Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2022

Đức Giê-su Ki-tô – Đường sự sống

 

Đức Giê-su Ki-tô – Đường sự sống

 
  •  
  •  


ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG SỰ SỐNG

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

WHĐ (02.4.2022) - Là con người, ai cũng có kinh nghiệm về sự sống. Tuy nhiên, câu hỏi ‘sự sống là gì?’ luôn vượt quá sự hiểu biết và giải thích của con người. Những câu hỏi khác liên quan đến sự sống cũng không dễ dàng tìm được câu trả lời thỏa đáng, chẳng hạn như ‘đâu là nguồn gốc của sự sống?’, ‘đâu là đặc trưng của sự sống?’ hay ‘đâu là cùng đích của sự sống?’. Chúng ta có thể nói rằng những câu hỏi liên quan đến sự sống xuất hiện đồng thời với sự xuất hiện của con người trên trái đất này. Đặc biệt, kể từ thời Aristotle (384–322 trước Công Nguyên) đến nay, con người ngày càng quan tâm hơn đến sự sống. Từ ‘sự sống’ được dùng rất nhiều, chẳng hạn như sự sống đơn bào, sự sống đa bào, sự sống thực vật, sự sống động vật, sự sống con người, sự sống thần linh. Hơn nữa, từ này cũng được dùng theo nghĩa trừu tượng, chẳng hạn như sự sống trái đất, sự sống mặt trời, sự sống các thiên hà hay sự sống vũ trụ.

Khoảng gần một trăm năm nay, con người có những hiểu biết sâu rộng hơn về các lĩnh vực khoa học, nhất là hóa học, vật lý, sinh học, vũ trụ học. Tuy nhiên, những hiểu biết của con người về bản chất sự sống vẫn rất hạn chế. Hơn nữa, ngoài hành tinh xanh là trái đất, vũ trụ không phải là nơi ẩn chứa những gì tiềm tàng cho sự sống. Nói cách khác, vũ trụ bao la với muôn hình thức sa mạc: Sa mạc của các hành tinh vô cùng lạnh; sa mạc của các hành tinh vô cùng nóng; sa mạc của những nơi mật độ vật chất vô cùng lớn hay vô cùng nhỏ; sa mạc của các hình thức vật chất mà con người chưa có thể khám phá hay đặt tên. Vũ trụ tồn tại những mãnh lực siêu phàm, vượt quá sự hiểu biết và cân đong đo đếm của con người. Ngoài những lực mà con người biết đến, chẳng hạn như lực hấp dẫn, lực điện từ, lực hạt nhân yếu, lực hạt nhân mạnh, còn có những lực khác nữa mà con người chưa thể khám phá được, chẳng hạn như lực của vật chất tối (power of dark matter) hay lực của năng lượng tối (power of dark energy). Vật chất tối và năng lượng tối quan trọng đến mức nếu không có chúng thì vũ trụ cấu tạo bởi các hạt hạ nguyên tử, nguyên tử, phân tử không thể hình thành và tồn tại được.

Với các ngành khoa học thực nghiệm, nói đến sự sống của sinh vật là nói đến các axit amin, axit nucleic, nhiễm sắc thể, gen, ADN, ARN, tế bào, quá trình trao đổi chất, sự phân chia, sao chép và nhân lên của tế bào. Cho đến hôm nay, có khoảng 123 định nghĩa khác nhau về sự sống, tuy nhiên, không định nghĩa nào có thể làm cho mọi người thỏa mãn. Thông thường, người ta mô tả những biểu hiện của sự sống hơn là định nghĩa sự sống, chẳng hạn như sự hòa hợp giữa các yếu tố bên trong mỗi thực thể hay sự vận động, sinh sản, thích nghi, phát triển. Ngoài ra, sự sống của các tế bào hay cơ quan sinh học còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố phi sinh học như trọng lực, ánh sáng mặt trời, các tia phóng xạ hay thời tiết, khí hậu, vật chất tối, năng lượng tối cũng như nhiều yếu tố khác nữa. Con người không thể tiếp cận, phân tích, tổng hợp và diễn tả sự sống chỉ dựa trên các quy luật của các khoa học thực nghiệm. Đó là lý do tại sao một số nhà khoa học cho rằng muốn hiểu biết sự sống thì phải ra khỏi sự sống mà con người kinh nghiệm, muốn hiểu biết trái đất thì phải ra khỏi trái đất mà con người kinh nghiệm, muốn hiểu biết vũ trụ thì phải ra khỏi vũ trụ mà con người kinh nghiệm. Nói cách khác, muốn hiểu biết một thực thể nào thì phải ra khỏi thực thể đó. Quả thật, càng ngày con người càng hiểu biết nhiều hơn về vũ trụ, về chính mình cũng như các tương quan trong đó. Tuy nhiên, sự hiểu biết của con người về vũ trụ, về chính mình cũng như các tương quan trong đó thì quá ít ỏi so với ‘vũ trụ như nó là’, so với ‘con người như con người là’, so với ‘các tương quan trong đó như chúng là’.

Bài viết này không đề cập đến sự sống hay nguồn gốc sự sống theo các giả thuyết khoa học, chẳng hạn như sự sống được cho là tự sinh (spontaneous origin), đến từ các hành tinh khác (extraterrestrial origin) hay tiến hóa sinh hóa (biochemical evolution). Bài viết này cũng không đề cập đến sự sống theo nhãn quan của các triết gia hay tư tưởng gia trong lịch sử nhân loại. Bài viết này đề cập đến sự sống của con người theo nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo: Thiên Chúa là Đấng hằng sống đã sáng tạo muôn vật muôn loài và ban tặng sự sống cho các thụ tạo như thánh Phao-lô minh định: “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Cv 17,28). Bài viết này chủ yếu diễn tả tương quan giữa sự sống con người và sự sống Thiên Chúa, đặc biệt, nhấn mạnh đến biến cố Đức Giê-su đã đi Đường Sự Sống để đến với gia đình nhân loại hầu giải thoát con người khỏi tội lỗi, sự chết và ban tặng sự sống đời đời cho con người.  

Chúng ta biết rằng vào thời Đức Giê-su, các dân tộc quanh vùng Địa Trung Hải vẫn còn chịu ảnh hưởng lớn bởi văn hóa Hy-lạp. Trong khi Đức Giê-su cũng như các môn đệ của Người chủ yếu sử dụng tiếng A-ram, các sách Tân Ước lại được viết bằng tiếng Hy-lạp. Mục đích của các tác giả Tân Ước là để Tin Mừng của Đức Giê-su có thể đến được với mọi người, chứ không chỉ những người nói tiếng A-ram hay tiếng Do-thái. Các tác giả Tân Ước tiếp tục sử dụng những tư tưởng và khái niệm của người Do-thái trong Cựu Ước về con người, nhất là những khái niệm quan trọng như sự sống (ζωή), thân thể (σώμα), linh hồn (ψυχή), thần khí (πνεύμα). Cũng như các tác giả Cựu Ước, các tác giả Tân Ước không đề cập đến các hình thức sự sống theo nhãn quan tri thức của các dân tộc đương thời nhưng theo mặc khải của Thiên Chúa. Theo đó, sự sống con người không phải tự nhiên mà có, cũng không phải là kết quả của quá trình tiến hóa ngẫu nhiên, may rủi hay tình cờ nhưng được Thiên Chúa ban tặng. Các chủ đề chính liên quan đến sự sống theo mặc khải Ki-tô Giáo có thể tóm lược như sau: (a) Thiên Chúa là Đấng hằng sống, (b) Đức Giê-su là sự sống của con người, (c) sự sống nói chung trong thế giới thụ tạo, (d) sự sống siêu nhiên của các thiên thần và con người, (e) sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa.

Dân Do-thái thời Cựu Ước chịu ảnh hưởng nhiều từ các nền văn hoá của Miền Lưỡng Hà. Trình thuật tạo dựng thứ nhất thuộc truyền thống tư tế trong sách Sáng Thế diễn tả rằng Thiên Chúa đã tạo dựng ánh sáng (St 1,3) và mọi hình thức sự sống kể cả con người bằng lời [Thiên Chúa nói/ phán] (St 1,1-2,4a). Trình thuật tạo dựng thứ hai thuộc truyền thống Gia-vít diễn tả việc Thiên Chúa tạo dựng con người cách đơn sơ rằng: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Điều này có nghĩa rằng nhờ quyền năng Thiên Chúa, con người được hiện diện trên trần gian này. Sinh khí của Thiên Chúa (ruah: gió, hơi thở) được xem là thực tại tinh túy nhất của con người. Nhiều khi sinh khí cũng được hiểu như là linh hồn hay thần khí của con người. Nói cách khác, dưới nhãn quan Cựu Ước, sinh khí, thần khí hay linh hồn là nền tảng của sự sống, giúp con người hiện diện và trưởng thành (Is 32,15-17; Is 44,3). Sinh khí luôn vận động để đem lại sự sống cho con người, trong khi đó máu của con người được xem là phương tiện vận chuyển sinh khí khắp cơ thể. Dưới nhãn quan của Cựu Ước, linh hồn và thân xác nên một, không thể chia cắt. Điều này khác với quan điểm nhị nguyên (dualism) của triết lý Hy-lạp khá thịnh hành nơi các dân tộc quanh vùng Địa Trung Hải. Hơn nữa, sự sống con người là chủ đề xuyên suốt các sách Kinh Thánh. Sự sống sau cái chết hay sự sống lại đã được đề cập trong Cựu Ước. Đặc biệt, sự sống lại được đề cập cách rõ ràng hơn trong những sách viết từ khoảng giữa thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên, chẳng hạn như Đn 12,2-3; 2 Mcb 7,9.23; 2 Mcb 14,46. Trong thời Tân Ước, sự sống con người được diễn tả cách mạch lạc hơn. Đặc biệt, sự sống con người được diễn tả trong tương quan với Đức Giê-su, Con Thiên Chúa hằng sống. Người đã nhập thể, sống thân phận con người, chịu nhiều đau khổ, chịu chết và sống lại để trao ban sự sống đời đời cho mọi người.

Thánh Gio-an diễn tả tương quan giữa Đức Giê-su (Ngôi Lời của Thiên Chúa) và sự sống như sau: "Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Quả vậy, sự sống đã được tỏ bày, chúng tôi đã thấy và làm chứng, chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: Sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay đã được tỏ bày cho chúng tôi" (1 Ga 1,1-2). Trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6,63). Cũng trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, nhân danh các môn đệ, thánh Phê-rô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su và khẳng định rằng lời của Người là lời đem lại sự sống đời đời cho con người (Ga 6,68). Quả thật, Cựu Ước đã nói về tương quan mật thiết giữa lời và sự sống, chẳng hạn như tác giả thánh vịnh 119 viết: “Tấm thân này bị nhận xuống bùn đen, theo lời Ngài, xin cho con được sống” (Tv 119,25) hay: “Lời hứa của Ngài làm cho con được sống, đó là điều an ủi con trong cảnh khốn cùng” (Tv 119,50). Thị kiến về những bộ xương khô trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en cho chúng ta biết rằng nhờ lời ngôn sứ tuyên sấm theo mệnh lệnh của Thiên Chúa, những bộ xương khô được lãnh nhận thần khí và trở thành những con người sống động (Ed 37,1-10).

Dựa trên trình thuật tạo dựng thứ nhất trong sách Sáng Thế (St 1,1-2,4a), Thánh Gio-an trình bày về tương quan giữa Đức Giê-su là ánh sáng và là sự sống như sau: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,3-4). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống" (Ga 8,12). Qua đây, chúng ta thấy được tương quan mật thiết giữa sự sống và ánh sáng. Đức Giê-su là sự sống và là ánh sáng, nghĩa là ‘sự sống là ánh sáng’ và ‘ánh sáng đem lại sự sống’. Trong Diễn Từ về Công Việc của Chúa Con, Đức Giê-su nói với người Do-thái: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy” (Ga 5,26). Còn thánh Phao-lô thì nói với vua Ác-ríp-pa: “Đấng Ki-tô sẽ chịu đau khổ và là người đầu tiên sống lại từ cõi chết, để loan báo ánh sáng cho dân Do-thái cũng như cho các dân ngoại” (Cv 26,23). Kinh Tin Kính của hai Công Đồng Ni-xê-a và Con-tan-ti-nô-pô-li (325-381) cho chúng ta biết Đức Giê-su là ‘Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng’. Theo đó, chúng ta cũng có thể tuyên xưng rằng Đức Giê-su là ‘Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, sự sống bởi sự sống’. Xét về mặt sinh học, sự sống gắn liền với ánh sáng hay nói theo cách tổng quát hơn, vạn vật là ‘sản phẩm của ánh sáng’. Như vậy, chúng ta thấy được sự liên hệ mật thiết giữa sự sống và ánh sáng theo mặc khải của Thiên Chúa cũng như lý trí và đức tin của người Ki-tô hữu.

Tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, miền đất gắn liền với tâm thức tôn giáo của những người bản địa, nơi có các đền đài cổ kính, Đức Giê-su hỏi các môn đệ về căn tính của Người. Trong khi các môn đệ kể những tước hiệu mà người ta gán cho Đức Giê-su như Gio-an Tẩy Giả, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a, thánh Phê-rô nói: "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Như vậy, Đức Giê-su không phải là Gio-an Tẩy Giả, Ê-li-a, Giê-rê-mi-a hay một ngôn sứ nào đó như quan niệm của một số người. Với thánh Phê-rô, Đức Giê-su không chỉ là Đấng Ki-tô, Đấng Được Xức Dầu (the Anointed One), trong tiếng Do-thái là מָשִׁיחַ (Messiah/ Mê-si-a), trong tiếng Hy-lạp là Χριστός (Khristós/ Ki-tô) như các vị vua trong lịch sử Do-thái, chẳng hạn như Sa-un hay Đa-vít. Dưới nhãn quan của người Do-thái, Đấng Được Xức Dầu sẽ giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang và làm cho dân tộc họ được phồn vinh, thịnh vượng. Như bao người Do-thái khác, thánh Phê-rô biết Đức Giê-su là con Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Tuy nhiên, được Thiên Chúa linh ứng, thánh nhân biết Đức Giê-su không như những người mà dân Do-thái cho là vĩ đại, đóng vai trò lớn trong lịch sử của họ nhưng cũng chỉ là những con người như bao người khác. Thánh nhân đã tuyên xưng Đức Giê-su là ‘Con Thiên Chúa hằng sống’. Đây là lời tuyên xưng quan trọng diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su trong hành trình trần thế. Người hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại hầu làm cho mọi người trở thành con cái Thiên Chúa hằng sống.

Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su không chỉ nói về sự sống một cách chung chung mà Người cho biết về cấp bậc hay trật tự của sự sống. Chẳng hạn, trong bối cảnh Bài Giảng Trên Núi (khai triển Tám Mối Phúc), Đức Giê-su mời gọi mọi người tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Người nói: “Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: Ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin!” (Mt 6,28-30). Đức Giê-su mời gọi mọi người đặt ưu tiên cho sự sống mà Người đã hy sinh tính mạng để cứu chuộc. Người nói: “Thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời” (Mt 18,8). Đặc biệt, Người khẳng định: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?” (Lc 9,24-25). Đối với Đức Giê-su, sự sống thể lý quan trọng nhưng sự sống ân sủng quan trọng hơn; sự sống trần gian quan trọng nhưng sự sống thiên quốc quan trọng hơn; sự sống trong môi trường nhân loại quan trọng nhưng sự sống trong môi trường Thiên Chúa quan trọng hơn.

Đức Giê-su minh chứng rằng hành trình trần thế của Người không chỉ là khôi phục sự sống, mà còn giúp con người tiếp cận sự sống viên mãn trong Nước Thiên Chúa. Chẳng hạn, khi dùng hình ảnh đoàn chiên và mục tử, Đức Giê-su cho mọi người biết Người là Mục Tử Nhân Lành và đoàn chiên là các tín hữu. Người nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Như vậy, mục đích của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là để cho con người được sống và sống dồi dào. Không chỉ là sự sống thể lý mà còn là sự sống luân lý; không chỉ là sự sống luân lý mà còn là sự sống đời đời. Đức Giê-su còn nói: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,27-28). Quả thật, sự sống đời đời là hình thức sự sống cao cả nhất mà con người từ cổ chí kim hằng mong đợi.

Khi tiếp cận những người bệnh hoạn tật nguyền, lời nói và việc làm của Đức Giê-su đi đôi với nhau nhằm chữa lành và khôi phục sự sống cho họ. Chẳng hạn, Đức Giê-su chữa bệnh, trừ quỷ, tha tội hầu nâng đỡ họ và giúp họ nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Qua đó, Người mời gọi mọi người hướng về sự sống cao đẹp và đáng trân trọng hơn mà Người ban tặng. Khi La-da-rô chết và được chôn trong mộ bốn ngày (đã nặng mùi rồi), Đức Giê-su đến thăm gia đình chị em La-da-rô. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su rằng nếu có sự hiện diện của Người thì em của cô đã không chết (Ga 11,21). Đức Giê-su cho Mác-ta biết La-da-rô sẽ sống lại. Mác-ta cũng tin rằng ngày sau hết La-da-rô sẽ sống lại như bao người khác. Tuy nhiên, Đức Giê-su nói với Mác-ta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không?” (Ga 11,25-26). Sau đó, Người cho La-da-rô hồi sinh trước sự ngỡ ngàng của chị em Mác-ta, Ma-ri-a, các môn đệ cũng như những người Do-thái khác đang hiện diện.

Trong Bữa Ăn Cuối Cùng (the Last Supper) trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su mặc khải cho các môn đệ nhiều điều quan trọng, chẳng hạn như giới răn yêu thương, tình hiệp nhất hay mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi môn đệ Tô-ma chất vấn: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?” (Ga 14,5). Đức Giê-su trả lời: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Câu hỏi của Tô-ma là câu hỏi về địa lý, về đường đi, trong khi đó câu trả lời của Đức Giê-su là câu trả lời liên quan đến ba chủ đề quan trọng bậc nhất trong Do-thái Giáo (cũng như các tôn giáo khác trên thế giới) là đường, sự thật và là sự sống (ὁδὸς, ἀλήθεια, ζωή). Câu trả lời của Đức Giê-su không chỉ gây ngạc nhiên cho Tô-ma, cho các môn đệ Đức Giê-su mà còn cho mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Đối với Đức Giê-su, sự sống không phải là cái gì đó mà con người có thể nắm bắt hay giải thích. Với mặc khải của Đức Giê-su, con người không nên đặt câu hỏi ‘sự sống là gì?’ mà nên đặt câu hỏi ‘sự sống là Ai?’. Đức Giê-su đã cho mọi người biết Người là sự sống và minh chứng điều đó trong hành trình trần thế của Người. 

Đối với Đức Giê-su, sự sống của con người ở trần gian là ‘sự sống có hướng’, hướng về sự sống đời đời. Với Người, khi có sự xung khắc giữa sự sống thể lý và sự sống đời đời, thì con người dành ưu tiên cho sự sống đời đời. Chẳng hạn, khi thánh Phê-rô hỏi Đức Giê-su về phần thưởng dành cho những người từ bỏ mọi sự mà theo Người thì Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Lc 18,29-30). Rõ ràng, Đức Giê-su đòi hỏi những ai theo Người phải có thái độ dứt khoát. Đức Giê-su không bảo những ai theo Người phải từ bỏ các phương thức chữa bệnh hay phải ‘ép xác lấy hồn’ bằng mọi giá. Người cũng không bảo các tín hữu phải cố gắng từ bỏ trần gian càng sớm càng tốt để về với thế giới linh tượng như một số triết gia Hy-lạp thời cổ chủ trương. Sứ điệp chính yếu của Đức Giê-su là khi có sự xung khắc không thể hòa giải giữa những giá trị trần thế và những giá trị vĩnh cửu thì ưu tiên những giá trị vĩnh cửu, dù phải lìa bỏ mạng sống mình. Chính Đức Giê-su đã thực thi điều đó và vô số các môn đệ của Người (nhất là các vị tử đạo) qua dòng lịch sử cũng đã thực thi như vậy.

Trong Tin Mừng, khi Đức Giê-su trừ quỷ hay chữa bệnh, Người không chỉ khôi phục sự sống thể lý cho bệnh nhân mà còn ban tặng họ sự sống mới là sự sống tinh thần, sự sống tâm linh, sự sống tự do của con cái Thiên Chúa. Do đó, những ai được Đức Giê-su cứu chữa thì có sự sống mới tốt đẹp hơn. Đây là sự sống tràn đầy niềm vui và hy vọng, sự sống không quy ngã hay bám víu vào của cải trần gian nhưng mở ra với anh chị em mình, với môi trường vĩnh cửu, với Thiên Chúa từ bi nhân hậu. Đây là sự sống dựa trên nền tảng những giá trị của Nước Thiên Chúa. Sự sống này cho phép con người cảm nghiệm được tình yêu vô bờ của Thiên Chúa và mong mỏi được kết hiệp mật thiết với Người luôn mãi. 

Trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô (một Pha-ri-sêu thiện chí), Đức Giê-su nói: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Với Đức Giê-su, sự sống đích thực của con người hệ tại việc thành tâm đáp lại lời mời gọi của Người là Đấng được Thiên Chúa sai đến trần gian. Trong lời cầu nguyện cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su thân thưa cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô” (Ga 17,1-3). Như vậy, sự sống con người hệ tại việc nhận ra tương quan liên vị mật thiết giữa con người với Thiên Chúa, nhất là sự lệ thuộc của con người vào quyền năng Thiên Chúa để hiện diện, tồn tại và trưởng thành viên mãn. Đức Giê-su cũng cho mọi người biết rằng những ai sống và hành động theo chương trình của Thiên Chúa thì được hưởng sự sống đời đời, còn những ai hành động ngược với chương trình của Thiên Chúa thì phải lãnh lấy án phạt là sự chết (St 2,17; Ga 3,18).

Cũng trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su nói: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời” (Ga 3,36). Còn trong Diễn Từ Bánh Hằng Sống, Đức Giê-su nói với những người Do-thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời” (Ga 6,47). Thánh Gio-an cho biết mục đích ngài viết Tin Mừng là vì sự sống đời đời của con người: “Những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,31). Trong hành trình loan báo Tin Mừng, thánh Gio-an nhấn mạnh tầm quan trọng trong tương quan giữa niềm tin vào Đức Giê-su và sự sống đời đời: “Tôi đã viết những điều đó cho anh em là những người tin vào danh Con Thiên Chúa, để anh em biết rằng anh em có sự sống đời đời” (1 Ga 5,13). Cách tương tự, theo tác giả thư gửi tín hữu Do-thái: “Chúng ta không phải là những người bỏ cuộc để phải hư vong, nhưng là những người có lòng tin để bảo toàn sự sống” (Dt 10,39). Như vậy, niềm tin vào sự sống đời đời là niềm tin căn bản giúp con người diễn tả đúng căn tính Ki-tô hữu của mình, đồng thời, thực thi niềm tin đó bằng những hành động cụ thể theo giáo huấn của Đức Giê-su, Đấng hy sinh tính mạng mình vì sự sống đời đời của mọi người.

Quả thật, Đức Giê-su đã tự nguyện hiến thân như Người khẳng định: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được” (Ga 10,18). Trên đường đi Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su báo trước cho các môn đệ biết: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Chính Đức Giê-su đã sống lại và hiện ra với các môn đệ hầu minh chứng rằng Người đã chiến thắng sự chết và từ nay, sự chết không còn làm gì được Người nữa (Mt 27,51-53; Ga 20,19-29). Trước khi về trời, Người sai các môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh cho mọi người trong gia đình nhân loại. Chính sự phục sinh của Đức Giê-su là thực tại căn bản cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của Ki-tô Giáo qua dòng thế kỷ. Trong thư gửi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết: “Đức Ki-tô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15,20). Còn thánh Phê-rô, trong phần nhập đề của thư thứ nhất, ngài viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,3-4).

Trong hành trình loan báo Tin Mừng, Đức Giê-su thường dùng những dụ ngôn hay hình ảnh sự sống tự nhiên để diễn tả sự sống đời đời. Chẳng hạn, Đức Giê-su dùng hình ảnh hạt lúa gieo xuống đất phải chết đi để sinh nhiều bông hạt: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,24-25). Giáo huấn của Đức Giê-su rất rõ ràng rằng ai muốn có được sự sống đời đời thì phải kết hiệp với Người. Câu hỏi đặt ra là ‘phải kết hiệp với Người như thế nào?’ Đức Giê-su dùng hình ảnh cây nho và cành nho, trong đó Người là cây nho và các môn đệ của Người là cành (Ga 15,1-8). Đức Giê-su không nói rằng Người là thân nho, còn các môn đệ là cành mà nói rằng Người là cây nho, còn các môn đệ là cành. Như vậy, đối với Đức Giê-su, sự kết hiệp với Người vừa rất thực tế vừa rất nhiệm mầu. Sự kết hiệp này không chỉ mang tính cá nhân mà còn mang tính cộng đoàn bởi vì ai kết hiệp với Đức Giê-su theo thánh ý Người thì cũng kết hiệp với anh chị em mình như vậy và ngược lại.

Sau khi Đức Giê-su phục sinh và về trời, các môn đệ tiếp tục diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người, chẳng hạn như thánh Phao-lô viết: “Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4). Còn thánh Phê-rô thì khẳng định: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: Về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Như vậy, Đức Giê-su vừa là sự sống, vừa là nguồn sống, vừa là Đấng khơi nguồn sự sống. Nhờ Người, con người được hiện hữu, được sống và hoạt động giữa lòng nhân thế. Sự sống của con người trở nên viên mãn khi được hưởng kiến tôn nhan Người (visio beatifica). Điều này có nghĩa rằng bao lâu còn trong hành trình trần thế, bấy lâu sự sống con người còn phải đối diện với muôn vàn nghịch cảnh, giới hạn, khiếm khuyết. Đức Giê-su là sự sống đời đời, sự sống lại và là sự sống, tiếp tục hiện diện trong gia đình nhân loại cho đến tận thế để phục hồi và kiện toàn sự sống con người theo chương trình của Thiên Chúa (Ep 1,9-10).

Trong thư gửi các tín hữu, thánh Gio-an viết về tương quan giữa sự sống con người, sự sống Đức Giê-su và sự sống Thiên Chúa như sau: “Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống đời đời, và sự sống ấy ở trong Con của Người” (1 Ga 5,11). Thánh Gio-an cũng khẳng định điều kiện để có được sự sống đời đời: “Ai có Chúa Con thì có sự sống; ai không có Con Thiên Chúa thì không có sự sống” (1 Ga 5,12). Đặc biệt, ngài tuyên tín hai điều quan trọng về Thầy của mình: “Đức Giê-su Ki-tô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời” (1 Ga 5,20). Những trích đoạn này cho phép chúng ta khẳng định rằng Đức Giê-su là sự sống đời đời cho mọi người. Để có thể thực thi điều đó, Người đã đồng hình đồng dạng với mọi người hầu mọi người có thể đến với Người trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa làm cho lời hứa của Người trong Cựu Ước trở nên hiện thực. Nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa mở ra cho mọi người chân trời hy vọng vào sự sống mà không có bất cứ thế lực nào có thể lấy đi được. Nơi Đức Giê-su, hừng đông huyền diệu của sự sống vô cùng vô tận tỏa rạng và đáp ứng niềm mong mỏi của mọi người trong gia đình nhân loại.

Quả thật, sự sống con người trong gia đình nhân loại, trong môi trường thế giới thụ tạo luôn bị giới hạn bởi không gian, thời gian cũng như nhiều hình thức giới hạn khác. Trong hành trình trần thế, con người luôn phải đối diện với muôn vàn nghịch lý của thế giới thụ tạo, chẳng hạn như nghịch lý giữa hiệp nhất và chia rẽ, giữa quảng đại và ích kỷ, giữa hy vọng và thực tế, giữa sự thật và dối trá, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa sự lành và sự dữ, giữa điều tốt và điều xấu. Con người cũng không bao giờ thỏa mãn với sự sống thể lý của mình cho dầu sự sống đó kéo dài vô tận. Con người luôn khắc khoải tìm kiếm sự sống cao cả hơn, tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn sự sống mà mình có kinh nghiệm. Nói cách khác, con người không bao giờ bằng lòng với những gì mình sở đắc trong thế giới đầy bấp bênh này. Với lương tâm ngay thẳng, ai cũng biết rằng: Con người không bằng lòng khi mình khỏe mạnh, người khác lại đau ốm; khi mình phú quý, người khác lại đói nghèo; khi mình vinh quang, người khác lại tủi nhục. Con người luôn mong ước được hạnh phúc mà không phải đau khổ, được bình an mà không phải gian nan khốn khó, được sự sống đời đời mà không phải chết.

Một trong những điều khác biệt căn bản giữa con người và vạn vật là con người luôn sống với hy vọng. Trong đó, hy vọng vào sự sống đời đời là hy vọng lớn lao nhất. Đức Giê-su đến trần gian để loan báo và minh chứng cho niềm hy vọng đó. Hơn nữa, Người là hy vọng của con người (1 Tm 1,1). Lời đầu tiên trong thư gửi Ti-tô, thánh Phao-lô viết: “Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Thiên Chúa và Tông Đồ của Đức Giê-su Ki-tô, có nhiệm vụ đưa những kẻ Thiên Chúa chọn đến đức tin và sự nhận biết chân lý phù hợp với đạo thánh, với niềm hy vọng được sự sống đời đời mà Thiên Chúa, Đấng không hề nói dối đã hứa từ thuở đời đời” (Tt 1,1-2). Thánh nhân cũng khẳng định: “Một khi nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hy vọng” (Tt 3,7). Ngài còn phân trần: “Tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe dọa vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi” (2 Cr 4,11). Hành trình loan báo Tin Mừng của thánh Phao-lô cũng như các môn đệ Đức Giê-su qua dòng thế kỷ là hành trình loan báo niềm hy vọng vững chắc vào sự sống đời đời mà Đức Giê-su hứa ban cho những ai trung tín và thực thi thánh ý Người.

Chúng ta thử đặt câu hỏi: Có hình thức sự sống nào trong thế giới thụ tạo cao quý và đáng để con người hy vọng hay mơ ước hơn sự sống do Đấng là sự sống đã hy sinh chính mình để ban tặng cho con người không? Câu trả lời chắc chắn là không. Quả thật, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng các hình thức sự sống trong môi trường thế giới thụ tạo không phải tự nhiên mà có nhưng do Thiên Chúa tặng ban. Tuy nhiên, mặc khải Ki-tô Giáo cũng cho chúng ta biết rằng các hình thức sự sống, đặc biệt, sự sống con người bị nhuốm màu tội lỗi và con người phải đương đầu với hậu quả là sự sống mình không thể tiếp tục luôn mãi. Với Đức Giê-su, sự sống con người được khôi phục, biến đổi và triển nở tròn đầy trong Nước Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao thánh Phao-lô viết: “Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,10-11).

Thánh Phao-lô mời gọi các tín hữu luôn hướng lòng về sự sống thượng giới: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,1-3). Nhờ kết hiệp với Đức Giê-su trong hành trình trần thế, các Ki-tô hữu được mời gọi trở thành con cái Thiên Chúa. Tuy nhiên, phẩm vị của con cái Thiên Chúa chưa được tỏ lộ cách trọn vẹn trong môi trường nhân loại. Điều này được thánh Gio-an minh định: “Anh em thân mến, hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1 Ga 3,2). Với thánh Gio-an, trong thời cánh chung, Thiên Chúa sẽ biểu lộ phẩm vị và sự sống đích thực mà con người hằng mong mỏi trong hành trình trần thế này.

Khi nói về con người, thánh Tô-ma A-qui-nô khẳng định rằng linh hồn con người là nguyên lý của sự sống và linh hồn không phải là sự kết hiệp của các yếu tố vật chất nhưng được Thiên Chúa ban tặng. Như được đề cập ở trên, là con người, chúng ta nhận thức rằng câu trả lời về sự sống con người không chỉ giới hạn ở một hay một số lĩnh vực nào đó, chẳng hạn như vật lý, hóa học, sinh học, triết học hay xã hội học. Nói cách khác, sự sống con người luôn kỳ diệu hơn bất cứ định nghĩa, giải thích hay mô tả nào. Điều quan trọng đối với con người là đón nhận sự sống như món quà cần được thấu hiểu và trân trọng, đồng thời cộng tác với Thiên Chúa hầu làm cho sự sống mình ngày càng triển nở nhờ ân sủng của Người. Là Ki-tô hữu, chúng ta có kinh nghiệm rằng trong ba hình thức sự sống (sự sống thể lý, sự sống luân lý và sự sống đời đời), nhiều người quan tâm đến sự sống thể lý hơn và tìm cách vun vén cho hình thức sự sống này. Thực ra, chúng ta cần quan tâm đến sự sống luân lý đặt nền tảng trên nội dung đức tin Ki-tô Giáo hơn. Đây là hình thức sự sống của con người phân biệt với sự sống của các sinh vật khác. Còn sự sống đời đời lệ thuộc vào sự sống luân lý của mỗi người trong hành trình trần thế này: Nhân nào quả đó. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa vừa là Đấng yêu thương vô cùng, vừa là Đấng công bằng vô cùng đối với con người.

Sự sống con người không phải tự nhiên xuất hiện mà là món quà nhưng không của Thiên Chúa (Cv 17,24-25). Đặc biệt, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng sự sống con người là một tiến trình. Tiến trình đó bắt đầu từ khi được hình thành trong lòng mẹ. Con người được sinh ra, được dưỡng dục và lớn lên trong gia đình nhân loại cho đến khi phải lìa bỏ mọi sự để về với thế giới mai hậu. Chúng ta biết rằng sự sống mai hậu của mỗi người lệ thuộc vào việc lắng nghe và thực thi lời của Thiên Chúa giữa dòng đời. Dĩ nhiên, những ai không có cơ hội để được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội hay được biết Đức Giê-su và Tin Mừng của Người, nhưng luôn sống với lương tâm ngay thẳng và thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa thì họ có thể được ơn cứu độ, được chung hưởng sự sống đời đời, nhờ công nghiệp của Đức Giê-su trong hành trình trần thế (LG 16).

Thấm nhuần giáo huấn của Đức Giê-su, Công Đồng Vatican II khẳng định: “Mầm sống vĩnh cửu mà con người mang trong mình không thể giản lược vào nguyên vật chất” (GS 18). Như được đề cập ở trên, Đức Giê-su không đến trần gian để đưa ra định nghĩa hay giải thích đầy đủ về các chiều kích vật lý, hóa học, xã hội học hay triết lý về sự sống nhưng đã hy sinh mạng sống mình cho mọi người được sống. Đức Giê-su không đến trần gian để giúp mọi người phân biệt sự khác nhau giữa các hình thức sự sống nhưng cho mọi người biết sự sống thay đổi chứ không mất đi. Đức Giê-su không đến trần gian để cho mọi người biết về cấu trúc của sự sống nhưng cho mọi người biết sự sống sung mãn chỉ có được trong môi trường Thiên Chúa. Xét cho cùng, sự sống đời đời hay sự sống vĩnh cửu vẫn luôn là thực tại nhiệm mầu, vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Đức Giê-su mời gọi mọi người hãy đặt niềm tin tưởng vào Người là Đường Sự Sống bởi vì chính Người mở ra cho mọi người chân trời mới mẻ về sự sống con người trong hành trình trần thế cũng như sự sống mai ngày trong Nước Thiên Chúa.

Với Đường Sự Sống của Đức Giê-su, con người được tha thứ tội lỗi, được hòa giải với Thiên Chúa, với anh chị em mình cũng như với muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Với Đường Sự Sống của Đức Giê-su, con người có được tầm nhìn mới mẻ hơn về sự sống hiện tại của mình cũng như tương lai mai hậu. Với Đường Sự Sống của Đức Giê-su, con người vững tin rằng tiếng nói cuối cùng của thế giới thụ tạo là tiếng nói của Thiên Chúa hằng sống chứ không phải là tiếng nói của sự chết, như thánh Phao-lô quả quyết: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,5). Với Đường Sự Sống của Đức Giê-su, con người có được hy vọng vững chắc rằng ánh sáng sẽ tiêu diệt bóng tối, tình yêu sẽ chiến thắng hận thù và sự hiệp thông sẽ loại trừ mọi mầm mống chia rẽ. Với Đường Sự Sống của Đức Giê-su, sự thánh thiện của Thiên Chúa bao trùm thế giới đầy tội lỗi và quyền năng của Người tiêu diệt quyền lực tử thần. Với Đường Sự Sống của Đức Giê-su, con người có được hướng đi phù hợp cho hành trình trần thế của mình giữa những phong ba bão táp của thời cuộc hầu có thể xây dựng nền văn hóa sự sống theo thánh ý Thiên Chúa.

Dưới nhãn quan mặc khải Ki-tô Giáo, nền văn hóa sự sống đặt nền tảng trên niềm xác tín rằng mọi người trong gia đình nhân loại có cùng nguồn gốc cũng như đích đến bởi Thiên Chúa hằng sống đã ban sự sống cho con người. Đây là món quà cao quý đến nỗi Đức Giê-su đã đi Đường Sự Sống để đến với gia đình nhân loại hầu thông phần với con người trong mọi hoàn cảnh, ngoại trừ tội lỗi. Sự sống con người cao quý đến nỗi Đức Giê-su đã trả giá bằng chính mạng sống của Người để cứu chuộc và giải thoát con người khỏi mãnh lực tội lỗi và sự chết. Nền văn hóa sự sống được thể hiện khi mọi người biết sống theo những giá trị mà Đức Giê-su đã loan báo và minh chứng bằng sự sống của Người. Nền văn hóa này quan tâm đến con người ‘như con người là’ hơn con người ‘như con người có’ hay con người ‘như con người làm’. Điều này có nghĩa rằng con người của nền văn hóa này thể hiện tâm ý của mình sao cho nhân phẩm của mỗi người luôn được tôn trọng bởi vì con người vừa là đỉnh cao vừa là trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo (St 1,1-2,25). Đặc tính của nền văn hóa sự sống thấm đượm tinh thần của Đấng là sự sống đã đến với nhân loại hầu làm cho mọi người được sống và sống dồi dào.

Tin Mừng Đức Giê-su là Tin Mừng cho biết Thiên Chúa là Đấng hằng sống và Đức Giê-su là sự sống của mọi người. Đặc biệt, Tin Mừng Đức Giê-su là Tin Mừng cho biết Đức Giê-su là Thiên Chúa đã trở thành Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Em-ma-nu-en), Người đã nhập thể, sống thân phận con người, chịu nhiều đau khổ, chịu chết và phục sinh để trao ban sự sống mới cho con người. Đức Giê-su phục sinh là Tin Mừng quan trọng nhất cho mọi người trong gia đình nhân loại. Hơn ai hết, thánh Phao-lô diễn tả rất sống động về sự kiện này: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng… Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1 Cr 15,14-19). Đức Giê-su đã mang lấy các hình thức đau khổ và sự chết của mọi người mà đưa lên cây thập tự. Người đã chết để thông phần sự chết của mọi người và đã sống lại để trao ban sự sống đời đời cho mọi người. Do đó, những ai thuộc về Đức Giê-su thì được mời gọi cộng tác với nhau trong việc loan báo Đường Sự Sống của Người cho anh chị em đồng loại.

Chúng ta có thể kết luận rằng ngôn ngữ khoa học thực nghiệm không thể diễn tả đầy đủ bức tranh nhiệm mầu của sự sống con người. Theo mặc khải Ki-tô Giáo, Thiên Chúa là Đấng hằng sống và sự sống con người đến từ sự sống Thiên Chúa. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, đã đi Đường Sự Sống để đến với gia đình nhân loại. Trong hành trình trần thế, ưu tiên của Người không phải là đưa ra định nghĩa chung cuộc về sự sống, cũng không phải trình bày sự sống bằng ngôn ngữ trừu tượng hay giải thích sự sống bằng ngôn ngữ mà con người có thể lĩnh hội trọn vẹn nhưng đã chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cho mọi người được sống. Các sách Cựu Ước đã loan báo về Người, còn các trình thuật Tân Ước cho chúng ta biết rõ rằng Người là sự sống, là nguồn sống và là Đấng khơi nguồn sự sống. Là Ki-tô hữu, chúng ta đặt hy vọng, niềm tin và tình yêu vào Đức Giê-su, Đấng đã tuyên hứa rằng ai theo Người sẽ được sự sống đời đời. Chúng ta được mời gọi tôn trọng sự sống, bảo vệ sự sống và xây dựng nền văn hóa sự sống theo những giá trị mà Người đã loan báo và thực thi trong hành trình trần thế. Đặc biệt, chúng ta được mời gọi loan báo Người là Đường Sự Sống và minh chứng Tin Mừng sự sống của Người cho anh chị em đồng loại trên hành trình về Quê Hương vĩnh cửu, Quê Hương tràn đầy ánh sáng và sự sống viên mãn.


https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-su-song-44782

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét