Trang

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 54 VÀ 55.

HỌC HỎI THÁNH KINH 100 TUẦN – TUẦN 54 VÀ 55.
Tuần 54: Sách Haggai và Zacaria I

I. SÁCH HAGGAI

Tên gọi “Haggai” có nghĩa là lễ hội. Tên gọi này có thể chỉ về ngày sinh của vị tiên tri là một lễ hội. Tên gọi này cũng có thể nói về nhiệm vụ của ông là tái thiết Đền thờ để phục vụ các cử hành tôn giáo, những lễ hội. Tiên tri Haggai bắt đầu công bố các sấm ngôn bắt đầu từ năm 520 trước Công nguyên. Đối tượng ông nhắm đến là những người Do Thái từ lưu đày trở về lần II dưới sự lãnh đạo của Zerubbabel và Jeshua (khoảng năm 522).

Sách tiên tri Haggai có thể được phân chia như sau:

Phần I : Tái thiết Đền thờ (1,1-15a)

1,1 -11 : Lời sấm thứ nhất: Cổ võ việc xây lại Đền thờ 

1,12-15a : Lời sấm thứ hai: Đáp ứng của dân và lời bảo đảm của Chúa

Phần II : Vinh quang tương lai của Đền thờ (1,15b– 2,23)

1,15b – 2,9 : Lời sấm thứ ba: Lời hứa của Chúa

2,10-19 : Lời sấm thứ tư : Những quyết định và phúc lành tương lai

2,20-23 : Lời sấm thứ năm: Tương lai của Zerubbabel

II. SÁCH ZACARIA I

Phần mở đầu của sách giới thiệu “tiên tri Zacaria, con ông Berekia, ông này là con ông Iddo.” Tên gọi Zacaria có nghĩa là “Thiên Chúa đã nhớ đến.” Ơng Iddo, ông nội của Zacaria là một trong các tư tế đã từ cảnh lưu đày Babylon trở về, do đó nhiều người nhấn mạnh đến nguồn gốc tư tế của tiên tri Zacaria.

Dựa vào những chỉ dẫn về thời gian trong sách, người ta chia sách Zacaria thành hai phần: phần thứ nhất (chương 1-8) và phần thứ hai (chương 9-14). Hai phần này trình bày hai giai đoạn khác nhau trong lịch sử tôn giáo và chính trị của Israel.

Sách Zacaria I gồm những phần chính như sau:

Phần I Dẫn vào sách Zechariah I (1,1-6)

Phần II Những thị kiến (8 thị kiến và lời đáp trả của Chúa) (1,7 – 6,15)

Phần III Những lời sấm về chay tịnh và tương lai (7,1- 8,23)`
Đọc Zacaria 2,10-17

Đoạn này gồm hai phần. Phần thứ nhất (2,10-13) là những mệnh lệnh cho dân lưu đày và lời cảnh cáo cho các dân đã cai trị họ. Dân lưu đày được khuyến cáo hãy trốn khỏi đất “phương Bắc” trước khi Chúa phân tán dân Babylon đi bốn phương trời (câu 10). Babylon ở đây không chỉ một miền đất về mặt địa lý nhưng ám chỉ tất cả những kẻ áp bức Israel. Hình phạt giáng xuống trên chúng là “chúng trở thành chiến lợi phẩm cho những kẻ đã làm tôi chúng” (câu 13). Tại sao Thiên Chúa lại phản ứng mạnh mẽ như thế? Vì “kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta” (câu 12). Hình ảnh này diễn tả tấm lòng thương yêu đặc biệt Chúa dành cho dân lưu đày và cho thấy họ có tầm quan trọng như thế nào đối với Chúa. Thiên Chúa luôn luôn dành tình thương đặc biệt cho những người cô thân cô thế, những kẻ bị áp bức. Dựa trên chân lý này, Hội Thánh nhấn mạnh đến tình thương ưu tiên cho người nghèo.

Phần thứ hai (câu 14-17) trình bày một mạc khải mới bằng ngôn ngữ truyền thống: “Hỡi con gái Sion, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, sấm ngôn của Đức Chúa” (x. Sophonia 3,14-15). Trong Chúa nhật III Mùa Vọng (năm C), Hội Thánh diễn tả tâm tình này trong bài đọc I để nói lên niềm vui vì ngày giáng sinh của Đấng Mêsia đã gần đến: “Phần tôi, tôi làm phép Rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép Rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa” (bài Tin Mừng CN III Vọng, năm C).
 
Tuần 55:  Sách Malaki và Gioel

I. SÁCH MALAKI

1. Bối cảnh

Tiên tri Malaki hoạt động vào khoảng năm 450 trước Công nguyên. Khi đó, Đền thờ đã được tái thiết và các sinh hoạt tôn giáo đang được khôi phục. Tuy nhiên có những dấu hiệu tiêu cực trong đời sống đạo của dân chúng. Một số người hoài nghi về quyền năng Thiên Chúa, cho rằng Chúa không đem lại sự thịnh vượng mà các tiên tri loan báo; một số khác tuy vẫn giữ những nghi thức tế tự nhưng chỉ là hình thức bên ngoài. Trong bối cảnh đó, tác giả sách Malaki nhấn mạnh đến tinh thần của giao ước Thiên Chúa đã ký kết với Môsê. Sự trung thành với giao ước phải phát xuất tự tấm lòng và đặt nền trên sự kính trọng yêu thương chứ không phải trên việc tuân giữ các lề luật cách hình thức.

2. Giáo huấn

Tiên tri Malaki trình bày Thiên Chúa như một vị vua vĩ đại và toàn năng, “Từ Đông sang Tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân” (1,11), nhưng cũng là Đấng chan chứa tình yêu đối với dân: “Ta đã yêu thương các ngươi. Thế mà các ngươi nói: Ngài yêu thương chúng con ở chỗ nào?” (1,2). Có lẽ vì thế mà một số người quan niệm rằng, “Phụng thờ Thiên Chúa thật là viển vông, tuân giữ các lệnh truyền của Đức Chúa và bước đi ủ rũ trước nhan Người, nào có lợi chi?” (3,14). Hoặc vẫn làm việc thờ phượng nhưng chỉ là hình thức bên ngoài đến nỗi Thiên Chúa trách mắng dân vì cung cách thờ phượng của họ: “Khi các ngươi tiến dâng một con vật mù để làm lễ tế, đó chẳng phải là xấu sao? Và khi các ngươi dâng một con vật què hay bệnh tật, đó chẳng phải là xấu sao? Hãy dâng con vật ấy cho tổng đốc của ngươi, liệu nó có bằng lòng với ngươi chăng?” (1,8).

Giáo huấn của tiên tri Malaki vẫn rất cần thiết cho đời sống đức tin của ta ngày nay. Trong đời sống thờ phượng, lễ vật tiến dâng là cách biểu hiện lòng tôn kính của ta đối với Thiên Chúa, vì thế lễ dâng phải là những lễ vật có giá trị. Chúa Giêsu giúp ta hiểu giá trị ở đây không chỉ là giá trị vật chất nhưng là chiều sâu tâm hồn của người hiến dâng. Ngoài ra tiên tri Malaki nhấn mạnh đến việc nộp thuế cho Đền thờ. Đây cũng không chỉ là chuyện đóng góp của cải vật chất nhưng là phương thế giúp ta ý thức mình thuộc về một cộng đồng hiệp nhất, và có trách nhiệm góp phần xây dựng cộng đồng. Vì thế cùng với việc dâng lễ tế là đời sống tốt lành theo ý Thiên Chúa và lề luật của Người, “Hãy trở lại với Ta và Ta sẽ quay lại với các ngươi” (3,7).

II. SÁCH GIOEL

1. Bối cảnh
Không thể xác định rõ tác phẩm này đã được viết vào năm nào. Tuy nhiên phần lớn các nhà nghiên cứu cho rằng sách đã được viết vào khoảng năm 400 trước Công nguyên, sau khi dân Israel hồi hương trở về Giêrusalem.

2. Giáo huấn

Sách Gioel được mở đầu bằng câu chuyện về nạn châu chấu tấn công và con người hoàn toàn bó tay (1,1-4). Câu chuyện này khiến ta liên tưởng đến những khó khăn và thử thách gặp phải trong cuộc đời. Đương nhiên những khó khăn đó gây đau khổ cho con người, nhưng đồng thời cũng có mặt tích cực của nó vì giúp ta ý thức thân phận giới hạn của mình, và biết tìm kiếm sự trợ giúp từ nơi Thiên Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu: “Hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (2,13).

Tiên tri Gioel cũng nhấn mạnh đến quyền năng Thánh Thần. Trong ngày lễ Hiện Xuống, dưới tác động của Thánh Thần, các tông đồ đã rao giảng Lời Chúa bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Khi có người cho rằng các tông đồ say rượu, thánh Phêrô đã lấy lời của tiên tri Gioel để nói với họ rằng các ngài không say vì mới là giờ thứ ba trong ngày (9 giờ sáng), nhưng đúng hơn, đây là điều tiên tri Gioel đã nói: “Ta sẽ đổ Thánh Thần của Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành tiên tri, thanh niên sẽ thấy thị kiến, bô lão sẽ được báo mộng.” Quyền năng của Thánh Thần đã được thể hiện tỏ tường nơi các tông đồ, và quyền năng ấy sẽ tiếp tục tỏ hiện trong đời sống Kitô hữu nếu ta mở rộng cánh cửa tâm hồn đón nhận Ngài

ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WGPSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét