Trang

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

MẦU NHIỆM GIÁNG SINH

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 19-32

Phương Nam 
viết theo MAURICE LELONG, Mystery of Christmas

I. NGƯỜI LOAN BÁO HỒNG ÂN GIÁNG SINH

“Noel mùa hè.” Xưa kia người ta hay nói về sinh nhật thánh Gioan như thế. Đây không phải chỉ là một kiểu nói hoa mỹ, nhưng kiểu nói này còn mang một ý nghĩa thần học và sâu xa: Gioan được nói đến như để chuẩn bị cho hồng ân của Đấng Cứu Thế, hơn nữa, tên riêng của người cũng nói lên điều đó.

Thánh Luca chủ ý liên kết việc con trẻ của Zacaria và Elisabet sinh ra có tương quan mật thiết với việc chào đời của Chúa Giêsu, đến nỗi Giáo hội buộc phải mừng lễ sinh nhật của người.

Như thế, mặc dù mới đến phụng vụ của lễ Hiện xuống, bầu khí giáng sinh đã đến với chúng ta.

Trong bài giảng về lễ Sinh nhật của thánh Gioan Tẩy giả, một giám mục ở thế kỷ V đã nói, tuy cha mẹ đã già nua tuổi tác nhưng con trẻ được tiền định sau này vẫn được ban cho họ, nên “Trong vào một thế giới già nua và suy tàn, cần phải nhận ra tác giả của sự đổi mới, đó là Người Con duy nhất của Thiên Chúa” (Maxime).

Có lẽ một câu nói như thế không còn hợp thời nữa. Kiểu nói của thánh Maxime thành Turin không lạc lõng trong một xã hội có quá nhiều dấu hiệu già nua, nhưng nó chỉ hơi khó nghe. Như những ngày đầu khởi nguyên, một Giáo hội – vốn là sự hiện diện của Đức Kitô và Lời của Người, đã đem đến một phương thế canh tân phát xuất từ sự trẻ trung muôn đời của Thiên Chúa.

Nhờ đặc ân của Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu, trong phụng vụ mới có được ngày mừng sinh nhật của Gioan (24/6). Phụng vụ chỉ mừng ba lễ sinh nhật, đó là của Đức Maria (8/9), của Gioan (24/6) và của Chúa Giêsu (24/12). Hơn nữa, ngày sinh nhật của Gioan được xác định tùy vào ngày lễ Giáng sinh. Theo thánh Pierre Damien, sở dĩ Giáo hội chỉ cử hành ba lễ sinh nhật lễ sinh nhật của Con Thiên Chúa; lễ sinh nhật của Đức Maria và lễ sinh nhật của Gioan, chính vì Giáo hội biết rõ, đối với con người, ngày chết quí hơn ngày sinh.

Nếu phương ngôn “giác ngộ” của sách Giảng viên (7,1) “ngày chết hơn ngày sinh” được xem như một phán đoán tuyệt đối về giá trị cuộc sống thì phương ngôn đó có lẽ là một lời phỉ báng tệ hại nhất.

Không có điều gì trái ngược với giáo huấn căn bản của Tin mừng hơn chủ nghĩa bi quan yếm thế. Vì ban đầu Thiên Chúa thấy công trình của mình tốt đẹp, tuy kết cục, Người cũng đành ra hình phạt để sửa phạt. Hơn nữa, nhờ niềm tin vào mầu nhiệm nhập thể và phục sinh của Chúa Kitô, người tín hữu sẽ nhận ra rằng mọi sự vẫn còn tốt đẹp như ngày khởi nguyên.

Do đấy, chiến thắng sau cùng của thời gian tại thế đáng được hoan hỉ tung hô: “Giáo hội cử hành ngày các thánh qua đời vì Giáo hội coi cái chết đó là sự chào đời của các Người, các vị tử đạo thực sự được sinh ra khi các Người khước từ sự sống vì Chúa Kitô”.

Mỗi người hãy tự nhận ra mình còn sống xa sự thật và niềm tin này biết bao!

Đối với những ai lần đầu tiên theo thi hài của một người thân tới mộ phần, họ sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng lời cầu nguyện chỉ là sự vui mừng và là một bài ca tin tưởng.

Nơi biến cố sinh nhật Gioan Tẩy giả, và nơi những người chứng kiến việc sinh ra lạ lùng của Người, chúng ta nhận ra ân sủng đang hoạt động. So sánh hai biến cố sinh nhật và những gì xảy ra chung quanh đó, chúng ta đi dần vào chính mầu nhiệm. Cùng một sứ thần Thiên Chúa đã hiện ra với ông Zacaria và Maria. Zacaria lúng túng, còn Maria bối rối. Thiên thần Gabriel nói với cả hai “Đừng sợ!” và loan báo một biến cố:

Zacaria lên tiếng: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy?”

Đức Maria hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào?”

Một lời khiển trách kèm theo một hình phạt nhẹ cho sự nghi ngờ của Zacaria.

Lòng tin và sự ưng thuận của Đức Maria được đền bù bằng lời loan báo kèm theo một dấu chỉ.

Hai trình thuật sinh nhật của Gioan và Chúa Giêsu có một sự tương hợp lạ lùng. Người ta ghi lại, từ hai cuộc sinh ra đó, một niềm vui lớn tràn lan trên trái đất và dội lên tới tận trời cao.

Hai bài thánh ca Benedictus của Zacaria, và Nunc Dimitis của Simeon trong dịp lễ dâng con vào đền thờ, nói lên khúc quanh của ơn cứu độ.

Sau cùng, cuộc đời hai trẻ được cô đọng trong hai công thức hầu như đồng nhất nhau.

Hài nhi (Gioan) “càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh” (Lc 1,80a).

Hài nhi (Giêsu) “ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan” (Lc 1,40a).

“Cậu (Gioan) sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Israel” (Lc 1,80b).

“Và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa… và Người (Giêsu) hằng vâng phục các Người” (Lc 2,40b; 51b).

Suốt cuộc đời ẩn dật của Gioan Tẩy giả và của Chúa Giêsu bao gồm trong những công thức song đối rất đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa.

Thánh ký cố ý trình bày rõ ràng những điều đó.

Với ý định gì? Phải chăng cho thấy người này hơn người kia?

Có lẽ thánh ký sẽ là người vô ý hoặc hời hợt khi chỉ hài lòng về một sự mơ hồ như thế. Nhưng không phải vậy.

Những hạn từ và những đặc quyền được dành nói riêng về Thiên Chúa lại được gán cho Đức Giêsu. Người không chỉ “lớn hơn một Ngôn sứ”, và cũng không “lớn nhất giữa những người do người nữ sinh ra”, nhưng Người được coi là “lớn” vô hạn, không thêm gì được nữa, và là “Con Đấng Tối Cao”.

Tuy nhiên, khi tự nhận mình không xứng đáng cởi dép cho “Con Đấng Tối Cao”, Gioan đã làm tỏa sáng những tước hiệu trên, đồng thời mang lại cho chúng một ý nghĩa, một sức mạnh trọn vẹn.

Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi (Ga 1,23)… Tôi đến làm phép rửa trong nước… Chính Người là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần (Ga 1,31.33).

Tôi đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người… Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi… (Ga 3, 28-30).

Gioan không phải là sự sáng, nhưng làm chứng về sự sáng; ông đã tuyên bố rằng Người đến sau ông nhưng trổi hơn ông, vì có trước ông (Ga 1,15).

Các tín hữu tin rằng tuy ngôi vị của Đức Kitô chỉ mang tính lịch sử khi bước vào thời gian, nhưng ngôi vị của Người vẫn có trước Gioan từ đời đời qua Ngôi Lời. Điều này không có gì là mâu thuẫn, cũng không có gì là vượt quá trí hiểu biết của chúng ta.

Trong phụng vụ lễ thánh Gioan Tẩy giả, ơn gọi và sứ vụ của Vị Tiền hô là điểm chính yếu. Ơn gọi và sứ vụ đó chỉ có thể hiểu được trong viễn ảnh vượt khỏi sự kế tục của thời gian tại thế. Đối với Thiên Chúa; không có trước cũng không có sau, không có kế tục nhau. Người dọn đường cho Chúa chỉ hiện diện và đang hoạt động. Đối với một kitô hữu, mọi vấn đề đều trở nên dễ hiểu hơn nhờ sự hiện diện và tác động của Đức Kitô.

Đàng khác, cần xem sự sống đích thực là gì?

Vào dịp lễ Sinh nhật Gioan Tẩy giả, giám mục thành Hippone đã gợi lại cho đoàn chiên của mình điều này bằng những lời lẽ mạnh mẽ, gần như là khiêu khích. Người đã viết: “Anh là ai? Điều anh có, chẳng phải anh đã lãnh nhận sao? Mỗi người hãy xem: Khi sinh ra mình là gì? Dù sang trọng, anh cũng trần truồng. Vậy sang trọng làm gì? Sinh ra trong giàu sang thì cũng trần trụi như sinh ra trong nghèo hèn. Và giả như được sinh ra trong quyền quí thì nó có làm anh sống như anh muốn không? Anh đã sinh ra cho dù anh không muốn và anh sẽ chết cho dù anh còn ham sống. Rồi, hãy nhìn vào trong ngôi mộ, ở đó anh có phân biệt được đâu là hài cốt của những người giàu (và của những người nghèo) không?

Con người đã không bao giờ ngưng nhận thức về thân phận tầm thường và thấp hèn nhất của mình, ngay cả trong tầng lớp cao sang danh giá được đề cao và nghĩ rằng mình có đặc quyền, và cả đến sức mạnh thô bạo nữa. Thân phận đó chỉ gây phiền toái khi con người không phá đổ được tính tự kiêu, tự mãn của mình.

Còn người kitô hữu chỉ mong được nhỏ đi để trở nên con người mới, được Đức Kitô tái tạo và lớn lên trong Người.

Nếu người kitô hữu hiểu được rằng mình đã từng ngàn năm thinh lặng, thì Lời Thiên Chúa đã sáng tạo nên họ. Lời đó đã xuất hiện như vào những ngày sáng tạo thế giới và ngày Nhập thể, Lời đã được nhận ra qua một dấu chỉ, chính là Lời đã mang lại sức mạnh và niềm vui.

Thánh Phaolô thốt lên: “Tôi chịu đựng được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Ph 4,13) và cùng với Người, các Tông đồ loan báo nhân danh Đức Kitô.

Tuy nhiên, một trong những lời của thánh Gioan Tẩy giả trả lời cho những người đến hỏi về vị ngôn sứ mà chính ông đang làm chứng, đã để lại cho chúng ta một bí mật lớn lao: “Đó là niềm vui của tôi, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn” (Ga 3,29).

Bây giờ… Người đã nói “bây giờ”.

Trong phép rửa của Thánh Thần, niềm vui đã hứa cho những môn đệ thánh Gioan phải chăng sẽ có được ngay tức khắc?

Đó là vấn đề, vấn đề niềm vui của lễ Giáng sinh đã đến với chúng ta qua lễ sinh nhật của thánh Gioan vào kỳ đầu hè.

Thực vậy, mùa Vọng đích thực là mùa phải ca hát với tâm tình mong đợi như thể một biến cố lớn đã từng được mong đợi mãnh liệt hiện đã xảy ra rồi và con người sẵn sàng nhận thấy biến cố đó xuất hiện bất ngờ.

Theo cảm nghiệm con người; hạnh phúc một khi đã được, thì niềm vui chiếm hữu được thường thuần khiết và mãnh liệt hơn là chính hạnh phúc. Từ khát vọng thâm sâu và thầm kín, có một hoài bão sâu xa mà ít người biết, hoài bão đó hướng dẫn con người tới cái mình không có, cái mà trần gian không thể đem lại cho con người.

“Tâm hồn con xao xuyến cho đến khi được an nghỉ trong Người” (irrequietum cor nostrum donec requiescat in Te)… Chính việc nhận ra thân phận lữ hành của chúng ta cho thấy rằng, đang khi tiến bước về nơi mà sau cùng chính chúng ta sẽ ở, làm cho chúng ta thành những người được dâng hiến cho niềm hy vọng.

Niềm vui trong hy vọng, đó là điều đã lấp đầy tâm hồn thánh Gioan Tẩy giả, và niềm vui đó đã được hứa cho chúng ta ngay từ bây giờ.

Phúc thay những người biết biểu lộ nơi tâm hồn nghèo khổ lo toan tính đời thường của mình lời kêu xin của các kitô hữu tiên khởi Maranatha. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.

II. NGƯỜI LOAN BÁO HỒNG ÂN GIÁNG SINH

Bạn cô đơn – cô đơn giữa đêm khuya – một đêm không như những đêm khác – để chờ đợi hồng ân giáng sinh; năm nay, hồng ân đó sẽ là gì?

Bạn buồn, có thể – vì chỉ có một mình. Bạn nhớ lại những lễ giáng sinh xưa, những ngày giáng sinh vui tươi, những mùa giáng sinh của tuổi trẻ và của ngày xa xưa, có tất cả mọi sự, nay chẳng còn gì nữa.

Tuy nhiên, cho dù chẳng còn gì , Giáng sinh đang mang đến sự an nghỉ cho những lo nghĩ và ưu phiền của bạn.

Lần lượt, vào nửa đêm, đây đó trên thế giới, những thừa tác viên của Thiên Chúa, đang tạ ơn Chúa Giêsu vì Người đã làm cho “ánh-sáng-chân-thật chiếu soi trong đêm cực thánh này”. Tiếng kêu của thánh Phaolô sẽ dội xuyên từ lục địa này tới lục địa khác: “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2,11). Và từ trời vang lên lời “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là phụng vụ của đêm giáng sinh.

Ai đáng trình bày ân sủng đang hoạt động đối lại với quạnh hiu?

Giáng sinh là lễ hội gia đình. Thế nhưng, giả như trong một hoàn cảnh nào đó, bạn đã cảm động và đã không thể cầm lòng được, khi trông thấy một người nghèo khổ đứng trước cửa nhà vào dịp lễ này, thì bạn có thể nhắn nhủ với người ấy: “Thực ra chúng ta là những người cô đơn không thể nào tả được”. Rilke đã nói lời này với một thi sĩ trẻ, và thêm: “Chỉ có một điều cần thiết: sự cô đơn. Sự cô đơn lớn lao bên trong. Đi một mình và trong nhiều giờ không gặp gỡ ai, phải đạt được điều đó… Con người cô đơn như đứa trẻ ở một mình”.

Tình trạng cô đơn của một đứa trẻ không ai màng tới, trừ trường hợp khác thường bị làm đối tượng cho công chúng bêu rếu, hẳn là sẽ khơi dậy một ý thức đúng nơi những người tuy vô tâm, nhưng có tấm lòng nhân hậu.

Lần đầu tiên tình trạng cô đơn của một em nhỏ được đem vào giữa mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Để loan báo tin vui ở Bêlem, thánh Luca cho các thiên thần nói. Trong Tin mừng thánh lễ Rạng đông, chúng ta nghe những mục đồng kể lại cho mọi người điều họ đã trông thấy. Trong Tin mừng thánh lễ Hiển linh, các đạo sĩ sẽ hỏi “Vua mới sinh ra ở đâu?” Họ sẽ nói nhiều về tin vui này.

Về Đức Trinh nữ Maria, chúng ta chỉ biết Người đã giữ – thật kỹ lưỡng – mọi điều đó trong lòng. Còn với thánh Giuse, bốn Tin mừng chẳng dành cho Người một lời nào. Hài Nhi trong máng cỏ cũng chẳng lên tiếng một lời “như thể bò lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó, Israel thì không biết cũng chẳng hiểu gì” (Is 1,3). Việc Thiên Chúa làm người thật là một mầu nhiệm không thể hiểu nổi.

Thinh lặng và cô đơn của những người nghèo, của những người yếu đuối, của những người không có gì cả, những người không là gì trước thế gian. Đức Giêsu đã sinh ra trong máng cỏ bò lừa vì lẽ Người đã không có nơi nào trong quán trọ và vì Người là kiểu-mẫu-nhập-thể (Xc Mt 18, 3-4).

Nếu có sự cô đơn nào thâm sâu hơn ở Bêlem, thì đó là sự cô đơn trên đồi Golgotha. Hai địa danh Bêlem và Golgatha định giới hạn cho sự cô đơn trải dài từ thời thơ ấu cho tới khi chịu chết trên thập giá: Đức Giêsu cô đơn.

Pascal đã buồn bã viết lên: “Con người chết cô đơn”.

Người ta cũng sống cô đơn nữa. Đó là một kinh nghiệm chung.

Tuy nhiên, sự cô đơn của Chúa Giêsu vừa làm cho sự cô đơn của chúng ta có ý nghĩa, vừa làm cho sự cô đơn có phương chữa trị. Sự trống rỗng tuyệt đối là cái chết, chẳng có gì và cũng chẳng có ai có thể lấp đầy sự trống rỗng đó.

Thiên Chúa phán: “Không tốt nếu con người ở một mình. Và Người đã tạo nên một người nữ” (St 2,18).

Nơi tất cả những người yêu nhau, sự cô đơn được nhân đôi lên, và những hố thẳm cay đắng của những cuộc tình dở dang làm nên sự cô đơn cực độ.

“Người ta đi tới, lắng nghe, nhìn ngắm cuộc đời, thử sống, nhưng chỉ là đêm tối trong sự cô đơn” (G. Sand).

“Cô đơn là phận số của mọi hữu thể sống trên trái đất, những hữu thể thuộc trần thế, và con người thì cô đơn nhất…” (H. Miller).

Một đoàn dân lần mò trong đêm tối. Đó là nhân loại hiện nay, một đoàn dân rất lớn bước đi trong đơn côi.

Nếu bạn sợ trạng thái buồn sầu của tâm hồn, hãy đương đầu với sự cô đơn. Cô đơn là một khổ đau lớn nhất và hãy mang nỗi đau đó vào sa mạc đơn côi. Đó chính là hoàn lại cho đau khổ quyền lực của nó. Nhưng người ta không cần mang những đau khổ vào sa mạc đâu, vì sa mạc ở nơi những đau khổ đó rồi.

Cô đơn, đám đông… hai từ này cũng đi đôi với nhau trong cuộc sống.

Sự phiền não lâu năm làm thương tổn những thân xác và làm xói mòn những tâm hồn, như một vết trọng thương mà cứ mỗi cử động đều làm vết thương thêm đau, thì sự phiền não đó mang tên: “Sự phiền não e sợ về tình trạng cô đơn đời đời, sợ rằng không có lời đáp trả” (Albert Camus).

Nhưng người tín hữu có được lời đáp trả cứu thoát. Đêm nay, lời đáp trả đó linh động và tươi vui nơi Bêlem và trong tâm hồn của những ai được ánh sáng huyền nhiệm của máng cỏ Bêlem đánh động.

Tình yêu giữa Chúa Giêsu và Mẹ Maria không phát sinh ra sự cô đơn ác nghiệt. Tình yêu duy nhất nơi người mẹ và đứa con không làm giảm đi tình trạng cô đơn của một người nam và một người nữ yêu nhau ngoài tình yêu Thiên Chúa.

Có hai loại tình trạng cô đơn: một loại nuôi dưỡng và làm vui tươi, một loại đè bẹp con người (Charle Péguy).

Tuyệt tác lớn nhất của tình yêu Thiên Chúa là chính nơi Thiên Chúa thiên đường đã đánh mất nay được tái tạo lại, tuyệt tác đó như là đồ trang hoàng chuồng bò ở Bêlem.

Tình trạng cô đơn này không chỉ gặp thấy nơi những vị ẩn sĩ, những người coi thế giới này là vô ích và có hại. Những nhà hoạt động cũng cảm thấy nỗi cô đơn đó. Cha Lacordaire là tiếng nói đại diện cho họ khi Cha nói: “Tôi cảm thấy vui sướng về tình trạng cô đơn hình thành quanh tôi. Đó là nguyên lý của tôi, cuộc sống của tôi… Người ta không làm được gì hơn với tình trạng cô đơn…” (Cha Chocarne, Lacordaire, p.172).

Ai có tai để nghe hãy nghe… Hãy lắng nghe tiếng nói của thinh lặng và của tình trạng cô tịch mà hồng ân giáng sinh mang lại cho họ. Nếu can đảm trung thành, họ sẽ có thể thành thực thốt lên lời của một đan sĩ khi viếng thăm một đan viện: “O Beata solitudo sola beatitudo”. Ôi, sự cô đơn diễm phúc.

III. GIÁNG SINH VÀ SỰ THINH LẶNG CỦA THIÊN CHÚA

Phụng vụ kéo dài mầu nhiệm Giáng sinh. Phụng vụ chọn những bản Kinh thánh hay và tươi vui. Những bản văn đó tỏa rạng ánh sáng, như những tinh tú… Chẳng hạn, Ca nhập lễ thứ sáu tuần bát nhật Giáng sinh “Trong khi màn thinh lặng êm ru gói cả vạn vật và đêm nhẹ bước chạy được nửa đường. Lời Toàn năng Người từ Ngai vương giả…”(Kn 18, 14-15). Đó là ân sủng Giáng sinh. Theo phụng vụ cũ thì đây là Ca nhập lễ Thánh lễ rạng đông. Hình ảnh màn đêm gợi lại cho chúng ta đêm vượt qua đầu tiên, khi Lời Toàn năng giải thoát dân Israel khỏi tình trạng nô lệ và cho họ tiến bước về Đất hứa nơi Đấng Messia sinh ra.

Nhưng Đấng Thinh Lặng là Ngôi Lời đã có từ nguyên thủy nơi Thiên Chúa (Ga 1,1). Không thể nói về sự thinh lặng nếu không phản bội lại sự thinh lặng. Để có được sự thinh lặng nội tâm cần phải trở lại nơi máng cỏ rực rỡ, nơi chúng ta tôn thờ một trẻ sơ sinh là Ngôi Lời Thiên Chúa và Người lặng thinh không nói lời nào.

Trong phụng vụ Chúa nhật sau lễ Giáng sinh, chúng ta gặp thấy thánh Giuse và Đức Maria trong biến cố trốn sang Ai cập (năm A – Mt 2, 13-15. 19-23), trong biến cố dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ (năm B, Lc 2, 22-24), và trong biến cố Chúa Giêsu ngồi giữa các tiến sĩ luật (năm C, Lc 2, 41-52).

Trình thuật Tin mừng thơ ấu đã cô đọng cuộc đời Chúa Giêsu trong một câu. Như mọi người, Giuse và Maria đã vui vẻ tuân giữ đúng lề luật, hai ông bà trở về Galilê: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).

Thời gian Thánh Gia sống ở Galilê khoảng 12 năm. Trong biến cố tìm lại Chúa Giêsu nơi Đền thờ, tác giả Tin mừng viết: Chúa Giêsu cùng với hai ông bà trở về Nazaret và Người đã tùng phục hai ông bà: “Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giêsu, ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,52).

Với việc chào đời của Chúa Giêsu nơi Bêlem, sự thinh lặng của Thiên Chúa đã xuống trên trái đất. Nếu chúng ta biết Người đã hành động ra sao, chúng ta sẽ hiểu biết sâu xa về Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã không nói lên lời chứng đó, nhưng chính Người đã là lời chứng rồi. Trước tòa án, “Đức Giêsu vẫn lặng thinh” (Mt 26,63), Người không lên tiếng, không phản đối hay kết án những người bắt bớ mình. Một chứng từ của sự thinh lặng.

Người thinh lặng nghĩ ngợi sau khi đã nói nhiều với quần chúng, người tin cũng như người không tin, những người anh em của Người. Chúng ta hãy lắng nghe cha Sertillange nói về sự thinh lặng của Đức Giêsu, Đấng là tiếng kêu vang dội lại thinh lặng. Đức Giêsu đi xuống Giêrusalem và chính lúc Giuđa rời khỏi nhà Tiệc ly “Bên ngoài trời đã tối?” (Ga 13,30), về chính lúc đó, cha Sertillange viết những dòng này: “Chúa Giêsu thinh lặng – thay vì cầu nguyện, đó là điều tự nhiên. Sự thinh lặng này cộng vào với tình trạng cô đơn… Tâm hồn Người luôn luôn cô đơn…

Chúa Giêsu đứng sừng sững giữa bao lo toan tính toán của chúng ta trên đồi cao chiều xa xưa ấy. Ngày và đêm trên trái đất dường như kéo dài. Đức Kitô kéo dài cuộc sống bằng chính lòng trung kiên và bền vững, nhưng thực ra nơi Người là sự an nghỉ tuyệt vời, Người hành động và tinh thần của Người điều khiển hành động, tâm hồn Người hiến dâng; Người tự do, Người mãi mãi bình an; Người lắng nghe tiếng nhạc thiên quốc; Người thực hiện viên mãn điều mà một Tông đồ của Người diễn tả: “Quê chúng ta ở trên trời” (Ph 20,30).

Bây giờ hẳn chúng ta biết sự thinh lặng là gì và nguồn mạch của nó ở đâu?

Khi từ biệt các môn đệ để trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã nói, lời chúc bình an. Lời chúc bình an của Chúa Giêsu giây phút biệt ly được chuyển dịch thành sự thinh lặng, an tĩnh như thế gian ban” (Ga 14,27). Tuy nhiên, Thiên Chúa gìn giữ chúng ta để chúng ta bước đi vững vàng trong sự thinh lặng của thế gian, một sự thinh lặng đầy nguy hiểm và đe dọa.

Một trong những thương tật của xã hội chúng ta là náo động ồn ào, làm cản trở những người muốn tìm gặp chính mình, vì xã hội sợ điều này và vì đau đớn lớn nhất chính là gặp lại chính mình… Trong khi con người ta lập ra luật chống lại những tiếng ồn quá đáng, tạo ra những khu vực thinh lặng, nông thôn được nói tới như một nơi chống lại sự ồn ào, thì cũng chính con người xâm phạm vào không gian và thời gian bằng tốc độ của những phương tiện chuyên chở và truyền thanh, điều này đã gây ra hậu quả khôn lường.

Hơn nữa, nếu thinh lặng chỉ là sự thiếu vắng tiếng ồn, thì sự thinh lặng đồng nghĩa với sự trống rỗng và hư vô. Cõi thinh lặng đời đời trong miền không gian vô tận mà Pascal ghê sợ, thì không đáng ghê sợ bằng sự thinh lặng của cái chết.

Nhưng điều làm cho một số người sống mạnh mẽ và chói sáng như ánh mặt trời, chúng ta không nghi ngờ, đó là sự thinh lặng sống động ở nơi họ. Nhưng lời nói thường phản lại với người nói, vì lời nói không biểu lộ mọi sự hoặc lời nói không có cùng ý nghĩa trong tâm hồn của người đón nhận lời đó.

Làm sao hiểu được những người thiếu văn hóa, không có khả năng diễn tả tư tưởng của mình, nhưng họ lại có được sức mạnh huyền diệu của thinh lặng, một sức mạnh hướng dẫn và khích lệ? Họ có thể làm biến đổi mọi sự chung quanh họ. Đây là một hồng ân… Cần nhận ra cái giá trị phải trả cho một đặc ân như thế; hãy quên mình, hãy mở tâm trí và cõi lòng ra. Nhưng thực ra, sự thinh lặng đã lấp đầy giá trị cho những lời nói và cử chỉ mà người khác không bao giờ có được. Một tâm hồn phong phú về điều tâm hồn không bao giờ nói ra. Sự lớn lao và sức mạnh của con người không ở trong điều được nói nơi công cộng, nhưng là ở trong sức mạnh của sự thinh lặng, và điều đó là sự cô đọng của cuộc sống.

Nghệ thuật, nhất là hội họa, đó là ngôn ngữ riêng của thinh lặng. Nó lột tả những huyền hoặc, những hào nhoáng và loại bỏ chúng đi. Bằng những bức họa lặng câm, không nhiều lời, sự đau khổ, sự chết và cả Thiên Chúa, Đấng vô hình được tỏ lộ.
… Ôi thinh lặng, thinh lặng
Đó là sự tươi vui và trong suốt
Nước chảy, bây giờ không còn gì nữa
Ngoài bầu trời
Lúc này đây, thế giới cần sự thinh lặng. Chúng ta có quá nhiều lý lẽ, biện minh về thinh lặng, nhưng chính thinh lặng thì lại không. Lời cứu thoát chỉ có thể đến từ cõi thinh lặng sống động.

Một tu sĩ dòng Chartreux tuyên bố: “Chúng tôi thinh lặng, vì những lời lẽ ngôn từ trần thế không diễn tả được hết khát vọng tâm hồn muốn sống Lời của chúng tôi”. Những nhà giảng thuyết lấy câu châm ngôn xa xưa này làm qui luật: Thinh lặng là cha của những nhà giảng thuyết. Silentium pater praedicatorum.
“Nếu chưa thinh lặng đủ mà đã đi rao
giảng thì bạn chỉ đem đến cho những người nghe
bạn điều không đáng nói”. Những thính giả đó có
quyền nhắc nhở cho bạn sự khôn ngoan kỳ diệu
của những con người sống nơi sa mạc: “Nếu điều
bạn nói cho tôi nghe mà không hay bằng thinh lặng,
thì bạn hãy im đi”.
Giữa muôn người, xin hãy làm cho con thành một người không dung mạo và lời nói của con là lời không âm thanh như một người gieo vãi thinh lặng, gieo vãi tối tăm… (Paul Claudel).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét