Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Tấm Gương Do Thái (PHẦN 3)

Tấm Gương Do Thái

(PHẦN 3)



Vietsciences-PĐT- Hàn Lệ Nhân

1) Dân tộc Do Thái
2) Bước đường lưu vong 
3) Kỳ thị tôn giáo
4) Kỳ thị chủng tộc
5/ Phục Quốc
6/ Xin lưu ý: 
7/ Kiến Quốc
8/ Chiến thắng sa mạc
9/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 1948-1999
10/ Iaraël, những thời điểm quan trọng : 2000-2006
11/ Cuộc chiến Israël và Hezbollah
12/ Tấm gương Do Thái





7/ Kiến Quốc





Giành được nền độc lập không có nghĩa quốc gia Do Thái sẽ được sống trong hoà bình để kiến thiết khi chung quanh họ các nước thù địch trong Liên Đoàn Ả Rập (được thành lập từ 1945) vẫn nhất quyết tận diệt họ. Hơn nữa, như chúng ta đã biết, có quá nhiều khác biệt trên mọi phương diện giữa người Do Thái với nhau và vùng đất mới được độc lập của họ vốn đã "chết" quá lâu, ảnh hưởng rất nhiều đến lẽ sinh tồn của họ.

Công việc đầu tiên mà Bộ Quốc Gia Giáo Dục Istaël gấp rút xúc tiến sau ngày 14/05/1948 là thống nhất tiếng Hébreu thành quốc ngữ. Thật vậy, sau 2.000 năm phiêu bạt khắp hoàn cầu, con cháu Abraham không những đã mất đi ít nhất 99% huyết thống chính tông trong người mà tiếng mẹ đẻ chẳng còn mấy người nói được. Thời mới phục hồi nền độc lập, dân số Israël được hơn một triệu gồm trên 50 giống người và mỗi giống mỗi ngôn ngữ, mỗi nếp sống, mỗi trình độ văn minh, văn hoá.

Để thống nhất ngôn ngữ, BQGGD Israël cưỡng bách mọi công dân Israël phải học tiếng Hébreu, soạn những sách phổ thông dạy từ 500 đến 1.000 tiếng căn bản để sau vài tháng dân chúng có thể đàm thoại với nhau được. Đồng thời Bộ còn cho dịch những danh từ mới về mọi ngành ra tiếng Hébreu để cho soạn sách từ cấp tiểu học đến đại học, tìm trong Thánh Kinh những chuyện cổ để dịch ra những ý niệm mới.

Vậy mà trong vòng 10 năm sau, ngành giáo dục của họ đã bắt kịp các nước tân tiến nhất. Ngôn ngữ mới được hồi sinh mà con cháu Abraham đã muốn tranh giành ảnh hưởng với các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức !

Hai đại học lớn nhất tại Israël là đại học Jérusalem gồm đủ phân khoa và Viện Công Nghệ, nơi đào tạo các kỹ sư đủ mọi ngành, đặc biệt ngành canh nông và kỹ nghệ. Ngoài ra còn có một viện chuyên về nghiên cứu là Viện Khoa Học Weizmann – tên vị tổng thống đầu tiên của họ - ở Rehovoth với những ngành như vật lý, hạch tâm, điện tử, vi trùng học, vật lý thực nghiệm ..., một đại học ở Tel Aviv và nhiều trường đại học khác khắp nước.

Tân tiểu quốc Israël nằm trên bờ Địa Trung Hải, phía bắc giáp Liban và Syrie, phía đông giáp Jordanie, phía tây nam giáp Ai Cập, phía cực nam giáp Hồng Hải.

DIỆN TÍCH (2004): 20.770 cây số vuông (7.477 cs vuông là đất chiếm đóng sau 1948).

với nhiều miền khí hậu khác hẳn nhau. Họ nhất quyết muốn lấy thánh địa Jérusalem làm thủ đô nhưng cho đến nay (2005), vì vấn đề Palestine, chỉ có hai quốc gia trên thế giới công nhận Jérusalem là thủ đô của Israël, đó là Salvador và Costa Rica. Do đó, trong mắt thế giới, châu thành ven biển tân tiến và rộng lớn Tel Aviv được coi như thủ đô tạm thời. Tel Aviv có nghĩa là Đồi Xuân. (Tôi đã sửng sờ, kinh ngạc xiết bao khi tận mắt nhìn thấy một Tel Aviv huy hoàng, hiện đại chẳng kém Nice, Cannes của Pháp tí nào và ghê cho sự năng động, quyết tâm của họ).

Các thành phố chính khác: Haïfa, Rishon Le-Zion, Petah Tiqwa, Ramat Gan, Beercheba, Nazareth.

DÂN SỐ: 6.559.000 người (2004)

trong đó có khoảng 19% là người Ả Rập (1,2 triệu), số còn lại gồm 53 thứ Do Thái từ khắp nơi tụ về. Xin lưu ý, từ khi thành lập quốc gia Israël (1948) người Do Thái ở trong nước được gọi là Israéliens / Israelis (công dân quốc gia Israël) để phân biệt với những người Do Thái ở hải ngoại (Juifs / Jews).

TỔNG SẢN LƯỢNG QUỐC GIA: 120.900.000.000 US$ (2003)

THU NHẬP BÌNH QUÂN NGƯỜI / NĂM: 19.800 US$ (2003)

TIỀN TỆ: Shekel, ký hiệu: NIS (New Israeli Shekel)

1 NIS = 0,18€ / 0, 22 US$ - 1 € = 5, 74 NIS; 1 US$ = 4, 54 NIS (17/07/2005)

NGÔN NGỮ CHÍNH THỨC: Tiếng Hébreu và tiếng Ả Rập. Ngoại ngữ thông dụng là tiếng Anh và tiếng Pháp.

CHÍNH THỂ: Cộng Hoà Đại Nghị. Đa đảng (13 đảng). Hai đảng lớn mạnh nhất hiện nay là Đảng Lao Động (tả phái) và Đảng Likoud (hữu phái) đang nắm quyền. Quốc hội (Knesset) gồm 120 nghị viên, có nhiệm vụ biểu quyết quyền lập pháp và kiểm soát chính phủ.

Tổng thống do quốc hội bầu ra, nhiệm kỳ 7 năm (trước chỉ 5 năm), mang tính cách biểu tượng, rất ít thực quyền. Tổng thống chỉ định thành phần trong tối cao pháp viện, nhiệm kỳ suốt đời (trong thực tế việc chỉ định nầy phải thông qua và có sự chấp thuận của quốc hội).Thủ tướng thường là người lãnh đạo đảng có số phiếu cao tuyệt đối hay liên minh đa số ghế trong quốc hội. Thủ tướng nắm quyền hành pháp, trực tiếp lãnh đạo đất nước, nhiệm kỳ 4 năm, nhưng khi hữu sự đa số trong quốc hội có quyền biểu quyết bải nhiệm thủ tướng trước hạn kỳ. Ví dụ: Tháng 11 năm 1995, thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát, ông Shimon Peres lên thay nhưng chỉ 6 tháng sau, ông bị đa số trong quốc hội bỏ phiếu bất tính nhiệm, tổ chức bầu bán trước hạn kỳ, ông Peres thất cử, ông Benjamin Netanyahu lên nắm quyền (29/05/1996).

QUỐC KỲ hiện hành của Israël vốn là biểu tượng của phong trào Sionisme từ thế kỹ 19. Nền trắng. Trung tâm là hình sao David sáu cánh với hai gạch màu xanh dương nằm ngang trên và dưới.

QUỐC KHÁNH: 14/05.

QUÂN DỊCH: Công dân Israël từ 17 tuổi bất luận nam hay nữ ở trong hay ở ngoài nước: Nam: 3 năm toàn thời gian; Nữ: 2 năm toàn thời gian và sau đó 1 tháng dự bị mỗi năm (nam hay nữ khi còn độc thân).

QUÂN ĐỘI: 173.000 lính tại nhiệm + 425.000 dự bị = 598.000 (2002).

Israël chưa có văn bản chính thức về hiến pháp. Mọi điều hành của chính phủ thường dựa vào các điều luật của quốc hội, các quy ước lập hiến và bản tuyên ngôn độc lập của quốc gia Israël (1948).

Theo tôi, không phải vô tình mà Israël chưa"có nổi"một bản hiến pháp chính thức đâu mà hậu ý là muốn cô lập hay vô hiệu hoá cộng đồng thiểu số Ả Rập (1,2 triệu) trên mặt chính trị đối nội lẫn đối ngoại, ít ra cho đến khi Israël giải quyết êm thấm và bền vững được xung đột với Palestine và khối Ả Rập. Chưa có hiến pháp chính thức thì nhóm chủ thể Ashkénaze dễ dàng nắm trọn quyền điều hành đất nước. Ý kiến về bản hiến pháp đã được nêu ra, đòi hỏi cũng đã được lên tiếng, kêu gào từ nhiều năm qua, nhưng, viện cớ còn chiến tranh, Knesset"xin ghi nhận và đang nghiên cứu".

Việc kiến thiết tân quốc gia Israël, xét chung, người dân phải bắt đầu từ con số không. Ở đây, tôi chỉ xin đơn cử vài thí dụ điển hình mà theo tôi tóm gọn được nổ lực siêu phàm san bằng những trở ngại thiên nhiên của họ. Đó là sự phát triển kinh tế trên bãi sa mạc Neguev,"kẻ thù số một phải khuất phục của Israël"theo lời bà Golda Meir, thủ tướng Israël, 1969-1974).

Sa mạc Neguev (Neguev = Phía Nam) rộng hơn phân nửa diện tích toàn xứ Israël (13.000 cs vuông), nằm phía nam châu thành Tel Aviv, đỉnh cực nam là Hồng Hải với thành phố biển Eilat. Trước thế chiến vừa qua, Neguev hoàn toàn hoang vu khô cháy, lồi lõm. Văn minh tiến bộ như thực dân Anh mà còn chịu thua, không sao khai thác được.

Theo tôi, có hai nguyên nhân sâu xa khiến chính phủ Israël phải khai phá vùng cát"chết"nầy. Một là để nuôi dân: đất đai thì hẹp mà dân số tăng rất nhanh (qua các phong trào hồi hương tập thể). Hai là để củng cố mặt quốc phòng: không để khoảng đất rộng nào không có người ở hầu tránh sự xâm nhập của kẻ thù.


-------------------------------------
Chú thích


(1) Sau chiến tranh, toà án Nuremberg đã định nghĩa việc thảm sát người Do Thái như một cuộc diệt chủng (génocide). Ngay sau đó, các tác giả Mỹ đã gọi sự kiện nầy bằng từ"Holocaust"(lễ hiến vật). Nhưng từ nầy tạo thành vấn đề đối với người Do Thái vì nó ngụ ý hy sinh: tiêu diệt người Do Thái không thể là hiến tế lên Thượng Đế. Do đó, người Do Thái tại Âu châu chủ trương dùng từ Shoah (hay Shoa) theo tiếng Hébreu có nghĩa là Thảm Hoạ (catastrophe) hay Judéocide (Thảm sát người Do Thái). Ngày 16 tháng 07 mỗi năm là ngày tưởng niệm Shoah.


8/ Chiến thắng sa mạc


Thường tình người ta chỉ tính năng suất của đất đai theo diện tích, có nghĩa là mức sản xuất hàng năm được bao nhiêu mỗi héc-ta. Riêng tại Israël thì sự tính toán hơi lạ đời vì dân ở đây tính năng suất theo ... khối nước tưới ! Mỗi năm có bao nhiêu nước và mỗi khối nước sinh lợi được bao nhiêu. Bởi vậy, một mặt họ lo cách thức kiếm nước, một mặt họ tìm mọi cách hầu tránh chuyện nước bị hao hụt đi, chẳng hạn nước bị bốc hơi hay thấm vào lòng đất.

Phương pháp dẫn thủy nhập điền rất công phu tỉ mỉ ở Việt Nam hay ở Trung Quốc đã làm thế giới ngạc nhiên, song đem so với những nổ lực phi thường của dân tộc được Chúa chọn thì hãy còn kém xa.

Mỗi năm vùng sa mạc Neguev chỉ giữ được từ 2 đến 4 phân nước. Như vậy, muốn trồng trọt thì phải có nhiều nước, nhưng làm thế nào?

Vấn đề thiếu nước ở Israël là nguyên nhân sinh ra lắm thứ thuế oái oăm. Ví dụ: Trong giá tiền một chai bia được tiêu thụ, một nửa là thuế dành cho công cuộc tìm nước. Họ đã nghĩ đến việc đào giếng, dùng nước mưa và nước biển, nhưng lấy đâu cho đủ nước trong khi ở đây mưa chẳng mấy lúc; còn nước biển thì ngoài công dụng cho kỹ nghệ ra, súc vật còn chịu không nổi huống hồ cỏ cây. Cho nên họ bèn thăm dò những dòng nước ngầm dưới lòng đất nằm ven biển và đã khám phá ra những nơi nầy có một tầng đất không thấm nước, chứa lại khá nhiều nước ngọt, chẳng hạn trong khu Avedat.

Hiện nay số nước rút được từ các nơi đó là khoảng 140 triệu thước khối trong một năm. Những vùng có nước ngầm đã trở nên bồn nước thiên nhiên dành cho cả khu vực Yarkon – Neguev. Nhất là từ khi sử dụng được dòng sông lịch sử Jourdain, tổng lượng số nước rút được hàng năm lên tới 5 tỉ thước khối đủ dùng cho mọi nhà, mọi ngành kỹ nghệ và 4 triệu dounams đất khô cháy (10 dounams tương đương với 1 héc-ta).

Để tránh việc phí phạm nước, dân israéliens bơm xuống lòng đất hàng triệu thước khối nước - kể cả nước cống đã được lọc và khử trùng – cho khỏi bị bốc hơi. Thật chưa dân tộc nào cần"nước"như người Do Thái. Song xét ra phương pháp đặt ống dẫn nước vẫn hiệu nghiệm hơn cả. Ống dẫn nước ở Israël có lẽ là loại ống dẫn kỹ lục: dài từ 4 đến 170 cs, nặng không dưới 32 tấn, mỗi đoạn 5 thước đường kính và 3 thước bề dài, đặt ngay trên mặt đất, có khi phải xuyên núi, vượt đèo và thung lũng. Hệ thống dẫn nước của họ là cho nước chạy theo ống dẫn lớn, qua ống nhỏ, phân ra làm muôn ngàn nhánh mỗi lúc mỗi bé để rồi tung ra ruộng nương, vườn tược qua các máy nước chẳng khác gì các trận mưa nhân tạo.

Nước chảy đến đâu, người dân tìm theo đến đấy và sự canh tác tiến triển tùy nhịp nước lan mau hay chậm.

Thủ đô của sa mạc Neguev là thành phố Beersheva, tụ điểm của hầu hết những người Do Thái hồi hương từ khắp nơi trên thế giới. Chính Abraham đã đặt ra tên Beersheva (Giếng thề).

Dưới bầu trời sa mạc nóng cháy Neguev (trung bình 36° C), người ta thấy gồm đủ hạng người, từ anh kỹ sư, nhạc sĩ đến chị bán hàng, chú thợ máy; từ bác tiến sĩ, thím giáo sư đến cô y tá, em sinh viên, cậu cu li. Bấy giờ mọi dị biệt xã hội giữa họ đều được san bằng, tất cả chỉ còn là những đứa con của Israël chung vai sát cánh hồi sinh vùng Đất Hứa.

Nhờ những cố gắng, những hy sinh như thế mà ngày nay du khách ghé Israël sẽ thấy cả vùng sa mạc Neguev đã mơn mởn màu xanh của lúa và trổ đầy hoa trái. Các giống nho lừng danh của Pháp như Bordelais, Beaujolais, Bourgogne cũng đã"sống"được trên sa mạc, khai sinh ra một thứ rượu vang nổi tiếng trong vùng Darom. Mỗi độ thu về, các vườn cam, vườn quýt, vườn bưởi, vườn chanh, vườn chuối, vườn chà-là ... trổ bông hương thơm ngào ngạt đến tận châu thành Tel Aviv.

Và không thể không nhắc tới tiến sĩ Samuel Appelbaum (sinh năm 1942), giám đốc trung tâm Bengis thuộc đại học Ben Gourion (Beersheva), người đã thành công trong công trình nghiên cứu ứng dụng nước mặn và nóng dưới lòng sa mạc Neguev vào canh tác trồng trọt, đặc biệt như aquaculture và pisciculture (tạm dịch: Thủy canh và Bể canh). Trước thập niên 1990, ý nghĩ nuôi tôm cá trên sa mạc là điều không tưởng, là ý tưởng làm phịch cười giới khoa học, thế mà nay Samuel Appelbaum đã kiên trì và đã làm được, do đó được mệnh danh là nhà tiên tri thời hiện đại.



XIN XEM PHẦN 4

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét