Trang

Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

Di sản của Giáo hoàng Phaolô VI

Di sản của Giáo hoàng Phaolô VI


americamagazine.org, David Gibson – RNS, 16-10-2014
Khi kết lại Thượng Hội đồng với những tranh luận dữ dội về tính dục và luân lý, ngày 19 tháng 10, giáo hoàng Phanxicô sẽ vinh danh một trong những bậc tiền nhiệm gây nhiều tranh cãi nhất, bằng việc phong chân phước cho người đó, người nổi tiếng vì đã tái khẳng định việc Giáo hội Công giáo cấm tránh ngừa thai nhân tạo, đó là Giáo hoàng Phaolô VI.
Việc phong chân phước sẽ làm cho giáo hoàng Phaolô VI nhẹ nhàng chính thức thành một vị thánh. Bước đi này dường như không tương hợp với cách tiếp cận mục vụ của Đức Phanxicô, vì quy định về kiểm soát sinh sản của Đức Phaolô VI trong Tông thư Sự sống Con người năm 1968, đã dấy lên một cuộc chiến văn hóa với Giáo hội Công giáo sau khi ngài qua đời năm 1978.
Nhiều người Công giáo, đặc biệt ở Hoa Kỳ và châu Âu rất phẫn nộ về quyết định của Đức Phaolô VI. Họ tin chắc rằng việc cấm triệt để này phải bị bãi bỏ, và cũng cho rằng giáo hoàng Phaolô VI đang đóng lại các cải cách đã khởi đầu vài năm về trước, với những thay đổi trọng yếu được Công đồng Vatican II ban hành.
Ngược lại, nhiều người bảo thủ, lại tán dương Tông thư “Sự sống Con người” vì đã tái xác nhận giáo lý truyền thống, và sự chia rẽ này báo trước công việc phân ly sâu sắc đã thể hiện qua Thượng Hội đồng cấp cao đang diễn ra tháng này tại Roma, một sự phân cực mà Đức Phanxicô nói rằng ngài muốn thắng vượt nó.
Nhưng Đức Phanxicô đang cố hoàn thành mục tiêu đó bằng cách tập trung không quá nhiều vào Tông thư “Sự sống Con người”, đúng hơn ngài tập trung nhiều vào đóng góp phát kiến, dù thường hay bị bỏ qua, của Đức Phaolô VI. Và chúng là:
  1. Nhà cải cách
Phần lớn trong số các cải cách là lời kêu gọi hướng đến một Giáo hội truyền giáo hơn, cởi mở với thế giới và đối thoại với các phái Kitô giáo và các tín ngưỡng khác, cũng như với những người không có tín ngưỡng. Trong một buổi phỏng vấn hồi tháng sáu, nói về những năm ngài còn là linh mục trẻ, Đức Phanxicô đã nói rằng, “Với chúng tôi, Phaolô VI là một trí tuệ vĩ đại.”
Hơn nữa, như Phanxicô, Phaolô VI cũng là tiếng nói số một về huấn giáo công bằng xã hội của Giáo hội, và ngài tìm cách đặt các khái niệm này như những viên đá tảng cho giáo lý Công giáo. Ngài thành lập một hệ thống hội nghị thường kỳ cho các giám mục, gọi là các Thượng hội đồng, để thăng tiến một Giáo hội hợp tác và có tầm nhìn hơn. Đó là di sản mà Đức Phanxicô xây dựng thêm khi ngài triệu tập một hội đồng giám mục tự do theo khuôn mẫu của Đức Phaolô VI vào tháng này ở Rôma.
Massimo Faggioli , thần học gia gốc Ý và là sử gia giáo hội tại Đại học thánh Tôma ở St. Paul, Minnesota, cho biết, “Hội đồng này, như đang diễn ra, chính là những gì mà Đức Phaolô VI đã nghĩ đến, một thảo luận thực sự giữa các giám mục.”
  1. Một giáo hoàng “phúc âm hóa”
Với Phanxicô, điểm then chốt của triều giáo hoàng Phaolô VI là tông thư “Loan báo Tin mừng” (Evangelii Nuntiandi) về  phúc âm hóa được công bố năm 1975, ngài cũng gọi đây là “văn kiện mục vụ vĩ đại nhất từng được viết ra.”
Trong văn kiện bước ngoặt này, phần lớn bị che mờ vì Tông thư về tránh thai (Sự sống Con người), giáo hoàng Phaolô VI nói rằng, bản thân Giáo hội “có nhu cầu cần được phúc âm hóa,” và ngài viết rằng người thời nay “sẵn sàng lắng nghe chứng nhân hơn thầy giảng,” vậy nên, trên tất cả, các lãnh đạo Công giáo phải thực hành những gì mình dạy.
“Thế giới kêu gọi, và kỳ vọng từ, chúng ta, sự đơn sơ trong đời sống, tinh thần cầu nguyện, lòng nhân đối với hết mọi người, đặc biệt là với những người thấp cổ bé miệng và người nghèo, sự vâng phục và khiêm nhượng, dấn thân và tự hiến. Không có dấu chứng thánh thiện này, lời của chúng ta sẽ khó chạm đến tâm hồn con người hiện đại. Và có nguy cơ trở nên vô vọng và vô ích.” Đây là những lời của Đức Phaolô VI, hệt như những gì chúng ta thấy nơi tinh thần Phanxicô.
Thật vậy, tháng 11 năm ngoái, Đức Phanxicô đã gởi một đại diện đến hội nghị các giám mục Hoa Kỳ, và yêu cầu đọc đoạn văn trên cho hàng giáo phẩm nghe, kèm theo các chỉ thị rõ ràng, trong đó, cũng như Đức Phaolô VI, Đức Phanxicô “muốn có các giám mục “mục vụ”, chứ không phải các giám mục tuyên bố hay làm theo một hệ tư tưởng nào đó.” Đức Phanxicô cũng yêu cầu 8 hồng y cố vấn đặc biệt của ngài hãy đọc lại tông thư Loan báo Tin Mừng, Evangelii Nuntiandi. 
  1. Giáo hoàng hành hương
Được bầu vào năm 1963, kế vị thánh Gioan XXIII, giữa những tranh luận dữ dội của các giám mục tại Công đồng Vatican II, hồng y Giovanni Montini kế tục nhiệm vụ khó khăn là đưa công đồng đến kết thúc vào năm 1965. Trong những năm tiếp theo, ngài đã thúc đẩy những thay đổi của Công đồng, bao gồm việc cập nhật phụng vụ từ tiếng La Tinh qua tiếng bản xứ, và việc hoàn tất cải tổ lớn Giáo triều Rôma.
Ngài cũng bỏ việc dùng vương miện ba tầng của giáo hoàng, và những lễ phục khác thể hiện vị thế giáo hoàng vương đế, qua đó gởi đi thông điệp rằng “giáo hoàng không phải là một vị vua, nhưng là một giám mục, một mục tử, một nô bộc.”
Và Đức Phaolô VI, chứ không phải người kế nhiệm du lịch toàn cầu Gioan Phaolô II, mới là bản gốc của “giáo hoàng hành hương.” Ngài là giáo hoàng đầu tiên đi ra khỏi nước Ý trong kỷ nguyên hiện đại.
Trong chuyến công du đầu tiên, Đức Phaolô VI gặp Thượng phụ Chính thống Đông phương tại Giêrusalem vào năm 1964, và trong 8 chuyến công du ngoại quốc tiếp theo, ngài đã đến Á châu (và suýt bị một họa sĩ đâm bằng dao), Phi châu, và châu Mỹ La tinh. Năm 1965, Đức Phaolô trở thành giáo hoàng đầu tiên đến Hoa Kỳ, nơi ngài cử hành thánh lễ tại sân vận động Yankee và đọc diễn văn tại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra lời lên án thẳng mặt với chiến tranh.
Những lời kêu gọi công bằng kinh tế của ngài vừa mạnh mẽ, vừa gây nhiều tranh cãi. Nhưng trên đường hướng này, Đức Phaolô VI không chỉ là anh hùng đối với Đức Phanxicô mà còn với nhiều linh mục cùng thời đó, sau này trở thành các lãnh đạo trong Giáo hội.
“Giáo hoàng Phaolô giúp tôi hiểu rằng, để truyền giáo, bạn không cần phải là thần học gia thông tuệ, hay là diễn giả có ơn đoàn sủng, hay có can đảm của một thánh tử đạo.” Đây là lời kể của giám mục Howard Hubbard ở Albany, người trước khi về hưu, là giám mục cuối cùng của một giáo phận Hoa Kỳ, được đức Phaolô VI bổ nhiệm. 
  1. Người xây cầu nối
Nhưng Đức Phaolô VI cũng là một anh hùng đối với nhiều người trong thế hệ mới hơn. Hồng y Luis Antonio Tagle của Phi Luật Tân, một nhân vật nổi bật trong Giáo hội toàn cầu, đã ca ngợi Đức Phaolô vì những nỗ lực hiệp nhất Giáo hội của ngài, và cha đã trích lại khẩu hiệu của ngài là: “Không ai mất đi, tất cả đều được.”
Nhưng hồng y Tagle đã nói rằng, cũng vì cách tiếp cận này, mà Đức Phaolô VI “bị công kích từ mọi phía” và “không bao giờ trở thành một ngôi sao như các vị giáo hoàng khác.”
Thật vậy, bị nhóm cánh tả chỉ trích về kiểm soát sinh sản, và nhóm cánh hữu chỉ trích vì các cải cách mục vụ, trong những năm cuối đời, người ta xem Đức Phaolô VI như nhân vật Hamlet mập mờ nước đôi vậy. Kết cục của ngài có vẻ bi kịch, khi ngài già đi nhanh chóng vì gánh nặng công việc, phải cai quản Giáo hội trong thời kỳ chính biến lan rộng.
Mùa xuân năm 1978, một người bạn lâu năm của ngài, và là lãnh tụ chính trị Ý, Aldo Moro, bị nhóm khủng bố cánh hữu bắt cóc và đã bị hành hình bất chấp lời kêu gọi thống thiết của vị Giáo hoàng đau khổ. Ba tháng sau, Đức Phaolô VI cũng qua đời, “một trong những giáo hoàng thánh thiện nhất và đáng yêu mến nhất” nhưng cũng “đau buồn nhất”.
Đức Phanxicô sẽ đạt đến những gì mà Đức Phaolô chưa làm được, bằng cách hàn gắn các chia rẽ và thúc đẩy giáo hội tiến tới? Hay ngài sẽ chịu chung số phận?
Bất chấp nhiều điểm giống nhau giữa hai giáo hoàng, nhưng theo ông Faggioli thì, “điểm khác biệt giữa Đức Phaolô và Đức Phanxicô chính là sự táo bạo, can đảm, và có thể là liều lĩnh nữa của Đức Phanxicô. Ngài chấp nhận mạo hiểm nhiều, còn giáo hoàng Phaolô VI luôn luôn thận trọng hơn.”
J.B. Thái Hòa dịch
Xin đọc: Đức Phaolô VI có thể sẽ được phong thánh trong năm kỷ niệm 50 năm thông điệp Sự sống Con người
Di sản của Giáo hoàng Phaolô VI
Di sản đích thực của Đức Giáo hoàng Phaolô VI
Đức Phaolô VI, Giáo hoàng của Công đồng
Hồng y Paul Poupard: “Đức Phanxicô là con của Công Đồng và của Đức Phaolô VI”
Bảy việc của Đức Phaolô VI làm mà bạn chưa biết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét