Trang

Thứ Năm, 10 tháng 7, 2014

Thứ Năm sau Chúa Nhật 14 Quanh Năm

Thứ Năm sau Chúa Nhật 14 Quanh Năm

  
Bài Ðọc I: (Năm II) Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9
"Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Thiên Chúa phán: "Lúc Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương nó, và Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
"Ta đã dưỡng nuôi Ephraim, Ta đã bồng chúng trên cánh tay Ta mà chúng không biết Ta chăm sóc chúng. Ta đã dùng dây êm ái và mối yêu thương mà tập (cho) chúng đi; Ta đối xử với chúng như người dưỡng nuôi trẻ thơ, Ta đã ấp yêu chúng vào má. Ta nghiêng mình trên chúng và đút cho chúng ăn.
Quả tim Ta thổn thức trong Ta và ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không buông thả theo cơn giận của Ta. Ta sẽ không huỷ diệt Ephraim, vì Ta là Thiên Chúa chứ không phải người phàm; Ta là Ðấng Thánh ở giữa ngươi, Ta không thích tiêu diệt".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16
Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4b).
Xướng: 1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các vệ binh thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin tỉnh thức quyền năng của Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy; bảo vệ ngành nho mà tay Ngài đã củng cố cho mình. – Ðáp

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 7-15
"Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy đi rao giảng rằng "Nước Trời đã gần đến". Hãy chữa những bệnh nhân, hãy làm cho kẻ chết sống lại, hãy làm cho những kẻ phong cùi được sạch và hãy trừ quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Các con chớ mang vàng bạc, tiền nong trong đai lưng, chớ mang bị đi đường, chớ đem theo hai áo choàng, chớ mang giày dép và gậy gộc, vì thợ thì đáng được nuôi ăn.
"Khi các con vào thành hay làng nào, hãy hỏi ở đó ai là người xứng đáng, thì ở lại đó cho tới lúc ra đi. Khi vào nhà nào, các con hãy chào rằng: "Bình an cho nhà này". Nếu nhà ấy xứng đáng thì sự bình an của các con sẽ đến với nhà ấy. Nhưng nếu ai không tiếp rước các con và không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi nhà hay thành ấy và giũ bụi chân các con lại. Thật, Thầy bảo các con: Trong ngày phán xét, đất Sôđôma và Gômôra sẽ được xét xử khoan dung hơn thành ấy".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chỉ Thị Truyền Giáo
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ một số chỉ thị cụ thể liên quan đến việc thi hành sứ mệnh đã lãnh nhận. Trước hết, về chính việc rao giảng Tin Mừng: Hãy đi rao giảng Nước Thiên Chúa đã đến gần. Hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong cùi được khỏi bệnh và khử trừ ma quỉ. Vì là người được Chúa ủy thác, nên phải thi hành đúng chỉ thị của Ngài: rao giảng Nước Trời, cứu vớt những người nghèo khổ, bị bỏ rơi bên lề xã hội.
Liên hệ đến tâm thức và cách sống của nhà truyền giáo, Chúa Giêsu nói đến tính cách nhưng không của việc hiến thân, tinh thần vị tha, giao tiếp hiền hòa với những ai đón nghe lời rao giảng cũng như với những ai từ chối. Ðã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Ðừng mang vàng bạc, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giầy hay cầm gậy. Vì thợ thì có quyền được nuôi ăn. Khi vào nhà nào thì hãy chào thăm và chúc lành cho nhà đó.
Chúa Giêsu không những ủy thác việc rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ, Ngài còn muốn đời sống các ông phù hợp với lời giảng dạy. Nội dung cốt yếu của sứ điệp không do quyết định tự do hoặc sáng kiến của người rao giảng, mà là do chính Chúa Giêsu ấn định, đó là Nước Trời. Người được sai đi với tư cách là thừa tác viên phải thi hành đúng như Chúa đã truyền. Ngài mời gọi họ dấn thân sống đầy đủ mỗi ngày lý tưởng truyền giáo và lý tưởng của người môn đệ. Ðiều quan trọng phải nhớ là hành trang của nhà truyền giáo khi theo Chúa Giêsu là lời của Ngài và đời sống nghèo khó của Ngài. Tất cả những sự khác phải được coi là dư thừa, nhiều khi còn là ngăn trở cho việc truyền giáo. Kinh nghiệm cho thấy rằng những ai dấn thân sống nghèo khó và hy sinh cho người khác, sẽ được Chúa cho lại gấp trăm.
Xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức sứ mệnh Chúa đã trao và quảng đại dấn thân để góp phần mở rộng Nước Chúa nơi trần gian. Xin giải thoát chúng ta khỏi những hành trang vô ích, dư thừa, cản trở việc rao giảng Tin Mừng, để chúng ta không lạc bước trong khi thi hành sứ mệnh cao cả đã lãnh nhận.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 14 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Hos 11:1b, 3-4, 8c-9; Mt 10:7-15.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng thương xót của Thiên Chúa thắng vượt sự vô ơn của con người.
Công bằng và thương xót là hai trong những đặc tính nơi Thiên Chúa. Nhiều người đã tự hỏi đặc tính nào nổi bật hơn nơi Thiên Chúa? Nhiều người cho Thiên Chúa của Cựu Ước mang hình ảnh của Thiên Chúa công bằng; trong khi Chúa Giêsu của Tân Ước mang hình ảnh Thiên Chúa thương xót hơn. Thực ra, Thiên Chúa của Cựu Ước cũng là Thiên Chúa của Tân Ước. Hình ảnh một Thiên Chúa thương xót vẫn trổi vượt hơn nếu chúng ta so sánh tỉ lệ thời gian 2000 năm của Cựu Ước với 33 năm ngắn ngủi của Chúa Giêsu sống trên trần gian. Nếu Thiên Chúa không thương xót bỏ qua lầm lỗi, loài người chúng ta đã không tồn tại đến ngày hôm nay!
Các bài đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa mạnh hơn những tội lỗi và sự vô ơn của con người. Trong bài đọc I, ngôn sứ Hosea diễn tả tình thương Thiên Chúa dành cho con cái Israel như tình thương của một người cha nuôi dưỡng đứa con thơ của mình. Lòng thương xót của Ngài đã thắng vượt tất cả những tội lỗi và vô ơn của họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu lo lắng cho các thế hệ tương lai bằng cách đào tạo các tông đồ. Ngài huấn luyện, ban quyền và sai họ đi để trừ quỉ, chữa lành mọi bệnh tật, và mang Tin Mừng đến cho mọi người cách nhưng không.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm."
1.1/ Thiên Chúa chăm sóc con cái Israel như cha hiền chăm sóc con thơ: Biến cố Xuất Hành, khi Thiên Chúa dẫn đưa con cái Israel ra khỏi Ai-cập là một bằng chứng cho Israel nhận thấy Ngài yêu thương họ. Ngài đập tan quân đội Pharaoh, đồng hành với họ suốt 40 năm trường trong sa mạc, và đẩy lui tất cả các địch thù trên đường tiến vào Đất Hứa. Ngôn sứ Hosea diễn tả sự yêu thương này qua hình ảnh người cha chăm sóc cho đoàn con của mình: “Ta đã tập đi cho Ephraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn.”
1.2/ Lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng: Chỉ được ít lâu sau khi vào Đất Hứa, con cái Israel bắt đầu quên công ơn Thiên Chúa và không tuân giữ những gì Chúa truyền dạy. Tội nặng nhất và xảy ra rất nhiều lần là tội bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại. Mỗi lần như thế, thay vì thẳng tay tiêu diệt, Thiên Chúa lại gởi các ngôn sứ hay các nhà lãnh đạo tới để mang con cái Israel trở về.
Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Hosea dùng ngôn ngữ con người để con cái Israel hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa. Câu hỏi đặt ra là Thiên Chúa nên đối xử công bằng hay theo lòng thương xót? Nếu Thiên Chúa đối xử công bằng, Israel sẽ không trách Thiên Chúa được điều gì cả, vì tội lỗi của họ đã xúc phạm quá nhiều lần tới Thiên Chúa. Mỗi khi muốn đánh phạt con cái Israel, Thiên Chúa đã bị dằn vặt và khổ tâm: một bên là công bằng phải thẳng tay tiêu diệt như Ngài đã tiêu diệt 4 thành của Dân Ngoại: Admah, Zeboiim, Sodom và Gomorrha bằng lửa diêm sinh từ trời (Deut 29:23), một bên là lòng thương xót khi phải nhìn những đứa con ruột chìm trong biển lửa. Ngài đã phải thốt lên: “Làm sao Ta xử với ngươi như với Admah, để ngươi nên giống như Zeboiim được? Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ephraim nữa.”
Để hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, chúng ta có thể so sánh với những đau khổ của cha mẹ khi nuôi dưỡng con cái: Con hư cha mẹ đã buồn, con bị đánh đau, lòng mẹ còn xót xa hơn, con vô ơn bạc nghĩa, lòng mẹ quặn đau như bị dao đâm. Cho dẫu vậy, sự đau đớn của mẹ vẫn còn thua xa sự đau đớn của Thiên Chúa. Ngài vẫn kiên nhẫn chờ con người nhận ra tình thương và ăn năn trở lại. Sau cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa toàn thắng. Lý do đơn giản: “vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ.”
2/ Phúc Âm: Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
2.1/ Bổn phận các môn đệ: Chúa chọn các Tông-đồ để huấn luyện các ông là cho một mục đích. Ngài biết sẽ phải từ bỏ thế gian để trở về với Chúa Cha, nên Ngài huấn luyện các ông để các ông thay Ngài tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là để con người nhận ra tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn con người tin vào Đức Kitô để được chung hưởng hạnh phúc với Ngài trên Thiên Đàng.
(1) Việc phải làm: Bổn phận hàng đầu của các môn đệ được Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: "Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần." Để muôn dân tin vào lời các môn đệ rao giảng, Chúa Giêsu cũng ban cho các ông quyền chữa lành các vết thương hồn xác: "Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ." Mục đích của việc chữa lành là để muôn dân nhận ra quyền năng Thiên Chúa và tin vào Ngài, chứ không phải để kiếm các lợi lộc vật chất. Ngài truyền cho các ông: "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy."
(2) Việc không được phép làm: Vì Chúa Giêsu biết trước những cám dỗ vật chất có thể làm các môn đệ xao lãng bổn phận rao giảng Tin Mừng; nên Ngài ngăn cấm các ông:
+ Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng: Người môn đệ trung thành của Đức Kitô không bao giờ được phép tìm kiếm những thứ này; ngày nào người môn đệ tìm kiếm những thứ này, họ không thể là người môn đệ của Đức Kitô, và lời rao giảng của họ sẽ mất hết hiệu lực.
+ Đừng tích trữ của cải mang theo: Nhiều người cho những lời dạy này không thực tế, vì lên đường mà không có những vật dụng cần thiết, khi cần đến lấy gì mà dùng. Điều chính yếu Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây là người môn đệ phải sống một cuộc đời đơn giản. Nếu người môn đệ có quá nhiều của cải, làm sao ông có thể sẵn sàng lên đường đến những nơi xa xôi hẻo lánh để rao giảng Tin Mừng? Hơn nữa, Đức Kitô muốn các môn đệ phải tuyệt đối tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa, "vì thợ thì đáng được nuôi ăn." Thiên Chúa sẽ không để những nhà rao giảng Tin Mừng của Ngài phải chết đói dọc đường.
2.2/ Kiếm người xứng đáng để ở trọ: Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài sẽ không ngừng thúc đẩy những tâm hồn có lòng quảng đại để họ lo chăm sóc đời sống vật chất của các nhà rao giảng. Chính vì điều này mà Đức Kitô đã dạy các môn đệ: "Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi."
(1) Phần thưởng cho những người tiếp đón các môn đệ Chúa: "Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em."
(2) Hình phạt cho những người không tiếp đón các môn đệ Chúa:"Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày Phán Xét, đất Sodom và Gomorrah còn được xử khoan hồng hơn thành đó."

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có một Thiên Chúa thương xót và bao dung hơn bất cứ cha mẹ nào trên thế gian này. Hãy biết chạy đến và van xin lòng thương xót của Ngài.
- Đã được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa chúng ta cũng phải biết xót thương anh chị em. Đừng bao giờ nhân danh công bằng để luận tội và tiêu diệt tha nhân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 14 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 10,7-15

A. Hạt giống...
Những chỉ dẫn tiếp theo về cách đối xử của người được sai đi giảng Tin Mừng :
- Công việc sẽ làm : chữa bệnh và trừ quỷ.
- Tinh thần phục vụ quãng đại : Hãy cho cách nhưng không vì trước đó ta đã lãnh nhận cách nhưng không.
- Đừng quá bận tâm đến những phương tiện vật chất. Có thứ gì thì dùng thứ đó.
- Cũng đừng quá quan tâm kén chọn chỗ trọ.
- Phải đem bình an đến cho những người mình gặp gỡ.

B.... nẩy mầm.
1. “Các con hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần” : nhiều người không tin có Thiên Chúa, nhiều người nghĩ rằng Thiên Chúa ở quá xa. Sứ giả Tin Mừng phải làm cho người ta tin rằng Thiên Chúa và Nước Trời đang ở thật gần, bởi vì Thiên Chúa chính là Emmanuel, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.
2. “Chữa lành các bệnh nhân…, làm cho kẻ chết sống lại…, làm cho những người cùi được sạch… trừ quỷ…” : tông đồ là một con người chuyên làm lành : xoa dịu những đau khổ, đem lại lẽ sống cho kẻ tuyệt vọng, giúp đỡ những người bị xã hội khinh chê, giải thoát người ta khỏi tội lỗi…
3. “Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” : Làm tông đồ cũng là một bổn phận công bình. Tôi đã lãnh nhận rất nhiều từ Chúa và Giáo Hội cho nên tôi cũng phải biết cho đi.
4. Nhận và cho : Một hôm có một vị bá tước đến cho Thánh Gioan Thiên Chúa số tiền 25 đồng vàng để ngài giúp những người nghèo khổ. Ngay chiều hôm ấy, ông ta giả trang làm một người ăn xin đến xin thánh nhân bố thí. Thánh Gioan Thiên Chúa động lòng thương, lấy cả số tiền 25 đồng vàng đem cho người ấy kèm với những lời khích lệ an ủi. Ngày hôm sau, vị bá tước đích thân đến thú nhận tất cả với thánh nhân và xin lỗi vì đã thử lòng bác ái của Ngài. Khi từ giã, ông đưa tặng thêm 150 đồng vàng nữa ngoài số 25 đồng mà ông xin hoàn lại. Từ đó cứ mỗi tuần ông lại gởi tới bệnh viện của thánh nhân một số tiền lớn, một số thuốc men, lương thực và quần áo để thánh nhân giúp đỡ những người nghèo (Góp nhặt)
5. “Khi vào nhà nào, hãy chào ‘Bình an cho nhà này” : lời nói, việc làm, cách đối xử của người tông đồ phải luôn luôn tạo được bầu khí bình an.
6. “Đừng sắm vàng bạc hay tiến đồng để giắt lưng. Đi đường đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày hay cầm gậy” (Mt 10,9-10)
Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan đã lên đường. Họ tức khắc bỏ chài lưới mà lên đường. Họ muốn tung cánh trong tự do bát ngát. Họ gieo Tin Mừng khắp cánh đồng Galilê.
Quê hương con, bao thế hệ cũng đã lên đường. Họ kiếm tìm bình đẳng, bác ái và tự do. Họ đấu tranh cho công bằng xã hội. Họ xâu dựng một thế giới hòa bình. Và nhiều người đã bỏ mình vì Nước Chúa.
Còn con… Con cần đội chiếc mũ bằng cấp. Con thích mặc chiếc áo sắc đẹp. Con muốn xỏ đôi giày tình yêu. Con ham vác vài bao của cải, và tay cầm cây gậy quyền năng. Rồi con trở nên nặng nề vì các tạo vật ấy.
Lạy Chúa Giêsu, xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. Xin sai chúng con lên đường, nhẹ nhàng và thanh thoát. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét