Yavê Thiên Chúa của ngươi : "Cha tôi là người Aram phiêu lạc ; ngài xuống Aicập và đã ngụ nhờ ở đó, với ít mạng người ; nhưng ở đó ngài đã nên một nước lớn lao, hùng hậu và đông đảo. Rồi người Aicập đã xử ác nghiệt với chúng tôi, và đặt chúng tôiu lao động cực khổ. Và chúng tôi đã kêu lên với Yavê Thiên Chúa của tổ tiên chúng tôi, và Ngài đã nghe tiếng chúng tôi : Ngài đã nhìn đến cảnh đọa đày, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Và Yavê đã đem chúng tôi ra khỏi Aicập với tay mạnh, cánh tay giương với khiếp đảm lớn lao, với dấu lạ và điềm thiêng, Ngài đã đem chúng tôi đến chỗ này ; Ngài đã ban cho chúng tôi đất này, đất chảy tràn sữa mật". (Thứ Luật 25, 4 - 9).

Ðoạn văn này có thể được coi là "Kinh Tin Kính" của dân Israel, một bản tóm lược thật sự những điều họ biết về Thiên Chúa và về tính cách tôn giáo của họ.

Những nghi lễ trọng thể nhắc lại lời giao ước trên núi Sinai thường xuyên được tổ chức trong lịch sử kế tiếp của dân ấy. Khi Yôsua đã thành công cuối cùng trong việc đưa các chi tộc vào Ðất Hứa, ông đã tổ chức một nghi lễ nhắc nhở lại để cho những người tùy tùng của ông, vốn không được sống torng những ngày xảy ra biến cố cảm động ở núi Sinai cũng có thể tự mình công nhận cái tôn giáo đã ràng buộc họ với Yavê (xem Yôsua, chương 24). Việc Salômon hiến dâng đền thánh như đã ghi chép trong "Sách Các Vua" chương 8, câu 54 - 61 là một ví dụ khác về sự nhắc lại trọng thể lời giao ước. Nhưng cách tầm thường nhất để nhắc lại những hành động linh thiêng này trong tâm trí của dân chúng là sự đọc Thánh Vịnh hàng ngày. Rất nhiều bài Thánh Vịnh ca ngợi Thiên Chúa đã giải thoát dân Ngài khỏi Aicập và đã hợp nhất họ lại với Ngài như thể là con đầu lòng của Ngài. Những Thánh Vịnh 110 (111) ; 77 (78) và 104 (105) chỉ là một vài ví dụ trong những câu kinh có công dụng nhắc nhở như thế.

Bây giờ chúng ta có thể nhìn lui lại để thử xem gia đình của Abraham, Isaac và Yacob-Israel đã bành trướng đông đảo như thế nào trong suốt thời kỳ cư ngụ ở Aicập ; gia đình ấy đã trở thành một dân tộc chung trong sa mạc như thế nào ; và dân tộc này đã trở thành một đoàn thể tôn giáo như thế nào, xuyên qua những hành động diệu kỳ của Thiên Chúa trên bán đảo Sinai. Dân tộc này đã phải chịu nhiều năm nóng nực, lạnh lẽo, đói khát trong sa mạc, nhưng tính tình của họ dã trở nên thuần thục. Những năm có kỷ luật sau đó chỉ là những năm tiếp tục công trình giáo dục. Ðó là những năm huấn luyện, huấn luyện sự vâng phục, nhất là huấn luyện sự tin cậy ở sự quan phòng của Thiên Chúa, bởi vì sự phồn vinh vật chất của Môsê và của những người theo ông, đều hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Ðó là những năm phục vụ trung thành, nhưng rủi thay cũng bị hoen ố bằng những thời kỳ thất tín. Chính bản thân Môsê cũng đã có lần mất tin tưởng, vì thế ông không được ân huệ đặt chân vào Ðất Hứa và dẫn đưa dân vào đó. Toàn thể câu chuyện được thuật lại trong sách Dân Số và sách Thứ Luật, hai quyển sách này, cùng với sách Khởi Nguyên, sách Xuất Hành, sách Lêvi, được gọi là Ngũ Kinh của Môsê. Sau những năm dài thử thách trong sa mạc, ông và dân của ông đã tới một địa điểm nằm ngay ở phía đông Canaan. Ở đó Môsê leo lên núi Nêbô trên vùng cao nguyên xứ Moab, từ đó ông có thể đưa mắt nhìn về phía tây qua bên kia sông Yođan, nhìn vào Ðất Hứa.

Và Yavê phán với Môsê : "Ðó là Ðất Ta đã thề với Abraham, Isaac và Yacob rằng : Ta sẽ ban nó cho dòng giống ngươi ! Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không qua đó !" Và Môsê tôi tớ Yavê đã chết ở đó, trong xứ Moab, theo lịnh Yavê, và người ta đã chôn cất ông torng thung lũng, ở xứ Moab, trước mặt Bet-pơor, nhưng không ai biết được mộ ông cho tới ngày nay. Môsê thọ được 120 tuổi khi ông chết, mắt ông không lòa và khí lực không giảm. Con cái Israel đã khóc Môsê trong đồng bằng Moab ba mươi ngày, sau những ngày khóc tang Môsê đã mãn, trong dân Israel không còn chỗi dậy một tiên tri nào như Môsê, kẻ đã được Yavê biết đến diện đối diện, không một ai sánh được với ông về các dấu lạ điềm thiêng mà Yavê đã sai ông làm ở đất Aicập trên Pharaô và tất cả bầy tôi và quyền lực kinh khủng Môsê đã biểu dương trước mặt toàn thể Israel (Thứ Luật 34, 4 - 12).

http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/KINHTHAN/LichSuCuuDo/ChuongII.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét