Trang

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

SAU CHUYẾN VIẾNG THĂM PORTUGAL CỦA ĐỨC THÁNH CHA (PHAOLO VI). CHÚNG TA CÓ BỊ BÓ BUỘC PHẢI TIN VÀO SỰ KIỆN FATIMA KHÔNG?

SUY TƯ THẦN HỌC

SAU CHUYẾN VIẾNG THĂM PORTUGAL CỦA ĐỨC THÁNH CHA (PHAOLO VI). CHÚNG TA CÓ BỊ BÓ BUỘC PHẢI TIN VÀO SỰ KIỆN FATIMA KHÔNG?
 
 
ĐÁP: Để có thể giải đáp thỏa đáng nghi vấn trên, cần phải hiểu đặc điểm thái độ của Giáo Hội đối với trường hợp những cuộc thị kiến và những lần mạc khải riêng tư.
 
Trên lãnh vực này, tiếng nói có uy tín từng được đa số chấp nhận là tiếng nói của Đức Cha Benoit XV. Trong quyển “De Servorum Dei Beatificatione et canonisatione”, xuất bản trước khi ngài lên ngôi Giáo Hoàng, nhưng sau đó cũng thường được tái bản nhiều lần, đức Benoit tuyên bố như sau (quyển 2, chương 32, số 11 và quyển 3, chương 53, số 15):

“Phải biết rằng thái độ tán đồng của Giáo Hội đối với một mạc khải riêng tư không có ý nghĩa gì khác hơn là một sự cho phép, sau khi đã xem xét đầy đủ, để phổ biến mạc khải ấy, với mục đích dạy dỗ các tín hữu và nhằm mưu ích cho họ. Ta không được và không thể gởi vào những mạc khải ấy một sự ưng thuận của đức tin Công giáo, dù chúng đã được Giáo hội tán thành. Theo những quy luật của lòng tin nhân loại, bao lâu chúng còn được xây trên những chứng tá khả đáng (possibles) và có thể tin bằng lòng sùng hiếu (pie credibiles)… Như thế, đối với những mạc khải này, ta có thể không tin nhận (posse aliquam assensum non praestare), và xếp qua một bên, miễn là điều đó được thực hiện với một thái độ khiêm tốn thích đáng, và vì những lý do đứng đắn, chứ không có ý khinh thị, chê bai”.

Lập trường trên đã được Thánh bộ Nghi lễ chuẩn nhận (6-2-1857) và được Đức Thánh Cha Piô X tái xác nhận trong thông điệp Pescendi (8-9-1907):

“Về vấn đề này, Giáo Hội hết sức thận trọng, không hề cho phép thuật lại những truyền thoại ấy trong những tác phẩm phổ biến cho công chúng, mà không có nhiều biện pháp dự phòng chu đáo… Hơn nữa, cả khi đã cho phép, Giáo Hội cũng không hề đảm bảo chân lý tính của sự kiện. Giáo Hội chỉ không cấm tin những điều mà lòng tin nhân loại có thể đặt vào, một khi đã có đủ lý do khiến con người có thể tin”.

Dĩ nhiên, việc có nhiều Đức Giáo hoàng đặc biệt khuyến khích, cổ võ những thị kiến ở Lộ Đức và Fatima đã khiến một số thần học gia muốn duyệt lại giáo lý trên. Họ đã được cha Balie, chủ tịch các hội nghị quốc tế, gợi ý vào những ngày áp cuộc đại hội ở Lộ Đức (1958). Lời kêu gọi này tạo ra được 2 cuộc trao đổi, và thành quả có thể tóm lược đại khái như sau: Đối với Lộ Đức, và cũng có phần nào đó đối với Fatima nữa, thì có thể nói được là ý kiến của Giáo Hội không chỉ dừng lại ở việc cho phép mà còn đi xa hơn một tí, tức là một sự cổ võ, khuyến khích. Tuy nhiên, vị thế của các cuộc thị kiến và mạc khải riêng tư vẫn không thay đổi.

Thật vậy, việc nghiên cứu những tài liệu của Tòa thánh, về vấn đề này cho thấy các Đức Thánh Cha đã hết sức cẩn trọng trong cách nói, để tránh cho Huấn quyền Giáo Hội khỏi phải giây mình vào chuyện thị kiến.
Tại sao phải dè giữ như thế ? Có 3 lý do:

1) Trước hết là nhằm duy trì sự phân biệt giữa Mạc Khải chính thức và những Mạc Khải riêng tư.

2) Kế đến là vì Giáo Hội chủ trương giữ một thái độ rộng mở, cho những tâm hồn quảng đại được tự do nghe theo tiếng gọi tiên tri hằng vọng vang trong Giáo Hội. Sự tự do này rất quan trọng, để tín hữu không bị bóp nghẹt, để họ khỏi có cảm tưởng bị chất đầy những gánh nặng không thể chịu nổi, như một cách nói của Đức Kitô trong sách Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Giáo Hội không có tâm trạng như các thầy thông luật và nhóm Biệt Phái thời xưa. Ở đây tôi có thể làm chứng rằng sự tự do này rất có ích. Thật vậy, tôi sẽ không bao giờ dốc tâm tận lực học hỏi nghiên cứu cách khoa học sự kiện Lộ Đức, nếu tôi đã không biết rằng kẻ tin và niềm tin vào những sự kiện ấy dựa trên nền tảng vững chắc của những chứng cứ đã được cân nhắc kỹ lưỡng và thích đáng, cũng như nếu tôi đã không được hoàn toàn tự do tìm tòi. Tôi luôn biết ơn sâu xa và thật lòng kính mến Đức Hồng Y Théas, người đã không hề hạn chế tí nào sự tự do ấy của tôi, và đã luôn lặp đi lặp lại, ngay cả trong những lúc tôi nêu lên những vấn nạn có vẻ rất hiểm hóc, lời khuyên đầy khích lệ sau: “Không có quy luật nào khác ngoài chân lý”. Ước gì các Thánh vụ đều được soi dẫn bởi tinh thần ấy. Gương Lộ Đức như muốn minh chứng rằng làm thế ta sẽ nhận được rất nhiều, mà chẳng mất mát gì cả. Thật vậy, sử gia và thần học gia chỉ làm công việc tỉa xén đi nhưng chi tiết che mờ chân lý, và ngược lại, họ cộng tác vào việc làm sáng tỏ những giá trị Tin Mừng của sứ điệp, vốn thường có phần bị lãng quên.

3) Sau cùng, là vì đòi hỏi phải giữ thái đô khôn ngoan cần thiết trước những sự kiện thường bị pha trộn rất nhiều ấy. Thường thì phải nhận là có một sự giao cảm siêu nhiên đích thực lúc ban đầu. Nhưng liền sau đó, mọi khả năng tâm linh và tưởng tượng của đương sự thụ hưởng đặc ân cũng như của đám đông bu quanh được động viên và nhập cuộc để đẩy sự kiện đi xa hơn chính sứ điệp được đón nhận. Vì thế, việc gạn lọc vàng thau, hư thực là một điều rất khó. Về vấn đề này, Lộ Đức là một nố đặc biệt. Vì sứ điệp Bernadette nhận được chỉ gồm có 12 câu rất ngắn, rất đơn giản, và điều đáng ngạc nhiên là chúng vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Thời gian không thêm thắt chút gì vào đấy. Bernadette chỉ quên đi một số chi tiết do tuổi già mà thôi. Trái lại, đối với Fatima thì việc gạn lọc nội dung nguyên thủy của sứ điệp ra khỏi những khai triển hay những mạc khải đến sau là cả một vấn đề khó khăn. Những tài liệu chính yếu chưa được xuất bản, và vô số những vấn đề hoặc khó khăn được nêu lên từ 20 năm nay vẫn chưa nhận được lời giải đáp trên lãnh vực khoa học lịch sử. Tôi hoan hỉ khi được biết, lúc đang viết những dòng này, có một thần học gia đã được bật đèn xanh để xuất bản trọn vẹn các tài liệu về sự kiện Fatima, đó là cha J. Alonso, người Tây Ban Nha. Ước gì các tài liệu ấy được sắp đặt theo thứ tự thời gian, được trình bày thật đầy đủ trọn vẹn (gồm cả các bí mật) và có phần truy cứu phê bình đi kèm; kinh nghiệm cho thấy phần truy cứu này đòi hỏi những tháng năm dài miệt mài làm việc nhiều hơn chuyện ấn hành các tài liệu.

Về mặt thực tế, cần nhắc lại 2 mẹo mực quan trọng, nhưng thường bị coi rẻ:

- Mẹo thứ nhất là điều được Đức Hồng Y Ottaviani nhắc lại trong một bài báo đăng trên tờ Osservatore Romano số ra ngày 4-2-1951 như sau:

“Từ nhiều năm nay, chúng ta thấy hiện tượng say mê những chuyện kỳ lạ nơi dân chúng lại càng bành trướng. Từng đoàn tín hữu đông đảo tuôn đến những nơi mà họ cho là có những cuộc hiện ra hay những phép lạ, và đồng thời họ bỏ rơi Giáo Hội, các bí tích, lời rao giảng. Có những kẻ không thuộc một chữ trong kinh Tin Kính, nhưng lại trở thành những tông đồ hăng say của một lòng sùng mộ nào đó… Đạo chân thật nằm trong một đức tin đích thật, đức tin ấy dựa trên mạc khải vốn đã chấm dứt với cái chết của vị Tông đồ cuối cùng… Một Kitô hữu tốt lành biết rằng, cả nơi các thánh, sự thánh thiện, bởi bản tính, không nằm trong những cuộc thị kiến, những lời tiên tri hay phép lạ, nhưng hoàn toàn hệ tại việc anh dũng thực thi các nhân đức. Về điểm này, giáo huấn của Giáo Hội rất minh bạch… Cả đến việc phong thánh của Giáo Hội cũng không đủ để đảm bảo cho đặc tính ngoại nhiên của tất cả những hành động dị hưởng nơi thánh ấy…

“Phải thành thật nhận rằng, những hiện tượng loại này có thể là những biểu lộ của thứ tín ngưỡng tự nhiên, chứ không phải là những hành vi Kitô giáo; và chúng có thể là một cái cớ đáng sợ cho những kẻ luôn muốn moi móc bằng mọi giá những sự trà trộn và dấu vết của mê tín dị đoan cùng ngẫu tượng giáo trong Kitô giáo (và nhất là trong Giáo Hội Công giáo) dùng để tấn công chúng ta.

 “Thi hào Dante thời đó đã kêu gọi: “Hỡi các Kitô hữu, hãy bớt hấp tấp náo động, đừng làm như thể cọng lông bay trước gió!”. Ông đưa ra cùng một lý do như chúng ta: “Anh em đã có Cựu Ước, Tân Ước, và sự hướng dẫn của các chủ chăn trong Giáo Hội”. Rồi ông cũng kết luận y như chúng ta: “Bấy nhiêu đã đủ để cứu rỗi anh em rồi” (Paradis, V, 73-77)

Tầm rộng lớn của hiện tượng theo Đức Hồng Y Ottaviani nhận định, và sự bộc phát của một thứ sóng ngầm ở Gia-nã-đại cũng như tại các nơi khác, nhân vụ những thị kiến ở Garabandal ngày nay bị coi là không đích thực, theo quán định của quyền bính chuyên môn: hai sự kiện đó bắt chúng ta phải suy nghĩ và đặt lại vấn đề. Thật vậy, sở dĩ có đông đảo Kitô hữu đổ xô đến cùng những mạc khải riêng tư với một tâm trạng say mê khát khao như thế là do một sự thiếu thốn nghèo nàn nào đó gây nên: đó là sự kiện tôn giáo thường quá nghiêng về mặt trừu tượng và bỏ mặc lòng sùng mộ sống vất vưởng trong cảnh thiếu thốn đói khát. Con người đi tìm một sự tiếp xúc cá nhân với Thiên Chúa và đồng thời họ cũng muốn có một sự dấn thân với cuộc sống của chính mình. Những lời cảnh giác ta có thể đưa ra để ngăn giữ một sự ham thích quá độ những chuyện lạ kỳ sẽ luôn luôn vô hiệu, nếu ta không làm sống lại một trào lưu sứ ngôn trong đời sống Giáo Hội. Thí dụ, đối với ngày nay, đó là trào lưu sứ ngôn dấn thân và con đường Tình yêu hiện diện giữa thế gian: con đường của lược đồ số 13 và của thông điệp phát triển các dân tộc.

- Mẹo thứ hai chính là điều Đức Thánh Cha Benoit XV đã công bố. Chắc chắn lương tâm của những ai không hạp với các hiện tượng thị kiến được hoàn toàn tự do. Đó là một “khu vực tự do” trong lãnh địa của lòng sùng mộ Kitô giáo. Nhưng họ phải tôn trọng lương tâm của kẻ khác, không được khiêu khích cũng chẳng nên khinh dể những người không cùng quan niệm với mình. Nhất là khi quyền bính tối cao đã cho phép hay khuyến khích những hình thức sùng mộ ấy thì lại càng phải giữ lời khuyên trên cách đặc biệt. Như đối với trường hợp Fatima chẳng hạn, Đức Phaolô VI đã đích thân đến đó với một lòng hâm mộ nhiệt thành mà tôi đã được hân hạnh chia sẻ sâu xa với ngài, vì  được tháp tùng trên phi cơ riêng của ngài trong chuyến bay từ Fatima trở về Roma.

 
Nguyên tác: số mục (25) quyển II
R. laurentin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét