Trang

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường III (1-19)

Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường III (1-19)

Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường III

Những Thách Đố về Mục Vụ Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hoá


Vào Đề


Việc công bố Tin Mừng về gia đình là một phần của sứ vụ Hội Thánh, vì mặc khải của Thiên Chúa soi sáng mối liên hệ giữa một người nam và một người nữ, tình yêu của họ dành cho nhau và kết quả của mối liên hệ ấy. Trong thời đại chúng ta, một cuộc khủng hoảng rộng rãi về văn hóa, xã hội và tinh thần tạo ra một thách đố trong việc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh cho gia đình, là tế bào sống còn của xã hội và cộng đồng hội thánh. Việc công bố này diễn ra trong sự liên tục với cuộc họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tân Phúc Âm Hoá để Truyền Thụ Đức Tin Kitô Giáo và Năm Đức Tin, đã được Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI công bố. 

Đại hội bất thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục về chủ đề: Những Thách Đố Mục Vụ về Gia Đình trong Bối Cảnh Phúc Âm Hóa, ‎dựa trên sự kiện là “Thánh Truyền, đến từ các Tông Đồ, được tiếp tục trong Hội Thánh với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần” (Dei Verbum [DV], 8), được triệu tập để suy nghĩ về con đường phải theo, để truyền thông cho tất cả mọi người chân l‎ý về tình yêu vợ chồng và về gia đình, cùng trả lời nhiều thách đố của nó (x. Evangelii Gaudium [EG], 66). Gia đình là một nguồn tài nguyên vô tận và là nguồn mạch của đời sống trong sinh hoạt mục vụ của Hội Thánh. Vì vậy, nhiệm vụ chính của Hội Thánh là công bố vẻ đẹp của ơn gọi yêu thương, cũng là tiềm năng rất lớn đối với xã hội. Đối diện với sự khẩn trương này, các Giám Mục, cum et sub Petro (cùng và dưới quyền Thánh Phêrô), ngoan ngoãn lắng nghe Chúa Thánh Thần trong khi suy nghĩ về những thách đố mục vụ ngày nay.

Hội Thánh, ý thức rằng những khó khăn không xác định chân trời cuối cùng của cuộc sống gia đình, và rằng con người không những chỉ đối diện với những vấn đề mới, sẵn sàng công nhận những nỗ lực đã được thực hiện, nhất là bởi giới trẻ, để thoáng thấy một mùa xuân mới cho gia đình. Chúng ta thấy những chứng từ quan trọng theo nghĩa này trong nhiều cuộc gặp gỡ của Hội thánh, ở đó chúng diễn tả một cách rõ ràng, đặc biệt là bởi những thế hệ mới, một ước vọng canh tân gia đình. Trước ước vọng này, Hội Thánh được mời gọi để nâng đỡ và đồng hành, ở mọi mức độ, trong việc trung thành với mệnh lệnh công bố vẻ đẹp của tình yêu gia đình của Chúa. Trong những cuộc gặp gỡ với các gia đình, Đức Thánh Cha luôn luôn khuyến khích mọi người nhìn vào tương lai với niềm hy vọng, trong khi đề nghị những cách sống mà qua đó có thể bảo tồn và gia tăng tình yêu trong gia đình: xin phép, cảm ơn và xin lỗi, và không bao giờ để cho mặt trời lặn trong khi còn tranh cãi hoặc hiểu lầm, mà không có sự khiêm nhường để xin lỗi. 

Từ đầu triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tái xác rằng “Chúa không bao giờ ngừng tha thứ: không bao giờ! Chính chúng ta là những người mệt mỏi khi xin Ngài tha thứ.” (Kinh Truyền Tin, ngày 17 tháng 3 năm 2013). Việc nhấn mạnh đến lòng thương xót này đã có một tác động lớn ngay cả trên các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình, trong đó, khác xa tất cả các nguyên tắc luân lý, nó khẳng định và mở ra những chân trời trong đời sống Kitô hữu, bất chấp những giới hạn mà con người đã kinh nghiệm và các tội lỗi mà họ đã phạm. Lòng thương xót của Thiên Chúa mở ra một sự hoán cải thường trực và một sự tái sinh liên tục.

Phần Thứ Nhất – Việc Truyền Đạt Tin Mừng Trong Gia Đình Hôm Nay

Chương Một - Kế Hoạch Hôn Nhân và Gia Đình của Thiên Chúa


Gia đình theo ánh sáng giáo huấn Thánh Kinh

1 Sách Sáng Thế K‎ý trình bày người nam và người nữ được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa; trong việc chấp nhận lẫn nhau, họ nhận ra là mình được tạo dựng cho nhau (x. St 1: 24-31, 2: 4b-25). Việc truyền sinh biến người nam và người nữ thành những cộng sự viên của Thiên Chúa trong việc đón nhận và truyền lại sự sống: “Qua việc truyền lại cho con cháu của họ sự sống con người, người nam và người nữ, như vợ chồng và cha mẹ, hợp tác một cách độc đáo vào công trình của Đấng Tạo Hóa” (GLCG 372). Ngoài ra, trách nhiệm của họ nối dài với việc bảo tồn tạo vật và sự tăng trưởng của gia đình nhân loại. Trong truyền thống Thánh Kinh, triển vọng về vẻ đẹp của tình yêu con người, là phản ảnh của tình yêu Thiên Chúa, được khai triển trên hết trong sách Nhã Ca và các sách Ngôn Sứ.

2. Nền tảng của công bố của Hội Thánh về gia đình được tìm thấy trong giáo huấn và cuộc đời của Chúa Giêsu, Đấng đã sống và lớn lên trong gia đình Nazareth, đã dự tiệc cưới Cana, ở đó Người đã làm cho buổi lễ thêm phong phú bằng “dấu chỉ” đầu tiên của Người (x. Ga 2: 1-11), và tự giới thiệu Mình là Phu Quân kết hợp chặt chẽ với Hiền Thê của Người (x. Ga 3: 29). Trên thập giá, Người hiến mình vì tình yêu cho đến cùng, và trong Thân Thể Phục Sinh của Người, Người thiết lập những quan hệ mới giữa con người. Qua việc mặc khải trọn vẹn lòng thương xót của Thiên Chúa, Chúa Giêsu cho phép người nam và người nữ phục hồi “nguyên tắc” mà theo đó Thiên Chúa đã liên kết họ thành một thân một xác (x. Mt 19: 4-6), vì thế - với ân sủng của Đức Kitô, họ trở nên có khả năng yêu thương một cách chung thuỷ mãi mãi. Do đó, tiêu chuẩn tình yêu vợ chồng của Thiên Chúa, mà vợ chồng được ân sủng mời gọi đến, tìm thấy nguồn gốc của nó trong “vẻ đẹp của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ bày trong Đức Chúa Giêsu Kitô đã chết và Phục Sinh” (EG 36), chính là trái tim của Tin Mừng.

3. Chúa Giêsu, khi mặc lấy tình yêu của con người, cũng hoàn thiện nó (x. Gaudium et Spes [GS] 49), bằng cách ban cho người nam và người nữ một cách mới để yêu thương, mà nền tảng là sự trung thành không thể thu hồi được của Thiên Chúa. Trong ánh sáng này, Thư gửi tín hữu Êphêxô đã phân biệt trong tình yêu của người nam và người nữ “mầu nhiệm cao cả”, là điều làm cho tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh được hiện diện trong thế giới này, (x. Ep 5: 31 - 32). Họ có một đặc sủng (1 Cor 7: 7) để xây dựng Hội Thánh qua tình yêu vợ chồng cùng nhiệm vụ sinh sản và giáo dục con cái của họ. Đươc kết hợp bởi mối dây bí tích bất khả phân ly, vợ chồng sống vẻ đẹp của tình yêu, của việc làm cha, làm mẹ, và phẩm giá được tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Gia đình trong những tài liệu của Hội Thánh

4. Qua nhiều kỷ nguyên, Hội Thánh đã không ngừng cung cấp giáo huấn liên tục của mình về hôn nhân và gia đình. Một trong những cách diễn tả cao nhất của Huấn Quyền đã được đề ra bởi Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến Chế Mục Vụ Gaudium et Spes, trong đó dành một chương để đề cao phẩm giá của hôn nhân và gia đình (x. GS 47 - 52). Hiến Chế này định nghĩa hôn nhân như một cộng đồng của sự sống và tình yêu (x. GS 48), đặt tình yêu ở trung tâm của gia đình và đồng thời cho thấy chân lý về tình yêu này trước các hình thức khác nhau của chủ nghĩa giản lược hiện diện trong nền văn hóa hiện đại. “Tình yêu vợ chồng thật sự” (GS 49) ám chỉ món quà hiến thân cho nhau, bao gồm và tích hợp các khía cạnh tính dục và tình cảm, theo kế hoạch của Thiên Chúa (x. GS 48-49). Ngoài ra, Gaudium et Spes số 48 nhấn mạnh đến sự bén rễ của vợ chồng trong Đức Kitô: Đức Kitô là Chúa “đến gặp vợ chồng Kitô hữu qua Bí Tích Hôn Phối” và vẫn tiếp tục ở với họ. Trong việc Nhập Thể, Người mặc lấy tình yêu nhân loại, thanh lọc nó cùng dẫn nó đến sự viên mãn của Người, và ban cho cặp vợ chồng, với Thần Khí của Người, khả năng sống thấm nhuần tất cả đời sống của họ bằng đức tin, đức cậy và đức ái. Vì thế, vợ chồng coi như được thánh hiến, và qua một ân sủng đặc biệt, họ xây dựng Thân Thể Đức Kitô và thành một Hội Thánh tại gia (x. LG 11). Hội Thánh cũng thế, để hiểu đầy đủ về mầu nhiệm của mình, Hội Thánh nhìn vào gia đình Kitô hữu, là điều biểu lộ Hội Thánh một cách thực sự.

5. Tiếp theo Công Đồng Vaticanô II, Huấn Quyền Giáo Hoàng đã đào sâu giáo lý về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt là Đức Thánh Cha Phaolô VI, qua Thông Điệp Humanae Vitae, đã nhấn mạnh đến sự liên kết mật thiết giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản con cái. Thánh Gioan Phaolô II đã quan tâm đặc biệt đến gia đình qua giáo lý của ngài về tình yêu con người, Thư gửi các Gia Đình của ngài (Gratissimam Sane), và nhất là là trong Tông Huấn Familiaris Consortio. Trong các tài liệu này, Đức Thánh Cha gọi gia đình là “con đường của Hội Thánh”; ngài đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về ơn gọi yêu thương của người nam và người nữ; ngài đề ra các hướng dẫn cơ bản về một mục vụ gia đình và sự hiện diện của gia đình trong xã hội. Đặc biệt, liên quan đến tình yêu vợ chồng (x. FC 13), ngài mô tả làm sao vợ chồng qua sự yêu thương lẫn nhau của họ, nhận được hồng ân của Thần Khí của Đức Kitô và sống lời mời gọi nên thánh của họ.

6. Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, trong Thông Điệp Deus Caritas Est, lại bàn đến chủ đề chân l‎ý của tình yêu giữa người nam và người nữ, là điều chỉ được soi sáng cách trọn vẹn trong ánh sáng tình yêu của Đức Kitô chịu đóng đinh (x. DCE 2). Ngài tái khẳng định rằng “Hôn nhân dựa trên một tình yêu độc quyền và dứt khoát sẽ trở thành biểu tượng của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài và sự hỗ tương giữa hai bên: cách thế mà Thiên Chúa yêu thương trở thành thước đo tình yêu của con người” (DCE 11). Hơn nữa, trong Thông Điệp Caritas in Veritate, ngài đã làm nổi bật tầm quan trọng của tình yêu như một nguyên tắc của đời sống xã hội (xem CV 44), là nơi con người học kinh nghiệm về công ích.

7. Đức Thánh Cha Phanxicô, khi bàn đến sự liên hệ giữa gia đình và đức tin, đã viết trong Thông Điệp Lumen Fidei: “Cuộc gặp gỡ Đức Kitô, việc để cho mình được lôi cuốn và hướng dẫn bởi tình yêu của Người, mở rộng chân trời cuộc đời, cung cấp cho đời sống một niềm hy vọng vững chắc là điều không làm cho nó thất vọng. Đức tin không phải là nơi trú ẩn của những kẻ nhát đảm, nhưng là điều thăng tiến cuộc đời chúng ta. Nó làm cho chúng ta nhận ra một lời mời gọi cao cả, ơn gọi yêu thương. Nó đảm bảo cho chúng ta rằng tình yêu này đáng tin cậy và đáng giá để theo đuổi, vì nó đặt nền tảng trên sự trung tín của Thiên Chúa, mạnh mẽ hơn sự mỏng dòn của chúng ta rất nhiều” (LF 53).

Chương II

Sự Hiểu Biết và chấp nhận Thánh Kinh và các tài liệu Hội Thánh về hôn nhân và gia đình


8. Hội Thánh trong thời đại chúng ta được đặc trưng bằng một sự tái khám phá rộng về Lời Chúa trong đời sống của Hội Thánh. Sự phục hồi về Thánh Kinh này trong lòng Hội Thánh, đã đánh dấu, một cách khác, đời sống của các giáo phận, giáo xứ và cộng đồng Hội Thánh. Tuy nhiên, nhiều câu trả lời và ý kiến đã nhận được nhấn mạnh đến sự hiểu biết, việc truyền thông và đón nhận các giáo huấn của Hội Thánh về gia đình đã xảy ra dưới những hình thức rất đa dạng, tuỳ thuộc vào đời sống gia đình, những tế bào của Hội Thánh và bối cảnh văn hóa. Ở những nơi có truyền thống Kitô giáo mạnh mẽ, với việc mục vụ được tổ chức tốt, chúng ta thấy có những người nhạy cảm với giáo lý Kitô giáo về hôn nhân gia đình. Còn ở những nơi khác, vì nhiều lý do, có nhiều Kitô hữu không biết gì về sự hiện diện của những giáo huấn này. 

Sự hiểu biết về Giáo Huấn của Thánh Kinh về gia đình 

9. Nói chung, chúng ta có thể nói rằng ngày nay giáo huấn của Thánh Kinh, đặc biệt là của Tin Mừng và các Thư Thánh Phaolô, được biết đến nhiều hơn. Tuy nhiên, tất cả các Hội Đồng Giám Mục quả quyết rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để Thánh Kinh trở thành nền tảng của tâm linh và đời sống của các Kitô hữu, đặc biệt là đối với các gia đình. Từ một số trả lời, người ta cũng ghi nhận rằng có một số đông các tín hữu ước muốn hiểu biết thêm về Thánh Kinh. 

10. Từ quan điểm này, việc đào tạo giáo sĩ được coi là quyết định, đặc biệt là chất lượng của các bài giảng, là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gần đây đã nhấn mạnh (x. EG 135-144). Thật vậy, bài giảng là một công cụ đặc quyền để giới thiệu Thánh Kinh cho các tín hữu, theo bình diện Hội Thánh và đời sống hằng ngày. Nhờ sự giảng dạy đầy đủ, dân Chúa biết đánh giá cao vẻ đẹp của Lời Chúa, là điều lôi cuốn và an ủi gia đình. Ngoài các bài giảng, một công cụ quan trọng khác là việc tổ chức, trong các giáo phận và giáo xứ, các khóa học có thể giúp các tín hữu tiếp cận Thánh Kinh một cách đầy đủ. Điều được đề nghị là đừng có quá nhiều sáng kiến mục vụ, nhưng dùng Thánh Kinh trong việc sinh động hoá mọi mục vụ về gia đình. Bất kỳ trường hợp nào trong đó Hội Thánh được mời gọi để chăm sóc cho các tín hữu, trong khung cảnh gia đình, là cơ hội để việc Phúc Âm hoá các gia đình được công bố, áp dụng và đánh giá cao. 

Sự Hiểu Biết về các tài liệu của Huấn Quyền 

11. Dân Thiên Chúa, một cách tổng quát, dường như không mấy hiểu biết về các tài liệu Công Đồng và hậu Công Đồng của Huấn Quyền về gia đình. Chắc chắn rằng những người có liên quan đến lãnh vực thần học có một số hiểu biết nào đó. Tuy nhiên, những văn bản này dường như không thấm nhuần sâu xa vào não trạng của các tín hữu. Một số người trả lời thậm chí thú nhận thẳng thắn rằng các tài liệu này không được tất cả các tín hữu biết đến. Trong khi một số câu trả lời khác cho thấy rằng đôi khi các tài liệu ấy được coi, đặc biệt là với giáo dân, là những người không được chuẩn bị trước, như những văn kiện "dành riêng" cho một số ít người. Chắc chắn rằng khó mà bắt tay vào việc học hỏi các văn bản này. Thường thì phải có người đã chuẩn bị sẵn, có khả năng giới thiệu các bài đọc của các văn kiện ấy, vì các tài liệu ấy có vẻ khó tiếp cận. Trên hết, người ta cảm thấy cần phải biết rõ bản chất chủ yếu của chân lý được xác quyết trong các tài liệu. 

Nhu cầu chuẩn bị chu đáo cho các linh mục và các thừa tác viên 

12. Một số ý kiến nhận được đã quy trách nhiệm cho các mục tử về việc thiếu phổ biến các kiến thức này, theo ý kiến của một số tín hữu, thì chính họ không biết một cách sâu xa về những chủ đề của các tài liệu về hôn nhân gia đình, hoặc có vẻ không có những phương tiện để khai triển những chủ đề này. Từ một số ý kiến khác nhận được, chúng ta có thể thấy rằng các mục từ đôi khi không phù hợp và thiếu chuẩn bị để đối phó với những vấn đề liên quan đến tính dục, khả năng sinh sản và truyền sinh, vì vậy các ngài thường không thích bàn đến những vấn đề này. Một số câu trả lời cho thấy có những người không hài lòng với một số linh mục, là những vị có vẻ không quan tâm đến một số giáo huấn về luân lý nào đó. Sự bất đồng của các ngài với giáo lý của Hội Thánh tạo ra sự mập mờ giữa Dân Chúa. Do đó, một số người yêu cầu rằng chính các linh mục phải được chuẩn bị tốt hơn và có tính thần trách nhiệm hơn trong việc giải thích Lời Chúa và trình bày các tài liệu của Hội Thánh về hôn nhân và gia đình.

Một chấp nhận cách đa dạng giáo huấn của Hội Thánh 

13. Một số Hội Đồng Giám Mục ghi nhận rằng, khi được truyền thụ cách sâu xa, giáo huấn của Hội Thánh với vẻ đẹp đích thực của nó, là vẻ đẹp nhân bản và Kitô giáo, được phần lớn của các tín hữu nhiệt tình đón nhận. Khi chúng ta có thể trình bày một cái nhìn tổng thể về hôn nhân và gia đình, theo đức tin Kitô giáo, thì người ta nhận ra chân lý‎, sự thiện hảo và vẻ đẹp của chúng. Giáo huấn được chấp nhận một cách rộng rãi hơn ở nơi nào có một cuộc hành trình đức tin thực sự của các tín hữu, chứ không chỉ có sự tò mò thất thường về những điều Hội Thánh nghĩ về luân l‎ý tính dục. Đàng khác, nhiều người trả lời đã xác nhận rằng ngay cả khi giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân gia đình được biết rõ ràng, nhiều Kitô hữu tỏ ra khó mà chấp nhận giáo huấn ấy một cách hoàn toàn. Nói chung, thì có một phần những yếu tố, mặc dù quan trọng, của giáo lý Kitô giáo, bị chống đối ở những mức độ khác nhau, chẳng hạn như việc điều hoà sinh sản, ly dị và tái hôn, đồng tính luyến ái, chung sống ngoài hôn nhân, chung thuỷ, quan hệ tính dục trước hôn nhân, thụ thai nhân tạo, vv. Ngược lại, nhiều câu trả lời cho thấy rằng giáo huấn của Hội Thánh về nhân phẩm và tôn trọng sự sống con người dễ dàng được chấp nhận cách rộng rãi hơn, ít ra là theo nguyên tắc. 

14. Các ‎ý kiến cho thấy rằng cần phải có một sự hoà nhập tốt hơn giữa các giáo huấn về tâm linh và luân lý‎ về gia đình, là điều dẫn đến một sự hiểu biết hơn về Huấn Quyền của Hội Thánh trong lãnh vực luân l‎ý gia đình. Một số trả lời ghi nhận tầm quan trọng của việc đề cao những yếu tố của nền văn hóa địa phương, là điều có thể trợ giúp trong sự hiểu biết về giá trị của Tin Mừng; đó là trường hợp của phần lớn các nền văn hóa Á Châu, thường tập trung vào gia đình. Trong bối cảnh này, một số Hội Đồng Giám Mục cho rằng sẽ không mấy khó khan để hoà hợp giáo huấn của Hội Thánh về gia đình với những giá trị xã hội và luân l‎ý của những dân tộc hiện diện trong các nền văn hóa ấy. Đồng thời chúng ta cũng phải chú ý đến tầm quan trọng của việc trao đồi văn hóa trong việc loan báo Tin Mừng của gia đình. Cuối cùng, những câu trả lời và ý kiến đã nhận được làm nổi bật sự cần thiết phải thiết lập những đường hướng đào tạo cụ thể và khả thi, mà nhờ đó chúng ta có thể giới thiệu những chân lý đức tin liên quan đến gia đình, đặc biệt là để có thể đề cao giá trị sâu xa của con người và của đời sống. 

Một số lý do của khó khăn trong việc chấp nhận 

15. Một số Hội Đồng Giám Mục cho thấy rằng l‎ý do của việc có nhiều phản đối chống lại những giáo huấn của Hội Thánh về luân l‎ý gia đình là sự vắng mặt của một kinh nghiệm Kitô giáo thật sự, một cuộc gặp gỡ cá nhân và cộng đồng với Đức Kitô, là điều mà bất cứ trình bày nào về giáo thuyết, dù có đúng đi chăng nữa, cũng không thể thay thế được. Trong phạm vi này, nhiểu người phàn nàn về thiếu sót của một việc mục vụ chỉ quan tâm đến ban phát các bí tích mà không liên kết với một kinh nghiệm Kitô giáo thật sự hấp dẫn. Ngoài ra, phần lớn các câu trả lời làm nổi bật sự tương phản càng ngày càng gia tăng giữa các giá trị được Hội Thánh đề ra về hôn nhân gia đình và tình trạng văn hóa xã hội khác nhau trên toàn cầu. Câu trả lời cũng nhất trí liên quan đến lý do chính của việc khó chấp nhận các giáo huấn của Hội Thánh: sự lan tràn và xâm lấn của những kỹ thuật mới; ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng; nền văn hóa theo chủ nghĩa khoái lạc; thuyết tương đối; thuyết duy vật; chủ nghĩa cá nhân; các chủ nghĩa thế tục đang lớn mạnh; sự thịnh hành của những tư tưởng dẫn đến tự do hóa quá trớn về luân lý‎ theo nghĩa ích kỷ; sự mong manh của các mối quan hệ giữa cá nhân; một nền văn hóa chối từ sự lựa chọn dứt khoát, bị chi phối bởi bất an, tạm thời, đặc trưng của một "xã hội lỏng lẻo", "dùng một lần", "mọi sự tức thời"; những giá trị được hỗ trợ bởi cái gọi là "nền văn hóa lãng phí" và "tạm bợ" như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường xuyên nhắc nhở. 

16. Một số người nhắc lại những trở ngại do sự thống trị lâu dài của các ý thức hệ vô thần ở nhiều quốc gia, trong đó đã tạo ra một thái độ ngờ vực giáo dục tôn giáo nói chung. Những trả lời khác đề cập đến những khó khăn mà Hội Thánh gặp phải trong việc đương đầu với các nền văn hóa bộ lạc và truyền thống, trong đó hôn nhân có đặc tính rất khác so với đặc tính Kitô giáo, chẳng hạn như việc ủng hộ chế độ đa thê hay những quan điểm khác trái ngược với ý tưởng về hôn nhân như bất khả phân ly và một vợ một chồng. Kitô hữu sống trong những môi trường ấy chắc chắn cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hội Thánh và của các cộng đồng Kitô hữu. 

Khuyến khích một sự hiểu biết nhiều hơn về Huấn Quyền 

17. Nhiều câu trả lời nhấn mạnh đến sự cần thiết phải tìm ra những cách thức mới để truyền đạt giáo huấn của Hội Thánh về hôn nhân gia đình. Điều này lệ thuộc nhiều vào sự trưởng thành của Hội Thánh địa phương, truyền thống của nó và các tiềm năng thực sự có sẵn trong vùng. Trên hết, chúng ta đặc biệt công nhận sự cần thiết phải đào tạo những người làm mục vụ có khả năng truyền thông sứ điệp Kitô giáo một cách thích hợp với nền văn hóa. Trong mọi trường hợp, hầu hết những người trả lời nói rằng, ở cấp quốc gia, có một Ủy Ban Mục vụ Gia Đình và một Chỉ Nam Hướng Dẫn Mục Vụ Gia Đình. Nói chung thì các Hội Đồng Giám Mục cung cấp các giáo huấn của Hội Thánh qua các tài liệu, các hội nghị chuyên đề và các sáng kiến khác; ở cấp giáo phận cũng thế, công việc được thực hiện qua các cơ quan và các hội đồng. Chắc chắn có những câu trả lời cho thấy tình trạng khó khăn của các tổ chức Hội Thánh ở những nơi thiếu các nguồn kinh tế và nhân lực để tổ chức dạy giáo lý gia đình một cách liên tục. 

18. Nhiều người nhắc lại rằng thật quan trọng để thiết lập mối quan hệ với các trung tâm đại học thích hợp và được chuẩn bị cho những vấn đề về gia đình, về trình độ giáo lý, tinh thần và chăm sóc mục vụ. Một số câu trả lời nói về những liên hệ quốc tế có lợi giữa các đại học và các giáo phận, ngay cả ở lãnh vực ngoại vi của Hội Thánh để cổ võ những thời điểm đào tạo kỹ năng về hôn nhân và gia đình. Một thí dụ được trích dẫn nhiều lần trong các câu trả lời là sự hợp tác với Giáo Hoàng Học Viện Gioan Phaolô II để Nghiên Cứu về Hôn nhân và gia đình ở Roma, trong đó có nhiều trung tâm khác nhau trên thế giới. Về vấn đề này, một số Hội Đồng Giám Mục nhắc lại tầm quan trọng của việc phát triển kiến thức của Thánh Gioan Phaolô II về thần học thân xác, trong đó ngài đề ra một tiếp cận hiệu quả cho các chủ đề về gia đình, với sự nhạy cảm về đời sống và nhân chủng học, mở ra cho những nhu cầu mới của thời đại chúng ta. 

19. Cuối cùng, điều quan trọng là những bài bài giáo lý thông thường về về hôn nhân gia đình không thể chỉ giới hạn trong việc chuẩn bị của các cặp nam nữ kết hôn; trái lại cần phải có một chương trìng giáo lý năng động, có tính thử nghiệm, qua các nhân chứng, cho thấy vẻ đẹp của những gì Tin Mừng và các tài liệu Huấn Quyền của Hội Thánh về gia đình truyền thông cho chúng ta. Một thời gian dài trườc khi sẵn sàng kết hôn, những người trẻ cần được giúp đỡ để biết những gì Hội Thánh dạy và tại sao Hội Thánh lại dạy như thế. Nhiều câu trả lời làm nổi bật vai trò của cha mẹ trong việc dạy giáo lý cụ thể về gia đình. Họ đóng một vai trò không thể thay thế được trong việc đào luyện con em về Kitô giáo liên quan đến Tin Mừng về gia đình. Nhiệm vụ này đòi hỏi một sự hiểu biết sâu xa về ơn gọi của họ trong ánh sáng của giáo lý Hội Thánh. Việc làm nhân chứng của họ đã là một bài giáo lý sống động không những chỉ trong Hội Thánh mà còn ở ngoài xã hội. 

Phaolô Phạm Xuân Khôi7/11/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét