Trang

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2017

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 46 VÀ 47

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 46 VÀ 47
Tuần 46: Sách Ai Ca – Barúc – Thư Giêrêmia
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ TÔN GIÁO

1. Lưu đày

Trong những năm sau khi Giêrusalem bị tàn phá (587 trước Công nguyên), một số người Do thái bị lưu đày sang Babylon, số khác chạy trốn sang Ai Cập, số khác nữa vẫn ở lại quê nhà.

Vào năm 539, vua Ba Tư là Kyrô đánh bại Babylon và thiết lập đế quốc Ba Tư. Một trong những sắc chỉ đầu tiên của ông là cho phép các dân lưu đày được trở về quê hương của họ.

2. Người Do thái sau lưu đày

Nhiều người đã trở về quê hương nhưng số đông hơn vẫn ở lại trên đất lưu đày (nay đã thành quen thuộc với họ). Những người ở lại tạo thành cộng đoàn tản mác (diaspora), đông nhất là ở vùng Mesopotamia và Ai Cập. Dĩ nhiên có nhiều người đã đánh mất niềm tin truyền thống của cha ông nhưng số đông hơn vẫn trung thành với tôn giáo truyền thống. Trong những năm kế tiếp đó, cộng đoàn Do thái tản mác này đã phát triển mạnh cả về mặt vật chất lẫn đời sống tôn giáo. May mắn cho tương lai tôn giáo của Israel là nhiều người lưu đày lại xuất thân từ những gia đình trí thức và có ảnh hường (các tư tế, ký lục và ngôn sứ) nên dân lưu đày vẫn tiếp tục được hướng dẫn nhờ thành phần ưu tú này. Sống trong cảnh lưu đày, họ phải xa đền thờ, do đó đời sống tôn giáo tập trung vào các hội đường và những văn bản được linh hứng. Họ tụ họp trong các hội đường, đọc và nghiên cứu Lề Luật và các tiên tri, rồi cũng trong giai đoạn này xuất hiện các sách như Ai Ca, Tôbia, Esther, Judith, Khôn ngoan, và Baruch.

II. SÁCH BARUCH

1. Tác giả

Baruch là thư ký của Giêrêmia (x. Gier 36). Có lẽ ông đã đi theo tiên tri Giêrêmia trong cảnh lưu đày, và ông rất quen với những thư Giêrêmia gửi cho dân lưu đày (chương 29 – 33).
Thời xưa, có những tác giả vô danh viết sách nhưng lại đề tên tác giả là những vị nổi tiếng của thời trước. Chính vì thế có nhiều Thánh vịnh được gán cho vua Đavít và những sách khôn ngoan được gán cho vua Salomon. Tương tự như thế, có thể có sách được gán cho Baruch là người thư ký nổi tiếng của Giêrêmia.

2. Một cái nhìn tổng quát về sách Baruch
Nhập đề (1,1-14)
Lời kinh sám hối (1,15 – 3,8)
Bài thơ ca tụng sự khôn ngoan (3,9 – 4,4)
Giêrusalem than van và hi vọng (4,5 – 5,9)
Thư của Giêrêmia (6,1-72)

I. AI CA

1. Tác giả và thời gian biên soạn

Sách được gọi là “Than vãn của Giêrêmia” khi tiên tri nhìn thấy sự sụp đổ của Giêrusalem năm 587 trước Công nguyên. Ngài nhìn thấy làn khói bốc lên từ thành phố, nghe thấy tiếng kêu than của phụ nữ, nhìn thấy xác người nằm ngổn ngang trong cảnh hoang tàn. Tuy nhiên không chắc vị tiên tri là tác giả của tất cả các lời than trong sách. Có thể hai bài thơ đầu là của thị chứng nhân, còn những bài khác được biên soạn trong nhiều năm sau này. Điều chắc chắn là sách Ai Ca như ta có hiện nay đã được hoàn thành khoảng năm 538 trước Công nguyên. Để tưởng niệm biến cố Giêrusalem bị tàn phá (587 trước Công nguyên và 70 sau CN), người Do thái đọc sách này trong các hội đường.

2. Nội dung

Sách Ai Ca gồm 5 bài ca: 

(1) Giêrusalem bị bỏ rơi và thất sủng (1,1-22)
(2) Cơn giận của Chúa chống lại Sion (2,1-22)
(3) Những đau khổ của vị tiên tri và dân Chúa (3,1-66)
(4) Nỗi tang thương của thành bị chiếm đóng (4,1-22)
(5) Lời than thở và khẩn cầu của vị tiên tri (5,1-22)
Nội dung chính: vừa suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của đau khổ vừa nói lên niềm hi vọng và cậy trông vào Thiên Chúa.
 
Tuần 47: Sách Êzêkiel, chương 1-12.

I. TỔNG QUÁT

1. Nội dung

Sách Ezekiel gồm 5 phần chính:
– Chương 1-3 : Ơn gọi của Ezekiel
– Chương 4-24 : Những lời tiên tri về vận mệnh 
Giêrusalem
– Chương 25-32 : Những lời tiên tri chống lại các 
nước khác
– Chương 33-39 : Niềm hi vọng hồi sinh sau khi 
Giêrusalem thất thủ
– Chương 40-48 : Thị kiến về Đền thờ mới và sự 
phục hồi đời sống chính trị cũng 
như tôn giáo của Israel.

2. Văn loại
Sách Ezekiel được xếp vào thể văn tiên tri. Cũng như các tiên tri khác, Ezekiel là phát ngôn viên của Chúa. Khi cộng đoàn phải đối diện với những khủng hoảng tôn giáo và chính trị, Ezekiel nhân danh Chúa đưa ra những lời lên án hoặc khích lệ họ. Đối tượng mà Ezekiel nhắm tới là cộng đoàn Do thái ở Giuđa và Babylon vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Ezekiel nói tiên tri bằng nhiều hình thức: thị kiến, những hành động biểu tượng, những ngụ ngôn, diễn từ.

II. ƠN GỌI CỦA EZEKIEL (1,1 – 3,27)

1. Sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi của con người

Bài tường thuật về ơn gọi của Ezekiel khá giống với những bài tường thuật về ơn gọi của Isaia và Giêrêmia. Tác giả làm nổi bật sự tương phản giữa vinh quang Thiên Chúa và sự thấp hèn của con người, giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi con người: “Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của Đức Chúa. Vừa thấy thế, tôi liền sấp mặt xuống” (1,28).
Cảm nghiệm này giúp cho các tiên tri – và mỗi Kitô hữu – ra đi công bố Lời Chúa với lòng khiêm tốn, đồng thời giữ vững niềm tin tưởng cậy trông: “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Israel… Đừng sợ chúng, cũng đừng sợ những lời chúng nói… Người cứ nói với chúng những lời của Ta” (2, 3-6).

2. Ăn cuộn sách (2,1 – 3,15)

Đức Chúa phán với Ezekiel: “Hãy ăn cuộn sách này rồi đi nói với nhà Israel” (3,1). Ezekiel đã ăn và cảm nhận cuộn sách thật ngọt ngào (3,3). Lời Chúa là mật ngọt cho tâm hồn. Có nhiều thứ mật ngọt. Có những loại mật ngọt dẫn đến hư vong, chỉ có Lời Chúa mới mang lại hương vị hạnh phúc, bình an và niềm vui sâu xa, bền vững. Tiên tri đích thực không rao giảng lời lẽ và sự khôn ngoan của riêng mình nhưng là Lời của Chúa (x. 1Cor 2,4). Muốn thế, bản thân tiên tri phải được thấm nhuần Lời Chúa, phải “ăn và nuốt” lấy Lời Chúa.

3. Nhiệm vụ người canh gác (3,17-21)

Đức Chúa giao cho Ezekiel nhiệm vụ “canh gác nhà Israel.” Tiên tri thi hành nhiệm vụ này bằng cách nghe Lời Chúa rồi thay mặt Chúa loan báo cho dân. Phải loan báo cách trung thành, dù là những lời người ta không muốn nghe; nếu không, bản thân tiên tri sẽ bị trừng phạt: “nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng ‘Chắc chắn ngươi sẽ phải chết,’ và nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác đó biết… thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (3,18).

Được chia sẻ chức năng tiên tri của Chúa Kitô, bạn đã thi hành nhiệm vụ canh gác này với ai? Bằng cách nào?

III. NHữNG HÀNH ĐỘNG BIỂU TƯỢNG

1. Bốn hành động biểu tượng trong Ez 3,16 – 5,17

– Vẽ trên gạch hình ảnh Giêrusalem bị vây hãm
– Nằm nghiêng bên trái rồi bên phải trong một số ngày để loan báo số năm dân Israel và Giuđa bị lưu đày.
– Phần lương thực
– Cắt tóc cạo râu và phân chia râu tóc

2. Ý nghĩa

Những hành động biểu tượng không nhằm mục đích thỏa mãn tính tò mò của người xem nhưng nhằm loan báo Lời Chúa bằng những hành động cụ thể. Các bí tích và cử hành phụng vụ cũng là những hành động diễn tả và chuyển thông ân sủng của Thiên Chúa nhưng nhiều khi ta không quan tâm vì đã quá quen. Đức Bênêđitô XVI nhấn mạnh: “Giáo lý nhiệm huấn cũng phải quan tâm đến việc trình bày ý nghĩa của các dấu chỉ chứa đựng trong các nghi lễ. Điều này đặc biệt quan trọng cho thời đại kỹ thuật cao như thời đại của chúng ta, một thời đại có nguy cơ đánh mất khả năng nhận biết các dấu chỉ và biểu tượng” (Tông huấn Bí Tích Tình Yêu, số 64).

Trong thời đại thế tục hoá ngày nay, cuộc sống chân chính của Kitô hữu cũng có thể là những hành động biểu tượng loan báo Tin Mừng.
 

 
ĐGM. Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét