Trang

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2017

Thương yêu vượt lên trên ngây thơ và lãng mạn

Thương yêu vượt lên trên ngây thơ và lãng mạn


Ronald Rolheiser, 2011-11-13
Nhiều năm trước, một vị trong Giáo vụ đoàn mà tôi biết đã thách thức giáo đoàn của mình phải mở rộng cánh cửa và tấm lòng một cách trọn vẹn hơn với người nghèo. Ban đầu, giáo đoàn đáp lại nhiệt tình và một số chương trình được thực hiện, tích cực mời gọi mọi người từ những vùng ít ưu đãi hơn về kinh tế, kể cả những người vô gia cư đến nhà thờ của họ.
Nhưng tâm lý lãng mạn đã sớm phai khi các tách cà phê và những món đồ nho nhỏ khác bắt đầu biến mất, một số xách tay bị mất cắp, còn nhà thờ và không gian hội họp thì không còn được sạch sẽ và rối tung lên. Một số thành viên trong giáo đoàn bắt đầu than phiền và yêu cầu chấm dứt chuyện thử nghiệm này: “Đây không phải là điều chúng ta trông đợi! Nhà thờ chúng ta không còn sạch sẽ và an toàn nữa rồi! Chúng ta muốn đến với những người này và đây là những gì chúng ta nhận về! Quá sức lộn xộn đến mức không thể tiếp tục được nữa!”
Nhưng vị mục sư vẫn kiên quyết giữ vững ý kiến, chỉ ra rằng những điều họ trông đợi là ngây thơ, và những gì họ đang trực nghiệm chính là một phần trong cái giá của việc đến với người nghèo, và rằng Chúa Giêsu đoan chắc với chúng ta rằng bản chất của thương yêu là không an toàn và rối tung, và điều đó không chỉ đúng trong chuyện đến với người nghèo mà trong chuyện đến với bất cứ ai.
Chúng ta thích nghĩ về bản thân mình là người hòa nhã và đầy tình thương yêu, nhưng, sự thực là điều đó dựa trên một quan niệm quá sức ngây thơ và quá sức lãng mạn về tình yêu. Chúng ta không thật sự yêu thương như Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta khi Người nói rằng: Hãy thương yêu nhau như Ta đã thương yêu con! Phần sau của câu nói này mới là khó: Chúa Giêsu không nói, hãy thương yêu nhau tùy theo nhịp điệu tự nhiên của quả tim; cũng không nói, hãy thương yêu nhau như cách xã hội định nghĩa tình thương yêu, mà là: hãy thương yêu nhau như Ta đã thương yêu con!
Và, phần nhiều, chúng ta đã không làm như vậy:
– Chúng ta đã không thương yêu kẻ thù của mình, cũng không đưa má kia ra để chấp nhận những người thù ghét chúng ta. Chúng ta đã không cầu nguyện cho những ai chống đối chúng ta.
– Chúng ta đã không tha thứ người nào làm tổn thương mình, cũng không tha thứ cho những ai đã sát hại những người yêu quý của chúng ta. Trong nỗi đau của mình, chúng ta đã không cầu xin Chúa tha thứ cho chính những người đang làm chúng ta đau đớn vì họ không thật sự nhận thức được điều mà họ đang làm.
– Chúng ta đã không rộng lượng mà bỏ lòng tự ái khi bị coi nhẹ hay phớt lờ, lúc đó chúng ta cũng không để cho hiểu biết và lòng cảm thông thay thế nỗi chua chát và khao khát bỏ cuộc của chúng ta. Chúng ta đã không xả bỏ nỗi hậm hực của mình.
– Chúng ta đã không để cho bản thân mình dễ bị tổn thương đến mức có thể bị xúc phạm và khước từ khi chúng ta ngỏ lời thương yêu. Chúng ta đã không bỏ được nỗi sợ hãi bị người khác hiểu lầm, hoặc trông không tốt đẹp, hoặc không tỏ ra mạnh mẽ và có thể kiểm soát mọi chuyện. Chúng ta chưa hề dám đi chân trần, dám thương yêu mà không có sự bảo đảm chắc chắn.
– Chúng ta đã không mở lòng mình ra đủ để bắt chước sự chấp nhận không phân biệt và phổ quát của Chúa Giêsu, chúng ta cũng không thể mở rộng trái tim để coi mọi người là anh chị em, bất kể chủng tộc, màu da hay tôn giáo. Chúng ta vẫn chưa thôi nuôi dưỡng cái bí mật âm thầm rằng cuộc sống của chúng ta và của những người thân yêu của chúng ta là đáng quý hơn cuộc sống của những người khác trên thế giới.
– Chúng ta vẫn chưa lựa chọn người nghèo, chưa mời người nghèo đến ngồi cùng bàn với chúng ta, và vẫn chưa bỏ được khuynh hướng muốn ở bên những người hấp dẫn và có ảnh hưởng.
– Chúng ta vẫn chưa hy sinh bản thân mình trọn vẹn tới mức mất đi tất cả vì lợi ích của người khác. Chúng ta vẫn chưa thật sự đặt cuộc sống của mình xuống vì bạn bè mình, mà đặc biệt là vì kẻ thù của mình. Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng chết vì chính những người chống đối và đang cố gắng đóng đinh chúng ta trên thập giá.
– Chúng ta vẫn chưa thương yêu với ý định thanh khiết trong lòng, không tìm cách tìm kiếm bản thân trong các mối quan hệ. Chúng ta không để cho trái tim tan vỡ mà muốn xâm phạm trái tim người khác, cho dù theo cách tinh tế.
– Chúng ta chưa đi trong kiên nhẫn, trao cho kẻ khác trọn vẹn không gian mà họ cần để tương liên với chúng ta theo mệnh lệnh nội tâm của chính họ. Chúng ta vẫn chưa sẵn lòng đổ mồ hôi máu một cách kiên nhẫn để giữ lòng trung tín. Chúng ta chưa chờ đợi kiên nhẫn, theo thời gian lành của Chúa, để được Chúa phán xét về đúng và sai.
– Chúng ta chưa chống lại bản năng thôi thúc tự nhiên của mình về phán xét người khác, về gán cho các động lực. Chúng ta chưa nhường để Chúa phán xét.
– Cuối cùng, không kém phần quan trọng, chúng ta chưa thương yêu và tha thứ cho bản thân, để biết rằng không nên để lỗi lầm của mình làm hàng rào ngăn cách chúng ta và Chúa. Chúng ta vẫn chưa tin đủ vào lòng thương yêu của Chúa để luôn luôn bắt đầu lại từ đầu trong lòng bao dung vô biên của Chúa.
– Chúng ta chưa thương yêu như Chúa Giêsu thương yêu.
Sau khi Raissa vợ ông chết, Jacques Maritain biên tập quyển nhật ký của bà. Trong Lời tựa của cuốn sách đó, ông mô tả cuộc chiến đấu của bà với căn bệnh đã cướp sinh mạng của bà. Bị kiệt sức và không thể nào nói được, bà đã chiến đấu kịch liệt đến những ngày cuối cùng của cuộc đời. Sự đau đớn chịu đựng của bà đã vừa thử thách vừa làm cho đức tin của chính Maritain trưởng thành. Hết sức tỉnh táo nhờ chứng kiến những đau đớn của vợ, Maritain viết: Chỉ có hai loại người nghĩ rằng tình thương yêu là dễ dàng: các vị thánh, những người qua nhiều năm dài hy sinh đã tạo được một thói quen đức hạnh, và những người ngây thơ không biết mình đang nói cái gì.
J.B. Thái Hòa dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét