Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 6, 2012

Lời Chúa Mỗi Ngày Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả


Ngày 24 tháng 6
Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Lễ Trọng

Khiêm tốn và chăm chỉ làm việc
để tôn vinh Chủ mình
(Ys 49, 1-6; Cv 13, 22-26; Lc 1, 57-66.80)

Suy Niệm:
Trong ngôn ngữ phụng vụ, chữ sinh nhật có hai nghĩa trái ngược nhau. Dùng để nói về Chúa Yêsu, Ðức Mẹ và thánh Yoan Tẩy giả, sinh nhật chỉ ngày các Ngài chào đời, tức là sinh ra ở trần gian. Còn khi nói về mọi thánh khác, sinh nhật lại là ngày các ngài ra khỏi đời này và sinh ra ở trên trời. Có sự phân biệt như vậy cũng là điều dễ hiểu. Vì có gì đáng mừng khi sinh ra trong tội lỗi; chính lúc chết đi cho thế gian mới là sinh ra cho sự sống muôn đời. Hết mọi thánh sinh ra ở đời đều mắc tội Ađam; nên ngày chào đời của các ngài không có gì đáng mừng. Ngược lại khi các ngài chết thánh thiện mới là lúc thật sự sinh ra cho hạnh phúc trường cửu và chúng ta phải vui mừng. Hội Thánh mừng ngày các ngài sinh ra ở thiên đàng chứ không tôn kính ngày các ngài sinh ra ở trần gian. Ngược lại, vì không dính bén nguyên tội hay vì được khỏi nguyên tội trước khi sinh ra, Chúa Yêsu, Ðức Maria và thánh Yoan Tẩy giả là ba vị duy nhất được mừng ngày sinh ra ở đời, nên ngày đản sinh của các ngài là ngày đáng mừng vì nó tô đẹp cho thế giới và đem hân hoan cứu độ đến cho loài người. Nhất là khi chúng ta nghĩ đến vai trò đặc biệt của Chúa Yêsu, Ðức Maria và thánh Yoan Tẩy giả trong mầu nhiệm cứu thế. Ngày các Ngài sinh ra đem hạnh phúc đến cho chúng ta nên chúng ta phải hân hoan.
Nhưng tại sao lại mừng sinh nhật thánh Yoan Tẩy giả vào ngày 24 tháng 6 này? Người ta có thể biết rõ ngày sinh tháng đẻ của người sao? Không phải như vậy! Ngày xửa ngày xưa mấy ai nhớ rõ được đúng ngày sinh của mình. Họa chăng một vài bậc quan vương nào đó sinh ra trong các đền vua đầy văn hào văn sĩ mới có người ngồi đó để ghi ngày sinh tháng đẻ. Chúa Yêsu, Ðức Maria, thánh Yoan đều là dân nghèo về mặt xã hội làm sao có thể để lại ngày sinh rõ ràng. Chính việc các ngài đản sinh mới quan trọng. Còn các ngài sinh ra ngày nào, giờ nào thì hậu thế liệu mà đặt ra theo một vài tiêu chuẩn nào đó.
Ðối với Yoan Tẩy giả, người ta đã căn cứ vào một câu người nói để tính ra ngày sinh của người. Người đã nói về Ðức Yêsu rằng: "Ngài phải tiến lên; còn tôi phải suy đi". Vậy lúc Ðức Yêsu tiến lên phải là lúc Yoan lui xuống. Ðức Yêsu đã sinh ra ngày 25 tháng 12 là ngày Ðông chí, ngày mặt trời bắt đầu tiến lên trong quỹ đạo của nó, thì tốt nhất nên đặt ngày sinh của Yoan vào ngày mặt trời bắt đầu đi xuống. Và đó là ngày 24 tháng 6, tức là nửa năm trước ngày Ðông chí. Và hợp với lời sứ thần loan báo, bà Ysave thụ thai trước Ðức Maria sáu tháng.
Những điều trên đây một đàng cho chúng ta thấy địa vị đặc biệt của Yoan Tẩy giả trong hàng ngũ các thánh. Nói đúng hơn người ở ngoài hàng ngũ này vì chỉ mình người khi sinh ra đã được khỏi tội Ađam (chỉ có Ðức Yêsu và Ðức Maria không mắc tội đó). Và đàng khác chúng ta được thấy cuộc đời của người gắn liền với cuộc đời của Ðức Yêsu.
Ba bài Kinh Thánh hôm nay dường như muốn nhắc lại ba giai đoạn chính trong cuộc sống của Yoan. Bài sách Isaia gợi lên ơn gọi tiền định của người. Bài Tin Mừng nhắc đến hôm người sinh ra. Và bài sách Công vụ nói lên hoạt động chính Người đã làm theo sứ mạng.

A. Ơn Gọi Tiền Ðịnh
Chúng ta đã biết truyện Yoan nên khi nghe đọc những câu: "Chúa đã gọi tôi từ dạ mẹ... Người đã nhắc đến tên tôi... Người nắn tôi từ dạ mẹ nên tôi tớ của Người...", chúng ta thấy dường như Isaia đã báo trước về việc sứ thần loan tin cho Zacarya biết ông bà sẽ có con và phải đặt tên con trẻ là Yoan; và con trẻ ấy khi còn ở trong dạ mẹ đã được ơn Chúa viếng thăm qua lời chào của Ðức Maria; và đã được khỏi tội Ađam cùng trở nên tiên tri của Chúa. Chính Zacarya trong ngày sinh nhật của hài nhi đã được tháo gỡ miệng lưỡi để có thể nói được, cũng đã chúc tụng Yoan là tiên tri của Ðấng Tối cao để làm cho Yacob và Israel trở lại với Chúa và để trở nên ánh sáng cho các dân tộc. Tức là Zacarya cũng đã lấy lại nhiều lời trong bài sách Isaia hôm nay để nói về Yoan.
Tuy nhiên chúng ta vẫn không được coi lời sấm của Isaia đã nhằm nói đến Yoan. Người ta có thể áp dụng những lời đó vào Yoan; nhưng Yoan không phải là đối tượng của những lời ấy. Và việc tìm hiểu ý nghĩa đích thực của những lời này còn làm tăng giá trị Yoan hơn nữa.
Thật vậy, đoạn tiên tri hôm nay nằm trong Isaia II (gồm các chương 40-55), là những lời của Chúa nói với Israel và nói về Israel Dân Chúa lúc được đưa ra khỏi cảnh lưu đày Babylon (năm 538). Chúa phán: mặc dầuIsrael thất tín, Chúa vẫn trung thành với lời hứa. Người sẽ gửi đến một người Tôi tớ. Ðoạn sách hôm nay nói đến ơn gọi của Người Tôi tớ đó. Nó là một trong bốn đoạn Isaia mà người ta quen gọi là bốn khúc ca về Người Tôi tớ. Và chúng ta biết chẳng ai trong lịch sử đã thể hiện những lời sấm về Người Tôi tớ này bằng chính Ðức Yêsu Cứu thế. Chính Người sẽ là Người Tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa đến hy sinh cứu độ Dân Người. Do đó, lời sách Isaia hôm nay chủ yếu muốn nói về Ðức Yêsu Kitô. Chỉ có Người mới thật là Vị Tiên tri của Ðấng Tối cao sẽ làm cho Israel quay đầu về với Thiên Chúa; và Người sẽ là ánh sáng đích thực cho các dân tộc.
Nhưng Người đã được tất cả Cựu Ước chuẩn bị. Thành ra Người Tôi tớ đích thực cũng đã được nhiều người tôi tớ đi trước loan báo. Yoan là tiền hô của Ðức Yêsu Kitô Cứu thế.
Người đáng được áp dụng những sấm ngôn kia. Và chúng ta đã thấy việc áp dụng này rất may mắn vì lời sách Isaia hôm nay quả thực có thể gợi lên nhiều sự kiện trong cuộc đời của Yoan: từ việc người được chọn từ trong lòng mẹ, đến việc được kêu tên từ ngày ấy và việc được chỉ định làm tiên tri.
Tuy nhiên, chính Isaia cũng đã không "dựng đứng" lên một hình ảnh về Người Tôi tớ từ hư vô, tức là không dựa vào các yếu tố đã có sẵn. Không, có thể nói ông đã dùng tất cả phần sách Cựu Ước có trước ông để xây dựng hình ảnh Người Tôi tớ này. Ông dùng những Lời Chúa nói về Israel và Yêrusalem tản mác trong tất cả các sách Cựu Ước để vẽ ra khuôn mặt Người Tôi tớ. Bởi vì Người Tôi tớ đầu tiên của Thiên Chúa chính là Israel Dân Người. Người đã gọi Israel từ trong dạ mẹ, đã đặt tên cho nó, đã săn sóc nó như mũi tên quý báu mà người chiến sĩ cẩn thận giữ gìn trong bao. Người dùng Israel để tỏ hiện vinh quang của Người. Người nhờ thánh điện Yêrusalem để quy tụ nhà Yacob. Người tỏa sáng vinh quang trên Dân Người để nó trở thành ánh sáng cho các dân tộc. Nói đúng ra, khi viết đoạn sách hôm nay, "Isaia" chỉ muốn nói đến Yêrusalem và Israel sắp được cứu độ để ra khỏi cảnh lưu đày, vì ơn gọi tiền định, để rồi nó sẽ chiếu tỏa ơn cứu độ của Chúa cho muôn dân. Có như vậy chúng ta mới hiểu được câu 4 ám chỉ đến thân phận lưu đày kiệt quệ... Và có như vậy chúng ta mới dễ được an ủi: bởi vì điều đã viết về Dân Chúa nói chung cũng có thể hiểu được về từng người con Chúa nói riêng, cho dù điều đó chỉ thể hiện hoàn toàn nơi Ðức Yêsu Cứu thế là Dân Chúa đích thực và là Con Một Thiên Chúa. Và dĩ nhiên điều ấy áp dụng cho các thánh nhân sẽ đúng hơn khi áp dụng cho chúng ta. Nhưng chúng ta không được coi mình như đứng ở ngoài. Những lời nói về ơn gọi tiền định của Yoan cũng phải được hiểu về chúng ta để chúng ta tham dự hơn vào sự vui mừng trong ngày người đản sinh hôm nay.

B. Sinh Nhật Yoan
Tin Mừng theo thánh Luca viết rằng hôm Yoan chào đời, bà con láng giềng đã đến chung vui với ông bà Zacarya. Cả hai người đã già mà nay có con lại không đáng mừng sao? Lẽ ra chính hôm ấy người ta phải đặt tên ngay cho con trẻ (Kn 4,1; 21,3...). Nhưng từ thời sau Lưu đày, người ta bắt chước phong tục Hylạp để việc đó lại sau. Và như vậy cũng tôn vinh ngày làm lễ cắt bì hơn, cử hành 8 ngày sau sinh nhật.
Ðó là ngày đánh dấu việc con trẻ từ nay thuộc Dân Chúa. Bạn hữu thân thích đến đông hơn. Người ta muốn gọi con trẻ bằng tên của cha nó để tôn trọng ông. Vì theo tục lệ, lẽ ra phải lấy tên của ông nội mà đặt cho đứa bé. Nhưng Zacarya cũng đã "lão rồi"; và nay ông mới có con; nên để ông vui, người ta muốn gọi đứa bé là Zacarya. Thế nhưng mẹ nó không chịu. Người ta nói thế nào bà cũng không nghe. Người ta phải nại đến cha nó. Nhưng ông lại câm. Phải lấy bút giấy cho ông. Ông viết: hãy đặt tên nó là Yoan. Thật là lạ lùng! Không ai bảo ai mà cả cha lẫn mẹ đều muốn gọi nó là Yoan, một tên không có trong họ hàng thân thuộc. Yoan có nghĩa là Chúa chạnh thương, Chúa đoái nhìn, Chúa muốn cứu độ. Cái tên thật hay, nhưng ai bảo hai ông bà biết mà chọn? Người ta chưa kịp hết ngạc nhiên thì Zacarya đã bật miệng hát lên bài ca chúc tụng. Phải chăng 9 tháng câm đã cho ông thời gian suy nghĩ về lòng Chúa nhân ái, chạnh thương, muốn nhìn lại Israel để ra tay cứu độ như lời đã hứa cùng tổ phụ Abraham và cho đến muôn đời?
Thánh Luca đã tỏ ra lỗi lạc trong bài tường thuật hôm nay. Người không chú ý đến ngày sinh nhật của Yoan. Người mời chúng ta tham dự nghi lễ cắt bì, tức là nghi thức tiến dâng hài nhi lên làm con Chúa. Nói đúng hơn, người chỉ nhắc đến tên lễ nghi này để đưa mắt chúng ta hướng về Chúa để thấy Chúa đang đoái nhìn, chiếu cố, chạnh thương và muốn cứu độ Dân Người. Thánh Luca dùng mọi yếu tố có thể tìm thấy để làm nổi bật tên Yoan khiến người ta thấy rõ Chúa đang thể hiện Lời hứa cho Israel và các dân tộc. Ðó không phải là tên của ông nội đứa bé, cũng chẳng phải là tên của ai trong họ hàng thân thuộc. Làm sao cả cha lẫn mẹ không đồng ý trước mà lại nói ra cùng một tên? Và tên này chỉ có thể bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa đoái thương hai ông bà cũng như hài nhi và toàn dân.
Nếu được phép tìm hiểu thêm nữa, chúng ta hãy để ý: ở đây, chính uy quyền của người cha giải quyết vấn đề đặt tên cho con trẻ; còn trong trường hợp Hài nhi sẽ sinh ra ở Bêlem, chính Ðức Maria là người trước hết có nghĩa vụ phải đặt tên cho con trẻ là Yêsu. Phải chăng Yoan dù sao cũng còn là con cái của xác thịt nên thuộc quyền cha; còn Cha của Ðức Yêsu là Thiên Chúa, nên quyền đặt tên cho Người tùy ở Ðức Mẹ Ðồng trinh?
Dù sao, hôm nay Giáo Hội rất vui mừng vì được Yoan, tức là được ơn Chúa chạnh thương, đoái nhìn, muốn cứu độ Dân Người. Chính người Dothái thời Yoan đã nghĩ như vậy, nên họ nóng lòng chờ đợi xem Chúa sẽ ra tay thế nào nơi hài nhi mới sinh.

C. Hành Ðộng Của Yoan
Cũng một tác giả sách Tin Mừng thứ ba đã viết về Yoan như hôm nay chúng ta nghe đọc trong sách Công vụ các Tông đồ. Ông để cho Phaolô nói với những người kính giới Thiên Chúa và đang chờ đợi Lời cứu thoát. Dù không sống ở đất Dothái, nhưng họ chia sẻ mọi tâm tình tôn giáo của đồng bào nơi cố hương. Sống giữa dân ngoại và trong nền văn hóa Hylạp, những người Dothái "thiên cư" (diaspora) đang nghe Phaolô giảng trong hội đường vào ngày sabbat. Họ đã nghe biết về Yoan và đang chờ các hậu quả của việc người xuất hiện. Người đã rao giảng phép rửa thống hối. Nhưng nghe đâu người đã bị bắt và bị giết vì đã khẳng khái lên án tội loạn luân của vua Hêrôđê. Người là Ðấng thánh chắc rồi. Các môn đệ của người đang hoạt động. Không biết rồi sẽ ra sao. Nay Phaolô đến cho họ biết: khi vận nghiệp gần mãn, Yoan đã nói: "Các người tưởng tôi là gì, thì không phải tôi đâu. Nhưng này đang đứng sau tôi, Ðấng tôi không đáng cởi dép chân Người". Rồi Phaolô tiếp tục nói với người ta về Ðức Yêsu. Người đã làm công việc của Yoan, vì tựu trung hoạt động của Yoan cũng là giới thiệu Ðức Yêsu Cứu thế là tình thương cứu độ của Thiên Chúa. Phép rửa mà Yoan đã làm, tuy quan trọng vì từ đó đã khiến người được mệnh danh là Tẩy giả, cũng chỉ nhằm mục đích giúp chúng ta thống hối tội lỗi để đón nhận Ðức Yêsu Kitô. Yoan đúng thật là tôi tớ, khiêm tốn và chăm chỉ làm việc để tôn vinh Chủ mình. Ông không lợi dụng lòng phấn khởi lầm tưởng của người ta khi họ muốn coi ông như cứu thế. Ông công nhận không đáng cởi giầy cho Ðấng ấy, tức là không đáng làm môn đệ của Người.
Chính vì Yoan đóng đúng vai trò của vị tiền hô mà ngày nay hơn hết mọi vị thánh, người còn sống động trong sinh hoạt của Hội Thánh. Hội Thánh không ngừng cử hành mầu nhiệm cứu độ, nên luôn luôn nhắc đến Yoan. Hội Thánh mừng sinh nhật của người để biết hừng đông ơn cứu thế đã nổi lên ở chân trời trong đời sống của Dân Chúa. Hội Thánh nghe tiếng người trong mùa vọng Phụng vụ để thanh tẩy tâm hồn và đời sống hầu chuẩn bị ngày Chúa đến. Hội Thánh kính nhớ sự chết của người để được báo tin về cuộc tử nạn cứu thế của Ðức Kitô. Thánh Yoan là tiên tri được sai đi trước mặt Ðức Yêsu Cứu thế thì người còn sống mãi trong tâm tư của Hội Thánh đang đi đón Ðức Kitô trở lại. Có thể nói Hội Thánh phải gặp thánh Yoan trước, tức là phải thanh tẩy, chuẩn bị nên Dân tốt lành hầu đón nhận ơn Chúa đến viếng thăm. Và như vậy thiết tưởng đã đủ để nói lên điều này, là cho đến ngày Ðức Yêsu Kitô trở lại, chúng ta phải nghe lời Yoan giảng, phải thi hành việc người truyền, phải hành động và trở nên như người.
Chúng ta hãy làm công việc này nhờ những bài Kinh Thánh hôm nay đã nói về thánh Yoan. Chúng ta luôn nhớ ơn gọi tiền định; chúng ta luôn suy ngày được hiến dâng cho Chúa và nhận tên là Kitô hữu, một danh hiệu nói lên tình thương cứu độ của Chúa. Nhất là chúng ta bắt chước thánh Yoan có đời sống thanh tẩy tội lỗi và luôn khiêm tốn giới thiệu Ðức Yêsu Cứu thế cho mọi người.
Giờ đây chính Chúa sẽ đến gặp chúng ta trong thánh lễ. Chúng ta hãy có lòng thống hối như muốn cúi xuống cởi giầy cho Người... Chúng ta sẽ được Người nâng lên như có lần Người đã tôn vinh thánh Yoan trước mặt mọi người: Thầy bảo thật trong muôn vàn con cái mà đàn bà sinh ra không ai quý trọng hơn Yoan, nhưng kẻ bé nhất trong Nước Trời còn hơn ông. Vì Yoan chỉ là vị tiền hô, còn chúng ta từ nay là bạn hữu, là Kitô hữu. Ước gì chúng ta hiểu như vậy để từ nay sống xứng đáng hơn với danh hiệu này. Và như thế, chúng ta sẽ tôn vinh Chúa, sẽ tiếp tục làm công việc của thánh Yoan là giới thiệu Chúa cho mọi người.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)

Lời Chúa Mỗi Ngày

Lễ Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả
Bài đọc: Isa 49:1-6, Acts 13:22-26; Lk 1:57-66, 80.


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Sứ vụ của Gioan là chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô.

Khi nhìn vào thân thể của con người, các nhà khoa học ngạc nhiên về cách cấu trúc và chức năng của từng chi thể như: não bộ, mắt, tai, phổi, tim ... và còn ngạc nhiên hơn khi tìm ra cách hoạt động hòa điệu và nhịp nhàng của các chi thể, trong việc đem lại sự sống cho con người. Khi nghiên cứu về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên về sự sắp xếp của Thiên Chúa, trong việc chuẩn bị cho nhân loại một Đấng Thiên Sai, để đem ơn cứu độ cho muôn người. Có những tổ phụ đi trước để chuẩn bị như Abraham, vua David, tiên-tri Isaiah. Có những người đồng thời để dọn đường và giới thiệu Đức Kitô, nhân vật chính của Kế Hoạch Cứu Độ, cho mọi người. Có những người đi sau để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Đức Kitô như các thánh tông-đồ và tử-đạo. Trải qua bao thế hệ, Thiên Chúa vẫn không ngừng các thánh và mọi tín hữu để loan báo Tin Mừng và làm cho con người tin vào Đức Kitô để đạt được ơn cứu độ. Thánh Phaolô có lý khi so sánh toàn thể nhân loại như những chi thể của một Nhiệm Thể là Đức Kitô. Chúng ta đều là những chi thể của một thân thể, và đều có nhiệm vụ góp phần mang lại sự sống cho Nhiệm Thể Đức Kitô.

Các Bài Đọc trong ngày Sinh Nhật của Gioan Tẩy Giả cho chúng ta thấy sự sắp xếp nhiệm mầu của Thiên Chúa trong việc sửa soạn cho nhân loại một Người Tôi Trung để chuộc tội và mang lại ơn cứu độ cho con người. Trong Bài Đọc I, Bài Ca Thứ Hai của Người Tôi Trung Thiên Chúa, tiên tri Isaiah tường thuật việc Thiên Chúa chuẩn bị cho nhân loại một Người Tôi Trung và trao cho Ngài một sứ vụ gồm hai phần: mang vinh quang cho dân tộc Israel và trở nên ánh sáng cứu độ cho các dân tộc. Trong Bài Đọc II, Sách CVTĐ tường thuật một phần Bài Giảng của Phaolô tại Antioch, Pisidia. Phaolô muốn cho khán giả biết Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa đã được tường thuật bởi các tiên-tri và Thánh Vịnh: Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại một Đấng Cứu Độ từ giòng dõi Vua David, và ông Gioan Tẩy Giả đã chuẩn bị, làm chứng, và chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô để lãnh nhận ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, thánh-sử Luca tường thuật những biến cố lạ lùng xảy ra chung quanh việc chào đời của Gioan Tẩy Giả. Tất cả những biến cố này chỉ cho thấy Thiên Chúa đã dùng ông để đi tiên phong dọn đường cho mọi người đón nhận Đức Kitô, và Gioan đã dùng cả cuộc đời ông để chu toàn sứ vụ và làm chứng cho Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Người Tôi Trung chịu đau khổ để thực thi Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa.
1.1/ Thiên Chúa chuẩn bị cho nhân loại "Người Tôi Trung" ngay từ đầu: Ai là "Người Tôi Trung"trong trình thuật hôm nay? Có ít nhất 3 cách giải thích:
(1) Có người cho là Vua Cyrus, Ba-tư; vì Thiên Chúa dùng ông để phóng thích và cho dân Do-thái trở về quê hương sau Thời Lưu Đày. Quan điểm này không đúng, vì sứ vụ của "Người Tôi Trung"không chỉ giải phóng Israel mà còn là ánh sáng muôn dân và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.
(2) Có người cho là dân tộc Israel như được tường thuật rõ ràng bên dưới. Quan điểm này cũng không có cơ sở, vì Israel không tự giải phóng mình, nhưng cần nhờ đến sức mạnh của Thiên Chúa. Hơn nữa, Israel cũng không quan niệm họ sẽ trở nên ánh sáng muôn dân và mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng trái đất.
(3) Đa số các học giả Kinh Thánh và Giáo Hội đều đồng ý danh hiệu Người Tôi Trung được Tiên-tri Isaiah dùng để chỉ Đấng Thiên Sai là Đức Kitô, người tôi tớ trung thành của Thiên Chúa. Isaiah nói về "Người Tôi Trung" này như sau:
+ Người Tôi Trung đã có trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa ngay từ đầu: ''Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý: Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi.''
+ Người Tôi trung được Thiên Chúa huấn luyện và bảo vệ: ''Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.''
+ Người Tôi Trung phải chịu đau khổ, nhưng chắc chắn sẽ chiến thắng: ''Người đã phán cùng tôi: "Hỡi Israel, ngươi là Tôi Trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang." Phần tôi, tôi đã nói: "Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì." Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.''
1.2/ Sứ vụ của Người Tôi Trung: Người Tôi Trung được Thiên Chúa trao cho hai sứ vụ:
(1) Đem nhà Jacob về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người: Đây là sứ vụ đầu tiên của "Người Tôi Trung." Khi một phụ nữ Dân Ngoại đến van xin Đức Kitô chữa bệnh cho con Bà, Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi." Chính Ngài cũng truyền cho các môn đệ: "Đừng vào thành các Dân Ngoại, nhưng hãy đến với các chiên lạc của nhà Israel(Mt 10:5-6).
(2) Để trở thành ánh sáng muôn dân, và để đem ơn cứu độ của Thiên Chúa đến tận cùng cõi đất:Đây là sứ vụ thứ hai của "Người Tôi Trung." Ông Simeon lặp lại lời này của Isaiah, khi nói tiên tri về con trẻ Giêsu: "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho Dân Ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài" (Lk 2:29-34). Tuy Đức Kitô ít ra khỏi ranh giới Israel để loan truyền Tin Mừng cho các Dân Ngoại; nhưng Ngài đã chuẩn bị đầy đủ cho các môn đệ, và truyền cho các ông phải loan báo Tin Mừng cho muôn dân đến tận cùng trái đất (Mk 28:19).

2/ Bài Đọc II: Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu.
2.1/ Lời hứa ban Đấng Cứu Chuộc của Thiên Chúa từ thời Vua David. Đây là một đoạn trích trong Bài Giảng của Phaolô cho người Do-thái tại Antioch, Pisidia. Phaolô muốn dùng lịch sử để chứng minh cho khán giả biết Đức Kitô xuất thân từ giòng dõi của Vua David: ''Sau khi truất phế vua Saul, Người đã cho ông David xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: Ta đã tìm được David, con của Jesse, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta. Từ giòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Israel một Đấng Cứu Độ là Đức Giêsu.''
2.2/ Ông Gioan làm chứng, Đức Kitô hoàn thành lời hứa cứu độ của Thiên Chúa: Phaolô nói về sứ vụ của Gioan: ''Để dọn đường cho Đức Giêsu, ông Gioan đã rao giảng kêu gọi toàn dân Israel chịu phép rửa tỏ lòng sám hối. Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gioan đã tuyên bố: "Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa: Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.""
Và Phaolô thuyết phục khán giả: "Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Abraham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta.''

3/ Phúc Âm: Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? Vì quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
3.1/ Những sự lạ lùng xảy ra trong biến cố sinh nhật của Gioan:
(1) Hai cha mẹ đều cao niên mà lại có con: Theo chu kỳ tự nhiên, con người chỉ có thể sinh con trong một hạn tuổi nào đó. Khi đã quá tuổi, con người không thể có con. Tuy nhiên, khi Thiên Chúa can thiệp, Ngài có thể làm cho những người cao niên có con nối giòng. Lịch sử Cựu Ước đã tường thuật nhiều lần những điều này: Abraham và Sarah mang thai Isaac, cha mẹ của anh hùng Sampson, cha mẹ của tiên tri Samuel, và hôm nay, ông Zachariah và bà Elisabeth.
(2) Ông Zachariah bị câm và nói được: Ông bị câm vì ông không tin ông có thể có con trong lúc tuổi già và bà Elisabeth, vợ ông cũng đã quá tuổi sinh con. Sứ thần Gabriel phạt ông bị câm, vì ông đã không tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, khi được hỏi muốn đặt tên con là gì, ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.
(3) Đặt tên cho con: Tên là người. Tùy vào ước vọng cha mẹ muốn cho con ra sao, trở thành gì, hay kỷ niệm một biến cố gì; họ sẽ đặt tên con như thế. Ví dụ, nếu cha mẹ có con trong khi đã quá tuổi sinh con; họ sẽ đặt tên con là "Hồng Ân." Tên John (hay Gioan), là chữ viết tắt của tiếng kép Do-thái "Jeho-hannah;" có nghĩa "quà tặng của Jehovah," hay "hồng ân Thiên Chúa." Cả hai, ông Zachariah và bà Elisabeth, đều muốn đặt tên con như thế, vì ông bà biết đứa trẻ là quà tặng của Thiên Chúa cho hai ông bà; mặc dù họ hàng láng giềng thắc mắc: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả."
3.2/ Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả:
(1) Cha mẹ, họ hàng, và láng giềng đều nhận ra bàn tay Thiên Chúa trong cuộc đời Gioan ngay từ đầu: Trình thuật kể: ''Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núiJudah. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?" Vì quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em. Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel.''
(2) Gioan chuẩn bị tâm hồn dân và chỉ cho mọi người đến với Đức Kitô: Chúng ta có thể học hỏi ít là 4 điều từ Gioan Tẩy Giả:
Thứ nhất, ông sẵn sàng hy sinh mọi thú vui thế gian để chu toàn sứ vụ của mình: ông sống trong sa mạc, mặc áo da thú, ăn chấu chấu và mật ong rừng.
Thứ hai, ông chuẩn bị tâm hồn cho dân đón nhận Đấng Cứu Thế bằng cách rao giảng để dân ăn năn thống hối trước khi ông làm phép rửa cho họ.
Thứ ba, ông sống rất thành thực và không vị nể bất cứ người nào: khi được hỏi ông có phải là Đấng Thiên Sai, ông trả lời ông chỉ là tiếng người hô trong sa mạc, và ông không xứng đáng cởi quai dép cho Đấng Thiên Sai.
Sau cùng, ông sẵn sàng đổ máu làm chứng cho sự thật. Ông bị vua Herode chém đầu vì ông dám ngăn cản cuộc hôn nhân bất hợp pháp của Nhà Vua.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mọi người chúng ta đều được Thiên Chúa cho vào đời với một sứ vụ; chứ không tình cờ xuất hiện hay chỉ để ăn uống, hưởng thụ. Sứ vụ của chúng ta là làm sao giúp cho mọi người nhận ra tình yêu và đạt được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
- Chúng ta đều có bổn phận như Gioan là dọn tâm hồn và chỉ đường cho mọi người đến với Đức Kitô; chứ không hướng mọi người vào chúng ta, hay vào bất kỳ một nhân vật nào khác.
- Để hoàn thành điều này, chúng ta chắc chắn phải chịu nhiều đau khổ, như Đức Kitô và Gioan Tẩy Giả đã trải qua.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP.


Nguồn: NGƯỜI LỮ HÀNH HY VỌNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét