Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Di sản mười năm của Đức Phanxicô: những cánh cửa sổ mở ra khó đóng lại

 Di sản mười năm của Đức Phanxicô: những cánh cửa sổ mở ra khó đóng lại



Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần tại Hội trường Phaolô VI, Vatican ngày thứ tư 14 tháng 12 năm 2022. (Ảnh AP / Domenico Stinellis)

religionnews.com, Thomas Reese, 2023-03-06

Khi giáo hoàng Phanxicô được bầu cách đây 10 năm, tôi đang ngồi trước máy quay của đài BBC để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn và đã thốt ra một từ mà tôi không thể bỏ vào trong chuyên mục của mình. May mắn thay, micrô của tôi đã không bật. Tất cả những gì tôi biết về Jorge Bergoglio là từ những người bạn của tôi ở Châu Mỹ Latinh, các nhà thần học giải phóng và các tu sĩ Dòng Tên không mấy thích ngài, họ gọi ngài là người bảo thủ và độc đoán.

Tôi không đơn độc trong sự thiếu hiểu biết của mình. Nhà báo George Weigel, nhà bình luận công giáo bảo thủ và là người viết tiểu sử giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã phát biểu trong một chuyên mục ngay sau cuộc bầu cử của Đức Phanxicô, rằng với nhiều hồng y, thất vọng duy nhất của họ là thấy Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI, các giáo hoàng này đã không cải tổ Dòng Tên. Vì thế theo ông, các hồng y đã quyết định cách duy nhất để cải tổ Dòng Tên là bầu một người bảo thủ làm giáo hoàng.

Ông Weigel tuyên bố, ông biết tâm trí của Bergoglio vì ông đã bỏ nhiều thì giờ để nói chuyện với ngài ở Buenos Aires về Dòng Tên và Giáo hội. Tôi ngờ Weigel đã nói phần lớn khi ngồi đối diện với Bergoglio và ông nghĩ rằng tổng giám mục đồng ý với tất cả những gì ông nói.

Trong vòng vài tuần, chúng tôi biết, cả hai chúng tôi đã sai như thế nào. Các hồng y đã bầu một giáo hoàng, người sẽ thay đổi phong cách làm giáo hoàng, tấn công chủ nghĩa giáo quyền, trao quyền cho giáo dân, mở cửa Giáo hội để đối thoại và tranh luận, đồng thời thay đổi các ưu tiên mục vụ và công cộng của Giáo hội.

Dù ngài không thay đổi học thuyết, nhưng ngài là nhà cách mạng theo các cách khác.

Ngay lập tức, sự thay đổi phong cách được thấy rõ khi, từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô, trong trang phục giản dị, ngài thân mật chào giáo dân và xin họ cầu nguyện cho mình trước khi ngài ban phép lành cho họ.

Phong cách giản dị của ngài tác động đến cuộc tấn công toàn diện vào chủ nghĩa giáo quyền. Ngài xin các hồng y và các giám mục đừng hành động như ông hoàng. Ngài nói với họ, lãnh đạo có nghĩa là phục vụ. Mục tử phải có mùi chiên của mình. Các giáo sĩ phải “dịu dàng, kiên nhẫn và nhân từ” với “lối sống giản dị bề ngoài và khắc khổ”. Dù ngài được biết qua lòng trắc ẩn và lòng tốt của ngài, nhưng ngài không áp dụng điều này với các giáo sĩ, với họ, ngài rất cứng rắn. Ở đây, ngài là cha giáo tập độc đoán với các tập sinh, ngài đã từng là giám tỉnh Dòng Tên. Và điều này đặc biệt đúng khi ngài loại bỏ các giám mục đã không xử lý đúng các vụ lạm dụng tình dục.

Liên hệ với cuộc tấn công vào chủ nghĩa giáo quyền là mong muốn trao quyền cho giáo dân. Ngài hỏi: “Chúng ta có trao cho giáo dân “tự do để họ tiếp tục phân định theo cách phù hợp với sự trưởng thành của họ, trong tư cách là môn đệ mà Chúa đã ủy thác cho sứ mệnh của họ không?” Chúng ta có hỗ trợ và đồng hành với họ, vượt lên cám dỗ thao túng hoặc ấu trĩ hóa họ không?”

Đức Phanxicô cũng mở cánh cửa Giáo hội để trò chuyện và tranh luận theo cách chưa từng thấy trong Giáo hội kể từ Công đồng Vatican II. Lo sợ Giáo hội trở nên quá hỗn loạn, Đức Gioan-Phaolô II đã nhờ hồng y Joseph Ratzinger kiềm chế các linh mục và các nhà thần học nào muốn tiếp tục thảo luận về các vấn đề học thuyết sau Công đồng Vatican II.

Mặt khác, Đức Phanxicô cho rằng, “cuộc tranh luận cởi mở và huynh đệ làm phát triển tư tưởng thần học và mục vụ. Điều này không làm tôi sợ. Hơn nữa, tôi đi tìm nó.” Nó giúp cho các nhà thần học nói về cách Giáo hội có thể trình bày thông điệp Tin Mừng theo cách dễ hiểu của thế kỷ 21.

Đức Phanxicô cũng chỉ trích sự kiểm soát của giáo triều với những gì đã xảy ra tại thượng hội đồng giám mục. Ngài nhớ lại, ngài đã được cho biết những gì có thể và không thể được thảo luận tại một thượng hội đồng do ngài điều khiển. Các thượng hội đồng không phải là diễn đàn để cố vấn cho giáo hoàng mà là nơi để những người tham gia thể hiện lòng trung thực với giáo hoàng và Vatican.

Tại thượng hội đồng đầu tiên trong tư cách là giáo hoàng, ngài nói với những người tham gia: “Hãy nói rõ ràng. Ước mong đừng ai nói, ‘Điều này không thể nói được’. … Tất cả những gì chúng ta cảm nhận phải được nói ra, trong tinh thần parrhesia (táo bạo, nói tất cả mọi thứ, nói một cách tự do).” Ngài dùng từ hy lạp “parrhesia” để mô tả cách Thánh Phaolô nói chuyện với Thánh Phêrô tại nơi có thể được gọi là thượng hội đồng đầu tiên ở Giêrusalem, khi các môn đệ thảo luận về nghĩa vụ của tín hữu kitô phải tuân theo các tập tục truyền thống của người do thái.

Nói cách khác, Đức Phanxicô đang nói với những người tham gia thượng hội đồng, “hãy đối xử với tôi theo cách mà Thánh Phaolô đã đối xử với Thánh Phêrô.”

Nhưng oái oăm thay, những người bảo thủ đã dùng quyền tự do mới này để tấn công giáo hoàng vì ngài đã cho phép tranh luận tự do. Những người được cho là bất đồng chính kiến với bất cứ ai đặt vấn đề về hành động hoặc huấn dụ của Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI bây giờ nói lên sự bất đồng quan điểm của họ. “Những người trung thực” trở thành những người nổi loạn, cho thấy lòng trung thực của họ không phải là trung thực với giáo hoàng mà là với ý kiến của riêng họ.

Đức Phanxicô cũng đã thay đổi các ưu tiên mục vụ của Giáo hội. Ngài muốn có một Giáo hội nghèo cho người nghèo, một Giáo hội phục vụ, đồng hành và bảo vệ người nghèo. Ngài mô tả Giáo hội như một bệnh viện dã chiến dành cho những người bị thương, chứ không là câu lạc bộ đồng quê dành cho người giàu có và xinh đẹp. Ngài nhấn mạnh đến lòng trắc ẩn, lòng thương xót và hòa giải.

Ngài cho rằng thông điệp của Giáo hội quá phức tạp. Ngài nói: “Chúng ta mất giáo dân vì họ không hiểu những gì chúng ta, vì chúng ta đã quên ngôn ngữ của sự đơn giản.”

Khi người khác đổ lỗi trên giáo dân hay văn hóa cho việc họ rời bỏ Giáo hội thì Đức Phanxicô sợ giáo dân xem Giáo hội là “quá yếu ớt, … xa các nhu cầu của họ, … lạnh lùng, … bị giam hãm trong chính sự cứng nhắc của mình, công thức, … tàn dư của quá khứ, không thích hợp cho những vấn đề mới.”

Theo ngài, lời đầu tiên trong việc rao giảng Tin Mừng là nói về tình yêu và lòng trắc ẩn của Thiên Chúaa. Chúng ta nên rao giảng Tin Mừng, chứ không phải rao giảng sách giáo lý hay sách quy tắc. Như Tin Mừng Thánh Mattêô dạy, chúng ta sống đức tin (orthopraxis) quan trọng hơn là cách chúng ta nói về đức tin (chính thống).

Ngài cũng thay đổi các ưu tiên chung của Giáo hội. Trong một phỏng vấn năm đầu tiên, ngài nói, ngài sẽ không bị ám ảnh bởi việc phá thai, hôn nhân đồng tính và kiểm soát sinh sản vì mọi người đều biết những gì Giáo hội dạy về những chủ đề này.

Thay vào đó, ngài tấn công chủ nghĩa tư bản không kiềm chế và toàn cầu hóa. Ngài công kích chiến tranh và kêu gọi hòa bình. Bằng lời nói và hành động, ngài bảo vệ những người di cư, tị nạn và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Ngài tiếp tục và thúc đẩy công việc của Đức Gioan Phaolô trong đối thoại liên tôn, gặp gỡ và đưa ra tuyên bố chung với nhà lãnh đạo hàng đầu của người Shia ở Iraq và nhà lãnh đạo hàng đầu của người Sunni ở Ai Cập.

Cuối cùng, ngài hết lòng ủng hộ phong trào môi trường và kêu gọi Giáo hội và thế giới ứng phó với nhiệt độ nóng lên toàn cầu.

Dù tôi yêu mến và ủng hộ ngài, nhưng ngài không hoàn hảo. Ngôn ngữ của ngài về phụ nữ làm các nhà nữ quyền ở Thế giới thứ nhất phát điên. Người ta có thể cho ngài là nhà nữ quyền của Thế giới thứ ba vì ngài quan tâm đến nạn buôn người và nghèo đói, chứ không quan tâm đến cách xưng hô nói năng (của Thế giới thứ nhất). Ngài sẽ bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí quyền lực trong bộ máy quan liêu của Giáo hội, nhưng sẽ không phong chức linh mục cho họ.

Ngài cũng chưa hoàn thành công việc cải cách giáo triều. Thay vì sa thải những người không đủ năng lực hoặc không trung thực, ngài kêu gọi họ hoán cải. Giáo hội rất tệ trong việc quản lý nguồn nhân lực. Giáo hội có xu hướng độc đoán hoặc quá nhẹ nhàng, gia trưởng hoặc quan liêu.

Ngài cũng không sẵn sàng chi tiền cho các chuyên gia giáo dân cần thiết để cải cách tài chính Vatican. Dọn dẹp ngân hàng Vatican tốn cả triệu đôla cho chi phí kế toán. Dọn dẹp phần còn lại của tài chính Vatican cũng sẽ tốn như vậy. Kế toán pháp lý không hề rẻ.

Dù ngài đã 86 tuổi, nhưng triều giáo hoàng của ngài chưa chấm dứt. Thượng hội đồng hiệp hành đang trên đà họp vào tháng 10 năm nay và một lần nữa vào năm sau. Với ngài, tôi nghĩ tiến trình đồng nghị quan trọng hơn bất kỳ quyết định nào thượng hội đồng đưa ra. Ngài hy vọng tiến trình này làm Giáo hội thành một Giáo hội đồng nghị. Điều này sẽ làm cho người công giáo tiến bộ thất vọng, họ muốn có kết quả: linh mục kết hôn, có nữ linh mục và thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội về tình dục và giới tính.

Đức Phanxicô không phải là người làm phép lạ. Vì ngài đã không thuyết phục được một số lượng lớn các giám mục và giáo sĩ về tầm nhìn của ngài với Giáo hội, nên tác động của ngài bị hạn chế. Mọi người yêu mến Đức Phanxicô, nhưng họ thường không thấy hình ảnh của ngài nơi những người lãnh đạo giáo xứ hoặc giáo phận của họ.

Và Đức Phanxicô sẽ tiếp tục cho đến cuối nhiệm kỳ giáo hoàng của ngài, ngài có thể bị tấn công từ cánh hữu và cánh tả. Những người bảo thủ đã lên kế hoạch để đảm bảo sẽ có sự trở lại của một người nào đó giống như các giáo hoàng Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI. Thậm chí còn có tin đồn “các tìm tòi đối lập” đang lên chương trình để bươi móc những chuyện tiêu cực của các hồng y có thể tiếp tục con đường của Đức Phanxicô.

Tuy nhiên, tỷ lệ đáng cược vẫn nghiêng về sự liên tục giữa giáo hoàng đương kim và giáo hoàng tiếp theo; Đức Phanxicô đã bổ nhiệm hai phần ba số hồng y cửa tri và vẫn còn thời gian để bổ nhiệm thêm.

Bất kể ai được bầu, tác động của Đức Phanxicô đối với ngôi vị giáo hoàng sẽ còn lâu dài. Giống như Công đồng Vatican II, ngài đã mở những cánh cửa sổ, mở ra nhưng khó đóng lại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2023/03/11/di-san-muoi-nam-cua-duc-phanxico-nhung-canh-cua-so-mo-ra-kho-dong-lai/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét