Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2023

Maupal: “Phanxicô, giáo hoàng siêu anh hùng của tôi”

 Maupal: “Phanxicô, giáo hoàng siêu anh hùng của tôi”

Loạt bài kỷ niệm 10 năm triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, 13-3-2013 & 13-3-2023


Và nhân dịp kỷ niệm 10 năm triều của ngài, nghệ sĩ đường phố lớn lên dưới bóng Mái vòm Rôma đã vẽ trang bìa cho báo Credere

famigliacristiana.it, Victoria Prisciandaro, 2023-03-11

Maupal là nghệ sĩ tranh tường, ông vẽ Đức Bergoglio trong những trạng thái khiêu khích trên tường: “Giáo hoàng xây dựng lại Giáo hội để những người ra đi có thể về lại.”

Hình ảnh của người bán tạp hóa, người bán thuốc lá lẻ. Con chuột chế giễu con mèo. Con chó thu gom phân của chủ mình cho vào túi: đường phố Borgo Pio, con đường lịch sử của Rôma đầy những bức vẽ không nhầm lẫn vào đâu được của Maupal, nghệ sĩ đã nổi tiếng thế giới với bức tranh tường Giáo hoàng Siêu sao của ông. Một sáng ngày 29 tháng 1 năm 2014, gần hàng cột Bernini trứ danh của Rôma, siêu nhân Phanxicô xuất hiện trên tường ở đường Plauto. Nhờ mạng xã hội, chỉ trong tíc tắc bức hình lan khắp thế giới. Bức hình được được người dân trong khu phố và khách du lịch bảo vệ trong 48 giờ, sau đó khi trời rạng sáng bức hình bị tháo bỏ. Lúc đó nghệ sĩ Mauro Pallotta, biệt danh là Maupal, nói với báo Credere: “Lần đầu tiên khi nhìn Đức Phanxicô, bỗng nhiên tôi nhớ đến ông ngoại Carlo của tôi: ngài rất giống ông tôi, kể cả cá tính.”



Sự thiện cảm của những ngày đầu càng tăng khi ông nghe lời nói, nhìn hành động của ngài. Ông giải thích: “Vì thế ý tưởng một Giáo hoàng Siêu sao, SuperPope ra đời: Tôi muốn ghi lại những đặc điểm con người của ngài, khiêm tốn, cặp kính, hơi hơi có… bụng. Một siêu anh hùng có khuôn mặt nhân văn. Tôi không tìm cách quảng cáo cho ngài, nhưng tôi nghĩ nên đem vào đời sống thực tế những người nuôi dưỡng ý thức chung. Tôi diễn tả bằng hình ảnh, tôi đưa các hình ảnh đối nghịch, những có lý và phi lý, cảm hứng từ các sự kiện thời sự.”

Xây dựng lại nhà thờ

Trong những năm gần đây, Đức Phanxicô đã nhiều lần truyền cảm hứng cho nghệ sĩ Maupal. Và nhân dịp kỷ niệm 10 năm triều của ngài, nghệ sĩ đường phố lớn lên dưới bóng Mái vòm Rôma đã vẽ trang bìa cho báo Credere, ông nói, “giáo hoàng đã cố gắng xây dựng lại Giáo hội như thế nào, như thời Thánh Phanxicô Assisi mà ngài lấy tên”. Theo nghệ sĩ Maupal, đó là một công việc cần thiết: “Tôi sống nhiều trên đường phố, tôi lắng nghe, tôi quan sát mọi người và tôi thấy càng ngày họ càng ghẻ lạnh với Giáo hội thể chế, nhưng không ghẻ lạnh với Chúa Giêsu.” Qua nghệ thuật, ông mong muốn “khơi dậy suy nghĩ, gởi một thông điệp”.

Nghệ sĩ Maupal học ở Trường Nghệ thuật và Học viện Mỹ thuật, ông triển lãm tranh đầu tiên ở phòng triển lãm Parioli, tiền có được ông dùng mua dụng cụ vẽ. Ông phát minh một kỹ thuật riêng của ông – xịt lên len thép – và song song với công việc nghệ thuật, ông chạy bàn, rửa chén ở tiệm ăn, dọn nhà để kiếm sống. Bây giờ ông sống nhờ tranh trên trang web của ông: www.maupal.net, với các đơn đặt hàng viết chữ hay in áp phích, ông có cả ngàn fan.

Cam kết làm điều tốt

Trong những năm gần đây, ông dùng tài năng của mình để giúp đỡ những người khó khăn hơn, ông đơn sơ nói: “Tôi không tốt, nhưng tôi nghiệm ra mình làm điều tốt thì tốt cho mình.” Chẳng hạn, bức tranh một ổ khóa mở lớn có cánh nổi bật trên tường của nhà tù Opera, kết quả của một cuộc hội thảo do Maupal tổ chức với các tù nhân chung thân. Các tác phẩm khác ông làm với các tù nhân ở Catanzaro và Padua. Ông nói: “Tôi cũng thích làm việc với trẻ em trong trường học.”



Đức Phanxicô đã gặp ông ba lần, ông tặng ngài cuốn album có các bức chân dung của ngài, ngài là nhân vật chính của bức tranh tường ở bệnh viện Bambin Gesù, tại trụ sở Gianicolo: một em bé ngồi xe lăn đẩy giáo hoàng trên xe lăn, gần như làm cho ngài bay. Ông kể trong Ngày Thế Giới Trẻ ở Krakow, khi ông về lại với thế giới công giáo, ông được mời vẽ bức tranh Thánh Gioan-Phaolô II. Ông đã đi nhiều nơi, sống ở nước ngoài – Barcelona, Berlin, Dublin – nhưng cuối cùng ông thấy ‘nơi tôi cảm thấy tốt nhất cho tôi là Borgo Pio, nơi tôi sinh ra’.

Khu phố Rôma là “quốc gia” toàn cầu hóa, nơi người dân của thành phố lịch sử gọi nhau bằng tên, còn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đi qua mà không dừng lại. Rôma là cánh cửa mở ra với thế giới không thể tưởng tượng, Rôma cũng mở ra cho ông: “Chỉ cần lên một tác phẩm, sau vài phút, nó đã cùng mạng xã hội bay đến Tân Tây Lan!” Các tác phẩm sáng tạo của ông khởi đi từ những sự kiện thực tế và trong vài nét vẽ đã được bất tử hóa, như hai em bé Romolo và Remo, tay xách túi bỏ lại tượng thần Lupa để di cư ra nước ngoài tìm việc làm.

Nghệ thuật bình dân



Ông phàn nàn, nghệ thuật đường phố được đánh giá cao ở những nơi khác, nhưng ít được khoan dung trong khu phố của ông và thường bị phá hoại hoặc hủy bỏ. Năm 2014, ông bị mời đến đồn cảnh sát vì vẽ tranh lạm dụng, nhưng sau đó ông thị trưởng lúc đó là ông Ignazio Marino đã điện thoại xin lỗi ông.  Vài năm sau điều tương tự lại xảy ra, khi ông nghe tin quân nhân Ý được đưa đến Ukraine gần biên giới Nga, như một phần của liên minh NATO. Và giáo hoàng xuất hiện với các biểu tượng của hòa bình, một cận vệ Thụy Sĩ đứng canh. Vài giờ sau bức tranh bị dỡ bỏ, bị cho là hành động khiêu khích ‘chính trị’. Bây giờ ông phải cẩn thận hơn.

Chủ đề thân thiết của ông vẫn là hòa bình và môi trường, nhưng ông thấy có những chủ đề khác cũng khẩn cấp: khủng hoảng kinh tế với hậu quả là nhiều người bị nghèo đói, sự thiếu ý thức của một số người dân ở thủ đô Rôma.

Con chó cầm túi phân đi theo người chủ thiếu văn minh, có thể xem là tóm tắt tác phẩm của ông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Hình ảnh trên trang web của ông www.maupal.net

http://phanxico.vn/2023/03/12/maupal-phanxico-giao-hoang-sieu-anh-hung-cua-toi/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét