Trang

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

SỰ TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH CỦA ĐỨC MẸ

SUY TƯ THẦN HỌC

SỰ TRỌN ĐỜI ĐỒNG TRINH CỦA ĐỨC MẸ



VẤN: Các thánh Giáo phụ quả quyết Mẹ Chúa Kitô đồng trinh vẹn sạch trước khi sinh (tín điều) và cả sau khi sinh cũng vẫn còn đồng trinh. Vậy, ta phải hiểu câu sau đây trong Tin mừng theo thánh Mát-thêu như thế nào: “Và thánh Giuse không hề biết đến Đức Maria cho đến khi mẹ sinh hạ người con trai đầu lòng, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (1,25).
 
Nếu con không lầm thì chữ “biết” theo nghĩa Thánh Kinh chỉ về mối tương quan dục tính; đặc biệt các người Gitans cũng hiểu tiếng ấy như thế. Vậy, xin cha vui lòng vài tia sáng soi rọi cho vấn đề này.

ĐÁPTiếng “biết” trong Kinh Thánh thường có nghĩa dục tính, điều đó đúng.

Thí dụ như trong các câu sau đây:
 
  • “Ađam biết Evà vợ mình, nàng thụ thai và sinh Cain” (St 4,1).
  • “Cain biết vợ mình, và nàng thụ thai cùng sinh hạ Hê-nóc” (St 4,17).
  • “Ađam biết vợ mình, nàng sinh một người con trai và đặt tên cho con trẻ là Sết” (St 4, 25) v.v…
Và rõ ràng đó cũng là ý nghĩa của tiếng “biết” trong câu Mt 1,25 trên. “Giuse không hề biết Maria cho đến khi nàng sinh hạ con trai đầu lòng”. Nhưng, như thế phải chăng sau đó Giuse có biết mẹ Maria ? Không bao giờ. Theo lối nói của sách Thánh, thành ngữ “cho đến khi” chỉ có ý chỉ cái giới hạn mà tác giả cố tâm nói đến, chứ không hề có hàm ý dự đoán những gì sẽ xảy ra sau mốc giới hạn đó.

Ta đọc thấy một thí dụ điển hình trong sách Các Vua quyển thứ 2, đoạn 6, câu 23 như sau: “Nàng Mi-kôn, con gái Saolê, không sinh con lần nào cho đến khi nhà vua qua đời”. Và mọi người đều rõ là sau đó nàng cũng chẳng hề sinh con đẻ cái lần nào.

Cũng vậy, ta đọc thấy trong Thánh vịnh 110 câu sau đây: “Hãy ngồi bên hữu Ta cho đến khi Ta đặc quân thù Con làm bệ dưới chân Con”. Ở đây cũng hiển nhiên là sau cuộc chiến thắng ấy, Đấng Messia cũng vẫn tiếp tục ngồi bên hữu Thiên Chúa.

Rồi chính sách Tin mừng theo thánh Mát-thêu cũng tận cùng bằng lời hứa của chúa Giêsu như sau: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến khi tận thế”. Dĩ nhiên, sau ngày tận thế Chúa Giêsu vẫn luôn tiếp tục hiện diện với các môn đệ Người.

Như thế, thánh Giuse cũng không hề biết Đức Maria sau khi Mẹ sinh hạ con trai đầu lòng là Đức Kitô.

Tuy nhiên, đối với những người không biết rõ ngôn ngữ Thánh Kinh, thì trong câu Tin Mừng theo thánh Matthêu được trưng dẫn trên còn có một khó khăn thứ 2 nữa. Câu ấy nói rằng: “Cho đến khi Mẹ sinh người con trai đầu lòng”. Vậy, nếu Đức Kitô được gọi là con đầu lòng thì phải chăng điều đó có ý nghĩa là sau người con đầu lòng ấy, sẽ còn có nhiều người con khác nữa ? Không phải thế. Theo lối nói của sách Thánh, tiếng ấy chỉ đứa con đầu tiên của người phụ nữ, dù sao đó bà ta không còn sinh đứa nào khác nữa. Một bi ký Do Thái ở Tel El Yahu-dieh cho ta một thí dụ rõ ràng về điều này. Đó là những lời đề trên mộ bia của một thiếu phụ phải từ giã cõi đời đang khi sinh hạ đứa con đầu lòng. Bi ký ấy đặt vào miệng nàng những lời than vãn sau : “Giữa những nỗi đau đớn lúc lâm bồn để sinh hạ đứa con đầu lòng, định mạng đã đưa tôi về bên kia thế giới”.

Cuối cùng, còn một thành ngữ phỉnh phờ khác nữa cũng thường gây thắc mắc cho các độc giả thời nay và khiến họ bài bác sự đồng trinh trọn đời của Đức Mẹ, đó là thành ngữ “anh em Đức Giêsu” mà các sách Tin Mừng thường nói đến. Phải hiểu thế nào đây ? Theo  ngôn ngữ Do Thái và Hy Lạp trong sách Thánh, chữ “anh em” có nghĩa rất rộng, vì ngôn ngữ Do Thái rất nghèo nàn về những tiếng chỉ các mối tương quan giữa bà con thân thuộc. Và sự nghèo nàn ấy đã phản ánh vào bản dịch Hy Lạp của bộ Cựu Ước, tức bản Bảy Mươi, vốn là mẫu mực văn chương mà các thánh sử viết sách Tin Mừng noi theo. Chẳng hạn trong sách Sáng Thế 14,14 và 16, Lót được gọi là “em của Ápraham” cậu ông ta; và trong St 29,12 cũng vậy, Giacóp tự xưng là “em của Laban” vốn cũng là cậu ông ta. Đổi lại, Laban cũng nói với cháu ông là Giacóp rằng: “bạn là em tôi” (St 29,15). Và như thế ta mới hiểu được trường hợp các con gái của E-le-a-gia lấy “anh em của mình là các người con trai của Qisch” (1 Sk 23,21). Thật ra đó chỉ là những anh em chú bác. Nhưng trong sách Lê-vi đoạn 10 câu 4, tiếng ấy còn chỉ cả những anh em họ xa hàng mấy đời nữa. Như vậy, ta mới hiểu được con số “77 anh em” trong bi ký Panamou và một đám khá đông “anh em” của Chúa Giêsu mà thánh Mát-thêu nói đến trong chương 13, câu 56 “Giacôbê và Giuse, Giuđa và Simon cùng tất cả chị em Người”. Chữ “tất cả” ở đây chỉ có thể là một đám đông : đó là điều thánh Giê-rôm đã từng ghi chú trong quyển Helvidium. Ngoài ra, các thánh sử còn phân biệt rõ ràng “bà mẹ của Giacôbê và Giuse”, “mà các ngài nói đến nhiều lần”, với “Mẹ Đức Giêsu”.

Tắt một lời, trong Tân Ước không có chi tiết nào chống lại sự trọn đời đồng trinh của Đức Maria. Đồng ý là Tân Ước không có lời dạy minh nhiên nào về sự đồng trinh của Mẹ sau khi sinh Chúa Giêsu. Điều đó cũng dễ hiểu, vì tất cả chú tâm của các thánh sử đều dừng lại ở việc Chúa Giáng Sinh mà thôi. Dầu sao, ít nhất các ngài cũng có cung cấp cho ta một dấu hiệu tích cực và Giáo Hội đã nhận ra những dấu hiệu ấy từ xưa. Giáo hội  đã thấu hiểu được chân lý này là “Đức Trinh Nữ  Maria” luôn là một Trinh Nữ tuyệt hảo, hằng trung thành với lời nguyền “không biết đến người nam” như Mẹ đã từng nói với thiên thần lúc truyền Tin (Lc 1,34). Và, chân lý ấy đã được cô động thành một tín điều từ lúc bị Helvedius đả kích vào cuối thế kỷ IV. Thật vậy, người nữ đã được Thiên Chúa thánh hiến để trở thành đền thờ cho Ngôi Lời Nhập Thể ngự không thể còn được biết đến người nam theo nghĩa xác thịt nữa. Xin Mẹ thương giúp cho người thời nay, vốn đã đánh mất phần nào ý nghĩa sâu xa và cao cả hàm ngụ trong việc tế hiến toàn thân cho Thiên Chúa, cho họ được hiểu hơn điều đó!
 
Nguyên tác : số mục (19) quyển II
R. Laurentin 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét