Trang

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Bảy lời trên thập giá hay là Nguồn cảm hứng sáng tác vô tận về nhân sinh

 


 
  •  
  •  


BẢY LỜI TRÊN THẬP GIÁ HAY LÀ NGUỒN CẢM HỨNG SÁNG TÁC VÔ TẬN VỀ NHÂN SINH[1]

Khổng Thành Ngọc

WHĐ (23.03.2024) – Ngày 19-03-2010, Hồng y đoàn và Phủ quốc vụ khanh tổ chức Buổi hòa nhạc mừng lễ Thánh Giuse bổn mạng của Đức Bênêđictô XVI. Buổi hòa nhạc do Nhóm Tứ tấu đàn dây Henschel Quartet đến từ Munich (Đức) và nữ danh ca mezzosoprano Susanne Kelling (người Ý gốc Đức, hiện đang giảng dạy tại một số nhạc viện ở Đức và Ý), trình bày phiên bản mới tác phẩm kinh điển Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze (Bảy lời sau cùng Chúa Kitô) của nhạc sĩ cổ điển người Áo Joseph Haydn (1732-1809). Haydn soạn nhạc phẩm này vào năm 1783 cho Tứ tấu đàn dây-Quartet, dùng trong Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh tại nhà thờ Santa Cueve. Khi đó tác phẩm được trình tấu cùng với bài giảng của linh mục chủ sự. Năm 2008, tác phẩm này được José Peris Lacasa (Tây Ban Nha), nhạc sĩ, giáo sư nhạc cổ điển, soạn thêm phần diễn xướng bằng giọng mezzo-soprano (nữ trung), thể hiện Bảy Lời Sau Cùng của Chúa Giêsu trên Thập giá, được trình diễn lần đầu vào Tuần Thánh năm 2008 tại Hoàng cung Tây Ban Nha.

Cuối buổi trình diễn, Đức Bênêđictô XVI phát biểu:

“Việc chọn trình diễn tác phẩm Bảy Lời sau cùng trên Thập giá của Đấng Cứu chuộc trong dịp mừng lễ Thánh Giuse thật là thích hợp. Một đằng là vì vẻ đẹp mang tính chuẩn mực của tác phẩm thật xứng hợp với lễ trọng mừng Thánh Giuse, thánh bổn mạng của nhạc sĩ tác giả; mặt khác, là vì nội dung tác phẩm đặc biệt phù hợp với khung cảnh Mùa Chay. Thật vậy, tác phẩm giúp chúng ta chuẩn bị sống Mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin Kitô giáo. Bảy Lời sau cùng trên Thập giácủa Đấng Cứu chuộc thực sự là một trong những bằng chứng toát lên vẻ đẹp cao cả nhất trong lĩnh vực âm nhạc về việc làm thế nào liên kết nghệ thuật và đức tin.

Việc sáng tác của nhạc sĩ hoàn toàn được gợi hứng và hầu như “được dẫn dắt” bởi bản văn Tin Mừng mà đỉnh cao là những lời Chúa Giêsu thốt ra trước khi trút hơi thở cuối cùng. Cùng với việc gắn kết chặt chẽ với lời trong bản văn, nhạc sĩ còn phải tuân theo những điều kiện do người đặt bài đưa ra[2], đồng thời phải lưu ý đến đặc trưng của buổi cử hành nghi thức, tại đó nhạc phẩm này sẽ được công diễn[3].

Trong một khung cảnh gồm những quy định chặt chẽ như vậy, mới thấy được hết tài năng sáng tạo tuyệt vời của tác giả nhạc phẩm. Ấp ủ ý định soạn bảy khúc sonata thể hiện kịch tính và gợi chiêm niệm, Haydn tập trung vào tính chất cô đọng của chúng, như ông nói trong bức thư viết vào thời đó: “Mỗi khúc sonata, mỗi lời trong bản văn Tin Mừng, đều chỉ được diễn tả bằng nhạc cụ, nên cần phải làm sao truyền được cảm hứng sâu xa nhất đến tâm hồn thính giả, kể cả những người lơ đãng nhất” (Thư gửi W. Forster, ngày 8-04-1787).

Trong tác phẩm này, có một điều gì đó tương tự công việc của nhà điêu khắc đang phải kiên trì làm chủ được chất liệu mình đang thi công -ta hãy liên tưởng khối đá hoa cương làm nên tác phẩm ‘Pieta’ của Michelangelo- khi ấy vẫn chưa khiến được khối vật chất này dõng dạc lên tiếng, làm bật lên được sự tổng hòa độc đáo, không thể lặp lại, giữa ý tưởng và cảm xúc, một sự diễn tả nghệ thuật hết sức độc đáo, đồng thời, phục vụ nội dung chính xác của đức tin, mặc dù việc sáng tác bị khống chế trong điều kiện phải minh họa cho sự kiện -nghĩa là phải bảo đảm nội dung ý nghĩa của bảy lời sau cùng.

Ở đây ẩn giấu một quy luật phổ quát của việc diễn tả nghệ thuật, đó là khả năng thông truyền cái Mỹ, cũng như sự Thiện và sự Thật, bằng một phương thức cụ thể: một bức tranh, một bản nhạc, một bài văn, một điệu múa, v.v. Quả thật, đó cũng chính là quy luật Thiên Chúa đã tuân thủ khi thông truyền chính bản thân và tình yêu của Ngài cho chúng ta: Ngài đã nhập thể trong thân xác con người chúng ta và thực hiện một kiệt tác của mọi công trình Tạo dựng: ‘Làm Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, làm Đức Kitô Giêsu con người’ như Thánh Phaolô đã viết (1 Tm 2, 5). Chất liệu càng ‘cứng’ (khó), nội dung diễn tả lại được yêu cầu cao, thì tài năng của người nghệ sĩ càng được thấy rõ. Do đó trên cây Thập giá ‘khó khăn’ ấy, Thiên Chúa đã qua Đức Kitô mà nói Lời Tình yêu đẹp nhất và thật nhất. Lời Tình yêu đó chính là việc Chúa Giêsu toàn hiến chính mình làm lễ dâng sau hết. Chúa Giêsu là lời cuối cùng của Thiên Chúa nói, không xét theo trình tự thời gian mà theo phẩm chất ý nghĩa. Người là Lời phổ quát, tuyệt đối, được nói qua con người thật này, vào lúc này và tại nơi này, vào ‘chính giờ này’ như Tin Mừng Gioan đã viết”[4].

Bài phát biểu không khác một bài lý luận-phê bình của một tác giả dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu nghệ thuật.

Ở đây, tác giả nếu mấy khía cạnh cốt lõi của hoạt động sáng tạo nghệ thuật: (1) Vai trò của người nghệ sĩ, (2) Mục đích và giá trị đích thực của tác phẩm nghệ thuật, và (3) liên quan đến nghệ thuật thánh: Âm nhạc trong phụng vụ phải liên kết với nội dung niềm tin.

Về vai trò của người nghệ sĩ, phát biểu của Đức Bênêđictô XVI gợi lại Thư gửi các nghệ sĩ (1999) của Đức Gioan Phaolô II: “Công việc sáng tạo của nghệ sĩ gợi lên hoạt động tạo dựng của Thiên Chúa”. Còn Đức Bênêđictô XVI, trong bài phát biểu vừa dẫn, nói: “Ở đây ẩn giấu một quy luật phổ quát của việc diễn tả nghệ thuật, đó là khả năng thông truyền cái Mỹ, cũng như sự Thiện và sự Thật, bằng một phương thức cụ thể: một bức tranh, một bản nhạc, một bài văn, một điệu múa, v.v. Quả thật, đó cũng chính là quy luật Thiên Chúa đã tuân thủ khi thông truyền chính bản thân và tình yêu của Ngài cho chúng ta: Ngài đã nhập thể trong thân xác con người chúng ta và thực hiện một kiệt tác của mọi công trình Tạo dựng: ‘Làm Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, làm Đức Kitô Giêsu con người’ như Thánh Phaolô đã viết”.

Về mục đích và giá trị đích thực của tác phẩm nghệ thuật, trong đoạn vừa dẫn, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh: “Quy luật phổ quát của việc diễn tả nghệ thuật, đó là khả năng thông truyền cái Mỹ, cũng như sự Thiện và sự Thật, bằng một phương thức cụ thể”.

Nêu cảm nhận của mình khi thưởng thức tác phẩm của Haydn, Đức Bênêđictô XVI cho thấy một yếu tố quan trọng mang lại giá trị cho tác phẩm âm nhạc này, cùng với chất lượng của hình thức nghệ thuật, chính là yếu tố nội dung. Bảy lời sau cùng của Chúa Giêsu trên Thập giá không những là “Lời cuối cùng của Thiên Chúa nói qua con người của Đức Giêsu” mà còn là những lời của một con người thật sự. Đó là một người mang tên Giêsu, đã nói “những lời ấy”, “vào lúc ấy” và “tại nơi ấy”. Nghĩa là những lời mang tính lịch sử, ở trong lịch sử, gắn với một con người với những đau đớn cụ thể, sự chịu đựng cụ thể, những nỗi niềm cụ thể, một niềm tin và một tình yêu cụ thể.

Tác phẩm nghệ thuật, thuộc loại hình âm nhạc như của Haydn, và các loại hình khác, chính là tiếng nói của con người về cuộc đời với muôn vàn tình cảnh, số phận, tính cách con người. Nghiền ngẫm Bảy Lời sau cùng trên Thập giácủa Đấng Cứu chuộc, Haydn nhận thấy đó là những lời của một con người cụ thể là Giêsu. Người ấy đã nói bảy lời sau hết của đời mình, một cuộc đời mới bước vào tuổi 33, giữa độ chín của đời người. Những lời sau cùng đó gồm tóm biết bao cảnh ngộ và số phận, nghị lực và niềm tin, và tình yêu - một tình yêu đạt đến tuyệt đối, cao cả, khôn sánh.

Bảy lời cuối cùng Chúa Giêsu thốt ra, khi Người đã bị đóng đinh vào Thập giá, và cây Thập giá này đã được đội quân thi hành án giương cao lên, trên đỉnh đồi Gôlgôtha (Cái Sọ). Bảy lời ấy là:

1. Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình đang làm (Lc 23, 34)

2. Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng (Lc 23, 43)

3. Thưa Bà, này là con Bà - Bà này là Mẹ của con (Ga 19, 26-27)

4. Lạy Thiên Chúa của con, sao Người bỏ con? (Mt 27, 46; Mc 15, 34)

5. Ta khát (Ga 19,28)

6. Mọi sự đã được hoàn tất (Ga 19, 30)

7. Lạy Cha, con phó hồn con trong tay Cha (Lc 23,46)

Đức Bênêđictô XVI đã từng suy gẫm và chia sẻ với các tín hữu và mọi độc giả về ý nghĩa của Bảy lời.

Nghệ thuật là thông điệp về lòng khoan dung và sự tha thứ

“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình đang làm”

Trong Đức Giêsu Nazareth (quyển 2), sau đó nhắc lại trong bài giảng giáo lý ngày 15-02-2012, Đức Bênêđictô XVI trình bày ý nghĩa của Lời cuối cùng thứ nhất của Chúa Giêsu: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình đang làm”:

“Những lời đầu tiên của Chúa Giêsu trên Thập giá, hầu như được thốt ra ngay khi việc đóng đinh Người vừa hoàn tất, là lời cầu xin tha thứ cho những kẻ vừa ra tay với Người: ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình đang làm’ (Lc 23, 34). Chúa thực hành điều Người đã rao giảng trong Bài giảng trên Núi. Người không chút hận thù. Không kêu gọi trả thù. Người xin tha cho những kẻ đóng đinh Người vào Thập giá, và biện minh cho họ: ‘Họ không biết việc mình làm’.

Đề tài về sự ‘không biết’ đã được thánh Phêrô nói đến trong bài giảng được Tông đồ công vụ thuật lại. Khởi đầu, thánh Phêrô nhắc cho đám đông quy tụ sau việc chữa lành một người què ở hành lang Salômon nhớ họ ‘đã chối bỏ Ðấng Thánh và Ðấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một tên sát nhân, đã được ban cho họ (Cv 3, 14). ‘Anh em đã giết Ðấng ban sự sống, nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết’ (Cv 3, 15). Sau những lời nhắc nhở đau đớn, vốn là một phần trong bài giảng Ngũ tuần của ngài, đã khiến những người nghe như đứt từng khúc ruột (x. Cv 2, 37), ngài nói tiếp: ‘Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em’ (Cv 3, 17).

Đề tài về sự ‘không biết’ một lần nữa lại xuất hiện trong một suy tư mang tính tự thuật của thánh Phaolô. Ngài hồi tưởng: ‘Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và xử sự ngạo ngược’ đối với Chúa Giêsu’, rồi kể tiếp: ‘nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin’ (1 Tm 1, 13). Đúng như những gì tự nói về mình, thánh Phaolô quả là một môn đệ hoàn hảo của Lề luật mà ngài am hiểu và sống theo Kinh Thánh. Ngài theo học những bậc thầy xuất sắc, đồng thời có lý khi nói mình thực sự là một người am hiểu Kinh Thánh, nhưng khi nhìn lại, đã phải nhìn nhận mình là người không biết. Điều không biết nhất của ngài là: điều gì đã cứu thoát ngài và chuẩn bị cho ngài đi đến hoán cải và được tha thứ. Sự kết hợp giữa việc hiểu biết uyên thâm và sự không biết gì cả này chắc chắn khiến chúng ta hết sức băn khoăn. Nó cho thấy toàn bộ vấn đề về sự hiểu biết, nếu chỉ quy lại trong tự mãn, sẽ không đưa đến bản thân Sự Thật, chính Sự Thật này mới có thể làm biến đổi con người.

Trong câu chuyện những nhà thông thái đến từ phương Đông, chúng ta lại gặp sự kết hợp như thế giữa tri thức và không nhận thức được. Các thượng tế và kinh sư biết đích xác nơi Đấng Mêsia sinh ra nhưng họ không nhìn nhận Người. Cho nên, dù có hiểu biết, họ vẫn mù lòa (x. Mt 2, 4-6).

Cho nên sự pha trộn giữa hiểu biết và không hiểu biết, giữa am tường và chẳng biết gì cả, vẫn xảy ra trong mọi giai đoạn lịch sử. Vì thế, những gì Chúa Giêsu nói về sự không hiểu biết, và các ví dụ có thể tìm thấy trong nhiều đoạn Kinh Thánh, nhất định đang gợi lên mối bất an khi xem xét những gì đang đặt ra cho ngày hôm nay. Có đúng chúng ta là những kẻ mù lòa đối với tri thức chăng? Hẳn không phải vì sự hiểu biết của mình mà chúng ta không thể nhìn nhận được bản thân sự Thật? Chúng ta không chùn bước trước nỗi đau vì sự Thật đứt ruột được Phêrô nói đến trong bài giảng ngày lễ Ngũ tuần chăng? Sự không biết làm cho tội lỗi được nhẹ đi và mở đường đưa đến hoán cải. Nhưng không chỉ bỏ qua lỗi lầm mà thôi, nó lại còn cho thấy sự yếu đuối của cõi lòng đang cưỡng lại lời kêu gọi của sự Thật. Hơn nữa, mọi thời, mọi người đều thấy được nâng đỡ, vì trong cả hai trường hợp, hoặc đơn sơ không biết (binh lính thi hành án) và cả những người biết (những kẻ đã kết án Chúa Giêsu), Chúa cũng lấy sự không biết của họ làm lý do để đưa ra lời cầu xin Chúa Cha tha thứ, bởi Người thấy sự tha thứ là cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào hoán cải”.[5]

Đoạn trích trên, và những đoạn được dẫn dưới đây về quan điểm nghệ thuật của Đức Bênêđictô XVI, mang ý nghĩa và vai trò trước tiên là truyền đến độc giả/cử tọa/tín hữu những suy tư giáo lý và thần học, kết tinh từ xác tín của tác giả về Đức Giêsu, vị Thiên Chúa làm người. Tiếp đến, tiếp cận từ một góc độ khác, có thể coi đây là những chia sẻ của tác giả về nghệ thuật, về một vẻ đẹp làm xao lòng nghệ sĩ và nhân gian: sự tha thứ cao cả và nỗi xót xa trước mọi cảnh mù tối của con người.

Sự tha thứ, miễn chấp, quên mọi xúc phạm, tổn thương, và thiệt hại người khác gây ra cho mình, là một hành vi cao cả nhất của thần thánh và con người. Thần thánh tha thứ cho con người đã xúc phạm thần thánh. Con người tha thứ cho kẻ xâm hại mình. Văn chương nghệ thuật xưa nay không ít tác phẩm tỏ niềm ngưỡng mộ, tán dương hành vi cao đẹp đó.

Haydn soạn nhạc phẩm bất hủ Bảy Lời sau cùng trên Thập giá của Đấng Cứu chuộc cũng vì lẽ đó. Cái lẽ xúc động vì những hành vi cao cả của con người, mà khởi đầu là hành động tha thứ. Sự tha thứ của con người vô tội bị hàm oan. Người yêu thương lại hứng chịu đòn thù. Người chữa lành mọi vết thương bị đánh đập tơi tả. Người thanh sạch lại bị lột trần trụi, chịu sỉ vả, mắng nhiếc. Người có thể khiến đạo binh trên trời xuống cứu và trả đũa những kẻ gây họa, nhưng lại chọn con đường tha thứ. Người ấy chính là Đức Giêsu, thân xác lúc này tột cùng đau đớn vì những chiếc đinh đóng chặt vào thập giá, hướng lên trời cao xin Đấng Toàn năng tha cho kẻ hãm hại mình. Hành vi cao cả ấy được thực hiện ngay khi lý hình vừa hoàn tất việc đóng đinh. Tội ác và bất công còn nguyên chứng cứ. Và cũng còn nguyên lý do trả đũa và khả năng báo thù, nhưng Giêsu đã không hành động theo thói thường của trần gian

Đức Giêsu đã cầu xin Chúa Trời tha thứ, đừng báo thù và trừng trị kẻ gây ác.

Lời cầu xin ấy có lẽ đã thúc đẩy Haydn chọn cung Si giáng, tiết tấu Largo để soạn khúc Sonata I: Pater, dimitte illis, quia nesciunt, quid faciunt (Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc mình đang làm), như muốn lời nói ấy chậm rãi và trang nghiêm (tiết tấu Largo) thấm vào lòng người.

Vâng, lòng người phải thấm cái lẽ cao cả trong Lời cầu xin Đấng Tối cao mở lòng tha thứ và mở ra khả năng cho kẻ gây ác hồi tâm, hoán cải. Chính nghệ thuật sẽ là con đường dẫn thấm vào lòng người vẻ đẹp của sự tha thứ.

Tiếp nối Haydn, tên tuổi lớn của âm nhạc cuối thế kỷ XVIII, phải chăng là Victor Hugo, tên tuổi lớn của văn chương trong thế kỷ sau.

Victor Hugo (1802-1888), nhà văn Pháp, người mở đầu nghệ thuật lãng mạn châu Âu, tiếp nối trào lưu cổ điển phương Tây với tên tuổi Haydn tiêu biểu trong lĩnh vực âm nhạc. Hugo, bằng nghệ thuật văn chương, đã tiếp nối Haydn nhạc sĩ về cảm hứng tha thứ. Tha thứ trở thành nguồn cảm hứng thẩm mỹ cho V. Hugo sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm bất hủ của ông như Les Misérables, Quatrevingt-treize, Notre-Dame de Paris, Les Rayons et les Ombres… thấm đẫm cảm hứng này.

Một trong những nhân vật do V. Hugo xây dựng, thể hiện những tinh túy của cảm hứng thẩm mỹ về sự tha thứ, đó là nhân vật giám mục Myriel.

Giám mục Myriel đã nhận lấy sứ điệp yêu thương và tha thứ  từ Thiên Chúa, rồi trao lại cho Jean Valjean. Jean Valjean trao cho Fantine sứ điệp yêu thương, cho Javert sứ điệp tha thứ. Những cuộc chuyển giao sứ điệp không bằng lời nói mà bằng hành động. Hành động tha thứ, cứu vớt và hy sinh cho con người. Bộ tiểu thuyết Les misérables dày gần 3000 trang là một trần thuật đầy cảm hứng lãng mạn về những hành động không mệt mỏi, ngừng nghỉ của Jean Valjean nhằm cứu những ai đang gặp lúc khốn cùng, những cảnh ngộ bế tắc, những hoạn nạn: Fantine, Cosette, Fauchelevent, Marius, và cả Javert, khi trao cho con người này sứ điệp về sự tha thứ, đáp lại thứ hận thù vốn được Javert coi như biểu lộ mẫu mực của sự mẫn cán viên chức.

Tha thứ, đối với V. Hugo, chính là tinh hoa và vẻ sáng rực rỡ nhất của phẩm chất nhân văn, tiêu điểm V. Hugo muốn nhắm đến khi phấn đấu cho chủ nghĩa nhân đạo.    

Và ông quyết truyền cho con người thời đại mình niềm xác tín theo đuổi con đường yêu thương và tha thứ.

Quả thật, sức hút của các tác phẩm văn chương Victor Hugo đã vượt khỏi giới hạn thời gian và địa lý. Tạo nên sức hút đó chính là những thông điệp đầy xác tín về yêu thương, trong đó gây sửng sốt và hấp dẫn nhất là thông điệp về tha thứ, được thể hiện bằng các hình tượng được xây dựng bằng thủ pháp tương phản và ngôn ngữ đầy chất thơ, nhờ đó truyền đi niềm đồng cảm đối với “những người khốn khổ”, có sức lan tỏa và thấm sâu, bất hủ.

Trở lại với suy gẫm của Bênêđictô XVI về Lời cuối cùng thứ nhất của Chúa Giêsu.

Trong lời này, cùng với sự tha thứ, là nỗi thấu hiểu về tình cảnh “không biết” của con người. Sở dĩ tha thứ và cầu xin Cha tha thứ, vì Chúa Giêsu biết những kẻ tra tay hãm hại Người đều là những kẻ “không biết việc mình làm”, từ đám “dân binh” trang bị gậy gộc, các binh lính thuộc lực lượng vũ trang trực tiếp hành hạ và buông lời nhạo báng Người, cho đến những người tham gia Công nghị luận tội và kết án.

Đọc các sách Phúc âm thuật về diễn tiến biến cố xét xử, kết tội và hành hình Chúa Giêsu, không ai lại không bị hút vào những nhân vật “cố tình” sát hại hiền nhân Giêsu, “cố ý” đẩy bậc chính trực này đến chỗ chết. Bởi những lời nói, hành động và quyết định của họ -các thượng tế, kinh sư, rồi Caipha- đã cho thấy họ tìm mọi cách giết Chúa Giêsu. Họ là những kẻ biết mình đang làm gì, và biết rõ số phận của Giêsu sẽ phải kết thúc ra sao. Bị hút vào những nhân vật này, có lẽ người đọc muốn nhận rõ dung mạo của kẻ ác, cái ác, dung mạo của những kẻ dùng hết khả năng của trí tuệ và kinh nghiệm ứng xử, thủ đoạn chính trị để ra tay triệt hạ đối thủ.

Thế nhưng, chính Chúa Giêsu, theo Đức Bênêđictô XVI, vẫn liệt họ vào số những người “không biết việc mình làm”. Vị giáo hoàng này giải thích: “Trong cả hai trường hợp, hoặc đơn sơ không biết (binh lính thi hành án) và cả những người biết (những kẻ đã kết án Chúa Giêsu), Chúa cũng lấy sự không biết của họ làm lý do để đưa ra lời cầu xin Chúa Cha tha thứ, bởi Người thấy sự tha thứ là cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào hoán cải”.

Mong muốn người được tha thứ sẽ hoán cải, đó là ước nguyện của Chúa Giêsu. Một ước nguyện xuất phát từ trái tim thương yêu. Tha thứ, nghĩa là yêu thương. Tình yêu thương cao cả nhất là mong cho người mình thương yêu được biết hoán cải sau những lỗi lầm, nghĩa là đạt đến sự “nhận biết”. Nhận biết đúng-sai, thật-ảo, chính-tà. Nhận biết để trở về. Về với cái đúng, cái thật, cái chính trực.

Không có tha thứ, không có con đường dẫn đến hoán cải. Và ngược lại, con đường duy nhất để được tha thứ, chính là hoán cải.

Vì thế, tha thứ vốn đẹp lại càng đẹp hơn, bởi tha thứ chính là “cánh cửa mở ra cho chúng ta bước vào hoán cải”. Đức Bênêđictô XVI không chỉ đưa ra lời mời gọi tín hữu sống đức Tin, mà còn gợi mở cho người nghệ sĩ sáng tạo hãy chú tâm vào cái Đẹp cao cả nơi phẩm chất nhân văn con người được cứu chuộc. Đó là cái Đẹp của sự hoán cải. Hoán cải, nghĩa là trở về với con người được Thiên Chúa tạo dựng, thuở còn sống trong vườn Địa đàng. Thuở ấy, con người biết vâng phục cái đúng, cái thật, cái chính trực.

Victor Hugo, trong Les Misérables, thể hiện cảm hứng sáng tác trong chiều hướng đó. Hai nhân vật lý tưởng trong tác phẩm, Myriel và Jean Vajean, là hai sắc màu chói lọi trong cầu vồng cảm hứng nhân văn của V. Hugo. Một Myriel tha thứ và một Jean Valjean hoán cải. Hai nhân vật như một cặp song sinh, để truyền đi cảm hứng tha thứ và hoán cải, những tiền đề cần thiết để hiểu đúng và sống đúng, từ đó kiến tạo một thế giới đẹp, trong đó yêu thương trở thành mệnh lệnh cho mọi hành động của con người.

Văn học Việt Nam thời đổi mới (trong hai thập niên cuối thế kỷ XX) đã bắt đầu khôi phục cảm hứng về cái Đẹp cao cả đã từng bị quên lãng và phủ nhận. Đó là cảm hứng về cái Đẹp của tha thứ và hoán cải.

Muốn vậy, trước hết, phải nói lời chia tay với loại “nghệ thuật” tuyên truyền lòng căm hận và ý chí báo thù, một mảng trong “nền văn nghệ minh họa” (chữ của nhà văn Nguyễn Minh Châu, lần đầu xuất hiện trên báo Văn Nghệ năm 1987). Tiếp đến, nhiều nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ, Bảo Ninh, Nguyễn Khải, Nguyễn Duy… qua các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học, thơ…  đã mở mũi xung kích, đột phá tiến vào chân trời mới. Tiếng là chân trời mới, đổi mới, kỳ thực, là trở về với cái hồn hậu, chất phác, nguyên sơ của cái Đẹp nhân văn: lòng nhân ái, sự thương yêu, hòa giải, và nhất là tha thứ và sám hối.

Trong hai thập niên cuối thế kỷ XX, độc giả văn học và khán giả sân khấu không quay lưng lại với thế giới nghệ thuật. Khán giả tìm đến sân khấu, không chỉ để xem diễn kịch Lưu Quang Vũ, mà còn nhìn vào lòng mình, tự hỏi: thật và giả ở đâu nơi con người Trương Ba, khi ông ta phải sống trong một thân xác khác (kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt). Độc giả đọc truyện ngắn Không có vua của Nguyễn Huy Thiệp, bất giác băn khoăn: trong một thế giới đầy dục vọng và độc tôn quyền lực (một gia đình gồm toàn đàn ông), đâu là điều sẽ mang lại êm ấm, hòa thuận, chấm dứt xung đột và bất hòa? Tác phẩm đem lại câu trả lời: đó là người không quyền lực (người con dâu, biểu tượng của tầng lớp bị trị) với sức mạnh là sự tha thứ (tha thứ cho bố chồng, nhẫn nhục và yêu thương chồng và các người em trai của chồng).

Những thông điệp của nghệ thuật Việt Nam cuối thế kỷ XX, nổi bật là văn học, đã gợi ra tia hy vọng cho đời sống tinh thần. Hy vọng đời sống văn học nghệ thuật sẽ khôi phục những giá trị tưởng chừng đã bị vùi lấp. Trong đó, có sự khôi phục cảm hứng về lòng thương yêu và tha thứ, mở đường cho cuộc hoán cải. Sự hoán cải không chỉ dành cho mỗi cá nhân mà còn gọi mời cả xã hội. Không trừ một ai. Không trừ một tầng lớp nào.

Nghệ thuật là tiếng nói về niềm hy vọng được trở về vườn Địa đàng xưa

“Hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng”

Haydn viết khúc Sonata II trong nhạc phẩm Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze (Bảy Lời sau cùng trên Thập giá của Đấng Cứu chuộc), thể hiện Lời thứ hai của Chúa Giêsu nói với “người trộm lành” cùng chịu đóng đinh: “Hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng”.

Chúa Giêsu nói những lời này sau khi nghe hết những gì hai kẻ trộm cùng chịu đóng đinh thập giá nói với nhau. Kẻ trộm dữ thách thức Chúa Giêsu: “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi nữa!”. Nghe vậy, người trộm lành mắng lại tên kia: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Ðức Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”.

Haydn thể hiện khúc Sonata II bằng cung Đô thứ và kết thúc bằng Đô trưởng, với tiết tấu Grave e Cantabile (Trang nghiêm và Du dương).

Đức Bênêđictô XVI thưởng thức khúc nhạc này của Haydn, và đồng cảm trước sự thể hiện bằng nghệ thuật thanh âm và tiết tấu của người nghệ sĩ âm nhạc. Phần ngài, đã từng diễn giải Lời thứ hai này trong Đức Giêsu Nazareth:

“Chúa Giêsu đã đáp lại hơn cả những gì anh ta (người trộm lành) xin. Không nói về một tương lai mơ hồ, mà khẳng định ngay hôm nay: ‘Hôm nay anh sẽ được ở với Tôi trên thiên đàng’(Lc, 23, 43). Câu nói chứa đựng cả một mầu nhiệm, nhưng cho chúng ta thấy một điều chắc chắn: Chúa Giêsu biết rõ Người sẽ bước thẳng vào sự thông hiệp với Chúa Cha, nên lời hứa ‘Thiên Đàng’ là điều Người có thể mang lại ngay ‘hôm nay’. Người biết mình đang đưa nhân loại trở về vườn Địa đàng, nơi con người đã từng sa ngã, tiến vào sự hiệp thông với Thiên Chúa là sự giải thoát đích thực của con người.

Bởi thế, truyền thống mộ đạo của Kitô giáo đã coi người trộm lành là hình ảnh của niềm hy vọng, một hình ảnh mang lại sự ủy lạo vững chắc rằng lòng thương xót của Thiên Chúa có thể đến với chúng ta vào những giây phút cuối cùng, ngay cả sau một đời lầm lạc, việc nài van Chúa ban ơn cứu giúp cũng không vô ích. Vì thế, bài Thánh thi Dies Irae[6]cầu nguyện rằng: ‘Qui… latronem exaudisti, mihi quoque spem dedisti’ (Vì Chúa đã đoái nghe người trộm lành, xin ban cho con được niềm hy vọng ấy)”[7].

Có lẽ cảm hứng về niềm hy vọng bất ngờ đến với người trộm lành vào những giây phút cuối cùng, sau “một cuộc đời lầm lạc”, nên Haydn đã chọn cung Đô trưởng kết thúc Sonata II, gieo vào lòng thính giả niềm xúc động thẩm mỹ về cái Đẹp của niềm hy vọng lớn lao, bất ngờ, chắc chắn. Một niềm hy vọng giúp người trộm lành chịu đựng nỗi đau đớn thập giá. Và nhìn thấy cuộc đời mình dù kết thúc nhưng sẽ bước vào một sự sống mới. Ngay hôm nay. Cùng với Chúa Giêsu.

Một trong các chức năng của nghệ thuật là khơi niềm hy vọng cho con người. Con người đến với nghệ thuật, đến với âm nhạc, thi ca, truyện, kịch nghệ, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, điện ảnh, vũ đạo… để sáng tạo và thưởng thức cái Đẹp cũng vì mong được khơi niềm hy vọng. Để sống. Để biết mình còn có tương lai. Cũng để tin mọi sai lầm sẽ được nhận ra và sửa chữa. Và tin chắc mọi giá trị đích thực sẽ không bị phủ nhận, chịu đóng đinh. Đó là niềm hy vọng đích thực. Không phải ảo vọng. Những ảo vọng chỉ đánh lừa con người, khi mang lại một tương lai không không có chỗ cho Chân-Thiện-Mỹ đích thực. Trong tương lai do ảo vọng thiết kế, con người không thể đi tìm để nhận ra có một chiều sâu “sâu hơn bản thân mình” (interior intimo meo), như thánh Augustinô nói, do đó trong cái thế giới ảo tưởng do con người phác họa, chỉ có hình bóng người, chứ không có trọn vẹn người.

Nhà văn Alekxandre Solzhenitsyn[8], trong bài phát biểu được gửi đến buổi lễ trao Giải thưởng Nobel văn chương 1971 (ông không đến dự), đã đối chiếu hai loại nghệ sĩ, một của thứ “nghệ thuật” mang lại ảo tưởng và ngộ nhận, một của loại nghệ thuật khơi niềm hy vọng và xác tín vào sự hòa điệu trong cuộc sống con người, tạo vật của Chúa. Loại nghệ thuật sau là của những nghệ sĩ nhận mình là “thợ phụ việc của Thiên Chúa”:

“Có loại nghệ sĩ tự cho mình là đấng tạo hóa, dựng nên một thế giới tinh thần riêng biệt, và khoác lên người bổn phận tạo dựng trần gian, sinh ra con người cho cõi trần gian ấy, rồi đảm nhiệm hết mọi phận sự trần thế, thế nhưng, cái gánh nặng nề ấy đã đổ xuống, chỉ vì thiên tài của người nghệ sĩ thật hữu hạn (có số phận phải chết) không thể nào mang nổi gánh nặng dường ấy. Nói chung, kẻ nào coi mình là trung tâm của thế giới sự sống này, sẽ chẳng bao giờ thành công trong việc tạo ra được một hệ tinh thần quân bình. Khi thất bại xảy đến, kẻ ấy liền đổ thừa cho trần thế này vốn triền miên lộn xộn, cho sự phức tạp của lòng người ngày nay đã bị suy sụp, hoặc cho công chúng vốn tối dạ.

Còn loại nghệ sĩ khác thì nhìn nhận bên trên mình có một quyền năng cao cả, nên vui mừng được giữ một chân thợ phụ khiêm hạ dưới bầu trời của Chúa, cho nên, việc anh ta thực thi trách nhiệm của mình đối với mọi sự, đó là viết văn, vẽ tranh, và trách nhiệm đối với những tâm hồn nhận thức được công việc của anh ta, thì người thợ phụ ấy thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn. Vì thế, không phải anh ta tạo nên thế giới này, cũng chẳng cai quản nó, chẳng nghi ngờ gì về nền móng dựng nên thế giới ấy, mà chỉ là biết mình có được nhận thức sâu sắc hơn người khác về sự hòa điệu của thế giới, về cái Đẹp và cái Xấu mà con người đã đem vào cho thế giới, và biết mình có thể truyền đạt được điều đó cho người đồng loại. Và khi thất bại, kể cả nơi vực thẳm cuộc sống -cảnh bần cùng, tù ngục, ốm đau- người nghệ sĩ này vẫn cảm thấy sự hòa điệu vững bền chẳng bao giờ lìa bỏ mình”[9].

Solzhenitsyn đã đúc kết một cách sâu sắc hai loại nghệ sĩ muôn thuở trong thế giới con người, và cùng với họ là hai xu hướng sáng tác đối nghịch nhau, mang lại cho thế giới văn chương-nghệ thuật những tác phẩm thể hiện hai nét tương phản nơi chân dung con người. Một, con người theo đuổi niềm “hy vọng” vào một thế giới do mình kiến tạo và tin mình là Tạo hóa của thế giới ấy, cái thế giới không có và cũng chẳng cần phải có một Tạo hóa nào ngoài con người, như một người làm thơ ở Việt Nam từng viết: “Bàn tay ta làm nên tất cả”. Và một, chân dung của những con người biết rằng còn có một “lẽ biết” cao hơn và sâu hơn bản thân mình. Cái “lẽ biết” ấy con người phải hạ mình xuống để lắng nghe tiếng nói của nó vẫn âm thầm diễn ra, tác động, điều khiến vận mệnh của mình, từ đó con người thấy mình cần tự điều chỉnh, sao cho nhịp nhàng, đừng lỗi điệu, chống lại bản hòa tấu của vũ trụ sự sống. Bản hòa tấu vô hình và vĩnh cửu ấy được nhà văn Nguyễn Khải gọi là “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được” (truyện ngắn Một người Hà Nội). Nhà văn không gọi tên, giải thích cái lẽ “thiên địa tuần hoàn”, “cái vào ra của tạo vật”, nhưng qua nhân vật bà Hiền, một người Hà Nội, với những trải nghiệm của bà qua hai hoàn cảnh (trước và sau 1954, một thời điểm lịch sử đáng nhớ của Hà Nội thời hiện đại) cũng đã ngầm gợi lên sự tôn trọng cần thiết con người cần phải có đối với “Lẽ huyền nhiệm”, “Đấng Tạo hóa”, tuy vô hình nhưng vẫn  hiện diện trong mọi biến cố nhân gian.

Suy gẫm của Đức Bênêđictô XVI về Lời sau cùng thứ hai trên thập giá của Chúa Giêsu phải chăng cũng là một thông điệp gửi đến người sáng tác: Hãy sáng tạo nghệ thuật để truyền đi niềm hy vọng vào sự cứu chuộc. Sự cứu chuộc sẽ đến với những ai, như tên trộm bị lãnh án tử hình kia, kẻ đã rớt xuống đáy vực của một cuộc đời lầm lỗi, nhưng biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình và nhận ra Đức Giêsu là con người chính trực, không chút tì vết, đầy lòng nhân hậu, thương yêu: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái”.

Nghệ thuật phải là tiếng nói gợi lên niềm hy vọng đó. Một niềm hy vọng được xây dựng từ xác tín: Thiên Chúa đã làm người, để cùng con người kiến tạo trần gian này thành vườn Địa đàng xưa.

Đó là vườn Địa đàng đích thực và không ở cõi nào xa xôi. Vườn Địa đàng có Thiên Chúa ở giữa con người. Vườn Địa đàng với con người đón nhận Thiên Chúa cùng đi với mình trong hành trình cuộc sống.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 87 (Tháng 3 & 4 năm 2015)



[1] Trích từ quyển “Bênêđictô XVI & Nghệ thuật” của Khổng Thành Ngọc.

[2] Hoàng gia Tây Ban Nha đã đặt Haydn soạn nhạc phẩm này.

[3] Có ý nói đến Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh tại nhà thờ Santa Cueve, Tây Ban Nha. Tại đây tác phẩm Die sieben letzten Worte unseres Erlösers am Kreuze (Bảy Lời sau cùng trên Thập giá của Đấng Cứu chuộc) được công diễn lần đầu tiên vào năm 1783.

[4] Bênêđictô XVI, Phát biểu tại buổi Hòa nhạc mừng lễ Thánh Giuse, bổn mạng, 19-03-2010 (dịch từ bản tiếng Anh tại vatican.va)

[5] Dịch từ bản tiếng Anh: Benedict XVI, Jesus of Nazareth (volume II), Ignatius, San Francisco, 2011,  207-208

[6] Bài ca tiếp liên trong Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời (2-11) và Thánh lễ An táng. Sau Công đồng Vatican II, không sử dụng Thánh thi này trong Thánh lễ nữa, chỉ còn dùng trong một số Giờ kinh Phụng vụ.

[7] Dịch từ bản tiếng Anh: Benedict XVI, Jesus of Nazareth (volume II), Ignatius, San Francisco, 2011,  212-213

[8]Nhà văn Nga (1918-2008), được trao giải Nobel Văn chương năm 1971. Một số tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam: Một ngày trong đời của Ivan Denisovich (Sài Gòn, 1970), Quần đảo ngục tù, (Sài Gòn, 1974), Ngôi nhà của Matriona (trong Các nhà văn Nga giải Nobel), (Hà Nội, 2007).

[9] Dịch từ bản tiếng Anh, tại cổng thông tin điện tử của Ủy ban Giải thưởng Nobel: http://nobelprize.org/literature/laureates/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét