Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Tấm Gương Do Thái (PHẦN 7)

Tấm Gương Do Thái

(PHẦN 7)



Vietsciences-PĐT- Hàn Lệ Nhân

1) Dân tộc Do Thái
2) Bước đường lưu vong 
3) Kỳ thị tôn giáo
4) Kỳ thị chủng tộc
5/ Phục Quốc
6/ Xin lưu ý: 
7/ Kiến Quốc
8/ Chiến thắng sa mạc
9/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 1948-1999
10/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 2000-2006
11/ Cuộc chiến Israël và Hezbollah
12/ Tấm gương Do Thái


Tấm gương Do Thái

Đọc lịch sử phục quốc và kiến quốc của dân tộc Do Thái chúng ta học được rất nhiều điều quí báu, từ tinh thần quốc gia dân tộc đến tinh thần đoàn kết; từ ý chí phục quốc đến đức hy sinh, sức chịu đựng ghê gớm; từ kinh nghiệm định cư, giáo dục đến nông lâm mục súc; từ tổ chức cộng đồng đến tổ chức quân đội (1)... Nhưng 2 tấm gương cao quí nhất mà họ đã gián tiếp vạch ra cho chúng ta thấy, đó là cái họa Thực Dân, Đế Quốc và nhất là tinh thần Thượng Tôn Quyền Lợi Quốc Gia.


Thực dân, đế quốc nào, bất luận Đông Tây, cũng chỉ nghĩ đến quyền lợi của họ trước hết và sau cùng và dĩ nhiên bảo hộ, khai hoá, hữu nghị, tương trợ, đồng minh đồng miếc gì gì cũng chỉ là các loại bình phong che đậy những tà vọng trục lợi. Lỡ gian díu với thực dân đế quốc thì chóng chầy thế nào cũng điêu đứng, lầm than, tàn tạ với họ. Trên thế giới, Việt Nam ta là quốc gia gian díu với thực dân đế quốc nhiều nhất (Tàu, Tây, Nhật, Mỹ, Nga Sô); kết quả ra sao, chắc không ai không thấy, đặc biệt trước 1996:

Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả cây kia cỏ nầy.

(Cung Oán Ngâm Khúc, Nguyễn Gia Thiều)

Từ chế độ bao cấp (40 + 10 năm), một sớm một chiều, nhảy ù qua chế độ kinh tế thị trường (dù cố thòng thêm cho vui mấy chữ định hướng, tư tưởng nầy nọ) trên 10 năm nay, nếp sống của người dân quả có thay đổi trong chiều hướng khả quan. Không ai phủ nhận sự hiển nhiên nầy. Điểm khả quan trong việc đổi mới càng rõ nét hơn khi ta so sánh với thời bao cấp, đóng cửa hay bị cô lập. Hiện nay (2006) ít ra cũng được 430 US$ người/năm. Đó là cái Được hoàn toàn do đổi mới (hoặc là chết) mà người ta muốn sử xanh ghi nhận và người ta cũng muốn và tìm mọi cách xóa hay lờ tịt đi bao nhiêu cái Mất trong 50 năm duy ý chí bay theo"Chiếc Áo Bằng Mây"của thực dân, đế quốc đỏ. Ai là người trách nhiệm với sử xanh khoảng thời gian đăng đẳng bị hoang phí nầy khi so sánh ta với người?
Hiện nay Israël có tất cả 13 đảng phái. Mỗi mùa bầu cử quốc hội các đảng phái cũng sôi nổi, cũng mánh mung như các nơi khác, nhưng sau đó, đảng nào lên nắm quyền cũng tuyệt đối thượng tôn quyền lợi quốc gia: Quyền lợi quốc gia là trước hết và sau cùng. Quốc gia là trên hết. Có thể tóm gọn thành "Dân vi quí, xã tắc thứ chi, đảng vi khinh".


Và người Do Thái gián tiếp cho các dân tộc đang phát triển (nghĩa là chưa phát triển nếu không muốn nói là đang nghèo khó) thấy rằng một dân tộc càng bị đẩy vào chỗ chết càng mau kiếm được lối sống, miễn là dân tộc đó có muốn hay không muốn thôi. Một khi đã quyết sống, tự cho mình là một thực tại dân tộc đặc thù thì thực dân, đế quốc, chủ thuyết đến từ phía nào cũng phải nhượng bộ, nhìn nhận cái thực tại độc lập đó !


Non 20 năm nay tôi làm việc và tiếp xúc khá nhiều với người Do Thái tại Tây Âu, mày mò tìm hiểu về họ và có dịp may qua Israël tu nghiệp hai lần, cho nên ngoài niềm khâm phục dành cho họ trên tổng thể, tôi có chút nhận xét ngoại vi, đó là có sự kỳ thị ngấm ngầm nhưng sâu sắc giữa hai nhóm Do Thái, đặc biệt cộng đồng Do Thái chủ thể Ashkénaze - tự cho mình là dân trí thức - vẫn có cái "nhìn xuống" đối với cộng đồng Do Thái Séfarade (hồi hương từ Bắc Phi) mà họ đánh giá là lái buôn, ít học. Lấy ví dụ ở Israël cho đến nay không hề có bộ trưởng nào cũng như chưa hề có một thẩm phán Do Thái gốc Ả Rập trong Tối Cao Pháp Viện. Từ khi lập quốc năm 1948 đến nay (2006), Israël có 8 tổng thống và 13 thủ tướng, tất cả đều gốc Ashkénaze. Đơn cử : Đương kim tổng thống là Moshé Katsav và trước cuộc chiến với Hezbollah, thủ tướng Ariel Sharon, cả hai trước thuộc đảng Likoud, nay ông Sharon thuộc đảng Kadima, và đương kim thủ tướng Ehud Olmert.


Sau chiến tranh ném đá 2 (Intifada 2), ở Jaffa, người Ả Rập mua bán trong các chợ Ả Rập, người Do Thái mua sắm trong các siêu thị. Thu nhập khác nhau, cách sống khác nhau, hai cộng đồng vẫn song hành, vẫn giao nhau nhưng chẳng thấy nhau. Đạo diễn Avi Mograbi từng viết "họ đã thành công khi làm biến mất người Ả rập trên đất nước" vì ở đây "người ta có thể nghe tiếng Hébreu, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh ... và mọi thứ tiếng khác TRỪ tiếng Ả Rập.[...] Văn tự Ả rập biến mất trên các tên đường. Mọi bảng hiệu hoàn toàn được kẻ bằng chữ Hébreu và chữ Anh, kể cả tên họ trên các chuông cửa".


Ngày 01/10/2000, quân đội Israël bắn chết 13 công dân Israël gốc Ả Rập trong một cuộc biểu tình tại Naplouse. Tại Tel Aviv, một số công dân Israël-Séfarade nghiệm ra rằng người ta có thể bắn sả vào họ như bắn người Ả-rập Palestine (năm 2000 có chừng 120.000 nhân công Ả -r â ậ p Palestine qua lại làm việc bên Israël), còn một số công dân Israël-Ashkénaze khám phá ra rằng các thợ thuyền hay các người giúp việc - gốc Ả Rập - trong gia đình mình có thể bất ngờ trở thành hiểm họa, cho nên đã thay thế lần lần bằng các nhân công di cư Nga, Roumanie, Philippine...Cứ đà nầy, Tel Aviv sẽ thực hiện được giấc mơ thuở ban đầu: Thành phố dành riêng cho người Do Thái-Ashkénaze.


Do đó mới nảy ra câu hỏi: Cái gì đã tạo ra cái gì? Khủng hoảng Do Thái - Palestine đã tạo ra sự kỳ thị Ả Rập hay sự kỳ thị Ả Rập là nguyên nhân kéo dài không biết đến bao giờ khủng hoảng Do Thái - Palestine? Và câu hỏi này làm tôi suy nghĩ lung về chúng ta, Trong và Ngoài: "Những chân lý khác biệt ở vẻ ngoài xem chừng tượng tự vô số những chiếc lá trông khác nhau nhưng nằm chung trên một gốc cây". (Bapu Mahatma Gandhi: Lettres à Asbram).

Hàn Lệ Nhân
(Cập nhật ngày 07/10/06)

Chú thích


(1) Đề tựa cuốn Les Murailles Israël của Jean Lartéguy, tướng độc nhãn Moshé Dayan (1915-1981) viết đại để "Bí mật sức mạnh của quân đội chúng tôi (Do Thái) bắt nguồn từ nguyên tắc các sĩ quan đã được học hỏi là không bao giờ chiến đấu đàng Sau binh sĩ của mình, nhưng càng về phía Trước họ càng hay". Thông thường khi lâm trận, sĩ quan trong quân đội các xứ khác thường thúc quân"hãy tiến lên", còn sĩ quan Israël lại hô "hãy theo tôi". Cũng như đối với các cộng đồng Do Thái ngoài Israël, chính phủ Israël luôn luôn chủ trương "toàn dân Israël khao khát được liên kết cùng đồng bào", khác hẳn trên kênh truyền hình đối ngoại nào đó, người ta kêu gọi với ngụ ý "Kiều Bào hãy đoàn kết sau lưng (nhóm) chúng tôi" trong khi nơi nơi chính phủ là đại diện duy nhất cho đất nước, cho toàn dân. Và chẳng chính phủ nào dám cuồng ý, cuồng ngôn đánh đồng "chúng tôi và đất nước là Một", "yêu chúng tôi tức yêu nước" hay ngược lại.
(**) 
Balfour Declaration 1917


November 2nd, 1917 
Dear Lord Rothschild, 
I have much pleasure in conveying to you, on behalf of His Majesty's Government, the following declaration of sympathy with Jewish Zionist aspirations which has been submitted to, and approved by, the Cabinet. 
"His Majesty's Government view with favour the establishment in Palestine of a national home for the Jewish people, and will use their best endeavours to facilitate the achievement of this object, it being clearly understood that nothing shall be done which may prejudice the civil and religious rights of existing non-Jewish communities in Palestine, or the rights and political status enjoyed by Jews in any other country." 
I should be grateful if you would bring this declaration to the knowledge of the Zionist Federation. 
Yours sincerely, 
Arthur James Balfour 
---------------------------------------
Tài liệu tham khảo chính:
* Bài Học Israël của Nguyễn Hiến Lê, nxb Nguyễn Hiến Lê - Sàigòn 1969.
* Các sách đã nêu trong bài và Internet.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét