Trang

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2016

vhgl 5 Lịch Sử Giáo Hội Vn : Tòa Khâm Sứ, Hồng Y, Công Đồng, Vương Cung Thánh Đường

VUI HỌC GIÁO LÝ
LỊCH SỬ GIÁO HỘI VIỆT NAM
Hỏi – Thưa
Gb. Nguyễn Thái Hùng


Dân ta phải biết sử ta.
Giáo dân Công giáo Việt Nam phải biết Giáo sử Việt Nam.
Trên bốn trăm năm hiện diện,
một bề dày lịch sử phong phú.
Từ việc khai móng thế kỷ 16,
đến giai đoạn bước vào tuổi trưởng thành yêu thương
và phục vụ  quê hương hôm nay,
có ánh sáng chen lẫn bóng tối, khi vinh quang lúc tủi nhục.
Biết để yêu,
biết để tránh sai lầm,
biết để vững bước trên đường chân lý.

I. KHAI SINH  (1-34)
II. HÌNH THÀNH & PHÁT TRIỂN (35-85)
III. THỬ THÁCH (86-158)
IV. TRƯỞNG THÀNH (159 - 263)

* Tòa Khâm sứ (264 - 272)
* Các Hồng Y ( 273 - 287)
* Công đồng (288 - 315)
*Vương cung thánh đường (316 - 335)
* Chủng viện
* Dòng tu, tu hội
- Đến từ nước ngoài
- Thành lập trong nước
* Đoàn thể
* Hành Hương
- Giáo tỉnh Hà Nội
- Giáo tỉnh Huế
- Giáo tỉnh Sài Gòn

++++++++++++++++++++++++++++



* Công đồng



288. Hỏi : Được tấn phong Giám mục Đàng Trong và Đàng Ngoài năm 1659, hai giam mục Pallu và Lambert cùng bốn linh mục thừa sai còn lại ở Ayuthia (Thái Lan): Deydier, Hainques, Brindeau và Laneau đã họp là Công Ðồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên tại đâu ?
          - Thưa : Ayuthia (Thái Lan).


289. Hỏi : Công Ðồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên họp năm nào ?
 - Thưa : Năm 1664.


290. Hỏi : Công Ðồng Thừa Sai Hải Ngoại đầu tiên vào năm 1664, xác định những nguyên tắc và chương trình làm việc thừa sai gồm những điều gì ?
 - Thưa : Một linh đạo tông đồ, Một hội đoàn tông đồ Dòng Mến Thánh Giả”, Chỉ dẫn các thừa sai và Cơ sở thường trực tại Ayuthia, trường sinh ngữ Đông Á cùng chủng viện thánh Giuse.


291. Hỏi : Trong những tài liệu này, dưới khía cạnh chương trình truyền giáo, tài liệu về Chỉ dẫn các thừa sai là quan trọng hơn cả, vì nó vạch ra một hướng đi cho việc truyền giáo, gồm những điều gì ?
 - Thưa : 1- con đường tu đức, cuộc sống thánh hoá mà nhà thừa sai, người truyền giáo cần phải có ; 2- vềviệc giảng dậy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến : giảng dậy bằng gương sáng, bằng bác ái, bằng khôn ngoan, bằng trung dung ; 3- và về việc tổ chức giáo hội, qua 3  khía cạnh : tổ chức giáo xứ, các thầy kẻ giảng và việc đào tạo linh mục bản xứ.


292. Hỏi : Về việc giảng dậy cho lương dân và những cách thế phải dùng đến là gì ?
 - Thưa : Giảng dậy bằng gương sáng , Giảng dậy bằng bác ái và Giảng dậy bằng khôn ngoan bằng trung dung.


293. Hỏi : Về việc tổ chức Giáo Hội, qua những khía cạnh nào ?
 - Thưa : Tổ chức giáo xứ, Tổ chức các thầy kẻ giảng và Đào tạo linh mục bản xứ.

294. Hỏi : Sau Công Đồng Ayuthia 1664, nhiều công đồng khác đã được tổ chức, để định hướng và kiểm điểm công việc truyền giáo, là những Công Đồng nào ?
          - Thưa : Công Đồng Nam Định (Dinh Hiến) 1670, Công đồng Hội An I (Hải Phố) 1672, Hội An II (Hải Phố) 1682, CĐ Thợ Đúc Huế 1747, CĐ Bắc Kỳ 1753, CĐ Hà Nội 1795, Công Đồng Trung Việt 1803, CĐ Nam Kỳ Gò Thị 1841, CĐ Bùi Chu 1854, CĐ Nam Kỳ Sài Gòn 1880, CĐ Bắc Kỳ Kẻ Sặt 1900, CĐ Kẻ Sở 1912, CĐ Đông Dương 1934...


295. Hỏi : Công Đồng của Giáo Hội họp lần đầu tiên tại Việt nam đâu?
 - Thưa : Nam Định.

  
296. Hỏi : Công Đồng Nam Định (Dinh Hiến, Đàng Ngoài) họp vào năm nào ?
 - Thưa : Năm 1670.


297. Hỏi : Đức Giám mục nào chủ tọa Công Đồng Nam Định (Dinh Hiến, Đàng Ngoài) ?
 - Thưa : Gm Lambert de La Motte.

 298. Hỏi : Công Đồng Nam Định (Dinh Hiến, Đàng Ngoài) dưới quyền chủ tọa của giám mục Lambert de La Motte đã chọn ai làm bổn mạng của Giáo Hội Việt nam ?
 - Thưa : Thánh cả Giuse.


299. Hỏi : Những nghị quyết của Công Đồng Nam Định (Dinh Hiến, Đàng Ngoài) là gì ?
 - Thưa : Ấn định vùng trách nhiệm cho mỗi linh mục bản quốc (x. điều 3-4). Xác định nhiệm vụ các thầy giảng (x. điều 7-8). Thiết lập quỹ chung để trang trải các nhu cầu giáo xứ, giáo phận và giúp đỡ người nghèo (x. điều 10-14). Khuyến khích các linh mục bản xứ nuôi dạy các thiếu niên đạo đức để đưa vào chủng viện (x. điều 16). Kêu gọi các linh mục quản xứ quan tâm đặc biệt đến các nữ tu Mến Thánh Giá (x. điều 18). Kêu gọi các linh mục quản xứ, các thầy giảng và các quý chức khuyến khích giáo dân tập suy gẫm, nhất là suy gẫm chung trong nhà thờ và giới thiệu những người thích hợp vào Hiệp hội Mến Thánh Giá Tại Thế (x. điều 21). Cuối cùng, Công Nghị quyết định nhận thánh Giuse làm bổn mạng Giáo Hội Đàng Ngoài (x. điều 34)


300. Hỏi : Nghị quyết của Công Nghị Dinh Hiến được Đức Giáo Hoàng nào phê chuẩn ?
 - Thưa :  Đức Giáo Hoàng Clément X.


301. Hỏi : Tại Đàng Trong, Công Đồng Hội An (Faifo), năm 1672, được Đức Giám Mục nào triệu tập ?
 - Thưa :  Đức Giám Mục Lambert de La Motte.


302. Hỏi : Những nghị quyết của Công Đồng công đồng Hội An (Đàng Trong), năm 1672 là gì ?
 - Thưa :  Công bố và áp dụng các quyền của các Giám mục Đại diện Tông tòa, theo các sắc chỉ của Tòa Thánh, trên hàng giáo sĩ triều và dòng, trên các thầy giảng và trong mọi lĩnh vực mục vụ và bí tích (điều 1,2,3) ; các điều còn lại nhằm chấn chỉnh và củng cố đời sống đạo, như qui định về bí tích (điều 5,8 : rửa tội // điều 7,9 : hôn phối) ; việc tổ chức cộng đoàn khi không có linh mục hay thầy giảng (điều 4), học tập 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 điều răn của Hội Thánh (điều 6) và cuối cùng phải tuyên xưng đức Tin, kể cả khi gặp nguy hiểm.


303. Hỏi : Công Đồng Hội An II (Đàng Trong), năm 1682, được Đức giám mục nào triệu tập ?
 - Thưa :  Đức giám mục Mahot.


304. Hỏi : Những vấn đề của Công Đồng Hội An II (Đàng Trong), năm 1682 là gì ?
 - Thưa :  Bàn về việc tố chức quản trị : Chia các giáo xứ, họ ; đặt thầy giảng địa sở ; qui định nhiệm vụ quý chức …


305. Hỏi : Công Đồng Thợ Đúc – Huế (1747) được được Đức giám mục nào triệu tập ?
 - Thưa :  Đức giám mục Lefebvre (1738-1760).


306. Hỏi : Mục đích của Công Đồng Thợ Đúc – Huế (1747) là gì ?
 - Thưa :  Giải quyết những bất đồng về nghi lễ.

 307. Hỏi : Vị giám mục đã họp Công Đồng các linh mục tại Gò Thị, Bình Định tên là gì ?
 - Thưa : Gm E.T Cuénot Thể.


308. Hỏi : Công Đồng các linh mục tại Gò Thị, Bình Định được triệu tập năm nào ?
 - Thưa :  Năm 1841.

309. Hỏi : Công Đồng các linh mục tại Gò Thị, Bình Định (năm 1841) chú tâm tới những điều gì ?
 - Thưa :  Việc truyền giáo, Huấn luyện và nâng cao trình độ cho hàng giáo sĩ và Phân chia giáo phận.


310. Hỏi : Công Đồng các linh mục tại Gò Thị, Bình Định được triệu tập dưới triều đại vua nào ?
 - Thưa :  Vua Thiệu Trị.


311. Hỏi : Công Đồng Đông Dương (Concilium Indosinense) năm 1934 là ‘công nghị’ quan trọng nhất được cử hành tại Việt Nam, xét về nội dung phong phú, về bối cảnh lịch sử và về thành phần tham dự. Công đồng này được triệu tập và chủ tọa bởi ai ?
          - Thưa :  Khâm sứ Tòa Thánh Antonius M. Drapier.


312. Hỏi : Công Đồng Đông Dương (Concilium Indosinense) năm 1934 họp tại đâu ?
 - Thưa :  Tại Hà Nội.


313. Hỏi : Công Đồng Đông Dương quy tụ tất cả các giám mục của các nước nào ?
- Thưa :  Việt Nam, Cao Miên và Lào.


314. Hỏi : Công Đồng Đông Dương (Concilium Indosinense) năm 1934 họp tại Hà Nội có những ủy ban nào ?
 - Thưa :  Có 5 ủy ban : Ủy ban I, về hoạt động và quy chế của các giám mục, các thừa sai, các tu sĩ và thầy giảng. Ủy ban II, về quy chế của các linh mục bản xứ, các chủng sinh. Ủy ban III, về các Bí tích. Ủy ban IV, về quy chế các giáo phận, về việc giảng dạy, nhất là về công giáo tiến hành. Ủy ban V, về tài chánh của Giáo Hội.


315. Hỏi : Một trong những thành quả của Công Đồng Đông Dương là gì ?
 - Thưa :  Nhiều thư chung của các giám mục và nhiều cuốn chỉ nam (directoire) của giáo phận ra đời.


++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++++


*Vương Cung Thánh Đường



316. Hỏi : Vương Cung Thánh Đường là một danh hiệu tôn vinh đặc biệt mà Giáo hoàng dành cho một số nhà thờ hoặc thánh địa xét theo tính cách cổ kính, tầm quan trọng trong lịch sử và ý nghĩa tâm linh đối với Giáo hội Công giáo Rôma. Vương Cung Thánh Đường có bao nhiêu loại ?
          - Thưa : Có 2 loại.

 317. Hỏi : Vương Cung Thánh Đường gồm có những loại nào ?
 - Thưa : Đại Vương Cung Thánh Đường và Tiểu Vương Cung Thánh Đường.

318. Hỏi : Giáo Hội Công giáo có bao nhiêu Đại Vương Cung Thánh Đường (Major Basilica) ?
 - Thưa : Có 4.


319. Hỏi : Đại Vương Cung Thánh Đường (Major Basilica) của Giáo Hội Công giáo có tên gọi là gì ?
 - Thưa : Gồm Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô, Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả  và Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại thành.


320. Hỏi : 4 Đại Vương Cung Thánh Đường hiện tọa lạc tại đâu ?
 - Thưa : Thánh Đô Vatican.

321. Hỏi : Giáo Hội Vn có bao nhiêu Tiểu Vương Cung Thánh Đường ?
 - Thưa : Có 4.


322. Hỏi : Giáo Hội Vn có những Tiểu Vương Cung Thánh Đường nào ?
 - Thưa : Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn, Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai, Vương Cung Thánh Đường La Vang và Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện.

323. Hỏi : Thánh Đường Đức Bà Sài Gòn được nâng lên Vương Cung Thánh Đường vào năm nào ?
          - Thưa : Năm 1961.


324. Hỏi : Thánh Đường Đức Mẹ La Vang được nâng lên Vương Cung Thánh Đường vào năm nào ?
 - Thưa : Năm 1961.


325. Hỏi : Thánh Đường Phú Nhai được nâng lên Vương Cung Thánh Đường vào năm nào ?
 - Thưa : Năm 2008.


326. Hỏi : Đức Giáo hoàng nào đã ra sắc lệnh tôn phong Thánh đường Phú Nhai lên lên hàng Vương Cung Thánh Đường vào ngày 12 tháng 8 năm 2008 ?
 - Thưa : Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI.


327. Hỏi : Tòa Thánh với sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự đã nâng Thánh đường Phú Nhai thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường với tước hiệu ?
 - Thưa : Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.


328. Hỏi : Tiểu Vương Cung Thánh Đường Phú Nhai thuộc giáo phận nào ?
 - Thưa : Giáo phận Bùi Chu.

329. Hỏi : Thánh Đường Sở Kiện được nâng lên Vương Cung Thánh Đường vào năm nào ?
 - Thưa : Năm 2010.

 330. Hỏi : Đức Giáo hoàng nào đã ra sắc lệnh tôn phong Thánh đường Sở Kiện lên lên hàng Vương Cung Thánh Đường vào ngày 24 tháng 6 năm 2010 ?
 - Thưa : Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI.

331. Hỏi : Tòa Thánh với sắc lệnh của Thánh Bộ Phụng Tự đã nâng Thánh đường Sở Kiện thành Tiểu Vương Cung Thánh Đường với tước hiệu ?
          - Thưa : Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.


333. Hỏi : Tiểu Vương Cung Thánh Đường Sở Kiện thuộc giáo phận nào ?
 - Thưa : Giáo phận Hà Nội.

334. Hỏi : Thánh đường Sở Kiện được nâng lên Vương cung Thánh đường nhân dịp Giáo Hội Vn kỷ niệm điều gì ?
 - Thưa : Nhân dịp Giáo hội Công giáo Việt Nam khai mạc Năm Thánh 2010 kỷ niệm 350 năm thành lập 2 Giáo phận Tông tòa Đàng Trong, Đàng Ngoài (1659 – 2009) và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam (1960 – 2010).

335. Hỏi : Khi một nhà thờ đã được nâng lên danh hiệu Tiểu Vương Cung Thánh Đường thì được Tòa Thánh trao cho hai biểu trưng của giáo hoàng là gì ?
 - Thưa : Một là cái chuông (tintinnabulum) và một cái dù bằng lụa có hai màu vàng, đỏ (conopaeum).

Còn tiếp

GB. Nguyễn Thái Hùng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét