Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Tìm hiểu Tin Mừng Thứ Ba: Mục tiêu và các chủ đề

Tìm hiểu Tin Mừng Thứ Ba: Mục tiêu và các chủ đề


 
Tác giả: 
 Vũ Văn An

Tin Mừng theo Thánh Luca dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau như ta đã trình bày tại Chương Hai. Nhưng câu hỏi được đặt ra là nó được soạn thảo cho ai, và với mục tiêu gì.

Độc giả

Đa số các học giả ngày nay cho rằng Tin Mừng thứ ba được viết cho các độc giả Kitô Giáo gốc dân ngoại, hay ít nhất cũng cho các độc giả chủ yếu là Kitô Hữu gốc dân ngoại. Lý do vì Thánh Luca rõ ràng tỏ ý muốn nối trình thuật của mình về biến cố Chúa Kitô và cái hậu của nó với truyền thống văn học La Hy, như trong lời mở đầu đã cho thấy. Ngoài ra, ngài còn đề tặng cả hai soạn phẩm của mình cho một người rõ ràng mang tên Hy Lạp. Ấy là chưa kể việc ngài muốn nối kết ơn cứu độ từng được hứa ban cho It-ra-en trong Cựu Ước với cả dân ngoại lẫn người không phải là Do Thái nữa.

Việc ngài bỏ các tư liệu nguồn của “Mc” hoặc của “Q” ít nhiều liên quan tới người Do Thái có lẽ là dẫn khởi rõ ràng nhất khiến người ta cho rằng Tin Mừng Luca dành cho Kitô hữu gốc dân ngoại, như trong Bài Giảng Ở Đồng Bằng, phần lớn vấn đề trong các phản đề của Mt 5:21-48 đều không được nhắc đến; hay các chi tiết liên quan tới sạch sẽ hay đạo hạnh theo nghi thức Do Thái: điều gì sạch điều gì dơ (Mc 7:1-23). Một số chi tiết trong các trình thuật hay trong các lời nói của Chúa Giêsu mà người ta cho rằng Thánh Luca đã hiệu đính cho thấy ngài muốn thích ứng truyền thống Palestine với hoàn cảnh cụ thể của những người theo văn hóa Hy Lạp không phải là Do Thái, như Lc 5:19 (xem Mc 2:4); Lc 6:48-49 (xem Mt 7:24-27). Cũng vậy, việc thay thế các tên hay tước hiệu Hípri hoặc Aram bằng tên Hy Lạp cũng cho thấy cùng một kết luận: kyrios thay cho Chúa, epistates (thầy) thay cho rabbi/rabbouni (Lc 18:41 so với Mc 10:51; Lc 9:33 so với Mc 9:5); kranion (sọ) thay cho Golgotha (Lc 23:33 so với Mc 15:22); zelotes (nhiệt thành) thay cho kananaios (Lc 6:15 so với Mc 3:18). Quan tâm của ngài đối với các Kitô hữu gốc dân ngoại cũng được coi là lý do khiến ngài kể gia phả Chúa Giêsu bắt đầu từ Adong và Thiên Chúa, chứ không phải chỉ từ Ápraham, vốn là tổ phụ của người Do Thái, như Thánh Mátthêu. Phần lớn các trích dẫn Cựu Ước trong Tin Mừng thứ ba đều lấy từ bản Hy Lạp tức Bản Bẩy Mươi. Sau cùng, việc thỉnh thoảng Thánh Luca sử dụng hạn từ “Giuđêa” để chỉ chung cả miền Palestine cho thấy ngài viết khi nghĩ tới những người không thuộc Palestine (Xem Lc 1:5; 4:44; 6:17; 23:5; Cv 2:9; 10:37).

Mục tiêu

Nhưng viết cho họ để làm gì, nhằm mục tiêu gì? E.E. Ellis (1) trình bày một số quan điểm về vấn đề này: Quan điểm thứ nhất coi Tin Mừng thứ ba như một bài bào chữa cho Thánh Phaolô trước tòa án Rôma. Học giả Đức H. Sahlin (2) cho rằng Cv 16-28 chính là lời biện hộ ấy, sau này được Thánh Luca tổng hợp vào các soạn tác của ngài. Lối suy luận tổng quát hóa này khó đứng vững, vì như ta đã thấy liên hệ giữa Thánh Luca và Thánh Phaolô không sâu nặng như tình sư đệ. Vả lại như C.K. Barrett (3) từng nhấn mạnh: không một viên chức Rôma nào (4) chịu ngồi lục lọi hàng chục trang “nhảm nhí” nói về thần học và Giáo Hội học để tìm ra vỏn vẹn ít dòng bênh vực cho Phaolô!

Quan điểm thứ hai của B.H. Streeter (5) cho rằng Tin Mừng Luca muốn trình bầy một hộ giáo để bênh vực cho Kitô Giáo trước mặt giai cấp quí tộc Rôma. Thiển nghĩ quan điểm này không khác là bao về giá trị so với quan điểm đầu trên đây.

Đối với Ellis, bất kể hiệu quả phụ như thế nào, chủ đích của Tin Mừng thứ ba là nhằm các Kitô Hữu gốc dân ngoại như trên đã trình bầy. Dĩ nhiên, trọn bộ Tin Mừng Luca và Công Vụ Tông Đồ có giúp Kitô Hữu khả năng phản công lời tố giác họ có âm mưu phá hoại hay về hùa với người Do Thái nổi loạn. Mặt khác, nó cũng trình bày Giáo Hội như người thừa kế đích thực của Do Thái Giáo, có gốc rễ tại Giêrusalem và do đó, là tôn giáo hợp pháp của đế quốc. Nhưng các mục tiêu này không phải là các mục tiêu đệ nhất đẳng, ít nhất đối với Tin Mừng Luca. Điều quan trọng hơn, đó là 3 quan tâm thần học về Giáo Hội thời Thánh Luca.

Việc phi lịch sử các biến cố Tin Mừng do các Kitô hữu bị ngộ đạo hóa là sai lầm đầu tiên mà Tin Mừng Luca muốn giải quyết. Về điều này, H.Schurmann (6) xem ra đúng khi coi Tin Mừng Luca như một sách giáo huấn cho các Kitô hữu, đặc biệt để chống lại sai lầm trên. Thứ đến, cánh chung học của Tin Mừng Luca nhằm sửa chữa những ai coi Nước Thiên Chúa chỉ như việc Chúa Giêsu sắp trở lại nay mai. Nó trình bày nước này như một trật tự mới của sáng thế sẽ giải phóng con người khỏi tội lỗi và sự chết. Điều độc đáo và cách mạng là sáng thế mới ấy đã lóe rạng ở chân trời hiện tại: Nước Thiên Chúa đã đến rồi (Lc 11:20). Chủ đề thứ ba và bàng bạc nhất trong các trước tác của Thánh Luca là mối liên hệ giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo. Từ lời tiên tri của Simêong (2:34tt) và diễn văn “khai mào” về Đấng Mêxia tại Nadarét (4:16-30) cho tới lời kết án sau cùng của Thánh Phaolô đối với Do Thái Giáo (Cv 28:25tt), việc người Do Thái bác bỏ Đấng Mêxia liên tục được trình bày để lưu ý người đọc. Thiết tưởng đây là mục tiêu chính của Tin Mừng Luca.

Linh mục Fitzmyer (7) cũng có cùng một quan điểm như Ellis, nhưng với một tầm nhìn vượt quá não trạng bài Do Thái hơn. Theo ngài, Thánh Luca nói rõ mục tiêu của ngài ngay trong Lời Mở Đầu “Để ngài hiểu rõ ngài có được sự bảo đảo đảm nào đối với giáo huấn ngài đã tiếp nhận” (1:4). Ngài không phải chỉ chú tâm thuật lại các sự kiện thuộc phong trào Kitô Giáo như các sử gia thế tục, cũng không nhằm giải thích các sự kiện này từ một vị thế bàng quan, xa cách, không can dự. Các sự kiện ấy được trình bày trong âm hưởng một hoàn tất, một nên trọn, chúng thuộc một quá khứ và một hiện tại có liên hệ với những gì Thiên Chúa đã hứa hẹn trong Cựu Ước. Chúng là chất liệu của lịch sử cứu độ. Và ngài muốn độc giả của ngài có được sự bảo đảm về điều đó. Nhưng bảo đảm (asphaleia) đây là thứ bảo đảm nào? Không hẳn là thứ bảo đảm có tính sử học như vừa nói. Nó có đó, nhưng không phải chỉ có thế. Ngài có ý định đoan chắc với độc giả rằng những điều được Giáo Hội thời ngài giảng dạy và thực hành đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu, để củng cố họ trung thành với sự giảng dạy và thực hành ấy. Như vậy, sự bảo đảm ở đây chủ yếu có tính tín lý hay giáo huấn: giải thích ơn cứu độ của Thiên Chúa đã diễn tiến ra sao, đầu tiên được ngỏ với It-ra-en qua sứ mệnh và con người của Chúa Giêsu thành Nadarét, sau đó được truyền lan trong tư cách Lời Chúa, mà không có Lề Luật, tới dân ngoại và tận cùng thế giới.

Như thế, viễn ảnh lịch sử được Thánh Luca áp dụng trong 2 soạn phẩm của ngài đã trở thành phương tiện để ngài trình bày chân lý quan trọng này: Kitô Giáo là chồi cây hợp lý và hợp pháp của Do Thái Giáo hay đúng hơn là người kế tục tôn giáo này, ít nhất cũng dưới hình thức Biệt Phái của nó. Nói theo N.A. Dahl (8), Thánh Luca muốn viết “khúc nối tiếp của lịch sử Thánh Kinh”. Nhưng ta đừng quên rằng, ngài không những nhấn mạnh tới sự kiện “Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta” (Cv 3:13) chính là Đấng đã “vinh danh tôi tớ Giêsu của Người” và “cho Người chỗi dậy từ cõi chết” (3:15) mà còn mô tả Thánh Phêrô và Thánh Phaolô như những người thông truyền cho dân ngoại ơn cứu độ được Chúa Giêsu đem tới, một ơn cứu độ đã được hứa ban cho dân It-ra-en và hiện được dành sẵn cho họ trước nhất. Thánh Luca muốn truyền lại cho thời đại hậu tông đồ một truyền thống về Chúa Giêsu trong tương quan với lịch sử thánh kinh của It-ra-en, đồng thời ngài muốn nhấn mạnh rằng chỉ trong giòng truyền thống tông đồ do Phêrô và Phaolô đại diện này, người ta mới tìm được ơn cứu độ đã được Thiên Chúa xác định.

Quan tâm của Thánh Luca trong việc nhấn mạnh tới mối liên kết và sự tiếp nối giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo được thấy rất rõ trong lối ngài sử dụng Cựu Ước để giải thích biến cố Giêsu. Thực vậy, ngài trích dẫn nhiều đoạn Cưu Ước, về mặt chính thức, không có yếu tố tiên đoán nào, nhưng được ngài đọc không những như lời tiên tri mà còn như lời tiên đoán về những gì sẽ xẩy tới trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu và trong những sự việc xẩy ra sau đó. Việc ấy, trong các soạn phẩm của ngài, được gọi lúc là lời hứa lúc là sự nên trọn như một chủ đề bằng chứng tiên tri. Đây không phải là nhân tố nhỏ nhoi thúc đẩy Thánh Luca trong việc thu lượm các chi tiết thuộc truyền thống Chúa Giêsu và phong trào do Người khởi đầu. Nó nối kết chặt chẽ với chủ đề đảo ngược (reversal-theme)(9) liên quan tới quan điểm của ngài về lịch sử cứu độ.

Như trên đã nói, mục tiêu của việc trình bày Kitô Giáo như có liên hệ mật thiết với lịch sử Do Thái Giáo còn có một khía cạnh khác nữa mà ta có thể gọi là mục tiêu phụ thuộc, vì nó chỉ xuất hiện tại đây trong Tân Ứơc. Mục tiêu này là một trong các yếu tố được ám chỉ nhiều cách trong Tin Mừng Luca, nhưng chỉ được thấy rõ ở phần kết của Công Vụ Tông Đồ: Thánh Luca quan tâm tới việc chứng minh rằng Kitô Giáo, vì bắt nguồn từ It-ra-en do việc người sáng lập ra nó có cha mẹ là người Do Thái và có dấu chỉ giao ước là được cắt bì, nên phải được công nhận là religio licita, tôn giáo hợp pháp, trong Đế Quốc Rôma như Do Thái Giáo. Nó là sự tiếp nối hợp luận lý của Do Thái Giáo. Chính vì thế, đôi khi Thánh Luca dùng thuật ngữ “đảng phái” hay “giáo phái” để chỉ phong trào Kitô Giáo trong Công Vụ (hairesis, 24:5, 14; 28:22) giống như các thuật ngữ dùng để gọi phái Pharisêu (Cv 15:5; 26:5), phái Xa Đốc (Cv 5:17).

Vì muốn độc giả có sự bảo đảm, nên Thánh Luca đã cố gắng lịch sử hóa trình thuật về Chúa Giêsu một cách độc đáo hơn bất cứ tin mừng gia nào khác, đến nỗi có người gọi soạn phẩm của ngài là “hạnh Chúa Giêsu”, thích ứng thể văn đương thời vào trình thuật này để chỉ rõ rằng ơn cứu độ là một điều đã thực sự được thể hiện trong quá khứ rồi. Trong chiều hướng này, có người đã coi các soạn phẩm của ngài như để chống lại phái ngộ đạo, phái phủ nhận lịch sử tính của Chúa Giêsu, như trên đã nói.

Các chủ đề đáng lưu ý của Tin Mừng Luca

Chương trình của Chúa Giêsu mà Thánh Luca trình bày ở đầu thừa tác vụ của Người (Lc 4:16-21) cũng như phương cách thi hành chương trình ấy trong trình thuật về những việc Chúa làm và giảng dạy chứng tỏ Tin Mừng Luca là một tin mừng có tính xã hội, một tin mừng có tính bao gồm. Ta hãy xem một số chủ đề đáng lưu ý trong tin mừng này.

1. Các môn đệ

Tin Mừng Máccô xem ra khá nghiêm khắc đối với các môn đệ: họ được tin mừng này mô tả như những kẻ sợ sệt, suy nghĩ không rõ ràng, đôi khi chẳng hiểu Thầy mình nói gì, nhất là về bản tính và sứ mệnh của Thầy. Tin Mừng Mátthêu đỡ hơn khi nhấn mạnh tới khía cạnh: họ trở thành nhóm thân tín của Người, tuy có hiểu biết đôi chút nhưng “ít lòng tin”. Tin Mừng Luca thì mô tả họ như những người yếu đuối, chứ không hẳn cố tình cản trở mục tiêu của Chúa Giêsu. Bởi thế, trọn biến cố trong đó Thánh Phêrô bị quở trách là Satan trong Máccô 8:31-33 đã không được nhắc đến trong trình thuật của Thánh Luca (Lc 9:18-22) và ngài nhắc tới việc phục hồi Phêrô trước khi nhắc đến việc ông chối Thầy (Lc 22:31-32). Trình thuật khổ nạn của Thánh Luca tìm cách “giảm khinh” cho các môn đệ khi chỉ thuật lại một lần các ông mê ngủ, suốt cuộc thống khổ của Thầy (Lc 22:45), và không nhắc gì tới việc các ông bỏ trốn. Chúa Giêsu có mặt với ông Phêrô trong cảnh ông chối Người và Người nhìn ông bằng ánh mắt mà có tác giả cho là khích lệ (Lc 22:54-62). Cũng thế, dù mô tả các môn đệ đứng từ xa chứng kiến cảnh Chúa bị đóng đinh, nhưng có tác giả coi việc ấy như một hình thức chứng tá, một thứ chứng tá “còn ngờ vực trong lòng” (Lc 24:38).

Thái độ “mềm mỏng” hơn với các môn đệ này có thể là vì các ông sẽ trở thành các nhà lãnh đạo tiên phong của Giáo Hội trong Công Vụ Tông Đồ. Dù sao, Thánh Luca cũng vẫn không ngần ngại liệt kê các sai phạm của các ông mãi cho tới tận Bữa Tiệc Ly. Điều ấy càng làm nổi bật việc Thánh Luca đánh giá hết sức thực tiễn các khó khăn trong cố gắng của những Kitô hữu thành tâm nhưng yếu đuối muốn sống thực cái đạo làm môn đệ Chúa Giêsu: bỏ hết mọi sự (Lc 5:28; 14:33; 18:22-23), ghét cả gia đình (Lc 14:26), vác thánh giá hàng ngày (Lc 9:23)…

2. Người Do Thái

Như trên đã nhấn mạnh: Thánh Luca muốn làm sáng nguồn gốc Do Thái Giáo của Kitô Giáo và qua đó, chứng minh tư cách “religio licita” của tôn giáo mới này trong Đế Quốc Rôma. Ngài muốn tập chú vào khía cạnh tiếp nối hơn là gián đoạn. Bởi thế, theo linh mục Karris, O.F.M (10), trong Tin Mừng của ngài, Thánh Luca mô tả một Chúa Giêsu, dù đôi khi làm ngơ một số giới điều của Lề Luật, nhưng luôn tôn trọng giá trị của Lề Luật ấy (xem Lc 16:17). Trong Công Vụ Tông Đồ cũng thế, Thánh Phaolô, theo phiên bản Luca, từng lên tiếng bênh vực mình không phải là người chống lại Lề Luật và Đền Thờ. Trái lại, Kitô Giáo đứng trong truyền thống tốt đẹp nhất của Do Thái Giáo (xem các phiên xử Thánh Phaolô trong Cv 21-26).

Như ta biết, Do Thái Giáo có truyền thống cầu nguyện lâu đời và thật đẹp. Chúa Giêsu và cộng đồng theo Người vẫn bước đi trong truyền thống tuyệt vời này. Do Thái Giáo được xây dựng trên Mười Hai Chi Tộc. Khi thuật lại việc Thiên Chúa lập It-ra-en tái thiết, Tin Mừng Luca không những nhắc tới việc Chúa Giêsu chọn Mười Hai Tông Đồ (Lc 6:12-16) mà còn nhắc tới việc phục hồi Nhóm Mười Hai này sau cái chết của Giuđa Iscariốt (Cv 1:15-16). Tin Mừng Luca bắt đầu tại Giêrusalem và ngay trong Đền Thờ, với việc Giacaria thi hành bổn phận tư tế. Côn Vụ Tông Đồ 1-3 cũng chủ ý cho biết: nguồn gốc của It-ra-en tái thiết là tại Giêrusalem và trong Đền Thờ. Chính từ Giêrusalem, lời Chúa được rao truyền cho muôn dân (Cv 1:8).

Lẽ dĩ nhiên, sự tiếp nối kia như một chồi non sẽ mọc thành cây khác. Ở đây, ta gặp Thánh Luca trên hai phương diện. Đối nội, ngài chống lại các Kitô hữu gốc Do Thái muốn áp dụng các đòi hỏi khắt khe của Lề Luật vào các tân tòng muốn gia nhập Kitô Giáo. Họ là các biệt phái của tin mừng không chấp nhận thói quen ăn uống và giao dịch với kẻ có tội và người thu thuế của Chúa Giêsu. Chống lại họ, Tin Mừng Luca đã sử dụng lối văn “hội nghị chuyên đề” (symposium) và cho họ mời Chúa Giêsu đến ăn tối chỉ để Người có dịp trả lời các phản biện của họ. Chống lại họ, Tin Mừng Luca cũng khai triển quan điểm ai là con cái Ápraham (Lc 13:10-17; 19:1-10) và do đó, thừa kế các lời hứa của Thiên Chúa. Ngoài ra, Tin Mừng Luca còn tấn công quan điểm của nhóm biệt phái tin mừng bằng cách mở rộng ý niệm ai là “người nghèo của Thiên Chúa”, một thuật ngữ được Cựu Ước cũng như các trước tác Qumran dùng để chỉ những người được chọn. Địa vị xã hội, di sản sắc tộc, và tự cao tự đại tôn giáo không đủ tư cách làm thành viên của nhóm ưu tú này. Kẻ què, người mù, kẻ tàn tật giờ đây đã trở thành thành viên của nhóm (Lc 14: 13,21) và cả các Kitô hữu gốc dân ngoại giầu có biết chia sẻ của cải của mình cho người túng thiếu nữa (6:17-49). Sau cùng, trong It-ra-en tái thiết, giai cấp cùng đinh và phụ nữ đóng một vai trò nổi bật (Lc 7: 36-50).

Về đối ngoại, vấn đề chính mà cộng đồng của Thánh Luca phải đương đầu là việc xách nhiễu, chủ yếu từ các nhà lãnh đạo hội đường Do Thái tại địa phương. Xem Lc 21:11-19 và các vấn đề mà các ông Phêrô, Stêphanô, Barbaba và Phaolô gặp phải trong Công Vụ Tông Đồ. Như các bài giảng của Thánh Phêrô, của Thánh Stêphanô và của Thánh Phaolô cho thấy, các vấn đề này liên hệ tới việc giải thích Sách Thánh, nhất là việc Chúa Giêsu đã làm nên trọn các lời Thiên Chúa hứa như thế nào.

3. Nghèo khó và giầu có

Đọc chương trình thừa tác vụ của Chúa Giêsu (xem trên) hay Kinh Ngợi Khen (1:46-55), hẳn ta cảm thấy mình bất lực, và có tội đối với sự bất lực không thể làm gì để “nuôi sống thế giới”, hoặc giải phóng thế giới hay bất cứ việc gì khác. Ngày nay, ta thường giải thích nghèo túng, đói khát, mù lòa và bị giam cầm theo nghĩa kinh tế, chính trị và xã hội. Nghĩa này thực sự không xa lạ với Tin Mừng nhưng quả chưa diễn tả được hết tâm tư của Chúa Giêsu như Tin Mừng Luca muốn nói.

Thế giới cổ xưa tùy thuộc hàng loạt các mẫu mực bảo hộ và tùy thuộc giằng kéo lẫn nhau, trong đó, gia đình là nền tảng hơn hết, tư thế người bảo hộ xác định ra tư thế người tùy thuộc. Bởi thế, một quả phụ không có con chẳng hạn sẽ thấy mình rơi vào một thân phận bấp bênh về phương diện xã hội, mất hết tư thế vốn nhờ chồng và con trai mới có được. Ta được cho hay: Giakêu là người giầu có (Lc 19:2) nhưng ông bị kể như một người “nghèo” vì sinh kế đã xếp ông vào “hạng tội lỗi”, tức những kẻ quyết đi theo các thực hành trái với Lề Luật Thiên Chúa. Người nghèo vì thế không phải chỉ là người thiếu của cải mà là bất cứ ai không có khả năng hành xử một cách đầy đủ trong xã hội, trong đó có trẻ em và người Samaria. Còn Chúa Giêsu, Người công bố rằng Nước Chúa dành cho mọi người bằng nhau, của cải hay giầu có không phải là dấu chỉ Chúa ưu đãi, ngược lại thì đúng hơn.

Nếu ta tổng hợp một số giáo huấn độc đáo của Tin Mừng Luca, các “khốn thay” với các “phúc thật” (Lc 6:20-26), người giầu có ngu dại (Lc 12:13-21), người nhà giầu và Ladarô (16:19-26) với giáo huấn về việc làm môn đệ, thì dường như giầu có trở thành một cản trở đích thực đối với ơn cứu rỗi.

Nhưng mặt khác, Chúa Giêsu vốn vui lòng tiếp nhận sự hiếu khách và các trợ giúp khác từ người giầu có và trong Công Vụ Tông Đồ, một số thành viên của Giáo Hội là người giầu có, nhưng rộng rãi: Thêôphilô của Thánh Luca rất có thể là loại người đó. Tuy nhiên, giúp đỡ người nghèo là bao gồm họ vào vòng thân mật xã hội chứ không phải chỉ là giúp đỡ họ về vật chất. Lời mời gọi không phải là để giải quyết nạn nghèo đói của thế giới, dù đây cũng là một mục tiêu đáng ước ao, nhưng là trải nghiệm được cuộc sống của “người nghèo”.

4. Phụ nữ

Ta vẫn thường nghe nói: Thánh Luca bao gồm phụ nữ vào hạng “người nghèo”. Thực vậy, thế giới của Tin Mừng Luca phần lớn là thế giới tổ phụ, dù ngoại lệ vẫn có thể có, như câu truyện nữ thương gia giầu có Lyđia trong Cv 16:14-15 đã chứng tỏ. Điều cũng đúng nữa là Thánh Luca năng nhắc đến các phụ nữ nhiều hơn và nêu cả tên của họ nữa, hơn hẳn các soạn phẩm khác của Tân Ước. Lý do có thể là vì văn phong cân đối theo lối Hy Lạp của Thánh Luca khiến ngài hễ nhắc đến một ông thì cũng tìm cách nhắc đến một bà. Việc này thấy xẩy ra cả lúc ngài giới thiệu các nhân vật không ai biết đến trong các tin mừng khác, như khi nhắc tới Giacaria, thân phụ Gioan Tẩy Giả, Tin Mừng Luca cũng nhắc tới Đức Maria (Lc chương 1); nhắc tới Simêong là nhắc tới Anna (Lc chương 2), nhắc tới con trai bà góa Naim là nhắc tới con gái ông Giaia (Lc 7:11-17; 8:40tt), nhắc tới ông Giakêu, con trai Ápraham, là nhắc tới người đàn bà lưng còng, con gái Ápraham (Lc 13:11-17; 19:1-10). Linh mục Felix Just, Dòng Tên, liệt kê 21 trường hợp kể truyện đôi như thế này (11).

Dù sao, Tin Mừng Luca vẫn nhắc đến nhiều nhân vật nữ hơn các tin mừng khác, thậm chí còn nói tới một nữ tiên tri là Anna (Lc 2:36) và nói đến nhiều chi tiết liên quan tới kinh nghiệm thai nghén (1:41-42). Ngài cũng dành nhiều lời mô tả về cuộc sống của Đức Maria (Lc 1:26-56), Mẹ Chúa Giêsu, và người chị em họ của ngài là Thánh Êlisabét (Lc 1:24,25, 41-45, 57-60), thân mẫu Thánh Gioan Tẩy Giả. Cảnh giáng sinh chắc chắn là câu truyện đầu tay của Đức Maria (Lc 2:1-38) cũng như trình thuật về Chúa Giêsu tại Đền Thờ lúc 12 tuổi (Lc 2:41-51). Tin Mừng Luca cũng đề cập tới mẹ vợ Thánh Phêrô (Lc 4:38,39), người đàn bà tội lỗi xức dầu đôi bàn chân Chúa như để biểu lộ tình yêu của nàng vì được Người tha tội (Lc 7:36-30), các phụ nữ theo Chúa và hỗ trợ thừa tác vụ của Người (Lc 8:1-3), người đàn bà bị băng huyết 12 năm (Lc 8:40-56), Maria và Mácta (Lc 10:38-42), dụ ngôn về người đàn bà đánh mất đồng tiền (Lc 15:8-10), dụ ngôn khác về người đàn bà trì chí để dạy môn đệ phải cầu nguyện kiên tâm (Lc 18:1-8), bà quả phụ dâng hai đồng xu (Lc 21:1-4), các phụ nữ khóc thương Chúa Giêsu trên đường chịu đóng đinh (Lc 23:27-31), các phụ nữ dưới chân thập giá và lúc Chúa được chôn cất (Lc 23:49, 55, 56), các phụ nữ ra mồ sáng Phục Sinh để ướp xác Chúa và là những người đầu tiên nghe tin mừng Chúa sống lại (Lc 24:1-11) (12).

5. Chúa Thánh Thần

Thánh Luca nhấn mạnh tới việc làm của Chúa Thánh Thần hơn các tin mừng khác, cả trong cuộc đời Chúa Giêsu lẫn trong chứng tá của Giáo Hội sau đó, đến nỗi, hai linh mục Léon-Dufour (13) cho hay: Chúa Thánh Thần, ngay cả lúc không được minh nhiên nhắc tới trong Tin Mừng Luca, vẫn là thực tại thần linh đang hành động trên trần gian.

Theo tác giả trên, Nước Trời không từ trên rơi xuống, mà đúng hơn Chúa Thánh Thần đã từ cao được ban xuống (ơn ban) và Đấng đang hành động chính là Thần Khí (sức mạnh). Thánh Luca nói rõ điều đó trong Cv 1:7tt: khi các môn đệ hỏi đây có phải là lúc tái lập vương quốc It-ra-en chăng, Chúa Giêsu đã cho họ thấy nước ấy không phải là mục tiêu mà là “các con sẽ nhận được sức mạnh khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các con”.

Thực vậy, Chúa Thánh Thần là ơn ban tuyệt hảo: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Chúa Thánh Thần cho những kẻ xin Người?” (Lc 11:13). Linh mục Léon-Dufour cũng cho biết một dị bản của câu 11:2 thay vì “triều đại Cha mau đến” đã đọc là “Hãy để Chúa Thánh Thần của Cha ngự đến trên chúng con và thanh tẩy chúng con!”.

Chúa Thánh Thần, trong Tin Mừng Luca cũng là một sức mạnh theo kiểu ngôn sứ. Con người được Người thúc đẩy: Gioan Tẩy Giả (Lc 1:15-80), cha mẹ ngài (Lc 1:41,67) và ông Simêong (Lc 2:25-27). Người hiện diện lúc Chúa Giêsu được tượng thai (1:35); Chúa Giêsu được “đầy Chúa Thánh Thần” (Lc 4:1”; “được quyền năng Chúa Thánh Thần thúc đẩy”, Người rời hoang địa để khởi đầu thừa tác vụ công khai (Lc 4:14); đây là sức mạnh giúp Người chữa lành người bệnh (Lc 4:17). Người giải thích sứ vụ của mình bằng lời lẽ các tiên tri: “Thần Trí Chúa ở trên tôi” (Lc 4:18). Chúa Giêsu hân hoan trong Chúa Thánh Thần (10:21). Sau cùng, Chúa Thánh Thần sẽ dạy bảo các môn đệ lúc bị bách hại (Lc 12:12), một chủ đề sẽ được khai triển nhiều hơn trong Công Vụ Tông Đồ.

6. Tin mừng của cầu nguyện

Cũng như các tin mừng khác, Tin Mừng Luca thường cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện như lúc hoá bánh (Lc 9:16), trong bữa Tiệc Ly (Lc 22:17, 19) và trong Vườn Cây Dầu (Lc 22:41, 44). Nhưng chỉ có Tin Mừng Luca cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện lúc chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả (Lc 3:21), trong khi thi hành thừa tác vụ (Lc 5:16), trước khi chọn 12 tông đồ (Lc 6:12), trước lời tuyên xưng của Thánh Phêrô (Lc 9: 18), lúc hiển dung (Lc 9:29), khi các môn đệ trở về (Lc 10: 21), trước Kinh Lạy Cha (Lc 11:1), để củng cố đức tin của Thánh Phêrô (Lc 22:32), khi bị đóng đinh (Lc 23:34), lúc qua đời (Lc 23:46), và với các môn đệ tại Emmau (24:30).

Những người kém quan trọng hơn cũng được mô tả đã cầu nguyện: đám đông (Lc 1:10); ông Giacaria (Lc 1:13); bà Anna (Lc 2:37); môn đệ ông Gioan (Lc 5:33)… Nhiệm vụ cầu nguyện là một bắt buộc (Lc 11:9). Tuyên bố của Thánh Luca về điểm này được dẫn khởi bằng dụ ngôn về người bạn quấy rầy (Lc 11:5-8) và được củng cố bằng dụ ngôn quan tòa bất chính (Lc 18:1-8) và dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế (Lc 18:9-14). Đức tin sẽ nhận được mọi sự (Lc 17:6). Phải cầu cùng Chúa của mùa gặt (Lc 10:2), phải cầu nguyện cho kẻ bách hại mình (Lc 6:28), phải cầu nguyện và tỉnh thức (Lc 21:36) và cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ (Lc 22:40, 46).

Linh mục Felix Just, trong bài Prayer in the New Testament (14), cho rằng trong khi cả 4 Tin Mừng đều đề cập tới các giáo huấn và điển hình cầu nguyện, thì Tin Mừng Luca đề cập nhiều nhất tới các tư liệu về cầu nguyện dưới đủ mọi hình thức như nói với Thiên Chúa, cầu xin, khẩn nài, thề hứa, chúc tụng, tạ ơn, ca ngợi, cúi đầu, thờ lạy, tôn vinh, hát thánh ca, ngâm thánh vịnh…

Một số lời cầu nguyện đẹp đẽ nhất, được Phụng Vụ Giáo Hội hết sức trân trọng, đã chỉ tìm thấy trong Tin Mừng này đó là Kinh Ngợi Khen của Đức Maria (Magnificat, Lc 1:46-55), Kinh Chúc Tụng của Ông Giacaria, thân phụ Gioan Tẩy Giả (Benedictus, Lc 1:68-79) và Kinh Hãy Để Con Ra Đi của Ông Già Simêong (Nunc Dimitis, Lc 2:29-32). Chính vì thế, linh mục Léon-Dufour (15) coi Tin Mừng Luca tạo ra cả một bầu khí cho ngợi ca, cảm tạ và tôn vinh. Ngoài các thánh ca trên, ta còn phải kể tới lời ca của các thiên thần tại Bêlem (Lc 2:13-20), việc tôn vinh của người bất toại (5:25) và những ai hiện diện lúc anh được chữa lành (Lc 5:26), của những người hiện diện lúc Chúa vực sống con trai bà góa thành Naim (7:16), của bà già còng lưng được Chúa chữa lành (Lc 13:13), của người cùi Samaria được lành (Lc 17: 15), của người mù được sáng (Lc 18:43), lời ca tụng của các môn đệ lúc Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem (Lc 19:37tt), lời tôn vinh của viên bách quản lúc thấy Chúa qua đời (Lc 23:47) và sau cùng, việc chúc tụng của các môn đệ sau biến cố Thăng Thiên (Lc 24:53). Tất cả nói lên chứng tá ngợi khen. Chứng tá này sẽ vang vọng khắp cộng đồng Kitô Giáo nguyên khởi (Cv 2:47; 3:8tt; 4:21; 11:18; 13:48; 21:20).

7. Tin mừng của mọi người

Có lẽ nét độc đáo nhất của Tin Mừng Luca là việc nhấn mạnh tới tính phổ quát của đức tin Kitô Giáo. Giống Thánh Phaolô, từ đầu tới cuối, Tin Mừng này cho thấy trong Chúa Kitô không hề có sự phân biệt Do Thái với Hy Lạp (Gl 3:28). Từ bài ca của Simêong tuyên xưng Chúa Giêsu là “ánh sáng… của dân ngoại” (Lc 2:32) tới cuộc gặp gỡ sau cùng của Chúa Phục Sinh với các môn đệ, khi Người cho họ hay “lòng thống hối và ơn tha tội phải được giảng dạy nhân danh Người cho mọi dân tộc” (Lc 24:47), Thánh Luca nhấn mạnh sự kiện này: Chúa Giêsu là Cứu Chúa của toàn thể nhân loại. Chính để củng cố sứ điệp quan yếu này, Thánh Luca đã bỏ phần lớn những gì đặc trưng thuộc người Do Thái. Thí dụ, ngài bỏ các chi tiết nào trong Bài Giảng Trên Núi của Thánh Mátthêu có liên quan trực tiếp tới Lề Luật Do Thái (Mt 5:21-48; 6:1-8, 16-18). Sự căng thẳng trong cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu với các luật sĩ và phe Biệt Phái cũng ít rõ rệt hơn là trong Tin Mừng Mátthêu, như bỏ hẳn chương Mt 23 chẳng hạn. Cuộc tranh luận trong Mc 7:1-23 về truyền thống Do Thái liên quan tới sự sạch sẽ theo nghi lễ cũng không được chép trong Tin Mừng Luca.

Song song đó, Thánh Luca thêm khá nhiều điều tích cực nói lên tính phổ quát. Hơn các soạn giả tin mừng khác, Thánh Luca liên hệ câu truyện của mình với các biến cố của Đế Quốc Rôma (Lc 2:1-2; 3:1). Ngài muốn chứng tỏ rằng điều ngài viết có ý nghĩa với mọi con người, và Chúa Giêsu là Chúa của cả đế quốc phàm trần. Chúa Giêsu Hài Đồng trong đôi tay của Simêong tại Đền Thờ được mô tả là “ánh sáng tỏ lộ cho dân ngoại” (Lc 2:32). Thánh Luca truy nguyên gia phả của Chúa Giêsu không phải chỉ từ Ápraham như Thánh Mátthêu, mà lên tới tận Adong, như thể muốn nói rằng Chúa Giêsu không phải chỉ liên hệ với con cháu Ápraham mà là với mọi con người sinh ra trên quả địa cầu này (Lc 3:23-38).

Những chi tiết trên cộng với việc Thánh Luca bỏ qua lời Chúa Giêsu dặn các môn đệ “đừng đi về phía dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria, nhưng hãy đến với các chiên lạc nhà It-ra-en” trong Mátthêu 10:5-6 (xem thêm Mt 15:24) chứng tỏ đây là lối Thánh Luca muốn truy nguyên sứ mệnh phổ quát của Giáo Hội tới tận chính Chúa Giêsu.

Điều trên càng rõ rệt hơn nữa với Công Vụ Tông Đồ, trong đó, trình thuật của Thánh Luca sẽ xoay quanh việc mở rộng sứ mệnh của Giáo Hội từ Giêrusalem tới Rôma. Dưới ánh sáng cuộc đấu tranh lớn lao của Giáo Hội với chủ nghĩa độc hữu Do Thái (xem Cv 15 và Gl 2), Tin Mừng Luca quả muốn chứng minh rằng sứ mệnh của Giáo Hội đối với toàn thế giới từ nguyên thủy vốn phát xuất từ tâm trí Chúa Giêsu và không bị cột chặt vào bất cứ quốc gia, chủng tộc, văn hóa hay truyền thống nào. Nó là “tin mừng” cho toàn thế giới.

Phản ảnh chứng minh ấy là tư thế của người Samaria trong Tin Mừng Luca. Trên cả hai bình diện chính trị và tôn giáo, người Samaria vốn bị người Do Thái thời Chúa Giêsu coi là nằm ngoài tình hiệp thông. Ngược với thái độ ấy, Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu làm việc giữa người Samaria (Lc 9:51-56; 17:11). Trong dụ ngôn Người Samaria nhân hậu (Lc 10:25-37) và trong câu truyện người cùi Samaria được chữa lành (Lc 17:11-19), Chúa Giêsu đặc biệt lấy người Samaria làm mẫu gương cho tình hàng xóm và lòng biết ơn đích thực. Họ gần Nước Trời hơn nhiều người Do Thái cao ngạo chỉ muốn đóng cửa Nước ấy, không cho họ vào. Tại sao lại nhấn mạnh tới người Samaria như thế? Câu trả lời chắc chắn nằm trong lịch sử Giáo Hội sơ khai. Việc chống đối do sứ vụ của Thánh Philípphê giữa người Samaria gây ra (Cv 8) và việc Thánh Luca sử dụng sứ vụ này để giới thiệu cuộc trở lại của Saolô, người sau này gây ra cuộc tranh luận gắt gao về việc đem Tin Mừng tới dân ngoại (Cv 15), đã khiến Thánh Luca nhấn mạnh như thế. Ngài muốn chứng tỏ rằng sứ vụ Samaria bắt nguồn từ chính tâm trí Chúa Giêsu.

Có điều, khi nhấn mạnh tới tính phổ quát của Tin Mừng, Thánh Luca không hề bài Do Thái. Vì như trên đã nói, ngài luôn nhấn mạnh tới sự thật này: Chúa Giêsu bắt nguồn từ Do Thái Giáo. Chỉ có ngài thuật lại việc cắt bì và dâng Chúa Giêsu vào Đền Thờ (Lc 2:21-24) cũng như việc Người hành hương Đền Thờ năm lên 12 (Lc 2:41-52). Cũng chỉ có Tin Mừng Luca mới đề cập tới những người Do Thái Giáo sùng đạo như Simêong và Anna, Giacaria và Êlisabét: họ đều là tín hữu Do Thái “mong chờ niềm an ủi của Isarel” và được Chúa Thánh Thần ngự trị (Lc 2:25). Ta cũng đã thấy: trong suốt Tin Mừng của mình, Thánh Luca chứng tỏ Chúa Giêsu đã làm lịch sử cứu rỗi nên trọn ra sao và Người chỉ được ta hiểu đúng đắn dưới ánh sáng Lề Luật, Tiên Tri và Thánh Vịnh như thế nào (xem Lc 24:25-27, 44-47).

Chủ đề phổ quát cũng trình bày Chúa Giêsu là Cứu Chúa của mọi loại người như thế nào. Đặc biệt, Tin Mừng này nhấn mạnh tới tình yêu của Chúa Giêsu dành cho những ai bị thế gian coi là đáng bỏ. Thực vậy, chỉ những người thấy mình bị ruồng bỏ mới thấu được lòng xót thương của Người. Ta thấy rõ điều đó trong các tư liệu được Thánh Luca sử dụng nhưng không thấy có nơi các tin mừng khác. Đó là: câu truyện người Biệt Phái và người đàn bà tội lỗi (Lc 7:36-50); dụ ngôn Con Chiên Lạc, Đồng Tiền Đánh Mất, và Người Con Trai Hoang Đàng (Lc 15:1-32); dụ ngôn người Biệt Phái và người Thu Thuế (Lc 18:9-14); câu truyện Giakêu (Lc 19:1-10); việc tha tội cho kẻ trộm lành trên thập giá (Lc 23:39-43) và việc Chúa sống lại đặc biệt hiện ra với Thánh Phêrô (Lc 24:34), người chỉ được Chúa chú ý vì đã tự thú mình là “kẻ tội lỗi” (Lc 5:8) và từng chối bỏ Người (Lc 22:31-34, 54-62).

Lòng cảm thương đối với người nghèo cũng nằm trong tính phổ quát của Tin Mừng. Một cách tiêu cực, điều ấy được thấy rõ qua các cảnh cáo sống động chống lại sự nguy hiểm của lòng tham cũng như của cải nói chung: dụ ngôn Người Giầu Ngu Dại (Lc 12:13-21) hay câu truyện người giầu có dửng dưng trước một Ladarô nghèo khổ (Lc 16:19-31). Một cách tích cực, Tin Mừng này nhấn mạnh tới quyết định của Giakêu (Lc 19:1-10), tới lời khuyên “bán hết của cải, và hiến tặng người nghèo” (Lc 12:33), khuyến khích ta “mời người nghèo” đến dùng bữa (Lc 14:13). Lòng cảm thương này đã được Đức Maria đặt thành ca khúc: “Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư; người giầu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1:53).

Và như trên đã nói, Tin Mừng Luca cũng là tin mừng dành nhiều quan tâm và cảm tình đối với nữ giới, một giới gần như bị loại ra khỏi lãnh vực công trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và cả tôn giáo nữa của Do Thái đương thời.

Đọc Tin Mừng Luca, ta thấy sợi chỉ xuyên suốt chính là tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người và niềm vui của Người là thấy họ trở về với Người (Xem Lc 15 về đồng tiền đánh mất, con chiên lạc và người con trai tìm lại). Người viết thánh ca nổi tiếng Federick William Faber (1814-1863), một linh mục Công Giáo từ Anh Giáo trở lại, bạn đồng hành của Chân Phúc Hồng Y John Henry Newman, từng có bài thơ diễn tả sự cao rộng của tình Chúa xót thương trong Tin Mừng Luca, ví nó như sự bao la của biển khơi, vượt cả lý lẽ công bình, vượt mọi cái hiểu của con người.

Các đặc điểm của Tin Mừng Luca

So với 2 Tin Mừng Nhất Lãm khác, Tin Mừng Luca có nhiều đặc điểm riêng biệt.

1. Khung lịch sử

Chỉ có Tin Mừng Luca đã đặt cuộc đời và thừa tác vụ của Chúa Giêsu vào cái khung lịch sử của thế giới đương thời. Hêrốt là vua Giuđa khi việc Gioan Tẩy Giả sắp sinh ra được loan báo (Lc 1:5). Việc hạ sinh Chúa Giêsu được liên kết với cuộc kiểm tra dân số do Hoàng Đế Xêda Augustô ban hành và lúc Quiriniô làm tổng trấn Syria (Lc 2:1,2). Gioan Tẩy Giả bắt đầu thừa tác vụ công khai vào năm thứ 15 triều Hoàng Đế Xêda Tibêriô, lúc Phôngxiô Philatô làm tổng trấn Giuđêa, Hêrốt là tiểu vương Galilê, em ông là Philípphê làm tiểu vương Iturê và Tracônít, còn Lyxania làm tiểu vương Abilên (Lc 3:1), dưới thời Anna và Caipha làm thượng tế (Lc 3:2).

Dưới đây, chúng tôi sẽ bàn nhiều hơn tới tư cách sử gia của Thánh Luca, một tư cách hiện đang được tranh luận gay gắt. Tuy nhiên, ở đây, chỉ xin dựa vào quan điểm tổng hợp của linh mục Léo-Dufour (16) để khẳng định rằng Thánh Luca là một sử gia kiêm tin mừng gia, kiêm người truyền bá Tin Mừng của Chúa Giêsu. Trong các trước tác của mình, Thánh Luca có sử dụng các hình thức phát biểu chung của các sử gia, các địa lý gia và các tác giả y học. Ngài quả có tham khảo các chứng nhân tận mắt, ngài cũng tìm hiểu tỉ mỉ và thấu đáo các tư liệu sẽ sử dụng, và cố gắng sắp xếp các tư liệu ấy cho có thứ tự lớp lang. Nhưng khi ngài nhận diện các chứng nhân tận mắt của mình như “những người phục vụ lời” Chúa, thì ta bắt buộc phải kết luận: sử gia Luca đã trở thành tin mừng gia hay người truyền giảng tin mừng Luca. Thành thử, các hình thức phát biểu thế tục chỉ là cái áo khoác mặc cho thực tại Kitô Giáo bên trong: các “biến cố” lịch sử là việc công bố Tin Mừng; “truyền thống” lịch sử đồng thời cũng là “truyền thống” tôn giáo, chủ thể mang ơn cứu rỗi Kitô Giáo; các dữ kiện cung cấp cho Thêôphilô trước hết là huấn giáo Kitô Giáo; sự bảo đảm lịch sử có ý dành cho ông có mục tiêu củng cố đức tin Kitô Giáo của ông.

2. Tin Mừng đầy đủ nhất

Tin Mừng Luca là tin mừng dài nhất. Khoảng 50 phần trăm tin mừng này chứa các tư liệu không có nơi nào khác. Không có Tin Mừng Luca, nhiều giai đoạn trong cuộc đời và thừa tác vụ của Chúa Giêsu không được ai biết đến. Như thời thơ ấu của Chúa Giêsu, các dụ ngôn của Người trong các chương 10-19, thừa tác vụ một năm của Người qua Samaria và Perea trong hành trình sau cùng lên Giêrusalem. Nó bao gồm nhiều nhân vật độc đáo như Giacaria và Êlisabét, Simêong và Anna, Simong Biệt Phái và cô gái điếm, các môn đệ Emmau, Giakêu. Phạm vi của nó bao quát hơn các tin mừng khác. Nó bắt đầu với các loan báo liên quan tới việc hạ sinh Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu và kết thúc với việc Chúa Giêsu về trời.

Không thể nói Chúa Giêsu đã thực hiện bao nhiêu phép lạ trong thừa tác vụ của Người, vì phần lớn chúng được nhắc đến một cách tập thể. Có khoảng hơn 10 đoạn trong các tin mừng trong đó, các phép lạ đã được tóm lược cho ta. Tuy nhiên, trong số 35 phép lạ được kể chi tiết trong các tin mừng, 20 phép lạ được tìm thấy trong Tin Mừng Luca. Trong 20 phép lạ đó, có 7 phép lạ chỉ có trong tin mừng này mà thôi (xem Lc 5:1-11; 7:11-17; 8:43-48; 13:10-17; 14:1-6; 17:11-19; 22:50,51).

Có khoảng 51 dụ ngôn được Chúa Giêsu sử dụng, dù có thể có nhiều hơn, vì hiện chưa có sự nhất trí đối với định nghĩa chuẩn xác của dụ ngôn. Tuy nhiên, trong số 51 dụ ngôn này, Tin Mừng Luca trình bày 35 dụ ngôn, trong đó, 19 dụ ngôn là của riêng Tin Mừng thứ ba.

Ngoài ra, như trên đã nói, trong tư cách cựu dân ngoại, Thánh Luca rất chú ý tới thái độ đầy cảm tình của Chúa Giêsu đối với ngoại kiều như người Syria, Rôma, Hy Lạp và cả Châu Phi, và cả những người bị hắt hủi và tội lỗi nữa như người thu thuế, cùi hủi, đĩ điếm và ăn xin. Không tin mừng nào có nhiều thiện cảm đối với phụ nữ và trẻ em như Tin Mừng Luca, điều này càng ngạc nhiên, khi ta thấy soạn giả của nó là một người độc thân.

3. Được soạn thảo có phương pháp

Căn cứ vào Lời Mở Đầu của chính Thánh Luca, ta thấy tin mừng của ngài được soạn thảo theo phương pháp văn học Hy Lạp thời ấy, dựa trên 5 yếu tố 1) tìm hiểu các trình thuật tương tự; 2) phỏng vấn các nguồn đệ nhất đẳng, tức các nhân chứng tận mắt và những nhân vật hàng đầu; 3) điều tra các biến cố được tường trình; 4) xếp đặt có thứ tự các tư liệu; và 5) một mục tiêu rõ ràng.

Thánh Luca viết trình thuật của ngài như một nghệ sĩ. Ngài sử dụng văn suôi lẫn thi ca, đối thoại lẫn mô tả. Trong việc lựa chọn biến cố và nhân vật, ngài sử dụng tính nhịp nhàng trong nhấn mạnh, so sánh và tương phản. Ngài sử dụng kỹ thuật tương phản rất khéo với các chủ đề bao quát, như lòng cảm thương của Chúa Giêsu đối với những người bị hắt hủi và sự kết án của Người đối với bọn Biệt Phái, cũng như các giáo huấn của Chúa về việc tự do sống với Thiên Chúa và cái giá phải trả để làm môn đệ của Người.

Các chuyển tiếp của Thánh Luca cũng khá nghệ thuật. Trong chương 1 chẳng hạn, việc thay đổi nhân vật và nơi chốn diễn ra khá nhẹ nhàng tiến từ vụ thai nghén này qua vụ thai nghén kia. Cũng thế, các tóm lược biến cố của ngài cũng đã được dùng để nối với giòng biến cố sắp tới (xem Lc 2:39-40 hay Lc 5:15-16).

Tin mừng của ngài xuôi chẩy với thờ phượng, cầu nguyện, ngợi khen, hy vọng và tươi vui. Nó bắt đầu với các tín hữu của Cựu Ước trong Đền Thờ, thờ lạy Thiên Chúa trong niềm hy vọng thiên sai. Nó kết thúc với các tín hữu của Tân Ước cũng trong Đền Thờ, nhưng hân hoan vì niềm hy vọng phục sinh. Ở khoảng giữa, ta thấy Chúa Giêsu đích thân tương tác với hàng loạt những con người nhân bản bao quát hơn bất cứ sách nào của Thánh Kinh: người già người trẻ, người rất nghèo người rất giầu, người Do Thái người nước ngoài, các lãnh tụ quốc gia/quốc tế người bần cùng xã hội, người học thức người mù chữ.

4. Một tin mừng đầy hân hoan

Vui tươi, mừng rỡ, hớn hở, hân hoan, hạnh phúc trong an bình khi nghe loan báo Tin Mừng, đó là những điều thường xẩy ra trong Tin Mừng Luca hơn trong các tin mừng khác. Thánh Luca thích dùng động từ loan báo tin mừng hơn là danh từ tin mừng như Tin Mừng Mátthêu và Tin Mừng Máccô. Tin Mừng Mátthêu chỉ sử dụng động từ này một lần khi trích dẫn Isaia (Mt 11:5).

Niềm vui, mà Thánh Máccô gần như không lưu ý (ngoại trừ Mc 4:16) và chỉ được Thánh Mátthêu dùng một số lần (Mt 2:10; 13:14; 25: 21,23; 28:8tt), đã hết sức bàng bạc trong suốt Tin Mừng Luca. Ta thấy nó lúc Gioan Tẩy Giả sinh ra (Lc 1:14, 41, 58), lúc thiên thần truyền tin (Lc 1:28), lúc Đức Mẹ đi thăm bà Êlisabét (Lc 1:41, 44), và lúc báo tin cho các mục đồng (Lc 2:10).

Với các môn đệ hân hoan trở về, Chúa Giêsu cho họ thấy động lực thực sự của niềm vui (Lc 10:20) và niềm vui của chính Người (Lc 10:21). Niềm vui hiện diện nơi đám đông khi họ chứng kiến các điều kỳ diệu xẩy ra trước mắt họ (Lc 13:17). Giakêu vui mừng tiếp đón Chúa Giêsu (Lc 19:6); các môn đệ hân hoan khi vào thành Giêrusalem (Lc 19:37), tại Emmau (Lc 224:41), và sau khi Chúa lên trời (Lc 24:52). Cũng có cả niềm vui nơi Thiên Chúa và thiên đàng khi đón tiếp kẻ ăn năn (rải rác chương 15). Niềm vui được hứa hẹn cho những ai bị bách hại (Lc 6:23).

Tin Mừng Luca cũng là tin mừng của chúc phúc. Tuy thua Tin Mừng Mátthêu tới 4 “mối phúc thật”, nhưng Tin Mừng Luca nhấn mạnh tới sự chúc phúc của bà Êlisabét (Lc 1:45) và của Đức Maria (Lc 1:48) và ngài còn được một người đàn bà khen là có phúc (Lc 11:27). Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa (Lc 11:28), cho các người giúp việc biết canh chừng (Lc 12: 37tt), và những ai tiếp đón người nghèo là những người không thể đền bù gì cho mình (Lc 14:14).
___________________________________________________________________________________________________________
Ghi chú
(1) The Gospel of Luke, in lại năm 1977, tr. 60-61
(2) Der Messias und das Gottesvolk, Uppsala, 1945
(3) Luke the Historian in Recent Studies, London, 1961, tr.63
(4) Nhiều người cho rằng Thêôphilô là một viên chức Rôma.
(5) The Four Gospels, London, 1924.
(6) Erfurter Theologische Studien 12, 1962
(7) Đã dẫn, tr. 8-11
(8) “The Purpose of Luke-Acts” trong Jesus in the Memory of the Early Church: Essays, Minneapolis: Augsburg, 1976
(9) Chúa Giêsu đến lật ngược lại nhiều trật tự trần thế. Đây là chủ đề quen thuộc trong Tin Mừng Luca: kẻ trước hết sẽ trở thành sau hết, kẻ nghèo sẽ được ban dư tràn, người giầu sẽ ra về tay trắng… Người ta gọi những chủ đề này là chủ đề đảo ngược.
(10) Sách đã dẫn, tr. 676.
(11) Xem bài Pairs of Stories in Luke’s Gospel, www.catholic-resources.org
(12) Linh mục Felix Just, SJ, Ph.D., trong bài Women in the Synoptic Gospel, www.catholic-resources.org, liệt kê 49 trường hợp Tin Mừng Luca nhắc đến phụ nữ.
(13) Đã dẫn, tr.235
(14) Đã dẫn
(15) Đã dẫn, tr.235
(16) Đã dẫn, tr. 222.

http://www.thanhlinh.net/node/83319

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét