Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Để giúp con cái bạn kiên vững với đức tin

 

Để giúp con cái bạn kiên vững với đức tin

 
  •  
  •  


ĐỂ GIÚP CON CÁI BẠN KIÊN VỮNG VỚI ĐỨC TIN

Kim Cameron-Smith[1]

WHĐ (01.4.2022) - Những tin tức gần đây về tình trạng mất đức tin và từ bỏ những cam kết tôn giáo nơi nhiều người trẻ khiến các bậc cha mẹ cảm thấy bất lực, như thể con quái vật của chủ nghĩa thế tục và sự nguội lạnh rồi đây sẽ nuốt chửng con cái của họ. Trên thực tế, khi nhìn vào thời thơ ấu của những người trẻ, những người tiếp tục lớn lên và thực hành đức tin sau khi rời mái ấm gia đình, chúng ta nhận thấy một vài khuôn mẫu mang lại cho các bậc cha mẹ Công giáo hy vọng và hướng đi.

Sau đây là 3 cách thế mà mỗi bậc cha mẹ Công giáo có thể giúp con cái thấm nhuần đức tin, nhờ đó, đức tin tiếp tục hình thành căn tính và sự lựa chọn của chúng khi trưởng thành.

1. Thể hiện lòng yêu mến của bạn đối với Đức tin

Christian Smith, một nhà xã hội học Công giáo nhận xét về các bậc cha mẹ, "Chúng ta nhận được những gì chúng ta là". Nói cách khác, con cái tiếp thu thái độ của chính chúng ta về Đức tin. Một cách cụ thể, nếu chúng tin rằng các Truyền thống, Phụng vụ, và Giáo huấn của Giáo hội mang lại định hướng và ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta, thì nhiều khả năng con cái chúng ta sẽ hướng về Giáo hội để tìm kiếm sự định hướng và ý nghĩa trong chính cuộc sống của chúng khi trưởng thành. Nhưng nếu con cái chúng ta thấy rằng Giáo hội chẳng tạo được bất kỳ khác biệt nào trong cuộc sống của chúng ta, thì Giáo hội cũng chẳng có ý nghĩa bao nhiêu đối với chúng.

Vậy, con cái chúng ta mục kích điều gì trong đời sống đức tin của chúng ta? Theo nhãn quan của chúng, việc là người Công giáo có quan trọng đối với chúng ta không? Ví dụ: Nếu chúng ta có một đời sống cầu nguyện sâu xa, nhưng con cái chúng ta chẳng bao giờ nhìn thấy chúng ta cầu nguyện, hoặc chẳng bao giờ nghe về việc cầu nguyện tạo ra sự khác biệt với chúng ta như thế nào thì chúng sẽ cho rằng việc cầu nguyện không cần thiết lắm đối với chúng ta.

Nếu chúng ta tham dự giờ chầu vào thứ Sáu hàng tuần, nhưng con cái của chúng ta chẳng bao giờ tham dự cùng chúng ta, hoặc chúng chẳng khi nào nghe nói về những giờ chầu ấy, thì chúng sẽ cho rằng việc đi chầu không quan trọng đối với chúng ta, và cũng dường như không thành vấn đề đối với chúng.

Những bậc cha mẹ thành công trong việc truyền lại đức tin cho con cái thường có xu hướng nói về đức tin của họ trong những lúc trò chuyện hàng ngày với con cái. Điều này giúp cho con cái nhận ra rằng việc là người Công giáo không chỉ hình thành mà còn là chính căn tính của họ. Vì vậy, đừng ngại nói về lòng yêu mến của bạn dành cho đức tin với con cái. Đây là một việc làm có sức lan toả! Hãy chia sẻ về những khoảnh khắc khi việc cầu nguyện dẫn đến nhận thức sâu sắc hoặc chia sẻ về lòng sùng kính, những lời nguyện, và các vị thánh yêu thích của bạn.

2. Kiến tạo một văn hóa gia đình Công giáo tốt đẹp

Nhiều cộng đoàn Công giáo địa phương đã từng gắn bó chặt chẽ và cung cấp nhiều điều mà một gia đình cần - các dịp vui chơi, các hội đoàn, các lớp giáo lý, các hoạt động bác ái, đạo đức... Trước đây, văn hóa Công giáo đã kiến tạo bầu khí sinh động cũng như bản sắc chung vững chắc trong nếp sống gia đình Công giáo, nhưng dần dà, những mối ràng buộc văn hóa này đã bị xói mòn. Ngày nay, rất nhiều gia đình Công giáo chỉ có một mối liên hệ rất hời hợt với giáo xứ, và có rất ít cảm thức về tính liên kết của bản sắc Công giáo.

Thật dễ dàng để loại bỏ tầm quan trọng của văn hóa. Chúng ta có thể tình cờ nghe được ai đó nhận xét rằng người này người kia chỉ "Công giáo về mặt văn hóa", ám chỉ rằng đó không phải là người Công giáo sùng đạo. Tuy nhiên, theo nhà sử học Giáo hội Robert Louis Wilken, đức tin Kitô giáo không thể duy trì nếu không có sự hỗ trợ của một nền văn hóa Kitô giáo sinh động và được nuôi dưỡng. Đúng thế, chỉ mình văn hóa sẽ không đưa con cái chúng ta đến với đức tin trưởng thành, nhưng nếu đúng như Wilken nói, không có văn hóa, thì niềm tin của con cái chúng ta sẽ khó tồn tại.

Cha mẹ có thể cung cấp cho con cái một văn hóa gia đình Công giáo riêng biệt để khôi phục lại một số nguồn cội của di sản Công giáo đã bị mai một. May mắn thay, văn hóa Công giáo (đặc biệt là phụng vụ, nghệ thuật và âm nhạc) quá hay, quá đẹp và là một nguồn tự nhiên của việc phúc âm hoá. Hãy lấp đầy mái ấm của bạn với sự trang trí và âm thanh của đức tin. Hãy hát, nghe nhạc thánh ca và chia sẻ về nghệ thuật thánh với con cái; hãy mừng các ngày lễ, các dịp bổn mạng và cùng đọc sách về đức tin với nhau.

3. Kiên định và thân tình với con cái

Các nhà tâm lý học thường chia cách cha mẹ nuôi dạy con cái thành 3 loại chính: độc đoán, nuông chiều, và am hiểu.

- Cha mẹ độc đoán thích kiểm soát và khắc nghiệt. Con cái của họ có thể vâng lời, nhưng thường vì sợ hãi chứ không phải vì chúng đã rèn luyện được những đức tính hoặc sự tự chủ.

- Cha mẹ nuông chiều con cái, là những người thân tình, nhưng họ không đặt ra ranh giới rõ ràng hoặc thực thi các quy tắc. Con cái của họ có xu hướng dễ trở nên lấn quyền và điều khiển.

- Cha mẹ am hiểu dường như có được sự cân bằng giữa các nguyên tắc và sự thân tình; họ đặt ra và thực thi các quy tắc và có ranh giới rõ ràng, nhưng tiềm ẩn là sự ân cần và thân thiện. Điều này khiến cho con cái của họ cảm thấy an toàn và “thoải mái” với họ.

Theo nhà xã hội học Christian Smith và Vern L. Bengston, những bậc cha mẹ am hiểu không chỉ nuôi dạy những đứa trẻ có được xu hướng tốt hơn về mặt xã hội và học tập, mà còn giúp chúng có nhiều khả năng tiếp tục thực hành đức tin khi trưởng thành. Bengston lưu ý rằng "những mối tương quan với cha mẹ được cho là gần gũi, thân tình và kiên định có liên quan đến sự truyền đạt tôn giáo cao hơn so với những mối tương quan bị coi là lạnh lùng, xa cách hoặc độc đoán”. Điều cần lưu ý ở đây, khi Bengston nói rằng “những mối tương quan mà bọn trẻ cảm thấy gần gũi và thân tình”; thì đó không phải là những gì chúng ta có ý định mà là những gì con cái chúng ta cảm nghiệm trong mối tương quan với chúng ta mới là điều quan trọng.

Tất nhiên, có nhiều cách khác mà cha mẹ có thể nuôi dưỡng đức tin của con cái để đức tin ấy bền chặt, nhưng trên đây là 3 cách thế tuyệt vời để bắt đầu!

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: Our Sunday Visitor (28. 3. 2022)



[1] Kim Cameron-Smith là người sáng lập Tổ chức International Catholic Parenting  và là tác giả của cuốn sách Discipleship Parenting: Planting the Seeds of Faith.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét