Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

Do hoàn cảnh và nhu cầu


Ronald Rolheiser, 2012-03-04
Chúng ta có thể mất tự do vì nhiều lý do, và đôi khi vì những lý do tốt đẹp nhất.
Hãy tưởng tượng kịch bản này: Bạn đang trên đường đến nhà hàng để gặp một người bạn và cùng ăn tối, một lịch trình hoàn toàn chính đáng, nhưng trên đường đi bạn chứng kiến một tai nạn xe hơi. Vài người trong tai nạn này bị thương nặng, bạn là người đầu tiên đến hiện trường. Vào lúc đó, chương trình riêng của bạn – ăn tối với bạn – đành phải gác lại. Bạn đã mất tự do và, do hoàn cảnh và nhu cầu, đã buộc phải nán lại đó và giúp đỡ. Bạn điện thoại gọi xe cứu thương, gọi cảnh sát, và cùng với người bị thương, bạn chờ đội cứu cấp đến.
Trong suốt thời gian đó, tự do của bạn bị treo. Dĩ nhiên là bạn vẫn có tự do triệt để. Bạn có thể để những người bị thương tự lo liệu và đi đến nhà hàng, nhưng nếu làm như vậy hẳn bạn sẽ đánh mất một phần lòng nhân của mình. Xét về mặt luân lý và hiện sinh, hoàn cảnh và nhu cầu đã lấy đi tự do của bạn. Chúng đã cầm giữ, dành riêng bạn lại, chắc chắn cũng giống y toà giám mục dành riêng một tòa nhà để làm nhà thờ. Tòa nhà đó không dành riêng để làm nhà thờ, nhưng giờ đây nó được thánh hiến và không còn tự do để dùng vào các việc khác. Chúng ta cũng vậy, hoàn cảnh có thể thánh hiến chúng ta và lấy đi sự tự do của mình.
Trong tâm thức thông thường, thánh hiến là một từ hàm nghĩa những gì liên quan đến nhà thờ và tôn giáo. Chúng ta hiểu có những thứ chắc chắn đã được thánh hiến, được lấy ra khỏi thế giới trần tục và dành riêng cho phụng vụ thiêng liêng tôn nghiêm; ví dụ: các tòa nhà (nhà thờ), những con người (linh mục, thầy trợ tế, sư thầy, sư cô), bàn (bàn thờ), cốc tách (cốc rượu lễ), áo quần (lễ phục và cách ăn vận tôn giáo). Có một vài giá trị chính đáng trong những chuyện này, nhưng nguy hiểm ở đây là chúng ta có xu hướng coi việc thánh hiến là một  tách biệt siêu hình và sùng kính hơn là việc đặt qua một bên để dành cho phụng vụ. Đặt tự do của bạn qua một bên nhằm chấm dứt và giúp đỡ một tai nạn giao thông là không thay đổi lòng nhân đạo của bạn; nó chỉ đình chỉ hoạt động thông thường của bạn. Nó đòi hỏi bạn phục vụ vì tình cờ bạn ở đó, không phải vì bạn quan trọng hơn hay thiêng liêng hơn bất cứ ai khác.
Đó là trường hợp của ông Mô-sê. Khi Chúa yêu cầu ông đến gặp Pha-ra-ông để xin trả tự do cho người I-xra-en, ông Mô-sê phản đối: Tại sao không phải là anh của con? Anh ấy có tài lãnh đạo giỏi hơn. Con không muốn làm điều đó! Tại sao lại là con? Và Chúa đáp lại lời phản đối đó với lời lẽ như sau: Bởi vì con đã nhìn thấy đau khổ của họ! Đơn giản vậy thôi: Chúa nói với Mô-sê, ông sẽ không quay bước đi vì ông đã thấy nỗi khổ đau của các dân tộc. Vì lý do đó, ông là người được thánh hiến, người không còn được tự do quay bước. Hoàn cảnh và nhu cầu đã thánh hiến ông.
Chính ý niệm của chúng ta về nhà thờ dựa trên khái niệm này. Từ Ecclesia (Giáo Hội) bắt nguồn từ hai từ Hy Lạp: “Ek Kaleo”. “Ek” là phó từ, có nghĩa là “bên ngoài/ra khỏi” (out of); còn “Kaleo” là động từ, nghĩa là “được gọi/được yêu cầu”. Là thành viên của giáo hội là được/bị “gọi/yêu cầu ra khỏi”. Và cái mà chúng ta được “yêu cầu ra khỏi” là cái mà hẳn sẽ là chương trình thông thường của chúng ta nếu chúng ta không bị buộc phải làm do mình đã rửa tội và do các yêu cầu tự nhiên của sứ vụ tông đồ kèm theo đó. Phép rửa tội và thành viên của giáo hội đã thánh hiến chúng ta. Chúng gọi chúng ta ra và tách riêng chúng ta sang một bên cũng y như việc ông Mô-sê đã nhìn thấy đau khổ của những người It-xra-en nên ông đã không còn tự do để sống một cuộc sống bình thường và cũng y như việc trên đường đi đến nhà hàng, chứng kiến một tai nạn giao thông làm cho chúng ta phải đặt qua một bên kế hoạch đi ăn tối.
Edward Schillebeeckx từng viết một quyển sách trong đó ông cố gắng giải thích tại sao Giê-su không bao giờ lấy vợ. Ông kiểm tra nhiều giả thiết khác và các động cơ khác nhau có thể có, và ông đi đến kết luận, rốt cuộc, Giê-su không bao giờ lấy vợ bởi vì “về mặt hiện sinh là [ông] không thể” lấy vợ. Về căn cốt, điều Schillebeeckx nói là: Giê-su không bao giờ lấy vợ bởi vì tình thương bao la của người cũng như phạm vi, mức độ những vết thương và nhu cầu của thế giới đơn giản là không bao giờ chừa lại cho người cái tự do để lấy vợ, giống như một người đang trên đường tới chỗ hẹn ăn tối với bạn nhưng chương trình đó đã bị đổi khác vì cô chứng kiến một tai nạn giao thông. Cũng giống như ông Mô-sê, người buộc phải theo một mệnh lệnh của luân lý. Người không lấy vợ, không phải vì người đánh giá rằng sẽ thiêng liêng hơn nếu độc thân, hoặc vì người cần một mức độ trong trắng nhất định mang tính chất sùng kính cho mục vụ. Người không bao giờ lấy vợ vì nhu cầu của thế giới này đơn giản đã đình chỉ cuộc sống bình thường. Người độc thân không phải vì thích như vậy hơn về mặt tình cảm hay vì siêu việt hơn về mặt thiêng liêng, mà vì buộc phải như vậy về mặt luân lý.
Ngày nay, từ thánh hiến đã mất đi phần lớn ý nghĩa phong phú của nó. Chúng ta đã hạ thấp từ này để gắn với phòng thánh đựng vật dụng thờ phượng và chất đầy hàm nghĩa về sự trong trắng và sùng kính. Nhưng như vậy thì đáng tiếc, vì cả hai, những gì tốt đẹp nhất trong lòng nhân đạo và đức tin của chúng ta mãi mãi cố gắng để thánh hiến chúng ta. Các nhu cầu và các vết thương của thế giới không ngừng yêu cầu chúng ta đình chỉ tự do căn bản của mình, đặt qua một bên các chương trình của riêng mình, để mà phục vụ.
Và, giống Mô-sê, tất cả chúng ta ai cũng đã chứng kiến đủ khổ đau trên thế giới này rồi đến nỗi chúng ta chẳng nên hỏi câu này nữa: “Tại sao lại là tôi?”
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét