Trang

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

DẪN NHẬP THƯ HÍP-RI



DẪN NHẬP THƯ HÍP-RI 

Xin giới thiệu với quý độc giả Dẫn nhập Thư Híp-ri của Nhóm Phiên dịch Các Gờ Kinh Phụng Vụ, mà trước đây được dịch là “Thư gửi tín hữu Do-thái”.

Do-thái hay Híp-ri ?
Trong các bản dịch trước, Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ đã dịch là thư gửi tín hữu Do-thái. Nhưng kể từ nay, Nhóm đổi thành thư gửi tín hữu Híp-ri. Sở dĩ như vậy, vì tiêu đề tiếng Hy-lạp của thư này là Proj ~Ebraiouj (prôs hêbraiôus) : gửi người Híp-ri. Các bản dịch Việt Nam thì, ngoài Cha Đa-minh Trần Đức Huân, Sách bài đọc trong Thánh Lễ của Uỷ Ban Phụng Tự năm 1969 và Nhóm Phiên Dịch CGKPV dịch là thư gửi tín hữu Do-thái, còn các bản dịch khác đều dịch là thư gửi tín hữu Híp-ri, tuy mỗi người phiên âm theo một lối, như He-be-rêu, Hy bá, Hy-bá-lai, Hơ-bơ-rơ. Các bản dịch ngoại quốc như La-tinh (đặc biệt Nova Vulgata năm 1998), Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, v.v… cũng đều dịch sách tiêu đề tiếng Hy-lạp.
Dịch như thế vừa đúng với nguyên ngữ, vừa hợp với ý nghĩa.
Lá thư gây ấn tượng
Thư gửi tín hữu Híp-ri nói nhiều đến việc tế tự và phẩm cách tư tế, trong đó nền tế tự Ki-tô giáo và vai trò hiến tế của Đức Ki-tô được đề cao và làm cho nổi bật. Đọc thư này, người ta không khỏi thán phục và ngỡ ngàng ; thán phục vì tư tưởng thâm sâu và những lối nói tài tình về địa vị siêu việt của Đức Ki-tô cũng như về tình liên đới giữa Đức Ki-tô với các anh em đồng loại. Ngoài ra, thư này cũng còn cho thấy tác giả là người am hiểu tường tận Cựu Ước và thiết tha mến yêu Hội Thánh.
Nhưng cũng phải nói là người ta còn ngỡ ngàng nữa vì thấy tác giả gợi lại khá tỉ mỉ các nghi thức thời xưa và các lễ tế súc vật, đồng thời lại tỏ ra rất linh hoạt trong việc giải thích theo nghĩa tượng trưng các bản văn và các biến cố, để cuối cùng đưa người ta tới chỗ tìm ra được những điểm tương đồng giữa các thực tại trần gian và các nguyên mẫu trên trời.
Cuối cùng, một điểm làm cho độc giả thắc mắc nữa là nguồn gốc của bức thư này. Thánh Phao-lô có phải là tác giả của thư này không hay là ai khác ? Nếu thánh nhân là tác giả thì sao thư này lại khác với các thư kia của người như vậy ? Nếu không phải thánh nhân thì ai là tác giả ? Và còn nhiều vấn đề như thế khiến cho thư này thành một đề tài tranh luận sôi nổi kéo dài trong mấy thế kỷ đầu, rồi lại được khơi lên mạnh mẽ vào thời Cải cách tk XVI.
Dàn bài
Theo cấu trúc chung của các thư Phao-lô, trước kia người ta cũng chia thư này làm hai phần, đạo lý (1,1 – 10,18) và những lời khuyên nhủ (10,19 – 13,25). Cách chia này không theo sát ý của tác giả là, ngay từ đầu thư, xen kẽ đạo lý với lời khuyên (x. 2,1-4 ; 3,7 – 4,16 ; 5,11 – 6,12) để như vậy phối hợp chặt chẽ đời sống Ki-tô hữu với đức tin. Sau đây là hai cách chia tương đối đơn giản.
Thư này có thể chia làm ba phần, hoặc bốn đoạn.
Phần I từ 1,1 – 4,13, nói về lời Chúa.
Phần II từ 4,14 – 10,18, nói về vai trò tư tế của Đức Ki-tô.
Phần III từ 10,19 đến hết thư, nói về đời sống của Ki-tô hữu.
Ngoài lời mở đầu (1,1-4) và phần phụ trương (13,1-25), toàn thư lại có thể chia làm 4 đoạn như sau :
Đoạn I, từ 1,5 – 2,18, tác giả xác định “Danh” của Đức Ki-tô, nghĩa là địa vị của Người bên cạnh Thiên Chúa (1,5-14) và giữa loài người (2,5-18). Tác giả dùng lối so sánh với các thiên sứ để làm nổi bật địa vị này và cuối cùng quả quyết vai trò tư tế của Đức Ki-tô thật là ưu việt (2,17).
Đoạn II, từ 3,1 – 5,10, tác giả cho thấy Đức Ki-tô vừa có quyền thế bên cạnh Thiên Chúa (3,1-6) lại vừa liên đới với loài người (4,15 – 5,10). Địa vị này có thể ví như địa vị của ông Mô-sê và ông A-ha-ron nhưng ở một mức độ cao hơn nhiều (3,2 ; 5,4).
Đoạn III, từ 5,11 – 10,18, Đức Ki-tô là tư tế đích thực. Ở đây tác giả trình bày tất cả chủ thuyết của mình về chức tư tế của Đức Ki-tô : Đức Ki-tô là Thượng Tế thuộc loại mới (7,1-28), lễ tế của Người khác hẳn các nghi lễ xưa và mở đường cho người ta vào cung thánh thật (8,1 – 9,28), làm cho tội lỗi của loài người được xoá bỏ (10,1-8). Lễ tế này chấm dứt lễ tế thời đạo cũ, lề luật và giao ước xưa. Đoạn này quan trọng hơn hai đoạn trên.
Đoạn IV, từ 10,19 – 12,29, nhấn mạnh đến hai góc cạnh căn bản của đời sống Ki-tô hữu là đức tin và lòng kiên nhẫn theo gương Đức Giê-su Ki-tô để khuyến khích mọi người bước vào con đường thánh thiện và bình an.
Tác giả
Ai là tác giả ? Có nhiều lý chứng đi ngược lại với chủ trương cho rằng thánh Phao-lô là tác giả thư này. Cung cách chung của bức thư không phù hợp với tâm tính của thánh nhân. Lời văn điềm đạm, lối viết cân phương, cá tính mờ nhạt ; bấy nhiêu yếu tố đủ chứng tỏ có một cái gì đó không phải là của thánh Phao-lô. Đàng khác lại có nhiều kiểu nói, số ngữ vựng và cách hiểu mầu nhiệm về Đức Ki-tô cũng lạ nữa, so với kiểu nói, ngữ vựng và cách hiểu thông thường của thánh nhân.
Tuy không mấy ai dám phủ nhận tính cách quy điển của thư này, nghĩa là loại ra ngoài số sách được Hội Thánh công nhận và xếp vào sổ những sách được linh hứng, nhưng cho đến tk IV, Tây Phương vẫn không chịu coi đó là thư của thánh Phao-lô và nếu Hội Thánh bên Đông Phương công nhận thì cũng không phải là không có một số điểm dè dặt về phương diện văn chương, vì thấy rằng lời văn quá đẹp và lối hành văn quá khéo so với thánh Phao-lô. Cách trưng dẫn Cựu Ước cũng không phải là của người và lời mở đầu thư cũng như độc giả người nhắm tới trong mỗi thư, cũng thấy thiếu trong thư này. Về giáo thuyết thì thấy rõ có những nét Phao-lô, nhưng cũng phải nhận rằng có những chỗ tư tưởng khá độc đáo nên không thể bảo ngay rằng đó là của thánh Phao-lô.
Tựu trung, nhiều nhà chú giải công giáo cũng như ngoài công giáo hiện nay cho rằng thánh Phao-lô không phải là tác giả thư này cùng một mức độ như các thư khác. Có thể là thánh nhân đã ảnh hưởng đến bức thư vì đã gợi hứng trực tiếp hay gián tiếp cho người ta soạn ra, và như vậy cũng tạm đủ để xếp thư này vào loại thư Phao-lô.
Vậy thì ai là tác giả ? Chẳng thể biết rõ được là ai. Người thì cho là thánh Lu-ca, người thì cho là thánh Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma hay thánh Ba-na-ba. Có người lại cho là ông A-pô-lô người gốc Do-thái theo văn hoá Hy-lạp ở A-lê-xan-ri-a, thông thạo Kinh Thánh và nổi tiếng hùng biện (Cv 18,24-28 ; 1 Cr 3,6) vì những điểm này rất phù hợp với tác giả thư Híp-ri. Nhưng vì không có bằng chứng xưa để lại và cũng không thể so sánh thư này với một tác phẩm nào của ông A-pô-lô nên đành phải xếp ý tưởng cho ông A-pô-lô là tác giả vào loại giả thuyết mà thôi.
Độc giả
Thư gửi tín hữu Híp-ri không bao giờ nói đến dân Híp-ri, mà chỉ nói đến dân Do-thái. Những người Híp-ri này là ai ? Người ta nghĩ rằng thư được viết cho các Ki-tô hữu gốc Do-thái sống ở Pa-lét-tin và nói tiếng Híp-ri (A-ram). Gần đây lại có tác giả cho rằng thư được viết cho những người Do-thái ngoài Ki-tô giáo, có lẽ những người thuộc nhóm Cum-ran. Gửi cho người Do-thái : có thể chấp nhận được ; còn gửi cho người Do-thái nói tiếng Híp-ri ở Pa-lét-tin hay Do-thái ngoài Ki-tô giáo thì phải xét lại, vì văn Hy-lạp trong thư này không phải là văn dịch và thư không khuyên người ta trở lại mà chỉ khuyên bền chí và vững tin hơn (3,6 ; 5,12 ; 6,9-12), đành rằng có những điểm tương đồng với bản thảo tìm được ở gần Biển Chết, nhưng lại cũng có những nét rõ rệt giống với Do-thái giáo chịu ảnh hưởng Hy-lạp. Thành ra nói được rằng thư này chịu nhiều ảnh hưởng khác nhau và được viết cho những Ki-tô hữu không phải mới theo đạo. Ban đầu những người này cũng hăng say (6,10 ; 10,32-34) nhưng về sau đâm ra chán nản, mệt mỏi (5,11 ; 10,25 ; 12,3), nhất là khi nhìn thấy những viễn tượng đen tối khi gặp những khó khăn đủ loại và khi phải chịu những cuộc bắt bớ, giam cầm, hành hạ, họ bị cám dỗ buông xuôi thất vọng (10,35-36 ; 12,4.7). Ngoài ra, lúc nhớ lại cảnh huy hoàng tráng lệ và vẻ tưng bừng náo nhiệt của nền phụng tự Do-thái cũ sánh với các lễ nghi đơn sơ khiêm tốn bây giờ sau khi gia nhập Ki-tô giáo, họ không khỏi ngậm ngùi luyến tiếc và muốn trở về với nền phụng tự đó. Chính vì muốn nâng đỡ và khuyến khích họ đừng sờn lòng nản chí, cũng như muốn tỏ cho họ thấy vị trí ưu việt của nền phụng tự mới, dựa vào vai trò hiến tế của Đức Ki-tô cũng như hy lễ của Người mà thư này được viết ra.
Thời gian và nơi biên soạn
Thư này được viết vào khoảng mấy năm trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ. Mà Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ năm 70, nên có lẽ thư được viết khoảng năm 65-67. Đây cũng chỉ là một phỏng đoán thôi, vì có nhiều suy luận khác nhau chung quanh vấn đề niên biểu. Sở dĩ như vậy vì có tác giả cho rằng thư này đã được viết rất sớm trước các thư quan trọng đặc biệt của thánh Phao-lô. Có tác giả khác lại cho rằng thư được viết vào cuối tk I và có khi còn muộn hơn nữa. Nhưng năm 95, thánh Cơ-lê-men-tê thành Rô-ma thêm “gửi cho người Híp-ri” vào sau chữ “thư”, nên khó mà nghĩ rằng thư được viết muộn như thế.
Đó là về thời gian. Còn nơi biên soạn thì thế nào ? Thật ra chẳng có tài liệu nào xác định được nơi biên soạn thư này, mà chỉ có thể nói đại khái bấy giờ tác giả hình như đang ở bên I-ta-li-a (13,24) và viết thư này trước khi thành Giê-ru-sa-lem bị phá huỷ.
Mục đích
Mục đích của thư này khá rõ rệt. Như trên đã nói, các Ki-tô hữu gốc Do-thái giáo bấy giờ đang gặp khủng hoảng vì sự thay cũ đổi mới. Trước tình trạng hoang mang nao núng và bỏ cuộc của nhiều người, tác giả viết thư này nhằm trấn an tâm lý bất ổn và củng cố đức tin cho họ. Đối với những ai mang tâm trạng chán chường của những người bị đày ải, tác giả đưa ra những viễn tượng huy hoàng về đời sống Ki-tô hữu. Ông xem đời sống ấy như một cuộc hành hương, một cuộc lên đường tiến về quê hương vĩnh cửu dưới sự lãnh đạo của Đức Ki-tô, Vị lãnh đạo trổi vượt hơn ông Mô-sê rất nhiều. Đối với mối hoài cảm nền phụng tự Lê-vi và chức tư tế cũ, tác giả trình bày một nền phụng tự mới duy nhất, hữu hiệu thay thế cho mọi lễ phẩm vô hiệu trong Cựu Ước. Nền tảng của tất cả công việc đổi mới ấy là Đức Ki-tô, vị lãnh đạo và tư tế trổi vượt hơn tất cả, Con Thiên Chúa xuống thế làm người, Vua vũ trụ cao trọng hơn hết mọi thiên sứ.
Đạo lý
Tác giả trình bày đời sống Ki-tô hữu như một cuộc hành trình về quê trời là chốn yên nghỉ Thiên Chúa đã hứa cho họ. Họ bước đi dưới ánh sáng của cùng một niềm tin tràn trề hy vọng đã từng hướng dẫn các bậc tổ tiên họ thời Xuất Hành và các thánh nhân trong thời Cựu Ước (3,7 – 4,11 ; 11). Có khác là vị lãnh đạo của họ bây giờ là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cao trọng hơn ông Mô-sê xưa gấp bội. Đức Ki-tô còn là tư tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê nữa, nghĩa là vượt hẳn ông A-ha-ron (4,14 – 5,10 ; 7). Người đã dâng hy lễ chỉ có một lần, nhưng có giá trị tuyệt đối, thay thế toàn bộ các hiến lễ cũ (8,1 – 10,18). Tất cả tính siêu việt này của vị tư tế lãnh đạo Tân Ước đều bắt nguồn từ sự kiện này : Đức Giê-su Ki-tô chính là Con Thiên Chúa nhập thể, là Vua hoàn vũ, cao trọng hơn cả các thiên sứ.
Đạo lý của bức thư này là khi bị thử thách phải tin tưởng và kiên trì (6,12 ; 10,36 ; 12,1-13). Nếu Đức Ki-tô đã chịu khổ, chịu chết và biến những thứ đó thành con đường đưa Người tới vinh quang (2,9) và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta (5,8-9) thì không phải để miễn chết cho chúng ta, mà chính là để giúp chúng ta đem tất cả lòng tin tưởng ra mà đương đầu với những thứ đó (12,2-3). Dù nhấn mạnh rất nhiều đến hiệu năng tuyệt đối của hy lễ độc nhất vô nhị của Đức Ki-tô, tác giả vẫn không ngần ngại trình bày đời sống Ki-tô hữu như là một cuộc dâng hiến các hy lễ. Người khuyên các tín hữu nhờ Đức Giê-su Ki-tô dâng lên Thiên Chúa, một hy lễ ngợi khen liên lỉ (13,15), cũng như xác quyết giá trị hy tế của đức ái và công việc phục vụ tha nhân (13,16). Theo gương hy tế của Đức Ki-tô và sống kết hợp với Người, tín hữu không đặt công việc thờ phượng ở bên lề cuộc sống, nhưng kết hợp với Thiên Chúa bằng đời sống thật của mình. Như thế không có nghĩa là hoàn toàn đắm mình trong thế gian (x. 13,12-14), cũng không phải là làm cho cộng đồng Ki-tô hữu hoà tan trong đó. Ngược lại, tác giả nhắc cho các tín hữu nhớ rằng họ cần phải sống gắn bó với nhau, người này quan tâm đến người kia (3,12 ; 4,1.11 ; 20,24 ; 12,15) ; phải siêng năng tham dự các buổi kinh lễ (10,25), tuân phục các vị lãnh đạo (13,7) ; và phụng vụ cũng nhiều lần được nhắc tới (6,4 ; 10,19-22.29 ; 13,10).
Thật là ảo tưởng nếu ai nghĩ rằng có thể đến cùng Thiên Chúa mà không kết hợp với Đức Ki-tô và anh em mình.
Như vậy, đọc Thư gửi tín hữu Híp-ri, người ta có được một hình ảnh rất rõ và đặc biệt quân bình về Ki-tô hữu.

Trích Kinh Thánh ấn bản 2011, Bản dịch và chú thích do Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ thực hiện, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2011, tr. 2675-2678
 
  Nguồn: kinh thánh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét