Trang

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017

Theo Chúa Giêsu, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng?

Theo Chúa Giêsu, theo nghĩa đen hay nghĩa bóng?


Ronald Rolheiser, 2011-02-27
Môi trường làm việc của tôi ở trong giới nhà thờ, phần lớn những người tôi gặp ở đó là trung thực, nhiệt tâm, và đa số, họ toát ra một đức tin sâu đậm. Đa số những người đến nhà thờ không phải là người giả nhân giả nghĩa. Nhưng điều tôi thật sự thấy lo âu trong giới này là quá nhiều người trong số chúng ta lại có thể chua chát, giận dữ, nhỏ mọn, xét nét, đặc biệt trong chính các giá trị mà chúng ta coi trọng nhất.
Chính cha Henri Nouwen là người đầu tiên nêu lên điều đó. Cha buồn rầu nhận xét trong số những người thật sự giận dữ, chua chát và bị ý thức hệ lôi đi mà cha biết đến thì cha đã gặp trong giới nhà thờ và ở cương vị mục vụ. Trong giới nhà thờ, đôi khi dường như ai cũng giận dữ về một điều gì đó. Hơn nữa, ở môi trường này, thật quá dễ dàng biện lý cho nỗi tức giận của mình nhân danh lời tiên tri, như là một nỗi đam mê lành mạnh đối với chân lý và đạo đức.
Lô-gic của chuyện đó là: Vì tôi tha thiết quan ngại tới một vấn đề đạo đức, giáo hội hay công lý quan trọng, nên tôi không có lỗi nếu ở chừng mực nào đó tôi rối trí, tức giận, tự cho là ưu tú, và xét nét tiêu cực, bởi vì tôi có thể biện lý rằng sự nghiệp về mặt đạo đức hay tín điều của tôi quan trọng tới mức có thể biện minh cho sự nhỏ mọn của mình: Tôi cần phải tức giận và khắc nghiệt như thế này bởi vì chân lý đó quan trọng đến thế cơ mà!
Và thế là chúng ta biện minh cho nỗi tức giận của mình bằng cách khoác cho nó một cái vẻ tiên tri, trong lòng tự cho mình là chiến binh của Chúa, của chân lý và đạo đức khi mà thực ra chúng ta phần lớn chỉ đang khó khăn chống chọi với những vết thương, nỗi bất an và sợ hãi của chính mình. Vì thế, chúng ta thường nhìn vào người khác, thậm chí cả toàn bộ nhà thờ gồm những con người tha thiết cố gắng sống phúc âm, thay vì thấy các anh chị em cũng đang gắng gỗ, như chúng ta, để theo bước Giê-su, chúng ta lại nhìn thấy “những người lầm lỗi”, “những kẻ tương đối chủ nghĩa nguy hiểm”, “những kẻ ngoại đạo thời đại mới”, “những tên dị hợm tôn giáo”, hoặc là – lúc chúng ta độ lượng hơn – “những linh hồn lầm lạc tội nghiệp”. Nhưng không bao giờ chúng ta nhìn xem kiểu xét nét như vậy đang nói lên điều gì về chính mình, về chính tình trạng sức khỏe tinh thần của mình và việc theo chân Giê-su của chính mình.
Xin đừng hiểu nhầm ý tôi: Chân lý thì không tương đối, các vấn đề luân lý là quan trọng, và sự thật đúng đắn và luân lý đích thực, cũng giống như các vương quốc bị bao vây liên miên, cần được bảo vệ. Không phải mọi lời phán xét luân lý nào cũng đồng đều, các nhà thờ cũng vậy.
Nhưng điều chân lý đó không phủ đầu mọi thứ khác, cũng không là lý do để chúng ta biện lý cho nỗi tức giận của mình. Chúng ta phải bảo vệ chân lý, bảo vệ những ai không thể tự vệ, và kiên trung trong những truyền thống của nhà thờ chúng ta. Nhưng những sự thật và luân lý đúng đắn không nhất thiết làm chúng ta trở thành tông đồ của Giê-su. Điều gì khiến chúng ta trở thành tông đồ của Giê-su?
Những gì khiến chúng ta trở thành vị tông đồ chân chính của Giê-su là sống trong Tinh thần của Người, trong Thần Khí, và đây không phải là điều gì trừu tượng hay mơ hồ. Nếu có ai đó muốn tìm một công thức duy nhất để xác định ai là Ki-tô hữu ai không, người đó có thể đọc Thư gởi cho tín hữu thành Ga-lát, chương 5. Trong đó, Thánh Phao-lô bảo chúng ta rằng chúng ta có thể sống căn cứ theo tinh thần của xác phàm hay Thần Khí.
Chúng ta sống theo tinh thần của xác phàm khi chúng ta sống trong giận dữ, chua chát, xét nét láng giềng của mình, với óc bè phái, và không vị tha. Khi đời sống chúng ta có những tính chất như vậy thì chúng ta không nên tự lừa dối rằng chúng ta đang sống trong Thần Khí.
Ngược lại, chúng ta sống trong Thần Khí khi đời sống chúng ta nổi bật lên bằng lòng bác ái, vui vẻ, bình an, thiện tâm, chịu đựng, bền lòng, hiền lành và khiết tịnh. Nếu đời sống chúng ta không có những tính chất đó, thì chúng ta không nên tự huyễn rằng mình đang ở bên trong Tinh thần của Chúa, bất kể niềm đam mê đối với sự thật, tín điều hay công lý của chúng ta là gì.
Có thể nói như thế này là tàn nhẫn, nhưng không nói ra thì còn tàn nhẫn hơn, nhưng đôi khi tôi lại thấy lòng khoan dung, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, thiện tâm và hiền lành trong số những người theo thuyết Nhất vị luận, Thời đại Mới, hay Baha’i (mà thường bị các giáo hội khác phán xét là không có chính kiến rõ ràng và chẳng đại diện cho điều gì cả) còn nhiều hơn so với những người nào trong số chúng ta đứng lên hô hào đanh thép cho những vấn đề đạo đức và giáo hội nào đó nhưng thường là hẹp hòi và chua chát trong suy nghĩ của mình. Nếu được lựa chọn người hàng xóm, hay sâu sắc hơn, lựa chọn người mà tôi muốn được chia sẻ đời đời, đôi khi tôi khá bị giằng co: ai là bạn đồng hành đức tin thật sự của tôi? Con người quá khích giận dữ đang xung trận vì Giê-su hay vì chính nghĩa đó, hay linh hồn hiền lành hơn mà bị dán nhãn hiệu không có chính kiến rõ ràng hay “thời đại mới”? Xét cho cùng, ai là Ki-tô hữu thật sự?
Tôi tin rằng, chúng ta cần tự phê bình nhiều hơn về nỗi tức giận, những phán xét khắt khe, tính nhỏ mọn, sự bài xích, và sự khinh thị của chúng ta đối với những con đường luân lý và giáo hội khác. Như T.S. Eliot từng nói: Cám dỗ cuối cùng và là tội bội tín ghê gớm nhất là làm một điều đúng vì một lý do sai lầm. Chúng ta có thể có sự thật và những luân lý đúng đắn đứng về phía mình. Nhưng nỗi giận dữ và những phán xét khắc nghiệt của chúng ta đối với những ai không cùng chia sẻ sự thật và luân lý với mình hoàn toàn có thể khiến chúng ta đứng ngoài ngôi nhà của Cha, giống như người anh trai trong câu chuyện người con hoang đàng, cay chua trước lòng nhân từ của Chúa lẫn cay chua với những ai đang được nhận lòng nhân từ đó.
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét