Trang

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2012

MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 17




MỘT VỊ THIÊN CHÚA NGỎ LỜI : CHƯƠNG 17
CẦU NGUYỆN VÀ LỜI CHÚA
Theo mạc khải do thái-kitô giáo, chính Thiên Chúa đã khởi xướng việc thông giao với con người bằng lời của loài người “được linh hứng” để con người có thể đáp trả ý định yêu thương của Người và đi vào đối thoại với Người. Sự khởi xướng này của Thiên Chúa đã thể hiện hoàn tất trong việc nhập thể của Đức Ki-tô, Lời của Người hóa thành nhục thể (làm người) và ơn ban của Thánh Thần. Do vậy, một cách nào đó, chính Chúa là Đấng đã sáng tạo ra “cầu nguyện” bằng cách yêu thương chúng ta trước, bằng cách lấp đầy khoảng cách vô tận giữa Người và chúng ta, bởi ơn ban Thánh Linh là ơn ban làm cho chúng ta có thể tiếp nhận Lời của Người và đi vào trong giao tiếp với Người.
Sự lắng nghe của đức tin – và như vậy cầu nguyện là một hình thức diễn tả ưu tiên – là sự đáp lời của con người đối với sự khởi xướng này của Chúa. Chắc hẳn, Thiên Chúa có thể đụng chạm tới trái tim của con người bằng nhiều cách, tuy nhiên từ nay, Lời này của Chúa, được tiếp nhận và chuyển trao qua Thánh Truyền, là con đường ưu tuyển mà Chúa cho chúng ta để gặp gỡ Người, để đi vào đối thoại với Người, để cầu nguyện. “Xin thực hiện nơi tôi theo Lời của Ngài”, Mẹ Ma-ri-a đã nói như thế! Người ta không thể tưởng tượng ra được một lời kinh đẹp hơn! “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23), chính Chúa Giêsu đã nói như thế.
Như vậy có một sự liên kết rất chặt chẽ giữa cầu nguyện và Lời Chúa là nguồn mạch chính yếu của cầu nguyện. Chúng ta đã thấy rằng, nếu Thiên Chúa “nói”, nếu Thiên Chúa tự mạc khải, không phải là để đáp lại sự tò mò về kiến thức của chúng ta nhưng để tỏ lộ ý định yêu thương của Người đối với chúng ta, cho chúng ta sống. Do vậy, cầu nguyện không bao giờ là một tự kỷ quay về mình nhưng là một sự đi ra khỏi mình để tiếp nhận Lời của Người. Cầu nguyện sẽ không bao giờ là một “thao tác đạo đức”, nhưng là sự tiếp nhận Lời sự Sống, tiếp nhận một lời của Tình yêu là Lời đã dựng nên chúng ta và làm cho chúng ta lớn lên bằng cách yêu thương chúng ta.
Cầu nguyện là một nơi đặc biệt ở đó tôi học biết chuyển đổi các “ý nghĩ” của tôi về Thiên Chúa sang lắng nghe Chúa “nói” với tôi. Cầu nguyện, trước hết đó là “lắng nghe bằng con tim”, để cho Lời Chúa đào luyện mình.
Chúng ta hãy nhớ rằng hạn từ “lời” bao gồm ba bình diện:
- Lời là một tác động: tôi nói, tôi làm một điều gì đó, tôi hành động;
- Lời là một sứ điệp: nội dung của lời tôi nói, tôi nói một điều gì đó;
- Lời là một dấu chỉ: để diễn tả ý tưởng của tôi cho ai đó, tôi phải sử dụng những môi giới, những từ ngữ, những cử điệu, những dấu chỉ của việc liên lạc.
Ba bình diện này của lời, tác động, sứ điệp, dấu chỉ của liên lạc, không luôn luôn phối hợp trọn hảo nơi con người. Nhưng nơi Thiên Chúa, ba bình diện này hoàn toàn thống nhất. Nơi Người không có sự chênh lệch gián đoạn, giữa điều Người là, cuộc Sống của Người, ý định yêu thương của Người và hành động của Người. Người nói điều Người là và Người làm điều Người nói. “Thiên Chúa phán, và điều đó được thực hiện”. Lời của Người là một tác động tạo dựng. Và, trong điều Người nói và điều Người là, chính Người được tỏ hiện, được trao ban. Thiên Chúa luôn trao ban trong điều Người nói. Để hiểu được mầu nhiệm này của Lời Chúa, Lời hữu hiệu, sáng tạo sự sống, chúng ta có thể làm một so sánh với lời của con người.
Chúng ta hãy lấy một bài văn của Saint-Exupéry, một bài thơ của Marie Noël, một bản nhạc của Bach hay của Mozart, một ô kiếng mầu của nhà thờ chính tòa, một họa phẩm của Raphaël... Tất cả những “lời” này, theo nghĩa rộng, đều là sáng tạo trong mức độ chúng khơi dậy trong chúng ta những giá trị, những tình cảm, những ước vọng mới. Những “lời con người” này cũng có thể khơi dậy trong chúng ta  một hướng thượng nào đó: một đoản khúc của Mozart hoặc một cảnh mặt trời mọc có thể mở lòng chúng ta hướng tới Thiên Chúa.
Qua trải nghiệm, chúng ta biết rằng trong những giao tiếp giữa con người với nhau, một lời càng chất chứa tình yêu, diễn đạt sự trao ban mình, càng thông truyền sự sống, nó càng trở thành sáng tạo. Một người mẹ giúp con mình lớn lên bằng chính những lời yêu thương dịu hiền của mình giống như bằng sữa bà cho con bú. Bởi vì bà yêu con, lời của bà, dù chỉ là tiếng thủ thỉ, cũng làm cho con lớn lên, khơi động, ban sức sống cho con bà. Hai người yêu nhau, trao ban cho nhau qua câu nói “anh yêu em, em yêu anh” sáng tạo lẫn nhau. Thánh Phao-lô đã không ngại viết: “Trong Ðức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4, 15).
Nếu đó là hiệu quả của lời con người khi nó diễn tả tình yêu và trao ban chính mình, thì phải nói gì hơn nữa về Lời Chúa! Lời Người là diễn đạt tình yêu của Người có sức sáng tạo qua yêu thương. Khi Thiên Chúa nói với con tim loài người, Người yêu thương, Người hành động, Người ban mình, Người thông ban chính sự sống của Người. Điều gì là thật đối với những lời được linh hứng của Kinh Thánh lại càng thật hơn đối với Giê-su Ki-tô, Lời nhập thể của Cha. Lời của Người hữu hiệu, chữa lành, giải thoát, tác tạo con người mới, thông ban sự sống của Người. Thầy Giê-su đã không nói: “Tôi là một diễn văn”, Người cũng không nói: “Tôi là thần học”, nhưng Người nói: “Tôi là Sự Sống”. “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Trong thinh lặng của cầu nguyện, khi tôi nguyện gẫm, nghiền ngẫm (suy niệm) Phúc Âm, tôi tiếp nhận Lời sáng tạo của Chúa Ki-tô, hôm nay đang sống, Lời là “Thần Khí và Sự Sống”. Trong Lời Chúa mà tôi tiếp nhận và suy niệm trong cầu nguyện, luôn có sức mạnh sự sống, một sức mạnh nội tại riêng của Lời thực hiện trong tôi điều Lời nói. Và hiệu quả này không hề tùy thuộc điều tôi nghĩ hoặc điều tôi cảm nhận, nhưng tùy thuộc ở sự sẵn sàng của nội tâm tôi.


Lời Chúa, một “bí tích”
của sự Hiện Diện thực sự của Chúa Ki-tô
Tất cả Kinh Thánh, và đặc biệt các bản văn Tân Ước đều là một “bí tích” của Chúa Ki-tô hằng sống, của sự Hiện Diện thực sự, hôm nay, làm sinh động, tác động của Người. Đối với con người, sự Hiện Diện của Chúa Ki-tô là nguồn mạch sự sống vĩnh hằng. Chính vì thế Kinh Thánh, được tiếp nhận và suy niệm trong cầu nguyện, là mạc khải và giải phóng. Mạc khải, bởi vì Kinh Thánh tỏ bày con tim của  Chúa và căn tính của tôi. Giải phóng bởi vì Kinh Thánh cứu thoát tôi.
Lời Chúa và Thánh Thể, đối với Ki-tô giáo, thuộc diện hợp lý của việc Nhập Thể mà Thiên Chúa đã muốn để có thể tới được với con người ở mọi thời. Thật hợp lý khi Thánh Truyền khai triển chủ đề “hai Bàn Tiệc” của Chúa: bàn tiệc Bánh Thánh Thể và bàn tiệc Lời. Các Giáo Phụ luôn đặt cả hai trên cùng một bình diện: Thân Thể của Chúa Ki-tô” và “Lời Chúa”. Thánh Ignace d’Antioche viết: “Nơi trú ẩn của tôi là trong Phúc Âm mà đối với tôi Phúc Âm là xác thịt của Chúa Giê-su”. Và thánh Giê-rô-ni-mô: “Chúng ta ăn thịt của Người và uống máu của Người trong Thánh Thể thần thiêng nhưng cũng trong việc đọc Kinh Thánh”.
Tính “bí tích” này của Lời Chúa cho chúng ta thấy việc nghiền ngẫm (đọc và suy niệm) Lời trong cầu nguyện quan trọng như thế nào. Lắng nghe và cầu nguyện Lời Chúa không phải là tra cứu một quyển sách trong thư viện nhưng là tiếp nhận sự Sống. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Hr 4, 12).
Cầu nguyện, Lời Chúa và Thánh Linh
Chính Thánh Linh đã linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh, cư ngụ trọn vẹn trong Lời của Chúa Ki-tô. Chính Thánh Linh mở lòng những người nghe Thầy Giê-su nói, linh hứng các tác giả Phúc Âm. Và cũng chính Thánh Linh làm cho chúng ta nghe và hiểu, thưởng thức và sống Lời của Chúa Ki-tô hôm nay. Chính Người làm nên tính nhất quán (thống nhất) của mầu nhiệm này. Không có Thánh Linh, Chúa Giê-su chỉ là một con người của quá khứ. Chính Thánh Linh lấp đầy khoảng cách giữa Giê-su Na-da-rét của lịch sử và làm cho Người hiện diện với kẻ tiếp nhận Lời của Người. Vì thế, trong đối thoại nhiệm lạ của cầu nguyện lắng nghe, không bao giờ được tách rời hoạt động chung của Lời và Thánh Linh. Chúng ta hãy nhớ rằng, đối với thánh Gio-an, vai trò của Thánh Linh gồm ba:
- Người là thầy nội tâm: Người dạy dỗ;
- Người là trí nhớ nội tâm của ta: Người nhắc nhở;
- Người là vị hướng dẫn nội tâm: Người dẫn đường.
“Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em, Nhưng khi Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Ðấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 24-26).
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn, Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng nghe gì, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ đến” (Ga 16, 12-13)
Hoạt động không tách biệt này của Lời và của Thánh Linh đã tỏ hiện ngay từ đầu cuộc tạo dựng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng". Liền có ánh sáng” (St 1, 1-3).
Và cho tới khởi đầu của Tân Ước, chúng ta lại thấy hoạt động song đôi này của Lời và của Thánh Linh. Chính như thế mà Mẹ Ma-ri-a lắng nghe Lời Chúa và Mẹ để cho Lời thụ thai bởi quyền năng sáng tạo của Thánh Linh. Trong cuộc sống cầu nguyện của chúng ta cũng thế, Thánh Linh hiện tại hóa, nhập thể Lời trong chúng ta và làm cho Lời sinh hoa trái. “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (Ga 6, 63). Tất cả cầu nguyện là thời gian đặc biệt trong đó chúng ta để cho mình được yêu thương, được uốn nắn bởi Lời Chúa tùy theo mức độ tình yêu của Người.
Đức tin không là thành quả của tranh cãi hay lý luận phức tạp, nhưng là của thinh lặng để Thánh Linh ngự trị, của thinh lặng lắng nghe. Chính Người, Thánh Linh của Thiên Chúa, mở lòng chúng ta lắng nghe Lời của Thầy Giê-su, Đấng Cha sai đến, và mở lòng chúng ta đón nhận mạc khải của Người: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha, là Ðấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy… Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi” (Ga 6, 44-45).
Chúng ta đừng bao giờ mở Sách Kinh Thánh mà không xin Thánh Linh làm cho Kinh Thánh trở thành sống động cho chúng ta. Chỉ mình Người mới có thể mở lòng chúng ta, làm cho lòng chúng ta sẵn sàng tiếp nhận Lời và giúp chúng ta sống Lời trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Lời và Thánh Linh không bao giờ tách biệt. Lời mà không có Thánh Linh sẽ có nguy cơ chỉ là “bên ngoài”. Thánh Linh mà không có Lời có nguy cơ bị nhầm lẫn với tâm thần của con người. Trong chính ngày Hiện Xuống, Phê-rô phải “nói” để giải thích hoạt động của Chúa Thánh Thần. Thánh Linh chỉ thông giao qua Lời. Lời không sống động nếu không có Thánh Linh. Thiên Chúa uốn nắn chúng ta bằng “hai bàn tay”, các Giáo Phụ đã từng nói như thế.
Không có sự thinh lặng của cầu nguyện tiếp nhận Thánh Linh, chúng ta sẽ có nguy cơ chỉ đọc trong các bản văn những dự phóng của tư tưởng của chính chúng ta, sử dụng Lời Chúa đơn thuần chỉ như một hệ thống để quy chiếu. Hơn chăng, Lời Chúa chỉ còn như một phân tích xã hội. Cầu nguyện mở lòng chúng ta cho một sự Hiện Diện nội tâm làm cho đời thường được thăng hoa. Câu trả lời cho những vấn nạn của chúng ta không tự động tìm thấy trong Kinh Thánh, nhưng nó cũng hé dạng trong lịch sử, từ các biến cố được Lời Kinh Thánh soi sáng. Đó là cách thế “đọc sách thiêng liêng” về các biến cố của dân tộc Kinh Thánh đã biết phân định hoạt động của Thiên Chúa trong hiện tại khi đọc lại lịch sử.

Cầu nguyện, thinh lặng và Lời
Thinh lặng không phải là sự thiếu vắng lời, nhưng trái lại, là tiếp nhận một lời ở bên trong, nội tâm. Nếu không có thinh lặng đi trước hoặc tiếp theo, lời của con người hoặc ca nhạc cũng không hơn gì một thác đổ những ngôn từ hay âm thanh ồn ào bất tận! Sự thinh lặng cho mỗi lời và mỗi nốt nhạc cái ý nghĩa và mầu sắc riêng.
Không phải không có lý mà trong truyền thống kinh thánh những cảnh “hiển dung” (sự tỏ hiện của Chúa) thường được bao phủ bởi một sự thinh lặng kính cẩn lớn lao: “Còn Ðức Chúa, Người ngự trong thánh điện, toàn thể cõi đất, hãy thinh lặng trước nhan Người” (Ha 2, 20)!
Và sự thông báo về việc Người can thiệp giúp dân Người, thường được chuẩn bị bằng lời mời gọi dân thinh lặng đợi chờ: “Ông Mô-sê cùng với các tư tế Lê-vi nói với toàn thể Ít-ra-en rằng: Hỡi Ít-ra-en, anh em hãy thinh lặng và nghe tiếng Ðức Chúa, Thiên Chúa của anh em, và đem ra thực hành những mệnh lệnh và thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em hôm nay” (Đnl 27, 9-10).
Như thánh Gioan viết cách tuyệt vời trong chương mở đầu: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời…và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1). Và theo các tác giả được linh hứng, Lời này đã được bao bọc bởi một sự thinh lặng tròn đầy . “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu” (Kn 18, 14-15).
Và về sự Nhập Thể của Chúa Ki-tô, của Lời Chúa, thánh Phao-lô nói về một “mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Ðấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16, 25).
Thinh lặng đi trước, bao bọc Lời được mạc khải. Hôm qua cũng như hôm nay, Lời chỉ có thể “sinh ra” trong lòng tôi trong sự thinh lặng chú tâm như hạt giống nảy mầm trong thinh lặng, như nhựa sống lưu chuyển trong thinh lặng, như hoa nở ra trước ánh dương trong thinh lặng.
Trong giờ cầu nguyện, việc nhâm nhi nghiền ngẫm Lời, đôi khi chỉ cần một lời duy nhất cũng đủ chạm tới chúng ta và trở thành một cuộc gặp gỡ đích thật với Chúa. Và khởi đi từ chính cùng một bản văn, mỗi người có thể tiếp nhận một lời khác nhau. Thường phải để cho Lời này nảy sinh, bén rễ trong lòng ta và chiếm hữu trọn vẹn con người ta. Đôi khi trong ngày sống, chỉ cần hiện diện với lời sống mà Thánh Linh đã đặt để trong tôi vào buổi sáng khi tôi cầu nguyện: “Xin cho con được uống”; “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban”; “Tôi là ánh sáng thế gian”… thì cũng đủ để thay đổi kiểu cách sống của tôi trong ngày.
Thiên Chúa là một nhà giáo dục đầy tâm lý, một người thợ làm vườn kiên nhẫn gieo vào lòng chúng ta những lời mà mỗi người chúng ta cần để mình lớn lên. Chúa Ki-tô tiếp tục sứ vụ Lời của Cha trong tôi, nhập thể Lời của Người trong lòng tôi. Sự Nhập Thể là một mầu nhiệm vượt trên cuộc sống trần thế của Thầy Giê-su.
“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55, 10-11).
Lời kinh nguyện thoát lên từ một Lời Chúa được đặt để trong cõi lòng của tôi, thinh lặng, sẵn sàng. Lời cầu nguyện này là Lời quay trở về với Thiên Chúa khi trở thành một biểu hiện tình yêu của chính cá nhân tôi.
Nguồn: kinhthanh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét