Trang

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Vượt thắng lo âu

Vượt thắng lo âu

Ronald Rolheiser, 2013-02-24
Lo âu, giống như tất cả mọi áp lực khác, nuốt chúng ta theo nhiều mức độ khác nhau. Xét sơ qua, thì chúng ta lo lắng về nhiều thứ. Nhưng xét sâu hơn, chúng ta lo lắng theo  kiểu nhuốm lên hầu hết mọi việc chúng ta làm. Trong số những gì gọi là động cơ, chiều hướng của chúng ta, có quá nhiều thứ chỉ là một nỗ lực vô thức để giải phóng mình ra khỏi lo âu. Chúng ta luôn luôn nuôi hy vọng có thể tự giải thoát mình khỏi các lo âu bằng các thành tựu, thành công, bảo đảm tài chính, danh tiếng, những gì để lại cho đời, kể cả bằng quyền thế và tình dục. Chúng ta nuôi dưỡng một niềm tin sâu kín rằng nếu gom đúng những thứ trên, thì cuộc sống  sẽ có được chân giá trị mà chúng ta cần để được cảm thấy an toàn và vô lo.
Nhưng rồi kinh nghiệm đã sớm dạy cho chúng ta thấy rằng những thứ này, dù bản thân chúng là tốt, vẫn chẳng phải là phương thuốc cho chúng ta. Sự thật là, chúng có thể và thường thường làm cho chúng ta càng lo âu hơn. Ngay khi có được tài chính bảo đảm, chúng ta lo làm sao để giữ được nó, ngay khi có quyền lực thì chúng ta luôn canh chừng trong nỗi sợ sẽ mất quyền lực. Cũng vậy, thành công có thể nhanh chóng trở thành một khối u vì chúng ta có khuynh hướng bẩm sinh đồng nhất giá trị bản thân với các thành tựu của mình và điều này luôn luôn tạo áp lực buộc chúng ta phải làm một việc quan trọng nào đó vì sợ mình sẽ không còn là người cao giá nữa. Còn tình dục, trừ phi nó thuộc về một mối quan hệ vô điều kiện và thật tâm, nếu không nó sẽ chỉ là thuốc phiện, cũng cùng độ nghiện và vô dụng như mọi thứ gây nghiện khác. Tình dục, cũng như thành tựu và danh tiếng, sẽ không chế ngự được những con quái vật sâu thẳm bên trong chúng ta.
Chúng ta luôn mãi cố gắng để tự cho mình trọn vẹn nhưng chúng ta không làm được. Chúng ta không thể tự biện hộ cho mình được. Chúng ta không thể tự làm cho mình bất diệt. Chúng ta không thể viết tên của mình lên trời được. Chỉ có tình yêu mới giải thoát chúng ta ra khỏi lo âu, và thực sự chỉ có một dạng tình yêu mới cho chúng ta có được giá trị thật. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa mới có thể viết tên chúng ta lên trời? Vậy phép tính chúng ta cần có là gì?
Một vài năm trước, tôi có dự một tuần tĩnh tâm dưới sự hướng dẫn của cha Robert Michel, một Hiến sĩ truyền giáo vùng Canada Pháp ngữ. Cha bắt đầu cuộc tĩnh tâm bằng những lời sau: “Tôi muốn mang lại cho các bạn một cuộc tĩnh tâm thật đơn giản. Tôi muốn bày cho các bạn một cách đặc biệt để cầu nguyện. Tôi muốn bày các bạn cách cầu nguyện sao cho trong lời cầu nguyện của các bạn, sẽ có đôi lần, dù không hẳn là trong tuần này, nhưng một lúc nào đó, bạn sẽ mở lòng mình ra để cái tôi sâu thẳm của bạn sẽ được nghe tiếng Chúa nói rằng: ‘Ta yêu con!’ Bởi vì trước khi bạn nghe được tiếng này bên trong tâm hồn bạn thì trước đó, đối với bạn chẳng có gì là đủ. Bạn sẽ tìm kiếm điều này điều kia, chạy qua chỗ này chỗ nọ, cố gắng đủ kiểu, nhưng sẽ thấy chẳng có gì thích đáng cả. Sau khi bạn nghe được lời nói đó từ Thiên Chúa, bạn sẽ có được chân giá trị, bạn sẽ tìm thấy điều mà bao lâu nay bạn tìm kiếm. Chỉ sau khi nghe được những lời trên, cuối cùng bạn mới được giải thoát  khỏi nỗi lo âu của mình.”
Trong một nền văn hóa quá dễ dàng sa vào những ngụy biện sai lầm, thì có thể sẽ có những cám dỗ xui khiến chúng ta loại bỏ những lời trên vì xem chúng là ngây thơ, quá mộ đạo, hay nhạy cảm; nhưng về bản chất, những gì mà lời đó mời gọi chúng ta cũng chính là điều mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta qua Tin Mừng theo thánh Gioan.
Như chúng ta biết, theo Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu thể hiện rất ít nhân tính của Ngài. Từ đầu đến cuối, thánh Gioan đều mô tả Ngài đầy những nét thiêng liêng. Và, trong Tin Mừng đó, lời đầu tiên thốt ra từ miệng Chúa Giêsu là một lời mời gọi: “Các con tìm gì?”  Rồi từ đó, toàn bộ Tin Mừng thánh Gioan cố gắng trả lời câu hỏi đó: Chúng ta đang tìm gì? Xuyên suốt Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu bảo với chúng ta rằng chúng ta đang kiếm tìm nhiều thứ: Nước hằng sống giải được cơn khát sâu nhất và chẳng cần uống thêm lần nào nữa, một chân lý sẽ giải thoát chúng ta, một sự tái sinh vào điều gì đó cao hơn, một ánh sáng chiếu tỏa muôn đời. Nhưng những hình ảnh dường như có vẻ trừu tượng.  Vậy cốt lõi thực sự bên trong của chúng là gì?
Tin Mừng thánh Gioan cuối cùng cũng trả lời điều này rất rõ ràng. Đến gần cuối Tin Mừng (thực sự đây có lẽ là đoạn kết nguyên gốc trong Tin Mừng thánh Gioan), chúng ta thấy một cuộc gặp gỡ cảm động của Chúa Giêsu và Maria Mađalêna sau biến cố Phục Sinh. Diễn ra trong một khu vườn, hình ảnh tượng trưng cho nơi phát xuất tình yêu: Maria, mang theo dầu thơm để xức xác Chúa, bà đi tìm Chúa Giêsu lúc rạng sáng ngày Phục Sinh. Bà gặp được Ngài, nhưng không nhận ra ngài. Cho rằng Ngài là người làm vườn, bà hỏi Ngài liệu bà có thể tìm thấy xác Chúa Giêsu ở đâu. Chúa Giêsu trả lời bằng đúng câu hỏi đã khởi đầu Tin Mừng này: “Con tìm gì?” Rồi, trước khi bà trả lời, Ngài đã cho bà một câu trả lời sâu sắc cho câu hỏi đó: Ngài yêu thương gọi tên bà: “Maria”.  Trong khẳng định tình yêu vô cùng đặc biệt đó (cha Robert mời gọi chúng tôi cầu nguyện xin điều này), Ngài viết tên bà lên trời. Ngài cho bà chân giá trị, và chữa lành nỗi lo âu của bà.
Bởi tình yêu cần có qua có lại, lời khẳng định đó cần được đáp trả nồng ấm. Và… có một mối nguy trong việc này: Nói theo lời Simone Weil là: “Sự kết hợp tinh thần thâm sâu sẽ tốt cho kẻ tốt, và xấu cho kẻ xấu. Thiên Chúa mời gọi tất cả ma quỷ vào thiên đàng, nhưng với chúng, đó là địa ngục.” Còn với chúng ta, ý muốn Thiên Chúa chính là thiên đàng!
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét